Tưởng Năng Tiến – Phạm Thanh Nghiên
Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, tôi (bỗng) trở nên vô cùng rảnh rỗi. Như phần lớn những người dân miền Nam khác – những kẻ không cảm thấy yên tâm gì cho lắm khi nhìn thấy bóng dáng đoàn quân giải phóng, và cũng không có chỗ đứng (hay ngồi) trong lòng “cách mạng” – tôi không có chuyện gì để làm, và cũng không biết (rồi ra) sẽ làm gì với cuộc đời mình.
Rảnh, tôi hay đi lang thang cho nó qua ngày. Có chiều, tôi thấy một anh bộ đội vội vã bước vào một tiệm sửa đồng hồ, với (tất cả) vẻ khẩn trương:
– Cái này tôi vừa mua hôm qua, còn mới nguyên, vậy mà hôm nay đã… hỏng. Mà loại không người lái đấy nhá. Cứ phải lắc lắc, đến mỏi cả tay, kim giây cũng chỉ nhúc nhích vài nấc rồi đứng.
Ông thợ chỉ mới nghe chứ chưa nhìn, đã lắc lắc đầu quầy quậy:
– Chịu thôi!
– Cố giúp cho đi, bao nhiêu là năm lương của tôi đấy, không phải ít đâu. Đây là món quà mà bố tôi vẫn ao ước mãi…
Sự chân thật và vẻ khẩn khoản của anh, có lẽ, đã khiến người đối diện mủi lòng:
– Anh mua nhằm đồ rởm rồi. Đồng hồ giả làm sao sửa được, cha nội?
– Giả à?
– Tui liếc qua là biết liền mà.
– Thôi chết! Thế bây giờ phải làm sao?
– Dục bà nó đi chớ còn làm gì được nữa.
Anh lính trẻ ngớ ra một chút, rồi thẫn thờ quay bước, mặt buồn thiu. Người thợ sửa đồng hồ (ái ngại) nhìn theo, trông cũng buồn không kém. Còn tôi, tôi cũng… buồn luôn!
Rõ ràng, tôi thuộc diện… buồn theo. Không những chỉ buồn theo, tôi còn (dám) là người buồn nhất. Và nỗi buồn này cứ ở mãi trong tôi cho đến mãi bây giờ.
Khá lâu sau, có hôm, tôi được nghe ông Phùng Quán kể chuyện “Đầu năm xông đất nhà thơ Tố Hữu.” Trong buổi tương phùng muộn màng này, Tố Hữu cao hứng đọc một bài thơ tứ tuyệt (mới sáng tác) của ông:
Có anh bộ đội mua đồng hồ
Thiệt giả không rành anh cứ lo
Đành hỏi cô nàng, cô tủm tỉm:
“Giả mà như thiệt khó chi mô!”
Theo nguyên văn lời của Phùng Quán: “Nhà thơ đọc lại lần thứ hai, nhấn mạnh từng từ một. Khách khứa nghe cũng đều cười tủm tỉm, nhưng không ai bình luận gì hết. Tôi thì đoán họ đều như bị hẫng. Vì giọng thơ khác lạ biết bao so với giọng thơ quen thuộc của nhà thơ trước đây.”
Tất nhiên, tôi cũng bị hẫng luôn. Vẫn nói theo ngôn ngữ đương đại thì tôi thuộc diện… hẫng theo. Và nói tình ngay thì tôi hẫng lắm. Không chừng, tôi lại (dám) là người… hẫng nhất.
Tôi bỗng nhớ đến cái cảm giác hụt hẫng mà mình đã trải qua – khi nhìn nét mặt buồn rười rượi của anh lính trẻ, thất thểu bước ra khỏi tiệm sửa đồng hồ – vào một buổi chiều, hơn hai mươi năm trước.
Lúc ấy, tôi mới chỉ mơ hồ cảm nhận được là có cái gì không ổn trong cuộc chiến khốc liệt (vừa tàn) trên đất nước mình. Sao chung cuộc, kẻ chiến thắng (nếu còn sống sót) chỉ nhận được những chiến lợi phẩm nhỏ nhoi – như con búp bê, hay cái đồng hồ – đến thế? Đã thế, dân chúng ở vùng địch tạm chiếm lại còn trao tay cho những chiến sĩ giải phóng quân toàn là… của giả!
Sau khi nghe Tố Hữu đọc thơ, và hình dung ra nụ cười “tủm tỉm” của cô hàng (cùng nét mặt láu cá của tác giả) tôi chợt nghĩ thêm rằng: chả riêng gì cuộc chiến “giải phóng” miền Nam, tất cả những gì thuộc về (cái gọi là) “cách mạng” ở Việt Nam – vào thế kỷ qua – đều có cái gì đó rất là không ổn, hay nói rõ hơn là… không thật!
Và sự thật (nghĩa là sự giả trá) được phơi bầy rõ ràng, qua một vụ kiện, vừa mới xẩy ra ở xứ sở này. Xin được lược thuật vắn tắt:
Ngày 14 tháng 6 năm 2008, ba công dân Việt Nam – Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Cao Quận – làm đơn gửi Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, xin phép được biểu tình. Lý do: cho “những người buôn bán nhỏ, làm xe ôm, phu hồ, phu khuân vác, thợ cắt tóc, trẻ đánh giầy, người bán hàng rong… những kẻ chỉ được thụ hưởng rất ít các kết quả tăng trưởng trong khi chính họ gần như phải lãnh trọn những hậu quả do lạm phát đang diễn ra… có địa điểm để tập trung bày tỏ ý kiến.”
Sau khi đơn từ gửi đi thì tư thất của những người đứng đơn (bỗng) biến thành… lao thất. Họ bị cấm ra khỏi nhà, bị sách nhiễu, đe doạ… Riêng cô Phạm Thanh Nghiên – theo tường thuật của RFA, nghe được vào hôm 6 tháng 7 – còn bị “đánh đập tàn tệ giữa đường phố.”
Đến ngày 26 tháng 6, được Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ra thông báo cho biết không được phép tổ chức biểu tình. Lý do: “vi phạm Khoản 2, Khoản 6 Điều 5 Nghị định 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ nhằm qui định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.
Sau đó, cô Phạm Thanh Nghiên và ông Nguyễn Xuân Nghĩa làm đơn khiếu nại về thông báo “bác đơn xin biểu tình” của họ. Đơn này không được trả lời cho đến khi cô Phạm Thanh Nghiên (nhờ luật sư Lê Trần Luật) nộp đơn khởi kiện các cấp hành chính đã bác đơn xin biểu tình, và gửi lên toà án hành chính cùng cấp.
Kết quả, theo ông lời tuờng thuật của ông Nguyễn Xuân Nghĩa – đọc được vào ngày 4 tháng 9, trên web Tiếng nói Tự do Dân chủ – như sau:
“Đơn khởi kiện của cô Phạm Thanh Nghiên bị toà trả lại với lý do: Chiếu theo điều a, b, c… trong A, B, C…, toà không có chức năng thụ lý…”
Trả lời giới truyền thông độc lập, luật sư Lê Trần Luật nói: “Toà án lập ra là để giải quyết các xung đột xã hội. Không có toà án, công dân, nhà nước giải quyết xung đột bằng luật rừng.’ Và ông hình tượng hoá: ‘Ta coi vụ kiện này như một trận banh, đội banh A gồm cô Nghiên, ông Nghĩa…; đội banh B là đơn vị hành chính đã bác đơn. Trọng tài ở đây chính là toà án phải có trên sân cỏ và thực thi nghĩa vụ là xử lý các hành vi không đúng luật của cả hai bên.
Vậy mà trận banh này không có trọng tài, trọng tài không làm nhiệm vụ; dẫn đến cuộc chơi này không theo luật. Như các cầu thủ, một bên là cô Nghiên, ông Nghĩa; bên kia là Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội rồi sẽ ‘cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, nhổ nước bọt vào mặt nhau’ và ai dùng luật rừng sẽ thắng.”
“Điều 69, Hiến pháp năm 1992 của nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một nhà nước ‘của dân, do dân và vì dân’ ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền được hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
“Son phấn ơi, hãy tự bỏ nhiệm sở giả dối của mi đi!”
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa không phải là người đầu tiên đề cập đến tính chất “phấn son” của hiến pháp (làm) ở Việt Nam. Trước đây, một công dân khác, cũng đã phát biểu tương tự:
“Ở Việt Nam có hai bản hiến pháp. Một bản để trình ra thế giới, nhưng không được thi hành. Còn một bản thì nhà nước thực thi ngầm trong dân chúng. Trong bản hiến pháp thứ hai này, công dân chẳng có quyền tự do nào cả.” (Lê Chí Quang, “Đối thoại tháng Sáu năm 2001”, Cánh Én, Đức Quốc, tháng 7-2001.)
Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn, dành cho ban biên tập Đàn Chim Việt, đọc được vào ngày 4 tháng 9 năm 2008, cô Phạm Thanh Nghiên cho biết:
“Toà án là nơi giải quyết các tranh chấp pháp lý mà lại trả lời công dân rằng ‘không thuộc thẩm quyền của toà, vậy ai có thẩm quyền đây? Mục đích chính của chúng tôi là qua một vụ kiện đòi dân quyền cụ thể (quyền biểu tình) trong Hiến pháp, chúng tôi lột được mặt nạ dân chủ của nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…”
Cái giá để trả cho chuyện “lột mặt nạ dân chủ của nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” qua vụ kiện này, xem chừng, hơi mắc.
Chỉ hai tuần sau, vào ngày 18 tháng 9 năm 2008, Phạm Thanh Nghiên bị một số đông công an và nhân viên an ninh (của thành phố Hải Phòng) lôi ra khỏi nhà khi cô đang ngồi toạ kháng, với hai khẩu hiệu: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” và “Phản đối công hàm bán nước của thủ tướng Phạm Văn Đồng.”
Hơn một năm sau, theo BBC, nghe được vào hôm 29 tháng 1 năm 2010, cô Phạm Thanh Nghiên vừa bị kết án bốn năm tù giam và ba năm quản thúc tại gia với tội danh “bêu xấu phỉ báng chế độ.”
BBC, qua bản tin thượng dẫn, còn trích dẫn lời bà Nguyễn Thị Lợi (thân mẫu của cô Phạm Thanh Nghiên) “trước bản án quá lớn dành cho con mình”:
“Kết quả bản án này, chúng tôi là người dân cũng chẳng biết nói gì cả. Kêu cũng không kêu với ai được. Những người đáng kêu lại là những người thực hiện. Tôi chẳng biết kêu ai cả.Tôi là mẹ của cháu thôi thì tôi chỉ biết âm thầm, ngậm ngùi chấp nhận. Biết làm sao bây giờ.”
Ít nhất cũng có ba thế người Việt liên tiếp đã “âm thầm ngậm ngùi chấp nhận” sống với luật rừng và thứ hiến pháp son phấn, giả trá như thế ở Việt Nam vì “không biết làm sao bây giờ.” Tình trạng này (e) còn tiếp diễn ở một đất nước, có đến chín chục triệu con dân (nếu tính luôn cả cái đám đang sống đời tha phương cầu thực) mà những kẻ dám từ chối, không chịu sài đồ giả, vẫn còn thuộc thành phần thiểu số.
TNT – 9/2008