Thời sự Việt Nam – Thứ ba 24 tháng 5 năm 2022
Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán
Hình minh họa: Máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TPHCM hôm 1/12/2021
AFP
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines – đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán TP HCM (HoSE) sau khi hãng này thông báo lỗ chín quý liên tiếp, lên đến khoảng 2,6 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 104 triệu đô la), theo thông tin từ truyền thông Nhà nước Việt Nam.
Theo công bố tài chính quý 1 năm 2022 được Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE, HVN) vừa công bố, doanh thu hợp nhất đạt hơn 11.600 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng được coi là mức doanh thu cao nhất của hãng kể từ quý hai năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát làm ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không.
Truyền thông Nhà nước trích lời của đại diện Vietnam Airlines cho biết, kết quả kinh doanh quý một phản ánh rõ ảnh hưởng nặng nề của đại dịch kéo dài từ 2021 sang đầu năm nay, dù thị trường hàng không Việt Nam phục hồi khá nhanh. Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ba tháng đầu năm gần như vẫn đóng băng, ảnh hưởng tiêu cực do xung đột Nga – Ukraine, giá nhiên liệu tăng cao đã khiến các hoạt động của hãng không thể khởi sắc.
Đại dịch đã khiến nhiều quốc gia phong tỏa, bao gồm Việt Nam, các chuyến bay quốc tế và nội địa bị hạn chế hoặc tạm dừng trong nhiều tháng. Kết quả là Vietnam Airlines đã ở trong tình trạng thua lỗ liên tiếp trong hai năm đại dịch cho đến cuối năm 2021 khi Việt Nam bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Lỗ lũy kế của hãng đã lên đến 24,5 nghìn tỷ đồng tính đến ngày 31/3 năm nay, vượt qua mức vốn chủ sở hữu khoảng 2,16 nghìn tỷ đồng.
Theo truyền thông Nhà nước, nếu công ty báo lỗ ròng liên tiếp trong ba năm và nếu mức lỗ lũy kế vượt quá mức vốn chủ sở hữu trong cả một năm thì công ty có thể phải đối mặt với việc hủy niêm yết trên HoSE.
Hiện Vietnam Airlines chưa đưa ra thông báo gì về khả năng bị hủy niêm yết nhưng công ty sẽ phải thảo luận vấn đề này với các giới chức thị trường chứng khoán.
Việt Nam tham gia sáng kiến kinh tế IPEF do Mỹ khởi xướng
24/5/2022
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự lễ phát động Khuôn khổ IPEF hôm 23/5/2022. Photo VNA/VNS.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 23/5 tham gia trực tuyến lễ công bố khởi động thảo luận về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) diễn ra tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương và sự đoàn kết quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh “sự cần thiết phải điều chỉnh mô hình tăng trưởng, liên kết kinh tế theo hướng bền vững hơn, tự cường hơn, phát huy tối đa nội lực, kết hợp với tối ưu hóa ngoại lực; đề cao chủ nghĩa đa phương và tăng cường đoàn kết quốc tế trên nền tảng của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm”, cổng thông tin Chính phủ dẫn lời ông Chính phát biểu vào chiều ngày 23/5.
Thủ tướng Chính khẳng định Việt Nam kiên định đường lối và đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Trong chuyến công đến Nhật hôm 23/5, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát động kế hoạch IPEF để Mỹ giao tiếp kinh tế ở châu Á.
Lãnh đạo các quốc gia tham gia Khuôn khổ IPEF, ngày 23/5/2022.
Thông cáo của Nhà Trắng hôm 23/5 viết: “IPEF sẽ củng cố mối quan hệ của chúng ta trong khu vực quan trọng này để xác định những thập kỷ tới cho đổi mới công nghệ và nền kinh tế toàn cầu.”
Ngoài ra, IPEF “sẽ tạo ra một nền kinh tế mạnh mẽ hơn, công bằng hơn, linh hoạt hơn cho các gia đình, người lao động và doanh nghiệp ở Hoa Kỳ và trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương,” Nhà Trắng cho biết thêm.
Hiện có 13 nước tham gia khuôn khổ này, bao gồm Mỹ, Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Các nước này sẽ tìm cách thực thi các thỏa thuận của mình và quyết định liệu có cho Trung Quốc gia nhập hay không.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho báo giới biết IPEF giúp cho các nước châu Á “một giải pháp thay thế cách tiếp cận của Trung Quốc trong những vấn đề quan trọng.”
Được giới thiệu ngày 23/5, IPEF là một nỗ lực nhằm cứu vãn một phần lợi ích của việc tham gia vào một hiệp định thương mại rộng lớn hơn giống như hiệp định mà cựu Tổng thống Trump đã từ bỏ, hiện được gọi là Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà trước kia được biết đến dưới tên TPP.
Đối với Việt Nam, Australia và New Zealand, IPEF sẽ là khối thương mại lớn thứ ba của các nước này, ngoài CPTPP có Canada và 10 nước khác tham gia, và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có 15 quốc gia thành viên, do Trung Quốc khởi xướng.
Khác với các hiệp định thương mại truyền thống, những thành viên tham gia IPEF không phải đàm phán về thuế quan và tăng tiếp cận thị trường. Thay vào đó, khuôn khổ này nhằm tích hợp các đối tác thương mại vào những tiêu chuẩn đã được nhất trí trong 4 lĩnh vực chính: kinh tế số, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và các biện pháp chống tham nhũng.
“IPEF sẽ cho phép Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng tôi quyết định các quy tắc đảm bảo cho công nhân, doanh nghiệp nhỏ và chủ trang trại của Mỹ có thể cạnh tranh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, thông cáo của Nhà Trắng cho biết.
Nhận định về mức độ hưởng lợi của các nước thành viên IPEF, ông Ted Kemp của đài CNBC hôm 24/5 cho biết một số quốc gia phát triển hơn như Hàn Quốc, Japan, Singapore có thể thu được nhiều lợi ích hơn, nhưng những quốc gia khác đang phát triển như Indonesia, Việt Nam và Philippines có thể chưa thấy được lợi ích tức thời.
Thủ tướng Hun Sen: Việt Nam và Campuchia đạt thống nhất về các đoạn biên giới chính
23/5/2022
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (thứ 2, trái) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen (thứ 4, trái) đã có cuộc gặp riêng khi tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ vào ngày 11/5/2022.
Việt Nam và Campuchia đã đạt được đồng thuận về 6% biên giới chưa phân chia còn lại giữa hai nước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa tiết lộ thông tin này khi tiếp xúc với cộng đồng người Campuchia ở châu Âu.
Theo tường thuật của Phnom Penh Post, trong buổi tiếp xúc với cộng đồng Campuchia vào ngày 21/5 trước khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Hun Sen cho biết các ủy ban biên giới của Campuchia và Việt Nam gần đây đã đàm phán về ranh giới cho 6% trong số 16% còn lại của đường biên giới chưa phân định giữa hai nước.
“Tôi đã mời Thủ tướng Việt Nam đến thăm Campuchia và ký vào 6% này”, ông Hun Sen nói, đề cập đến cuộc gặp gần đây với người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính trong Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ vào ngày 12-13/5 tại Washington DC.
Thủ tướng Campuchia cũng chỉ trích những người cáo buộc ông “nhượng đất “cho Việt Nam. Ông nói nếu đúng như vậy, ông sẽ không cần phải đàm phán, như đã từng làm với Việt Nam về 6% đường biên giới.
“Tôi không có quyền lấy lãnh thổ Campuchia và trao nó cho người khác – dù chỉ một milimet. Nếu đó là… đất của tôi, chắc chắn, tôi có thể nhượng một phần trong số đó cho người khác. Nhưng không thể nhượng đất của quốc gia này cho quốc gia khác được”, Phnom Penh Post dẫn lời thủ tướng Campuchia nói.
Ông Hun Sen nói thêm rằng Campuchia cần phải thân thiện với các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia có chung đường biên giới, nhưng thẳng thừng bác bỏ những lời chỉ trích về chiến thuật đàm phán của ông từ những người mà ông nói rằng trong lịch sử đã tìm cách “chống lại Việt Nam để lấy lại đất đai”.
Cho tới nay, Việt Nam chưa đưa ra thông tin gì về thoả thuận 6% đường biên giới trên.
Khi tường thuật về sự kiện Thủ tướng Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ vào tuần trước, tờ Nhân Dân chỉ cho biết ông Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào chiều 11/5, và hai lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao trong “Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam 2022”, nỗ lực duy trì đà phát triển thương mại-đầu tư, phát huy thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền và tiếp tục giải quyết phân giới cắm mốc khoảng 16% còn lại.
Mưa lớn gây ngập nặng tại các tỉnh, thành phía Bắc
RFA
24/5/2022
TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), ngập nhiều tuyến đường
binhdinh.news
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến nhiều tuyến đường tại Hà Nội và các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc ngập nặng, giao thông tê liệt hàng nhiều giờ. Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 24/5.
Tin cho biết trận mưa lớn trong sáng 24/5 khiến giao thông tại Hà Nội hỗn loạn. Các tuyến đường chính tại quận Long Biên ngập sâu, nhiều xe máy bị chết máy giữa đường khiến giao thông càng thêm ùn tắc.
Ở Vĩnh Phúc và Bắc Ninh cũng gặp tình trạng tương tự khi trận mưa lớn kéo dài suốt từ ngày 22, 23 đến 24/5 khiến nhiều nơi ngập sâu, công an phải giúp di dời dân và gia súc ra khỏi khu ngập lụt.
Ông Ngô Kinh Quyền – Chủ tịch UBND phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh cho hay do mưa liên tục từ đêm qua đến sáng 24/5 khiến hệ thống thoát nước quá tải.
Cũng trong ngày 24/5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết trong thời gian tới, nhiều nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021.
Trung tâm dự báo tình hình mưa lớn sẽ còn tiếp diễn và dồn dập vào thời điểm cuối năm. Các cơn bão cũng có nhiều nguy cơ khó lường hơn bởi những quỹ đạo, cường độ bất thường.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết bắt đầu từ ngày mai, 25/5, tình hình mưa lớn sẽ có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, ở khu vực miền núi Bắc Bộ vẫn còn mưa dông trên diện rộng.
Ông Năng cũng đưa ra dự báo từ nay đến cuối năm 2022, trên khu vực Biển Đông có khoảng 10 đến 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có năm đến bảy cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến VN trong các tháng cuối năm.
Tags: Việt Nam