VNCS: Điều tài tình nhất của đạo diễn bộ phim “Chuyến bay giải cứu”
Tùng Phong /SGN
16/7/2023
Vài gương mặt đình đám trong vụ án Chuyến bay giải cứu (VietnamNet)
Phiên tòa xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu” đang diễn ra tại Hà Nội có vẻ giống như một cuộc tấu hài:
Một viên thiếu tướng công an nói rằng hắn “vì thương người mà phạm tội”, xin được khoan hồng bởi tuổi cao, mắc bệnh nan y; Một viên thứ trưởng thì “không nhận thức được hành vi phạm tội” khi nhận hơn 21 tỷ đồng; Một viên cục phó thì kể lể 35 năm công tác rất trong sạch, chỉ sáu tháng cuối cùng thì “vấy bẩn”; Một viên phó chủ tịch tỉnh thì trình bày đem tiền tham nhũng đi làm việc có ý nghĩa…
Những phát ngôn mà có lẽ chỉ những “người miền Bắc, có lý luận” mới có thể nghĩ ra (21 cựu quan chức, viên chức trong 54 bị can vụ án đều là người miền Bắc và Bắc Trung Bộ). Kỳ thực, đó là những lời nói rất… chân thật. Nó cho thấy trong “nhận thức” của họ, nhận tiền hối lộ không phải là hành vi sai trái, thậm chí là bình thường. Họ nghiễm nhiên cướp bóc, “làm tiền” từ những đồng bào trong hoàn cảnh khốn cùng, từ người dân nghèo, những thân phận tha phương cho đến du học sinh và cả “khúc ruột ngàn dặm” Việt kiều….
Họ thản nhiên chia tiền trên xương máu đồng loại. Ngay cả khi đứng trước vành móng ngựa với đầy đủ nhân chứng, vật chứng, họ vẫn bao biện cho “đạo đức cách mạng sáng ngời” như viên cựu cục phó “35 năm trong sạch” nọ. Những kẻ “cắn xé thịt người ngọt xớt” ấy hoàn toàn không có chút khái niệm gì về Lương tri.
Dư luận Việt Nam quan tâm phiên tòa xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu” như xem một buổi diễn hoành tráng với bao căm phẫn. Ban Tuyên giáo Trung ương ngầm bật đèn xanh cho những tờ báo “lề phải” ghi nhận những lời “gạch đá” có lựa chọn và gài vào những câu định hướng quen thuộc “Chính sách của đảng rất nhân văn, nhân ái, nhân tình. Vì mấy con sâu này mà làm mất uy tín của chính quyền, của đảng. Phải xử thật nghiêm”.
Ngay cả những nhà báo trung thành tuyệt đối với cộng sản vốn lâu nay luôn dùng miệng lưỡi uốn éo để ngụy biện bao che cho đảng cai trị thối nát, như HHV, cũng đăng đàn cảm thán “… Vụ tham nhũng đáng xấu hổ nhất của loài người, kể từ khi bắt đầu có nhà nước… là nỗi nhục quốc gia. Trong lịch sử loài người hiếm khi có một nhà nước nào đối xử với công dân của mình như thế. Từ tướng công an đến đại sứ đều ăn tiền của người dân trong hoạn nạn một cách thản nhiên. Tham nhũng đã trở thành một thứ văn hóa đang chế ngự và lộng hành đất nước…” Rồi thì phải ngăn chặn tham nhũng từ gốc, phải bỏ cơ chế “xin cho”, phải tăng lương cho công bộc…
Hãy nhìn nhận lại toàn bộ vở đại hí kịch này. Trong bữa tiệc xác người mang tên “chuyến bay giải cứu” không chỉ có 54 con kền kền và mục đích cuối cùng của phiên tòa hôm nay cũng chẳng vì Công lý.
Đồ họa của VnExpress
Phiên tòa không có “bên bị hại”
Điều kỳ lạ nhất của phiên tòa thế kỷ này là không có bóng dáng “bên bị hại”. Tất cả 54 người, gồm 21 cựu quan chức, viên chức cùng liên đới, cấu kết, đưa hối lộ, nhận hối lội, ép buộc doanh nghiệp, môi giới, chạy án… với số tiền tham nhũng khoảng 180 tỷ đồng (tương đương $8 triệu Mỹ kim) theo như truyền thông trong nước đưa tin. Một con số khiêm tốn hơn rất nhiều con số $300 triệu Mỹ kim được nhiều người ước tính dựa trên số lượng hơn 800 chuyến bay và gần 200,000 lượt người.
“Bên bị hại” trong những “chuyến bay giải cứu” không ai khác là 200,000 người được “giải cứu”. Để có một chiếc vé một chiều từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… thì du học sinh, người lao động Việt Nam phải trả từ 40-50 triệu đồng. Còn vé từ Châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Châu Phi là hàng trăm triệu. Chưa kể người dân còn phải chi trả các “combo dịch vụ bắt buộc” với cái giá cắt cổ. Họ là nạn nhân của cuộc trấn lột, cưỡng bức, xâm hại, chiếm đoạt tiền bạc… do chính bộ máy nhà nước cộng sản Việt Nam tổ chức và thực hiện.
Thế nhưng, trong năm tội danh mà Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (lần lượt theo các Điều 354, 364, 365, 174 và 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017), thì không tội danh nào xác định những người mua vé “chuyến bay giải cứu” là nạn nhân/bị hại hay nguyên đơn dân sự. Do đó, 200,000 nạn nhân trong vụ án không có quyền yêu cầu phần bồi thường thiệt hại thông qua vụ án này.
Phiên tòa xét xử “chuyến bay giải cứu” chỉ có “bên xét xử” và bên “bị xét xử”. Tức là chỉ có bên “củi” và bên “lò” mà không hề có “bên bị hại”. Điều đó có nghĩa sẽ không có nạn nhân nào được đền bù, được trả lại tiền, hay chí ít nhận được lời xin lỗi từ phía nhà nước, chính quyền – chủ thể đã gây ra tội ác ghê tởm này. Vậy thì có Công lý ở đây hay không?
Chưa xét đến việc nếu như thu hồi được tiền tang vật từ vụ án thì tòa sẽ xử lý như thế nào? Về lý thì nếu xác định rõ là tiền bất chính và thu hồi được thì sẽ sung công. Nhưng thực chất, con số 180 tỷ bất chính chỉ là phần rất nhỏ trong hàng trăm triệu Mỹ kim mà gần 200,000 người dân bị cưỡng đoạt.
Biếm họa của DAD
“Bữa tiệc xác người” của bầy kền kền đâu chỉ có 54 con!
Vụ án “chuyến bay giải cứu” có tổng cộng bảy bên dính líu: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Quảng Nam.
Tại Văn phòng Chính phủ có Vụ quan hệ quốc tế, trợ lý Thủ tướng thường trực.
Tại Bộ Ngoại giao có Cục lãnh sự, Phòng Bảo hộ công dân, một số đại sứ Việt Nam ở nước ngoài, thậm chí có cả cựu đại sứ.
Tại Bộ Công an có cán bộ Cục Xuất nhập cảnh, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội.
Tại Bộ Y tế có thư ký của thứ trưởng.
Cần nhắc lại một chút về diễn biến vụ án:
Ban đầu, năm Bộ ngành được giao phối hợp đề xuất chuyến bay. Kết quả khi được tập hợp lại sẽ gởi lên Văn phòng chính phủ để nơi này “tham mưu”, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt (cho công ty nào được tổ chức bay, bao nhiêu chuyến v.v…).
Tuy nhiên, khi đám viên chức Văn phòng chính phủ ngửi thấy “hơi đồng” quá đậm, đã lờ luôn năm bộ ngành tham mưu và trực tiếp ghi tên các doanh nghiệp để trình ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký duyệt. Kể từ đó, thay vì doanh nghiệp chỉ phải “cảm ơn” một đầu mối là Văn phòng Chính phủ thì nay phải “cảm ơn” cả năm Bộ ngành liên quan, chưa kể các địa phương có khu cách ly đón nhận người từ nước ngoài về. “Cảm ơn” ở đây không phải là thái độ. Nó luôn được “hiện thực hóa” bằng tiền hối lộ. Nói cách khác, thay vì qui trình hối lộ “một cửa”, thì sau khi được điều chỉnh, tất cả được thay bằng qui trình hối lộ “nhiều cửa”.
Điều kỳ lạ thứ hai mà ngay cả trẻ con cũng thấy phi lý là cấp thư ký Bộ trưởng Bộ y tế và thư ký Phó Thủ tướng thường trực có thể vơ vét, gọi điện, đe nẹt doanh nghiệp, thu tiền hàng ngày giống như mấy tay giang hồ cho vay nặng lãi Hải Phòng, trong khi thủ trưởng cơ quan, tức sếp lãnh đạo trực tiếp của họ, thì… không biết, không hay, không nhận tiền ăn chia, không liên đới gì cả!? Theo lời khai của doanh nghiệp thì việc giao nhận tiền được thực hiện thậm chí ở ngay văn phòng Bộ, văn phòng Chủ tịch. Vậy mà các sếp to không biết gì là thế nào?!
Một diễn biến bất ngờ là trong 54 bị can, có 53 tên đều “thành thật khai báo, nhận lỗi, xin đảng và nhà nước khoan hồng”, riêng cựu Trưởng phòng 5 thuộc Bộ Công an Hoàng Văn Hưng lại chối bai bải không nhận tội và phản bác cáo buộc của hội đồng xét xử. Với lập luận của một điều tra viên đầy kinh nghiệm, Hưng cho rằng qui kết của tòa “thiếu căn cứ và bỏ lọt tội phạm”. Tại tòa, cựu trưởng phòng 5 Hoàng Văn Hưng cãi tay đôi với công tố viên, phủ nhận mọi cáo buộc. Thậm chí, Hưng công khai thách thức “Viện kiểm soát chỉ cần đưa ra một chứng cứ thì tôi sẽ nhận tội ngay”.
Xem ra, kịch còn nhiều tập, “củi” cũng rất sẵn nhưng đó cũng chỉ là cuộc ăn thịt lẫn nhau khi họ tranh đoạt quyền lực và sát phạt nội bộ. Những phiên tòa không có “người bị hại” lẫn Công lý sẽ không có ý nghĩa gì hơn một màn trình diễn “vĩ đại” mà khán giả không mất tiền mua vé. Nhiều người dân ngây thơ sẽ vỗ tay tán thưởng như xem một bộ phim hài nhảm nhí của Trấn Thành, nhưng những người dân khác thì chỉ “hưởng ứng” bằng cái trừng mắt kinh tởm.
Trong bộ phim “Chuyến bay giải cứu”, điều tài tình nhất của đạo diễn không phải là cách thức xây dựng kịch bản mà là… kỹ thuật che giấu những kẻ thật sự là trùm cuối, trong đó có Trần Thị Nguyệt Thu, người được dư luận cho rằng không chỉ dính dáng đến đại án test kit Việt Á mà còn có một vai trò nhất định trong “chuyến bay giải cứu”. Chẳng phải tự nhiên mà Nguyễn Xuân Phúc, chồng của Nguyệt Thu, bị hất khỏi ghế Chủ tịch nước vào đầu năm nay.