VNCS: Giáo dục Việt Nam: Từ lời khen của The Economist đến thực tế nhọc nhằn
Tác giả, Song May – Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn
10/7/2023
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Cuối tháng 6/2023, trang The Economist danh tiếng của Anh đã đánh giá về trường học ở VN, coi đó là nền giáo dục thuộc nhóm “tốt nhất thế giới”.
Đánh giá này được truyền thông Việt Nam hân hoan đưa tin và không bình luận. Còn các bậc phụ huynh thì ngỡ ngàng, không thể tin nổi, vì thực tế việc học của các con là sự tranh đấu mệt mỏi của họ và các đứa trẻ.
Trẻ em VN học thêm tốn kém từ lúc chuẩn bị vào lớp 1 đến lớp 12
Không rõ nông thôn thì sao chứ ngay Sài Gòn, từ hơn 20 năm nay, tất cả trẻ đang học năm cuối mẫu giáo (5 tuổi) đều phải học thêm tiếng Việt và toán. Tùy sự chọn lựa của phụ huynh, nếu đưa trẻ đến tư gia của giáo viên, học phí từ 300.000 đồng/môn – 600.000 đồng/hai môn/tháng; còn nếu mời giáo viên đến nhà dạy, học phí tính theo giờ, 200.000 đồng/giờ là thấp nhất.
Trong xóm tôi, một bé gái 5 tuổi học mẫu giáo về nhà là bị mẹ giục tắm rửa, ăn uống, để kịp đến nhà cô giáo học thêm. Cháu học mẫu giáo từ 7 giờ – 16 giờ chiều, sau đó từ 18 giờ – 19 giờ học thêm ở nhà cô giáo, từ thứ Hai tới thứ Sáu. Ngày nào cháu mải mê chơi với bạn là người mẹ la ó um sùm, thúc giục cháu ăn cho nhanh, nhằm đạt mục tiêu con gái biết đọc, biết viết và biết cộng trừ khi vào lớp 1.
Anh hai của bé gái năm nay học lớp 4, sau giờ học ở trường là học thêm toán, Anh văn và võ thuật, từ thứ Hai – thứ Sáu. Có hôm hơn 20 giờ mới thấy cậu bé lếch thếch về nhà trong bộ dạng mệt mỏi. Một tháng tiền học thêm của cậu bé 2.000.000 đồng, đắt nhất là môn Anh văn.
Người mẹ của hai đứa trẻ than thở: “Một tháng, tiền ăn uống, sinh hoạt và học hành của hai đứa là 20 triệu đồng.” Hai đứa nhỏ đều học trường công gần nhà mà đã tốn thế rồi.
Một người hàng xóm khác có hai con học lớp 9 và lớp 12, thì than van tiền học thêm là nặng nhất. Hai đứa học trường công nửa buổi, nửa buổi còn lại học thêm văn, toán, Anh văn. Tiền học thêm của hai cháu từ 8 – 10 triệu đồng/tháng, đến tháng cuối cùng ôn thi, tiền học thêm vọt lên gấp đôi, do thầy cô tăng học phí.
Khi tôi hỏi: Tại sao phải cho các cháu học thêm? Cháu không tự học được sao? – thì cha cháu trả lời: “Thầy cô giảng trên lớp vắn tắt lắm, con em muốn hiểu và làm bài được thì phải học thêm.”
Trẻ em chung quanh xóm tôi đứa nào cũng học tối tăm mặt mũi từ sáng sớm đến tối mịt. Còn mùa hè thì sao? Đứa nào may mắn thì được cha mẹ cho nghỉ một tháng, sau đó thì phải đi học trước chương trình của niên học tới. Và cứ thế, cho đến khi bọn trẻ vào đại học.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Thiếu trường công, thiếu giáo viên, chất lượng giảng dạy không đồng đều
Hình ảnh các bậc phụ huynh Hà Nội chen chúc nộp hồ sơ từ nửa đêm để giành một chỗ học cho con ở lớp 6 và lớp 10 tràn ngập báo mạng trong nước hồi tháng 6 và đầu tháng 7/2023.
Niên khóa 2023-2024, học sinh vào các lớp đầu cấp ở Hà Nội tăng gần 51.000 em, trong đó lớp 6 tăng 38.800 em, còn lớp 1 tăng 11.600 em. Cũng vì thiếu trường công mà niên học tới, Hà Nội có hơn 30.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9) không được học lớp 10 trường công.
VnExpress ngày 31/8/2022 khảo sát riêng quận đông dân nhất Hà Nội là Hoàng Mai (538.000 dân, mật độ 13.000 người/km2) thì đã thiếu 36 trường: 22 trường mầm non, 13 trường tiểu học và 01 trường trung học cơ sở.
Với hơn 79.600 học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập, tất cả các lớp học ở quận Hoàng Mai đều có sĩ số vượt quy định, thậm chí có trường tiểu học phải chia phiên học, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Tệ hơn, có trường mầm non công lập phải tổ chức cho phụ huynh bốc thăm chỗ học, ai may mắn bốc được “Phiếu vào lớp” thì giống như trúng số, vì con được học gần nhà, sân chơi rộng với giá học phí thấp hơn trường tư.
Số học sinh khối trường công lập tăng 6% mỗi năm, nhưng từ 2015 đến nay, số giáo viên không tăng, nên hiện nay Hà Nội còn thiếu gần 9.000 giáo viên, Tiền Phong cho biết. Trong đó, số giáo viên còn thiếu ở bậc mầm non là 1.325; bậc tiểu học: 3.634; bậc trung học cơ sở: 2.684; bậc trung học phổ thông: 1.296 giáo viên.
Tình trạng thiếu giáo viên không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn là vấn đề chung của Việt Nam. Theo Lao Động ngày 30/9/2022, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết cả nước thiếu khoảng 100.000 giáo viên. Dù có chỉ tiêu tuyển thêm giáo viên, các trường vẫn bất lực vì thu nhập của giáo viên quá thấp: thu nhập trung bình của giáo viên mầm non sau năm năm đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng/tháng (USD190 – USD198/tháng), đã gồm phụ cấp và thâm niên; còn giáo viên mới chỉ nhận lương khoảng 3 triệu đồng/tháng (USD126) trong hai – ba năm đầu.
Trong 9 tháng của năm 2022, Việt Nam có khoảng 16.000 giáo viên bỏ việc, trung bình 100 giáo viên thì có một người bỏ việc, tỷ lệ 1%. Trong khi số lượng giáo viên ngày càng thiếu, số học sinh lại tăng. Theo VietnamNet ngày 28/8/2022, trong 6 năm qua, cả nước giảm 48.100 giáo viên trực tiếp đứng lớp ở bậc phổ thông, nhưng số học sinh lại tăng hơn 2,5 triệu!
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Không chỉ thiếu trường công, thiếu giáo viên, phẩm chất đào tạo của trường tiểu học, trung học ở Việt Nam cũng không đồng đều. Chỉ nhìn cảnh phụ huynh Hà Nội thức trắng đêm chờ nộp hồ sơ lớp 6 và lớp 10 cho con ở một số trường là đủ thấy.
Còn một bà mẹ trẻ ở Sài Gòn thổ lộ trường tiểu học gần nhà giáo viên dạy dở, nên cô tìm cách cho con vào lớp 1 ở trường tiểu học điểm của quận. Nhờ gia đình quen biết với chủ tịch phường, con gái cô được nhận.
Chung quanh nhà tôi, có vài người đưa cháu ở quê lên Sài Gòn học lớp 9 để chuẩn bị vào lớp 10 công lập. Ngay cả dân tỉnh thuê phòng trọ ở Sài Gòn để mưu sinh cũng cố đưa con vào Sài Gòn học lớp 9. Lý do của họ: Học trung học ở tỉnh rất khó vào đại học tốt ở Sài Gòn.
Bảng điểm toàn loại giỏi và xuất sắc, không rõ được thực lực
Cuối tháng 5, mùa bế giảng niên học, trên Facebook các bà mẹ lập tức tràn ngập bảng điểm của các con. Thật khó tin, khi môn văn có em đạt 9 – 9,5.
Nếu chỉ nhìn vào học bạ của học sinh Việt Nam năm cuối cấp (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) sẽ thấy điểm số trung bình nhiều môn trên 9 – 9,9. Các trường đại học (ĐH) tuyển sinh sinh viên năm nhất dựa theo học bạ đã phải sửng sốt khi nhìn điểm số các em đạt được gần như tuyệt đối, toàn học sinh xuất sắc, hiếm có học sinh khá hay trung bình.
Tuổi Trẻ ngày 31/5/2023 ví dụ trường ĐH Tài Chính – Marketing (Sài Gòn), trường ĐH Công nghiệp (Sài Gòn), trường ĐH Kinh Tế (Sài Gòn), nhiều thí sinh có điểm xét tuyển học bạ ba môn từ 27 điểm trở lên, tức bình quân mỗi môn 9 điểm, trong đó nhiều môn đạt điểm gần tuyệt đối như Toán 9,8, Vật lý 9,9, Ngoại ngữ 9,8.
Tại khu vực miền Trung, số thí sinh xét tuyển vào trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cũng có điểm học bạ trung bình các môn từ 9 – 9,6. Một học sinh trường chuyên được xét tuyển vào ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), có điểm trung bình các môn trên 9,3, ngay cả môn văn cũng đạt 9,4, toán và lịch sử đạt 9,6.
Tờ báo này dẫn lời ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Sài Gòn) cho rằng học sinh trung học có điểm số cao là do… công nghệ phát triển, học sinh tìm kiếm được nhiều kiến thức cho bài học của mình, khi làm tốt sẽ được cộng thêm điểm. Điều kỳ lạ nhất là trước đây mỗi môn chỉ có một bài kiểm tra hằng tháng, nhưng hiện nay có nhiều bài kiểm tra, điểm bài nào cao nhất mới được ghi vào sổ (!)
Dước góc nhìn phụ huynh, ông Quang Phú (ngụ Sài Gòn) thẳng thắn: “Chúng ta dần dần áp dụng cách của nước tiên tiến là xét tuyển sinh viên đại học qua học bạ thay cho thi cử, những tưởng qua học bạ thì đánh giá đúng sức học trong ba năm của học sinh. Nhưng ai cũng biết điểm ở trường có “số phận” như thế nào. Khi con tôi đạt điểm trung bình hay khá, cô giáo bảo con tôi làm lui làm tới để được điểm cao, để lớp xuất sắc theo thành tích trường giao. Đó là chưa kể trường hợp “này nọ” để có điểm đẹp”.
Điều hề nhất là dù điểm học bạ đẹp như mơ, nhưng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh luôn thấp, đó là kết quả so sánh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sự chênh lệch giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ cao nhất thuộc về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.
Kết quả này chính xác, cho thấy điểm số trong học bạ không phản ảnh sức học của học sinh Việt Nam. Giống như các tân cử nhân, kỹ sư… tốt nghiệp các trường ĐH Việt Nam vẫn khó tìm được việc làm, vì không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các công ty.
Thế nên, lời khen của The Economist chưa chính xác, vì không nắm rõ được thực tế ở Việt Nam. Năng lực học sinh Việt Nam hiện không thể đánh giá được nếu chỉ căn cứ vào bảng điểm, cũng như không thể nhìn vài học sinh đi thi quốc tế đạt thành tích cao mà kết luận Việt Nam có nền giáo dục tốt nhất thế giới.
Nếu giáo dục Việt Nam tốt nhất thế giới thì đã không có cụm chữ “tỵ nạn giáo dục”, khi hằng năm, người Việt chi 3-4 tỷ USD cho con du học ở các nước tư bản, nhiều nhất là Nhật Bản, Úc và Mỹ.
Riêng ở Sài Gòn, xu hướng cho con du học ở Anh, Úc và Mỹ ngay từ khi vào lớp 10 đang ngày càng gia tăng.
Nền giáo dục “tốt nhất thế giới” mà sao cứ phải chạy ra thế giới để học lên nữa?
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cp02lvrr4dzo
GHI CHÚ:
Nếu người Việt Nam nào ở trong nước có ý kiến về đề tài này, xin vui lòng gửi email cho chúng tôi tại:
HD Press <hoangdo41@gmail.com>