Tin Bangladesh: Ông Yunus trở về Bangladesh lãnh đạo chính phủ lâm thời sau khi thủ tướng bỏ chạy 


08/08/2024 

Reuters 

Phạm Phú Khải  – Sinh viên Bangladesh làm nên lịch sử 

07/08/2024 

Muhammad Yunus đã về nước để lãnh đạo chính phủ lâm thời Bangladesh

Muhammad Yunus đã về nước để lãnh đạo chính phủ lâm thời Bangladesh 

Người đoạt giải Nobel Hòa bình Muhammad Yunus hôm 8/8 đã về nước để lãnh đạo chính phủ lâm thời mới ở Bangladesh sau nhiều tuần diễn ra biểu tình hỗn loạn của sinh viên khiến Thủ tướng Sheikh Hasina phải từ chức và bỏ chạy sang nước láng giềng Ấn Độ.

Vốn là tiếng nói chỉ trích gay gắt Thủ tướng Hasina, ông Yunus, 84 tuổi, đang đi chữa bệnh ở Paris đã về đến thủ đô Dhaka sau khi người biểu tình ủng hộ ông giữ vai trò trong chính phủ có nhiệm vụ tổ chức bầu cử để tìm nhà lãnh đạo mới cho đất nước.

“Đất nước này có khả năng trở thành một quốc gia rất đẹp,” kinh tế gia này nói với các phóng viên tại sân bay, nơi ông được các sĩ quan quân đội cấp cao và các lãnh đạo sinh viên chào đón.

Các sinh viên biểu tình đã cứu đất nước và sự tự do cần phải được bảo vệ, ông cho biết và nói thêm: “Cho dù là con đường nào mà các sinh viên của chúng ta chỉ ra, chúng ta sẽ tiến lên trên con đường đó.”

“Chúng ta đã chấm dứt những khả năng đó, giờ đây một lần nữa chúng ta phải vươn lên. Đối với các quan chức chính phủ ở đây và các tướng lĩnh quốc phòng – chúng ta là một gia đình, chúng ta nên cùng nhau tiến lên.”

Ông Yunus sẽ tuyên thệ nhậm chức trưởng nhóm cố vấn vào lúc 14:30 GMT tại dinh thự chính thức của Tổng thống Mohammed Shahabuddin.

Đảng Liên đoàn Awami của bà Hasina không tham gia chính phủ lâm thời sau khi bà từ chức hôm 5/8 sau nhiều tuần bạo lực khiến cho khoảng 300 người chết và hàng ngàn người bị thương.

Trên Facebook, ông Sajeeb Wazed Joy, con trai bà, cho biết đảng này không bỏ cuộc và sẵn sàng đàm phán với các đối thủ và chính phủ lâm thời.

“Tôi đã nói rằng gia đình tôi sẽ không tham gia chính trị nữa nhưng trước việc các lãnh đạo đảng và nhân viên chúng tôi đang bị tấn công, chúng tôi không thể từ bỏ,” ông nói hôm 7/8.

Ông Yunus, vốn được biết đến như là ‘ngân hàng cho người nghèo’, đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2006 vì đã thành lập một ngân hàng tiên phong trong cuộc chiến chống đói nghèo thông qua các khoản vay nhỏ cho những người nghèo khổ cần vốn.

Việc bà Hasina bỏ chạy khỏi đất nước mà bà đã lãnh đạo đến 20 năm trong vòng 30 năm qua sau khi giành nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp hồi tháng 1 đã dẫn đến các cuộc biểu tình có khi biến thành bạo động khi đám đông xông vào dinh thự của bà cướp phá.

Bà đang ẩn náu tại một căn cứ không quân gần thủ đô New Delhi của Ấn Độ, điều mà ông Yunus nói khiến một số người dân Bangladesh tức giận với Ấn Độ.

Phong trào biểu tình do sinh viên lãnh đạo đi lên từ sự phản đối hạn ngạch các công việc chính phủ vốn đã leo thang vào tháng Bảy, dẫn đến đàn áp mạnh tay khiến thế giới chỉ trích, mặc dù chính phủ Bangladesh phủ nhận sử dụng vũ lực quá mức.

Các cuộc biểu tình cũng xuất phát từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn và đàn áp chính trị trong nước

Đảng đối lập chính là Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) đã tẩy chay hai cuộc bầu cử sau khi các lãnh đạo của họ bị bắt giữ, trong khi đại dịch COVID-19 đã tàn phá nền kinh tế trị giá 450 tỷ đô la sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, gây ra lạm phát cao, thất nghiệp và dự trữ ngoại hối ít đi.

https://www.voatiengviet.com/a/ong-yunus-tro-ve-bangladesh-lanh-dao-chinh-phu-lam-thoi-sau-khi-thu-tuong-bo-chay/7734649.html

Phạm Phú Khải  – Sinh viên Bangladesh làm nên lịch sử 

07/08/2024 

Người biểu tình thuộc đảng BNP trong một cuộc tập hợp tại Dhaka ngày 7 tháng Tám, 2024.

Người biểu tình thuộc đảng BNP trong một cuộc tập hợp tại Dhaka ngày 7 tháng Tám, 2024. 

Từ khi trở thành đảng đối lập từ đầu năm 2009, Bangladesh Nationalist Party (BNP), từng tuyên bố có vài triệu đảng viên, đã làm đủ mọi hình thức, từ biểu tình ôn hoà đến bạo lực, sử dụng lá phiếu, tẩy chay bầu cử hai lần (năm 2014 và 2024), v.v… để tìm cách giành lại chính quyền từ đảng Bangladesh Awami League (BAL) do bà Sheikh Hasina lãnh đạo. Có những cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày và lên đến hàng trăm ngàn người trong thời gian qua. Nhưng thế cuộc tại Bangladesh vẫn vậy. Vậy mà trong vòng 3 tuần đấu tranh không khoan nhượng của sinh viên Bangladesh, họ đã buộc bà thủ tướng Hasina phải trốn chạy sang Ấn Độ ngày hôm qua, 5 tháng Tám.

Có thể nói không ai ngờ được kết cuộc như thế với bà Hasina. Tại sao?

Cách đây vài hôm tưởng chừng bà Hasina vẫn nắm mọi quyền lực chính trị trong tay như đã từng làm kể từ năm 2009, và không có dấu hiệu gì nhượng bộ hay bỏ chạy.

Đầu năm nay 2024, người dân Bangladesh đi bầu lại chính quyền mới. Đảng BNP tẩy chay bầu cử, ra điều kiện chính quyền phải nhường lại cho một chính quyền tạm thời (caretaker government) để không can thiệp hay thao túng kết quả bầu cử. Nhưng đảng cầm quyền BAL bao lâu nay không chấp nhận đề nghị này. Rốt cuộc phần lớn người dân cũng không đi bầu. Tỷ lệ người dân tham gia bầu cử không quá 40 phần trăm. Chính quyền Mỹ và Anh nhận xét cuộc bầu cử đầu năm nay không tự do và không công bằng (not free or fair). Dù sao đi nữa, bà Hasina vẫn tiếp tục cai trị một cách chính thức, và đại đa số đảng viên của BAL đã nằm trong quốc hội 300 thành viên này.

Mọi sự tưởng chừng như không thể thách thức nền cai trị của bà Hasina cho đến hơn một tháng qua. Đầu tháng Bảy, toàn án tối cao của Bangladesh ra án lệnh áp dụng lại mức độ 30% công việc của công chức dành cho thành viên gia đình của những người từng đấu tranh dành độc lập cho Bangladesh năm 1971. Tiêu chuẩn này đã được áp dụng từ đó cho đến năm 2018, nhưng vì bị sinh viên thời đó phản đối biểu tình nên nó đã bị đình chỉ. Nhưng rồi toà án lại quyết định cho tiêu chuẩn này tiếp tục vào tháng Bảy.

Trong hai ba năm qua, nền kinh tế của Bangladesh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid, rồi cuộc chiến Nga – Ukraine, nên tỷ lệ thất nghiệp tại Bangladesh gia tăng đáng kể. Với dân số 170 triệu người, ước đoán 32 triệu người trẻ hoặc không đi học hoặc đã ra trường nhưng chưa có việc làm. Bất bình về khả năng quản trị kinh tế của chính quyền Hasina, cộng với việc áp đặt lại tiêu chuẩn bất công này, giới sinh viên kéo nhau xuống đường biểu tình. Trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thông ngày 14 tháng Bảy, khi được hỏi về sự kiện này, bà Hasina trả lời: “Nếu con cháu của những chiến sĩ đấu tranh giành tự do không nhận được phúc lợi [quota], thì ai sẽ nhận được? Con cháu của Razakars?” Razakars là từ ám chỉ những người ủng hộ Pakistan trong cuộc chiến giành độc lập năm 1971, tức không khác gì nghĩa “phản bội”.

Câu phát biểu này đã như dầu đổ vào lửa, làm cho những sinh viên vốn không đứng về phía nào, đã nhập cuộc. Họ cảm thấy tiếng nói của họ không những được lắng nghe mà còn bị khinh miệt. Cuộc diễn hành của họ qua các trường đại học như Dhaka University đã hô to khẩu hiệu: “Bạn là ai? Tôi là Razakar”. Họ công khai tuyên chiến với bà Hasina.

Chính quyền Hasina đáp lại bằng bạo lực. Một vài sinh viên bị bắn chết, làm cho sinh viên càng phẫn nộ. Cảnh sát và đội sinh viên ủng hộ chính quyền Bangladesh Chhatra League (BCL), một chi nhánh của BAL, đã dùng vũ lực dập tắt các cuộc biểu tình. Cảnh sát làm ngơ để thành viên BCL tự tung tự tác, kể cả dùng vũ khí. Điều này làm cho giới sinh viên càng phẫn nộ hơn. Từ giữa đến gần cuối tháng Bảy, nhiều cuộc biểu tình trở thành bạo loạn hơn. Giới sinh viên chống lại chính quyền đã bị lực lượng an ninh, cảnh sát và quân đội đàn áp bằng dùng súng đạn thật.

Nhưng sinh viên đã không nhượng bộ và tiếp tục đấu tranh. Reuters cho biết có 67 người chết nội trong ngày 19 tháng Bảy, và UNICEF báo cáo có 32 trẻ em bị giết. Cuộc biểu tình tràn qua nhiều thành phố khác tại Bangladesh. Mặc dầu đòi hỏi của sinh viên đã được thoả đáp hai tuần sau, và toà án đã giảm tỷ lệ 30% xuống còn 5% dành cho cựu chiến binh và gia đình họ, giọt nước đã tràn ly. Sinh viên đòi hỏi công lý cho người bị oan và yêu cầu bà Hasina công khai xin lỗi, cách chức vài bộ trưởng, nhưng yêu cầu không thành, nên họ tiếp tục đấu tranh. Chính quyền Hasina bắt đầu áp dụng giờ giới nghiêm và tắt hẳn Internet để thắt chặt thông tin. Con số thương vong của mọi bên lên đến hơn 200 người, bị thương cả chục ngàn. Giới sinh viên lo ngại bạo lực và thương vong leo thang nên đã tạm ngưng biểu tình vào cuối tháng Bảy. Sau đó họ trở lại biểu tình ôn hòa từ ngày 29 tháng Bảy yêu cầu chính quyền điều tra những cái chết của sinh viên, và kỳ này nhắm vào bà Hasina yêu cầu từ chức một cách mạnh mẽ hơn. Họ tuyên bố quyết tâm đấu tranh cho đến khi nào bà Hasina phải từ chức. Bà Hasina không nhượng bộ, tiếp tục sử dụng mọi biện pháp trong tay để dập tắt phong trào sinh viên. Bà Hasina còn tuyên bố những người biểu tình đã trở thành kẻ khủng bố. Cuộc đối đầu leo thang, và gần 100 người bị giết chết trong cuộc đụng độ giữa biểu tình và cảnh sát vào cuối tuần qua, kể cả cảnh sát.

Giới sinh viên không nhượng bộ, kêu gọi tuần hành dài vào ngày 5 tháng Tám. Bà Hasina đáp trả tuyên bố cho phép ba ngày nghỉ. Nhưng giữa ngày thứ Hai tin tức cho hay bà đã rời khỏi Bangladesh bằng trực thăng đến Ấn Độ.

Tương lai của Bangladesh trong thời gian tới ra sao thì chưa rõ. Hiện nay bạo loạn diễn ra khắp nơi, với thành phần bất mãn chiếm lấy tư gia của bà Hasina ra sức tàn phá. Những người đối lập như Khaleda Zia và các nhà hoạt động đang dần dần được trả tự do từ các nhà tù. Cảnh sát Bangladesh đang tìm cách biện minh là họ đã bị bắt buộc phải bắn vào người biểu tình. Quân đội Bangladesh đang kiểm soát tình hình nhưng một chính quyền chuyển tiếp là ai thì chưa rõ.

Câu chuyện Hasina của Bangladesh cũng giống như câu chuyện của gia đình Rajapaksa tại Sri Lanka cách đây hai năm, năm 2022, cũng vào tháng Bảy. Nhưng điểm khác chính ở đây là sinh viên Bangladesh đã đi đầu trong cuộc đấu tranh và đã huy động được giới trẻ và nhiều thành phần xã hội khác. Cách đây hai ngày, vào ngày Chủ Nhật 4 tháng Tám đẫm máu, đâu ai ngờ được cuộc đấu tranh của sinh viên đã thay đổi một triều đại chính trị tại nước này.

https://www.voatiengviet.com/a/sinh-vien-bangladesh-lam-nen-lich-su-/7733276.html

Comments are closed.