Bài nhờ share của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ: Tìm ân nhân tên Hạ tại trại tù Thanh Cẩm


LM Nguyễn Hữu Lễ tái bản hồi ký 'Tôi Phải Sống' - Nguoi Viet Online

XIN NHỜ ANH EM VÀ BẠN BÈ KHẮP NƠI GIÚP

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ

Cựu tù nhân trại tù Thanh Cẩm, tỉnh Thanh Hóa 1978-1988

Các bạn thân mến,

Từ lâu rồi, tôi rất muốn tìm lại vị ân nhân cứu mạng trong thời gian tôi sống trong tù cộng sản tại trại Thanh Cẩm, tỉnh Thanh Hóa ở miền Bắc. Nhưng tới nay chưa có manh mối gì. Lần này, tôi muốn nhờ mạng xã hội FB và qua anh em, bạn bè khắp nơi trên FB biết đâu tôi được toại nguyện.

Tôi thiết tha xin các bạn dành ra vài phút để đọc bài “ LON NƯỚC ÂN TÌNH” tôi kèm theo dưới đây. Biết đâu may ra có người biết vị ân nhân của tôi. Người đó là một cán bộ tên là Hạ, trong trại tù Thanh Cẩm vào năm 1979. Lúc đó anh ta mang cấp bậc Thượng Sĩ. Nếu bạn không biết xin làm ơn chia sẻ bài này với các bạn khác của bạn trên FB.

Tôi xin chân thành cám ơn trước và mến chúc tất cả các bạn, anh em và thân hữu khắp nơi một năm mới an Khang, Thịnh Vượng.

Lm Nguyễn Hữu Lễ

Auckland. New Zealand


LON NƯỚC ÂN TÌNH

Tôi nghĩ là một thiếu sót lớn của tập Bút Ký này nếu tôi không nói lên cách công khai để cám ơn một người cán bộ có lòng nhân. Anh đã để lại một nét son trong đời tôi, ngay trong hoàn cảnh đau thương và tệ hại nhất ở nhà kỷ luật trại tù Thanh Cẩm.

Các cán bộ, nhất là những cán bộ trực trại, là những người trực tiếp ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi. Nếu gặp cán bộ hiền hòa, chúng tôi đỡ khổ; nếu gặp phải cán bộ khó khăn hoặc hung ác, chúng tôi bị khổ đủ điều. Nên biết rằng, đa số cán bộ làm nhiệm vụ cai tù, nhất là cai tù chính trị là những người được huấn luyện để thi hành chính sách chuyên chính của đảng.

Họ được chỉ thị phải coi tù nhân chúng tôi là kẻ thù, và rất nhiều cán bộ đã được huấn luyện để biết họ phải làm gì với những kẻ thù đang nằm trong tay của họ. Một số đông tỏ ra hung ác có tiếng.

Dù vậy, có những cán bộ chỉ làm việc như một nghề để sinh sống. Cũng có những cán bộ hiền từ, dễ thương từ trong lời nói tới cách cư xử với tù nhân. Những cán bộ này đã để lại trong lòng tôi sự biết ơn và quý mến. Như đồng tiền có mặt phải và mặt trái của nó. Nếu thời gian sống trong nhà kỷ luật trại tù Thanh Cẩm có những cán bộ mà vừa nghe tới tên, hoặc vừa thoáng trông thấy từ xa đã làm tôi nổi da gà như Thượng sĩ Hoàn, Chuẩn úy Lăng, Trung úy Bộ v.v thì ngược lại cũng có người như Thượng sĩ Hạ, người cán bộ mà tôi muốn dành riêng một đoạn trong tập Bút Ký này để bày tỏ lòng quý mến và biết ơn. Tôi rất mong là trong một dịp tình cờ nào đó, người cán bộ tên là Hạ năm xưa của trại tù Thanh Cẩm, hoặc là con cháu ông ta và những người đã từng quen biết hoặc nghe nói về ông ta sẽ đọc được những gì tôi sắp viết ra đây.

Thượng sĩ Hạ là cán bộ trực trại trong đêm chúng tôi đào tường vượt ngục tại nhà tù Thanh Cẩm, tỉnh Thanh Hóa vào đêm 1 tháng 5 năm 1979 , có nghĩa là người chịu trách nhiệm mặt an ninh về biến cố này. Bởi vậy, người mà tôi sợ nhất sau khi bị bắt lại không phải là ai khác mà chính là Thượng sĩ Hạ.

Cán bộ Hạ có thân hình cao lớn và rắc chắc, nước da ngăm đen, mái tóc bồng bềnh, mới nhìn qua thấy anh ta giống người Dân tộc thiểu số hơn là người Kinh. Ðiểm đặc biệt là anh có nhiều vết lang ben trên cổ và một ít trên mặt. Vì da anh khá đen nên các vết lang ben càng dễ nhận thấy.

Thượng sĩ Hạ tánh tình lầm lì, rất ít nói. Khi lên khu kỷ luật hoặc Kiên Giam trong giờ cho ăn, anh thường đứng dựa vai vào tường, một chân đứng thẳng, bàn chân kia co lại gác chéo qua. Cứ thế anh yên lặng nhìn Trật Tự chia thức ăn và nhìn chúng tôi đi lại nhưng chẳng bao giờ nói một lời nào. Sở dĩ tôi nhớ các chi tiết này vì trông anh lúc nào cũng có vẻ sầu đời hoặc như người đang thất tình.

Tôi còn nhớ từng chi tiết buổi chiều ngày 1 tháng 5 năm 1979, chính cán bộ Hạ và hai trật tự Bùi Ðình Thi và Trương Văn Phát lên điểm danh khu Kiên Giam chúng tôi. Ðêm đó chúng tôi đào tường vượt ngục. Ðiều đáng nói ở đây là tôi không hề thấy bóng dáng cán bộ Hạ trong số những người đánh đập chúng tôi sau khi bị bắt lại.

Ngược lại, tên Thượng sĩ Hoàn chỉ huy nhóm vũ trang canh gác trong đêm đó là một tên hung thần, là người đánh đập và chửi mắng tôi nhiều nhất. Ngay từ lúc anh ta tìm được chúng tôi dưới dòng sông Mã và cả lúc sau này khi tôi bị cùm trong nhà kỷ luật rồi, lúc nào tôi cũng khốn khổ với hắn. Trong các giờ điểm danh chiều, Thượng sĩ Hoàn đứng ở cửa buồng nhìn vào, xỉ vả chửi bới tôi rất thậm tệ. Có rất nhiều lần hắn nhào vô buồng tặng cho tôi mấy cú đấm hoặc vài ba cái bạt tai! Do đó, mỗi khi thấy Thượng sĩ Hoàn và trật tự Bùi Ðình Thi lên điểm danh trên khu Kỷ Luật, tôi ngán vô cùng! Cũng may là không phải chiều nào cặp hung thần này cũng lên điểm danh.

Sau gần 2 tháng kể từ ngày bị cùm trong nhà kỷ luật, tôi không thấy bóng dáng Thượng sĩ Hạ đâu. Tự dưng tôi cảm thấy mừng vì nghĩ rằng nếu gặp lại chắc là tôi sẽ no đòn với anh và thầm cầu mong cho cán bộ Hạ đổi đi nơi khác vô tăm biệt tích, đừng bao giờ quay lại trại Thanh Cẩm này nữa.

Bất ngờ vào một buổi xế trưa, chúng tôi được lệnh mang hết “nội vụ” ra để khám xét. Việc kiểm tra đồ đạc này cũng thường xảy ra và không có định kỳ. Vừa khệ nệ ôm đồ đạc bước ra, tôi giật thót người khi thấy cán bộ Hạ đứng chung trong số các cán bộ dưới bóng cây ở cạnh bờ tường. Thấy cán bộ Hạ nhìn tôi chằm chằm, tôi lại càng lo sợ hơn. Ðiều mà tôi lo sợ từ hai tháng nay bây giờ đã tới! Tôi cúi đầu né tránh cái nhìn của anh và ôm mớ đồ đạc để vào một góc khá xa nơi anh đứng. Lúc quay lại vẫn thấy anh đang nhìn tôi và từ từ bước tới chổ tôi.

Tim tôi đập mạnh, người tôi nóng bừng và tôi chuẩn bị tinh thần để đón nhận điều tệ hại nhất sẽ xảy ra.

Khi Thượng sĩ Hạ tới gần, tôi lên tiếng: “Chào cán bộ” theo luật trong tù. Nghe tôi chào, anh ta chỉ khẽ gật đầu nhưng chẳng nói gì. Anh bước lại gần hơn, nhìn thẳng vào mặt tôi và nói nhẹ nhàng vừa đủ tôi nghe:“Anh Lễ, anh làm tôi mất tất cả!”Tôi rất ngạc nhiên trước thái độ hòa dịu một cách không ngờ đó. Tôi đáp lại một cách chân tình:“Tôi thành thật xin lỗi cán bộ, nhưng xin cán bộ hiểu cho hoàn cảnh của tôi.”

Ðó là câu đối thoại duy nhất của tôi với một cán bộ mà tôi phập phồng lo sợ từ 2 tháng qua. Tôi thật không ngờ cán bộ Hạ là người có lòng nhân như thế. Thay vì chửi bới đánh đập tôi như bao nhiêu cán bộ khác và như trật tự Bùi Ðình Thi, anh chỉ nói lên lời trách móc nhẹ nhàng:“ Anh Lễ! anh làm tôi mất tất cả!”

Sau lần đó, thỉnh thoảng Thượng sĩ Hạ có lên điểm danh trên khu Kỷ Luật cùng với Bùi Ðình Thi và anh vẫn lầm lì như xưa. Từ khi gặp lại anh trong lần kiểm tra đồ đạc dưới bóng cây, anh ta cũng chẳng nói thêm với tôi một lời nào. Cho tới một hôm vào quãng giữa tháng 8, trong buồng tôi lại có chuyện xảy ra.

Trời Thanh Hóa vào tháng mùa hè có gió Lào này nóng như thiêu như đốt. Nhà kỷ luật nóc bằng trở thành lò hấp người. Lúc bấy giờ anh Thuyên và tôi bị cùm trong buồng 5, tiêu chuẩn nước được phát cho mỗi người là một lon Guigoz, (750 ml), sáng một lon chiều một lon. Với lượng nước này, chúng tôi phải làm sao gói ghém vừa uống, vừa rửa ráy, vừa tắm, vừa giặt, vừa lau mồ hôi ban đêm trong cái lò hấp người này. Chúng tôi đã quyết định, bằng mọi giá phải để dành một lon nước để thấm giọng qua đêm, vì ban đêm trong buồng rất nóng, cần phải có nước nhắm vào miệng cho đỡ khát.

Thời gian này trại thường cho tù ăn khoai lang với mắm chược. Mắm Chược là loại mắm cá thối được nấu tan ra thành nước có mùi tanh khủng khiếp. Giờ cho ăn trên kỷ luật sớm hơn dưới “làng”. Ban trưa quãng 11 giờ và ban chiều quãng 4 giờ. Tiêu chuẩn hai người chúng tôi mỗi bữa ăn là ba củ khoai lang, to hơn đầu ngón chân cái một chút.

Với tiêu chuẩn khoai đó, nếu chia ra, mỗi người chỉ được một củ rưỡi, như thế ít quá. Tôi bèn nghĩ ra một phương pháp chia 3 củ khoai cho…nhiều hơn. Tôi chẻ 3 củ khoai theo chiều dọc thành ra …6 miếng. Đem đặt nằm úp xuống trong 2 cái bát, nhìn vào thấy mỗi người được 3 củ khoai! Đây là cách đánh lừa đôi mắt. Nhưng có điều rất lạ, khi ăn 3 miếng nửa củ khoai, tôi có cảm giác “no hơn” ăn một củ rưỡi! Thế mới lạ!

Mỗi bữa ăn chúng tôi bẻ khoai lang ra, dĩ nhiên là cả vỏ, cho vào tô nước mắm cá thối, chế thêm một ít nước lạnh vào, quậy cho đều và “húp”! Sau khi xong bữa “húp”, màn tiếp theo là uống nước. Ngồi trong lò hấp người mà ăn khoai lang với mắm thối sẽ khát nước vô chừng, và cơn khát này không phải lúc đó mà thôi nhưng sẽ kéo dài suốt đêm.

Tai Nạn Thuốc Lào

Hôm đó vì thèm thuốc lào quá nên anh Thuyên, một tay nghiện thuốc lào nặng, nói với anh trực sinh Nguyễn Tiến Ðạt làm sao tìm cho anh một bi thuốc lào.

Buổi chiều cùng ngày, trong giờ chia thức ăn, Ðạt dúi vào tay anh Thuyên một bi thuốc lào to bằng hột đậu, một que diêm và tí giấy bìa bao diêm. Tôi phải nói là Ðạt đã cho anh Thuyên một kho tàng vô giá, vì từ ngày bị cùm trong kỷ luật đã hơn 2 tháng, ngày nào anh Thuyên cũng nhắc thuốc lào, bây giờ anh mới được toại nguyện. Khi làm việc này dĩ nhiên Ðạt cũng phải gồng mình, vì nếu bại lộ thì Ðạt cũng sẽ bị Bùi Đình Thi cho một trận no đòn.

Sau bữa “húp” khoai lang với mắm cá thối chiều hôm đó, anh Thuyên nhờ tôi thu dọn các thứ trên bệ nằm cho gọn vì anh biết là sau khi hút thuốc lào, anh sẽ say nghiêng say ngửa. Ai đã hút thuốc lào thì biết, chỉ một đêm không hút, sáng ngày khi hút điếu đầu tiên là say quắc khước, đừng nói chi hơn hai tháng không có hơi thuốc nào như anh Thuyên.

Vì trong buồng không có điếu, nên anh phải dùng giấy quấn một cái “loa kèn”, nhét bi thuốc lào vào đầu to của “loa kèn”, rồi ngậm nước trong miệng, châm lửa và…hít! Trước khi hút anh còn dặn tôi, nếu anh có say quá thì lấy tay ấn vào ngực giúp anh thở, vì đã có người say thuốc lào nghẹt tim không thở được mà chết.

Anh Thuyên chuẩn bị để “hít” điếu thuốc lào lịch sử này một cách trịnh trọng như cử hành một nghi lễ tôn giáo. Sau khi giúp anh bật được ngọn lửa, mồi vào cái đóm bằng vải và kê vào đầu loa kèn. Anh bắt đầu “hít…hít…hít” với tất cả sức lực của anh. Có lẽ trong đời anh Thuyên chưa bao giờ anh sung sướng như lúc anh đang ngửa mặt lên trời nhả khói! Lúc đó nhìn gương mặt anh đờ đẩn như kẻ mất hồn.

Bất thần anh Thuyên ngã vật xuống!

Ngụm nước trong miệng sặc ra ướt đẫm, mắt anh nhắm nghiền và miệng đang sùi bọt mép! Thì ra anh bị say thuốc lào quá nặng! Sau khi ngã xuống, cả hai tay anh quơ bấn loạn trên không như người bị động kinh. Cái chân không bị cùm của anh đá tứ tung. Miệng anh đang trào nước giãi, cố gắng ú ớ gọi tên tôi, giọng đứt quãng: “Ông Lễ ơi!, ông Lễ ơi!…ông Lễ ơi!…”

Tôi thất kinh vì sợ anh đứng tim mà chết. Tôi vội nằm xuống vuốt ngực anh, nhưng anh ta quay ngang, gạt tay tôi ra và cào cấu lung tung như người đang bị ong đốt. Trong lúc say quá độ, anh Thuyên đã vô ý đánh đổ lon nước cứu mạng duy nhất mà tôi đã cẩn thận nhét sát vào góc. Đúng là một thứ tai nạn khủng khiếp! Sở dĩ lon nước không thể để ở xa hơn được vì sau khi phát thức ăn chiều, chúng tôi đã bị cùm chân lại và mọi thứ phải được đặt vào chỗ khi cần có thể lấy được.

Phải một hồi lâu anh Thuyên mới tỉnh lại và thất kinh khi biết đã đánh đổ lon nước. Lúc đó khoảng 4 giờ chiều và chúng tôi phải đợi tới trưa hôm sau, tức là 19 tiếng đồng hồ nữa mới được phát nước! Khổ nỗi, ngay lúc bấy giờ tôi đã bắt đầu khát và Thuyên, sau khi tỉnh lại cũng khát nước không kém gì tôi, nhưng lúc đó chúng tôi còn cách gì hơn là đợi cho tới giờ điểm danh, mới có thể xin nước, mặc dù là rất ít hy vọng.

Ðối với Bùi Ðình Thi chúng tôi chẳng có chút hy vọng nào sẽ xin được nước. Ðiều quan trọng là cán bộ nào sẽ lên điểm danh khu kỷ luật chiều nay. Nếu gặp phải cán bộ Hoàn đi với Bùi Đình Thi, thì đêm nay chúng tôi sẽ chết khát là cái chắc. Chưa tới giờ điểm danh mà tôi đã khát gần cháy cổ.

Nghe tiếng chìa khóa khua, chúng tôi mừng thầm, nhưng khi nhìn ra chỉ thấy một mình trật tự Bùi Ðình Thi, chưa thấy cán bộ nào đi sau. Khi Bùi Đình Thi vào buồng kiểm tra cùm, tôi đánh bạo xin cho nước uống vì đã vô ý làm đổ hết và đang khát gần cháy cổ. Bùi Đình Thi trả lời: “Tiêu chuẩn nước của trại, chúng mày dùng đổ vào tường để đục tường đủ rồi, còn đòi nước gì nữa!” Thế là anh ta bỏ đi trước nổi tuyệt vọng của chúng tôi.

Lúc đó bên ngoài có một cán bộ bước tới, nhìn ra là cán bộ Hạ. Tôi mừng thầm trong bụng và lớn tiếng xin cán bộ Hạ cho nước uống vì chúng tôi vô ý làm đổ hết và đang khát cháy cổ. Cán bộ Hạ chưa kịp trả lời thì Bùi Ðình Thi đứng ngoài nói vọng vào câu anh ta nói với chúng tôi lúc nãy. Nghe trật tự Bùi Đình Thi nói câu đó, cán bộ Hạ ngần ngừ như muốn từ chối. Cảm thấy tới lúc lâm nguy, tôi bèn van xin tha thiết hơn:“ Xin cán bộ hãy lấy tình người mà thương chúng tôi, chúng tôi khát nước quá rồi. Ðêm nay mà không có nước uống chúng tôi sẽ chết mất!”Anh Thuyên cũng lên tiếng phụ họa để van xin.

Vừa nói tôi vừa bóp méo cái lon Guigoz cho lọt qua khe song cửa sắt cửa sổ đưa ra bên ngoài. Cán bộ Hạ ngần ngừ một chút, xong ra lệnh cho trật tự Bùi Đình Thi: “Anh Thi, đến bể lấy cho mấy anh ấy một lon nước.”

Không còn cách nào khác, Bùi ĐìnhThi đành phải vâng lời cán bộ. Anh ta bước tới bể cạn gần đó múc cho chúng tôi một lon nước. Nhưng khi trở lại, anh ta dằn mạnh lon xuống thành cửa sổ làm nước đổ tung tóe và vơi đi gần phân nữa. Ðây là nước lấy trong bể cạn chứa chừng mươi thùng nước dành cho các tù nhân giặt quần áo vào đó, và anh trực sinh sau khi đổ ống bẩu tay dính cứt thì rửa trực tiếp vào đó. Tới chiều bùn sình, cứt đái và những gì nhơ bẩn đã lắng xuống.

Phải nói anh Thuyên và tôi sống được qua đêm đó là nhờ lon nước ấy. Mặc dù đó là nước rất dơ nhưng có lẽ không còn… vi trùng. Theo tôi nghĩ tất cả các loại vi trùng trong bể nước đó đã bị…“trúng độc” chết hết rồi, còn đâu nữa để làm chúng tôi bệnh! Tôi không bao giờ quên ơn cán bộ Hạ và lon nước ân tình này.

Thời Gian Qua Đi

Một thời gian sau vụ “lon nước ân tình ” tôi không còn thấy cán bộ Hạ trong trại Thanh Cẩm nữa.

Thời gian qua rất lâu, mãi cho tới năm 1986, tức là 7 năm sau, lúc bấy giờ tôi đã qua sống ở khu Kiên Giam mới cùng với 28 anh em linh mục khác. Lúc đó sự liên lạc giữa cán bộ và chúng tôi có sự gần gũi nhau hơn.

Bất ngờ một ngày kia cán bộ Hạ lên khu Kiên Giam thăm chúng tôi vào ban trưa. Gặp lại người cán bộ ân nhân sau thời gian 7 năm , tôi rất vui mừng. Hôm đó anh không đeo “lon” nên tôi chẳng biết anh ta đã thăng đến cấp bậc gì rồi. Trong lần gặp đó, tôi có nhắc lại với anh về lon nước “cứu mạng” vào một buổi tối năm 1979 với lời cám ơn chân tình, nhưng anh nói: “ Tôi không còn nhớ chuyện đó.” Tôi trả lời: “ Nhưng tôi còn nhớ, và tôi sẽ nhớ mãi lon nước ân tình này.”

Nghe nói thế cán bộ Hạ nhìn tôi mỉm cười, nụ cười rất hiếm hoi trên khuôn mặt lầm lì cố hữu của anh.

Ðó cũng là lần cuối tôi gặp lại người cán bộ ân nhân cứu mạng, người đã để lại trong lòng tôi kỷ niệm thật đẹp về tình người trong địa ngục trần gian của khu kỷ luật nhà tù Thanh Cẩm, nơi mà tôi đã sống đúng 10 năm trời.


TÁI BÚT VÀO NĂM 2023

Câu chuyện “Lon Nước Ân Tình” gắn liền với hình ảnh và tên tuổi của người cán bộ tên là Hạ ở trại tù Thanh Cẩm năm 1979, tức là đã 43 năm qua rồi, nhưng tôi còn nhớ rõ như sự việc mới xảy ra ngày hôm qua!

Đã từ lâu rồi, tôi luôn tự hỏi, vào cái đêm mùa hè có gió Lào của năm 1979 đó, anh Thuyên và tôi đang bị cùm chân trong buồng giam nóng như cái lò nướng bánh mì của nhà kỷ luật trại tù Thanh Cẩm, chúng tôi đang khát nước cháy cổ vì đã vô ý làm đổ lon nước duy nhất, nếu không gặp được cán bộ Hạ, thì đêm đó chúng tôi sẽ ra sao?!

Trong đêm kinh hoàng đó, nếu không có câu nói của cán bộ Hạ: “ Anh Thi, đến bể lấy cho mấy anh ấy một lon nước.” thì sau đó cái cảnh hai người tù khốn khổ bị cùm chân trong cái lò hấp người , đang gào thét dãy dụa, la lối vì điên loạn trong cơn chết khát sẽ kinh khủng như thế nào?

Từ năm 1993, sau khi qua định cư tại nước New Zealand, tôi đã ngồi viết lại câu chuyện “ Lon Nước Ân Tình” này trong Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG với mục đích ước mong tìm gặp lại được vị ân nhân cứu mạng của tôi là cán bộ Hạ trong trại tù Thanh Cẩm vào năm 1979 dể tôi có dịp bày tỏ lòng tri ân. Từ câu chuyện này tôi cũng rút ra được hai bài học mà tôi muốn chia sẻ với tất cả các bạn ở đây.

Bài học thứ nhất: Đừng bao giờ bỏ qua hoặc từ chối khi có cơ hội và điều kiện giúp đỡ cho người khác, nhất là khi người đó cần đến mình và kêu gọi sự giúp đỡ hoặc tiếp tay của mình. Biết đâu, có khi việc giúp đỡ của mình xem ra rất nhỏ, rất đơn giản nhưng mang lại hiệu quả to lớn, có khi lại là hiệu quả “cứu mạng” cho người khác như câu nói của cán bộ Hạ: “ Anh Thi, đến bể lấy cho mấy anh ấy một lon nước.”Câu nói đơn giản đó của cán bộ Hạ đã cứu cho anh Thuyên và tôi khỏi chết khát trong buồng kỷ luật của trại tù Thanh Cẩm vào năm 1979.

Bài học thứ hai:Đừng bao giờ nhận xét và đánh giá một người qua các hình thức bên ngoài như màu áo, cấp bậc, vị trí xã hội, tôn giáo, đảng phái, sắc tộc…nhưng muốn đánh giá đúng về một người phải xét qua cái TÂM và hành động của con người đó trước hoàn cảnh khốn cùng của kẻ khác. Thái độ của trật tự Bùi Đình Thi và cán bộ Hạ trong câu chuyện “ Lon Nước Ân Tình” này cho chúng ta bài học về cách nhận xét và đánh giá một con người.

Ngày đầu năm 2023

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ

Cựu tù nhân trại tù Thanh Cẩm, tỉnh Thanh Hóa 1978-1988

Comments are closed.