Thời Sự Việt Nam – 09/02/2022


Đấu giá đất Thủ Thiêm – mất bò mới lo làm chuồng!

Vụ đấu giá đất gây bất ngờ ở bán đảo Thủ Thiêm thành phố Sài Gòn càng lúc càng lộ rõ là một áp-phe thổi giá trục lợi của một số công ty bất động sản.

Hiếu Chân

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/02/c207bc191719da478308-2945-1644308796.jpg

Toàn cảnh các lô đất được đem ra đấu giá ở Thủ Thiêm. Ảnh Quỳnh Trần/VNExpress 

Vụ đấu giá đất gây bất ngờ ở bán đảo Thủ Thiêm thành phố Sài Gòn càng lúc càng lộ rõ là một áp-phe thổi giá trục lợi của một số công ty bất động sản hơn là một hoạt động kinh doanh bình thường của nền kinh tế.

Như tin đã đưa trên báo chí, ngày 10 tháng Mười Hai 2021, chính quyền Sài Gòn đã tổ chức bán đấu giá bốn lô đất thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm và kết quả bốn lô đất đều được đặt mua với giá cao hơn nhiều lần so với giá chào bán, gây bất ngờ và sửng sốt cho cả giới kinh doanh địa ốc và người dân bình thường. Lô đất mang ký hiệu 3.5 rộng 6,446 mét vuông được công ty Dream Republic trả giá 3,820 tỷ đồng, gấp 6.6 lần giá chào bán; lô 3.8 rộng 8,561 mét vuông được công ty Sheen Mega trả giá 4,000 tỷ đồng, bằng 3.9 lần giá chào bán; lô 3.9 rộng 5,009 mét vuông được công ty Bình Minh trả giá 5,026 tỷ đồng, gấp 6,9 lần giá chào bán và lô 3.12 rộng nhất 10,060 mét vuông được công ty Ngôi Sao Việt trả giá 24,500 tỷ đồng, bằng 8.3 lần giá chào bán.

Tính theo giá đơn vị diện tích, Ngôi Sao Việt trả giá cao nhất 2.45 tỷ đồng mỗi mét vuông, tiếp theo đó là Bình Minh 1,003 tỷ đồng/mét vuông; Dream Republic 593 triệu đồng/mét vuông và Sheen Mega 467 triệu đồng/mét vuông. Tất cả các mức giá này đều cao hơn nhiều lần so với giá đất thị trường Sài Gòn, kể cả giá đất ở các trục đường lớn và mang tính lịch sử như giá đất đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi (Tự Do cũ) hay đường Lê Lợi ở quận Nhất; thậm chí cao hơn giá đất của các đô thị đắt đỏ nhất thế giới như Tokyo, New York hoặc Hồng Kông.

Ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc, đông đảo dư luận đã nghi ngờ tính chất hợp lý của cuộc đấu giá, căn cứ vào mức giá “không tưởng” cũng như thực lực tài chính của các công ty trúng đấu giá. Trong bốn công ty bỏ giá cao để mua đất, Ngôi Sao Việt là có vẻ vững mạnh nhất, đã hoạt động được sáu năm và có vốn điều lệ 1,600 tỷ đồng. Công ty Dream Republic hoạt động được năm năm, vốn điều lệ chỉ có 300 tỷ đồng, hai công ty còn lại chỉ mới thành lập được vài tháng, vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng (công ty Sheen Mega) và 200 tỷ đồng (công ty Bình Minh). Vốn liếng của cả bốn công ty này chỉ bằng một phần nhỏ so với mức giá đất mà họ phóng tay đưa ra trong cuộc đấu giá ngày 10 Tháng Mười Hai vừa qua.

Và rồi nỗi hoài nghi của dư luận đã chứng tỏ là đúng. Chỉ một tháng sau ngày đấu giá “thành công”,ngày 10 tháng Giêng 2022, tập đoàn Tân Hoàng Minh gửi “tâm thư” lên lãnh đạo đảng, nhà nước Việt Nam và thành phố Sài Gòn xin chấm dứt hợp đồng mua đất, chịu bỏ khoản tiền cọc 588.4 tỷ đồng. Đến ngày 28 tháng Giêng, công ty này gửi văn bản chính thức xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán lô đất 3.12 mà họ đã trúng đấu giá. Giới quan sát cho rằng, Tân Hoàng Minh – công ty mẹ của Ngôi Sao Việt – là kẻ đầu tiên bỏ của chạy lấy người, và ba công ty còn lại sớm muộn cũng sẽ theo sau. Đúng như vậy, ngày 8 Tháng Hai vừa qua, Cục Thuế TPHCM cho biết Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh (Công ty Bình Minh) đã gửi văn bản đến các cơ quan liên quan, trong đó có Cục Thuế thành phố, xin bỏ cọc lô đất 3-9 ở Thủ Thiêm mà doanh nghiệp này trúng đấu giá; số tiền cọc đã đóng là 145.6 tỷ đồng. Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế Sài Gòn cho biết thêm đến chiều ngày 8 tháng Hai, hệ thống quản lý của cơ quan thuế vẫn chưa nhận được tiền sử dụng đất của hai doanh nghiệp còn lại trúng đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm dù đã qua thời điểm công ty trúng đấu giá phải nộp 50% số tiền mua đất (vào ngày 6 tháng Hai); khả năng nhận được tiền đất của hai công ty này trước hạn chót là ngày 6 tháng Tư 2022 xem ra khá mù mịt.

Như vậy đến lúc này có thể nói chắc cuộc đấu giá bốn lô đất Thủ Thiêm đã thất bại, chính quyền Sài Gòn thu được số tiền đặt cọc hơn 1,000 tỷ đồng nhưng dự tính bán bốn lô đất thu về  37,346 tỷ đồng dường như đã tan thành mây khói.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/02/1-anh-add-bai-TT-01-jpeg-5982-1644385078.jpg

Đồ họa VNExpress.net 

Cuộc đấu giá đất đã không thành nhưng để lại một số hậu quả nghiêm trọng cho thị trường bất động sản trong nước và đặt câu hỏi về cung cách điều hành thị trường của nhà cầm quyền Hà Nội.

Trước tiên, cần khẳng định ngay rằng tổ chức đấu giá đất là một chính sách đúng; thay vì để cho các quan chức đảng và chính quyền tùy tiện giao đất cho các doanh nghiệp cánh hẩu với giá thấp hơn giá trị thực và nhận lại những khoản hối lộ khổng lồ mà các vụ án tham nhũng đang được xét xử cho thấy. Ở đây chúng tôi không bàn tới nguồn gốc của các lô đất đem ra bán cùng thủ đoạn cướp đất của nhà cầm quyền cộng sản tước đoạt quyền sở hữu đất đai của người dân nhân danh những điều luật phi lý “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” – một thực tế đã được bàn luận nhiều lần trên trang báo này.

Tuy nhiên, trong một xã hội hỗn loạn, kỷ cương trật tự bị đảo lộn thì một chính sách đúng đã bị thao túng để làm lợi cho một số người, một số công ty mà gây hại cho xã hội, cho đất nước. Điều gì đã khiến bốn công ty đấu giá đất Thủ Thiêm phóng tay đặt những mức giá cao ngất ngưởng, vượt xa khả năng thanh toán của họ, để rồi sau đó lẳng lặng bỏ của chạy lấy người, chịu mất hàng trăm tỷ đồng tiền đặt cọc?  Đáng chú ý là các công ty “cò con” này chỉ là bình phong, là công ty con của các tập đoàn bất động sản có tiếng như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Đại Quang Minh… Tại sao các tập đoàn không ra mặt công khai và trực tiếp mua đất mà đưa các công ty con vô danh tiểu tốt với số vốn ít ỏi ra đấu giá rồi đặt những mức giá trên trời cao hơn nhiều lần so với vốn liếng của họ?

Chỉ có một cách giải thích khả dĩ hợp lý là cuộc đấu giá đã tạo điều kiện để các tập đoàn bất động sản lập ra một mặt bằng mới về giá đất, cao hơn rất nhiều lần so với giá hiện hành, ở khu đô thị Thủ Thiêm, nơi mà các tập đoàn “cá mập” nói trên đã thâu tóm được rất nhiều đất với giá hời từ trước đây dựa vào mối quan hệ “bè phái” với các quan chức ở trung ương và thành phố Sài Gòn. Đặt giá cao rồi bỏ, chịu mất tiền cọc nhưng sẽ thu lợi gấp nhiều lần từ việc tăng giá những lô đất rộng lớn hơn, cũng ở Thủ Thiêm, mà họ đã nắm trong tay là một thủ đoạn “bỏ con săn sắt bắt con cá rô” của các “đại gia” kinh doanh nhà đất ở Việt Nam.

Để làm được điều đó, họ đã không từ thủ đoạn nào, từ việc bỏ giá cao hơn nhiều lần so với giá chào bán, thông đồng với cơ quan tổ chức đấu giá để có thông tin nội bộ, đưa “quân xanh, quân đỏ” vào tham gia đấu giá làm cò mồi cho các động tác nâng giá hạ giá của họ, thậm chí sử dụng du côn, du đãng để đe dọa và uy hiếp những người có ý định cạnh tranh với họ trong cuộc đấu giá. Kết quả là cuộc đấu giá diễn ra đúng như mưu đồ của họ, giá đất bị đẩy tới mức không tưởng tượng nổi và một mặt bằng giá mới hình thành, ảnh hưởng đến giá mua bán của tất cả các diện tích đất giao dịch trên thị trường. Kế hoạch bán đất thu tiền đầu tư cải thiện đường sá cầu cống của chính quyền Sài Gòn tạm thời xem như phá sản. Và giấc mơ có được lô đất, căn chúng cư “hợp túi tiền” của người dân trung lưu càng trở nên xa vời, có thể sẽ không bao giờ thực hiện được với giá đất trên trời như vậy.

Nhà cầm quyền có biết tới những thủ đoạn ma quái của giới kinh doanh hay không? Biết nhưng đã không làm gì để chấn chỉnh mà chỉ cần bán giá cao để thu tiền, càng cao càng tốt. Ông Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc từng nói tại diễn đàn Quốc Hội cộng sản hôm 4 tháng Giêng 2022 rằng “Đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường”, tạo ra một mặt bằng “giá ảo” bất lợi cho thị trường bất động sản. Khi đó cũng đã có nhiều ý kiến phản bác nhận định của ông Phớc.

Bây giờ, khi thủ đoạn thao túng vụ đấu giá đã lộ rõ, Bộ Xây dựng mới đề nghị Thủ tướng xử lý nghiêm các vi phạm có yếu tố thổi giá, trục lợi. Mất bò mới lo làm chuồng! Nhưng xử lý thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa mục tiêu bán đất với giá càng cao càng tốt và khả năng doanh nghiệp tạo mặt bằng giá ảo để trục lợi thì chưa thấy nhà cầm quyền Việt Nam có giải pháp gì.

Trong khi đó thị trường bất động sản vẫn tiếp tục bị những công ty, tập đoàn tư bản đỏ thao túng, lũng đoạn vì mục đích tối hậu của họ là thu lợi tối đa trong một môi trường pháp lý mù mờ và nhiều lỗ hổng.

TPHCM: Một người dân tự thiêu nghi liên quan đến giải phóng mặt bằng

RFA
09/02/2022

TPHCM: Một người dân tự thiêu nghi liên quan đến giải phóng mặt bằng

Người đàn ông tự thiêu (hình ảnh đã được làm mờ vì lý do tôn trọng người đã mất) /Ảnh chụp màn hình video 

Đoạn băng hình lan truyền trên mạng xã hội quay lại cảnh một người đàn ông ngồi trong đống lửa, kèm với tiếng người dân nhốn nháo hô lấy nước để dập.

Theo tìm hiểu của Đài Á châu Tự do, sự việc xảy ra vào tối ngày 31 tháng 1 năm 2022 tại đường Bãi Sậy, Phường 1, Quận 6, thành phố Hồ Chí Minh. 

Nạn nhân là ông Văn Quốc Quang, sinh năm 1974, ông có nhà nằm trên đường Bãi Sậy thuộc diện giải toả cho dự án cải tạo, khơi thông kênh Hàng Bàng. 

Thời điểm xảy ra sự việc là khoảng 8 giờ 30 tối, theo phản ánh của người dân sống gần đó thì ban đầu thấy ông này đứng ở trước nhà lớn tiếng mắng mỏ, sau đó tự đổ xăng lên người và châm lửa. 

Người dân xung quanh xông vào dập lửa, người từ công an và Ủy ban phường sau đó xuống hiện trường để đưa ông Quang đi bệnh viện và điều tra vụ việc, tuy nhiên ông này qua đời vào sáng ngày hôm sau, tức ngày 1 tháng 2 năm 2022. 

chobinhtay-RFA.jpg

Khu vực nằm trong dự án cải tạo, khơi thông kênh Hàng Bàng ngay phía sau chợ Bình Tây. Ảnh: Chụp màn hình Google map/Đồ họa RFA 

Theo như lời người thân của nạn nhân nói với đài RFA, thì buổi chiều hôm xảy ra sự việc, ông Văn Quốc Quang đã tới trụ sở UBND Phường 1 và có xảy ra cự cãi với cán bộ của phường về vấn đề đền hỗ trợ và đền bù giải phóng mặt bằng. 

Người thân cho biết ông Văn Quốc Quang bị tâm thần nhẹ đã tự nguyện dỡ căn nhà rộng khoảng 68 mét vuông vào tháng 11 năm 2021, sau khi người của phường dọa rằng nếu để họ cưỡng chế thì mất hết, chứ không bán được gì từ xác căn nhà, và phường cũng hứa sẽ hỗ trợ tiền. 

Tuy nhiên, vì sau khi phá nhà rồi mà vẫn không nhận được tiền đền bù lẫn tiền hỗ trợ nên ông Quang không rời đi, mà quyết định ở lại trên nền gạch còn sót lại của căn nhà để biểu tình từ đó cho đến ngày xảy ra việc tự thiêu. 

Cũng theo gia đình, sở dĩ đến nay nạn nhân vẫn chưa nhận được tiền đền bù do bên phía Ban đền bù và giải phóng mặt bằng cho hay, ngôi nhà mà ông này đã ở trên 40 năm có tranh chấp. 

Tranh chấp với ai và cơ sở pháp lý nào của phía bên tranh chấp thì gia đình không được thông báo. 

Một đoạn băng hình khác người dân quay lại khi nhập quan cho nạn nhân, thì công an và những người trong trang phục bảo hộ y tế giăng dây, chặn ba con đường dẫn vào nhà ông Quang. 

Phóng viên của Đài Á châu Tự do gọi điện thoại cho ông Trần Kiều Mộng Sanh, Trưởng Công an Phường 1, Quận 6, TPHCM để xác minh sự việc. Tuy nhiên sau khi nghe câu hỏi từ phóng viên thì ông này từ chối trả lời, và nói liên hệ với quận. 

Phóng viên sau đó nhiều lần gọi cho bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND Quận 6, nhưng bà này không nhấc máy. 

Báo chí nhà nước sau hơn một tuần lễ sự việc diễn ra nhưng chưa có tờ báo nào đề cập đến sự việc nghiêm trọng này. 

Tuy nhiên, hồi tháng 11 năm ngoái, mạng báo Zing có viết về dự án này và cho biết trên quãng đường dài khoảng 750 mét kẹp giữa đường Phan Văn Khỏe – Bãi Sậy, có khoảng 160 hộ trên tổng số 474 hộ gia đình chưa chấp nhận phương án đền bù giải tỏa, tái định cư. 

Sở dĩ như vậy là do khu vực dân cư này nằm cạnh chợ Bình Tây, kế sinh nhai của nhiều gia đình gắn liền với chợ, cho nên phần lớn người chưa chấp nhận phương án tái định cư là do nơi ở mới không thuận lợi cho việc buôn bán, mưu sinh. 

Người dân ở đây phải sống giữa những bãi đất trống, các ngôi nhà đập dang dở, con kênh nghẹt rác bốc mùi hôi thối và hệ thống dây điện không được chỉnh trang do dự án bị treo nhiều năm qua. 

Tập đoàn Idemitsu không có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn

RFA
09/02/2022

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/idemitsu-has-no-plan-for-financial-aid-to-vietnam-s-nghi-son-refinery-02092022072640.html/@@images/image

Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn /NSRP 

Tập đoàn Idemitsu Kosan của Nhật hiện chưa có kế hoạch hỗ trợ tài chính mới cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Việt Nam.

Reuters phát đi bản tin từ Tokyo vào ngày 8/2 dẫn phát biểu của một viên chức quản lý của Idemitsu, ông Onuna Yoshitaka, rằng trong ngắn hạn tập đoàn chưa có kế hoạch về vấn đề lỗ do suy giảm giá trị đối với nhà máy mà tập đoàn này có cổ phần.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa được nói cung cấp đến một phần ba nhu cầu xăng dầu tại Việt Nam. Nhà máy hiện phải cắt giảm 80% công suất do vấn đề tài chính, và đang tìm kiếm những biện pháp nhằm trở lại sản xuất bình thường.

Idemitsu có 35,1% cổ phần tại dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; Kuwai Petroleum có 35,1% cổ phần; Petro Vietnam giữ 25,1% cổ phần  và Mitsui Chemicals Nhật Bản có 4,7% cổ phần.

Đây là nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam hiện nay với công suất thiết kế lọc 200 ngàn thùng dầu mỗi ngày.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phải vật lộn với những khó khăn về tài chính kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020.

Việc cắt giảm sản xuất của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vốn chiếm tới 35% nguồn cung xăng dầu ra thị trường hiện nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu mua xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong ngày 25/1 vừa qua đã chính thức đưa ra thông tin phản hồi về việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có nguy cơ dừng hoạt động vào giữa tháng 2 do thiếu dầu để sản xuất.

Theo đó, tập đoàn được truyền thông Nhà nước dẫn xác nhận đã phải hủy nhập hai tàu dầu thô trong tháng 1/2022 và đối diện với nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13/2/2022 do khó khăn nghiêm trọng về tài chính, bắt nguồn từ việc PVN chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận (RPA) và thanh toán sớm (EP) hợp đồng bao tiêu sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn và các phụ lục (FPOA).

Khuyến khích nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo nguồn cung nội địa

Khuyến khích nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo nguồn cung nội địa

Các cửa hàng xăng dầu ở Đắk Lắk đóng cửa vì không có xăng để bán /Người Lao động 

Thêm hàng loạt cửa hàng xăng dầu tại tỉnh Đắk Lắk đã đóng cửa vì không có xăng dầu để bán. Một lãnh đạo Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đắk Lắk cho truyền thông Nhà nước hay thông tin trên trong ngày 9/2.

Cũng theo Cục QLTT, toàn tỉnh Đắk Lắk có 21 doanh nghiệp đầu mối với 457 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Chỉ trong ngày 9/2, qua kiểm tra, QLTT phát hiện 19 cửa hàng đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Lý do các chủ doanh nghiệp xăng dầu đưa ra là ngoài việc khan hiếm xăng dầu thì hiện mỗi lít xăng dầu họ bán ra thị trường đều bị lỗ từ 100-500 đồng/lít, chưa tính các khoản chi phí lương nhân viên, điện, khấu hao, hao hụt…

Trước đó, hôm 8/2 hàng chục cửa hàng xăng dầu tại các tỉnh miền Tây cũng thông báo đóng cửa do hết xăng và lỗ vốn.

Trong ngày 9/2, Bộ Công thương đã có cuộc họp khẩn bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước được tờ Đại Đoàn Kết dẫn lời khẳng định Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch chạy đủ 100% công suất từ ngày 13/3/2022. Ngoài ra các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù thiếu hụt từ sản xuất trong nước.

Cụ thể, theo ông Đông, Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20/2/2022 là 26.000m3 xăng và 42.000m3 dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu.

Cũng tại cuộc họp, Bộ Tài Chính đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Công Thương linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu theo diễn biến giá xăng dầu thế giới. Khuyến khích các thương nhân kinh doanh xăng dầu có thể nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác nhau để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.

Ngoài ra, Chính phủ nên cho phép Bộ Công Thương sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ quốc gia để bù đắp và bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam: “Sẵn sàng giúp quan hệ hai nước ngày càng bền chặt!”

Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam: "Sẵn sàng giúp quan hệ hai nước ngày càng bền chặt!"

Ông Marc Knapper gặp Ngoại trưởng Mỹ trước khi lên đường đến Việt Nam /Facebook US Embassy in Hanoi 

Hôm 7/2/2022, ông Marc Knapper – Tân Đại sứ Mỹ tại Hà Nội đăng tải tấm ảnh ông đứng cùng với ông Antony Blinken. 

Theo ông này thì trước khi rời thủ đô Washington D.C, ông đã có buổi gặp mặt với Ngoại trưởng Mỹ.  

Ông Blinken lúc đó nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác song phương Hoa Kỳ – Việt Nam. 

Ông Knapper đồng thời khẳng định “rất vinh dự được có mặt tại đây (Việt Nam – PV) và sẵn sàng giúp mối quan hệ giữa hai nước chúng ta ngày càng bền chặt.” –

Trong phần bình luận dưới bài đăng của trang Facebook US Embassy in Hanoi, luật sư Nguyễn Văn Đài nhận xét:

“Quan hệ giữa hai quốc gia chỉ có thể bền chặt khi cùng chia sẻ với nhau về các giá trị chung như tự do, dân chủ, nhân quyền. 

Bởi đây là nền tảng cơ bản để mỗi quốc gia trở nên hùng cường và các mối quan hệ quốc tế trở nên bền chặt. 

Nhưng đảng, chế độ và nhà nước độc tài CSVN đi ngược với các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền và còn chà đạp lên các giá trị đó. 

Do đó, đảng, chế độ và nhà nước độc tài CSVN chỉ lợi dụng Hoa Kỳ trong thương mại, đầu tư, viện trợ, hỗ trợ an ninh,… nhằm chống lại Nhân dân VN, kéo dài sự cai trị bất công và phi lý của họ đối với Nhân dân VN.”

Luật sư người Việt đi tị nạn tại Đức khi đang thụ án tù ở Việt Nam cho rằng, chính quyền Mỹ cần giúp quốc gia độc đảng có một cuộc bầu cử tự do vì “chỉ khi chính quyền Việt Nam do chính người dân lựa chọn và bầu chọn thông qua một cuộc bầu cử tư do, đa đảng và công bằng, chính quyền dân chủ sẽ lãnh đạo nhân dân Việt Nam xây dựng mối quan hệ đồng minh bền chặt với Hoa Kỳ.”

Trong bản báo cáo về tình hình tự do tôn giáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ ra ngày 7/2 cho biết, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Harris trong chuyến thăm Việt Nam tháng 8 năm 2021 có nêu các vấn đề về vi phạm nhân quyền và thả những người bất đồng chính kiến với những người đồng cấp Việt Nam.

Sau đó, ứng cử viên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam thời điểm đó là ông Marc Knapper cũng bày tỏ quan ngại tương tự trong phiên điều trần xác nhận trước Thượng viện và nói rằng quan hệ song phương chỉ có thể đạt được tiềm năng cao nhất nếu Việt Nam đạt được tiến bộ đáng kể về nhân quyền.

Với quan hệ Việt – Mỹ đang có xu hướng tích cực và Hoa Kỳ đang cân nhắc khả năng nâng cấp quan hệ song phương từ “Đối tác toàn diện” lên “Đối tác chiến lược”, chính phủ Hoa Kỳ cần đảm bảo rằng các cân nhắc về địa chính trị, kinh tế và an ninh không vượt quá tự do tôn giáo và các quyền con người liên quan khác, bản báo cáo từ cơ quan của Quốc Hội Mỹ tham vấn cho lưỡng đảng thể hiện. 

Tags:

Comments are closed.