Báo cáo nhân quyền Tân Cương: Bản cáo trạng đanh thép của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Kinh


Ảnh minh họa : Tranh cổ động với khẩu hiệu “Thống nhất, ổn định là vận may ; Ly khai và hỗn loạn là bất hạnh”, gần Kashgar, ở khu tự trị Tân Cương, tây bắc Trung Quốc, ngày 19/03/2021. AP – Ng Han Guan

Đăng ngày: 01/09/2022 –

Trọng Nghĩa

“Quy mô to lớn của những vụ giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử” nhắm vào những người thuộc sắc dân Duy Ngô Nhĩ và các nhóm chủ yếu là người Hồi Giáo khác tại vùng Tân Cương có thể cấu thành những “tội ác chống nhân loại”.QUẢNG CÁO

Nhận xét đanh thép trên đây trong bản báo cáo về tình trạng nhân quyền ở Tân Cương, vừa được Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet công bố khuya  31/08/2022, quả là một vố đau cho Trung Quốc, đã bị Liên Hiệp Quốc công khai “lên án” về các hành vi chà đạp nhân quyền mà cho đến nay Bắc Kinh luôn luôn phủ nhận.

Quyết định công bố bản báo cáo bất chấp áp lực từ Bắc Kinh muốn ém nhẹm tài liệu này, đã được nhật báo Pháp Le Monde vào hôm nay (01/09) đánh giá: “Lịch sử sẽ ghi nhớ rằng vào lúc 23 giờ 47 phút ngày 31 tháng 8 (năm 2022), chỉ 13 phút trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Cao Ủy Nhân Quyền Michelle Bachelet đã công bố bản báo cáo được chờ đợi từ lâu của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở tỉnh Tân Cương, Trung Quốc”.

Theo Le Monde, với việc ghi nhận các hành vi như tùy tiện bắt giam, tra tấn, cưỡng bức triệt sản…, 46 trang của bản báo cáo đã vang lên như một bản cáo trạng thực sự nhắm vào chính sách mà Bắc Kinh đã và đang theo đuổi. 

Để đi đến những kết luận không khoan nhượng về các hành vi mà báo cáo cho rằng “có thể được xem là tội ác chống nhận loại”, Liên Hiệp Quốc cho biết là đã bắt đầu điều tra ngay từ năm 2018, sau khi được báo cáo về “những vụ mất tích” ở Tân Cương vào cuối năm 2017.

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc vừa dựa trên các bài viết và tuyên bố của chính các cấp chính quyền Trung Quốc, vừa căn cứ vào công trình của các nhà nghiên cứu, hình ảnh vệ tinh, thông tin có thể truy cập tự do, và nhất là hơn 40 cuộc phỏng vấn cặn kẽ các nhân chứng, trong đó có 26 người đã bị giam giữ hoặc đã làm việc trong các trại ở Tân Cương từ năm 2016.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc đã lên án cả cơ sở pháp lý “mơ hồ và bao quát” trong chính sách chống khủng bố của Bắc Kinh, được áp dụng tại Tân Cương, lẫn cách tiến hành chính sách này, bác bỏ lập luận về các “trung tâm đào tạo và huấn nghệ”, vốn là những trại giam giữ trá hình, đồng thời nêu bật các lời chứng được cho là “đáng tin cậy” về những hành vi tra tấn, bạo lực tình dục, đặc biệt là đối với phụ nữ, cưỡng bức dùng các loại thuốc đáng ngờ mà nạn nhân là những người Duy Ngô Nhĩ hay các cộng đồng thiểu số Hồi Giáo khác.

Ngoài nội dung, giá trị của bản báo cáo vừa được công bố còn nằm ở chỗ cơ quan soạn thảo tài liệu. Không như những cáo buộc rải rác trước đây, lần này chính Liên Hiệp Quốc, một định chế đại diện cho toàn thế giới, là cơ chế đóng triện trên bản cáo trạng.

Có lẽ chính vì hiểu rõ tính chất nghiêm trọng của vụ việc mà Bắc Kinh trong thời gian qua đã làm mọi cách để ngăn chặn bản báo cáo, kể cả gây áp lực đối với chính bà Cao Ủy Nhân Quyền hay các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc đồng thời sử dụng thủ đoạn truyền thống là phủ nhận trước bản báo cáo, rầm rộ hô hào rằng nội dung tài liệu này chỉ là những lời lẽ dối trá, được các thế lực chống Bắc Kinh, đứng đầu là Mỹ, ngụy tạo để bôi xấu Trung Quốc.

Sự kiện bản báo cáo rốt cuộc vẫn được công bố cho thấy là âm mưu của Trung Quốc đã thất bại và Bắc Kinh đã trở thành đối tượng của lời kêu gọi được nêu lên trong tài liệu, trong đó Liên Hiệp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp hành động sau những cáo buộc về những vụ tra tấn và bạo lực tình dục tại Tân Cương.

Tags: , , ,

Comments are closed.