Chuyện Việt Nam Thứ Năm 04/05/2023: *VN phản đối Úc phát hành tiền xu có cờ VNCH. *Không có tự do báo chí đừng mơ tự do tôn giáo. *77.000 doanh nghiệp ‘nghỉ giải lao’ trong 4 tháng. *Pin mặt trời VN có thể bị Mỹ đánh thuế
Quê Hương tổng hợp
Việt Nam phản đối Australia phát hành tiền xu có hình cờ Việt Nam Cộng Hòa
04/5/2023
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng (MOFA via Bao Quoc te)
Việt Nam phản đối việc hai cơ quan thuộc Kho bạc và Bưu chính Australia phát hành tiền xu có in cờ Việt Nam Cộng hòa nhân dịp Canberra kỷ niệm 50 năm kết thúc tham chiến ở miền nam Việt Nam năm 1973.
Hôm 4/5, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói: “Chúng tôi lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối việc Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Australia đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh “cờ vàng”, cờ của một chế độ đã không còn tồn tại”.
Phía Việt Nam nói đã đề nghị phía Australia “dừng lưu hành các vật phẩm này, đồng thời không để xảy ra những sự việc tương tự trong tương lai”.
“Việc này hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Australia”, bà Hằng nói.
Royal Australia Mint, cơ quan đúc tiền của chính phủ Australia do Bộ Ngân khố nước này quản lý, và Bưu chính Australia, không phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về tuyên bố của phiá Việt Nam.
Hôm 6/4, Royal Australia Mint phát hành tiền xu mệnh giá 2 đôla Australia bằng bạc, nhân kỷ niệm 50 năm kể từ ngày Australia đưa quân tham chiến trong cuộc Chiến tranh Việt Nam vào năm 1973, hỗ trợ đồng minh Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa.
Mặt trước của đồng xu lưu niệm do Xưởng đúc tiền của chính phủ Australia phát hành. Photo YouTube The Purple Penny Coins and Banknotes.
Cộng đồng người Việt tại Australia bày tỏ sự bất bình trước tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ông Lê Công, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do ở thủ đô Canberra, đồng thời là quyền chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do ở Úc Châu, nêu nhận định với VOA hôm 4/5:
“Đó là lời phản đối vô lý, có tính cách độc đoán và kể cả, buộc một quốc gia như Úc Châu làm những việc mà Việt Nam muốn làm”.
“Đồng bạc cắt do Royal Australia Mint sản xuất ở Canberra để kỷ niệm 50 năm từ ngày những chiến binh cuối cùng của quân đội Hoàng gia Úc rời khỏi Việt Nam.
“Đương nhiên phải có cờ vàng ba sọc đỏ vì họ qua đó chiến đấu bên cạnh cờ vàng ba sọc đỏ, là đồng minh của họ. Nếu không để cờ vàng ba sọc đỏ thì để cờ gì bây giời?”
Đồng xu do chính phủ Australia phát hành nhân dịp đánh dấu 50 năm ngày binh sĩ nước này rút khỏi Việt Nam. YouTube The Purple Penny Coins and Banknotes.
Royal Australia Mint phát hành hai loại đồng xu, vàng và bạc, đều có in dòng chữ “Chiến tranh Việt Nam” trên bề mặt và hình ảnh một chiếc trực thăng.
Royal Australia Mint phát hành cả hai loại này dưới dạng tiền xu kỷ niệm nghĩa là chúng không được lưu hành để giao dịch, theo trang news.com.au.
Được đúc với số lượng hạn chế, đồng xu vàng được bán lẻ với giá 15 đôla Úc và đồng xu bạc có giá 80 đôla Úc. Tuy nhiên, một chuyên gia về tiền xu nói chuyện với đài Seven News cho biết đồng xu bạc có thể bán trên thị trường với gia 1200 đôla Úc, cũng theo trang news.com.au.
Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến dài nhất mà Australia từng tham gia trong thế kỷ 20 với hơn một thập kỷ, với ban đầu chỉ từ một đội huấn luyện quân sự thành một tiểu đoàn và sau đó là một đội đặc nhiệm. Các lực lượng Lục quân, Hải quân và Không quân của nước này đều tham gia bên cạnh lực lượng của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa.
Quân đội Úc đóng vai trò lớn nhất, đặt cơ sở hoạt động chủ yếu ở tỉnh Phước Tuy của miền Nam Việt Nam. Khoảng 57.000 quân dân Australia đã phục vụ tại Việt Nam, trong đó có khoảng 520 chiến sĩ hy sinh và nhiều người khác bị thương trước khi những người lính Australia cuối cùng rút về nước vào tháng 12/1973.
Hôm 25/4, Toàn quyền Australia David Hurley phát biểu nhân kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc cuộc tham chiến, ca ngợi tinh thần bất khuất và can trường của các binh sĩ nước này đã hy sinh vì đất nước. Ông nói: “Chúng tôi khắc ghi sự hy sinh tập thể của họ và ý nghĩa của sự phục vụ của họ đối với quốc gia của chúng ta”.
Không có tự do báo chí nên cũng đừng mơ về quyền tự do tôn giáo
04/5/2023
Ngọc Lan
(VNTB) – Báo chí Phật giáo Việt Nam chỉ có mỗi tờ Giác Ngộ được phép hoạt động.
Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) hôm 1-5 tiếp tục khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt (CPC) vì vi phạm tự do tôn giáo “nghiêm trọng, có hệ thống và đang tiếp diễn”.
Truyền thông quốc tế đã dẫn lời của Uỷ viên USCIRF Frederick Davie phát biểu trực tuyến hôm 1-5 khi cơ quan này công bố bản báo cáo 2023:
“Trong năm 2022, nhà cầm quyền ở Việt Nam đã tăng cường kiểm soát và đàn áp các nhóm tôn giáo, bao gồm người Thượng và người Hmong theo đạo Tin lành, tín đồ Cao Đài Chơn truyền, Phật giáo Hòa Hảo độc lập và Giáo hội Phật giáo Thống nhất, đạo Dương Văn Mình và cả Pháp Luân Công”.
USCIRF đề xuất chính phủ Hoa Kỳ buộc Việt Nam chịu trách nhiệm về vi phạm quyền tự do tôn giáo với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, và hối thúc Việt Nam cho phép các chuyên gia Đặc biệt của Liên hợp quốc đến nước này để theo dõi và điều tra tự do tôn giáo và các vi phạm nhân quyền khác.
Tháng 10-2022, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với nhiệm kỳ ba năm, bất chấp những lo ngại về hồ sơ nhân quyền của đất nước này, USCIRF cho biết. Đối với các tù nhân tôn giáo, USCIRF yêu cầu phái đoàn ngoại giao của Mỹ ở Việt Nam tăng cường giám sát các điều kiện giam giữ và kêu gọi trả tự do cho họ.
Ủy hội USCIRF ghi nhận rằng tháng 12 vừa qua Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) vì đàn áp tự do tôn giáo “một cách nghiêm trọng”. Tuy nhiên, theo USCIRF, Việt Nam nên bị đưa xuống danh sách CPC do vi phạm tôn giáo ở mức “nghiêm trọng, có hệ thống và đang tiếp diễn”.
Nếu nhìn từ giác độ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận thì đúng là ở Việt Nam nói một cách nhẹ nhàng, vẫn đang tiếp tục giới hạn quyền bày tỏ niềm tin vào tôn giáo.
Xin được nhắc lại một câu chuyện cũ, qua đó sẽ thấy rõ hơn về quyền tự do báo chí nói chung, và báo chí tôn giáo nói riêng.
Chiều 18-5-2021 (7-4-Tân Sửu), ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM dẫn đầu phái đoàn lãnh đạo Thành phố đã có buổi thăm, chúc mừng báo Giác Ngộ nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2565.
Ông Nguyễn Thành Phong đánh giá cao vai trò của báo Giác Ngộ qua các sản phẩm báo chí của mình, không chỉ đối với TP.HCM mà còn ảnh hưởng rộng lớn cả nước trong suốt 45 năm hình thành và phát triển. Trên cương vị Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phong nói rằng đó cũng là lý do để chính quyền đưa ra quyết định giữ nguyên báo Giác Ngộ, không sắp xếp lại theo quy hoạch báo chí cho đến năm 2025, là một trong 7 cơ quan báo in của TP.HCM hiện nay.
“Việc báo Giác Ngộ được giữ nguyên, không phải sắp xếp lại trong chiến lược quy hoạch báo chí của Thủ tướng Chính phủ cũng như TP.HCM cho đến năm 2025, thêm một lần nữa khẳng định vai trò cũng như sự tin cậy đối với trong việc chuyển tải thông tin chính thống của đất nước, mà tôn giáo là lĩnh vực không thể thiếu” – Thượng tọa Thích Tâm Hải, Tổng biên tập báo Giác Ngộ, chia sẻ.
Quyết định kể trên của ông Nguyễn Thành Phong đã giúp tòa soạn báo Giác Ngộ là tờ báo hoạt động liên tục lâu dài nhất trong 95 năm lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam, kể từ khi tạp chí Pháp Âm ra đời.
Cho đến hiện tại thì báo chí Phật giáo Việt Nam được phép hoạt động chỉ có mỗi tờ Giác Ngộ. Một số ấn phẩm khác là loại hình tạp chí tháng, hoặc theo quý.
Từ góc nhìn kể trên về quyền tự do báo chí tôn giáo, cho thấy Ủy hội USCIRF vẫn chưa hình dung đầy đủ về những giới hạn trong bày tỏ niềm tin tôn giáo ở Việt Nam.
Tự do báo chí ở Việt Nam: giấc mơ huyễn hoặc
04/5/2023
Hiền Lương
(VNTB) – Đến năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn một cơ quan truyền thông đa phương tiện.
Các phái đoàn ngoại giao của Mỹ và nhiều nước phương Tây tại Việt Nam ra tuyên bố chung Ngày Tự do Báo chí Thế giới, kêu gọi không bắt bớ tùy tiện những người làm báo vì công việc của họ.
Tài khoản facebook Đại sứ quán Canada tại Việt Nam hôm 3-5-2023 đã đăng tuyên bố của 16 thành viên Liên minh Tự do Báo chí tại Việt Nam nhân dịp Ngày Tự do Báo chí Thế giới:
“Hôm nay, nhân ngày Ngày Tự do Báo chí Thế giới, chúng tôi tôn vinh các nhà báo và những người làm công tác báo chí vì những đóng góp của họ đối với xã hội và phẩm giá con người.
Một nền báo chí độc lập và đa dạng, có trên mạng và ngoài đời, thiết yếu với một xã hội cởi mở và bao trùm. Báo chí đóng vai trò quan trọng nêu lên các vấn đề xã hội, bảo đảm trách nhiệm giải trình, minh bạch, giúp công dân và chính phủ đưa ra các quyết định với đầy đủ thông tin.
Các nhà báo và những người làm công tác báo chí phải được tác nghiệp mà không phải lo sợ bạo lực, bị hăm dọa hoặc bị bắt hay giam giữ tùy tiện chỉ vì họ làm công việc của mình”.
Một tuần lễ trước đó, Đại sứ Shawn Steil của Canada tại Hà Nội cho biết:
“Để vinh danh Ngày Tự do Báo chí Thế giới vào ngày 3/5 sắp tới, tôi đã cùng các thành viên của Liên minh Tự do Báo chí tham quan Bảo tàng Báo chí ở Hà Nội. Một nền báo chí tự do và độc lập đã giúp đẩy nhanh quá trình kết thúc chiến tranh ở Việt Nam trước đây, và cho thấy cái giá thực sự của cuộc xâm lược Ukraine mà Nga đang thực hiện. Báo chí tự do bảo đảm quyền lực phải chịu trách nhiệm”.
Câu hỏi đặt ra là thể chế chính trị ở Việt Nam nhìn nhận như thế nào về cái gọi là “báo chí tự do và độc lập”?
Trước hết, nếu “tự do” được hiểu theo nghĩa không cấm đoán và chỉ tuân theo pháp luật thì ở Việt Nam không có tự do báo chí, vì tuy Hiến pháp của Việt Nam ở điều 25 ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Cụm từ “pháp luật quy định” ở đây chính là phần giới hạn của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”.
Luật Báo chí, ở điều 4.1 quy định rất rõ là một tòa soạn chỉ được phép khi thỏa mãn các yêu cầu cụ thể như sau: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”.
Ngay cả một tòa soạn đáp ứng được các yêu cầu trên thì họ cũng không được quyền tự chọn loại hình báo chí để kinh doanh.
Giới hạn về quyền này được thể hiện trong một văn bản ngày 3-4-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Theo đó, đến hết năm 2020, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước không còn cơ quan báo. Cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam có 1 cơ quan tạp chí. Đến năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn một cơ quan truyền thông đa phương tiện.
Như vậy bên cạnh chuyện lâu nay Việt Nam không có báo chí tư nhân, thì với diễn biến hiện tại cho thấy ngay cả “báo chí cách mạng” cũng bị thu hẹp, và xem ra chẳng cần phải ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’ gì cả, ai cũng dễ dàng nhận ra là “tự do báo chí” là một giấc mơ đầy huyễn hoặc mà các tổ chức như Phóng viên Không biên giới (RSF) dường như đã ‘nhầm tưởng’ trong những lần xếp hạng về tự do báo chí của các quốc gia trên toàn cầu.
Hôm 3-5-2023, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Tự do Báo chí Thế giới, tổ chức RSF công bố bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023, theo đó ba nước châu Á đứng cuối bảng là Việt Nam, xếp thứ 178; Trung Quốc 179; và Triều Tiên 180.
Như vậy, Việt Nam, nơi chính quyền tự hào và cổ võ cho nền “báo chí cách mạng”, bị rớt từ hạng 174 hồi năm 2022 xuống gần cuối bảng trong năm nay, và cũng là mức thấp nhất kể từ khi RSF công bố xếp hạng hàng năm từ năm 2002 đến nay.
Năm 1993 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công bố ngày 3-5 hàng năm là “Ngày Tự do Báo chí Thế giới” để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do báo chí và nhắc nhở các chính phủ về bổn phận phải tôn trọng và duy trì quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
Gần 77 ngàn doanh nghiệp ‘nghỉ giải lao’ trong 4 tháng đầu năm
Lê Thiệt /SGN
03/5/2023
Một sự án bất động sản ở Hà Nội – Ảnh: Kinh tế Đô thị
Theo số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê (TCTK), tính chung bốn tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 49,9 ngàn doanh nghiệp; 20,9 ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 6,1 ngàn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
So với cùng kỳ năm ngoái, con số nào cũng tăng, nghe mà “buồn như tháng Tư.”
Ở chiều ngược lại, cả nước cũng có gần 16 ngàn doanh nghiệp mới. Nghe thì “phấn khởi” đấy nhưng dù sao họ cũng chỉ là “lính mới tò te” trên thương trường, có “làm ra của cải vật chất cho xã hội” hay không thì vài năm nữa mới biết. Vì thế con số này cũng bấp bênh lắm.
Đáng chú ý so với cùng kỳ năm trước, bất động sản là ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh nhất (61,3%) trong 4 tháng đầu năm, đồng thời đây cũng là lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng mạnh nhất (37,3%) so với cùng kỳ năm trước.
Bức tranh thị trường địa ốc rõ ràng ảm đảm hơn nhận định của các “chuyên gia bàn giấy” khi hàng ngàn dự án bất động sản vẫn ở tình trạng “án binh bất động” chở nhà nước “tháo gỡ”.
Theo báo Kinh tế Đô thị, trong tháng Tư, giá đất nền ở những khu vực từng xảy ra sốt đất tiếp tục “giảm cho đúng gía trị thực.” Theo Minh Đức, một cò đất già đời thì “còn lâu mới đến tháng Mười”, thị trường địa ốc có những bí ẩn chỉ có “người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt” muốn gì. Cũng từ người này, trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ ổn định trở lại theo kiểu “mười phần chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình”.
“Một” ở đây là thế lực nào thì mỗi người tự hiểu.
Chủ tịch nước Việt Nam sẽ tham dự lễ đăng quang của Vua Charles III
03/5/2023
Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tiếp tân Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew. Ông Thưởng sẽ công du tới Anh từ 4-6 để tham dự Lễ đăng quang của Vua Charles III.
Tân chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng sẽ tới Anh trong chuyến công du 3 ngày cuối tuần này để tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Charles III cũng như gặp gỡ các lãnh đạo hàng đầu của Anh, theo thông báo của chính phủ Việt Nam.
Lễ đăng quang của Vua Charles III dự kiến diễn ra ngày 6/5 tại Tu viện Westminster. Ông trở thành quân vương của Vương quốc Anh và 14 quốc gia khác sau khi thân mẫu của ông, Nữ hoàng Elizabeth, qua đời vào tháng 9 năm ngoái. Trong buổi lễ dự kiến có 2.200 vị khách mời tham dự, bà Camilla, người mà ông Charles kết hôn năm 2005 làm vợ thứ 2, cũng sẽ được trao vương miện.
Một tuyên bố được báo Chính phủ đăng tải cho biết ông Thưởng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III theo lời mời của Hoàng gia Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland từ ngày 4-6.
Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Thưởng sẽ gặp Nhà vua Charles, Hoàng hậu Camilla, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và một số bộ trưởng Nội các, theo Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long cho biết khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại London.
Vẫn theo Đại sứ Long, ông Thưởng, người nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam hôm 2/3 sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ rời khỏi chức vụ này hồi đầu năm, cũng dự kiến sẽ gặp gỡ cựu Thủ tướng Tony Blair cùng các lãnh đạo Hạ viện và một số nghị sỹ Anh.
Chuyến công du của ông Thưởng sẽ là chuyến thăm thứ 2 của một chủ tịch nước Việt Nam tới Vương quốc Anh sau gần 2 thập kỷ, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ngày càng phát triển, theo Đại sứ Long.
“Việc Chủ tịch nước tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Charles III và Hoàng hậu Camilla thể hiện sự coi trọng và ủng hộ của Việt Nam đối với Hoàng gia và Chính phủ Anh và với quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh”, Đại sứ Long nói với phóng viên TTXVN.
Trong bối cảnh Việt Nam và Anh kỷ niệm nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến công du của ông Thưởng tới Anh được xem là hoạt động đối ngoại cấp cao quan trọng, khẳng định mong muốn của Việt Nam “muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nhà vua Charles III”, theo nhận định trong bản tin của báo Quân đội Nhân dân.
Ngay sau khi đến London hôm 4/5, ông Thưởng sẽ có cuộc “gặp gỡ thân mật với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Anh, nhằm lắng nghe những chia sẻ, tâm tư của đồng bào ta đang sinh sống, học tập và công tác tại Anh, qua đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”, Đại sứ Long cho biết.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Anh tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, theo Quân đội Nhân dân. Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại thị trường châu Âu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt hơn 6,8 tỷ USD trong năm 2022, theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Anh đứng trong nhóm 20 quốc gia hàng đầu có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam và Anh cũng tăng cường hợp tác quốc phòng trong thời gian qua. Bộ trưởng Quốc phòng Anh lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam vào tháng 7/2021. Những năm gần đây, Anh thường xuyên có tàu hải quân thăm Việt Nam trong bối cảnh hai nước cùng có những mối quan ngại chung về sự bành trước sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực.
Pin mặt trời Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ áp thuế trở lại vì vạ lây từ Trung Quốc
03/5/2023
Công nhân của New York State Solar lắp đặt các tấm pin mặt trời ở Massapequa, New York, hôm 11/8/2022. Việt Nam và 3 quốc gia Đông Nam Á khác cung cấp khoảng 80% tấm pin mặt trời nhập vào Hoa Kỳ.
Tấm pin năng lượng mặt trời của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á có thể bị áp thuế trở lại khi các nhà lập pháp Mỹ muốn dựng lại hàng rào thuế quan đối với những thiết bị điện mặt trời của Trung Quốc.
Các tấm pin từ Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Campuchia nhập vào Mỹ được Tổng thống Joe Biden miễn thuế trong vòng 2 năm kể từ tháng 6 năm ngoái nhằm tăng cường việc lắp đặt pin mặt trời ở Mỹ để thúc đẩy chương trình nghị sự về khí hậu của chính quyền đương nhiệm.
Quyết định miễn thuế của Tổng thống Biden được đưa ra 2 tháng sau khi Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á kể trên để xem các sản phẩm này có sử dụng các bộ phận hoặc linh kiện từ Trung Quốc hay không.
Nhưng biện pháp miễn thuế tạm thời của Tổng thống Biden có thể bị đảo ngược sau khi Hạ Viện Mỹ bỏ phiếu nhất trí áp lại các mức thuế. Theo AP, cuộc bỏ phiếu hôm 28/4 tại Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số, với số phiếu 221-202 ủng hộ việc khôi phục lại thuế quan đối với pin mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam và 3 quốc gia Đông Nam Á.
Việc đảo ngược hành động của Tổng thống Biden, theo AP, có thể dẫn đến việc trì hoãn hoặc hủy bỏ hàng trăm dự án năng lượng mặt trời trên khắp nước Mỹ. Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á kể trên cung cấp khoảng 80% lượng pin mặt trời cho Hoa Kỳ.
Nhưng một số nhà sản xuất của Mỹ cho rằng Trung Quốc về cơ bản đã chuyển hoạt động sản xuất sang bốn quốc gia Đông Nam Á – gồm Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Campuchia – để lách các quy định chống bán phá giá nghiêm ngặt của Hoa Kỳ nhằm hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mỹ bắt đầu áp thuế lên pin mặt trời nhập từ Trung Quốc từ năm 2012, dưới thời Tổng thống Barack Obama. Các sản phẩm từ Trung Quốc bị áp thuế nhiều hơn khi Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với nước này sau khi lên nhậm chức vào năm 2017.
Cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 4 năm ngoái đã phát hiện ra khả năng vi phạm thương mại liên quan đến các sản phẩm của Trung Quốc. Sau đó vào tháng 6, Tổng thống Biden tuyên bố tạm hoãn áp thuế cho pin mặt trời hoặc các module nhập khẩu từ Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á, trong hai năm trước khi cuộc điều tra của Bộ Thương mại hoàn tất.
Nhà Trắng lúc đó nói rằng hành động của Tổng thống Biden là “cần thiết để đáp ứng nhu cầu về năng lượng sạch và đáng tin cậy” đồng thời mang lại “sự đảm bảo về việc làm và đầu tư vào chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời cũng như thị trường lắp đặt pin năng lượng mặt trời”.
Trước khi Tổng thống Biden quyết định miễn thuế tạm thời cho Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á, mối đe dọa về thuế quan từ cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ đã dẫn đến việc trì hoãn hoặc hủy bỏ hàng trăm dự án năng lương mặt trời ở Mỹ khi các nhà đầu tư chuyển sang tự bảo vệ mình trước các mức thuế tiềm ẩn lên tới 1 tỷ USD.
Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ lập luận rằng việc nhập khẩu các tấm pin mặt trời là cần thiết khi việc lắp đặt pin mặt trời tăng lên để đáp ứng nhu cầu năng lượng tái tạo ngày càng lớn, theo AP. Năng lượng mặt trời là một phần quan trọng trong mục tiêu của Tổng thống Biden nhằm đạt được 100% điện sạch vào năm 2035.
Tuy nhiên, Dân biểu Jason Smith, thuộc đảng Cộng hòa đại diện tiểu bang Missouri, được AP trích lời nói hôm 28/4 rằng việc khôi phục thuế quan sẽ buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đồng thời bảo vệ việc làm và người lao động ở Mỹ. Theo dân biểu này, thuế quan sẽ bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng từ Trung Quốc, quốc gia đang trợ cấp cho các tấm pin mặt trời của họ và bán chúng với giá thấp.
“Bằng cách vận chuyển sản phẩm của mình qua Campuchia, Malaysia, (Thái Lan) và Việt Nam, (các quan chức Trung Quốc) đã thiết lập một kế hoạch lừa gạt người lao động và người tiêu dùng Mỹ”, Dân biểu Smith nói. “Chúng tôi biết Trung Quốc đang gian lận, và đó chính là lý do tại sao các đảng viên của cả hai đảng đều sửng sốt và thất vọng khi Nhà Trắng đưa ra quyết định sai lầm” là tạm dừng thuế quan trong hai năm đối với pin mặt trời nhập từ Việt Nam và 3 nước kể trên.
Bộ Công thương Việt Nam hồi tháng 4 năm ngoái nói rằng họ đã khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời xuất khẩu sang thị trường Mỹ “theo dõi sát tình hình, chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong suốt quá trình của vụ việc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp” khi có thông tin về cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ. Bộ Công thương Việt Nam cho biết rằng họ đã nhiều lần đưa mặt hàng pin năng lượng mặt trời vào danh sách cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại.
Nhà Trắng nói rằng quyết định tạm hoãn thuế đối với pin mặt trời nhập từ Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á đã thúc đẩy một ngành quan trọng trong mục tiêu chống biến đổi khí hậu của ông trong khi không can thiệp hay chấm dứt cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ, theo AP. Vẫn theo Nhà Trắng, ông Biden không có ý định gia hạn quy định đình chỉ thuế quan khi nó hết hạn vào tháng 6/2024.
Thượng viện Mỹ dự kiến sớm nhất là trong tuần này sẽ biểu quyết về việc quyết định đảo ngược hành động đình chỉ thuế quan tạm thời của Tổng thống Biden sau khi được Hạ viện thông qua. Theo AP, Tổng thống Biden đã thề sẽ phủ quyết nghị quyết này nếu nó được đưa đến bàn của ông.
Mười người dân tham gia biểu tình phản đối Công ty Cà phê Ea Pôk bị khởi tố
04/5/2023
Người dân căng biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Êđê để đòi trả lại đất hồi tháng 5/2022
Hình chụp màn hình video quay hiện trường vụ biểu tình phản đối của người dân
Mười người từng tham gia đợt biểu tình hồi tháng 5/2022 đòi Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pôk bồi thường vì phá hoại hoa màu trên đất của dân, vào ngày 4/5/2023 bị khởi tố. Trong số này có chín người bị bắt giam, một người bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) thuộc Công an Huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk thông báo quyết định vừa nêu cho truyền thông Nhà nước. Cáo buộc đối với 10 người là có hành vi “hủy hoại tài sản”.
Mười người thuộc danh sách bị khởi tố gồm các ông Y Duy Êñuôl, 36 tuổi; Y Hoă Adrơng, 32 tuổi; Y Sôl Ayǔn, 23 tuổi; Y Phin Êñuôl, 21 tuổi; Y Lôk Adrơng, 31 tuổi; Y Rom Hwing, 32 tuổi; Y Ra Hun Niê, 18 tuổi; Y Trương Bkrông, 23 tuổi; Y Jan Êban, 25 tuổi; Y Ngoai Êñuôl, 34 tuổi, tất cả trú ở Buôn Lang, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.
Vào tháng 5/2022 mà ngày cao điểm là 18/5, hàng trăm người dân ở buôn Lang, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk đã biểu tình phản đối Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pôk hủy hoại hoa màu do người dân trồng.
Video và hình ảnh ghi lại cuộc biểu tình trên được chia sẻ trên mạng xã hội. Những hình ảnh được chia sẻ cho thấy lực lượng cảnh sát cơ động cũng có mặt ở hiện trường và xảy ra va chạm với người dân.
Đến ngày 28 tháng 5, người dân tiếp tục tổ chức biểu tình, căng biểu ngữ để yêu cầu phía công ty cà phê trả lại đất. Báo chí Nhà nước đến nay không đưa tin tức gì về vụ việc.
Theo tìm hiểu của RFA, buôn Lang hiện có khoảng 250 hộ dân, tất cả đều là người thuộc sắc dân Êđê bản địa, và toàn bộ người dân sống dựa vào canh tác nông nghiệp.
Người dân địa phương cho biết họ vốn dĩ đã canh tác trên mảnh đất này từ nhiều đời, tuy nhiên sau năm 1975 thì bị Nhà nước lấy và giao cho doanh nghiệp Nhà nước là Nông trường cà phê Ea Pôk, sau đổi thành công ty Cổ phần Cà phê Ea Pôk để trồng cây cà phê.
Từ việc là chủ của khu đất người dân bỗng dưng trở thành kẻ làm thuê trên chính mảnh đất của mình.
Từ năm 1983 đến nay, người dân cho biết họ được phía công ty cho phép canh tác trên mảnh đất này, nhưng bị giao khoán sản lượng 18 tấn cà phê/1ha, hoặc đưa ra mức nộp sản lượng lên đến 80% mỗi vụ thu hoạch.
Cũng theo người dân, đến năm 2010 thì phía công ty cho nhổ cây cà phê và để người dân trồng các cây hoa màu khác, trong đó có cây ngô, nhưng lại không hỗ trợ cây giống, phân bón, lẫn thuốc trừ sâu.
Đồng thời, công ty giữ nguyên hình thức khoán sản lượng, hoặc đánh thuế lên đến 80% sản lượng mỗi vụ.
Tuy nhiên, gần đây, phía công ty muốn người dân dừng trồng hoa màu và chuyển sang trồng cây sầu riêng, điều này vấp phải sự phản đối của người dân, dẫn đến sự việc công ty tiến hành phá hủy hoa màu của người dân hôm 18 tháng 5 nhằm chuẩn bị đất để trồng sầu riêng.
Năm 2019, trước việc đời sống kinh tế khó khăn lẫn thái độ mà họ cho là vô trách nhiệm của phía công ty, người dân buôn Lang đã quyết định làm đơn gửi chính quyền để đòi lại đất và quyền canh tác.
Phóng viên của đài RFA từng gọi điện thoại cho Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pôk để đề nghị phía công ty đưa ra quan điểm, nhưng được người trực điện thoại cho biết phía báo chí phải đăng ký với lãnh đạo công ty, và chỉ được phỏng vấn khi lãnh đạo công ty này duyệt.
Tags: độc tài, Tham nhũng, toàn trị, Việt Nam, việt nam