YÊU NƯỚC LÀ GÌ?
Bài trên Facebook)
Hôm nay tôi viết bài này nhân cơn sốt một đám đông đạo đức,chủ yếu là các cụ, vào cào cấu một đứa bé 16 tuổi.
Thực sự tôi rất nể cậu bé ấy. Dám bày tỏ quan điểm của mình. Tôi khẳng định rằng đây là phát biểu có nhận thức!
Quê tôi ở Phò Trạch _ Thừa Thiên Huế. Cha mẹ tôi là dân tập kết,là đảng viên, sinh tôi ra ở Nghệ An. Suy ra tôi là con cộng sản!
Cuộc đời tôi,từ lúc sinh ra cho đến lúc tôi lấy chồng, chỉ ước được một bữa cơm trắng đơm đầy 3 chén, mỗi năm một bộ đồ mới. Cái ước mơ quá tầm thường mà bây giờ có lẽ không đứa trẻ nào thèm nghĩ tới.
Nhà tôi ở giữa những vườn cam của nông trường. Chúng tôi được giáo dục chỉ ăn trái cam sâu,xấu xí,chua le còn những trái đẹp lau sạch sẽ,gói trong tờ giấy bổi,đóng thùng nâng niu gửi qua Liên Xô đổi súng ống về đánh Mĩ,đổi máy móc về cải tiến nông nghiệp. Khốn nạn thay,hình ảnh cha tôi luôn luôn gắn với cái cày và con trâu,tôi chưa bao giờ thấy cái máy nào giúp cha bớt khó nhọc cả. Chúng tôi một buổi đi học, một buổi chăn trâu cho nông trường,cầm theo con dao để lột vỏ những trái cam thúi đem về phơi khô để nộp cho nhà trường. Áo quần không có mặc mà năm nào cũng phải nộp giẻ rách để lau cam. Mà có định mức hẳn hoi! Mùa cà phê,công nhân thu hoạch xong là học sinh phải nghỉ học đi bươi nhặt hết những hạt rơi để nộp. Mẹ đùm cơm vào lá chuối để phần bữa trưa, sáng ăn khoai đi bộ mấy cây số, chiều tối mịt mới về nhà, mấy ngày liền như thế.
Không biết lúc đó cái hội bảo vệ quyền trẻ em đã ra đời chưa mà những cái “búp trên cành” chúng tôi cơm không có ăn,quần thủng đít, hết đi lao động cộng sản lại đầu trần chân đất đi cổ động hô hào, cứ câu cuối là đọc 3 lần kèm theo mỗi lần 3 tiếng trống.
Lên cấp 2 và cấp 3 thì đi trồng cây,cuốc cỏ cho nông trường, làm việc không lương trên tinh thần vui vẻ tự giác, không đi thì cuối năm hạ hạnh kiểm,lưu ban,làm “cán bộ khung”
Tuổi thơ tôi thức và ngủ luôn luôn kèm chữ “thèm”. Những lúc đó tịnh không một ai đại diện cho một tổ chức nào hỏi tôi “thèm gì?”
Tôi nhớ,nhà bạn tôi có người về từ Quảng Trị mang về một con búp bê cũ , nó biết nhắm mắt và mở mắt. Lũ con gái chúng tôi thay nhau ẵm,ru… Cảm giác hạnh phúc đó tôi vẫn nhớ,lúc đó chúng tôi ngây thơ không thể nghĩ rằng,con búp bê đó đã từng có một bé gái như chúng tôi cũng ôm ấp và yêu thương lắm lắm!
Mẹ tôi trồng đậu phộng mà phải đi mò mò nhổ ban đêm như ăn trộm vì sợ bị kỉ luật, vi phạm tội ” đảng viên mà có tư tưởng tư hữu tư sản”. Đậu phộng mẹ giã nhỏ nấu với ruốc để thay thức ăn gọi là chẻo, ăn với bo bo hoặc bắp đỏ hầm.
Lại khổ nữa,cha mẹ là đảng viên nên con phải hiền nhất xóm! Mỗi lần có miếng ngon như đường,sữa, áo quần viện trợ của Liên xô thì gia đình tôi phải nhường cho gia đình quần chúng khác, đa số họ cũng như gia đình tôi!
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi được ăn mì tôm từ miền Nam ra, phát theo tem phiếu, tôi đã ăn quá no vì lần đầu tiên được ăn mì tôm và được ăn no,lúc đó tôi 13 tuổi,vì ăn no quá không tiêu hoá được,tôi trằn trọc không ngủ được, nên nửa đêm mẹ phải đưa tôi ra vườn để ói. Từ đó đến giờ,tôi rất ít khi ăn mì tôm,vì mỗi lần ăn,tôi lại nhớ lần đầu được ăn mì,tôi sợ cảm giác ngửi lại cái mùi ói mửa ấy!
Tôi lấy chồng,thay đổi cuộc đời khi vợ chồng chuyển vào đất Vũng Tàu lập nghiệp. Cuộc sống nơi đây thật là dễ chịu, chúng tôi được 2 chị em người Sài Gòn đã lớn tuổi giúp đỡ,vợ chồng tôi chăm chỉ nên đời sống thay đổi nhanh chóng. Khi tôi đọc bài viết về cháu bé tội nghiệp kia,tôi đã ủng hộ cháu, rất nhiều người vào chửi tôi là đồ vô ơn,đồ ba que,đu càng, đồ phản bội tổ cuốc…vân vân… Tôi nghĩ, tôi mang ơn cha mẹ tôi chứ, cha mẹ đã vất vả cả đời vì anh em tôi,cha mẹ không có nổi một bộ đồ tươm tất để mặc, một đôi dép để mang…vì nhường hết cho con…
Tôi nhớ,khi nhà tôi chuyển từ Nghệ An vào Phú Yên để sống,sốt rét và đói kinh khủng. Lương hưu cha mẹ không đủ nuôi thêm vợ và 2 đứa con của anh ba tôi đang đi bộ đội. Giáp ngày nhận lương hưu của cha mẹ thì như buổi giáp hạt nhà nông.Buổi chiều đó, cha tôi chặt 2 buồng chuối sứ để sáng mai chị dâu chở xuống chợ thì có 2 cha con ông đó chạy xe máy từ trong Nha Trang ra,tìm đến nhà tôi đưa cho mẹ tôi 1 triệu 8 trăm ngàn,tiền của cậu út gửi từ Mĩ về,cậu gửi địa chỉ nhà tôi về Nha Trang,sau bức thư tìm mẹ tôi, cậu gửi làm quà các cháu và họ tìm đến trao cho chúng tôi! Lúc đó thật sự nhà 6 người chỉ trông vào 2 buồng chuối ngày mai xuống chợ thì khái niệm về sĩ diện và lòng biết ơn một cái gì đó, lí tưởng nào đó,ở đâu đó… nó rất mơ hồ!
Chúng tôi sống sót là nhờ nổ lực bản thân, nghèo khó cả đời, mơ cơm trắng ăn với cá khô! Chúng tôi đã vô ơn với ai???
Cũng như cậu bé kia, sinh ra và lớn lên nhờ sự vất vả của mẹ, vậy thì câu ấy phải mang ơn ai đây?
Chúng tôi đã học thuộc từ nhỏ ” khiêm tốn thật thà dũng cảm” … vậy tại sao chúng tôi lại bị lên án khi dám nói lên suy nghĩ của mình, nói lên sự thật?
Yêu Nước là gì,chẳng lẽ chúng tôi là những người không yêu nước?
Vào đất Vũng Tàu,vợ chồng tôi vẫn tham gia hoạt động các tổ chức đoàn thể như phụ nữ,nông dân,chữ thập đỏ… Tôi có hơn chục lần đi hiến máu nhân đạo ( không phải bán máu) chồng tôi bận rộn nên hiến ít hơn. Khi tôi bị bệnh đi bệnh viện,chồng tôi bị tai nạn không hề có một tổ chức nào đến thăm hỏi, mặc dù vào cái hội nào cũng phải đóng hội phí. Chồng tôi là đảng viên cũng không được đảng bộ thăm hỏi. Bức xúc,tôi đến nhà ông bí thư,(vì còn nhiều điều khác nữa),tôi nói:” Chúng tôi không cần một kí đường và 1 hộp sữa của tổ chức mà cái chúng tôi cần là sự quan tâm của tổ chức, của đảng” . Điêù nực cười là họ sửa sai ngay,họ đã đưa đường sữa đến thăm khi vợ chồng tôi đã khỏe mạnh từ lâu! Vậy thì tôi phải biết ơn ai đây?
Những đứa trẻ con ông nọ bà kia, chúng sinh ra đã từ vạch đích, chúng không trãi qua cơ cực như chúng tôi thì chúng phải biết ơn ai là đúng rồi. Thậm chí chúng phải biết ơn cả những người như chúng tôi vì chúng may mắn sống sung túc trên sự thiệt thòi của chúng tôi! Tôi khẳng định một lần cuối: Khi tôi viết bài này,tôi vẫn là người yêu nước,tôi yêu Quê hương Tổ quốc của tôi theo cách của tôi,từ việc nhỏ nhặt hàng ngày!
Thiết nghĩ,yêu nước không phải là công thức,đừng quy chụp và áp đặt suy nghĩ thô bạo của mình lên người khác !
Ảnh nguồn internet: cây xanh đô thị và trụ điện sau bão Yayi.