Hy vọng gì cho Thượng đỉnh ASEAN – Mỹ?
Bình luận của Dương Thanh Toàn
20/4/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp trực tuyến với lãnh đạo các nước thuộc ASEAN tại Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN năm 2021 /AFP
Ngày 16/4, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại Washington D.C vào tháng 5 tới. Đây là Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Mỹ và ASEAN. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ban đầu được lên kế hoạch vào cuối tháng 3/2022 nhưng đã bị hoãn lại do các nước thành viên ASEAN không nhất trí được về lịch trình.
Sau hơn sáu tháng cân nhắc, Mỹ và các thành viên ASEAN cuối cùng đã nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tại thủ đô Washington vào ngày 12-13/5.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine cùng sự can dự gián tiếp của Mỹ và châu Âu khiến các thành viên ASEAN khá lo ngại rằng họ sẽ bị cuốn vào quỹ đạo của cuộc xung đột do tầm quan trọng của các mối quan hệ song phương, một áp lực gia tăng từng ngày.
Washington đã thuyết phục một số đồng minh và bạn bè tẩy chay, cô lập Nga. Tính đến hiện tại, có thể nói Mỹ đã huy động sự ủng hộ cần thiết để làm tê liệt các lĩnh vực năng lượng và kinh tế của Nga trong nhiều tháng và nhiều năm tới. Washington đã thành công trong việc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ). Rõ ràng, Mỹ không muốn dừng lại ở đó. Nếu có thể, chính quyền Biden muốn loại bỏ Nga ra khỏi bỏ tất cả các mạng lưới khu vực và quốc tế vì hành động xâm lược Ukraine. Vì lẽ đó, bất kỳ sự hưởng ứng nào từ ASEAN, một cộng đồng 656 triệu dân, quy mô hơn châu Âu, sẽ là một động lực thúc đẩy mạnh mẽ.
Bà Jen Psaki – Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết: “Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt này sẽ thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với ASEAN, công nhận vai trò trung tâm của khối này trong việc đưa ra các giải pháp bền vững cho những thách thức cấp bách nhất của khu vực và kỷ niệm 45 năm quan hệ Mỹ-ASEAN” (1).
Thách thức với ASEAN
Tuy nhiên, ASEAN – xét ở góc độ một khối khu vực – chắc chắn sẽ không ngả về phía Mỹ. Thêm vào đó, bất đồng giữa các thành viên ASEAN liên quan đến cuộc chiến hiện tại ở Ukraine khiến nỗ lực cô lập Nga của Mỹ trở nên khó khăn hơn.
Ngày 8/4, ASEAN ra tuyên bố về vụ giết hại dân thường tại Bucha, sự kiện gây chú ý dư luận toàn cầu (2). Tuyên bố 5 điểm nêu rõ rằng tất cả các hành vi tàn bạo bị cáo buộc chống lại thường dân vô tội, bao gồm cả ở Bucha, phải được điều tra một cách độc lập theo đề nghị của Tổng thư ký LHQ Antonio Gutierrez. Các nội dung còn lại tái khẳng định lập trường của khối liên quan đến tình hình Ukraine rằng phải có các hành lang nhân đạo để cho phép vận chuyển viện trợ nhân đạo vào Ukraine. ASEAN cũng hối thúc tất cả các bên và cộng đồng quốc tế không mở rộng xung đột và không làm trầm trọng thêm cuộc giao tranh. Khối nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn hoặc đình chiến ngay lập tức và tiếp tục đối thoại chính trị toàn diện nhằm đem đến hòa bình bền vững ở Ukraine. Các quan điểm khác nhau và cách biểu quyết của ASEAN cho thấy sự đa dạng cũng như tính thực dụng của các thành viên trong việc can dự với các cường quốc bên ngoài.
ASEAN với tư cách là một bên triệu tập có thể tổ chức đối thoại với tất cả các bên xung đột. Điều đó giúp giải thích tại sao Campuchia, Indonesia và Thái Lan sẽ mời Nga tham dự các hội nghị thượng đỉnh theo dự kiến diễn ra tháng 11 tới như hội nghị cấp cao ASEAN, G20 và APEC 2022. Tại đó, dư luận sẽ chú ý tới kết quả các cuộc trao đổi về Ukraine, và liệu vấn đề này có được đưa vào tuyên bố chung hay không.
ASEAN lo ngại cuộc xung đột sẽ tác động tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19 và tiếp tục phá vỡ sự kết nối của khu vực. Âm hưởng của khủng hoảng Myanmar vẫn còn hiện hữu, ASEAN đang tích cực thực hiện “Đồng thuận 5 điểm” để đảm bảo rằng sẽ không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng này và biến nó thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm cho các siêu cường.
ASEAN đã xác định bốn lĩnh vực ưu tiên: hợp tác hàng hải, kết nối, các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ và hợp tác kinh tế. Đây là một động thái quan trọng của ASEAN nhằm vận hành Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) để tất cả các ưu tiên này có thể bổ sung cho nhau theo các cơ chế khác nhau do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN.
Theo các nguồn tin, tại Washington, ASEAN sẽ được trao quy chế Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) với Mỹ, điều sẽ thể hiện sự đánh giá cao của khối đối với việc chính quyền Biden tăng cường can dự và cam kết với ASEAN cũng như kỷ niệm 45 năm quan hệ giữa hai bên. Hiện tại, chỉ có Trung Quốc và Australia có quy chế CSP, được cấp vào tháng 4/2021.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam – Marc Knapper – họp báo ở Hà Nội hôm 20/4/2022. Báo Quốc Tế
Quan hệ Việt – Mỹ sẽ đơm hoa kết trái
Tháng 5 tới, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ đến Washington D.C. dự hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN. Do xác định Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang cố gắng thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia vốn từng là cựu thù này.
Trong cuộc họp báo mới đây tại Hà Nội, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết “Chính quyền Tổng thống Joe Biden rất chú trọng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thể hiện trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới công bố cách đây không lâu.” (3)
Ông cũng cho biết thêm là “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể hiện nội dung Mỹ giúp đỡ các quốc gia khu vực này tăng cường sức mạnh của các lực lượng chấp pháp biển, trong đó có Việt Nam.”
Theo cam kết này, Mỹ đã cung cấp hai tàu tuần duyên lớp Hamilton cho lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam trong những năm qua. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự cam kết của Mỹ để giúp Việt Nam nâng cao năng lực an ninh biển.
Mỹ đã chính thức chuyển giao tàu tuần tra USCGC Morgenthau cho Cảnh sát biển Việt Nam ngày 25/5/2017. Việc chuyển giao tàu và các hoạt động hỗ trợ liên quan có tổng giá trị khoảng 24 triệu đô la, là viện trợ an ninh của Mỹ dành cho Việt Nam. Sau chuyển giao, tàu được đổi tên là CSB 8020.
Sau đó, Mỹ tiếp tục chuyển giao tàu CSB 8021, trước đây là tàu John Midgett, cho Việt Nam vào ngày 14/8/2020. Việc chuyển giao tàu CSB 8021 và các hoạt động hỗ trợ liên quan có tổng giá trị hơn 27 triệu USD.
Phía Mỹ đang chờ đợi chuyến viếng thăm chính thức của ông Phạm Minh Chính để tiếp tục chuyển giao tàu tuần duyên thứ ba cho Việt Nam – như một biểu tượng của tình bạn giữa hai quốc gia này. Mỹ cũng đang hy vọng có thể thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ tiếp tục phát triển lên những tầm cao mới, nhưng Hà Nội còn đang e dè.
Những thực tế phơi bày trong cuộc chiến tranh Ukraine cho thấy sự lạc hậu của vũ khí Nga. Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đã đề xuất ý kiến cần phải đa dạng nguồn cung cấp vũ khí. Với những vũ khí vác vai cơ động, cùng với các vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo của Mỹ mà đã thể hiện được rất rõ hiệu quả tại chiến trường Ukraine, có lẽ Việt Nam cần cân nhắc mua sắm để trang bị cho các đơn vị đồn trú trên các thực thể mà Việt Nam đang nắm giữ ở Trường Sa. Điều này cũng sẽ khiến Hà Nội có thể bù đắp được phần nào lượng thâm hụt thương mại với Mỹ.
_____________
Tham khảo:
1. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/04/16/statement-by-press-secretary-jen-psaki-on-u-s-asean-special-summit-2/
2. https://asean.org/wp-content/uploads/2022/04/ASEAN_FM_Statement_on_killing_of_civilians_in_Ukraine_final_8_April.pdf
3. https://nld.com.vn/chinh-tri/my-da-san-sang-de-chuyen-giao-tau-tuan-duyen-thu-3-cho-viet-nam-20220420164336481.htm
https://www.rfa.org/vietnamese
Tags: ASEAN, độc tài, toàn trị, Việt Nam