Archive for January 3rd, 2023


Thời sự Thứ Ba 03/01/2023: Quốc Hội Mỹ nhóm họp, Cộng Hòa chiếm đa số ở Hạ Viện – Đài Loan đề nghị giúp Trung Quốc Covid – Hàn Quốc và Mỹ thảo luận tập trận hạt nhân

Tuesday, January 3rd, 2023

Võ Thái Hà tổng hợp


Cựu đại sứ Mỹ tại NATO đánh giá các mối đe dọa của Liên bang Nga khi phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraina

Liên Thành 

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/01/anh-chup-man-hinh-2023-01-03-luc-65533-sa-700x366.jpg

Ông Kurt Volker (ảnh: UNIAN). 

Cựu đại sứ Mỹ tại NATO và cựu đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Ukraina, Kurt Volker tin rằng, bất chấp những lời đe dọa của Nga, các nước phương Tây nên tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraina để giúp đất nước này chiến thắng trong cuộc chiến càng sớm càng tốt. 

Trong một cuộc phỏng vấn với Volodymyr Ostapchuk cho chương trình “Spotlight Ukraina” trên kênh truyền hình ” Espresso “, ông Volker lưu ý rằng Nga đã ném mọi thứ có thể vào cuộc chiến này: lính nghĩa vụ, tù nhân, tất cả các thiết bị quân sự tự sản xuất, và thiết bị quân sự nhập của Iran. Vì điều này, ông không chắc liệu Nga có còn điều gì để đáp trả khi phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraina.

Ông nhấn mạnh: “Tất nhiên, họ sẽ nói những điều như vậy, cố thuyết phục phương Tây nghi ngờ và không giao vũ khí. Nhưng trên thực tế, chúng ta nên trao cho Ukraina tất cả những gì có thể để nước này chiến thắng cuộc chiến này càng sớm càng tốt”. 

Ngoài ra, ông Volker “không nghĩ” rằng Nga có thể phản ứng bằng cách nào đó đối với việc chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Ukraina, vốn nằm trong gói viện trợ quân sự mới của Hoa Kỳ.

Ông giải thích: “Họ đã dồn tất cả lực lượng và thiết bị họ có vào chiến trường. Điều duy nhất họ có thể làm để leo thang là sử dụng vũ khí hạt nhân và sinh học, những thứ mà họ biết sẽ tự hủy diệt chính họ. Làm cho lãnh thổ mà họ đang cố gắng chinh phục, không thể ở được và sẽ gây ra phản ứng ngay lập tức từ các quốc gia khác. Có vẻ như họ sẽ không làm điều đó. Họ không có khả năng làm nhiều hơn với các biện pháp thông thường”.

Ông Volker cho rằng “khó có thể có những phản đối nào đối với việc cung cấp các hệ thống Patriot cho Ukraina.”

Cựu quan chức Mỹ tiếp tục: “Những hệ thống này mang tính chất phòng thủ để giúp bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự. Bằng cách phủ nhận điều đó, Nga gần như đang nói rằng họ có quyền tấn công Ukraina, điều tất nhiên là không thể chấp nhận được theo pháp lý của Công lý Quốc tế”.

Ngoài ra, cựu đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Ukraina đã bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, từ chối “công thức hòa bình” do TT Volodymyr Zelensky đề xuất và đe dọa quân đội Ukraina. 

Ông Volker tóm tắt: “Có rất nhiều điều đáng cười trong tuyên bố của ông Lavrov. Đầu tiên, ông ấy gợi ý rằng quân đội Nga có thể giải quyết vấn đề. Quân đội Nga đang trên bờ vực thất bại, điều đó thực sự khó khăn đối với họ. Thứ hai, tôi nhớ lại thời tôi còn là đặc phái viên của Bộ ngoại giao Mỹ về Ukraina, lúc đó Nga giả vờ như Ukraina không tồn tại, và họ chỉ có thể đàm phán với phương Tây, với Mỹ rằng Ukraina không phải là một bên tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào và không có tính hợp pháp hoặc đại diện. Bây giờ họ muốn đàm phán với Ukraina, quốc gia mà họ đang tấn công, nhưng đàm phán thông qua những người khác, điều đó đơn giản là sẽ không xảy ra “. 

Truyền thông phương Tây đưa tin, Mỹ  có thể chuyển giao xe chiến đấu Bradley cho Ukraina như một phần trong gói viện trợ bổ sung. Vấn đề vẫn đang được xem xét nên chưa biết khi nào sẽ có quyết định cuối cùng.

Trước đó, Đại sứ Ukraina tại Mỹ Oksana Markarova cho biết công việc mua xe tăng và máy bay của Mỹ đang được tiến hành và việc huấn luyện quân đội Ukraina vận hành hệ thống tên lửa phòng không Patriot sẽ được tiến hành nhanh nhất có thể.

Chính quyền Đức không có kế hoạch giải quyết độc lập vấn đề chuyển giao xe tăng Leopard cho Ukraina . Điều này sẽ được thực hiện với sự phối hợp của các đối tác trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương.


Hoa Kỳ: Quốc Hội  nhóm họp với phe Cộng Hòa chiếm đa số ở Hạ Viện – Chi Phương /RFI – 03/01/2023

Toàn cảnh phòng họp của Hạ Viện Mỹ tại đồi Capitol, Washington, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 28/02/2022. AP – J. Scott Applewhite 

Kỳ họp thứ 118 của Quốc Hội Hoa Kỳ mở ra hôm nay, 03/01/2023. Sau cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 năm ngoái, đảng Dân Chủ vẫn kiểm soát Thượng Viện, nhưng phe Cộng Hòa nay chiếm đa số sít sao ở Hạ Viện. Ngoài việc huy động đủ 218 phiếu bầu để nắm chức chủ tịch Hạ Viện, đảng Cộng Hòa cũng dự tính thảo luận lại nhiều biện pháp đã được thông qua từ hai năm qua.  

Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki cho biết thêm thông tin : 

Đảng Cộng Hòa không muốn mất thời gian. Trước khi các nghị sĩ quay trở lại làm việc vào thứ Ba, nhiều tài liệu đã được lưu hành, tiết lộ chương trình cũng như những ưu tiên của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện. Ngay trong 2 tuần đầu tiên, phe Cộng Hòa muốn thảo luận về các dự luật liên quan đến nhập cư, tội phạm, năng lượng hay về vấn đề phá thai. Tổng cộng, 8 dự luật đã sẵn sàng cho các cuộc tranh luận. 

Phe Cộng Hòa cũng mong muốn thông qua một luật cấm việc sử dụng đến kho dự trữ dầu khí chiến lược nếu không có kế hoạch gia tăng sản xuất dầu khí trên lãnh thổ liên bang. Bởi vì năm nay, họ đã nhiều lần chỉ trích tổng thống Joe Biden về việc sử dụng đến kho dự trữ khi giá nhiên liệu tăng vọt. 

Các nghị sĩ đảng Cộng Hòa cũng muốn thông qua các biện pháp khắt khe hơn về vấn đề nhập cư để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay ở biên giới với Mêhico. 

Các dự luật đó gần như không có cơ may nào được thông qua ở Thượng Viện, hiện vẫn do phe Dân Chủ kiểm soát. Nhưng điều này cho thấy nghị trường nước Mỹ có thể sẽ gặp nhiều sóng gió trong 2 năm tới. 

Với đa số tuy sít sao ở Hạ Viện, đảng Cộng Hòa có được tiếng nói áp đảo và muốn sử dụng ưu thế này để bảo vệ lập trường của họ cũng như huy động cử tri của họ cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024.


Hơn 140 du khách Trung Quốc nhập cảnh Đài Loan có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19

Hơn 140 du khách Trung Quốc nhập cảnh Đài Loan có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19

Khách du lịch mang theo hành lý tại sảnh khởi hành của Sân bay Quốc tế Hong Kong vào ngày 30/12/2022. Các quốc gia trên khắp thế giới đang áp đặt hoặc cân nhắc hạn chế đối với du khách Trung Quốc vì các ca nhiễm Covid-19 tại nước này đang gia tăng chóng mặt. (Ảnh: Anthony Kwan/Getty Images) 

Hôm Chủ nhật (1/1), hơn 140 du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Đài Loan đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, theo Trung tâm Chỉ huy Dịch bệnh Trung ương Đài Loan (CECC).

Tổng cộng có 524 du khách Trung Quốc đã đáp xuống Sân bay Quốc tế Đào Viên Đài Loan vào ngày 1/1/2023, theo CECC. Trong số đó, 146 hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 và chiếm tỷ lệ dương tính là 27,8%, tờ Focus Taiwan đưa tin.

Những du khách bị phát hiện nhiễm Covid-19 sẽ phải cách ly trong 5 ngày nếu họ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Đài Loan áp dụng chính sách xét nghiệm tạm thời đối với tất cả những du khách đến từ Trung Quốc.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2023, tất cả du khách từ bốn thành phố của Trung Quốc, bao gồm: Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô và Hạ Môn, khi đến Đài Loan bắt buộc phải trải qua xét nghiệm PCR (Polemerase Chain Reaction, phản ứng chuỗi polymerase) hay còn gọi là xét nghiệm sinh học phân tử dựa trên mẫu nước bọt.

Chính sách xét nghiệm này cũng sẽ áp dụng cho những du khách đến từ các đảo Kim Môn và Mã Tổ của Đài Loan, ngoại trừ du khách đến từ Hong Kong và Ma Cao. Chính sách này dự kiến ​​sẽ kết thúc vào ngày 31/1.

Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia, cũng đồng loạt áp đặt các yêu cầu xét nghiệm PCR đối với tất cả những du khách đến từ Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh nới lỏng chính sách phòng dịch Zero Covid. Maroc là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm tất cả những du khách đến từ Trung Quốc, bất kể họ có quốc tịch nào.


Đài Loan đề nghị giúp đỡ Trung Quốc

Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đột ngột đảo ngược chính sách Zero Covid hà khắc vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, việc thiếu sự chuẩn bị trước khi dỡ bỏ chính sách này đã khiến các bệnh viện và lò hỏa táng của Trung Quốc bị quá tải, kéo theo tình trạng thiếu thuốc nghiêm trọng tại các hiệu thuốc trên toàn quốc.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) hôm 1/1 cho biết, Đài Loan sẵn sàng giúp Trung Quốc đối phó với đợt bùng phát mới của đại dịch, sau khi ĐCSTQ đột ngột dỡ bỏ chính sách Zero Covid vào tháng trước.

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/01/Tsai-Ing-wen-GettyImages-1245835916-600x400-1.jpg

“Chúng tôi hiểu rằng, tình hình đại dịch ở Trung Quốc gần đây đã trở nên trầm trọng”, bà Thái nói trong bài diễn văn mừng Năm mới vào ngày 1/1/2023.

“Đài Loan sẵn sàng cung cấp những hỗ trợ cần thiết để giúp nhiều người hơn nữa vượt qua đại dịch, cũng như đảm bảo [mọi người] có sức khỏe tốt và bình an trong năm mới”, bà nói thêm.

Bà Thái không nói rõ bản chất của sự hỗ trợ mà Đài Loan sẽ cung cấp cho Trung Quốc.

Trong khi đó, ĐCSTQ luôn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình mặc dù Đài Loan là một quốc gia độc lập với một chính phủ được bầu cử dân chủ. ĐCSTQ cũng khẳng định sẽ thống nhất Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết.

ĐCSTQ thường xuyên điều động lực lượng quân sự của mình để đe dọa Đài Loan. Từ ngày 25/12 – 26/12, ngoại giới đã chứng kiến việc ĐCSTQ điều động 71 máy bay chiến đấu và 7 tàu chiến để đe dọa hòn đảo độc lập này.

Trong bài phát biểu mừng năm mới, bà Thái Anh Văn cho biết, hai nước hiện đang phải đối mặt với những thách thức chung. Đồng thời, bà cũng kêu gọi ĐCSTQ quay trở lại bàn đàm phán vì nỗ lực chung để đạt được sự ổn định của khu vực trên eo biển Đài Loan.

Bà nói: “Chiến tranh chưa bao giờ là cách giải quyết vấn đề. Chỉ có thông qua đối thoại, hợp tác và nỗ lực chung vì mục tiêu ổn định và phát triển trong khu vực, chúng ta mới có thể giúp nhiều người hơn nữa được hưởng an ninh và hạnh phúc”.

Thanh Hải biên dịch


Israel không kích vào sân bay quốc tế ở thủ đô Damascus của Syria

Israel không kích vào sân bay quốc tế ở thủ đô Damascus của Syria

Pháo tự hành M109 155mm của quân đội Israel được bố trí ở Cao nguyên Golan do Israel sáp nhập gần biên giới Syria vào ngày 2/1/2023. (Ảnh: Jalaa Marey/AFP/Getty Images) 

Hôm thứ Hai (2/1), quân đội Syria cho biết, Isreal đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa khiến Sân bay Quốc tế Damascus ngừng hoạt động trong một thời gian ngắn. Đây là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở hạ tầng của Iran.

Một loạt tên lửa phóng từ trên không đã tấn công sân bay lúc 2 giờ sáng ngày 2/1 (theo giờ địa phương), quân đội Syria cho biết trong một tuyên bố. Loạt tên lửa này được cho là phóng từ hướng Hồ Tiberias ở Israel.

Theo một tuyên bố trực tuyến của Bộ giao thông vận tải Syria, những mảnh vỡ từ các cuộc tấn công đã được dọn sạch và các chuyến bay sẽ tiếp tục trước 9 giờ sáng cùng ngày.

Theo quân đội Syria, tên lửa cũng tấn công các địa điểm ở phía nam Damascus – thủ đô và là thành phố lớn nhất của Syria – khiến 2 binh sĩ Syria thiệt mạng và gây thiệt hại đáng kể.

Trước đó, hai nguồn tin tình báo trong khu vực cho biết, các cuộc không kích đã đánh trúng một tiền đồn gần sân bay của Lực lượng Quds của Iran và lực lượng dân quân mà lực lượng này hậu thuẫn. Sự hiện diện của họ đã lan rộng trên khắp Syria trong những năm gần đây.

Đặc nhiệm Quds là lực lượng tinh nhuệ nhất của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Sự hiện diện của Quds giúp Iran duy trì khả năng răn đe với Israel và Mỹ.

Lực lượng Phòng vệ Israel không bình luận ngay lập tức về cuộc tấn công.

Năm ngoái, Israel đã tăng cường các cuộc tấn công vào sân bay quốc tế Damascus và các sân bay dân sự khác. Động thái này của Isreal nhằm ngăn chặn việc Tehran tăng cường sử dụng các đường tiếp tế trên không để vận chuyển vũ khí cho các đồng minh ở Syria và Lebanon, bao gồm cả nhóm khủng bố Hezbollah.

Syria đã phải tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ sân bay vào tháng 6/2022 trong gần hai tuần, sau khi các cuộc tấn công của Israel gây thiệt hại to lớn cho cơ sở hạ tầng nước này, bao gồm đường băng và nhà ga.

Israel lại phóng tên lửa vào Sân bay Quốc tế Damascus hồi tháng 9/2022, khi tên lửa này cũng tấn công sân bay dân sự lớn thứ hai của nước này ở thành phố Aleppo phía bắc. Cuộc tấn công khiến sân bay này phải ngừng hoạt động trong vài ngày.

Israel cho biết “chiến dịch giữa các cuộc chiến” của họ ở Syria đã bắt đầu từ một thập kỷ trước, vào ngày 30/1/2013, đánh dấu bằng cuộc tấn công nhằm vào các tổ hợp phòng không SA-17 do Nga cung cấp mà Damascus lúc bấy giờ đang ấp ủ ý định chuyển giao cho Hezbollah.

Bốn cuộc tấn công tương tự cũng diễn ra vào năm 2013. Tuy nhiên, tốc độ của các cuộc tấn công đã tăng nhanh lên khoảng một tuần vào thời điểm hiện tại, chỉ huy lực lượng vũ trang Israel, Trung tướng Aviv Kohavi, cho biết vào tháng trước.

Các lực lượng dân quân ủy nhiệm của Iran, do phe Hezbollah của Lebanon, nắm giữ quyền lực ở các khu vực rộng lớn ở phía đông, nam và tây bắc Syria, cũng như ở một số vùng ngoại ô xung quanh thủ đô nước này.

Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chưa bao giờ công khai thừa nhận rằng các lực lượng Iran hoạt động thay mặt ông trong cuộc nội chiến ở Syria. Ông khẳng định rằng, Tehran chỉ duy trì các cố vấn quân sự trên mặt đất.

Trung tướng Aviv Kohavi tháng trước đã nhận trách nhiệm về một cuộc không kích vào một đoàn xe từ Iraq vào Syria. Đồng thời, ông nói rằng, mục tiêu của cuộc tấn công là một chiếc xe tải chở vũ khí của Iran.


Hàn Quốc và Mỹ thảo luận tập trận hạt nhân giữa căng thẳng với Triều Tiên – 02/01/2023 – Reuters 

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. 

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết rằng Hàn Quốc và Hoa Kỳ đang thảo luận về các cuộc tập trận chung có thể sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ, trong khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gọi Hàn Quốc là “kẻ thù rõ ràng” trong việc làm bùng phát căng thẳng xuyên biên giới.

Bình luận của ông Yoon, trong một cuộc phỏng vấn đăng trên báo hôm thứ Hai, được đưa ra sau khi ông kêu gọi “chuẩn bị chiến tranh” với khả năng “áp đảo”, sau một năm được đánh dấu bằng số vụ thử tên lửa kỷ lục của Triều Tiên và sự xâm nhập của máy bay không người lái của Triều Tiên vào miền Nam hồi tuần trước.

“Vũ khí hạt nhân là của Mỹ, nhưng việc lên kế hoạch, chia sẻ thông tin, tập trận và huấn luyện nên được Hàn Quốc và Mỹ cùng tiến hành”, ông Yoon nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Chosun Ilbo.

Tờ báo dẫn lời ông Yoon nói rằng việc lập kế hoạch và các cuộc tập trận chung nhằm mục đích triển khai hiệu quả hơn việc “răn đe tăng cường” của Mỹ và rằng Washington cũng “khá tích cực” về ý tưởng này.

Thuật ngữ “răn đe tăng cường” có nghĩa là khả năng của quân đội Hoa Kỳ, đặc biệt là lực lượng hạt nhân, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công vào các đồng minh của Hoa Kỳ.

Khi được hỏi về bình luận của ông Yoon, người phát ngôn của Lầu Năm Góc nói rằng “chúng tôi không có gì để thông báo hôm nay”, đồng thời nói thêm rằng liên minh vẫn “vững chắc”.

Bình luận của ông Yoon được công bố một ngày sau khi truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin rằng lãnh tụ Kim kêu gọi phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới và “tăng theo cấp số nhân” kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Mối quan hệ liên Triều từ lâu đã căng thẳng nhưng thậm chí còn căng thẳng hơn kể từ khi ông Yoon nhậm chức vào tháng 5 với cam kết có một lập trường cứng rắn hơn đối với Triều Tiên.

Triều Tiên hôm Chủ nhật đã bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngoài khơi bờ biển phía đông, trong một vụ thử vũ khí hiếm hoi vào đêm khuya vào ngày đầu năm mới, sau vụ phóng ba tên lửa đạn đạo hôm thứ Bảy.


Nhiều nước siết xét nghiệm Covid-19 du khách đến từ Trung Quốc – Lê Thiệt – 02/01/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/02-yeu-cau-xet-nghiem-1.jpg

Minh họa: Pixabay 

Như tin đã đưa, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc vừa thông báo, kể từ ngày 8 Tháng Giêng  2023, nước này sẽ hủy bỏ các yêu cầu cách ly đối với khách từ bên ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc.

Cũng theo quy định mới, chính quyền Trung Quốc cũng cho phép dân chúng đi lại tự do hơn, kể cả thực hiện các chuyến bay ra nước ngoài.

Tuy nhiên, do làn sóng lây nhiễm Covid mới đang gia tăng trong đất nước này đã làm dấy lên sự lo ngại và cảnh giác từ nhiều quốc gia khác.

Theo tin từ Thông tấn xã AP, hiện có chín quốc gia đã yêu cầu công dân Trung Quốc có kết quả xét nghiệm âm tính nếu muốn nhập cảnh, gồm: Nhật Bản, Ấn Độ, Italy, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Mỹ, Israel, Anh và Pháp.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 29 Tháng Mười Hai năm 2022 đã đưa ra yêu cầu xét nghiệm đối với hành khách từ Trung Quốc. Quy định sẽ chỉ có hiệu lực từ ngày 5 Tháng Giêng năm 2023.

Sau đó một ngày, Bộ Y tế Pháp quy định hành khách từ Trung Quốc sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trong 48 giờ trước khi khởi hành, cho dù họ bay thẳng hay quá cảnh.

Cùng ngày này, giới chức tại London cũng đã đưa ra quy định tương tự. Biện pháp này sẽ bắt đầu có hiệu lực giống như Mỹ, 5 Tháng Giêng, 2023.

Tại châu Á, Nhật Bản đã xét nghiệm Covid-19 cho hành khách đến từ Trung Quốc sau khi nhập cảnh từ ngày 30 Tháng Mười Hai, 2022. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ phải cách ly trong 7 ngày.

Dù không yêu cầu xét nghiệm, giới chức Malaysia cho biết họ sẽ theo dõi mọi hành khách nhập cảnh – bao gồm cả từ Trung Quốc – để xác định những người bị sốt. Bên cạnh đó, nước thải từ các máy bay tới từ Trung Quốc cũng được xét nghiệm virus gây Covid-19.

Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias giải thích những yêu cầu cách ly du khách đến từ Trung Quốc là do họ lo ngại đợt bùng dịch tại Trung Quốc có thể làm xuất hiện các biến thể mới mà thế giới chưa biết đến.

Phản ứng trước quy định mới của thế giới, truyền thông Trung Quốc lên án việc một số quốc gia đã yêu cầu công dân Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi nhập cảnh.

Trong một bài xã luận trên tờ Global với tựa đề “Hạn chế du lịch nhắm vào Trung Quốc là ‘phân biệt đối xử’, đi ngược xu hướng” ngày 29 Tháng Mười Hai năm 2022, bài viết cho rằng trong khi nhiều nước hoan nghênh việc Trung Quốc mở cửa do du lịch hai chiều, một số nước đã áp đặt các biện pháp hạn chế với những người đến từ Trung Quốc, điều mà các chuyên gia cho là “vô căn cứ” và “phân biệt đối xử”.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/02-yeu-cau-xet-nghiem-2.jpg

Phi trường Quốc tế Phố Đông Thượng Hải, Thượng Hải, Trung Quốc – Ảnh: Liqun Liu/Construction Photography/Avalon/Getty Images 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết “những hành động liên quan đến Covid-19 phải dựa trên cơ sở khoa học, và áp dụng bình đẳng với người dân ở mọi quốc gia”.

Phản ứng của chính quyền Trung Quốc không được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ. Tổ chức này rất lo ngại về việc Bắc Kinh đã không cung cấp thông tin đúng thực tế những gì đang diễn ra ở Trung Quốc.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), WHO đã yêu cầu các quan chức Trung Quốc thường xuyên chia sẻ “dữ liệu cụ thể và theo thời gian thực về tình hình dịch tễ học”, bao gồm “dữ liệu giải trình tự gene nhiều hơn” cũng như dữ liệu về nhập viện, tử vong và tiêm chủng vaccine COVID-19.

WHO cũng mời các nhà khoa học Trung Quốc “trình bày dữ liệu chi tiết về trình tự gene virus” tại cuộc họp của nhóm cố vấn kỹ thuật vào ngày 3 Tháng Giêng 2023.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã ngừng công bố số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 hằng ngày, với giải thích là những con số này không phản ánh chính xác bức tranh toàn cảnh về sự gia tăng các ca nhiễm trên cả nước (?!)

Sau những cuộc xuống đường biểu tình phản đối chính sách “zero COVID” của hàng triệu người dân Trung Quốc, chính quyền cộng sản đã buộc phải dỡ bỏ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, bao gồm cả việc chấm dứt xét nghiệm hàng loạt và cách ly bắt buộc.

Trung Quốc đồng thời đưa ra một định nghĩa hẹp về tử vong do COVID-19, trong đó loại trừ bất kỳ ai mắc các bệnh nền từ trước.

Điều này đi ngược với tiêu chí xác định người tử vong của WHO, nhằm đưa ra những biện pháp ngăn chặn cụ thể.


Cuộc đua Chủ tịch Hạ viện Mỹ kịch tích bất thường

Trước khi Hạ viện Mỹ nghỉ lễ Giáng sinh, người ta đã nhìn thấy một số nhà lập pháp Cộng hòa đeo một huy hiệu ve áo ngộ nghĩnh. Nó ghi chữ “OK,” tức là “Only Kevin”: một lời kêu gọi chống lại “Never Kevins”, tức những người Cộng hòa phản đối việc Kevin McCarthy ra tranh cử ghế Chủ tịch Hạ viện, thường dành cho nhà lãnh đạo của đảng chiếm đa số ghế.

Ông McCarthy, lãnh đạo thiểu số từ trước khi đảng Cộng hòa chiếm được Hạ viện vào tháng 11, sẽ bước vào một cuộc bỏ phiếu nhọc nhằn thứ Ba này. Điều bất thường là ông vừa trung thành với Donald Trump vừa là một nhân vật thuộc giới tinh hoa thủ cựu. Với hy vọng thuyết phục được phe “Never Kevins,” ông đã nhượng bộ một số yêu cầu của họ, nhưng từ năm đến mười người vẫn chưa bị thuyết phục –– trong khi ông chỉ có thể để mất bốn người. Các cuộc đua chủ tịch Hạ viện thường diễn ra đơn giản, và chưa khi nào kể từ năm 1923 phải bỏ phiếu nhiều hơn một lần. Nếu ông McCarthy thất bại trong vòng đầu, đòn bẩy của ông sẽ giảm đi; và những người khác cũng có thể ra tranh cử. Điều đó mở ra một khởi đầu hỗn loạn cho nghị viện Cộng hòa mới vốn đã chìm trong chia rẽ.


Mexico tăng lương tối thiểu giữa bối cảnh lạm phát cao

Tuần này, lương tối thiểu theo pháp định ở Mexico sẽ tăng lên 207,44 peso ($10,55) một ngày, hoặc 312,41 peso đối với người lao động ở khu vực biên giới phía bắc giáp với Mỹ. Người Mexico sẽ hoan nghênh mức tăng 22% theo năm này. Từ năm 2018 đến 2020, tỷ lệ nghèo đã tăng từ 42% lên 44% dân số, trong khi đại dịch khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Tổng thống Andrés Manuel López Obrador đã liên tục tăng lương tối thiểu kể từ khi nhậm chức vào năm 2018. Ông tuyên bố đến năm 2026 mức lương sẽ đủ mua thức ăn cho một gia đình bốn người.

Nhưng không phải ai cũng ủng hộ. Một số nhà kinh tế lo ngại việc tăng lương sẽ đẩy lạm phát lên cao, vốn đang ở mức 7,8%. Thật vậy, đối với khoảng 60% công nhân Mexico làm việc trong khu vực phi chính thức, đó có thể là tác động duy nhất họ cảm nhận được.


Thị trường lao động vẫn là điểm sáng kinh tế của Mỹ

Giữa tất cả xôn xao về suy thoái kinh tế, người ta vẫn tìm thấy được một điểm sáng: thị trường lao động. Trong hầu hết các cuộc suy thoái trước đây, tỷ lệ thất nghiệp đều tăng vọt khi các công ty ngừng tuyển dụng và sa thải nhân viên. Chẳng hạn, sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tỷ lệ thất nghiệp của các nước giàu đã tăng từ 5,8% lên gần 9%. Nhưng tại thời điểm đầu năm 2023, thị trường lao động vẫn tỏ ra bền vững. Số liệu việc làm từ Mỹ, được công bố vào thứ Sáu, sẽ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở nước này vẫn rất thấp. Thật vậy, vấn đề lớn nhất dường như là thiếu lao động chứ không phải thiếu việc làm. Tăng trưởng tiền lương vẫn đặc biệt mạnh, dù tăng trưởng năng suất yếu.

Phải thừa nhận là nhu cầu lao động đang bắt đầu suy yếu ở một số nơi. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng việc làm ở Mỹ đã chậm lại đáng kể so với cuối năm 2021. Nhưng khó có dấu hiệu thế giới sẽ quay về giai đoạn đen tối của đầu những năm 2010. Ở mức 4,9%, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước giàu đang ở mức thấp nhất nhiều thập niên qua.


Tổng thống Philippines gặp chủ tịch Trung Quốc

Vào thứ Ba, tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos sẽ bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc. Ông Marcos và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nhấn mạnh đến các khía cạnh thương mại và thân thiện hơn trong quan hệ hai bên thay vì các yêu sách chồng chéo ở Biển Đông. Tại đây, các tàu cá do dân quân Trung Quốc điều khiển vẫn kiên quyết cản trở việc tiếp cận các vùng biển mà Philippines có đặc quyền đánh bắt cá và khai thác dầu khí theo luật quốc tế.

Nếu những tranh cãi này leo thang thành bạo lực, Mỹ, với tư cách đồng minh của Philippines, có thể bị kéo vào cuộc. Dĩ nhiên không ai muốn có chiến tranh chỉ vì hải sản và các tiềm năng dầu khí chưa rõ ràng, vì vậy ông Tập và ông Marcos sẽ tiếp tục duy trì vẻ ngoài hữu hảo. Những cái bắt tay và nụ cười chỉ kéo dài tới chừng nào Philippines còn nhẫn nhịn trước sự bắt nạt của Trung Quốc — và Trung Quốc tiết chế cơ bắp của mình.


Thụy Điển kế nhiệm Cộng hòa Czech làm Chủ tịch EU – Phạm Bá – 02/01/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/1440x810_cmsv2_26c9e590-9491-522c-8def-11ce8b71d3f8-6589278-1-1280x720.jpg

Một thành phố Thuỵ Điển. Ảnh: Euronews 

Trong quá trình luân phiên nửa năm một lần, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu đã được chuyển từ Cộng hòa Czech sang Thụy Điển, quốc gia tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Vào Chủ nhật, ngày 1 Tháng Một, quyền hạn chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu đã được chuyển cho Thụy Điển – quốc gia Scandinavi thay thế Cộng hòa Czech ở vị trí này trong quá trình luân phiên theo kế hoạch, diễn ra sáu tháng một lần.

Kể từ Tháng Mười, một chính phủ mới đã bắt đầu hoạt động ở Thụy Điển, chính phủ này nhận được sự ủng hộ của các nhà dân chủ địa phương, những người ủng hộ việc thắt chặt chính sách di cư của đất nước. Điều này có thể gây khó khăn cho việc tìm kiếm sự thỏa hiệp trong lĩnh vực này và ở cấp độ EU, theo nhận định của Hãng thông tấn AFP.

Ngoài ra, Thụy Điển có thể thay mặt EU tham gia thảo luận với Hoa Kỳ liên quan đến “trợ cấp môi trường” được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê chuẩn cho ngành công nghiệp Hoa Kỳ. Các nhà phê bình ở Liên minh châu Âu lo ngại rằng các công ty địa phương sẽ mất khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hỗ trợ cho các đối thủ cạnh tranh của Hoa Kỳ, tổng trị giá khoảng 400 tỷ euro.

Ukraine là một trong những chủ đề chính của Thụy Điển

Trước đó, Stockholm đã công bố các lĩnh vực ưu tiên của nhiệm kỳ chủ tịch EU: An ninh, phát triển bền vững, chuyển đổi sang năng lượng “xanh” và các giá trị dân chủ. “Thụy Điển đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu vào thời điểm có nhiều thách thức lịch sử đối với các nước thành viên và Liên minh nói chung. Cuộc xâm lược Ukraine bất hợp pháp, không thể chấp nhận và vô cớ của Nga là mối đe dọa đối với an ninh châu Âu với những hậu quả nghiêm trọng đối với di cư, cũng như nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng toàn cầu”, chính quyền của quốc gia Scandinavi này cho biết.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/Sweden_map_incl_Scandinavia_with_cities-scaled-e1621863973455.jpg

Bản đồ Thuỵ Điển. Ảnh: Sweden.se 

Theo ý kiến của Stockholm, trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, cần bảo đảm hợp tác thường xuyên với các đối tác đáng tin cậy, bao gồm cả các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ. Thụy Điển đã cam kết ưu tiên hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Kiev, cũng như hỗ trợ Ukraine trên con đường gia nhập EU.

Cộng hòa Czech, quốc gia trước đây đã lần đầu tiên giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU sau kinh nghiệm không thành công năm 2009, không chỉ tích cực ủng hộ Ukraine mà còn đưa vấn đề hạn chế cấp thị thực Schengen cho người Nga ra Hội đồng EU thảo luận. Ngay sau đó, các quốc gia thuộc khu vực Schengen đã chấm dứt thỏa thuận từng ký kết với Liên bang Nga về chế độ đơn giản hóa việc cấp thị thực.

Thụy Điển chủ trương thực thi kinh tế xanh

Nói về phát triển bền vững, nhà chức trách Thụy Điển lưu ý rằng các nền kinh tế châu Âu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc chiến ở Ukraine và việc Nga tiếp tục thao túng nguồn cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản EU trên con đường hướng tới các lựa chọn phát triển kinh tế thân thiện với môi trường hơn, Stockholm khẳng định.

Vậy nền kinh tế xanh mà Stockholm chủ trương là gì?

Kế hoạch cải cách năng lượng được chính phủ Thụy Điển thông qua sẽ giúp nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ trong tương lai gần – trước khi kết thúc thập niên 2020. Tức là Thụy Điển sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới từ bỏ hoàn toàn nhiên liệu hydrocarbon (dầu mỏ và khí đốt). Các nhà máy năng lượng gió và năng lượng sinh học đã được xây dựng và nghiên cứu trong lĩnh vực này được nhà nước tài trợ. Cần biết, Thụy Điển dành hơn 4% GDP cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nhiều hơn so với Hoa Kỳ.

Mỗi hộ dân được cung cấp các khoản tín dụng thuế khi chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo. Thuế cũng được giảm cho những chủ sở hữu xe hơi sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường. Họ cũng được cung cấp chỗ đậu miễn phí trong các bãi đậu xe của thành phố. Và tỷ lệ những chiếc xe như vậy đang tăng lên hàng năm ở Thụy Điển.

Ngày nay, một phần lớn điện năng ở Thụy Điển được tạo ra bởi các nhà máy điện hạt nhân và thủy điện. Năm 2003, sản xuất năng lượng tái tạo ở Thụy Điển là 26%. Nếu so sánh với mức trung bình 6%của châu Âu thì sự khác biệt là rất ấn tượng. Các số liệu khác cũng ủng hộ Thụy Điển, quốc gia đã cố gắng duy trì việc sử dụng dầu trong sản xuất ở mức thực tế không thay đổi kể từ năm 1996, đồng thời tăng tốc độ tăng trưởng công nghiệp lên 70% và giảm tiêu thụ dầu trong công nghiệp từ 48% xuống còn 14%, và trong các hộ gia đình – từ 72% xuống còn 21%.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/wind-power.jpg

Năng lượng gió của Thuỵ Điển. Ảnh Sweden.se 

Thậm chí ngày nay, người Thụy Điển đang đổ đầy bình nhiên liệu những chiếc xe hơi của mình bằng những gì trước đây chỉ đơn giản là đồ bỏ hoặc chất thải – rượu bị tịch thu được gửi đến một nhà máy chuyên dụng để chế biến thành nhiên liệu xe hơi! Với việc các nhân viên hải quan tịch thu hàng trăm nghìn lít rượu mỗi tháng, ý tưởng này không còn là mộng ước hão huyền nữa.

Từ chất thải của con người, chất thải của lò mổ, rượu bị tịch thu, khí sinh học được sản xuất, có thể chạy đầu máy diesel, nhà máy điện, các loại xe cơ giới. Đồng thời, tính an toàn về môi trường của việc sử dụng khí sinh học là vô giá so với sử dụng nhiên liệu dầu mỏ.

Thụy Điển cũng đặc biệt chú ý đến việc xử lý và tái chế chất thải. Rác thải sinh hoạt thông thường đã được người dân tự phân loại, nhựa, thủy tinh, kim loại, giấy đều được để riêng. Và các nhà sản xuất bất cứ thứ gì thuộc diện tái chế có nghĩa vụ chấp nhận sản phẩm của họ khi hết hạn sử dụng và thải bỏ chúng theo cách thân thiện với môi trường. Gần một phần ba chất thải được tái chế thành các sản phẩm mới.

Đồng thời, việc phát triển các ngành công nghiệp mới – nhà máy điện thay thế, tái chế chất thải, sử dụng vật liệu tái chế, giảm khí thải độc hại không chỉ dẫn đến chi phí mới cho an toàn môi trường mà còn tạo ra lợi nhuận. Khi làm Chủ tịch EU, Thụy Điển sẽ làm rất nhiều việc để phổ biến khái niệm môi trường cho các nền kinh tế toàn cầu và châu Âu. Các công nghệ được tạo ra và thử nghiệm trong thực tế được các quốc gia khác mua và triển khai.