Chuyện Việt Nam Thứ Sáu 07 tháng 7 năm 2023
Quê Hương tổng hợp
Vụ nổi dậy tại Đắk Lắk đã hé lộ… 06/7/2023
Trong vòng đỏ là tỉnh Đắk Lắk giáp biên với Capuchia (Bản đồ VN)
Câu chuyện 6 sĩ quan công an Cộng Sản Việt Nam (CSVN) của hai xã Ea Tiêu và Ea K’tur bị bắn chết ở tỉnh Đắk Lắk trong tháng trước đã gây xôn xao trong và ngoài nước. Nhiều dư luận suy đoán chứ không có một điều gì chắc chắn là do ai tổ chức. Đến nay đã gần 100 người dân Đắk Lắk bị công an CSVN tình nghi và bắt để điều tra, mà chưa tìm ra thủ phạm chủ mưu.
Nếu nói rằng biến cố ở hai xã tỉnh Đắk Lắk là một cuộc tự phát của dân thiểu số (người Thượng) do nhà cầm quyền CSVN cướp nương rẫy mà họ đã bỏ bao nhiêu công lao để khai phá và trồng trọt hoa màu như một biến cố “tức nước vỡ bờ” thì không đúng hẳn.
Mà phải nói đây là một cuộc nổi lên có tổ chức. Vì sao dám khẳng định điều này?
Vì sự tấn công vào hai xã Ea Tiêu và Ea K’tur xảy ra cùng thời điểm, điều này chứng tỏ những người tấn công vào hai xã trên có liên lạc với nhau chặt chẽ để chọn cùng thời điểm tấn công – đó là cơ bản của tổ chức.
Thêm nữa, đến nay vẫn chưa bắt được người cầm đầu hoặc người quan trọng trong hai cuộc tấn công vào trụ sở hai xã trên để giết chết công an, như vậy họ đã tính toán đường rút khi thực hiện xong công việc (đây là yếu tố cơ bản thứ hai về tổ chức) – họ đã cao bay xa chạy đến nước khác mà nghi là Campuchia vì Đắk Lắk có biên giới giáp với Campuchia.
Tuy vậy, tổ chức rộng lớn như thế nào thì chưa ai biết được hoặc có bàn tay lông lá của nước ngoài nhúng vào hay không thì không được rõ. Người thượng cao nguyên thường hoạt động cho các tổ chức tình báo trước đây là Phòng Nhì (Deuxième Bureau) của Pháp thời Pháp đô hộ Việt Nam, sau đó là CIA của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Gần đây, bản tin của báo Nga Spunik và báo Campuchia đưa tin “Thủ Tướng Campuchia Hun Sen đưa 500 quân tới biên giới với Việt Nam bắn hạ drone; Hà Nội bình tỉnh”
Bài báo trên Spunik cho biết:
Theo truyền thông Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh cho Bộ Quốc Phòng Campuchia đưa 500 quân tới khu vực biên giới phía Đông tỉnh Ratanakiri, đó là tỉnh giáp biên giới tỉnh Đắk Lắk sau khi Campuchia phát hiện các thiết bị bay không người lái (drone) bí ẩn.
Tờ Sputnik của Nga còn đưa tin, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tiết lộ việc “nước thứ ba” đứng sau sự xuất hiện của các thiết bị bay không người lái bí ẩn qua Campuchia ngay tại khu biên giới với Việt Nam.
Có thể suy đoán ra rằng các drone này do Việt Nam phóng lên để dò tìm những người đã tấn công vào hai xã Ea Tiêu và Ea K’tur đang lẫn trốn để thoát qua biên giới Campuchia.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Campuchia lại bảo vệ? Dù Hun Sen không nói là drone của Việt Nam mà nói drone của “bên thứ ba”.
Tờ Tuổi Trẻ thì đưa tin “Việt Nam muốn biên giới hòa bình với Campuchia” Bộ Ngoại giao khẳng định hai nước luôn hợp tác chặt chẽ tại khu vực biên giới, mong muốn tiếp tục hợp tác với Campuchia để củng cố hòa bình tại khu vực”.
Tuy vậy trong bài báo đưa tin thêm rằng: “Tờ Phnom Penh Post dẫn lời Thủ tướng Hun Sen cho biết các máy bay này thuộc các đối tượng liên quan đến vụ việc ở Đắk Lắk gần đây“
Gần đây Hoa Kỳ và tây phương cho rằng Campuchia là tay sai của Trung Cộng. Câu hỏi là cuộc nổi dậy tại hai xã Ea Tiêu và Ea K’tur tại tỉnh Đắk Lắt có bàn tay lông lá của Trung Cộng và Campuchia hay không?
Lính Campuchia được điều động ra biên giới
Việt Nam vẫn còn kỳ thị sắc tộc – 06/7/2023
Hoài Nguyễn/VNTB
Không hề lạ khi Hà Nội kiên quyết phủ nhận ở Việt Nam có chuyện “kỳ thị sắc tộc”.
Luật Nhân Quyền (Human Rights Code) nói rằng mỗi người có quyền tự do không bị kỳ thị và sách nhiễu chủng tộc; chẳng hạn như tổ tiên, màu da, nguyên quán, nguồn gốc dân tộc, quốc tịch hay tín ngưỡng. Điều này áp dụng cho các lĩnh vực được luật bảo vệ như tại sở làm, tại trường, trong việc thuê nhà, hoặc ở lĩnh vực dịch vụ. Các dịch vụ bao gồm những nơi như cửa tiệm và thương xá, các khách sạn, các bệnh viện, những nơi vui chơi giải trí và các trường học.
Một khách hàng đã chia sẻ khi ông muốn được tham vấn chuyện làm ăn ở TP.HCM, câu chuyện sau đây về “kỳ thị sắc tộc” vẫn là ám ảnh trong quyết định bỏ vốn góp vào kinh doanh theo lời mời của bè bạn Sài Gòn.
Ông kể, “Hồi còn học sinh, năm nào chuyển cấp câu hỏi đầu tiên mà tôi nhận được là cậu dân tộc Kinh hay dân tộc gì? Là dân tộc gì thì tôi cũng mang quốc tịch Việt Nam đó thôi, tôi không thích bị hỏi câu hỏi đó chút nào.
Dĩ nhiên không phải tôi xấu hổ hay tự ái vì mình là người dân tộc ít người, nhưng những người hỏi câu hỏi đó làm tôi sợ khi phía sau lưng họ gọi những người như tôi là người dân tộc.
Chỉ gói gọn trong cụm từ đó thôi “dân tộc”, nếu họ nói là người dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú, dân tộc Ê đê… thì không sao, ngược lại đó là niềm tự hào và hãnh diện nhưng họ chỉ gọi chúng tôi là người “dân tộc” chính xác hơn là “bọn dân tộc”.
Tôi tự hào về dòng máu, về bản sắc của mình và dù có bất cứ lý do gì cũng không bao giờ tôi quên được, vứt bỏ được những bản sắc của chính mình. Ở trường đôi lúc tôi cũng nói tiếng mẹ đẻ với bạn mình nhưng các thầy cô không khuyến khích việc đó vì nhiều học sinh dân tộc Kinh nghĩ chúng tôi đang nói xấu họ.
Sau này đi học đại học, tôi hay nhận được một số câu hỏi như: được địa phương cử đi học theo chính sách ưu tiên dân tộc hay tự thi vào? Có phải người dân tộc chúng tôi ác và hay bùa chài người khác không? Tôi không bao giờ muốn trả lời những câu hỏi không có thiện ý như vậy, cũng chẳng biết những kẻ đặt câu hỏi đó đã hiểu gì về chúng tôi, đã biết được thông tin đó từ đâu mà lại đi hỏi như vậy.
Tôi cũng cố gắng nói để họ hiểu rõ hơn về cộng đồng dân tộc mình, mong họ hiểu và tôi vẫn là tôi sau tất cả những chuyện đó. Ở thành phố lớn người ta ít để ý đến vấn đề dân tộc và tôn giáo hơn nhưng mà lại hay phân biệt chuyện người tỉnh lẻ với người thành phố, người vùng này với người vùng nọ.
Cũng không có gì căng thẳng lắm nhưng sự phân biệt của họ làm tôi chẳng muốn định cư ở những nơi như thế lâu dài dù ở nơi đó có những thứ tôi thích và cần, không ít lần vẫn thấy mình bị tủi thân…”.
Như vậy, không khó để nhận ra ông bạn “người dân tộc” kể trên đã bị kỳ thi sắc tộc ngầm từ chính các thủ tục hành chính của nhà nước Việt Nam.
Về lý thuyết pháp luật mà sinh viên trường luật được học, thì kỳ thị sắc tộc ngầm có thể xảy ra ở tầm mức – cơ quan hay toàn bộ, từ các điều lệ và cấu trúc hàng ngày mà không cố tình hay được thiết kế để kỳ thị.
Các khuôn mẫu hành vi, các chính sách hay cách thực hành mà thuộc một phần cơ cấu của một tổ chức hay toàn thể một lĩnh vực có thể gây bất lợi hoặc thất bại trong việc làm đảo lộn tác động và di sản đang diễn ra mà theo truyền thống gây thiệt hại cho những người thuộc chủng tộc da màu.
Điều này có nghĩa thậm chí ngay cả khi người ta được cho là đã không cố tình, “những cách sinh hoạt bình thường hàng ngày” có thể đã tạo một tác động tiêu cực cho những người khác chủng tộc với nhau.
Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục, sự kỳ thị toàn bộ có thể bao gồm định kiến để hướng học sinh thuộc các sắc tộc khác nhau vào các trường nội trú dân tộc chẳng hạn.
Đồng thời, khi các cách đề bạt chú trọng vào những yếu tố văn hóa và tổ chức, mà những yếu tố đó dựa trên kinh nghiệm của những nhà giáo dục người Kinh thì kết quả là có ít người sắc tộc ở các vai trò lãnh đạo, chẳng hạn như các hiệu trưởng.
Gần đây, một số kênh youtube ở Việt Nam đã lấy hình ảnh được gọi là “người dân tộc thiểu số” làm méo mó, miệt thị để câu view. Chuyện này gây ra nhiều phản ứng trong cộng đồng sắc tộc và các nhà nghiên cứu. Đã không có phiên tòa nào trong chấm dứt kiểu mua vui phản cảm và vi phạm nhân quyền đó.
Dẫn chứng luôn để tránh chuyện bị quy chụp theo điều luật hình sự “nói xấu Đảng và nhà nước”, đó là một loạt các kênh như A Hy TV, Bảo Bảo Film, Mẩy Thanh TV… đều có những video được cộng đồng mạng đánh giá là “lố lăng, phản ánh sai lệch bản sắc dân tộc thiểu số, sặc mùi định kiến, kỳ thị dân tộc”…
Nhân vật chính của những video này là một anh “Tộc” được xây dựng khá ngô nghê. Các chi tiết gây cười đều dựa trên sự lạc hậu, chậm tiến, có phần dung tục của nhân vật. Điều đáng nói, những video này có trung bình từ 1-2 triệu lượt xem…
Bộ Ngoại giao CSVN lên tiếng vụ “đường lưỡi bò” qua trường hợp BlackPink và Barbie
06/7/2023
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng.
Báo Lao Động
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng vào ngày 6/7 lặp lại quan điểm của Hà Nội về đường chín đoạn mà Trung Quốc vạch ra tại Biển Đông, qua vụ đường này xuất hiện trên trang chủ của Ban Tổ chức đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink tại Việt Nam và phim Barbie của Hoa Kỳ.
Bà Phạm Thu Hằng cho biết cơ quan chức năng đang xác minh vụ liên quan Ban tổ chức đêm diễn BlackPink.
Vào ngày 5/7, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch (VH-TT-DL) Việt Nam Lê Thanh Liêm cho biết Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có văn bản gửi đến đơn vị cấp phép cho chương trình vừa nêu là Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội để xác minh.
Trên mạng xã hội vào tối ngày 4/7 xuất hiện thông tin nói trang chủ của iMe Entertainment có bản đồ “đường lưỡi bò”. Và trên Fanpage của iMe Vietnam, đường dẫn đến trang chủ của Công ty này cũng được gắn trong phần giới thiệu.
Nhiều người dùng Việt Nam gửi icon “phẫn nộ” và có kêu gọi tẩy chay “Born Pink World Tour Hanoi” mà theo thông báo sẽ diễn ra vào cuối tháng bảy này.
Chiều ngày 6/7, iME Vietnam chính thức đưa ra thông báo phản hồi về thông tin này, đồng thời cho biết đại diện của công ty đã làm việc trực tiếp và gửi công văn giải trình lên Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các Bộ ban ngành liên quan.
Thông cáo nêu rõ: “Trang website lan truyền hình ảnh là website chung liên kết của các văn phòng khu vực tại châu Á và không phải là website chính thức của công ty Việt Nam. Hiện công ty chưa có website chính thức hoạt động đăng ký tên miền tại Việt Nam và chỉ hoạt động trên một số nền tảng mạng xã hội với tên iME Vietnam”.
Về việc phim Barbie của hãng Hoa Kỳ Warner Bros bị cấm chiếu ở Việt Nam vì có hình “đường lưỡi bò”, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Việc quảng bá, sử dụng các ấn phẩm, sản phẩm có ‘đường chín đoạn’ là vi phạm và không được chấp nhận tại Việt Nam”.
Xem thêm:
Hãng phim Warner Bros biện hộ cho bản đồ thế giới của phim ‘Barbie’ là ‘giống trẻ con’ và vô hại
Vụ lãnh đạo bệnh viện Ninh Thuận ra kết quả xét nghiệm nồng độ cồn sai không bị khởi tố
06/7/2023
Ông Hồ Hoàng Hùng, cha nạn nhân, bức xúc trước nồng độ cồn mà Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận đo con ông.
Người Lao Động
Tố giác đối với lãnh đạo Bệnh viện Đa Khoa Ninh Thuận về kết luận nồng độ cồn trong máu sai lệch cho nạn nhân bị tông chết không được Công an Thành phố Phan Rang- Tháp Chàm cho tiến hành khởi tố vụ án.
Ngày 5/7, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết tin vừa nêu. Lý do được nói do Công an TP Phan Rang- Tháp Chàm chưa phát hiện ra dấu hiệu tiêu cực khi đưa ra kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu sai lệch đối với nữ sinh bị tông chết. Cơ quan này cho rằng qua quá trình điều tra, thu thập tài liệu và làm việc với những người liên quan, công an xác định kết quả nồng độ cồn trong máu của nữ sinh bị tông chết sai là do kỹ thuật viên đã không thực hiện đúng quy trình về kỹ thuật xét nghiệm và quy trình về xem xét, ký trả kết quả xét nghiệm.
Viện Kiểm sát Nhân dân TP Phan Rang- Tháp Chàm cũng đồng ý với Công an thành phố này trong việc không khởi tố vụ án hình sự theo đơn tố giác của cha nạn nhân.
Như tin đã loan, vụ tai nạn xảy ra vào ngày 28/6/2022. Theo đoạn video ghi lại từ camera an ninh, xe hơi bảy chỗ do Thiếu tá Hoàng Văn Minh, (thuộc Trung đoàn 937/Sư đoàn 370/Quân chủng Phòng không Không quân) lái đang lưu thông thì rẽ phải vào một ngân hàng và xảy ra va chạm với xe máy của nữ sinh Hồ Hoàng Anh đang đi.
Vụ tai nạn khiến nữ sinh lớp 12 Hồ Hoàng Anh bị văng ra khỏi xe, đầu đập vào cột điện bên đường và tử vong khi đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Tài xế bước xuống xe xem xét vụ tai nạn một tay vẫn còn cầm điện thoại nói chuyện.
Đến ngày 2/8/2022, Thượng tá Hà Công Sơn – Phó Trưởng Công an Thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, cho báo giới biết qua quá trình đấu tranh, người gây ra tai nạn chết người ông Hoàng Văn Minh- cán bộ của Trung đoàn Không quân 937, thừa nhận khi đang lái xe có nói chuyện điện thoại.
Thượng tá Hà Công Sơn cũng thông báo điều tra ban đầu cho thấy trước khi tai nạn xảy ra ông Hoàng Văn Minh đã chuyển hướng ô tô không an toàn. Vi phạm này dẫn đến tai nạn làm chết nữ sinh Hồ Hoàng Anh dù cháu này đi đúng làn đường và tốc độ cho phép. Ông Hà Công Sơn nêu quan điểm cá nhân là vụ việc đã đủ yếu tố để khởi tố vụ án nhằm xử lý theo quy định của pháp luật.
Vào ngày 5/8/2022, lãnh đạo Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận đã đến xin lỗi gia đình và hứa hủy kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu nữ sinh trung học bị xe ô tô của sĩ quan Không quân tông chết. Gia đình không đồng ý và có đơn tố cáo lãnh đạo Bệnh viện Ninh Thuận về kết quả xét nghiệm sai lệch đưa ra.
Trung tâm triển lãm 800 tỷ đồng chưa xây xong đã thành phế tích
Lê Thiệt /SGN
Mười năm trước (2013) Trung tâm triển lãm quy hoạch TP HCM là một dự án lớn của UBND TP.HCM, được bắt đầu xây dựng tại khu vực quảng trường trung tâm Khu đô thị Thủ Thiêm. Nó được xem như một biểu tượng của khu đô thị mới khi hoàn tất, thế nhưng từ năm 2019 đến nay, nó nằm trơ trọi, im lìm, mặc cho thời gian phủ rêu lên những bức tường thô ráp.
Công trình có diện tích hơn 18.000 m2 với vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng, được hứa hẹn triển lãm quy hoạch, kiến trúc thành phố, đồng thời là nơi gặp gỡ của giới chuyên môn, các nhà đầu tư và cả khách du lịch (dù chẳng biết họ đến đấy làm gì).
Theo thiết kế, toà nhà gồm 5 tầng, được bố trí như sau:
– Tầng trệt là khu vực giới thiệu lịch sử hình thành, các di tích kiến trúc và những đồ án quy hoạch thành phố qua từng thời kỳ.
– Tầng 2 giới thiệu quy hoạch các ngành kinh tế xã hội, giao thông, tài nguyên môi trường, dịch vụ…
– Tầng 3 giới thiệu quy hoạch các khu đô thị, công nghiệp, các dự án bất động sản.
– Tầng 4 và 5 dành cho các hạng mục khác như hội trường, văn phòng làm việc, thư viện…
Một mặt của dự án là bê tông, hiện đã xuống cấp, rêu bám đen tường – Ảnh: Quang Sung/Dân Việt
Một số người đánh giá rằng, khi quy hoạch của thành phố đang trong tình trạng bát nháo cùng cực, thì trung tâm triển lãm quy hoạch chẳng có gì đáng để mang ra khoe với thiên hạ cả. “Thế nên, việc đầu tư tới 800 tỷ đồng váo đó là một sự phí phạm ghê gớm!”
Tuy nhiên, nó không lãng phí bằng khi các tầng mới xong phần thô, đã bị bỏ không suốt thời gian dài, khiến các bề mặt bên ngoài công trình trở nên cũ kỹ, hoang phế.
Trước đây, công trình này được giao cho Ban Quản lý xây dựng Trung tâm Triển lãm Quy hoạch Thành phố (đơn vị trực thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc) làm chủ đầu tư. Đến Tháng Mười năm 2022, UBND TP.HCM quyết định chuyển đổi chủ đầu tư sang cho Ban Dân dụng và Công nghiệp TP HCM.
Không thấy cán bộ nào bị kỷ luật vì để công trình “phơi sương” từ cuối năm 2017 đến nay. Lý do ngưng thi công cũng rất khó hiểu, đó là “vướng mắc liên quan đến gói thầu XL06 “sản xuất và lắp dựng vách kính, mặt dựng, khung đỡ, vách ngăn, lan can, trần và tấm trang trí kim loại”.
Khu tầng hầm ngập đầy nước, ứ đọng rác, nhất là các tháng mùa mưa – Ảnh: VNExpress
Gói thầu này có trị giá 107 tỷ đồng, và nhà thầu nhận gói thầu XL06 đã nhận tạm ứng 42,8 tỷ đồng tử chủ đầu tư cũ. Đây là hạng mục bao che bên ngoài nên khi dừng thi công dẫn đến các gói khác không thể triển khai. Bế tắc bắt đầu từ đây.
Việc dừng thi công không chỉ làm cho công trình như một phế tích, với những mảng tường bên ngoài bị rêu phủ mốc meo, đen xịt, mà còn làm tăng chi phí lên đến hơn 60 tỷ đồng, và sẽ còn tăng nữa trong thời gian tới.
Bên trong công trình chưa thi công, chỉ có bảo vệ trông coi, thành nơi nghỉ ngơi của công nhân gần đó. Hiện mỗi tầng mới xong hệ thống đường ống trên trần. Tường và cột chưa được sơn trát, dưới sàn đọng nước – Ảnh: VNExpress
Mặt khác, dự án bị dừng thi công nhiều năm nên phát sinh chi phí như: trượt giá, hư hỏng thiết bị, chi phí bảo vệ công trường với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng.
Trong buổi làm việc với Ban Dân dụng và Công nghiệp TP HCM, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND. TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư phải giải quyết những vướng mắc đối với nhà thầu thực hiện gói thầu XL06 để công trình được thi công lại vào Tháng Bảy.
Nhiều vật liệu xây dựng, ống thông gió… bên trong tòa nhà ngổn ngang mấy năm nay, cạnh đó là hệ thống thang máy chưa được hoàn thiện – Ảnh: VNExpress
Cho đến nay, vẫn chưa rõ lý do nhà thầu này “không hợp tác với chủ đầu tư” như lời nhận định của ông Nguyễn Văn Trường, Phó giám đốc Ban Dân dụng và Công nghiệp.
Dư luận thành phố không đồng tình với cách “giải quyết êm đẹp” của lãnh đạo UBND TP.HCM. Nhiều ý kiến đề nghị phải có người chịu trách nhiệm về việc thi công chậm trễ, hao tốn ngân sách, lãng phí thời gian.
Bên ngoài dự án, nhiều cây cỏ mọc um tùm – Ảnh: Quang Sung/Dân Việt
Nhưng có lẽ, sẽ không có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cả. Trách nhiệm đó thuộc về tập thể, mà đã là tập thể thì chỉ chịu trách nhiệm chung chung, chứ không cụ thể. Cái gì cũng thế, “để lâu sẽ hóa… bùn!”
Có một người đề nghị thay đổi công năng công trình này, nhưng bị lãnh đạo thành phố bác bỏ. Điều này có vẻ hợp lý nhưng không thể, vì làm như thế không khác gì lãnh đạo “muối mặt” tự nhận “khôg có tầm nhìn, làm ẩu để rồi phải bỏ”.
Tags: đồng tâm, Tham nhũng, toàn trị, Việt Nam, việt nam