Biệt Tăm Biệt Tích – Tưởng Năng Tiến


Hôm 25 tháng 5 năm 2016, Pearl Pinson (một nữ sinh 15 tuổi) bị bắt cóc khi đang trên đường đến trường và biệt tích luôn kể từ ngày đó. Tuy hơn 7 năm đã qua nhưng thân nhân của em vẫn cứ nuôi hy vọng là sẽ có ngày đoàn tụ, nhân viên điều tra vẫn không ngưng việc kiếm tìm, và báo giới (hàng năm) vẫn không ngừng nhắc nhớ đến câu chuyện buồn lòng này :

CBS: Family of Vallejo teen Pearl Pinson holds out hope 6 years after disappearance

NBC: Investigation ongoing in 2016 abduction of Pearl Pinson in Vallejo, California 

The Mercury News: Bay Area community continues to search for kidnapped teen Pearl Pinson 

Daily Republic: The fight to find Pearl Pinson remains strong 7 years after the teen was kidnapped 

Thành phố Vallejo (nói riêng) hay California (nói chung) là một vùng đất phú túc nên tình người nơi đây cũng sâu đậm hơn hẳn nhiều nơi khác chăng?

Không nhất thiết thế đâu!

Hôm 10 tháng 6 vừa qua, mọi cơ quan truyền thông trên toàn thế giới đều hớn hở loan tin đã tìm thấy bốn trẻ em thất lạc, sau tai nạn khiến chiếc phi cơ Cessna 206 bị hỏng máy bất ngờ và rơi giữa xuống rừng sâu :

CBS NEWS :4 children lost in Colombian jungle found alive after being missing for 40 days

NBC NEWS: 4 children found alive 40 days after plane crashed in Amazon jungle

PBS NEWS: 4 Indigenous children found alive 40 days after plane crash in Amazon rainforest

The New York Times: 4 Missing Children Found Alive After 40 Days in Colombian Jungle

Lòng yêu thương và sự sự tận tụy của người dân Colombia (một xứ sở nghèo nàn) dành cho những công dân bản địa nhỏ bé của họ thật thiết tha,  và rất đáng trân trọng: 

Các em nhỏ, tất cả đều thuộc bộ tộc bản địa Huitoto, đã bị mất tích kể từ khi một chiếc bay hạng nhẹ lao xuống rừng Amazon vào buổi sớm ngày 01/05. Thảm kịch đã khiến người mẹ qua đời, và ba đứa con, 13, chín, bốn và một tuổi, bị lạc trong một khu vực đầy rắn, báo đốm và muỗi.

Nhân viên cứu hộ ban đầu e sợ điều tồi tệ nhất sẽ xảy đến, nhưng những dấu chân, trái cây trong rừng bị ăn dở, và những tín hiệu khác sớm mang đến cho họ một hy vọng là các em có thể còn sống sót sau khi rời khỏi nơi chiếc máy bay rơi để tìm kiếm sự giúp đỡ…

Giới chức đã rải 10.000 tờ rơi với những lời khuyên về sinh tồn được viết bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng bản địa của bộ tộc Huitoto, và các trực thăng của quân đội phát đi thông điệp của bà các em nhỏ qua loa, để trấn an các em là công cuộc tìm kiếm vẫn đang tiếp diễn. (Matt Murphy. “Colombia: Làm Cách Nào Bốn Em Bé Có Thể Sống Sót Trong Rừng Thiêng Nước Độc?” BBC – 06/12/ 2003)

Câu chuyện cảm động về những đứa trẻ bị thất lạc, từ một quốc gia xa xôi, khiến tôi không khỏi mủi lòng khi liên tưởng đến những đồng bào biệt tăm/biệt tích của mình. Suốt mấy thập niên qua, hết thế hệ này đến thế hệ khác, họ cũng đã lần lượt và âm thầm biến mất khỏi cõi đời này nhưng không hề nhận được sự quan tâm của bất cứ ai – ngoài mấy người thân, nếu có! 

Hơn 10 năm trước, vào hôm 12 tháng 11 năm 2009, Việt Báo (California) đã phổ biến một mẩu nhắn tin ngăn ngắn (“Cha Xin Giúp Tìm Con Gái Lạc 25 Năm Trước Ở Biển Thái Lan”) khiến không ít độc giả phải cảm thấy nặng lòng:

Bé Bích Hằng bị thất lạc từ năm 1984, 14 tuổi, cho đến nay… Đã xa gia đình và cha mẹ hơn 25 năm qua… Mong rằng Bích Hằng sẽ được đoàn tụ với gia đình trước khi ngày cha mẹ qua đời. Muôn ngàn đa tạ và mang ơn các bạn.  Email: chatimcon@gmail.comtangbaocan@gmail.com. Mobile Number: 714 487 4241. Other: 714 839 1587.” Xin cầu nguyện và chúc lành.

Gần nửa thế kỷ đã qua, Bích Hằng vẫn biệt vô âm tín. Trang sử thuyền nhân đã đóng nhưng dân Việt vẫn tiếp tục thất tung, và mỗi lúc một thêm nhiều. Hôm 24 tháng 5 vừa rồi, trang FB Hung Tran có ghi lại một status ngắn:

Nhạn Ơi! Em Ở Đâu Về Với Gia Đình.

Em gái tôi là Nguyễn Thị Nhạn, sinh năm 1982. Quê quán xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Lúc nhỏ do gia đình khó khăn, em đã phải nghỉ học nhường cho tôi được đến trường, rồi e phải đi lao động kiếm sống xa gia đình từ 13 tuổi…

Đến khi tôi học Sư phạm e phụ giúp nuôi tôi ăn học, phụ giúp bố mẹ chi tiêu. Trong gđ so với e tôi là người may mắn hơn. Em cứng rắn, nghị lực hơn tôi. Cuối năm 2003 e viết cho mẹ một lá thư : “Mẹ đọc được lá thư này mẹ đừng khóc,

con tặng mẹ 1 chỉ vàng làm kỉ niệm, hẹn một con giáp con sẽ về.”

Bố mẹ cứ đợi và hi vong nhưng đã 16 năm trôi qua e vẫn không về. E đang ở đâu ? Bố nhớ thương e chỉ biết ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong, còn mẹ cũng lặn lội khắp nơi để tìm e. Bố mẹ đã già, cạn nước mắt vì các anh, vì e. Chỉ mong những năm còn lại trên cuộc đời e sớm quay về để gd đoàn tụ. Cho dù e có là ai, thành công hay thất bại, dù giàu có hay bần hàn thì e mãi là e của chị. Thương và nhớ e rất nhiều ! Nhờ cộng động mạng bạn bè chia sẻ giúp. Gđ tôi xin cảm ơn. Xin liên hệ :0967315570. 0965708529.

Đã có bao nhiêu Nguyễn Thị Nhạn “phải đi lao động kiếm sống xa gia đình” rồi không bao giờ về nữa? Con số hẳn không nhỏ, theo như những bản tin đọc được hàng ngày qua báo chí:

Một lao động Việt mất tích ở Ả rập Xê út   

Gia đình ngóng tin lao động Việt mất tích ở Anh  

Hàng chục lao động Việt Nam nghi mất tích ở Trung Quốc 

Một lao động Việt mất tích nghi bị sát hại tại Nhật Bản 

Đi xuất khẩu lao động chưa tròn tháng thì vợ mất tích

Hàng trăm nạn nhân buôn người bị mất tích, đa số là người Việt   

Tuy số nạn nhân đã lên đến mức báo động và dân Việt “biến mất” khắp mọi nơi nhưng nhà đương cuộc Hà Nội hoàn toàn không hề quan tâm chi đến thảm trạng này, dù chính họ vẫn “dỗ ngon dỗ ngọt” để người dân rời nhà bằng mọi cách – kể cả những lời dối gạt:

Xuất ngoại sắm xe sang, lấy vợ nước ngoài

Xuất ngoại thu nhập cao, cuộc sống ổn định

Thúc đẩy xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo: Lợi ích “kép”  

Xuất khẩu lao động sang Mỹ lương tháng từ 5.000 USD trở lên

Báo Vietnamnet đăng tin: 

“Bộ mặt làng quê thay đổi với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, ô tô đỗ trước ngõ… từ nguồn tiền các em gửi về… Một cán bộ thôn ở xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết: ‘Thôn có 463 người đang lao động ở nước ngoài, nhiều nhất xã, chủ yếu đi theo con đường không chính thống… Một số em vào đại học sau đó lại bỏ ngang, có em đã sở hữu tấm bằng cử nhân nhưng không tìm việc làm ở quê nhà mà sang Mỹ, Canada, Anh, Hàn Quốc… làm việc.”

Báo Dân Trí cho biết: “Phần lớn thanh niên trai tráng sang Lào làm thuê, dù chưa giàu nhưng thu nhập ổn định, đổi đời sau một thời gian làm việc… Nhờ đó, bộ mặt làng quê thay đổi hẳn. Đường bê tông được xây dựng. Nhiều người đi Lào đứng ra đóng góp tiền làm đường, kéo điện thắp sáng, góp sức đưa thôn 5 đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới…”

Tuyệt nhiên không thấy một tờ báo, một ban ngành hay một giới chức lãnh đạo nào nhắc nhở chi đến những kẻ đã biệt tăm/biệt tích nơi đất lạ xứ người. Cứ như thể là họ chưa bao giờ có mặt trên cuộc đời này cả. So với với những người dân bản địa ở rừng mưa Amazon (Nam Mỹ) thì mạng sống của người Việt hiện nay, xem chừng, hơi rẻ. 

Comments are closed.