VNCS: Luật sư nói về các vụ tranh chấp đất đai âm ỉ ở Tây Nguyên
BBC News
28/7/2023
Nguồn hình ảnh, Getty Images Chụp lại hình ảnh,
Trẻ em dân tộc thiểu số Ba Na ở tỉnh Kon Tum lên đường lấy gỗ – hình minh họa
27 tháng 7 2023
Vụ nổ súng tại hai đồn công an tại Đắk Lắk vào rạng sáng ngày 11/06 được truyền thông VN cho là “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Nhưng từ nhiều năm qua, giới quan sát nhận định mâu thuẫn về đất đai đã luôn là ‘ngọn lửa’ đã âm ỉ ở vùng Tây Nguyên.
Một vụ việc khác, rộ lên lại gần đây là vụ người dân K’Hor ở thôn K’Rèn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng phản đối dự án hồ thủy lợi Ta Hoét.
Từng tham gia bảo vệ quyền lợi đất đai cho các người dân tại các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm qua, luật sư Nguyễn Duy Bình, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết tại vùng đất các tỉnh Tây Nguyên trong hàng chục năm trở lại đây đã xảy ra hàng ngàn vụ khiếu kiện về đất đai giữa người dân với chính quyền và doanh nghiệp “do mâu thuẫn tranh chấp về đất đai bùng phát dữ dội”.
Ông kể lại với BBC News tiếng Việt hôm 26/07/2023 về các vụ việc điển hình, như một vụ ông trợ giúp pháp lý năm 2014 cho gần 200 hộ gồm đồng bào thiểu số và cả người Kinh tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
“Vụ việc tranh chấp xuất phát từ những năm 2008 khi UBND tỉnh Đắk Nông đưa hàng ngàn ha đất trong đó có cả rừng phòng hộ, rừng nghèo, rừng hoang và cả những vùng đất người dân đang canh tác để cho phía các doanh nghiệp tư nhân thuê. Hậu quả là hàng trăm ha đất và cây trồng lâu năm, hàng năm cùng nhà cửa, lán trại của người dân đã bị cưỡng chế trắng. Trong lúc đó, sau khi cho thuê, phần đa các doanh nghiệp để mất rừng hoặc lấy đất bán giấy tay kiếm lời; trong lúc đó, người dân lại mất đất trồng trọt, mất nguồn sống. Hậu quả là mâu thuẫn tranh chấp đất đai giữa người dân và doanh nghiệp đã lên tới đỉnh điểm và nhiều vụ án mạng đã xảy ra tại địa bàn này”, Luật sư Nguyễn Duy Bình cho biết.
Một vụ khác là vào năm 2014, mà ông có tham gia bảo vệ quyền lợi.
“Vào năm 2014, nhân viên bảo vệ phía doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc đã dùng súng bắn chết một người dân và năm 2017 công ty Long Sơn đã đụng độ với nhóm các hộ dân trong đó có Đặng Văn Hiến (tử tù đã được ân giảm) dẫn đến làm chết ba người bên phía công ty Long Sơn.”
“Thời kỳ đó, người dân tố cáo, khiếu kiện và ngay cả công an tỉnh cũng đã có kết luận việc cưỡng chế 286 ha đất (phần lớn do người dân khai hoang rừng nghèo) có dấu hiệu trái pháp luật. Người dân cho rằng tại sao nhà nước không công nhận quyền sử dụng đất cho người đân đối với những thửa đất do họ khai hoang, sử dụng ổn định, tại sao phía chính quyền không giao khoán cho họ để họ trồng rừng theo chủ trương, chính sách lại cho phía doanh nghiệp tư nhân thuê để kiếm lợi ích riêng. Thế nhưng, trải qua quá trình khiếu kiện hàng chục năm, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”, Luật sư Nguyễn Duy Bình cho biết.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Người dân tộc Ê Đê đốt rừng làm rẫy tại tỉnh Đắk Lắk, ảnh vào năm 2013
Tiếp theo, trong vụ mấy chục hộ dân tại xã Ea Kiết, huyện Cư M’Nga, tỉnh Đắk Lắk có tranh chấp hợp đồng giao khoán với phía công ty Buôn Za Vầm (thuộc nhà nước), luật sư Nguyễn Duy Bình cho biết những năm 1980 về trước công ty này được giao quản lý hàng ngàn ha đất rừng các loại, tuy nhiên, do việc quản lý thiếu trách nhiệm nên đã để mất rất nhiều rừng.
“Cũng thời kỳ đó người dân di cư từ Bắc vào đây thấy rừng nghèo, rừng hoang nên đã khai phá trồng trọt. Một thời gian sau phía doanh nghiệp cho rằng đó là đất của họ nên ép người dân ký các hợp đồng liên kết để trồng cà phê và giao nộp sản lượng hàng năm.
Đến những năm 2010 trở đi, đặc biệt là năm 2014 họ thấy Trung ương đảng đã có nghị quyết 30 và Chính phủ có Nghị định 118 chỉ đạo, hướng dẫn những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, giải thể hoặc khoán trắng hoặc không có nhu cầu sử dụng đất thì giao đất về cho địa phương quản lý để địa phương giao lại cho đồng bào thiểu số hoặc công nhân, nông dân thiếu đất trồng trọt nên người dân đã không còn giao nộp sản lượng và gửi đơn khiếu kiện đến các cấp chính quyền yêu cầu giải quyết.
Cũng từ đó, phía doanh nghiệp thất thu nên đã kiện người dân ra toà để chấm dứt hợp đồng và đòi nợ sản lượng và hậu quả là người dân đã thua kiện trong lúc chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước chưa được giải quyết.”
Năm 2021, ông cho biết đã cùng các đồng nghiệp tham gia bảo vệ cho hơn 40 hộ dân tại xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Mê Thuột, Đắc Lắk trong vụ UBND thành phố Buôn Mê Thuột thu hồi đất có nguồn gốc từ công ty Thắng Lợi (thuộc doanh nghiệp nhà nước) để thực hiện dự án tái định cư (quy hoạch gồm cả phân lô bán nền).
“Trong vụ khiếu kiện này người dân kể rằng họ là những người từ Bắc vào Nam đa số làm công nhân cho công ty trên và nhận giao khoán, liên kết các vườn cà phê, cuối vụ giao nộp sản lượng. Sau đó, công ty này không còn nhu cầu sử dụng và phía UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi đất nhưng không giao lại cho người dân sử dụng nên họ bị xem là lấn chiếm đất trái phép nên không được bồi thường (chỉ được hỗ trợ một phần).
Tuy nhiên, trên thực tế từ trước tới nay họ vẫn là người sử dụng đất và đa số đã xây dựng nhà cửa, tạo lập vườn tược và cư trú ổn định, đã được cấp sổ hộ khẩu tại nơi có đất.”
“Người dân cho rằng cả đời làm thuê cho doanh nghiệp, nay phía chính quyền thu hồi trắng, đập bỏ nhà cửa thì họ biết cư trú ở đâu, lấy gì nuôi sống gia đình và lo cho con cái ăn học vì giờ muốn về quê cũng không có ruộng để làm. Cũng từ đó họ tổ chức khiếu kiện kéo dài. Sau đó, chúng tôi và người dân cũng đã gửi rất nhiều đơn thư khiếu tố, tiếp xúc, đề nghị với các cấp chính quyền nhưng kết quả cũng chỉ được hỗ trợ thêm, còn đất đai, nhà cửa đề đã bị cưỡng chế, đập bỏ”, ông nói.
Nguyên nhân là gì?
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Theo luật sư Nguyễn Duy Bình, khi mô hình kinh tế quốc doanh cũ không còn phù hợp, lạc hậu, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì đất phải giao về cho các tỉnh thành quản lý và địa phương giao lại cho nhân dân theo chủ trương, chính sách đã có sẵn.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ đất hoặc sau khi giao lại cho địa phương thì địa phương không giao cho dân sử dụng, theo luật sư Bình.
Ông cũng đề cập vấn đề nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ nhưng vẫn không thu hồi, dẫn đến nhà nước và nhân dân đều bị thiệt hại, nhiều nơi vẫn áp dụng phương thức sản xuất tá điền “phát canh thu tô”.
Đồng thời, cơ chế quản lý đất đai hiện tại khiến doanh nghiệp, nhóm lợi ích dễ hưởng lợi từ những vùng đất có giá trị kinh tế, ông Bình nói.
Chính sách và thực tế
Chính quyền Việt Nam có nghị quyết về chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất… và đang lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ngày 13/11/2021 Quốc Hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 39/2021/QH15 có nội dung giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính phủ Việt Nam năm 2022 có Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 5/9/2022 về Chương trình hành động quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, nêu rõ:
“Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm phân bố dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Nhưng về mặt thực tế thì cần có những thay đổi cụ thể như lời luật sư Nguyễn Duy Bình cho biết:
“Lẽ ra, những vùng đất trống, đồi núi trọc và những vùng rừng nghèo người dân đã khai phá, không có khả năng phục hồi rừng thì người dân phải được sử dụng ổn định và công nhận quyền sử dụng đất. Lẽ ra, việc giao đất, giao rừng, giao khoán trồng rừng phải được ưu tiên cho người nông dân để họ có đất để cày, có cơm ăn, áo mặc nhằm ổn định tình hình trật tự tại địa phương.”
“Chính quyền thu hồi hết đất thì họ lấy gì để sống, lấy gì để ở. Họ là công dân của đất nước Việt Nam họ phải được đối xử bình đẳng và họ phải có đất để cày theo chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.”
“Nếu nhà nước làm được vậy mới yêu dân, nguy cơ mâu thuẫn bùng phát mới được hạn chế, tình hình trật tự xã hội mới được ổn định và không bị sa vào các cuộc nổi loạn như thời gian qua”, ông nhận định.
Tags: độc tài, Tham nhũng, toàn trị, việt nam