VNCS – Vụ khai thác ‘chui’ hơn 1.5 triệu tấn quặng: Cựu Bí thư Lào Cai nhận 5 tỷ đồng ‘cảm ơn’


Phạm Toàn/ Việt Luận Úc châu – 15/7/2023

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/cuubithu.jpg

Ông Nguyễn Văn Vịnh (thời còn đương chức) trong buổi tiếp xã giao Đoàn công tác tỉnh Bò Kẹo (Lào), ngày 27/12/2017. (Ảnh: laocaitv.vn) 

Với số tiền 5 tỷ đồng được Giám đốc Công ty Lilama “cảm ơn” vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán năm 2015, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh đã chi tiêu cá nhân hết nên cơ quan điều tra không thu giữ được.

Nội dung trên được nêu tại kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai trong vụ án khai thác “chui” hàng triệu tấn quặng.

15 bị can trong vụ án bị đề nghị truy tố. Trong đó, ông Vịnh bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cùng tội danh, công an đề nghị truy tố ông Doãn Văn Hưởng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai), ông Mai Đình Định (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Nguyễn Thanh Dương và Lê Ngọc Hưng (đều là cựu Phó chủ tịch tỉnh), Phan Văn Cương (Phó giám đốc Sở Công Thương), Ngô Đức Hoàng (chuyên viên Cục địa chất Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường).

7 người ở Công ty Apatit Việt Nam bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, gồm: Nguyễn Quang Huy (cựu Tổng giám đốc), Phạm Cao Khiêm (cựu Phó tổng giám đốc), Nguyễn Ngọc Bích (cựu Chủ tịch HĐTV), Lương Văn Na (cựu Phó tổng giám đốc, Thành viên HĐTV), Cao Văn Tham (Phó phòng kế hoạch thị trường), Nguyễn Văn Bình (Giám đốc Xí nghiệp khai thác 3), Nguyễn Văn Chung (Phó phòng An toàn lao động và Môi trường).

Riêng bị can Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lilama, bị đề nghị truy tố 2 tội Rửa tiền và Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Khai thác hơn 1,5 triệu tấn quặng, doanh nghiệp thu hàng trăm tỷ đồng

Theo hồ sơ vụ án, năm 2009, Công ty Lilama được UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng tại thôn 2 (xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) trên phần diện tích đất rộng 3,77 ha.
Khu vực làm Dự án khách sạn nhà hàng của Công ty Lilama, tại xã Đồng Tuyển. (Ảnh: baolaocai.vn)

Quá trình san gạt, cơ quan chức năng xác định một phần diện tích của dự án trùng với khai trường số 18 thuộc quy hoạch quặng apatit. Vì vậy, UBND tỉnh quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với Công ty Lilama, giao diện tích đất 3,77 ha cho Công ty Apatit Việt Nam quản lý, sử dụng.

Tháng 4/2012, từ đề xuất của Công ty Apatit Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai giao công ty này cải tạo mặt bằng khu mỏ, nếu quá trình cải tạo mà có khoáng sản kèm theo thì được “thu hồi, vận chuyển để quản lý, sử dụng”. Công ty Apatit Việt Nam sau đó thuê Công ty Lilama khai thác được hơn 167.000 tấn quặng.

Tháng 5/2012, Công ty Lilama đã có văn bản gửi UBND tỉnh, đề nghị giao lại diện tích đất 3,77 ha và cấp lại giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà hàng, khách sạn.

Ba tháng sau, UBND tỉnh Lào Cai ban hành văn bản yêu cầu Công ty Apatit Việt Nam bàn giao lại khu đất cho Công ty Lilama để lập dự án, quá trình thực hiện nếu còn khoáng sản thì Công ty Lilama được tận thu.

Đến tháng 5/2013, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục có văn bản thể hiện “nếu kết quả phân tích có phát hiện quặng (kể cả quặng nghèo), giao cho Công ty Lilama thu gom, thỏa thuận, thống nhất với Công ty Apatit Việt Nam để tập kết, quản lý, sử dụng theo quy định pháp luật”.

Chỉ trong 2 năm, số quặng apatit mà Công ty Lilama khai thác thuê cho Công ty Apatit Việt Nam và trực tiếp khai thác lên tới hơn 1,5 triệu tấn, trị giá hơn 610 tỷ đồng. Công ty Lilama thu về hơn 484 tỷ đồng, Công ty Apatit Việt Nam cũng hưởng lợi hơn 184 tỷ đồng.

Với số tiền hưởng lợi bất chính, Giám đốc Công ty Lilama hợp thức hóa hơn 177 tỷ đồng bằng cách nâng khống giá cước vận chuyển quặng, đất đá, khối lượng vận chuyển rồi dùng tiền này để mua đất, mua cổ phần, mở sổ tiết kiệm…

Cựu Bí thư nhận quà cảm ơn 5 tỷ đồng

Theo kết luận điều tra, thời điểm xảy ra vụ việc, ông Vịnh chịu trách nhiệm chính về công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản, biết rõ diện tích 3,77 ha thuộc khai trường 18 đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch quặng apatit, thẩm quyền cấp phép khai thác thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, ông Vịnh đã ký giấy chứng nhận đầu tư cùng nhiều văn bản và tài liệu khác có liên quan không đúng thẩm quyền, trái quy định của pháp luật, dẫn tới Công ty Lilama và Công ty Apatit Việt Nam khai thác và tiêu thụ trái phép số lượng quặng apatit cực lớn.

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/cong-ty-lilama-768x491-1.jpg

Rất đông người dân tập trung tại khu vực nhà riêng của cựu Bí thư Nguyễn Văn Vịnh, hồi tháng 5/2023 – thời điểm ông Vịnh bị bắt. (Ảnh: Nguyễn Hải/baophapluat.vn) 

Cơ quan điều tra đánh giá hành vi sai phạm của ông Vịnh mang tính hệ thống, chỉ đạo xuyên suốt , bởi cùng dự án này bị can ký giấy chứng nhận đầu tư xây dựng khách sạn, khi biết có trữ lượng quặng lớn thì ký quyết định thu hồi, sau đó cấp lại chính diện tích đất đã thu hồi cho Công ty Lilama đầu tư xây dựng khách sạn và cho tận thu khoáng sản.

Dù Công ty Apatit Việt Nam rất nhiều lần kiến nghị không cấp diện tích đất 3,77 ha cho Công ty Lilama, nhưng khi được cấp dưới trình các văn bản không đúng quy định pháp luật, bị can Vịnh đã không ngăn chặn, không chỉ đạo các sở, ngành có biện pháp quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, vào giáp tết Nguyên đán năm 2015, bị can Vịnh đã nhận 5 tỷ đồng từ ông Nguyễn Mạnh Thừa. Số tiền này, ông Vịnh đã chi tiêu cá nhân hết nên cơ quan điều tra không thu giữ được.

https://vietluan.com.au

Tags: , , ,

Comments are closed.