Cái u tối của Nguyễn Phú Trọng


Ts. Phạm Đình Bá – 30/12/2022

What is a Social Imaginary? by Laurianne Schippers on Prezi Next

Ngày 15/12/2022, ông Trọng phát biểu trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2022-2027 – “Với vai trò là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của tuổi trẻ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần giúp thanh niên thực hiện thật tốt sứ mệnh của mình đối với Đảng, với Đất nước, với Dân tộc.”. [1] 

Theo ông Trọng, Đoàn và Đảng là con đường gần như duy nhất trong việc phát triển những người trẻ, chỉ có một con đường và hầu như không còn con đường thay thế nào khác. 

Thế thì những người trẻ tuổi có nên xem xét nhiều khía cạnh của sự phát triển cá nhân cũng như sự phát triển xã hội không?

Mô hình lựa chọn của Hirschman có những thành tố như rút lui (RL), tiếng nói (TN) và trung thành (TT). Ví dụ, người tiêu dùng không hài lòng với một sản phẩm trên thị trường, có thể phàn nàn với nhà sản xuất về chất lượng giảm sút (TN) hoặc kiên nhẫn chờ sản phẩm cải thiện (TT) thay vì mua hàng hóa hoặc dịch vụ của đối thủ (RL). [2] Trong chính trị, những cử tri không hài lòng với chính sách của chính phủ họ có thể bỏ phiếu cho người khác (RL), làm việc trong đảng để thay đổi các chính sách đó (TN), hoặc hy vọng rằng đảng sẽ được sửa đổi (TT). Và trong một tình huống lạm dụng lứa đôi, một người có thể bỏ đi (RL), phàn nàn (TN) hoặc tránh đối đầu với hy vọng rằng lạm dụng sẽ bớt đi (TT). 

Trong khoa kinh tế học, mục tiêu phát triển thường là tối đa hóa phúc lợi vật chất. Nhà kinh tế Amartya Sen giải thích “phúc lợi” rộng hơn nhiều về “khả năng” của một người—tiềm năng mà người đó có để chuyển đổi các quyền lợi đối với hàng hóa và dịch vụ thành một loạt các “chức năng”. Chức năng là tất cả những điều khác nhau mà một người có thể đánh giá cao hay làm cho người ấy mãn nguyện. [3]

Việc chuyển hóa tiềm năng thành hoạt động là sản phẩm của sự lựa chọn tích cực của cá nhân với tư cách là một tác nhân—“với tư cách là người hành động và mang lại sự thay đổi” trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị, tận dụng khả năng của họ và thực sự gây ảnh hưởng đến với cá nhân và cộng đồng. [3]

Mức độ hiệu quả của tác nhân phụ thuộc vào bối cảnh thể chế rộng lớn hơn, và đặc biệt là mức độ mà các thể chế chính trị, chính phủ và xã hội cho phép mọi tác nhân trong xã hội có ảnh hưởng. Một tuyên bố điển hình về mối liên kết giữa tác nhân và thể chế là nhận xét của Amartya Sen rằng nạn đói chưa bao giờ xảy ra trong một nền dân chủ đang hoạt động với một nền báo chí tự do. [3]

Nghiên cứu của Bourdieu có liên quan đến việc hiểu văn hóa ảnh hưởng đến nghèo đói và bất bình đẳng như thế nào. [4] Phần lớn tư duy cốt lõi của nghiên cứu bắt đầu với cái gọi là thói quen, có thể được coi là tập hợp các nguyên tắc lâu bền—thực hành, niềm tin, điều cấm kỵ, quy tắc, biểu tượng, nghi lễ, v.v. Các nguyên tắc lâu bền cung cấp cho một nhóm người một ý thức về bản sắc nhóm và một cảm giác an toàn. 

Do đó, bằng cách định vị một nhóm trong hệ thống phân cấp xã hội, văn hóa ảnh hưởng đến ý thức của họ về điều có thể. [4] Đối với những người ở nhóm cấp cao, vị trí đó cung cấp phương tiện để duy trì vị trí cao của họ, trong khi đối với những người ở nhóm cấp thấp, vị trí có thể hạn chế nguyện vọng, tạo ra sự phân biệt đối xử và ngăn chặn sự di chuyển từ thấp lên cao trong xã hội.

Nhà nhân chủng học Arjun Appadurai mô tả các điều khoản bất lợi mà người nghèo thương lượng với các chuẩn mực định hình cuộc sống xã hội của họ. [5] Ông gợi ý rằng cần phải tăng cường năng lực của người nghèo trong việc sử dụng “tiếng nói”, coi tiếng nói như một năng lực văn hóa—bởi vì đây không chỉ là vấn đề khắc sâu các chuẩn mực dân chủ, mà còn là tham gia vào các vấn đề xã hội, chính trị và kinh tế trong thế giới văn hóa của họ. Bối cảnh văn hóa mà các nhóm khác nhau đang sống tạo thành khuôn khổ của cái mà ông gọi là “năng lực khao khát”. Trong xã hội, thường năng lực khao khát không được phân bổ đồng đều.

Theo Appadurai, những người khá giả có khả năng định hướng tốt hơn để hướng tới khả năng hiện thực hóa nguyện vọng của họ. [5] Do đó, năng lực khao khát, về bản chất, là một “năng lực định hướng”. Tiếng nói và khả năng khao khát được “liên kết qua lại”, với cái này thúc đẩy nuôi dưỡng cái kia. Bởi vậy, phát triển là nâng cao khả năng khao khát của mọi người, nhưng đặc biệt nhất là đối với người nghèo.

Nói tóm lại, có nhiều cách để phát triển cá nhân, chứ không phải chỉ có một cách phát triển cá nhân duy nhất qua con đường giai nhập đoàn đảng như ông Trọng đã nói. 

Thế thì hậu quả cách làm việc một chiều của ông Trọng và đảng của ông ấy là như thế nào?

Bất bình đẳng – Chỉ số Gini là thước đo bất bình đẳng được trích dẫn rộng rãi nhất. [6] Hệ số Gini cao hơn thể hiện sự phân phối bất bình đẳng hơn. Chỉ số của Việt Nam là 0,36, không khác bao nhiêu với Thái (0,35), Nhật (0,33), Hàn (0,31), Đài Loan (0,34). Xã hội Việt Nam có nhiều bất bình đẳng.

Nhân quyền – Nhân quyền là những quyền mà tất cả mọi người đều có. Nhân quyền bao gồm — trong số những quyền khác — quyền toàn vẹn về thể chất, chẳng hạn như không bị giết hoặc bị tra tấn; các quyền công dân, chẳng hạn như các quyền tự do thực hành tôn giáo và di chuyển không bị hạn chế; và các quyền chính trị, chẳng hạn như quyền tự do hội họp và bày tỏ quan điểm. Chỉ số của Việt Nam là 0,39, thấp như Thái (0,37) nhưng thua xa Nhật (0,93), Hàn (0,93) và Đài Loan (0,93). [7] Đảng và nhà nước Việt Nam vi phạm quyền con người của công dân.

Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người (đô la Mỹ) – Số tiền đầu người của Việt Nam là $3.757, rất thấp so với các nước như Thái ($7.066), Nhật ($39.313), Hàn ($34.998), Đài Loan ($33.059). [8] Cái gọi là xã hội chủ nghĩa dẫn đến nghèo đói cho nhiều người trong xã hội và làm suy yếu khả năng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của dân mình.

Kiểm soát tham nhũng: mức độ quyền lực công được thực hiện vì lợi ích cá nhân, bao gồm cả nhỏ và lớn các hình thức tham nhũng, cũng như lại quả bởi cán bộ và giai cấp cầm quyền. Chỉ số của Việt Nam là rất tệ ở số âm -0,29, có khá hơn Thái chút đỉnh (-0,46), nhưng rất xấu so với Nhật (1,57), Hàn (0,76), Đài Loan (1,21). [9] Cán bộ và đảng viên của ông Trọng đã, đang và sẽ ăn chận của dân, ăn không chừa một thứ gì.

Hiệu quả của chính phủ: chất lượng của các dịch vụ công, năng lực của nền công vụ và sự độc lập của nó đối với áp lực chính trị; và chất lượng xây dựng chính sách. Chỉ số của Việt Nam là rất tệ ở 0,28, gần tệ như Thái (0,25), nhưng rất xấu so với Nhật (1,40), Hàn (1,41), Đài Loan (1,47). [9] Ông Trọng lãnh đạo và quản trị một nhà nước yếu kém.

Ổn định chính trị: khả năng chính phủ sẽ bị mất ổn định bởi biện pháp vi hiến hoặc bạo lực, kể cả khủng bố. Chỉ số của Việt Nam là rất tệ ở số âm -0,10, có khá hơn Thái chút đỉnh (-0,50), nhưng rất xấu so với Nhật (1,00), Hàn (0,70), Đài Loan (0,80). [9] Cái mà đảng thường tự hào là ổn định chính trị thật ra cũng không có gì tốt cả.

Chất lượng điều tiết của nhà nước: khả năng của chính phủ trong việc cung cấp các chính sách và quy định hợp lý cho phép và thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển. Chỉ số của Việt Nam là rất tệ ở số âm -0,40, rất xấu so với Thái (0,09), Nhật (1,38), Hàn (1,10), Đài Loan (1,47). [9] Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là không ra gì cả, chỉ có nói nhiều nhưng khi làm việc thì rất tồi.

Pháp quyền: tôn trọng và tuân thủ các quy tắc của xã hội, bao gồm cả chất lượng của thực thi hợp đồng và quyền sở hữu, cảnh sát, và các tòa án, cũng như khả năng xảy ra tội phạm và bạo lực. Chỉ số của Việt Nam là rất tệ ở số âm -0,15, rất xấu so với Thái (0,11), Nhật (1,58), Hàn (1,13), Đài Loan (1,30). [9] Bởi đảng đòi thọc tay vào mọi hoạt động của nhà nước và xã hội, nên đất nước mỗi lúc mỗi loạn.

Tiếng nói và Trách nhiệm giải trình: mức độ mà công dân có thể tham gia vào việc lựa chọn chính phủ của họ, cũng như quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội. Chỉ số của Việt Nam là rất tệ ở số rất âm -1,30, rất xấu so với Thái (-0,79), Nhật (1,08), Hàn (0,93), Đài Loan (1,10). [9] Thể chế mà ông Trọng ráng giữ  đa phần là được điều hành bởi bọn vô trách nhiệm.

Bức tranh toàn cảnh của độc tài toàn trị dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng là rất xấu. Thế thì tại sao ông ấy lại cố tình dẫn dắt thế hệ trẻ đi theo con đường độc đạo là vào đoàn vào đảng? Phải chăng ông ấy lo lắng về những nguồn thông tin và lựa chọn thay thế có thể đe dọa độc quyền để tham nhũng của đảng hơn là lo lắng cho tương lai các thế hệ trẻ? 

Trong tương lai, những người trẻ sẽ tự lựa chọn con đường họ đi. Lớp đi trước sẽ làm việc chăm chỉ để cung cấp mọi dữ liệu và thông tin để họ tự lựa chọn.

Nguồn:

1. Nguyễn Phú Trọng. Xây dựng đoàn thanh niên và lực lượng thanh niên thật sự trở thành đội quân xung kích, dũng cảm và sáng tao. 15/12/2022; Available from: https://special.nhandan.vn/xay-dung-Doan-thanh-nien-thanh-doi-quan-xung-kich/index.html#730059%7Ctopic-box-459372%7C0.

2. International Encyclopedia of the Social Sciences – Encyclopedia.com. “Exit, Voice, and Loyalty .”. 20 Dec. 2022; Available from: https://www.encyclopedia.com.

3. Sen, A., V. Rao, and M. Walton, Culture and public action. 2004, Stanford University Press Stanford CA.

4. Bourdieu, P., The logic of practice. 1990: Stanford university press.

5. Appadurai, A., The capacity to aspire: Culture and the terms of recognition. Culture and public action, 2004. 59: p. 62-63.

6. World Bank. Gini index. 1967 – 2021; Available from: https://data.worldbank.org/indicator/SI.POV.GINI.

7. Our world in data. All our interactive charts on Human Rights. 2021; Available from: https://ourworldindata.org/human-rights.

8. The World Bank. GDP per capita (current US$). 2021; Available from: https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.PCAP.CD.

9. The World Bank. Worldwide governance indicators. 2021; Available from: https://databank.worldbank.org/reports.aspx?Report_Name=WGI-Table&Id=ceea4d8b.

Tags: , ,

Comments are closed.