Ông Bùi Văn Cường bất ngờ thôi chức tổng thư ký Quốc hội
BBC News
25/10/2024
Chụp lại hình ảnh, Ông Bùi Văn Cường vừa được miễn nhiệm chức vụ tổng thư ký Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15
Ông Bùi Văn Cường, người vắng mặt bất thường trong thời gian qua, đã bất ngờ bị miễn nhiệm các chức vụ tại Quốc hội, nghỉ hưu sớm. Hiện ông vẫn còn chức ủy viên Trung ương Đảng.
Theo thông cáo của Văn phòng Quốc hội, tại phiên làm việc ngày 25/10 của kỳ họp 8 Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã biểu quyết về việc miễn nhiệm chức vụ tổng thư ký Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Bùi Văn Cường.
“Ông Bùi Văn Cường thôi giữ các chức vụ tổng thư ký Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15; nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân và hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành,” thông cáo của Quốc hội nêu.
Trước khi có thông tin chính thức từ Quốc hội, ông Cường đã vắng bóng một thời gian.
Đặc biệt, vào ngày 20/10, trong cuộc họp báo của tổng thư ký Quốc hội về nội dung dự kiến chương trình làm việc trong kỳ họp thứ 8, người chủ trì sự kiện là Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trong khi đây vốn là công việc của Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Trước đó, vào ngày 19/5, tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 15, ông Cường là người chủ trì cuộc họp và phụ trách trả lời báo chí.
Ngược lại, ngày 20/10 vừa rồi, người trả lời các câu hỏi của báo chí về vấn đề nhân sự lại là bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban Công tác đại biểu – chứ không phải ông Cường. Trong các hình ảnh và video về phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 ngày 21/10, ông Cường cũng không được trông thấy phát biểu hay ngồi trên bục Quốc hội như thường lệ.
Ông Bùi Văn Cường năm nay 59 tuổi – so với các lãnh đạo chủ chốt và cấp cao hiện nay (đa phần đã trên 65), thì ông còn khá trẻ và sự nghiệp vẫn có thể tiếp tục thăng tiến trong tương lai. Do đó, việc ông được thông báo “nghỉ hưu theo nguyện vọng” là điều bất ngờ.
Ông Cường là ủy viên Trung ương Đảng khóa 11 (dự khuyết), 12, 13; đại biểu Quốc hội khóa 13, 14, 15; tổng thư ký, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa 15.
Ông Bùi Văn Cường có bằng tiến sĩ kỹ thuật an toàn hàng hải, kỹ sư điều hành tàu biển, cử nhân Anh văn.
Ông từng kinh qua các chức vụ: phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, phó trưởng ban Dân vận, bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Năm 2019, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và vào tháng 10/2020, ông tái đắc cử giữ chức vụ này cho nhiệm kỳ 2020-2025.
Đến tháng 1/2021, ông được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 và tháng 4 cùng năm, ông được Quốc hội khóa 15 bầu làm ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng thư ký Quốc hội kiêm chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho đến thời điểm miễn nhiệm.
Quốc hội khóa 15 đã có nhiều đại biểu bị cho thôi nhiệm, hiện Quốc hội chỉ còn khoảng 480 người, so với con số đầu khóa là 499 đại biểu.
Từng bị ‘bôi nhọ’
Ở thời điểm trước Đại hội 13 vào năm 2021, ông Bùi Văn Cường bị tố đạo văn luận án tiến sĩ, khi ông đang giữ chức bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Vào khoảng cuối tháng 8/2020, Tạp chí Môi trường và Xã hội đã đăng tải bài viết Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố “đạo” luận án, gian dối học thuật? được cho là của tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP HCM).
Bài viết thuật lại nội dung đơn tố cáo rằng luận án tiến sĩ của Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường có ba chương nghiên cứu lý thuyết đã sao chép khoảng 70% các công trình được xuất bản trước đó nhưng lại không trích dẫn nguồn tài liệu và trích dẫn tài liệu ngụy tạo.
Ông Quý cho rằng đây là gian dối trong học thuật và viện dẫn, theo quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, ông Cường không đủ điều kiện bảo vệ luận án. Tuy nhiên, ông Cường vẫn được cấp bằng tiến sĩ.
Vụ tố đạo văn này đã làm Tiến sĩ Phạm Đình Quý và học trò ông Quý là võ sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn bị bắt.
Ngày 21/9/2020, Công an Đắk Lắk đã bắt võ sư – Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn (sinh năm 1980, là học trò Tiến sĩ Quý), người đứng đơn tố cáo ông Cường đạo văn, khi người này đang trên đường từ nơi cư trú ở huyện Cư Kuin di chuyển xuống Khánh Hòa.
Chiều 30/9, Công an tỉnh Đắk Lắk đã thông báo “bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” đối với ông Phạm Đình Quý về hành vi vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự.
Sau đó, nhiều người đã chỉ ra rằng luận án tiến sĩ của Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường đã bị xóa trên trang web của Viện Đào tạo sau Đại học – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
Thời điểm đó, BBC ghi nhận rằng sau vụ Công an tỉnh Đắk Lắk bắt người khẩn cấp, luận án tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường với nhan đề tài Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt-bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng đã biến mất trên trang web của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Sau đó, luận án này đã xuất hiện lại.
Chụp lại hình ảnh, Tạp chí Môi trường và Xã hội năm 2020 đã bị Cục Báo chí xử phạt vì thông tin sai về bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường
Lúc bấy giờ, báo chí đã trích lời ông Bùi Văn Cường nói rằng có một “chiến dịch truyền thông” bôi nhọ cá nhân ông trước thềm Đại hội Đảng.
Theo ông Cường, chiến dịch bôi nhọ ông làm rất bài bản. Ban đầu, nhóm này làm blog, gửi email để phát tán thông tin bôi nhọ; sau đó thuê “quân xanh” đứng tên trên đơn tố cáo; thuê báo, tạp chí viết bài và cuối cùng thuê KOL (Facebook cá nhân có nhiều người theo dõi) trên mạng xã hội để làm “bão táp tin bẩn” bôi nhọ.
Ngày 19/10/2024, lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk dẫn kết luận của Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương về kết quả giải quyết đơn tố cáo đối với ông Bùi Văn Cường rằng ông Cường “không có hành vi đạo luận án tiến sĩ” sau nhiều tháng xem xét.
Cụ thể, ông “không đạo văn, không vi phạm nghiêm trọng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam năm 2018, không sử dụng văn bằng tiến sĩ không hợp pháp, không vi phạm quy định số 126 ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng.”
Tuy nhiên, việc bắt giữ khẩn cấp Tiến sĩ Phạm Đình Quý và võ sư – Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn thời điểm năm 2020 đã gây nhiều bức xúc trong dư luận với việc các luật sư, nhà báo đặt câu hỏi về hành vi của Công an tỉnh Đắk Lắk. Nhiều người cho rằng thời điểm đó chưa có cơ quan nào khẳng định việc tố cáo không có cơ sở, hoặc tố cáo sai sự thật nên công an bắt người là chưa hợp lý.
Chưa kể, xét trên góc độ pháp luật, tội vu khống là tội ít nghiêm trọng, trong khi việc tạm giam, bắt khẩn cấp chỉ áp dụng đối với bị cáo về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Ngày 2/10/2020, Công an tỉnh Đắk Lắk đã lên tiếng, nói rằng “Hoàng Minh Tuấn và Phạm Đình Quý đều đã khai nhận hành vi bàn bạc, thống nhất, có tổ chức thực hiện tội phạm, cố ý loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.
“Đây là hoạt động có dấu hiệu hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, thông qua bôi nhọ, vu khống lãnh đạo cấp cao của Đảng trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp. Quá trình giải quyết vụ án đã được các cơ quan tố tụng tiến hành công tâm, khách quan, trên quan điểm “thượng tôn pháp luật”.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/crmz24jlnddo