Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh trong góc nhìn văn học


By thoisu 02 , July 26, 2022 0 Comments

July 25, 2022

GS. NGUYỄN XUÂN VINH (1930-2022)

Chủ nghĩa văn học lãng mạn lôi cuốn không biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, trong đó những sáng tác văn chương, thi ca đều tán dương ái tình, hay tình yêu. Xin hãy xem những ví dụ như:

  1. Nhà văn kiêm triết gia Albert Camus nhận xét “Không được yêu là một bất hạnh đơn giản; bất hạnh thực sự là không yêu”.
  2. Thi hào lãng mạn Charles Baudelaire thì quan niệm “Tình yêu là khao khát được thoát ra khỏi chính mình”.
  3. Triết gia Jean Jacques Rousseau cho là “Những bức thư tình bắt đầu mà không biết điều gì sẽ nói và kết thúc mà không biết điều gì đã được nói”.
  4. về quan điểm tình yêu Voltaire nhà văn và triết gia Pháp đã viết “Bạn phải biết rằng không có đất nước nào trên trái đất mà tình yêu không biến những người yêu nhau thành thi sĩ”.
  5. Stendhal một nhà văn Pháp thế kỷ 19 lập luận “Tình yêu là một bông hoa tuyệt vời, nhưng cần phải có dũng khí để tìm kiếm nó trên bờ vực của vách núi kinh hoàng”.
  6. Sau cùng nhà văn phi công Antoine de Saint-Exupéry ghi nhận “Yêu xa là không nhìn mặt nhau; là cùng nhau nhìn về cùng một hướng”.

Nhìn từ luận điểm phân tích văn học, chủ nghĩa văn học lãng mạn (romanticism) đề cao cá nhân, tự do sáng tạo, chủ trương phóng túng, không để tâm hồn bị ràng buộc trong khuôn khổ cũ. Trong tiến trình sáng tác thơ văn, sự tưởng tượng và tri giác được đề cao và ngự trị bởi cá thể. Tác gia văn học trở thành trung tâm điểm trong việc sáng tác. Các nguyên tắc về khuôn mẫu và kiến trúc đã có từ trước của thi ca bị vất bỏ để thỏa mãn nhu cầu cần thiết của bản năng tự nhiên. Ngôn ngữ thơ được viết tự do và tự nhiên không còn bị gò bó trong thể luật. Chủ nghĩa duy lý (rationalism) bị chán ghét, trong khi ngữ căn và khát vọng tiềm thức được thăng tiến trong văn chương lãng mạn. Tác phẩm là tiếng lòng được thể hiện toàn vẹn, triệt để và vô hạn bằng sự tưởng tượng và xúc động không che dấu, không bị trói buộc bởi những ước lệ luân lý của xã hội.

Thực vậy, đặc tính chung đa số những nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch thuộc chủ nghĩa lãng mạn, tâm hồn của họ thiên tạo vốn gần gũi vối bản sắc ái tình. Xét ra thi nhân Toàn Phong không ngoại lệ. Nhà văn kiêm nhà thơ Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh của những Đời Phi Công, Mắt Biếc Hồ Thu, Tìm Nhau Từ Thuở, Tình Hư Ảo, Tâm Điểm, Ly Biệt, Bâng Khuâng,…

Em yêu anh, nên anh là tâm điểm

Giữa vòng tròn hạnh phúc của đời em.

Dẫu thời gian, không gian hoài biến chuyển,

Qũy tích này vẫn mãi chỉ chờ anh.

(Tâm Điểm, Nguyễn Xuân Vinh)

hay

Trời về khuya, bóng hình ai thương nhớ,

Muốn quên đi, vì gic mộng không thành.

Vẽ cho cùng, không trọn trái tim anh,

Em đành đem chuyện chúng mình cất lại.

(Bâng Khuâng, Nguyễn Xuân Vinh).

Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật – Tiếng Thời Gian đang ấn hành, hay tái bản cho ông sách Theo Ánh Tinh Cầu. GS. Vinh vốn quý Theo Ánh Tinh Cầu, và Mộng Viễn Phương. Loại sách như L’Aviateur (Người phi công), danh tác của Saint-Exupéry, Courrier Sud (Chuyến thư miền Nam), Vol de Nuit (Bay đêm), Terre des Hommes, (Cõi người ta ), Pilote de Guerre (Phi công thời chiến) hay Le Petit Prince (Hoàng tử bé), những tác phẩm về phi công hay nghiệp bay, điểm chung của hai nhà văn phi công Antoine de Saint-Exupéry và của nhà văn phi công Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh.

GS. Nguyễn Xuân Vinh đã viết: “Trong nền văn học thế giới, kể cả Việt Nam, có những tác phẩm mà người đọc, sau khi bỏ sách xuống đã bâng khuâng tự hỏi phải chăng đây là việc thật xảy ra với những người thật”. Đọc Les Miserables của Victor Hugo người ta như sống với những nhân vật trong truyện. Trong những tác phẩm thật chọn lọc của Tự Lực Văn Đoàn, khi đọc Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng ta cũng có thể nghĩ chú tiểu Lan là mẫu người có thực. “Theo tôi nghĩ thì nhà văn khi tạo dựng một tác phẩm, nếu tả đúng tâm lý của những nhân vật trong truyện và trong một khung cảnh hiện thực thì đó là bí quyết để thành công khi viết sách để cho người đọc như đang theo dõi một câu chuyện đời có thực. Trường hợp tôi viết “Đời phi công” cũng như vậy, tôi cố tạo ra những hình ảnh đẹp là mẫu mực của thanh niên ở thế hệ tôi. Nhiều thanh niên học sinh đọc sách đã thầm ước mình là người trong truyện.”

Mạn đàm về văn học

Trong buổi mạn đàm về văn học cùng nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh và phóng viên Nhã Lan, GS. Nguyễn Xuân Vinh kể về sự hình thành 2 cuốn tiểu thuyết Đời Phi Công và Tìm Nhau Từ Thuở như sau:

“Khi viết xong cuốn truyện này, vào thời khoảng 1960, gồm có nhiều bức thư kể đời sống của một chiến sĩ Không Quân, từ lúc bắt đầu là một sinh viên sĩ quan cho đến lúc thi hành nhửng phi vụ hành quân ở đơn vị, thì tôi đã là người chịu trách nhiệm tổ chức và bành trướng Không Quân Việt Nam, và nghĩ rằng mình đã theo binh nghiệp thì sẽ đi suốt chặng đường…. Về văn học, thời niên thiếu tôi học theo chương trình Pháp. Vốn liếng nho học, tôi chịu ảnh hưởng của ông ngoại, và ngoài ra tôi chịu khó đọc sách tiếng Việt và tìm hiểu về lịch sử nước nhà nên dĩ nhiên là được thấm nhuần cả hai nền văn hóa Đông và Tây. Tôi đã đọc hầu hết những tác phẩm nổi tiếng viết bằng tiếng Việt. Về sách tiếng Pháp tôi thường tìm đọc những tác phẩm của Alphonse Daudet, Emile Zola và Victor Hugo. Tuy vậy tôi không nghĩ rằng văn phong của tôi chịu ảnh hưởng của một tác giả nào vì tôi chỉ viết khi có hứng khởi theo ý nghĩ của riêng mình. Có người đã phê bình rằng cuốn Đời Phi Công tôi viết chịu ảnh hưởng của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry. Điều này đã được nhà văn Việt Hải phản bác lại là cuốn sách của tôi không có gì giống với những tác phẩm của nhà văn người Pháp ngoài chuyện là hai người cùng nặng nghiệp bay.

Nhà văn Việt Hải còn nói rằng là ông Saint-Exupéry viết chuyện người phi công phải vật lộn với mưa gió bão bùng trên trời và tôi nói chuyện về tình người ở trên quê hương Việt Nam, thì như vậy có gì liên hệ tới nhau. Vả chăng có sự việc không mấy người biết là tuy sách tôi viết bằng tiếng Việt nhưng vào năm 1961 đã được giới thiệu trên nhật báo Pháp văn “Le Journal d’Extrême-Orient”. Tôi cũng đã dịch một chương của cuốn truyện sang Anh ngữ và đăng trên Empire Magazine là tuần báo ra ngày chủ nhật của Denver Post là tờ báo lớn nhất ở miền Trung Hoa Kỳ. Bài dịch này, đề là “The Eagle’s Wings” đã được họa sĩ Patrick Oliphant, vẽ hình trình bầy. Ông là người nổi tiếng thường có hình biếm họa đăng trên The Washington Post và sau đó được giải Pullitzer vào năm 1967.

Năm 1984 tôi đã là người gốc Á châu đầu tiên được bầu vào Académie Nationale de l’Air et de l’Espace của Pháp. Hàn Lâm Viện này không phải chỉ gồm toàn những kỹ sư và khoa học gia về hàng không và không gian mà còn có nhửng danh nhân về văn học như Pierre Closterman, phi công anh hùng Đệ Nhị Thế Chiến và là tác giả những cuốn sách nổi tiếng như Le Grand Cirque, Flames in The Sky, …, hay ông Michel Debré, giáo sư Luật khoa, nhà văn và cũng là cựu thủ tướng Pháp, …. Những người này khi bỏ phiếu bầu cho tôi tất nhiên đã đọc những tài liệu tôi viết bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp mà ủy ban tuyển chọn đã thâu thập được và họ là những người xứng đáng nhất để có thẩm quyền nhận xét về giá trị văn học và khoa học và hiểu biết kỹ thuật về hàng không của tôi. Tất nhiên những người này không ai nghĩ là tôi đã dựa vào một tác phẩm nào để viết cuốn sách đầu tay của mình….

Tác giả Nguyễn Xuân Vinh viết về tác phẩm Tìm Nhau Từ Thuở:

“Cuốn sách này tôi viết ba năm mới xong gồm 14 chương. Tuy diễn tiến của cuộc tình theo với thời gian đã được giàn trải trước nhưng có khi vài tuần lễ tôi mới viết được một đoạn như là một câu truyện ngắn nói về liên hệ giữa hai người. Chẳng hạn trong một chương sách có tiêu đề là Thiên Nga tôi chỉ kể câu chuyện nhân dịp lễ Valentine anh chàng Phong tìm mua được một con thiên nga bằng pha lê để gửi kịp ngày 14 tháng 2 cho cô bé mang ra trường khoe với lũ bạn luôn luôn tọc mạch. Bài viết cũng khá dài gồm nhiều chi tiết làm người đọc thấy thích thú. Mỗi chương sách tôi thường viết một mạch không cần sửa chữa hay thêm bớt. Trong khoảng thời gian đó tôi tưởng tượng mình như có liên hệ với những người trong truyện nên có độc giả đã nghĩ rằng tôi kể chuyện đời mình.”

Về Tìm Nhau Từ Thuở, GS Vinh kể tiếp:

“Trong những năm sống ở nước ngoài, và được đi nhiều nơi, tôi đã viết một loạt bài, thường là những ký sự hay tùy bút bộc lộ tâm sự của mình, hướng về đất nước và mong ước cho giới trẻ đạt được những thành tích làm vẻ vang cho quê hương. Những bài này được lựa chọn và in thành một tuyển tập đề là Theo Ánh Tinh Cầu do nhà xuất bản Đại Nam in ra năm 1990. Sách in ra được bán hết ngay trong năm nhưng không in lại vì tôi dự định viết tiếp một số bài nữa. Sau đó, tôi viết một vài truyện ngắn tả mối tình thật lý tưởng giữa một chàng trai thời loạn và cô em gái một người bạn. Những chuyện này được đăng liên tiếp mấy năm trên những số báo Xuân Thời Luận và được độc giả ưa chuộng. Ông chủ bút Thời Luận là nhà văn Đỗ Tiến Đức vẫn thường nhắc nhở tôi viết những chuyện văn chương và tình cảm tuy rằng ông vẫn nhận đăng những bài nói về hoạt động giáo dục và khoa học của tôi. Vì thế tôi đã viết tiếp để tạo dựng thành một cuốn truyện đi cho tới đoạn kết….

Cũng như khi viết cuốn Đời Phi Công, tôi muốn giới hạn thời gian của câu chuyện để giữ niềm trẻ trung cho những nhân vật trong truyện. Cũng vì vậy mà tôi đặt khoảng thời gian vào những năm kế cận trước và sau năm 1975. Câu chuyện cũng được diễn tả một cách trung thực hơn vì tôi biết rõ sự biến chuyển trên đất nước trong khoảng thời gian này. Nhiều người đã đọc cuốn sách, cả hai phái nam và nữ, là những chuyên gia có trình độ, cũng có nhận xét như Nhã Lan là tôi đã diễn tả lại một khung cảnh của đất nước trong giai đoạn này. 

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ và nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là bậc đàn anh khả kính mà tôi được biết khi cùng dậy ở trường trung học Chu Văn An ở Sàigòn. Nhưng theo tôi nghĩ thì sự chọn lựa của giới trẻ Việt Nam hiện nay không hẳn chỉ giữa hai nền văn hóa Đông và Tây, thật cách biệt nhau. Trong giữa hai đối nghịch cũng có những khoảng dung hòa có thể chấp nhận được. Lý tưởng ra thì tôi hằng mong ước các bạn trẻ sống ở hải ngoại phải cố gắng tranh đua sao cho bằng người mà vẫn giữ được bàn sắc đạo đức của giống nòi Hồng Lạc.

Nhân vật Phong là nhân vật nam ở trong Tìm Nhau Từ Thuở. Còn Phương Vân là cô bé trong cuốn truyện, em của một người bạn học. Tình cảnh này thường xẩy ra giữa các liên hệ bạn bè. Tuy tôi tả Phương Vân như một nữ sinh hiền thục ở tuổi trăng tròn, nhưng để mở rộng phạm vi hoạt động cho Phong, tôi đã đặt anh vào vị trí của một chuyên gia tốt nghiệp từ một trường cao đẳng có uy tín ở Pháp, và đã theo tiếng gọi của nghĩa vụ mà về nước phục vụ một khoảng thời gian. Cũng vì vậy mà nhiều người đọc sách đã nghĩ rằng tôi kể chuyện đời mình. 

Ðời Phi Công là những bức thư của một chàng thanh niên vừa xếp bút nghiên theo việc đao cung gửi cho người bạn gái đã mang tính chất thời đại của một mẫu người tuổi trẻ thật nhiều lý tưởng. Cuốn sách đã tạo nhiều ảnh hưởng, được tái bản nhiều lần và hàng ngàn người trai trẻ nô nức gia nhập Không Lực để thực hiện lý tưởng và hoài bão của mình trong thời chiến tranh khốc liệt về sau. Cùng một lúc với sự phát triển của không quân Việt Nam bào những năm 1960, rất nhiều thanh niên đã theo tiếng gọi của Tổ Quốc Không Gian gia nhập quân chủng. Nhiều sĩ quan tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt cũng xin chuyển về phục vụ Không quân.”

Bàn luận về tác phẩm Đời Phi Công là những lá thư gửi Phượng và tác phẩm Tìm Nhau Từ Thuở cũng có những bức thư nói liền những không gian xa cách. tác giả tâm tình:

“Cuốn Đời Phi Công là một tập sách gồm toàn những lá thư viết cho một cô bạn gái ở xa, để kể chuyện đời của những người nặng nghiệp bay. Còn Tìm Nhau Từ Thuở là một tập truyện tả một một mối tình cao thượng, nẩy nở theo ngày tháng giữa một chàng trai thời đại và một nữ sinh, em một người bạn. Sau này vì hai người ở xa nhau, nên đôi khi có những cánh thư trao đổi nhưng số trang viết qua thư từ chỉ là một phần nhỏ trong cuốn sách. Vì vậy thể văn không phải hoàn toàn là thể viết thư.

Mục tiêu của tác phẩm “Vui Đời Toán Học” là:

“Ngay ở lời mở đầu cuốn sách, tôi đã viết là từ khi vào trung học tôi đã thấy yêu thích môn toán học và ao ước được đọc những cuốn sách viết về cuộc đời học toán của những người đi trước. Dĩ nhiên là khoảng thời gian khi tôi mới lớn lên, sách vở thiếu thốn nên không được đọc những tài liệu đó. Giờ đây tôi viết cuốn sách này kể lại những cố gắng của mình trong cuộc đời tầm học và mong rằng những chuyên gia khác ở mọi ngành cũng làm tương tự để lảm giầu thêm cho tủ sách kiến thức chuyên môn viết bằng tiếng Việt. Tuyệt đối là không. Thật ra khi chọn tên cho cuốn sách tôi cũng sợ có chuyện ngộ nhận đây là sách nói về Toán học. Thật ra lúc mới đầu chỉ là một tập sách gồm có nhiều câu chuyện vui về toán viết một cách nhẹ nhàng giản dị cho mọi người có thể đọc được. Những chuyện này khi viết ra đã được đăng trên nhiều nguyệt san và được người đọc ưa thích. Những nguyệt san đã đăng bài thường chỉ lưu hành ở địa phương nên nhiều người đã muốn tôi gom những bài này lại để in thành sách để phổ biến cho nhiều người đọc. Có nhiều bài chỉ gổm toàn là những bài thơ  tình. Chẳng hạn tôi lấy bài “Mười hai bến nước” thì bài này là gồm một số bài thơ tình cảm dùng những danh từ toán học.  Tôi chọn một bài làm thí dụ

                        Tâm Điểm

Tình là vậy, từ chân không chợt đến,

Một vòng tròn quay hai nửa tim hồng.

Để mỗi ngày đôi chân bước song song

Mong đi tới tận cùng là giao điểm

Em yêu anh, nên anh là tâm điểm

Giữa vòng tròn hạnh phúc của đời em.

Dẫu thời gian, không gian hoài biến chuyển,

Quỹ tích này vẫn mãi chỉ chờ anh.

Nếu không loáng thoáng có những danh từ toán học chen vào thì người đọc có thể nghĩ đó là một bài thơ tình. Trong câu chuyện này cũng có những câu thơ thật tha thiết như

Anh hiểu chưa, cõi lòng em như thế,

Em muôn đời không đổi trục, anh ơi.

Nhớ thương anh, tuy chẳng nói nên lời,

Em mơ ước theo cung đường tối lợi.

Tìm giao điểm cho lòng ai mở hội,

Xác định rồi vẽ đồ thị triển khai,

Rồi chứng minh tỷ lệ suốt đêm dài,

Lên đáp số đóng khung đời hình học.

Bài toán tình luôn làm người mê hoặc,

Bởi muôn đời nó vô định, người ơi!!

Trong một bài khác tôi viết có tựa đề là “Thảo bài thơ liên hoàn” nói về một buổi trại hè các trại sinh chia nhau thành năm nhóm ngồi ở bốn phương Đông Tây Nam và Bắc và một nhóm ngồi ở phương vị Trung ương, mỗi nhóm chọn một hình vuông, tròn, lục lăng, ngũ giác và tam giác để trình bầy về vẻ đẹp của hình nhóm mình đã chọn. Khi đến hồi kết luận thì một em trại sinh đóng vai một thi nhân đi thăm các nhóm, và ở nơi nào cũng thảo ra một bài thơ tứ tuyệt để ghi làm kỷ niệm. Ý kiến của tôi khi đưa ra một bài thơ liên hoàn là để gây tình liên kết, khuyên người đọc mà tôi hy vọng là ở trong giới trẻ hiếu học là biết nối vòng tay lớn để cùng nhau xây dựng quê hương. Trong bài viết này tuy có phác qua những vẻ đẹp của các hình kỷ hà học, nhưng sự thực là một sáng tác thơ văn.

Hai bài viết mà tôi đưa ra làm thí dụ về khía cạnh thơ văn của cuốn sách tôi đã đăng trên nguyệt san Tân Thế Kỷ ở Dallas trước đây và sau này được truyền đi nhiều lần trên mạng vi tính nên có nhiều người đã đọc. Có một lần tôi tìm được trên mạng bài thơ tình toán học của tôi có người phổ nhạc và hát nữa nghĩ thật là vui. Khi tôi cho vào trong cuốn sách và viết thêm những kỷ niệm học toán và giảng dậy ở các đại học cùng làm nghiên cứu khoa học thì mới lấy tên mới này là “Vui Đời Toán Học” và vì số lượng trang sách tổng cộng lên quá lớn gần tới 900 trang nên tôi phải bỏ bớt đi và giữ lại còn gần 500 trang mà thôi. Những bài tôi vừa lấy làm thí dụ vì đã được chuyển đi nhiều lần trên mạng nên trong cuốn sách này tôi phãi bỏ đi. Ngược lại tôi viết thêm nhiều bài nói về cuộc đời làm toán qũy đạo không gian và dậy học của tôi.

Thật ra có nhiều chuyện người đồng hương không biết nếu không đọc cuốn sách. Chẳng hạn tôi có nhiều học trò đã thành danh, và một ngừơi nay là đại giáo sư ở một đại học lớn và tên của ông ta được đặt cho một tiểu hành tình mới tìm thấy cách đã hơn mười năm. Tuy đã nổi tiếng như vậy mà trong tiểu sử của ông được in trên trang Đại Học ông vẫn ghi tên tôi là giáo sư cố vấn cho luận án tiến sĩ của mình. Tôi dùng lối hành văn giản dị, không cầu kỳ lại nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng tôi chen vào vài kỷ niệm riêng, thường là những kỷ niệm vui, hay gặp những duyên kỳ ngộ, được thầy hay, bạn tốt. Trong cuốn sách này tuy như tôi đã nói trước đây là có nhiều bài chỉ gồm toàn những bài thơ tình, nhưng nay tôi thu xếp lại để viết thêm về cuộc đời học toán, dậy học và khảo cứu của mình nên đả dùng thể văn tự truyện nhưng có chen vào những tình cảm riêng tư của mình đối với đất nước và thế hệ trẻ Việt Nam. Nói chung, sáng tạo thơ văn thì không có gì giới hạn, nói theo tiền nhân khi xưa thì:

Ngoài vòng cương toả chân cao thấp,

Trong thú yên hà cuộc tỉnh say

Muốn viết sao cũng được miễn sao bộc lộ được ý tưởng của mình muốn truyền cho người đọc. Nhưng sáng tạo toán học phải dùng hoàn toàn luận lý thật chặt chẽ, tuy đôi khi phãi pha một chút tưởng tượng không bình thường. Tôi lấy một thí dụ, tuy không thực tế cho lắm, là một phi thuyền đang bay trên một qũy đạo vòng tròn quanh trái đất, mà giờ ta muốn quay ngược chiều nghĩa là đổi hướng bay 180 độ. Như thế, theo ý nghĩ thông thường thì phải hãm vận tốc lại thành số không rồi lại tăng tốc độ thành như cũ nhưng đổi ngược chiều, thật vừa tốn kém nhiên liệu lại vừa gây ra một độ gia tốc quá đáng có ảnh hưởng tai hại đến phi thuyền và phi hành đoàn nếu có. Lời giải đáp thật đúng là làm sao vận hành cho đỡ tốn nhiên liệu là phải tăng tốc độ cùng chiều, nghĩa là thay vì quay ngược ngay lập tức, lại phải tiến tới. Vận động này, chỉ tốn một ít nhiên liệu nhưng sẽ làm cho phi thuyền vượt khỏi trọng trường của trái đất và bay đi thật xa. 

Ở khoảng cách xa, lấy thí dụ là khoảng cách chừng mười lần bán kính qũy đạo, vận tốc của phi thuyền sẽ rất nhỏ, giống như khi ta tung một quả bóng lên cao, lên tận cùng rồi muốn rơi trở lại. Lúc đó chỉ càn tạo ra một lực nhỏ để cho phi thuyền bay trở lại nhưng lần này ngược với hướng bay trước. Khi tới vị trí cũ thì tốc độ trở lại bằng lúc mới bắt đầu khởi hành nhưng lần này phi thuyền đi ngược chiều và chỉ cần hãm tốc độ lại vừa đủ đi vào qũy đạo tròn là thực hiện được phép đổi hướng 180 độ. Chi phí về nhiên liệu, một lần tăng lên và một lần giảm đi, cả hai lần đều bằng nhau theo tính chất đối xứng của qũy đạo và tương đối nhỏ. Đấy là ý kiến đưa ra nhưng sau đó phải dùng phép tính thật chính xác để xem tất cả những điều lợi, như tiết kiệm nhiên liệu, bớt độ gia tốc, và những điều hại như kéo dài thời gian vận chuyển vân vân…”

Về quan điểm toán học, ông đề cập:

“Toán học là một môn của Triết học. Tôi củng như nhiều người có suy tư và quan niệm về cuộc sống, thường quanh những đạo đức cổ truyền mà tôi được thấm nhuần từ hồi trẻ, thường là bất di dịch, như là chịu ơn ai thì nghĩ đến báo đền. Lấy một thí dụ là trong cuốn sách tôi có một bài viết là “Thầy còn nhớ tôi không?” nói đến tình thầy trò. Nhưng khi làm khoa học, đi vào luận lý thì những suy nghĩ này phải gạt sang một bên. Nói một cách khác khi thấy ông thầy của mình tính không đúng thì cũng phải nhắc khéo là ông đã hơi sai.”

Nhân dịp các thành viên Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật – Tiếng Thời Gian đi thăm GS. Nguyễn Xuân Vinh để bàn thảo in sách Thiên Chức của Nhà Giáo tại tư gia Huntington Beach của ông, trong phái đoàn có thi sĩ Hà Nguyên Du. Hà Nguyên Du đặt một số câu hỏi về phạm vi không gian học (aeronautics) và vũ trụ học (astronautics). GS. Nguyễn Xuân Vinh viết nhiều tài liệu khảo luận (term papers) về khía cạnh không gian chuyên môn của ông, ông đã đóng góp hàng trăm bằi tiểu luận về toán, động học không gian (astrodynamics) và tối ưu hóa quỹ đạo (trajectory optimization) … GS, Nguyễn Xuân Vinh khi về hưu ông mang tước hiệu Professor Emeritus of Aerospace Engineering của Đại học Michigan, giáo sư danh dự ngành kỹ thuật không gian. Theo quy chế giáo dục Hoa Kỳ khi trường ban cho “Giáo sư Emeritus” (Professor Emeritus) là một giáo sư dạy thực thụ, thông thường đã làm việc toàn thời gian, nhưng nay đã nghỉ hưu, ông hay bà vẫn có thể được mời định kỳ để thuyết trình, giảng dạy, tham khảo ý kiến hay được trao một giải thưởng nào đó. Professor Emeritus là một phong vị danh dự cao quý.

Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh: Toán Thơ và Thơ Toán

Như trên, văn học và toán học có điểm gần nhau. Nhà văn kiêm nhà giáo môn toán Nguyễn Xuân Vinh yêu thích thi ca, Vui Đời Toán Học ghi nhận trong nhiều trang sách. Trong tương quan đó nữ toán học gia gốc Nga Sophia Kovalevskaya của thế kỷ 19 cho là: “Bạn không thể là một nhà toán học mà không có tâm hồn của một nhà thơ” (Il est impossible d’être un mathématicien sans avoir poète dans l’âme). Còn nhà toán học người Đức nổi danh trong môn toán Calculus, Karl Weierstrass ối thế kỷ 19) cho nhận định: “Một nhà toán học không mang một nét gì đó của một nhà thơ thì chả bao giờ là một nhà toán học trọn vẹn được” (Un mathématicien qui n’est pas aussi quelque peu poète ne sera jamais un mathématicien complet). Tôi thầm nghĩ chả nhẽ hai cụ Sophia Kovalevskaya và Karl Weierstrass đã cho hai câu nói đúng y bon để giới thiệu về nhà văn kiêm giáo sư có hai đam mê trong tâm hồn, toán học và văn học, Thi sĩ GS. Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh.

“Xưa nay chúng ta thường nghĩ những sáng tác văn học vốn là những xúc cảm riêng của nhà văn, nhà thơ, nên có khi không mang một quy luật gì cả, nhất là việc muốn đo bằng số (định lượng) những kết quả hay các quy luật của văn thơ thì dường như là điều không thể làm được. Các bài viết dưới đây sẽ làm cho chúng ta thay đổi lại cách nhìn, chúng ta sẽ thấy, hóa ra tính ìhài hòa” của của văn chương vẫn có thể được đo bằng sự ìcứng nhắc” của đại số. Điều này nó mang lại thắng lợi không phải cho riêng toán học, mà còn làm cho cách tiếp cận văn học trở nên đa dạng và phong phú hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng các phương pháp toán học trong việc nghiên cứu các tác phẩm nghệ thuật vẫn là một lĩnh vực mới mẻ và cần được nghiên cứu thêm. Bài viết dưới đây chủ yếu áp dụng một lý thuyết có tên là ìLý thuyết tai biến” (cùng với Điều khiển học và Lý thuyết trò chơi), một lý thuyết mà tôi tin là ở đây không có nhiều người thạo (tôi cũng mù tịt). Tôi hy vọng sẽ có người post bài giới thiệu chi tiết về lý thuyết này để cả nhà cùng hiểu rõ. “, GS. Nguyễn Xuân Vinh.

Cựu Tư Lệnh Không Quân VNCH, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh.

Một dẫn chứng khác là Thi sĩ kiêm giáo sư toán JoAnne Growney viết: Toán học và thi ca đều là “định dạng có thể truyền tải nhiều ý nghĩa”. Trong môn toán học, một đối tượng hoặc một ý tưởng có thể có các dạng khác nhau. Ví dụ, một phương trình bậc hai có thể được hiểu theo biểu thức đại số của nó, có thể là y = x2 + 3x-7, hoặc theo dạng đồ thị của nó, một parabole. Henri Poincaré, một nhà khoa học người Pháp, người đặt nền móng cho hai lĩnh vực toán học khác nhau vào đầu những năm 1900, đã mô tả toán học là “nghệ thuật đặt cùng một tên cho những thứ khác nhau”. Tương tự như vậy, các nhà thơ tạo ra các lớp nghĩa bằng cách sử dụng các từ ngữ và hình ảnh có nhiều cách diễn giải và liên tưởng. Cả nhà toán học và nhà thơ đều nỗ lực vì tính kinh tế và độ chính xác, lựa chọn chính xác những từ họ cần để truyền đạt ý nghĩa của chúng.

GS. Growney được biết qua danh tác, tuyển tập thơ “My Dance is Mathematics”, bà còn là nhà toán học, nhà thơ, nhà văn JoAnne Growney, giáo sư toán tại Đại học Bloomsburg University of Pennsylvania (Collection of poems “My Dance is Mathematics”, by JoAnne Growney. She is a mathematician, poet, writer JoAnne Growney, a math teacher at Bloomsburg University of Pennsylvania).

Người viết bài xin kết luận, ta có thể kể tiếp vô vàn những ví dụ về cách các nhà toán học và nhà thơ móc nối những con số và những con chữ để thỏa mãn ý thích của họ. Một hỗn hợp của những điều trực tiếp nói ra và những gì ngụ ý sâu kín đằng sau, hay một hỗn hợp của nhạc điệu và âm điệu. Thay vì cố phân tích rõ ràng, rành mạch, mà như vậy ta có thể còn làm mất phẩm chất hay của thơ bị toán hóa, thôi thì tôi xin chấm dứt bài viết này bằng trích dẫn những câu thơ tinh của thi sĩ, nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh:

(Yêu) anh từ thuở xanh mơ,

Giận anh cho đến bây giờ chưa nguôi.

Sao anh chưa nói nên lời,

Sao anh chưa nói trọn đời (yêu) em.

Bây giờ gặp buổi chiều êm,

Anh về mới nói (yêu) em trọn đời.

(Tình thơ Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh.)

Giáo Sư, Khoa Học Gia, Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Vinh, từ trần ngày 23/7/2022 lúc 2.49 PM tại Orange County, California, hưởng Thượng Thọ 92 tuổi.

Inline image

En souhaitant que le professeur Nguyen Xuan Vinh soit dans un voyage paisible vers une nouvelle vie à venir, “vous êtes mon idole en mathématiques et un modèle souhaitable en mathématiques et en aérospatiale” que Dieu vous bénisse. Nous nous souvenons toujours de vous!

VHLA

(Trần Việt Hải Los Angeles).


Giáo Sư, Khoa Học Gia, Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Vinh, từ trần ngày 23 tháng 7, 2022 lúc 2.49 PM, hưởng Thượng Thọ 92 tuổi. GS Nguyễn Xuân Vinh qua đời, đất nước mất đi một người con thân yêu, một khoa học gia, một văn thi sĩ, một người Thầy trân quýKính xin Thiên Chúa toàn năng nhận đón hương hồn GS về hưởng phúc bên thánh nhan Người.

LIÊN NHÓM NHÂN VĂN NGHỆ THUẬT & TIẾNG THỜI GIAN


Vài hàng về Gs Nguyễn Xuân Vinh (Theo Wikipedia tiếng Việt)

Nguyễn Xuân Vinh (3 tháng 1 năm 1930 – 23 tháng 7 năm 2022) [1], nguyên là sĩ quan Không quân cao cấp của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Đại tá. Xuất thân từ khóa Sĩ quan Trừ bị đầu tiên được Chính phủ Quốc gia Việt Nam mở ra ở miền Nam Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Ông nguyên là Tư lệnh thứ hai của Quân chủng Không quân Việt Nam Cộng hòa. Ông cũng là Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Không gian người Mỹ gốc Việt nổi tiếng trên thế giới. Năm 1962, ông là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người đầu tiên ở Đại học Colorado được cấp bằng Tiến sĩ Khoa học Không gian[2] sau khi ông thực hiện thành công nghiên cứu công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho Phi thuyền do NASA tài trợ. Những lý thuyết của ông đã góp phần quan trọng đưa các Phi thuyền Apollo lên được Mặt trăng thành công đồng thời được ứng dụng vào việc thu hồi các Phi thuyền con thoi trở về Trái đất an toàn.[3] Ông còn là nhà nhà văn với bút danh Toàn Phong với nhiều tác phẩm nổi tiếng được xuất bản.

https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Xu%C3%A2n_Vinh

Tags: , ,

Comments are closed.