Chiến Tranh Chiếm Lĩnh Nhận Thức – “Kế Hoạch Mật Của Hải Quân Việt Nam” Từ Philippines Sang Nhật 


Research Asssisant – 24/8/2023
Thực hiện: Trần Phạm Bình Minh, Hương Nguyễn, Hoàng Việt Hải, Nguyễn Huy Hoàng
Biên tập: Nguyễn Trung Việt & Nguyễn Nhật Minh
Tư liệu: South China Sea News

Một góc quan sát Đá Tiên Nữ ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: VNDF Biển Đông

Như Quách Vân Phi, một học giả Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc viết trên tạp chí lý luận hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lãnh địa nhận thức đã trở thành lãnh địa cuối cùng của cạnh tranh cường quốc và đối đầu quân sự. Cuộc chiến tấn công vào “tâm” và “trí” nhằm “bất chiến tự nhiên thành” đã được thể hiện một cách lộ liễu ở Philippines trong những ngày vừa rồi, trong bối cảnh đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây, và Philippines đang kỳ vọng đạt được một thỏa thuận với Việt Nam về hợp tác hàng hải.

Hội đồng An ninh Philippines: Trung Quốc sử dụng đặc tình người Philippines để chia rẽ Philippines về vấn đề Biển Đông

Theo Trợ lý Thư ký kiêm phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Jonathan Malaya, “các đặc tình chính trị” của Trung Quốc đang làm suy yếu lập trường của Philippines trên Biển Tây Philippines. Một ví dụ là khẳng định của Trung Quốc rằng Philippines hứa sẽ dỡ bỏ BRP Sierra Madre khỏi Bãi Cỏ Mây. Theo Malaya, đây là một phần trong “chiến tranh tâm lý” của Trung Quốc sử dụng chính người địa phương nhằm tác động đến dư luận theo hướng có lợi cho họ. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr phủ nhận sự tồn tại của một thỏa thuận như vậy và tuyên bố rằng ông sẽ hủy bỏ nó, nếu có.

Malaya cũng đề cập đến việc Trung Quốc sử dụng “chiến tranh nhận thức”, bao gồm cả việc thao túng thông tin thông qua trí tuệ nhân tạo, để tác động đến quan điểm của các đối thủ của Trung Quốc.
Họ đang làm suy yếu vị thế của Philippines thông qua các đặc tình chính trị của họ ở đây vào thời điểm người Philippines cần đoàn kết và cho thế giới thấy người dân ủng hộ lập trường của chính phủ Philippines, Malaya nhận định trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh dzBB hôm thứ Năm. Không nêu tên cụ thể, nhưng ông đang muốn ám chỉ các nhà bình luận địa phương đã nói rằng Philippines thực sự đã cam kết kéo Sierra Madre khỏi Bãi Cỏ Mây.

“Chúng ta đang rơi vào bẫy của họ và thay vì đoàn kết như một quốc gia, chúng ta lại cãi nhau vì bị cho là có những kẻ phản bội,” ông nói. “Trong khi tất cả chúng ta đang tranh luận ở đây, thì họ đang củng cố lập trường họ của và chúng ta đang rơi vào điều họ muốn dẫn dắt.”

Những người giấu mặt đẩy mạnh tuyên truyền về kế hoạch “tối mật” của Hải quân Việt Nam
Báo cáo của Inquirer cho thấy đã có một nỗ lực tiếp cận một loạt các tờ báo khác nhau và các học giả tên tuổi ở Philippines nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về việc Việt Nam có kế hoạch xây dựng “tối mật” ở quần đảo Trường Sa. Chuyên gia an ninh hàng hải Jay Batongbacal, người đứng đầu Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển UP, cho rằng đây là một chiến thuật “chia để trị” tương tự, lần này được áp dụng để chia rẽ Philippines và Việt Nam.

Ông và hai người lên tiếng chỉ trích các hành động của Trung Quốc nói với Inquirer rằng họ đã được tiếp cận riêng vào tháng 7 bởi các cá nhân mà họ không thể xác minh danh tính, yêu cầu họ viết về cáo buộc Việt Nam quân sự hóa Biển Đông.

Batongbacal, Thẩm phán Tòa án Tối cao đã nghỉ hưu Antonio Carpio và giáo sư nghiên cứu quốc tế của Đại học De La Salle Renato De Castro cho biết họ đã được liên lạc qua email và Viber và được đề nghị trả tiền cho các bài bình luận của họ.

Họ nghi ngờ rằng các nhóm người Trung Quốc hoặc do Trung Quốc bảo trợ có thể đứng đằng sau nỗ lực chia rẽ Philippines và Việt Nam trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực giải quyết những tranh chấp trên biển còn tồn tại.

Hai phóng viên của Inquirer, một phóng viên báo địa phương khác và một đài truyền hình cũng đã nhận được riêng email từ ba cá nhân tuyên bố có thông tin được cho là “tuyệt mật” về kế hoạch xây dựng đảo của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Những cá nhân này cho biết họ đang ở nước ngoài và không thể gặp trực tiếp các phóng viên của Inquirer.

Một trong số họ muốn “gây áp lực lên chính phủ Việt Nam thông qua các phương tiện truyền thông để ngừng các hoạt động xây dựng đảo của họ.”

Carpio, Batongbacal và De Castro cho biết họ được hứa hẹn sẽ nhận được một số tiền tài trợ không xác định.

Batongbacal cho biết: “Đây là những tin nhắn bất ngờ, không có thông tin nhận dạng thực sự mặc dù họ cố gắng làm ra vẻ rằng họ có liên quan đến một số doanh nghiệp hợp pháp.”

Carpio cho biết ông đã xóa các email vì lo ngại nó có thể chứa phần mềm độc hại.

Ông chắc chắn rằng ý định của những nỗ lực này nhằm hướng sự tức giận của người dân Philippines vào Việt Nam và quên lãng Trung Quốc.

Từ Philippines, “kế hoạch tối mật của Hải quân Việt Nam” được đề cập trên tờ báo hàng đầu Nhật Bản
Tờ Manila Times của Philippines đã đưa tin về “kế hoạch tối mật” của Hải quân Việt Nam trong bối cảnh mờ ám như vậy.

Nhưng điều đáng chú ý là bài báo của Manila Times đã được tờ báo hàng đầu của Nhật Bản là Nikkei Asia trích dẫn lại. Theo Manila Times, tài liệu được cho là kế hoạch xây dựng của Hải quân Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nhận định rằng bằng cách tăng cường hiện diện ở Trường Sa, Việt Nam có thể gia tăng áp lực quân sự đối với các nước láng giềng.

Hàng ngàn cây cối sẽ được trồng trên những hòn đảo đó để che giấu các hoạt động xây dựng, Nikkei trích dẫn lời kể của một người được cho là am hiểu việc này. Nguồn tin này nói thêm rằng việc Việt Nam quân sự hóa các đảo sẽ gây ra mối đe dọa lớn cho Philippines gần đó. Phó Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải Harrison Pretat cho rằng đợt nạo vét mới này của Việt Nam có thể tạo cớ cho Trung Quốc và Philippines cũng sẽ tiến hành hoạt động tương tự.

Theo Manila Times, tài liệu có tựa đề (tạm dịch) “Quy hoạch các dự án xây dựng trên đảo Phan Vinh và Đá Tiên Nữ ở quần đảo Trường Sa,” được ký bởi Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam, vào ngày 27 tháng 3 năm 2023. Xin lưu ý rằng tựa đề trên dịch ngược lại sang tiếng Việt từ tựa đề tiếng Anh của Manila Times: “Planning of Construction Projects on Pearson Reef and Pigeon Reef in Spratly Islands.”

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói với Nikkei Asia rằng bà không có thông tin về tài liệu của Manila Times. Bên cạnh đó, đã có những nỗ lực của các nhà báo Việt Nam liên hệ một cách không chính thức với người trong Hải quân Việt Nam xem có hay không việc tài liệu mật của Hải quân bị tiết lộ, nhưng không nhận được phản hồi.

Điều này, theo nhóm cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, tiếp tục tạo ra sự mơ hồ và bất lợi cho Việt Nam trong công chúng quốc tế, cho phép đối phương có thể tiếp tục thao túng và dẫn dắt công chúng nhận thức về Việt Nam theo ý họ muốn. Đặc biệt, chiến dịch tuyên truyền khởi phát từ Philippines diễn ra cùng thời gian với việc Trung Quốc khởi động tái phát triển tiền đồn ở đảo Tri Tôn gần Việt Nam nhất.

Không bình luận trực tiếp về thực hư sự hiện diện tài liệu của Hải quân Việt Nam, Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Việt Nam, cho biết giữa Việt Nam và Philippines chỉ xảy ra xung đột ở Đảo Song Tử Tây thời Việt Nam Cộng hoà trước năm 1975. Từ năm 1975, giữa Việt Nam và Philippines không có xung đột gì. Quan hệ hải quân hai nước rất tốt đẹp, thường xuyên có các cuộc tham vấn và giao lưu trên mọi cấp độ. Việt Nam có tôn tạo đảo để cải thiện điều kiện sinh hoạt cho cư dân trên các đảo Việt Nam quản lý mà không có tranh chấp vũ lực. Nói Việt Nam quân sự hoá các đảo là sai vì chế độ quân quản đã tồn tại từ trước, và giờ Việt Nam đang thúc đẩy dân sự hóa trên các đảo. Việt Nam sử dụng toàn bộ vật liệu từ đất liền trong các hoạt động tôn tạo nên Việt Nam không huỷ hoại san hô, không tác động xấu tới môi trường biển. Để phòng thủ đảo thì duy trì sức mạnh quân sự vừa đủ là cần thiết. Tóm lại, Việt Nam không vi phạm Tuyên bố Ứng xử Các bên ở Biển Đông, ông Thái khẳng định.

Xem thêm:

Philippine Daily Inquirer ngày 18/8/2023: China using ‘operators’ to divide PH on WPS — NSC

The Manila Times ngày 27/7/2023: Vietnam builds more facilities in Spratlys

Nikkei Asia ngày 19/8/2023: Vietnam said to plan military buildup on South China Sea footholds. Một bản PDF được lưu ở đây

Comments are closed.