VNCS: Lỗ nặng, Vietnam Airlines nợ lương nhân công, lương lãnh đạo tăng đều


An Vui /SGN – 29/9/2023

” Nếu tính theo quý, Vietnam Airlines đang có chuỗi 14 quý thua lỗ liên tiếp (bắt đầu từ quý I/2020 – đến quý II/2023), kết quả, tại ngày 30 Tháng Sáu 2023, Vietnam Airlines đang gánh khoản lỗ lũy kế hơn 35,667 tỷ đồng (hơn $1.4 tỷ). Điều này dẫn đến vốn chủ sở hữu HVN bị âm khoảng 11,598 tỷ đồng, nợ phải trả vượt tổng tài sản, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn.

Thế mà, dù tình hình tài chính đang lâm nguy, Vietnam Airlines vẫn ký kết chi $10 tỷ mua 50 phi cơ của Boeing, nhân chuyến công du của tổng thống Joe Biden đến Việt Nam vừa qua. Tiền ở đâu?”

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/28.9.23_Anh-7.jpg

Ngày 11 Tháng Chín 2023, tại Hà Nội, Vietnam Airlines và Boeing đã ký kết bản ghi nhớ về việc đặt mua 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX với giá trị $10 tỷ – Ảnh: Lao Động 

Điều kỳ quặc đang xảy ra ở Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – mã chứng khoán HVN) là dù kinh doanh lỗ nặng, lại còn nợ lương người lao động, nhưng thù lao ban lãnh đạo vẫn tăng. 

Mặc dù đã chốt thời gian họp đại hội cổ đông là giữa Tháng Mười Một 2023, đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines vẫn chưa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán cho kỳ kế toán năm 2022 và sáu tháng đầu năm 2023.

Nhìn vào báo cáo tự lập, dù giảm lỗ so với cùng kỳ, thế nhưng bức tranh tài chính của HVN có rất nhiều điểm không bình thường.

Lao Động ngày 28 Tháng Chín 2023 dẫn báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của HVN cho biết, kết thúc nửa đầu năm 2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu khoảng 44,059 tỷ đồng, tăng thêm 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Song, doanh nghiệp nhà nước này báo lỗ sau thuế 1,295 tỷ đồng, trong khi sáu tháng đầu năm 2022 đã báo lỗ 5,237 tỷ đồng. Chưa kể, Vietnam Airlines còn nợ lương người lao động hơn 1,155 tỷ đồng.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/28.9.23_Anh-16-640x391.jpg

Lợi nhuận sau thuế âm 75% (con số màu đỏ) thế mà thù lao của ban lãnh đạo HVN tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái – Ảnh: Lao Động 

Giải trình về khoản lỗ của mình, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết do tính mùa vụ cũng như các yếu tố rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu gia tăng… Ngoài ra, do tính mùa vụ, quý II là quý thấp điểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên kết quả không khả quan bằng quý I.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh vận tải vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan.

Mặc dù lỗ nặng trong sáu tháng năm 2023, ước lỗ cả năm 2023 là 4,500 tỷ đồng và vẫn còn nợ lương người lao động, thế nhưng, điều kỳ quặc là tiền lương và thù lao của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát và Ban Điều hành HVN là 5.53 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiền lương trung bình của ban lãnh đạo HVN trong sáu tháng đầu năm nay đạt 72.8 triệu đồng/người/tháng ($2,981). So với cùng kỳ năm ngoái, tổng thu nhập của tất cả thành viên trong ban lãnh đạo đều tăng đáng kể.

Về tổng thu nhập gồm tiền lương và thù lao, ông Đặng Ngọc Hoà, chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines có thu nhập sáu tháng năm 2023 là 509,510,152 đồng ($20,864), tăng 95,610,152 đồng so với cùng kỳ sáu tháng đầu năm 2022 (cùng kỳ sáu tháng năm 2022, tổng thu nhập của ông Hoà là 413,900,000 đồng, tương đương $16,949).

Tương tự, tiền lương của các thành viên còn lại trong HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Điều hành, Ban giám đốc HVN cũng đều tăng.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/28.9.23_Anh-15-640x360.jpg

Ông Lê Hồng Hà (giữa) tổng giám đốc HVN đang trả lời Lao Động trong cuộc họp báo sau lễ ký kết hợp đồng ghi nhớ trị giá $10 tỷ – Ảnh cắt từ video của Lao Động 

Điều lạ lùng, theo báo Lao Động, tiền lương và thù lao của ông Lê Hồng Hà không được công bố, thu nhập của tổng giám đốc HVN cũng không biết là bao nhiêu.

Theo Vietnamdaily hồi Tháng Tám 2022, người nhận mức tiền lương, thù lao cao nhất HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành HVN là tổng giám đốc Lê Hồng Hà. Ông Hà nhận 466 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm 2022, tương đương gần 78 triệu đồng/tháng ($3,194).

Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa có mức tiền lương và thù lao đứng thứ hai, sau ông Hà, điều này là bình thường vì thu nhập của tổng giám đốc điều hành bao giờ cũng cao hơn chủ tịch HĐQT.

Nếu chiếu theo lẽ bình thường đó, tiền lương và thù lao trong sáu tháng đầu năm 2023 của ông Lê Hồng Hà sẽ vượt hơn ông Đặng Ngọc Hòa, người đang có tổng thu nhập 509,510,152 đồng!

Làm ăn không được, thậm chí lỗ nặng và còn nợ lương người lao động, thế mà ban lãnh đạo (ban giám đốc và HĐQT) vẫn hoan hỷ nhận lương cao hơn năm trước, điều này chỉ có thể xuất hiện ở doanh nghiệp nhà nước (cộng sản)!

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/28.9.23_Anh-16a-640x194.jpg

Lợi nhuận sau thuế của HVN giảm 14 quý liên tiếp – Ảnh: Lao Động 

Rủi ro khác của Vietnam Airlines không chỉ là khoản lỗ mà còn là mối nguy bị hủy niêm yết cổ phiếu HVN!

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đang nằm trong diện bị hạn chế giao dịch, sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố quyết định đưa hơn 2.2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines từ diện kiểm soát sang diện bị hạn chế giao dịch kể từ ngày 12 Tháng Bảy, chỉ được giao dịch phiên chiều.

Lý do là Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Theo quy định, nếu báo cáo kiểm toán cho thấy Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022 (lỗ ba năm liên tiếp) và vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết. Trước đó, HoSE cũng từng lưu ý về mối nguy sẽ hủy niêm yết HVN.

Mối nguy cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bị hủy niêm yết đang được giới đầu tư (trong và ngoài nước) rất được quan tâm, vì lượng cổ phiếu HVN niêm yết lớn, số lượng cổ đông đông đảo, trong đó cổ đông nhà nước đang giao quyền đại diện cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/28.9.23_Anh-16b-640x214.jpg

Một số chỉ tiêu tài chính của HVN ngày 30 Tháng Sáu 2023, trong đó vốn chủ sở hữu đang bị âm – Ảnh: Lao Động 

Nếu tính theo quý, Vietnam Airlines đang có chuỗi 14 quý thua lỗ liên tiếp (bắt đầu từ quý I/2020 – đến quý II/2023), kết quả, tại ngày 30 Tháng Sáu 2023, Vietnam Airlines đang gánh khoản lỗ lũy kế hơn 35,667 tỷ đồng (hơn $1.4 tỷ). Điều này dẫn đến vốn chủ sở hữu HVN bị âm khoảng 11,598 tỷ đồng, nợ phải trả vượt tổng tài sản, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn.

Thế mà, dù tình hình tài chính đang lâm nguy, Vietnam Airlines vẫn ký kết chi $10 tỷ mua 50 phi cơ của Boeing, nhân chuyến công du của tổng thống Joe Biden đến Việt Nam vừa qua. Tiền ở đâu?

Trả lời Lao Động, ông Lê Hồng Hà, tổng giám đốc HVN cho biết, trong chiến lược phát triển dài hạn, đầu tư đội phi cơ thân hẹp là dự án trọng điểm của HVN, vì thế việc đầu tư 50 phi cơ thân hẹp Boeing 737 MAX với lịch giao dự kiến từ 2028 – 2030 là phù hợp với kế hoạch thay thế đội phi cơ thân hẹp cũ và bổ sung theo nhu cầu phát triển.

Ngày 11 Tháng Chín 2023, tại Hà Nội, Vietnam Airlines và tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đã ký kết bản ghi nhớ về việc đặt mua 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX với giá trị $10 tỷ.

Như vậy, còn khoảng 5 năm nữa để hợp đồng này có hiệu lực, chờ xem HVN có trụ nổi hết năm nay không.


Comments are closed.