Bản tin: Việt Nam Thời Báo 17/5/2021


VNTB – Luật Quảng cáo để làm gì?

Hiền Lương

(VNTB) – Vì sao ở Việt Nam có đầy đủ các luật để điều chỉnh về hành vi quảng cáo, song tất cả lại bỏ ngỏ?

Báo chí Việt Nam đang có tuyến bài viết ghi nhận việc một số nghệ sĩ đã quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật và đặt dấu hỏi kiểu, “Nghệ sĩ quảng cáo nhãn hàng có chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm?”

Tuyến bài đăng trên báo Thanh Niên, có đoạn viết:

“Nghệ sĩ quảng cáo bát nháo trên mạng xã hội được xem là một vấn nạn. Người tiếp tay cho quảng cáo không đúng sự thật, quá với nội dung được cấp phép phải bị xử lý.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng thực trạng các nhãn hàng sử dụng người có uy tín, tầm ảnh hưởng để quảng cáo cho một số loại thuốc, thực phẩm chức năng… đang ở mức đáng báo động tại Việt Nam”.

“Tình trạng nghệ sĩ nói quá lố, “thổi phồng” công dụng của sản phẩm so với nội dung cho phép quảng cáo là đang vi phạm các quy định trong lĩnh vực quảng cáo. Đồng thời, pháp luật Việt Nam cũng cấm quảng cáo làm người dân hiểu lầm sản phẩm này có tác dụng hơn thuốc. Có trường hợp nghệ sĩ và nhãn hàng tự thỏa thuận kịch bản quảng cáo đăng tải trên mạng xã hội Zalo, Facebook…”, bà Phạm Khánh Phong Lan – bà còn là đại biểu Quốc hội đương nhiệm, nói.

Như vậy, nếu nhìn từ Luật Quảng cáo thì xử lý cái gọi là ‘vấn nạn’ ở trên rất đơn giản vì đó là thẩm quyền của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ghi tại Điều 5.3, Luật Quảng cáo.

Công bằng mà nói, theo luật, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm quản lý chung về nội dung quảng cáo, và việc xét duyệt đối với từng nội dung quảng cáo cụ thể về một số sản phẩm hàng hoá thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành – ví dụ: thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm … do Bộ Y tế quản lý; chất lượng sản phẩm hàng hoá do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý; lực lượng quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về vấn đề hàng giả, hàng nhái,…

Bên cạnh việc bị xử phạt hành chính, hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị xử lý hình sự đối với cá nhân tái phạm. Theo quy định tại Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015, thì, “Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

“Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm” – trích Điều 1, Bộ luật Hình sự 2015.

Đơn giản hơn, khi nghệ sĩ nói quá lố, “thổi phồng” công dụng của sản phẩm theo kịch bản mà bên sản xuất/ buôn bán thuê nghệ sĩ để quảng cáo, thì đã vi phạm điều cấm “Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ” ghi tại khoản 7, Điều 109 của Luật Thương mại, hiệu lực từ 01/01/2006.

“Tôi nghĩ rằng thay vì trách cứ nghệ sĩ, cần thiết hơn khi báo chí đi tìm câu trả lời đến tận cùng trách nhiệm, rằng vì sao ở Việt Nam có đầy đủ các luật để điều chỉnh về hành vi này, song tất cả lại bỏ ngỏ?” – một luật sư ý kiến.

Đọc thêm

VNTB – Giá thép tăng cao có nguyên do từ sự sai lầm của ‘định hướng’?

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Giá thép thời gian qua bất ngờ tăng 40 – 50% được Bộ Xây dựng lý giải, do mất cân đối về cung cầu, nguồn cung thép xây dựng khan hiếm.

Hệ lụy của… Liên Xô tan vỡ?

Trong kịch bản điều hành giá đã tính đến các diễn biến tăng giá vật liệu xây dựng, trong đó có thép. Theo Bộ Tài chính, nếu giả định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng 0,66%, vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.

“Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như giá nhiên liệu, phôi thép, thép phế liệu thế giới có thể diễn biến tăng cao đột biến tác động làm giá trong nước tăng theo; căng thẳng thương mại tại các quốc gia, nhất là Mỹ – Trung Quốc, căng thẳng địa – chính trị tại nhiều vùng lãnh thổ” – Bộ Tài chính lo ngại.

Có ý kiến từ Hiệp hội thép Việt Nam, thì khi Liên Xô tan vỡ phôi thép được các doanh nghiệp ở Cộng hòa liên bang Nga, Ucraina… bán phá giá ra thị trường thế giới với giá rất rẻ, chỉ từ 150 USD – 180 USD/ tấn trong 1 thời gian dài (đến tận năm 2000), và điều này gây ra nhiều khó khăn cho việc sản xuất phôi của các doanh nghiệp Việt Nam.

Giá phôi rẻ, thuế nhập khẩu phôi của Việt Nam lúc đó là 0% vì vậy cứ việc nhập về cán thép rất dễ dàng thoải mái. Trong khi đó để sản xuất phôi thì phải đi từ khai thác quặng sắt, đầu tư xây dựng lò cao đòi hỏi nguồn vốn lớn các doanh nghiệp không có vì vậy không thực hiện được.

Bộ Chính trị thiếu quyết đoán?

Một ý kiến khác cho rằng đây là hệ lụy của việc Bộ Chính trị đã không kiên định khi đã đưa ra các quy định gọi là tầm chiến lược. Cụ thể là ngày 12-4-1995, Bộ Chính trị đã có thông báo số 112/TW nêu ý kiến về chiến lược sản xuất thép đến 2010, với chỉ đạo cụ thể: Tính toán làm rõ bước đi trong điều kiện vốn còn hạn hẹp kết hợp đầu tư chiều sâu nâng cao chất lượng các cơ sở hiện có.

Trước mắt xây dựng vài cơ sở sản xuất thép cán vài chục vạn tấn/năm nhập khẩu phôi để đáp ứng nhu cầu thép hiện tại. Nhưng phải chuẩn bị tốt  cho sản xuất thép liên hiệp đi từ quặng sắt để phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Không khai thác quặng sắt thì không phát triển được thượng nguồn và đương nhiên sẽ không có phôi. Bên cạnh đó còn một số ý kiến cho rằng Việt Nam không có đủ tài nguyên quặng sắt để phát triển sản xuất thép. Muốn phát triển thì phải nhập quặng mà nhập quặng, thì khác gì nhập phôi, vì vậy chỉ quan tâm đến phát triển hạ nguồn, tức là đầu tư các nhà máy cán thép và nhập phôi về cán, vừa đầu tư ít lại vừa được ăn ngay.

Thời điểm đó, Bộ Chính trị chủ trương xây dựng liên hiệp sản xuất thép dựa trên việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Cái lý của Bộ Chính trị là về lý thuyết thì mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, lớn nhất Đông Nam Á; quy mô diện tích khai thác lộ thiên được tính toán lên tới 4.821ha, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 14.500 tỉ đồng, thời gian khai thác 52 năm.

Việc khai thác ảnh hưởng đến cuộc sống của 5.928 hộ dân, sẽ phải di dời khoảng 4.000 hộ dân.

Dừng sẽ hiệu quả hơn!

Đến đầu tháng 04-2021, ông Hoàng Trung Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, cho hay sau hơn 1 thập kỷ triển khai, đến nay chỉ mới di dời được 113 hộ dân và giải phóng mặt bằng hơn 830 ha diện tích. Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê “đắp chiếu” nhiều năm nay, đã ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, đời sống của người dân trong vùng dự án.

“Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có văn bản gửi Bộ Chính trị; Ban Bí thư và các Bộ, ngành. Về cơ bản, các Bộ, ngành của Trung ương đều đồng tình với đề xuất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Điều quan trọng là nhân dân Hà Tĩnh nhận thức được rằng, khai thác mỏ trong điều kiện hiện nay khi khoa học công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, mỏ sắt Thạch Khê nằm quá gần bờ biển, việc dừng khai thác cũng là một giải pháp rất tốt trong điều kiện hiện nay. Dự án sẽ được giữ nguyên hiện trạng, khi nào đó đủ điều kiện về kinh tế, đủ điều kiện về yếu tố khoa học kỹ thuật sẽ triển khai cũng chưa muộn”, ông Dũng nêu rõ.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, điều khiến Hà Tĩnh băn khoăn là dự án này đã triển khai 11 năm và rõ ràng Nhà nước cũng như một số cá nhân, doanh nghiệp đã có những đầu tư nhất định vào dự án. Nhưng việc dừng dự án trong thời điểm hiện nay hoặc tiếp tục khai thác, sau khi cân nhắc ý kiến nhiều chiều việc chọn phương án dừng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Có phải vì Trung Quốc đang bắt chẹt Việt Nam?

Lượng phôi thép sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% thị phần, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu phôi để điều chỉnh tăng giá, điều này khiến các nước nhập khẩu trong đó có Việt Nam bị động về nguyên liệu.

“Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6 – 6,5 triệu tấn cho các lò điện”, Hiệp hội Thép Việt Nam nhấn mạnh.

Trước mắt, chỉ số lạm phát khó giữ dưới 4% trong năm nay nếu cứ để giá thép tăng cao.

Đọc thêm

VNTB – Nhận kẻ thù làm ân nhân (*)

Nguyễn Văn Tư

(VNTB) – Ông ta lúc nào cũng so sánh, đánh giá bất cứ thứ gì qua giá trị bằng tiền. Hình như ông ta sống vì tiền. 

Hôm nay tôi nói chuyện với một người trạc 60, sanh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản. Tôi ngán đến tận mang tai khi nghe ông ta lúc nào cũng so sánh, đánh giá bất cứ thứ gì qua giá trị bằng tiền. Hình như ông ta sống vì tiền. “Nhà này của ông phải chừng 3 tỷ”. “Con xe này chừng  một tỷ”.

 Ngồi trong nhà tôi, nhìn quanh, ông ta bảo:

– Nhà ông thế này so với những người trong chế độ bây giờ, cùng cấp bực với ông thời ông còn trong chế độ ngụy, thì xoàng quá.

 Ông ta hỏi tôi sao các căn biệt thự trong khu tôi hầu hết chủ là cán bộ. Tôi chỉ ông nhà một nữ họa sĩ vừa mất bên Mỹ, Họa sĩ Bé Ký cách nhà tôi mấy căn:

– Bà Bé Ký trước ở nhà này. Ông ta có vẻ ngạc nhiên, nói:

– Tôi tưởng bà ta nghèo lắm, sao ở cái nhà to thế.

Tôi kể về chuyện bà hàng xóm dễ thương của chúng tôi. Từ ngày còn bé, bà vẽ tranh chì bán dạo trên đường Catina, vẽ đẹp, đơn giản nhưng rất có hồn, nhìn sơ qua là bị cuốn vào tranh của bà. Bà dần được nhiều người biết đến. Hồi còn trẻ  tôi biết bà qua tờ Thế Giới Tự Do, một tờ báo ảnh của chính phủ VNCH được Mỹ tài trợ. Sau bà kết hôn với họa sĩ Hồ Thành Đức. Bà dọn đến khu phố chúng tôi hồi nào ít người để ý, dần chúng tôi trở thành bạn hữu láng giềng.

 Sau 1975, bà con trong xóm kể lại bà cho một gia đình cán bộ từ Bắc vào ở nhờ, hai vợ chồng họ làm ở phường đội. Bà bảo có người cán bộ ở trong nhà đỡ bị phường khóm và lũ cách mạng 30 tháng Tư quấy phá. Ai ngờ chính kẻ bà cho ở nhờ lật lọng, o ép gia đình bà để chiếm nhà.

Tôi chỉ cho ông ta vài căn biệt thự kế bên cũng trong tình trạng gần giống như vậy, cho cán bộ ngoài bắc vào ở nhờ rồi mất nhà. Ông ta hộc lên cười.

 –  “ Được làm vua, thua làm giặc”.

Tôi tức mình bảo:

– Vua cái gì, bọn ăn cướp thì có.

Ông ta cũng có vẻ khó chịu, vặc lại:

– Ăn cướp là thế nào.  Họ thắng, họ là vua, các anh là ngụy quân, ngụy quyền, tha chết cho là may.

 Tôi giận điên, nhưng kềm chế được, chỉ lớn tiếng hơn:

– Tụi ăn cướp, chế độ ăn cướp thì có!

Ấy thế mà ông ta nổi giận với tôi, đứng lên sấn sổ:

– Thế anh bảo tôi ăn cướp à.

Tôi kéo tay ông ngồi xuống:

– Ông không phải là chế độ, ông không phải kẻ cướp, mà thưa ông, ông là nạn nhân của kẻ cướp.

Ông ta hất tay tôi ra, hầm hầm:

– Tôi mà là nạn nhân của của chế độ, nạn nhân của  kẻ cướp?

Tôi kéo ông ta ngồi xuống, rót thêm ly trà:

-Ông ngồi xuống đây uống thêm ly nước, tôi muốn thưa với ông.

Ông ta ngồi xuống, ôm chặt cái nón cối vào bụng.

– Thưa ông, tôi thủng thẳng nói, tôi muốn ông nhớ lại quá khứ gia đình ông một chút. Ông nội ông thuộc thành phần địa chủ, năm 1954, trốn được xuống Hải Phòng kịp theo chuyến tàu chót vào Nam, nếu không thì đã chết trong đấu tố. Bố ông ở lại, thay ông nội ông coi sóc đất đai, và nhà máy của ông nội ông. Ít lâu sau, nhà máy của ông nội giao cho bố ông quản lý bị vào công tư hợp doanh, Bố ông bị chuyển xuống làm lao công cho nhà máy. Vài tháng sau, Bố ông bị lôi về quê đấu tố, bị ngay những người trong họ hàng nhà ông, những người may mắn được ông nội ông cứu sống qua nạn đói 1945, đấu tố. Bố ông bị lũ người vô ơn, được đội cải cách ruộng đất, mà kẻ đứng đầu là anh họ của ông dậy bảo, tố bố ông hiếp dâm, tay sai Quốc Dân Đảng, cường hào ác bá và bị kết án tử hình, bị cùm tay cùm chân bỏ đói trong chuồng trâu bò. Chị ông lúc đó 12, 13 tuổi, mỗi tối, mò mẫm trong đêm tối, ngã lên ngã xuống qua các bờ ruộng, có lần ngã ngất nằm mãi trong ruộng lúa nước, may có người cứu, lén mang cơm cho bố.  Đến chuồng trâu họ nhốt bố ông, chảy nước mắt xin những kẻ canh gác bố ông cho Bố nắm cơm, bị chúng nó hiếp, bắt nín không được khóc mới cho đưa cho bố ông vài nắm cơm nát nhèm nhẹp nước ruộng. Mỗi lần đưa cơm cho Bố mỗi lần bị hiếp. May mà có thay đổi, bố ông được giảm xuống 20 năm, rồi được “khoan hồng” tha về…

Tôi vừa nói đến đó, ông ta vỗ đùi khoan khoái:

– Thì đấy, chính sách khoan hồng của đảng, nhà nước ta thế đấy, nếu không bố tôi chết đã lâu.

Tôi nghẹn họng, nhưng cố nói tiếp:

– Bố ông được tha về, của cải, nhà cửa, nhà máy, ruộng đất bị mất hết, ông có nhớ cả nhà ông phải đi làm thuê, làm mướn, các anh chị em ông phải xách từng ấm nước vối đi bán ngoài chợ. Đứa chị gái của ông mẹ ông sinh ra sau khi bố ông được tha về, đặt tên là Khoan Hồng, chết vì mẹ ông không có sữa, chẳng có nước cơm cho nó bú.

Ông ta thở dài sườn sượt:

– Ối dào, nói làm gì, thời đó đất nước còn nghèo, ai chẳng vậy. Bây giờ thì, đấy ông thấy, ai chẳng có cơm ăn áo mặc như bác Hồ nói, ai phải gánh nước mướn. Ối giời, nghe trong Nam bảo giầu lắm, thế mà cũng đầy ăn mày.

Tôi cố kiên nhẫn tiếp:

-Còn anh em nhà ông là nạn nhân của chế độ, ông biết không. Các anh chị em ông bị đuổi khỏi trường học, trong khi họ là những học sinh rất giỏi. Tôi nghe mấy chị của ông, trước khi bị cho nghỉ học vì là con cháu địa chủ phản động, đều là học sinh giỏi nhất trường, lớp. Còn ông, đấy, chính ông, ông cũng chỉ được học đến lớp ba.

Ông ta cười hả hê:

– Tôi chỉ được học đến lớp 3, nhưng ông thấy tôi có thua kém ai, cũng nhà lầu, cũng xe hơi. Thua ai? Tôi chẳng cần học cao, thiếu gì thằng học cao hơn tôi mà nghèo hơn tôi. Muốn có bằng cao, tiến sĩ hả, Vài chục triệu vứt ra là có ngay. Thiếu gì thằng như tôi xài bằng giả. Xã hội bây giờ thay đổi rồi. Đổi thay nhiều chứ. Trong Nam các ông trước 75 bảo giầu có hơn miền Bắc. Phồn vinh giả tạo! Không có quân Mỹ đổ tiền vào thì cứ gọi là chết đói. Miền bắc có ai chết đói đâu, chế độ tem phiếu có để ai chết đói đâu. Thằng nghèo mà giải phóng thằng giầu là tài giỏi hơn. Không có đảng thì bây giờ các ông chỉ là nô lệ của Mỹ. Thôi các ông đừng trách móc chế độ mà phải biết ơn chế độ.

 Ông ta vỗ vai tôi, vẻ bề trên:

– Thôi cho qua, Chuyện ông bà tôi, bố mẹ tôi thế nào thì cũng chỉ là quá trình tiến hóa lên xã hội chủ nghĩa nó phải vậy. Không vậy làm sao chiến thắng giải phóng miền Nam. Tôi giờ không là đảng viên nhưng vai vế thua gì đảng viên. Các con tôi cũng vậy, gia đình 3 đời lý lịch xấu, không vào đảng được, mà cũng chẳng cần vào đảng. Vào đảng thì chắc tốt hơn nhiều vì cơ hội tiến hơn, nhưng thôi, thiếu gì thằng đảng viên núp dưới quần tụi tôi làm giầu. Đời có qua có lại, thằng có thế, thằng có tiền, giúp nhau mà tiến. Anh em kết nghĩa của tôi mấy thằng là đảng viên to đấy. Này tôi bảo thật, tôi rất biết ơn đảng, ơn chính phủ. Không có đảng này, chế độ này, chúng mình sao được thế này.

Tôi rùng mình ghê tởm khi nghe ông góp tôi vào cái đám “chúng mình” của ông.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Đọc thêm

VNTB – Thiên hạ luận: hủ hóa

Thới Bình

(VNTB) – Đồng chí Bùi Trường Giang – Phó Ban Tuyên giáo Trung ương mới đây đã bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật bằng hình thức “khiển trách” vì tội ngủ với vợ một đồng chí khác.

Giang trưởng thành từ phong trào đoàn.

Oái oăm ở đây là từ hồi đồng chí Giang nhận chức phó Tuyên giáo, đồng chí thường được mời “phát biểu chỉ đạo” ở các hội nghị gọi là, về nghiên cứu triển khai học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Rồi đây người ta sẽ chép miệng, “ông Thiệu lại đúng…”.

Trở ngược thời gian mấy mươi năm trước, đồng chí Bùi Trường Giang ắt hẳn sẽ bị đấu tố về tội hủ hóa.

Hủ hóa là từ rất đặc trưng của thời bao cấp, dành để chỉ quan hệ nam nữ ‘không chính đáng’. Bây giờ chúng ta thường nghĩ, chỉ có ngủ với vợ/ chồng người khác, hay làm “chuyện ấy” với hình thức mua – bán dâm, mới là không chính đáng. Còn thời đó, dù có yêu nhau và tự nguyện hiến dâng, dù cả hai là trai chưa vợ gái chưa chồng mà dám “trao thân” thì cũng là hủ hóa, và hủ hóa là một tội lớn.

“Đến yêu nhau còn phải báo cáo tổ chức nữa là… Mà báo cáo nghĩa là tổ chức cho phép anh chị tìm hiểu nhau để tiến tới hôn nhân. Chừng nào chưa cưới mà dám làm chuyện trên bộc trong dâu thì đó là sa đọa về đạo đức, tội rất nặng”, một nhà báo chuyên trách mảng pháp đình, nói.

“Tôi đã mấy lần tham dự cuộc họp xử lý cán bộ hủ hóa. Kiểm điểm lên kiểm điểm xuống, hết bị ‘đấu tố’ thì nhận ‘án’ hạ lương, đợt tăng lương sau cũng không được xét. Ai có tí chức tước thì không mất chức cũng hạ bậc, ai đảng viên thì bị khai trừ, nói chung là thân bại danh liệt. Bị kỷ luật về các tội khác còn đỡ chứ tội đó thì chả dám ngẩng mặt lên nhìn ai, nhục nhã lắm.

Gần nhà tôi có một ông, trước làm phó giám đốc một công ty quan trọng lắm. Ông này được cho là có tài và năng nổ. Ai cũng bảo khi giám đốc thăng chức chuyển đi thì thể nào ông cũng được thế vào đấy. Nhưng khi cái ghế đó sắp lọt vào tay thì ông bị bắt quả tang hủ hóa với một nhân viên. Thế là ông ấy bị điều đi nơi khác ngay, làm phó phòng quèn” – một đồng chí cán bộ hưu trí, cùng trang lứa với đồng chí “ngậm ngùi tuổi Thân”, kể.

Theo đó, trước mỗi đợt bình xét hay sắp đến kỳ thăng cấp, bổ nhiệm, rất hay có các nhân vật tiềm năng bị tố cáo tội hủ hóa.

Của đáng tội, con người của bây giờ, của mấy chục hay mấy nghìn năm trước thì vẫn vậy, đều có nhu cầu tình dục, đều đầy kẻ ham của lạ và có máu ngoại tình, và luôn có kẻ sẵn sàng làm liều, hoặc nghĩ mình có đủ khôn khéo và quyền lực để che mắt thế gian.

Thế nên dù có khắt khe đến đâu, các vụ hủ hóa vẫn tồn tại và bị phát hiện. Thậm chí nếu không có, nhiều khi người ta cũng cố làm cho thành có.

Trở lại với đồng chí Bùi Trường Giang – Phó Ban Tuyên giáo Trung ương.

Đồng chí này có lẽ ỷ ghế Phó Ban Tuyên giáo Trung ương nên đã ‘tòm tem’ với một nữ đồng chí nguyên là Tổng biên tập một tờ báo điện tử của Hội Xuất bản Việt Nam. Phu quân của nữ đồng chí này cũng chức vụ kha khá ở tờ Nhân Dân – Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trước Đại hội XIII, nghe đâu ‘bề trên’ dự tính cơ cấu đồng chí Bùi Trường Giang thay đồng chí Nguyễn Thế Kỷ (sinh năm 1960) làm Tổng Giám đốc VOV, tức Đài Tiếng nói Việt Nam. Thế nhưng rồi không rõ vì sao lại xì ra tin tức lẹo tẹo “ngoài chồng – ngoài vợ” của đồng chí Bùi Trường Giang, để rồi đồng chí rớt ‘trung ủy’, và giờ thì được Đảng ‘bật đèn xanh’ để báo chí đưa tin với hình ảnh ‘như phạm’.

Có ý kiến vậy thì nếu thiệt tình xảy ra chuyện ‘tình dục ngoài luồng’, sao không xem xét trách nhiệm hình sự theo Luật Hôn nhân và Gia đình về dấu hiệu vi phạm ‘một vợ, một chồng’?

Bởi mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mắc chi mà đảng viên phải chịu ức khi ‘tòa không tuyên’, mà Đảng lại tuyên án ‘khiển trách’ kia chứ…

Đọc thêm

VNTB – Thủ Thiêm và Luật Đất đai

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Nhân danh quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, các ‘Nhà nước đại diện chủ sở hữu’ đã đẩy họ ra đường, trở thành những người vô gia cư

Trong bối cảnh của một nền kinh tế đầy những khó khăn, thách thức do tác động từ đại dịch lịch sử Covid-19, dường như đã đến lúc không thể chậm trễ hơn – cần bàn sâu rõ đến câu chuyện sửa đổi Luật Đất đai.

Bắt tay vào tháo gỡ để thẳng tay chặn đứng những kẽ hở tạo nên tham nhũng, tiêu cực, tạo động lực thúc đẩy và vực dậy nền kinh tế nước nhà.

Lý thuyết là vậy.

Chiều 15-5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham gia hội nghị tiếp xúc trực tuyến giữa cử tri với ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị bầu cử số 10 tại huyện Hóc Môn, TP.HCM. Tại buổi tạm gọi là ‘tranh thủ lá phiếu cử tri’, ông Nguyễn Xuân Phúc có nói rằng, “Nhà ở dành cho công nhân đang khó khăn còn quá ít trong khi nhà ở thương mại cho người giàu có thì nhiều quá. Chúng ta phải điều chỉnh cơ chế để dành nhiều nguồn lực làm nhà ở cho công nhân”.

Để điều chỉnh thì phải căn cứ theo pháp luật về đất đai. Và nếu nhận định rằng quy định của Luật Đất đai 2013 hoàn chỉnh không tạo ra kẽ hở khiến người ta trục lợi, thì đó là sự lạc quan tếu. Luật Đất đai 2013 dường như chưa xác lập được cơ chế để kiểm soát quyền đại diện, tức là kiểm soát những cơ quan có thẩm quyền trong việc giao đất, thu hồi đất.

Thứ nữa là chế tài trong Luật Đất đai quy định rất chung chung, ví như sai phạm nặng hay nhẹ để xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vấn đề là hiểu thế nào là nặng hay nhẹ thì nằm ở chỗ cơ quan thực thi pháp luật.

Giờ thì ông Nguyễn Xuân Phúc ngồi vào ghế Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương.

Liệu có lần nào ông Nguyễn Xuân Phúc từ hồi còn làm cấp phó cho ông Nguyễn Tấn Dũng, sau đó là Thủ tướng, và hồi đầu tháng tư vừa rồi ông chuyển qua làm Chủ tịch nước, ông có từng băn khoăn bi kịch đất đai Thủ Thiêm kéo dài ròng rã hơn 20 năm qua?

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một siêu dự án có gần 15.000 hộ dân thuộc diện đền bù, giải tỏa với hơn 60.000 nhân khẩu đã di dời.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố năm 2018, sai phạm tại Thủ Thiêm chủ yếu về điều chỉnh ranh quy hoạch và bố trí đất tái định cư xảy ra trong giai đoạn đầu thực hiện. Đây chính là “nguồn cơn” của việc khiếu nại, tố cáo kéo dài hơn chục năm qua.

Thanh Tra chính phủ đã kiến nghị UBND TP.HCM xác định rõ, cụ thể trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm khi thực hiện dự án khu đô thị này.

Điều 4 của Luật Đất đai, ghi: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”.

Vậy thì rất đơn giản, bao nhiêu năm quy hoạch, quả bóng trách nhiệm, nhùng nhằng không giải quyết nhanh gọn ngày này qua tháng khác, bao nhiêu người đã không đợi được, ra đi trong uất hận ở Thủ Thiêm, khi đền bù cho dân 18 triệu đồng/m2, nhưng khi người dân gọi đến công ty nhà đất, hỏi mua nhà gần nơi cũ, thì được thông báo giá đất lên 350 triệu/m2…

Tất cả điều ở trên có rất rõ một địa chỉ chịu mọi trách nhiệm, đó là “Nhà nước”; cụ thể hơn thì đó là “Nhà nước xã hội chủ nghĩa”, và chịu trách nhiệm cao nhất trong “lãnh đạo Nhà nước” theo Điều 4, Hiến pháp, đó là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nếu đã đồng ý rằng không khó để nhận thấy sự lạm dụng để trục lợi lớn của các doanh nghiệp thân hữu, cánh hẩu, đối lập với sự thiệt thòi lớn của người dân mất đất, trong toàn bộ quá trình thu hồi đất ở Thủ Thiêm và nhiều nơi khác nữa, vậy thì vì sao không thay đổi định nghĩa về quyền sở hữu tài sản đất đai của người dân?.

Vì “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, nên còn gì đau lòng và chua xót hơn khi họ từng là những cư dân thành thị, có nhà cửa như bao người khác – Nhưng rồi nhân danh quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, các ‘Nhà nước đại diện chủ sở hữu’ đã đẩy họ ra đường, trở thành những người vô gia cư. Số đông tứ tán mọi phương, số ít bám trụ và ‘ở trọ’ ngay trên chính ngôi nhà của mình, số khác tạm cư trong những ngôi nhà xập xệ.

Đọc thêm

RFA – Vụ kiện Formosa ở Đài Loan: Các nạn nhân quyết tâm đòi lại công lý

Vụ kiện công ty Formosa ra toà án ở Đài Loan của gần 8.000 nạn nhân đã có một bước tiến mới. Đó là cấp toà Thượng Thẩm ở Đài Loan hôm 9/4 đã ra một phán quyết có lợi cho những người khởi kiện Formosa. Bà Nancy Bùi, Phó Chủ tịch của Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa (JFFV), cho biết đây là tin vui, nhưng con đường đấu tranh giành quyền lợi cho những nạn nhân Formosa vẫn còn dài và nhiều khó khăn phía trước. Hội JFFV cam kết sẽ đồng hành cho đến khi nào những người dân chịu thiệt hại đòi được công lý – như chính cái tên gọi của Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa.

Phán quyết mới nhất

Hôm 9/4 vừa qua, Tòa Thượng Thẩm (High Court) ở Đài Loan đã ra phán quyết rằng hành vi xả thải trái phép của bị đơn là Công ty Cổ phần Thép Formosa Hà Tĩnh đã xâm phạm quyền làm việc, quyền sức khỏe của người khởi kiện, và quyền sống trong một gia đình của nguyên đơn. Phán quyết này dựa theo báo cáo do Chính phủ Việt Nam công bố năm 2016, xác định công ty Formosa đã xả nước thải có chứa chất độc hại, như phenol và xyanua ra biển. 

Phán quyết nêu tên của 13 công ty bị đơn sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới và bồi thường cho các nguyên đơn. Các bị đơn sẽ phải ngay lập tức ngừng các hoạt động gây ô nhiễm, áp dụng các biện pháp cần thiết để loại bỏ ô nhiễm và áp dụng các biện pháp khắc phục để sửa chữa và cải thiện môi trường.

Phán quyết cũng đã giải thích rằng bản án trước đây của tòa là không đúng khi đưa ra phán quyết rằng các nguyên đơn phải về nơi cư trú (trong trường hợp này là trở về Việt Nam để khiếu kiện). Quy chế quản lý của Đài Loan, Đạo luật điều chỉnh việc lựa chọn luật trong các vấn đề dân sự có yếu tố nước ngoài, không quy định rõ ràng về cách phân bổ thẩm quyền xét xử vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Theo bà Nancy Bùi, dù phán quyết mới nhất của Toà Thượng Thẩm là có lợi cho các nạn nhân, bản án này chưa giải quyết thoả đáng các vấn đề bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, cũng như yêu cầu Formosa phải xử lý ô nhiễm môi trường. Vậy nên, Hội JFFV tiếp tục kháng án vào ngày 19/4 vừa qua:

Nhìn chung, đây là một thắng lợi cho 7.875 nguyên đơn vì tòa án Đài Loan đã công nhận quyền tố tụng của các nạn nhân của thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam tại Đài Loan. Tuy nhiên, thắng lợi này chưa thỏa đáng vì tổng số 18 công ty và bốn Tổng Giám đốc tức là 24 bị đơn, tòa mới chỉ phán quyết 13 đơn phải chịu trách nhiệm, còn 11 bị đơn khác thì không. 

Một vấn đề khác nữa là những phán quyết của tòa về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân và cải tạo môi trường chưa rõ ràng và thỏa đáng. Do đó, các Luật sư của nguyên đơn đã có cuộc họp với nhóm năm tổ hợp luật sư bao gồm hai tổ hợp tại Đài Loan, hai tổ hợp tại Hoa Kỳ và một tổ hợp tại Canada và đưa ra quyết định kháng án.”

Hồi tháng 4/2016, công ty thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh – một công ty con của tập đoàn Nhựa Formosa ở Đài Loan đã gây ra thảm họa môi trường cho bốn tỉnh miền Trung Việt Nam là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.

Hàng trăm người ở tỉnh Nghệ An, tỉnh không có tên trong danh sách bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Formosa, đã nhiều lần đến Tòa án Vũng Áng, Hà Tĩnh để nộp đơn kiện công ty này do không được nhận đền bù thỏa đáng nhưng bị chính quyền ngăn chặn và nhiều người bị công an, côn đồ đánh đập.

Vào tháng 6/2019, Hội JFFV thay mặt cho 7.875 nạn nhân tại Việt Nam nộp đơn kiện Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh lên Tòa án Đài Bắc, Đài Loan.

Vàotháng 3/2020, Tòa Thượng thẩm Đài Loan ra phán quyết bác bỏ vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam, và cho rằng tòa án nước này không có thẩm quyền xét xử và đề nghị chuyển vụ kiện về Việt Nam. Hội JFFV quyết định kháng án.

Đến ngày 18/11/2020, Tối cao Pháp viện Đài Loan ra một bản án dài 3 trang, huỷ bỏ bản án liên quan đến vụ kiện công ty Formosa gây ô nhiễm môi trường biển Việt Nam của Tòa Thượng thẩm và yêu cầu cấp tòa này phải đưa ra phán quyết mới. 

Còn nhiều khó khăn nhưng sẽ đi đến cùng

Ngày 6/4/2021 là đúng năm năm kể từ khi thảm họa này xảy ra. Bà Nancy nói, tính đến nay, hội JFFV đã hoạt động trên bốn năm. Hơn hai năm đầu hội hoạt động trong âm thầm để điều tra tới ngọn nguồn của vụ án rồi lập hồ sơ. Vụ án được chính thức đưa ra tòa gần hai năm nay.

Khó khăn nhất của vụ kiện vẫn là thiếu sự cộng tác của nhà nước Cộng sản Việt Nam. Tại các quốc gia khác, khi Formosa vi phạm luật môi trường thì nhà nước giúp đỡ, tạo mọi điều kiện giúp người dân trong vấn đề điều tra, tìm hiểu nguyên và trừng phạt người gây ra tai họa bằng luật hình sự hoặc phạt hành chánh. – Bà Nancy Bùi

Đây là một quãng thời gian khá dài và chắc chắn sẽ kéo dài ít nhất là vài năm nữa. Vì tính chất phức tạp của vụ án này có liên quan đến luật pháp của ba quốc gia là Việt Nam – Đài Loan – Hoa Kỳ, và cả Luật môi trường và Nhân quyền Quốc tế. Số nguyên đơn cũng gần 8.000 người và bị đơn là 24 người. Cho nên, JFFV đã tiên liệu trước rằng cuộc đấu tranh này rất khó khăn. Nó đòi hỏi nhiều thời gian và lòng kiên trì:

Khó khăn nhất của vụ kiện vẫn là thiếu sự cộng tác của nhà nước Cộng sản Việt Nam. Tại các quốc gia khác, khi Formosa vi phạm luật môi trường thì nhà nước giúp đỡ, tạo mọi điều kiện giúp người dân trong vấn đề điều tra, tìm hiểu nguyên và trừng phạt người gây ra tai họa bằng luật hình sự hoặc phạt hành chánh.

Trong khi Nhà nước Việt Nam thì đứng về phía công ty là thủ phạn gây nên cảnh tang thương cho môi trường, lao đao khốn khổ cho người dân, bắt bớ, bỏ tù cho bất cứ ai dám đứng lên đòi công lý cho nạn nhân. Họ ngăn cản, săn đuổi, dùng độc kế để ngăn chặn bằng mọi cách.

May mắn Hội là một tập hợp của người Việt tự do của hơn 10 quốc gia trên thế giới, đã vì tình thương và nghe tiếng kêu cứu của người dân miền trung mà đứng lên giúp đỡ. Cũng như tên gọi của Hội – Công Lý cho Nạn Nhân Formosa – được lập nên để giúp các nạn nhân của thảm họa môi trường và Hội sẽ không ngừng làm việc cho đến khi các nạn nhân tìm được công lý.”

Chính quyền bảo ô nhiễm đã được khắc phục, dân nói chưa

Tháng 12/2020, báo chí Nhà nước đưa tin Tổng cục Môi trường Việt Nam ra quyết định ngừng giám sát đặc biệt đối với Formosa Hà Tĩnh, sau khi kết quả kiểm định tính đến trung tuần tháng 12/2020 cho thấy tất cả 53/53 lỗi vi phạm của công ty này đã được khắc phục.

Đây là 53 lỗi vi phạm do Ban Thanh tra Liên nghành, Bộ Tài Nguyên – Môi Trường, đề ra để liên tục quan trắc Nhà máy Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa ở Hà Tĩnh, công ty từng xả thải trực tiếp ra môi trường khiến nguồn nước biển 4 tỉnh miền Trung bị ô nhiễm làm hải sản chết hàng loạt hồi năm 2016.

Tuy nhiên, các kết quả kiểm định như thế nào, mọi dữ liệu quan trắc tự động của Formosa vẫn chưa được công bố, minh bạch với công chúng.

Một người dân sống ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh là nơi đầu tiên phát hiện ra hiện tượng cá chết hàng loạt hồi năm 2016 trả lời phỏng vấn RFA nhưng yêu cầu giấu danh tính vì lý do an toàn. Ông cho biết, hằng ngày, Formosa vẫn xả khói bụi, xỉ than ra môi trường. Còn về chất lượng nước biển và các loại hải sản thì ông không biết đã an toàn hay chưa, vì Chính quyền không công bố bất kỳ báo cáo nào liên quan đến Formosa xả thải:

Bây giờ, chúng tôi vẫn không biết những loại hải sản mà chúng tôi đánh bắt được có bị nhiễm độc hay không. Không ai có thể khẳng định nước biển đã an toàn hay chưa.

Nhưng mà theo tôi thấy trong những năm qua thì bệnh tật mà do môi trường ô nhiễm gây ra càng ngày càng tăng cao. Số bị bệnh ung thư đáng báo động trên toàn thị xã.”

Theo Bà Nancy Bùi, hậu quả mà thảm hoạ Formosa để lại không chỉ là biển nhiễm độc, cá chết, người dân mất việc, mà nó còn kéo theo nhiều hệ luỵ khác. Bà nói sau năm năm, vẫn còn một số đông nạn nhân chưa nhận được đề bù, hoặc số tiền không tương xứng với những gì họ đã mất. Số người mắc bệnh ung thư hay liên quan đến ô nhiễm môi trường ngày càng cao. Nhiều gia đình sống trong cảnh chia cắt vì bố mẹ phải bỏ xứ đi làm ăn xa.  

Chính vì vậy mà người đại diện của JFFV khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức tranh đấu cho môi trường và nhân quyền để nói lên tiếng nói cho các nạn nhân và tìm được sự đồng cảm của người dân Đài Loan rằng cực chẳng đã các nạn nhân này mới phải sang tận đài Loan để tìm công lý. Vì dưới chế độ hà khắc và độc tài Việt Nam, họ không thể tìm được công lý ngay trên quê hương của mình.   

Đọc thêm

VNTB – Thất lạc lương tâm

Nguyễn Hồng Lam

(VNTB)  – Vì bộ áo quyền hành trên người và mặt nạ lý tưởng trên mặt chúng vẫn chưa rơi, chưa bị triệt để bóc trần.

Trụ sở cơ quan tôi vốn là một biệt thự cổ, nằm ở vị trí rất đẹp ngay giữa Trung tâm TP Hồ Chí Minh, đoạn giáp giữa Quận 3 và Quận 1. Bất ngờ, vào mùa hè năm 2003, cơ quan nhận được một thông báo gửi đi từ Văn khố quốc gia Cộng Hòa Pháp nằm ở Paris. Thông báo cho biết tòa nhà mà cơ quan chúng tôi đang sử dụng được xây từ năm 1903, khi ông Ngô Đình Diệm chỉ mới 2 tuổi. Sau trăm năm, từ Pháp, đơn vị xây dựng cho biết tòa nhà đã hết hạn bảo hành, bảo dưỡng. Từ đây, mọi biến động, thay đổi đối với tòa nhà, họ hết trách nhiệm. Họ tha thiết đề nghị những người thế hệ sau sở hữu và sử dụng nó phải hết sức cẩn thận, gìn giữ, hết sức thận trọng và tôn trọng khi phải sữa chữa hay thay đổi. Phòng khi kẻ hậu sinh da vàng, mũi tẹt, ngón chân Giao Chỉ tiếp nhận gặp “bối rối”, họ gửi kèm theo đầy đủ một bản sao hồ sơ khảo sát – thiết kế – xây dựng… của tòa nhà, trang nào cũng có công chứng đầy đủ!

Nhắc lại chuyện này, tôi không định ca ngợi sự cẩn trọng, chu đáo và thiện lương đầy trách nhiệm của bọn thực dân đế quốc, những kẻ chuyên đi xâm chiếm thuộc địa và vơ vét tài sản, bóc lột nhân dân. Tôi chỉ muốn khẳng định rằng: trên đời này chẳng có cái quái gì tự nhiên biến mất cả. Qua không biết bao nhiêu biến cố vĩ đại với các kiểu thắng lợi rực rỡ, với hai cuộc chiến tranh thế giới, hai lần chiến tranh Đông Dương và đánh bại hai đế quốc to, hồ sơ xây dựng tòa nhà cơ quan tôi vẫn còn nguyên không thiếu một trang thì chắc chắn tôi không thể tin trên đời lại có gì có thể thất lạc, mất tích chỉ vì một đôi lần “cơ quan dời trụ sở”.

Vậy mà có đấy. Gần 11 năm trước, tờ Tuổi Trẻ và hàng loạt báo khác, rất nhẹ dạ và hấp tấp, đã kêu ầm lên: “Vì sao 160 ha tái định cư của khu Thủ Thiêm biến mất?” (TTO 09/11/2007 20:08 GMT+7). Rồi bây giờ, 2018, khi các cá nhân quan chức có trách nhiệm trong vụ mất đất trước sắp thành củi đốt lò, thành phố văn minh nghĩa tình lại nóng rực lên trước thông tin mọi Bản đồ 1/5000 quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1996 cũng bỗng dưng đồng loạt biến mất. Lý lẽ của ai đó rằng “chỉ là không tìm thấy chứ không phải là mất hay không có” nghe ra không đáng tin. Bởi lẽ, nó mơ hồ, trừu tượng, không có chỗ dựa mang tính vật chất.

Tóm lại, đất không bốc hơi, chỉ bị ai đó ăn mất. Bản đồ, nếu thực đã có, cũng không mất, trừ phi ai đó cố tình thủ tiêu nó. Và ai đó, chắc chắn phải là kẻ có, hoặc từng có quyền lực vén mây che mặt trời tại đất này. Vì thế, cái được coi là “bản đồ quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt”, Văn phòng chính phủ đã gửi bản gốc đi nhiều cơ quan có trách nhiệm, nhưng chúng lại có thể “biến mất” đồng loạt trong cùng một thời điểm ở mọi cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm lưu trữ nó. Và thật khôi hài, hàng loạt văn bản giấy tờ, đi kèm không bị mất, tại sao chỉ mất mỗi bản đồ quy hoạch? Trả lời: vì chỉ có bản đồ là bằng chứng xác đáng nhất chỉ ra rõ ràng việc đất đai biến mất, hoặc bị – không phải siêu nhiên mà là con người cụ thể – nuốt chửng.

Chuyện “biến mất” được đưa ra trong thời điểm một số cá nhân từng là lãnh đạo cao cấp của thành phố đang bị quy trách nhiệm về những sai phạm và nhiều dấu hiệu cho thấy sắp bị xử lý, chứng tỏ luật pháp đang bị bỡn cợt và thách thức. Nếu thật sự bản đồ quy hoạch đã mất và không xác định được mất trong khoảng thời gian nào, thì UBND TP Hồ Chí Minh căn cứ vào đâu để thu hồi đất của 15.000 hộ dân Thủ Thiêm và giao đất cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân? Nếu không có bản đồ, căn cứ vào đâu để quy trách nhiệm với những sai lệch thực tế nghiêm trọng đã và đang xảy ra?

Trả lời kiểu gì, bản chất của vụ việc cũng đã lộ ra: bản đồ quy hoạch đang được những kẻ sai phạm cố ý giấu đi, hoặc tệ hơn, thủ tiêu nó để che dấu sai phạm của mình. Không còn dừng lại ở mức gọi là sai phạm đó phải gọi là tội ác. Luật pháp đang bị thách thức nghiêm trọng. Giả sử bản đồ ấy chưa từng tồn tại, nghĩa là sẽ không có chuyện mất, vấn đề càng nghiêm trọng và tệ hại hơn: quyền lực đang đứng trên luật pháp.Vì lợi ích riêng, người ta sẵn sàng lừa dối cả nhân dân, lừa dối cả Chính phủ.

Trong một thời gian rất dài, chúng ta vẫn được nghe và phải bằng lòng với những “chỉ đạo tư tưởng” đầy tính lạc quan và sặc mùi bao che, rằng đâu đó trong bộ máy công quyền vẫn có những sai sót, vẫn còn những cá nhân tha hóa…v.v. Thực tế không phải vậy. Tội phạm công quyền đã cấu kết và lớn mạnh thành tập đoàn, công khai thách thức luật pháp, công khai đối đầu và chống lại luật pháp khi bản thân chúng có nguy cơ bị trừng phạt. Nếu chỉ là sai phạm cá nhân, quyền lực cá nhân, không một ai đủ sức thổi bay tất cả bản đồ quy hoạch một khu đô thị đang được lưu trữ trong hàng chục cơ quan nhà nước có quyền hạn và trách nhiệm. Nó cũng không đủ sức làm biến mất 160 ha đất tái định cư ở Thủ Thiêm, không đủ sức bán rẻ hàng chục ha đất ở Nhà Bè, không đủ sức dời cả đồn biên phòng, xóa trắng hàng chục km bờ biển của nhân dân Quảng Ngãi để giao cho một doanh nghiệp, rồi nhơn nhơn tuyên bố “khoảng 8km vẫn có một đườngxuống biển”.

Bất chấp doanh nghiệp, người dân than trời vì giá xăng tăng vô tội vạ, Bộ Công thương vẫn không nao núng, tiếp tục lên kế hoạch tăng, theo đề xuất của đơn vị cung cấp, kinh doanh xăng dầu là Petrolimex. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex), mức chia lãi cổ tức đã được ông bố đã được công bố. “Bộ Công Thương, đại diện phần vốn Nhà nước tại Petrolimex, với 981,68 triệu cổ phiếu đang nắm giữ (tương đương 84,71% vốn điều lệ Petrolimex) sẽ nhận được 2.945 tỷ đồng tiền cổ tức năm 2017” (Theo Tiền Phong, 2/5/2018). Vậy là rõ, vừa đá bóng, vừa thổi còi, lợi ích nhóm đã biến Bộ Công thương thành một đơn vị kinh doanh, tìm mọi cách thu lợi nhuận. Họ đang buôn chính sách và lạm quyền móc túi nhân dân!

Còn nhiều, vô cùng nhiều dẫn chứng khác. Quyền lực của cái ác, cái xấu, cái cố sai rõ ràng đang mạnh lên, rất mạnh. Nhóm lợi ích đang cấu kết nhau thành những tập đoàn, tổ chức, không chỉ là những cá nhân phạm tội đơn lẻ hay những sai lầm điều hành có tính giai đoạn. Cái ác, cái xấu đủ mạnh để công khai chống lại và phỉ báng luật pháp, nhằm để đã và sẽ tiếp tục tàn phá đất nước và nhân dân. Không có chuyện ác, chuyện xấu, chuyện sai nào mà những kẻ quyền lực tha hóa không dám làm. Trước pháp luật, tội phạm đã không cam khoanh tay chịu trói khi bị phát hiện xử lý mà đang điên cuồng tìm mọi cách chống lại, với tất cả khả năng, tiềm lực tài chính kinh hoàng của nó.

Tôi không nhìn thấy bất kỳ một tàn tích thực dân đế quốc nào trong tập đoàn cái ác, cái xấu ấy cả. Chẳng thực dân đế quốc nào coi thường luật pháp và tàn hại nhân dân, đất nước đến như vậy. Tất nhiên, tôi tin, với công cuộc chống tham nhũng đang được đẩy mạnh, đang vào hồi quyết liệt, những kẻ gây ra sự tàn hại, làm giàu bằng bòn rút tài nguyên của đất nước và mồ hôi nước mắt của nhân dân trước hay sau cũng sẽ thành củi đút lò. Nhưng đáng buồn, trước đó, chúng chính là kẻ có quyền rao giảng đạo đức bắt cả vạn, cả triệu người như tôi phải nghe, phải tin, phải lặp lại như vẹt. Tệ hơn nữa, vẫn còn cơ man những kẻ đang tiếp tục tự tin rao giảng sự nhảm nhí và ô nhục đó.

Vì bộ áo quyền hành trên người và mặt nạ lý tưởng trên mặt chúng vẫn chưa rơi, chưa bị triệt để bóc trần.

Tags: , ,

Comments are closed.