Việt Nam: Tham nhũng ngay từ… lập pháp (Việt Nam Thời Báo)
Hồng Dân
(VNTB) – Đảng góp mặt trong tất cả “các mâm”: từ lập pháp, hành pháp, cho đến luôn tư pháp.
Mới đây, vào tuần lễ cuối của quý 1-2023, tại hội nghị tổng kết công tác nội chính của Đảng bộ TP.HCM năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, Bí thư Nguyễn Văn Nên – trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM, trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TP.HCM, đã đưa ra yêu cầu cho Ban Nội chính của Thành ủy TP.HCM: “Thường xuyên kiểm tra, rà soát, đôn đốc tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng, nhất là đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo hoặc có ý kiến chỉ đạo của trung ương”.
Mệnh lệnh trên cho thấy tư pháp độc lập ở Việt Nam là một khái niệm được hiểu là “độc lập nhưng buộc phải tuân thủ các chỉ đạo của Đảng”. Và chính điều đó dẫn đến nguy cơ của tham nhũng quyền lực chính trị, và tham nhũng chính sách.
“Lợi ích nhóm” trong tham nhũng chính sách để củng cố quyền lực chính trị, xét về khía cạnh lập pháp, có thể mô tả như sau:
Theo luật định, quy trình soạn thảo, ban hành luật bao gồm các bước cơ bản như: Soạn thảo luật, nghị quyết; lấy ý kiến vào dự án luật, dự thảo nghị quyết; thẩm định dự án luật, dự thảo nghị quyết; Chính phủ xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội; thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết; thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết; công bố về luật.
Về tổng thể, đó là quy định hết sức chặt chẽ, nếu làm đúng quy trình, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, bảo đảm chất lượng ở tất cả các bước thì có thể phòng ngừa được “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Tuy nhiên, “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật có thể nảy sinh, xuất hiện ở cả 3 công đoạn.
Ở công đoạn đưa ra sáng kiến dự thảo luật, bộ, ngành là cơ quan chủ trì đưa ra mô hình tổng thể của dự thảo luật, chứng minh sự cần thiết, tính cấp bách phải xây dựng và ban hành luật.
Ở công đoạn này, cơ quan quản lý nhà nước luôn cố gắng chứng minh, giải trình phương án chính sách đưa ra theo hướng có lợi cho bộ, ngành mình. Khi dư luận hoài nghi về sự cần thiết khách quan của dự thảo luật thì chủ thể xây dựng dự thảo luật tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để rộng đường dư luận.
Nhưng thực tế thì một số bộ, ngành chỉ mời những người ủng hộ quan điểm của họ, những người có ý kiến phản biện nghiêm túc, trách nhiệm thì họ không mời, từ đó dẫn tới kết quả hội thảo, tọa đàm chỉ toàn ý kiến ủng hộ, nhất trí. Điều đó phản ánh không thực chất, khách quan về dự thảo luật.
Ở công đoạn soạn thảo luật, xây dựng chi tiết các chương, điều, những người được giao trách nhiệm soạn thảo dễ bị chi phối bởi lợi ích cục bộ nên thường đưa ra những quy định có lợi cho bộ, ngành mình, thậm chí có lợi cho một nhóm lợi ích thực thi chính sách sau này.
Chẳng hạn, có không ít dự thảo luật đưa ra quy định về lập quỹ tài chính. Dưới vỏ bọc “xã hội hóa”, tưởng như những loại quỹ vận động tài chính từ các tổ chức, cá nhân là hợp pháp, nhưng khi đi vào cuộc sống, những quỹ này có thể được sử dụng không đúng mục đích, thậm chí bị “nhào nặn” biến tướng để mang lại lợi ích cho một nhóm người.
Ở công đoạn thẩm định, thẩm tra dự thảo luật, nếu người có trách nhiệm thẩm định, thẩm tra dễ dãi, nể nang và thiếu trình độ, kỹ năng, năng lực thẩm định, thẩm tra thì để tồn tại những kẽ hở trong luật.
Đấy là chưa kể có hiện tượng “đi cửa sau”, mà nói thẳng là có sự thông đồng giữa người soạn thảo dự luật và người thẩm định, thẩm tra dự thảo luật. Thậm chí, vì đồng tiền chi phối, mua chuộc, có người được giao trọng trách thẩm tra nhưng sẵn sàng chà đạp lên lợi ích chung của nhân dân, của đất nước để “bảo kê” chính sách cho cơ quan soạn thảo.
Khi tham nhũng chính sách không bị phát hiện, ngăn chặn sẽ cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội; nguyên tắc công bằng, bình đẳng trước pháp luật bị xâm hại; nguồn lực đất nước bị phân tán, năng lực cạnh tranh quốc gia suy giảm.
Và trên thực tế, cho đến nay vẫn chưa hề có “củi khô – củi tươi” nào là các “củi tham nhũng chính sách” được “xướng tên” ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng.
Tags: độc tài, Tham nhũng, việt nam