Việt Nam: Năng lượng VN 2023 – Điện than đang thoái trào hay bùng nổ?


Mỹ Hằng/BBC News

10/4/2023

Một cộng đồng lớn tại Việt Nam vẫn sống phụ thuộc vào nghề than

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Một cộng đồng lớn tại Việt Nam vẫn sống phụ thuộc vào nghề than

Báo cáo mới công bố của tổ chức Global Energy Monitor (GEM) có tên ‘Bùng nổ và thoái trào: Giám sát các nhà máy điện than trên toàn cầu năm 2023’ cho thấy tình hình ‘tranh tối tranh sáng’ của ngành năng lượng Việt Nam.

Đã có dấu hiệu Việt Nam giảm công suất các dự án điện than mới, nhưng vẫn tù mù trước tương lai ‘cai’ hẳn loại năng lượng ‘bẩn’ này và con đường cho năng lượng sạch còn chông gai.

Phần về Việt Nam, trong báo cáo 2023 của GEM, mở đầu đầy khả quan: ‘Điện than Việt Nam có một tương lai mơ hồ’.

Điều này có nghĩa là, theo lý giải của bà Flora Champenois, nhà nghiên cứu tại GEM, với BBC News Tiếng Việt, Việt Nam năm qua đã không còn nằm trong top 5 các quốc gia hàng đầu thế giới về công suất các nhà máy điện than đang được xây dựng.

Việt Nam cũng nhanh chóng tụt hạng trong danh sách các nước có công suất điện than được đề xuất nhiều nhất trên toàn cầu.

Điều này phần lớn là do Bộ Năng lượng đã huỷ bỏ dứt khoát dự án nhà máy Quảng Trị vào tháng 10/2022. Nhiều dự án bị đình trệ khác cũng được cho là sẽ tạm dừng. 

Giai đoạn 3 của nhà máy Vĩnh Tân, ban đầu được lên kế hoạch sẽ khởi công xây dựng vào năm 2010, chưa từng bị hủy bỏ nhưng đã bị dán nhãn là “có vấn đề” và đã phải đối mặt với hàng loạt rào cản kể từ khi bắt đầu.

Dự thảo điện 8 giai đoạn 2021-2030, bản sửa đổi mới nhất tháng 12/2022 của chính phủ đã giảm từ 15 nhà máy điện than được đề xuất xuống còn 12.

Như vậy, Việt Nam đang trong xu thế chung của khu vực Đông Nam Á và thế giới với sự sụt giảm công suất điện than trong năm qua.

Tuy nhiên đây chỉ là một góc của toàn bộ bức tranh điện than tại Việt Nam. 

Nước này vẫn là nơi có nhiều nhà máy điện than mới xây và đang được xây dựng. Chiến tranh tại Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến nhu cầu than cho sản xuất điện lại tiếp tục rộ lên ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tới mức đã có câu hỏi phải chăng có sự quay trở lại của điện than.

Công suất hoạt động của các nhà máy điện than hiện có tại Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua, bao gồm hơn 70 tổ máy trên 25 nhà máy điện.

Tổng công suất điện than còn rất mới, với 95% công suất được lắp đặt trong 20 năm qua và gần 80% được lắp đặt trong 10 năm qua.

coal

Trong Dự thảo Điện 8 tháng 12/2022, Việt Nam đạt mục tiêu thêm 6 GW giai đoạn 2021 – 2030, thay vì 12 GW như trước. 

Hiện năm nhà máy điện, tương đương 6 GW mục tiêu, đang trong quá trình xây dựng. Bao gồm:

Nhà máy Long Phú

Nhà máy Quảng Trạch, 

Giai đoạn 2 của nhà máy Thái Bình

Nhà máy Vân Phong

Giai đoạn 2 của nhà máy Vũng Áng

Vietnam, coal

Cần nhớ rằng Việt Nam đã ký thỏa thuận trị giá 15,5 tỷ USD với Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) nhằm đạt mục tiêu phát thải bằng 0 vào 2050. 

Có nghĩa các nhà máy đang hoạt động phải ngừng hoạt động sớm và chuyển đổi với tốc độ kỷ lục để có thể loại bỏ chúng vào 2040. Và trước mắt, đạt trần phát phải vào 2030 – như thỏa thuận. 

“Sự hỗ trợ tiếp tục và mở rộng từ cộng đồng quốc tế, lập kế hoạch và thực hiện cẩn thận trong nước, sẽ rất cần thiết,” bà Flora nói với BBC.

Thế nhưng không phải muốn nhanh mà được. Một cộng đồng lớn người dân Việt Nam hiện đang phụ thuộc vào các nhà máy điện than như một nguồn sinh kế, với gần 20 mỏ đang hoạt động. 

Họ sẽ đi đâu, làm gì?

BBC

Bà Flora phân tích:

“Quá trình bỏ than, chuyển sang năng lượng sạch, do đó, đòi hỏi phải làm việc ‘với’ chứ không phải ‘vì’ cộng đồng này.

“Dù cần đẩy nhanh tốc độ loại bỏ than, nghịch lý là chúng ta cũng phải chậm lại và đưa ra các quyết định chiến lược, công bằng.

“Một cuộc ly hôn thành công giữa ngành than và các cộng đồng này phải bao gồm sự tham gia của chính họ, đào tạo việc làm cho họ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nâng cấp mạng lưới truyền tải điện khu vực và trả tự do cho các tù nhân chính trị.

“Việt Nam cũng phải chính thức hủy bỏ tất cả các nhà máy điện than hiện đang trong giai đoạn tiền xây dựng và xây dựng, phải có kế hoạch đóng cửa tất cả các nhà máy điện than đang hoạt động vào năm 2040.”

Trên thực tế, Việt Nam vẫn chưa đưa ra kế hoạch cụ thể nào để đạt được net zero vào 2050 như cam kết. 

Nguồn vốn 15,5 tỷ USD sẽ được rải ngân như thế nào, sử dụng ra sao, ngay chính phủ Việt Nam hiện vẫn lờ mờ.

Các nhà hoạt động môi trường, trong đó có ‘anh hùng khí hậu’ Ngụy Thụy Khanh – người nhiều lần lên tiếng về việc loại bỏ than để ưu tiên năng lượng sạch – hiện vẫn đang chịu án tù nhiều năm.

Trong bối cảnh đó, nhìn vào đâu để có thể lạc quan rằng Việt Nam có thể thực sự đạt được tiến bộ về khí hậu, không phải chỉ vì cam kết hùng hồn của Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng sẽ đạt net zero vào năm 2050 và vì chính sức khỏe của mỗi người dân Việt Nam?

Đại diện của GEM đã không có câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi nói trên của BBC.

Bức tranh than trên thế giới

Cuộc khủng hoảng khí đốt và cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã khiến cho việc ngừng sử dụng điện than chậm lại trên toàn cầu.

Coal use in the world 2023

Gần một phần ba công suất điện than đang hoạt động trên toàn cầu (580 gigawatts (GW)) đã được loại bỏ dần theo thời gian và số lượng còn lại (1.400 GW) đang nằm trong tầm ngắm của các mục tiêu trung hòa carbon.

Tuy lượng điện than đang phát triển đã giảm 2/3 kể từ sau thỏa thuận Paris, nhưng gần 350 GW công suất điện than mới vẫn được đề xuất ở 33 quốc gia và thêm 192 GW công suất điện than đang trong quá trình xây dựng.

Công suất điện than đang trong quá trình phát triển ở Trung Quốc tăng thêm 38% (từ 266 GW lên 366 GW), trong khi công suất điện than ở phần còn lại của thế giới giảm đi 20% (từ214 GW xuống 172 GW). Trung Quốc hiện chiếm 2/3 (68%) công suất điện than toàn cầu đang trong quá trình phát triển, tăng so với mức 55% cách đây một năm.

Trên toàn cầu, tổng công suất điện than đang hoạt động đã tăng thêm 19,5 GW vào năm 2022. Hơn một nửa (59%) trong tổng số 45,5 GW công suất vận hành mới là ở Trung Quốc. Bên ngoài Trung Quốc, tổng công suất điện than toàn cầu đã giảm, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với trước đây.

Hoa Kỳ dẫn đầu về ngừng sử dụng điện than với 13,5 GW đã ngừng sử dụng vào năm 2022.

Trong hai năm qua, cộng đồng quốc tế đã cam kết $45,2 tỷ cho quá trình chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch, trong đó các gói tài chính lớn nhất dành cho Nam Phi, Indonesiavà Việt Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử, tổng công suất điện than giai đoạn tiền xây dựng đã giảm xuống dưới 100 GW ở mọi nơi bên ngoài Trung Quốc (96,7 GW). Chỉ có 20 đề xuất nhà máy điện than mới được khởi xướng hoặc khôi phục trên toàn thế giới bên ngoài Trung Quốc trong năm 2022. Một số dự án khác trước đây đang trong quá trình xây dựng được cho là đã bịxếp xó hoặc bỏ dở cũng đã được thảo luận trở lại ở Ấn Độ.

Hoạt động phát triển các nhà máy điện than ở nước ngoài do Trung Quốc hậu thuẫn đã chậm lại. 

19% (21 GW) trong số khoảng 108 GW công suất điện than ở nước ngoài do Trung Quốc ủng hộ trong giai đoạn tiền xây dựng và xây dựng kể từ cam kết của Trung Quốc vào tháng 9/2021 đã bị hủy bỏ hoặc đượccho là đã bị hủy bỏ, nhưng gần 40% đã có bước tiến triển.

Theo bà Flora, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần biến những công bố thành kế hoạch thực tế, ngừng sử dụng than đối với từng nhà máy cũng như đẩy mạnh các cam kết loại bỏ dần. 

“Nhưng dù thế nào, năm 2022 đã cung cấp bài học khách quan về những điểm yếu đặc hữu của ngành than. Bất chấp một số điều kiện có vẻ thuận lợi – tình trạng thiếu dầu khí, mất điện ở các nhà máy hạt nhân, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã kìm hãm ngành thủy điện – “sự trở lại của điện than” đã không trở thành hiện thực ở nhiều nơi trên thế giới kể cả khi điện than chưa biến mất hẳn,” bà Flora bình luận.

https://www.bbc.com/vietnamese

Tags: , ,

Comments are closed.