quehuong14.12.240 Facebook Twitter Google+
Bình luận của Blogger Huỳnh Trần
14/12/2024
Chủ tịch nước Lương Cường (ngoài cùng bên trái), Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng bí thư Tô Lâm bên ngoài Quốc hội ở Hà Nội hôm 21/10/2024 (minh hoạ)
AP Photo/Minh Hoang
Việt Nam đang thay đổi để thích nghi với thế giới đang thay đổi phức tạp nhanh chóng. Dưới sự lãnh đạo của tân Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam đang cải cách thể chế “từ trên” để có thể bước vào cái gọi là “kỷ nguyên mới” với hàm ý là một thời kỳ cho dân tộc, quốc gia “vươn mình.” Dưới thời của người tiền nhiệm, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ nghĩa xã hội là chủ thuyết phát triển được đề cao, nay đang “mờ dần” nhường chỗ cho chủ nghĩa dân tộc “lên ngôi.”
Việt Nam cần một chủ thuyết để phát triển, trong đó gọi là cách mạng, đổi mới, cải cách hay một thuật ngữ chính trị được lựa chọn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi thời kỳ tuỳ thuộc và quy mô và tính chất tiến hành. Đổi Mới năm 1986 là một chương trình cải cách toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội, được tuyên bố chính thức tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS) lần thứ sáu, với mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Động lực dẫn đến đổi mới là cứu chế độ CS hiện hành sau những thất bại của các chính sách kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp theo mô hình Liên Xô. Kinh tế được cởi trói “từ dưới” theo hướng theo hướng thị trường, và theo nguyên lý, các lĩnh vực khác phải thay đổi để thích nghi.
Tuy nhiên, chủ thuyết chủ nghĩa xã hội dựa trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê-nin dần trở nên giáo điều để duy trì chế độ thay vì để phát triển. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sản (ĐCS) là một hình thức của chế độ chính trị tập quyền cao với đặc trưng thúc đẩy người đứng đầu đảng nắm giữ quyền lực tuyệt đối. Bởi vậy, sự níu kéo ý thức hệ trong thời kỳ Đổi mới được phản ánh qua mỗi thế hệ lãnh đạo Đảng mà đỉnh cao là trong gần ba nhiệm kỳ, từ tháng 1 năm 2011 đến tháng 7/2024, khi ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư từ Đại hội lần thứ 11 của ĐCS đến khi qua đời. Tô hồng khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”, ông Trọng đã nỗ lực “làm mới” chủ nghĩa xã hội để làm chủ thuyết phát triển nhưng không những không thể làm giảm nguy cơ suy thoái chế độ vì quốc nạn tham nhũng trầm trọng và rối loạn xã hội vì hậu quả của nó mà còn cản trở động lực đổi mới…
Người bán hàng rong đi qua một cửa hàng có cờ Đảng và cờ Việt Nam ở Hà Nội hôm 22/5/2024 (minh hoạ). Nhac NGUYEN / AFP
Về bản chất, lý luận “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam, được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cố gắng “đúc kết”, tương đồng với “chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc” dưới thời Tập Cận Bình. Sự tương đồng được nhìn nhận về lịch sử và ý thức hệ chính trị là “Little China.” [1], và trong thực tế, theo giới quan sát nước ngoài, đến nay Việt Nam vẫn bị coi là ‘mini-China.’[2] Trên tạp chí Asia Times tháng 1/2023 có bài viết với tựa đề Vietnam’s ‘mini-China’ days may be numbered, dịch sang tiếng Việt nghĩa là Ngày nước ‘Tàu thu nhỏ’ của Việt Nam có lẽ sắp hết” tác giả William Pesek có cách nhìn “bi quan” về ‘việc Chủ tịch Phúc buộc phải từ chức có thể báo hiệu một hướng đi ít thân thiện với cải cách hơn ở một trong những nền kinh tế nóng nhất châu Á.’ Bản chất sự việc đã phức tạp hơn thế. Ngày 13/12/2024, Bộ Chính trị đã cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc do một số “vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực … và quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.”[3]
Ông Tô Lâm lên nắm quyền Tân Tổng Bí thư ngay khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời giữa nhiệm kỳ, đã phát động cuộc cải cách thể chế “từ trên”, theo cách “vừa chạy vừa xếp hàng”, với tính chất và nội hàm khó lường. Trong thời gian ngắn với những hành động quyết liệt về nhân sự khẳng định tính chính danh tổng bí thư và nhiều bài phát biểu mang tính cá nhân, ông Tô Lâm đã thể hiện cách tiếp cận và chính sách cải cách. Trước hết, ông ấy cho rằng cần phải “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” và sau đó là những hành động biến những quy định, quy trình nghị sự, thủ tục, những phiên họp của Đảng, Chính phủ và Quốc hội ‘hiện hành’ trở nên nhanh chóng “bất thường” và đạt mục đích. Ông ấy tập trung vào việc “tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị” và nhấn mạnh như một “cuộc cách mạng”[4]… Những chuyến công du nước ngoài của “tứ trụ” đảng-nhà nước, nâng cấp quan hệ đối tác, tiếp đón các tập đoàn và kêu gọi đầu tư nước ngoài… với tần suất ‘chưa từng có’ nhằm quảng bá về sự đổi mới của chế độ, cải cách và sự cởi mở vì mục đích kinh tế… Với tất cả những động thái đối nội, đối ngoại mạnh mẽ, quyết đoán thể hiện một tinh thần dân tộc, ông Tân Tổng Bí thư Tô Lâm đang thúc đẩy giới lãnh đạo chế độ hiện hành nỗ lực chuẩn bị cho “kỷ nguyên mới” để “dân tộc vươn mình.”
Thực tế đã chỉ ra chủ nghĩa xã hội đã không thể trở thành chủ thuyết phát triển ‘bền vững’ trong thời kỳ Đổi mới và, sự cải cách thể chế thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc. Nếu bỏ qua những định kiến về bản chất ‘cộng sản’ của chế độ hay những suy đoán về tương lai ‘công an trị’ xuất phát từ lực lượng an ninh là ‘nòng cốt’, thì ‘cuộc cách mạng’ lần này phản ánh một hình thức của chủ nghĩa dân tộc, quốc gia. Đó là một hệ tư tưởng nhấn mạnh lòng trung thành với một quốc gia hoặc quốc gia-dân tộc, và lợi ích của quốc gia quan trọng hơn lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm.
Ngoài các ý tưởng về quốc gia và nhà nước, bản sắc dân tộc, đoàn kết dân tộc, ranh giới chính trị và chủ quyền quốc gia, chủ nghĩa dân tộc nhấn mạnh đến “sự độc quyền bạo lực hợp pháp trong một lãnh thổ nhất định”[5] và ‘lòng trung thành chính trị’. Không phải là hệ tư tưởng ‘mới’, thậm chí Vladimir Lenin đã ủng hộ khái niệm “quyền tự quyết của các dân tộc,” nhưng ‘mới’ với chế độ cộng sản Việt Nam để phát động cải cách thể chế. Về nguyên lý, lý thuyết hiện đại hóa[6] được chấp nhận phổ biến nhất về chủ nghĩa dân tộc, đã đề xuất rằng chủ nghĩa dân tộc xuất hiện do các quá trình hiện đại hóa, chẳng hạn như công nghiệp hóa, đô thị hóa và giáo dục đại chúng, điều này làm cho ý thức dân tộc trở nên khả thi. Ngoài ra, chủ nghĩa dân tộc còn là một phong trào. Về mặt lịch sử, sự thức tỉnh của chủ nghĩa dân tộc trên khắp châu Á, phong trào giải phóng dân tộc đã giúp định hình lịch sử của lục địa này. Hơn thế, sự trỗi dậy của chủ nghĩa toàn cầu từ cuối thế kỷ 20 đã dẫn đến sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc, dân tuý…
Nếu chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam được thúc đẩy thì “tốt” sẽ nhiều hơn “xấu.” Trước hết về điều tốt, chủ nghĩa dân tộc làm ‘mờ dần’ chủ nghĩa xã hội giáo điều, cản trở đổi mới phát triển, khẳng định tinh thần độc lập tự chủ về ý thức hệ, kinh tế và địa chính trị… Đây là vấn đề phức tạp và, ‘cuộc cách mạng’ thể chế mới chỉ bắt đầu vì vậy cần được tiếp tục quan sát và nghiên cứu. Mong nhận được những ý kiến góp thêm từ các quý vị độc giả.
____________
Tham khảo:
https://en.wikipedia.org/wiki/Little_China_(ideology)
https://asiatimes.com/2023/01/vietnams-mini-china-days-may-be-numbered/
Weber, Max (1994). Weber: Political Writings. Cambridge: Cambridge University Press. pp. 309–331;
https://en.wikipedia.org/wiki/Modernization_theory_(nationalism).
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Báo Quốc Dân