VNCS: ‘Vén màn’ nghịch lý tăng trưởng của kinh tế Việt Nam


quehuong21.1.250 Facebook Twitter Google+

Sonnie Tran/Saigon Nhỏ

20/01/2025

“…Có thể thấy rằng, đằng sau những con số tăng trưởng ấn tượng hào nhoáng mà chính phủ Việt Nam công bố không thể che giấu thực trạng đáng lo ngại của nền kinh tế khi đồng Việt Nam mất giá mạnh, dự trữ ngoại hối suy giảm, và một mô hình tăng trưởng “xây nhà từ nóc,” thiếu bền vững. Việc tập trung vào gia công, lắp ráp và thu hút FDI mà bỏ quên việc đầu tư cho năng lực sản xuất trong nước đang đẩy Việt Nam vào vòng luẩn quẩn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu, khiến giá thành sản phẩm cao và dễ bị tổn thương trước biến động thị trường toàn cầu..”.

.com/docsz/

Một góc Hà Nội. (Hình minh họa: Linh Tran/Pexels) 

Năm 2024, kinh tế Việt Nam có những bước tiến đáng kể với mức tăng trưởng 7.09%, đạt $476.3 tỷ, vượt xa mức 5.05% của năm 2023. Động lực tăng trưởng chính đến từ xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ.

Tuy nhiên, một nghịch lý đã xảy ra là đồng nội tệ Việt Nam lại mất giá hơn 4.65% trong năm 2024 và hơn 8.3% so với đầu năm 2023 so với đôla Mỹ. Thông thường, khi xuất khẩu tăng và FDI tăng mạnh, đồng nội tệ sẽ mạnh lên do nguồn cung ngoại tệ dồi dào.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì? Phải chăng có một “góc khuất” nào đó mà những con số thống kê chưa thể hiện hết và đang bị che lấp bởi những con số tăng trưởng ấn tượng?

Nền sản xuất phục vụ xuất khẩu kém phát triển

Sự mất giá của Việt Nam đồng không chỉ là một vấn đề về tỷ giá hối đoái, mà còn phản ánh những vấn đề mang tính cấu trúc sâu xa hơn của nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu nguyên liệu của nền sản xuất xuất khẩu. Mặc dù Việt Nam đạt được thành công đáng kể trong việc thu hút FDI và thúc đẩy xuất khẩu, nhưng phần lớn giá trị gia tăng lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp nguyên liệu đầu vào. Điều này tạo ra một nghịch lý: xuất khẩu càng tăng, nhập khẩu càng tăng mạnh hơn, khiến nhu cầu ngoại tệ tăng cao, gây áp lực lên tỷ giá và làm suy giảm dự trữ ngoại hối.

Dữ liệu từ Tổng Cục Hải Quan cho thấy, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục hơn $782 tỷ trong năm 2024, nhưng nhập khẩu cũng tăng mạnh, dẫn đến cán cân thương mại thặng dư chỉ đạt hơn $23 tỷ, và thấp hơn $2 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 14/12/2024, xuất khẩu đạt hơn $384 tỷ, tăng hơn 14%, trong khi nhập khẩu lại có tốc độ tăng cao hơn khi đạt gần $361 tỷ, tăng 16.32%. Trong các nhóm hàng nhập khẩu, tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất, với giá trị sơ bộ đạt gần $324 tỷ, chiếm tới gần 94% tổng kim ngạch nhập khẩu. Rõ ràng, sản xuất của Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu, máy móc và thiết bị từ nước ngoài.

Trong năm 2024, máy vi tính và các sản phẩm điện tử tiếp tục giữ vị trí là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Việt Nam. Đây cũng chính là nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Mỹ, với tổng giá trị hơn $4,3 tỷ.

Một thực tế đáng chú ý là phần lớn các sản phẩm này, khi được bày bán tại Việt Nam, thường có nguồn gốc sản xuất từ Trung Quốc hoặc Việt Nam. Thực ra, những mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ chủ yếu là linh kiện, sau đó được lắp ráp thành phẩm tại Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài.

Minh Phú, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, đang phải đối mặt với bài toán nan giải về biên lợi nhuận. Trong 3 năm gần đây, biên lãi gộp của Minh Phú chỉ dao động quanh mức 9-10%, một con số khiêm tốn, chưa kể đến các chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí tài chính,… Nguyên nhân cốt lõi nằm ở giá thành sản xuất tôm nguyên liệu tại Việt Nam quá cao, đặc biệt khi so sánh với các quốc gia cạnh tranh như Ecuador, “vựa tôm” của thế giới.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được Tạp chí Người Nuôi Tôm dẫn lại, chi phí sản xuất tôm tại Việt Nam dao động từ $3.5 – $4.2/kg, trong khi tại Ấn Độ và Ecuador chỉ khoảng $2.7 – $3/kg. Sự chênh lệch này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm chất lượng tôm giống không đồng đều và giá thành cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ. Tỷ lệ nuôi thành công ở Việt Nam cũng thấp hơn đáng kể, chỉ khoảng 40%, so với mức 90% tại Ecuador. Đặc biệt, chi phí thức ăn nuôi tôm, chiếm tới 65% tổng chi phí sản xuất, cũng là một gánh nặng lớn do phần lớn phải nhập khẩu.

Ngành nông nghiệp cũng rơi vào tình trạng tương tự, đặc biệt là phân bón phục vụ cho sản xuất nông sản xuất khẩu. Theo ông Phùng Hà, chủ tịch Hiệp Hội Phân Bón Việt Nam (FAV), hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn phân bón do sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Chẳng hạn như DAP, Việt Nam chỉ sản xuất được khoảng 400,000 – 500,000 tấn/năm, trong khi nhu cầu sử dụng lên tới gần 1 triệu tấn, hay phân amoni sunfat (SA) cũng phải nhập khẩu từ 900,000 đến 1 triệu tấn mỗi năm. Hay phân bón kali (MOP) hoàn toàn phải nhập khẩu, với khối lượng khoảng 1 triệu tấn/năm.

Với ngành thép, khi chỉ trong chín tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phải nhập khẩu hơn 12 triệu tấn sắt thép, trị giá gần $9 tỷ. So với cùng kỳ năm trước, lượng nhập khẩu tăng gần 32% và kim ngạch tăng 19%. Con số này chiếm tới khoảng 62% tổng lượng thép tiêu thụ trong nước.

Đáng chú ý, các các lĩnh vực năng lượng thiết yếu như điện và xăng dầu, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả tiêu dùng cũng phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu đã làm gia tăng thêm tình trạng thâm hụt ngoại hối này. Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn cung xăng dầu nhập khẩu, với khoảng 20 – 25% xăng dầu thành phẩm và 50% dầu thô phải nhập từ nước ngoài để phục vụ sản xuất tại hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Tính chung, hơn 70% nguồn cung xăng dầu nguyên liệu và thành phẩm của Việt Nam đến từ nhập khẩu. Mặc dù hai nhà máy lọc dầu trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu, song cả hai đều phụ thuộc vào nguồn dầu thô nhập khẩu. Trong năm 2024, tổng nguồn cung xăng dầu nhập khẩu chiếm khoảng 45%, trong khi sản xuất trong nước chỉ chiếm 55%.

Sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu đã tạo ra một vòng luẩn quẩn khó thoát ra. Khi xuất khẩu tăng, nhu cầu nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng theo, thậm chí với tốc độ còn nhanh hơn. Điều này dẫn đến nhu cầu ngoại tệ tăng cao, gây áp lực mất giá lên Việt Nam đồng. Đồng nội tệ Việt Nam mất giá lại càng làm tăng chi phí nhập khẩu, khiến doanh nghiệp càng khó khăn trong việc cạnh tranh và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Vòng luẩn quẩn này không chỉ kìm hãm sự phát triển bền vững của nền kinh tế mà còn làm suy giảm dự trữ ngoại hối, vốn đang chịu áp lực bởi gánh nặng nợ nước ngoài ngày càng tăng.

Tỷ giá Việt Nam đồng càng ngày càng mất giá, về ngắn hạn tuy tạo lợi thế về chi phí và lực lượng lao động rẻ cho đầu tư nước ngoài, nhưng do phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, khi tỷ giá ngoại tệ tăng cũng làm chi phí sản xuất trong nước tăng, làm giá tiêu dùng tăng, thúc đẩy lạm phát.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI Việt Nam năm 2024 đạt ngưỡng gần 3%, cao hơn cả nền kinh tế hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ cho thấy mức độ lạm phát không hề nhỏ. Mức lạm phát của Việt Nam cũng cao hơn đáng kể các quốc gia có nền sản xuất nội địa mạnh trong khu vực ASEAN là Thái Lan với 0.4% và Malaysia với 1.8% (tính tới Tháng Mười Một/2024).

Để kiềm chế lạm phát, chính phủ Việt Nam sử dụng phương thức quỹ bình ổn giá và kiểm soát giá cả trong nước thông qua các doanh nghiệp nhà nước như Petrovietnam, EVN và TKV (Than Khoáng Sản) chứ không phải theo quy luật cung cầu thị trường mậu dịch tự do. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu thực phẩm và nông sản giá rẻ từ Trung Quốc hay Ấn Độ (thịt bò) cũng giúp giảm áp lực tăng giá, do giá nhập khẩu rẻ hơn cả chi phí sản xuất trong nước. Vì vậy, dù chỉ số giá tiêu dùng CPI Việt Nam có thể chính xác, nhưng chưa phản ánh đầy đủ những gì người dân Việt Nam thực sự cảm nhận về lạm phát.

Mặc dù kinh tế Việt Nam luôn có các chỉ số như có tổng giá trị sản phẩm sản xuất trong nước tăng trưởng vượt bậc, nhưng đồng nội tệ mất giá nhanh hơn lại cho thấy những “góc khuất” đằng sau sự tăng trưởng này. Thực tế, kinh tế Việt Nam tăng trưởng phần lớn từ gia công xuất khẩu nhưng lại phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Nguyên nhân chính là do các cơ chế cứng nhắc và thiếu chính sách hỗ trợ sản xuất, khoa học công nghệ trong nước, khiến các nhà sản xuất xuất khẩu Việt Nam gặp bất lợi về cạnh tranh.

Để che giấu những yếu kém này và chạy theo mục tiêu tăng trưởng vì những mục đích chính trị, chính phủ Việt Nam đẩy mạnh thu hút vốn FDI trong khi nguồn lực nguyên liệu trong nước hạn chế, từ đó làm trầm trọng thêm vấn đề, điển hình như nguồn dự trữ ngoại hối Việt Nam đã giảm xuống $80 tỷ, mức thấp kỷ lục trong suốt ba năm qua, phá bỏ mọi nỗ lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong 11 năm trước đó.

.com/docsz/

Sài Gòn nhìn bề ngoài rất tráng lệ. (Hình minh họa: Pham Tran Thien/Pexels) 

Tiền dự trữ ngoại hối quốc gia đang suy giảm

Một trong những hệ quả khiến đồng Việt Nam mất giá nhanh hơn là do nguồn dự trữ ngoại hối suy giảm nghiêm trọng. Thử hình dung dự trữ ngoại hối của một quốc gia như một “két sắt” khổng lồ chứa đôla Mỹ, euro và các loại tiền tệ mạnh khác. “Két sắt” này đóng vai trò then chốt, giúp quốc gia thanh toán các giao dịch quốc tế, can thiệp vào thị trường tiền tệ để ổn định tỷ giá hối đoái và chống đỡ các cú sốc kinh tế từ bên ngoài.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam từng tăng đều đặn từ $1.32 tỷ năm 1995 lên đến đỉnh điểm $109 tỷ vào năm 2021, một sự tăng trưởng đáng kinh ngạc gấp 82 lần. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, “két sắt” này bắt đầu vơi đi. Đến cuối năm 2024, con số này chỉ còn khoảng $80 tỷ, giảm đáng kể so với mức đỉnh $110 tỷ đạt được vào năm 2021.

Tại sao dự trữ ngoại hối của Việt Nam lại đang bị rút cạn, ngay cả khi các chỉ số kinh tế khác dường như rất tích cực? “Két sắt” này được bổ sung từ nhiều nguồn như thặng dư thương mại, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối, doanh thu du lịch và các chính sách tài chính tiền tệ hiệu quả. Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam tăng 9.4% trong năm 2024, đạt $25.35 tỷ. Tuy nhiên, động lực chính của sự biến động này nằm ở Cán Cân Thanh Toán (Balance of Payment – BoP), một bản ghi chép tổng hợp tất cả các giao dịch kinh tế giữa Việt Nam và thế giới. BoP giống như một “bảng cân đối kế toán” quốc tế, ghi lại tất cả các khoản thu và chi bằng ngoại tệ. Nếu tổng thu lớn hơn tổng chi, tức là BoP thặng dư, thì “két sắt” ngoại hối sẽ được bổ sung. Ngược lại, nếu BoP thâm hụt, dự trữ ngoại hối sẽ bị suy giảm.

BoP bao gồm hai thành phần chính là tài khoản vãng lai và tài khoản vốn & tài chính. Tài khoản vãng lai ghi nhận các giao dịch mua bán hàng hóa và dịch vụ, thu nhập từ đầu tư và các khoản chuyển giao như kiều hối. Việt Nam là quốc gia có hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ, chủ yếu đến từ các sản phẩm điện tử, điện thoại thông minh, hàng may mặc và nông sản. Tuy nhiên, do nhập khẩu cũng tăng, dẫn đến thặng dư thương mại. Bên cạnh đó, lượng kiều hối gửi về nước cũng rất đáng kể, dự kiến hơn $16 tỷ, vượt cả Ý, Thái Lan và Mỹ, cho thấy vai trò quan trọng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhìn chung, tài khoản vãng lai của Việt Nam thường xuyên thặng dư, nghĩa là mang lại dòng ngoại tệ chảy vào.

Một điểm đáng chú ý trong tài khoản vãng lai là thu nhập chính, bao gồm lợi nhuận, cổ tức, và lãi suất mà các nhà đầu tư nước ngoài thu được tại Việt Nam. Mặc dù FDI mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, nhưng khi các nhà đầu tư này chuyển lợi nhuận về nước, nó sẽ tạo ra dòng ngoại tệ chảy ra, làm giảm dự trữ. Ví dụ, Samsung, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, sau khi sản xuất và xuất khẩu điện thoại, sẽ chuyển một phần lợi nhuận về Nam Hàn. Điều này lý giải tại sao thu nhập chính của Việt Nam thường xuyên thâm hụt.

Tài khoản vốn & tài chính, theo dõi dòng vốn đầu tư vào và ra khỏi Việt Nam, lại ghi nhận mức thâm hụt đáng kể, đặc biệt trong giai đoạn 2021-2022, lên đến hơn $32 tỷ trong năm 2022. Nguyên nhân chính của tình trạng này xuất phát từ những chính sách tài khóa được cho là sai lầm của chính quyền Việt Nam trong nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế giữa bối cảnh suy thoái toàn cầu.

Từ năm 2023, trong khi thế giới chật vật đối phó với lạm phát và lãi suất tăng cao, kinh tế Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đình trệ, mất thanh khoản, dẫn đến vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp và các đại án như Tân Hoàng Minh, FLC, SCB – Trương Mỹ Lan. Để cứu vãn tình hình và bơm thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản, chính quyền quyết định hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, khoảng 2%. Tuy nhiên, động thái này lại đi ngược chiều so với xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và Châu Âu. Kết quả là, dòng vốn đầu tư bị hút mạnh khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam, chảy về các thị trường phát triển nơi có lãi suất cao hơn, khiến tài khoản vốn và tài chính của Việt Nam càng thêm thâm hụt.

Một yếu tố khác góp phần làm phức tạp thêm bức tranh kinh tế là hệ quả của chính sách độc quyền vàng của chính phủ. Năm 2024, giá vàng thế giới tăng mạnh hơn 27% so với năm trước. Do chính phủ Việt Nam nắm độc quyền phân phối vàng miếng, nên sự tăng giá này đã dẫn đến tình trạng khan hiếm vàng trong nước, đẩy giá vàng nội địa lên cao khi nhu cầu người dân mua đầu tư vàng tăng vọt, có thời điểm chênh lệch gần 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Để bình ổn thị trường vàng và ngăn chặn đà mất giá nội tệ, Ngân Hàng Nhà Nước buộc phải sử dụng dự trữ ngoại hối để mua vàng nguyên liệu, sản xuất thêm vàng miếng cung ứng cho thị trường trong nước. Điều này vô hình trung tạo thêm áp lực lên dự trữ ngoại hối, vốn đã đang suy giảm do những nguyên nhân đã phân tích ở trên.

Bên cạnh đó, gánh nặng trả nợ nước ngoài ngày càng tăng cũng góp phần làm “vơi đi két sắt” ngoại hối. Nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2024 vào khoảng 36-37% GDP, tương đương $165-170 tỷ (tức 4 – 4.1 triệu tỷ VNĐ), tăng thêm khoảng 100,000 – 200,000 tỷ VNĐ đồng so với năm trước.

Việc dự trữ ngoại hối suy giảm đặt ra những câu hỏi về khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước những biến động bên ngoài. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ dự trữ ngoại hối trên tổng nợ nước ngoài của Việt Nam khá thấp, cho thấy mức độ rủi ro cao hơn. Đặc biệt, dự trữ ngoại hối hiện tại chỉ đủ để trang trải cho 3 tháng nhập khẩu, một con số đáng báo động so với mức khuyến nghị tối thiểu là 3-6 tháng của các tổ chức quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc như giá hàng hóa, gián đoạn chuỗi cung ứng, hay biến động tỷ giá.

Có thể thấy rằng, đằng sau những con số tăng trưởng ấn tượng hào nhoáng mà chính phủ Việt Nam công bố không thể che giấu thực trạng đáng lo ngại của nền kinh tế khi đồng Việt Nam mất giá mạnh, dự trữ ngoại hối suy giảm, và một mô hình tăng trưởng “xây nhà từ nóc,” thiếu bền vững. Việc tập trung vào gia công, lắp ráp và thu hút FDI mà bỏ quên việc đầu tư cho năng lực sản xuất trong nước đang đẩy Việt Nam vào vòng luẩn quẩn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu, khiến giá thành sản phẩm cao và dễ bị tổn thương trước biến động thị trường toàn cầu.

Chính sách tăng trưởng nóng, được thúc đẩy bởi các mục tiêu chính trị, càng làm trầm trọng thêm tình trạng này. Nền kinh tế bị ép tăng trưởng, trái với quy luật thị trường, tạo ra một bức tranh “ổn định ảo” và che giấu những rủi ro tiềm ẩn. Kinh tế phải phục vụ cho mục đích chính trị của chính quyền CSVN đang gây ra những hệ lụy tiêu cực, lâm vào tình thế nguy hiểm, khi nền công nghệ sản xuất kém phát triển, và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.

Comments are closed.