Chuyện Việt Nam Thứ Ba 04/7/2023


Quê Hương tổng hợp


Việt Nam cấm chiếu phim Barbie vì có hình ‘đường lưỡi bò’: nhạy cảm thái quá hay cẩn tắc vô áy náy?

Trường Sơn, RFA – 04/7/2023

Việt Nam cấm chiếu phim Barbie vì có hình ‘đường lưỡi bò’: nhạy cảm thái quá hay cẩn tắc vô áy náy?

Ảnh minh họa: loạt búp bê Barbie tại Triển lãm New York hồi tháng 2/2020 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngJordan Strauss/Invision/AP file 

Cục Điện ảnh Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền kiểm duyệt phim ảnh, vừa ra thông báo không cấp phép cho bộ phim Barbie của hãng Warner Bros với các ngôi sao Hollywood, khiến cho các rạp ở trong nước không thể chiếu bộ phim này.

Lý do của lệnh cấm này được cho là có sự xuất hiện của đường chín đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò – mà Trung Quốc sử dụng để tuyên truyền về tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông, trong một cảnh của bộ phim.

Thông tin trên sau đó đã được các hãng tin trên toàn thế giới loan tải, từ Châu Á, Châu Âu, cho tới Hoa Kỳ.

Vụ việc này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng sức ép lên Việt Nam ở trên khu vực Biển Đông.

Cụ thể, các tàu hải cảnh, tàu dân quân, và tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong những tháng vừa qua, với mục đích ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí của quốc gia Đông Nam Á này.

Tuy thừa nhận lệnh cấm đối với bộ phim Barbie là do có liên quan đến ‘đường lưỡi bò’, nhưng phía Cục Điện ảnh lại không cung cấp thông tin cụ thể để làm dẫn chứng cho quyết định trên. Khiến cho dư luận phải đoán già đoán non về hình ảnh nào trong bộ phim khiến nó bị kiểm duyệt.

Phóng viên của Đài Á châu Tự do đã liên hệ với Cục Điện ảnh để hỏi thêm thông tin, sau đó được hướng dẫn gọi vào số máy của Phòng phổ biến phim, nhưng không ai trả lời.

Quyết định trên của cơ quan kiểm duyệt đã tạo ra hai luồng dư luận, một cho rằng như vậy là cần thiết để ngăn chặn hành vi tuyên truyền của Trung Quốc, nhưng ý kiến khác lại cho rằng điều đó là không cần thiết.

Trao đổi với đài RFA từ nước Úc, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, cho biết chính quyền Việt Nam đã phản ứng “thái quá” trong sự việc này. Ông nói thêm:

“Dựa trên những gì mà tôi biết thì tôi cho rằng đây là một phản ứng quá mức cần thiết, và nó đánh lạc hướng dư luận ra khỏi hành vi hung hăng của Trung Quốc hiện đang diễn ra tại bãi Tư Chính”.

Vị giáo sư có thâm niên nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông cũng cho rằng sẽ không ai để ý đến chi tiết này trong bộ phim nếu nhà nước Việt Nam không ra lệnh cấm:

“Nếu Việt Nam giữ im lặng, thì làm sao ai biết, nếu là tôi ngồi xem với cháu của mình và nhìn thấy hình ảnh đó thì tôi sẽ nghĩ ồ cái này trông giống tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nhưng đấy là vì tôi là một chuyên gia trong lĩnh vực này, còn nếu là người bình thường thì sẽ không thể biết được.”

Ở chiều ngược lại, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, Đinh Kim Phúc, thì cho RFA biết rằng việc khán giả xem phim nhận ra ‘đường lưỡi bò’ hay không thì không phải là vấn đề. Mà điều quan trọng là ngăn chặn không cho Trung Quốc tuyên truyền về yêu sách của họ trên Biển Đông ở ngay tại Việt Nam.

“Nếu như bộ phim nay mà thực sự xuất hiện đường lưỡi bò và nếu Việt Nam cho chiếu trên toàn lãnh thổ Việt Nam, thì Trung Quốc sẽ ghi ra một điểm, rằng đây, Việt Nam đã chấp nhận sự xuất hiện của đường lưỡi bò, tức là chấp nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.”

Vị cựu giảng viên của trường Đại học Mở TP. HCM cũng cho biết chính sách cấm lưu hành các ấn phẩm văn hóa có chứa thông tin tuyên truyền của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông nhằm ba mục đích:

“Thứ nhất là nhằm khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là không chấp nhận đường lưỡi bò, thứ hai là yêu cầu quốc tế phải chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài thường trực năm 2016, thứ ba việc này nằm trong kế hoạch tổng thể để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam ở trên Biển Đông, và không ai được tuyên truyền ngược lại với quan điểm của Việt Nam rằng Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam.”

Một vấn đề gây bất đồng nữa ở trong vụ việc này đó là có hay không việc Trung Quốc trực tiếp tạo ảnh hưởng để ‘đường lười bò’ xuất hiện trong một bộ phim do Hollywood làm?

Được biết đây không phải là lần đầu tiên một bộ phim được sản xuất bởi các hãng phương tây nhưng lại chứa hình ảnh tuyên truyền chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trước đó đã có hàng loạt bộ phim bị Việt Nam cấm chiếu hoặc phải cắt bỏ các phân đoạn có chứa nội dung liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Đơn cử như ở bộ phim Unchartered hồi năm 2022, hay các bộ phim được chiếu trên Netflix như Pine Gap, Madam Secretary, hay Put Your Head on My Shoulder.

Bình luận về khía cạnh này, giáo sư Carlyle Thayer tỏ ra khá thận trọng, ông cho biết:

“Nếu trong trường hợp bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc thành công đến độ nó khiến cho một nghệ sĩ nào đó vẽ ra đường lưỡi bò mà không ý thức được hành động của mình, thì như vậy sẽ rất nguy hiểm cho Việt Nam vì như thế thì Trung Quốc đang thắng trong việc phổ biến quan điểm của họ. Thế nhưng đó mới chỉ là giả thiết.”

Với một thái độ khẳng khái hơn, ông Đinh Kim Phúc cho rằng việc lồng ghép các thông tin tuyên truyền về chủ quyền trên Biển Đông là một “âm mưu” của Trung Quốc. Ông nói:

“Những âm mưu và thủ đoạn của Trung Quốc nó thể hiện qua rất nhiều lĩnh vực như chính trị, quan hệ quốc tế, kinh tế, và văn hóa-nghệ thuật. Do vậy chúng ta phải luôn luôn cảnh giác đối với sự tuyên truyền của Trung Quốc.”

Tại các diễn đàn về phim ảnh trên mạng xã hội Facebook thì phản ứng đối với lệnh cấm chiếu bộ phim Barbie cũng thể hiện sự khác biệt trong quan điểm. Một số cho rằng hành động kiểm duyệt trên là chính đáng vì chủ quyền quốc gia nên được đặt lên trên giải trí. Nhưng cũng có không ít ý kiến bình luận thể hiện sự tiếc nuối vì không thể xem được bộ phim. 


Chủ kênh YouTube “Nói Bằng Thực TV” kháng cáo giám đốc thẩm bản án bốn năm tù

RFA – 03/7/2023

Chủ kênh YouTube "Nói Bằng Thực TV" kháng cáo giám đốc thẩm bản án bốn năm tù

Bà Vũ Thị Kim Hoàng và ông Nguyễn Thái Hưng 

FB/RFA edited 

Ông Nguyễn Thái Hưng, chủ kênh YouTube “Nói Bằng Thực TV” đã gửi đơn kháng nghị giám đốc thẩm bản án bốn năm tù giam về tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” cho Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Hưng, 51 tuổi, bị bắt đầu năm 2022 vì thực hiện 21 cuộc nói chuyện trực tuyến trên kênh Youtube của mình từ đầu tháng 6/2020 đến khi bị bắt với nội dung bị cho là “nói xấu Đảng và Nhà nước, xuyên tạc chính sách phát triển kinh tế xã hội, vu khống lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc không đúng sự thật những vụ việc nổi bật diễn ra gần đây.”

Trong phiên sơ thẩm vào tháng 11/2022, ông Hưng bị Toà án Nhân dân huyện Tân Phú tuyên án bốn năm tù theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Trong phiên phúc thẩm cuối tháng ba vừa qua, Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã giữ nguyên mức án. Vợ ông, bà Vũ Thị Kim Hoàng, cũng bị kết án 30 tháng tù giam với cùng tội danh cho dù không tham gia vào công việc của chồng mà chỉ chăm sóc chồng và cho chồng mượn máy tính để làm việc.

Trong cả hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, ông Hưng đều kêu oan, cho rằng mình chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp Việt Nam 2013 và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Trong ngày 02/7, bà Vũ Giáng Tiên, chị ruột của bà Vũ Thị Kim Hoàng, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết qua tin nhắn về việc kháng nghị của ông Hưng:

Ngày 25/6, gia đình tôi nhận được giấy báo từ Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh gửi Nguyễn Thái Hưng với nội dung cơ quan này nhận được đơn kháng án của Nguyễn Thái Hưng đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TPHCM xem xét thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm ngày 29/3 của Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Cũng trong văn bản này, Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TPHCM yêu cầu Nguyễn Thái Hưng bổ sung bản án đã có hiệu lực pháp luật. Tôi đã thay mặt Nguyễn Thái Hưng gửi bản sao văn bản này cho cơ quan kiểm sát vào tuần trước.”

Bà Tiên cho biết vào ngày 30/6, bà có đến Trại tạm giam của Công an tỉnh Đồng Nai để thăm gặp Nguyễn Thái Hưng và thông báo cho ông về yêu cầu của bên kiểm sát. Tuy nhiên, khi bà tới nơi thì được cơ sở giam giữ này thông báo rằng ông Nguyễn Thái Hưng đã bị chuyển đi thi hành án ở Trại giam Huy Khiêm, tỉnh Bình Thuận vào giữa tháng sáu.

Ông gửi đơn kháng án giám đốc thẩm vài ngày trước khi bị chuyển trại, bà Tiên cho hay.

Vợ ông Nguyễn Thái Hưng, bà Hoàng, đã bị buộc thi hành án tù từ đầu tháng trước và hiện đang bị giam ở Trại tạm giam Tân Phú (Đồng Nai).

Như tin đã đưa, ông Hưng và bà Hoàng bị bắt ngày 05/1/2022 khi đang có bài nói chuyện trực tuyến trên kênh YouTube “Nói Bằng Thực TV” có khoảng 40.000 người đăng ký.

Trong các chương trình của mình, ông thường nói về các vấn đề của Việt Nam như pháp luật Việt Nam, tham nhũng mang tính hệ thống, quản lý tù nhân… Số lượng người xem từ 19.000 đến 56.000 mỗi một chương trình.

Những vụ việc mà cáo trạng nhắc tới có vụ tấn công của Cảnh sát Cơ động vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, vào đầu năm 2020.

Ông Hưng bị cho là thu lợi bất chính hơn 384 triệu đồng quảng cáo từ việc phát trực tiếp lên YouTube. Kênh YouTube này đã không còn nội dung nào sau khi hai vợ chồng ông Hưng-bà Hoàng bị bắt giữ.

Trước và sau phiên xử sơ thẩm, công an Đồng Nai nhiều lần thuyết phục ông Hưng và vợ nhận tội để được giảm án.


Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời về vụ thiết bị bay không người lái ở biên giới mà Campuchia nêu

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời về vụ thiết bị bay không người lái ở biên giới mà Campuchia nêu

Ông Hun Sen nói ông tin rằng những thiết bị bay không người lái do những người thiểu số nổi dậy tại Việt Nam điều khiển; tuy nhiên cơ quan chức năng Việt Nam bác bỏ. 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngDân Việt (minh họa) 

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, vào ngày 3/7 trả lời câu hỏi của báo giới về thông tin mà phía Campuchia đưa ra liên qua các thiết bị bay không người lái ở địa phận tỉnh Ratanakiri của Xứ Chùa Tháp.

Truyền thông Nhà nước dẫn trả lời chung chung của bà Phạm Thu Hằng khi được hỏi về vấn đề liên quan. Nguyên văn bà này nói : “Việt Nam và Campuchia luôn hợp tác chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, duy trì an ninh trật tự và phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Campuchia củng cố đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.

Hôm 27/6, Thủ tướng Hun Sen của chính phủ Phnom Penh ra lệnh cho lực lượng quân đội tại bốn tỉnh đông bắc (Kratie, Mondulkiri, Ratanakiri, Tboung Khnum giáp ranh với Việt Nam) bắn hạ mọi thiết bị bay không người lái bị cho vi phạm không phận của Xứ Chùa Tháp.

Ban Tiếng Khmer của RFA loan tin ngày 28/6 nêu rõ lệnh của Thủ tướng Hun Sen được ban ra cho 500 quân và các đơn vị quản lý 200 hệ thống phòng không tại bốn tỉnh vừa nêu.

Người đứng đầu chính phủ Phnom Penh được dẫn kêu gọi các nước cho phép thiết bị không người lái bay sang vi phạm không phận của Xứ Chùa Tháp hãy ngừng ngay điều đó. Đó là hành động khủng bố chống lại Campuchia.

Ông Hun Sen nói ông tin rằng những thiết bị bay không người lái do những người thiểu số nổi dậy tại Việt Nam điều khiển; tuy nhiên cơ quan chức năng Việt Nam bác bỏ.

Thủ tướng Chính phủ Campuchia còn nói thêm khí tài quân sự được gửi đến bốn tỉnh vừa nêu được dùng không chỉ vào việc bắn hạ các thiết bị bay không người lái mà còn để truy lùng những người trốn chạy từ Việt Nam sang ẩn náu trên đất Chùa Tháp. Tuy nhiên, ông Hun Sen không cho biết cho thêm chi tiết liên quan.


Ông Trương Thanh Phong bị bắt vì liên quan “đất vàng”, không phải vì làm nông dân Việt Nam ngày càng nghèo mạt*

Hoàng Kim 

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/3574259929404171737365798688043885268378023n-16880518160521629135230.jpg

Công chức nhà nước không ai sướng bằng ông Trương Thanh Phong. 

Lương hợp pháp của ông Trương Thanh Phong trên 1 tỷ một năm, kéo dài từ năm 2003 đến năm 2013, chưa kể tiền thưởng từ lợi nhuận cả ngàn tỷ mỗi năm.

Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước bán rẻ sản phẩm bị cách chức, còn ông Trương Thanh Phong bán gạo xuất khẩu rẻ nhất thế giới nhiều năm nhưng được khen thưởng bằng tiền và huy chương.

Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước bán rẻ sản phẩm bất thường thì bị điều tra ăn lại giá rồi bỏ tù. Còn ông Trương Thanh Phong bán rẻ gạo xuất khẩu nhất thế giới, thấp hơn gạo cùng loại Thái Lan đến 100 đô la Mỹ/tấn chẳng ai dám đặt vấn đề bán rẻ gạo để ăn lại giá. (Nếu, giả sử mức lại giá 10% so với giá gạo Thái Lan thì mỗi tấn là 10 đô la Mỹ, Vinafood xuất khẩu 3 triệu tấn thì số tiền lên 30 triệu đô la Mỹ. VFA thì tiền lại giá lên đến 60 triệu đô la Mỹ). 

Ông Trương Thanh Phong là Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lúc VFA hầu hết là doanh nghiệp nhà nước chiếm đến 90% thị phần bán gạo xuất khẩu. VFA muốn bán gạo xuất khẩu giá nào cũng được không ai kiểm tra. 

Có năm thế giới khủng hoảng lương thực, giá gạo thế giới tăng rất cao trong thời gian ngắn, nên Philippines vội đấu thầu mua gạo. Để giữ vững thành tích bán gạo xuất khẩu thấp nhất thế giới, trước khi qua Phi đấu giá, ông Trương Thanh Phong tuyên bố với báo chí rằng: 

– VFA qua Philippines đấu giá không phải để bán gạo xuất khẩu giá cao, mà mục tiêu chính là bỏ giá hợp lý để bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới.

Ông Trương Thanh Phong từ năm 2003 là Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) mỗi năm mua lúa của nông dân khoảng 6 triệu tấn (xuất khẩu gạo khoảng 3 triệu tấn) với giá do Vinafood 2 đưa ra, nên nhiều năm ép giá lúa của nông dân xuống đáy tiệm cận giá thành. Có lần nông dân và báo chí phản ứng, thì ông ta tuyên bố VFA mua lúa giá đó mới xuất khẩu được, nếu nông dân không đồng ý bán thì để lúa lại nuôi vịt, vì VFA sẽ không nâng giá mua (ngoài VFA thì không còn ai mua lúa).

Do độc quyền mua bán lúa gạo để ăn lời đầu tấn: bán gạo giá thấp nhất thế giới rồi về trong nước ép giá mua lúa của nông dân sát giá thành, nên Vinafood 2 và VFA năm nào cũng lời tỷ tỷ, trong khi nông dân ngày càng nghèo mạt.

Lời tỷ tỷ nên Vinafood 2 được thưởng tiền và thưởng cả huân chương, huy chương treo đầy văn phòng. Tiền thưởng, huân chương, huy chương của Vinafood 2 có được là từ mồ hôi, nước mắt của nông dân, và từ sự bần cùng hóa nông dân.

Cánh báo chí đồn rằng Vinafood 2 và VFA là sân sau của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên chẳng ai dám động vào. Chỉ có 2 người ngoại lệ đó là Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân và gã nhà quê là tôi.

Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân nói: “Nông dân làm tôi mọi cho doanh nghiệp”, trong bài đăng trên báo Người Lao Động, lập tức Vinafood 2 có công văn yêu cầu báo Người Lao Động đăng đính chính với lý do là Vinafood 2 giúp nông dân. 

Báo Người Lao Động phải mở diễn đàn Khai phóng gạo Việt, đăng những bài phản đối cách làm ăn của VFA, sau đó VFA mới làm thinh.

Gã nhà quê tôi thì từ năm 2010 gọi VFA là bọn ăn cướp, lũ độc quyền chiếm hết lợi nhuận của nông dân làm lúa, nhưng chắc do đăng ở trang Bauxite Việt Nam nên VFA và ông Phong vờ như không biết, vì vậy không yêu cầu đính chính.

Năm 2013 nghe tin ông Trương Thanh Phong về hưu hạ cánh an toàn, tôi nghĩ vậy là việc ông ta bán gạo xuất khẩu thấp nhất thế giới đã chìm xuồng, và việc “lại giá” cũng chìm theo thời gian.

Giàu có như ông Phong thì còn thèm gì tiền nữa mà lại dính vào đất ở 132 Bến Vân Đồn? Lòng tham vô độ chăng? Hay đó là cái bẩy của quả báo?

Nhưng ông Phong cũng còn may mắn vì không ai nghĩ đến việc truy xét về vấn đề lại giá trong xuất khẩu gạo trong thời gian đương chức của ông ta.


Cháy hộp đêm ở Phnom Penh, có 2 người Việt trong số ít nhất 8 người chết 

03/7/2023 – VOA Tiếng Việt 

Hình ảnh đăng trên Khmer Times cho thấy ngọn lửa bùng lên dữ dội ở một hộp đêm ở Phnom Penh

Hình ảnh đăng trên Khmer Times cho thấy ngọn lửa bùng lên dữ dội ở một hộp đêm ở Phnom Penh 

Một vụ cháy hộp đêm kinh hoàng đã xảy ra ở Phnom Penh hôm 2/7 với tổng số nạn nhân tử vong là 8 người, trong đó phần lớn là người nước ngoài.

Cảnh sát nói rằng đám cháy bùng phát vào khoảng 5 giờ chiều trên tầng 5 của hộp đêm ‘6969’ ở đường Sangkat Phsar Depot 1, khu Khan Toul Kork, Phnom Penh.

Giới chức nói rằng 8 người đã chết trong vụ hỏa hoạn – bao gồm 5 người Trung Quốc (4 nam, 1 nữ) và 2 người Việt Nam và 1 người Campuchia

Đại tá Prohm Yorn, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ, nói rằng mặc dù lính cứu hỏa đã nhanh chóng có mặt ở hiện trường, họ không thể giải cứu 8 nạn nhân này vì họ bị kẹt ở các tầng cao.

Ông nói thêm rằng khói độc từ đám cháy càng khiến công việc giải cứu thêm khó khăn.

Đại tá Prohm Yorn nói rằng đám cháy bùng phát do chập điện

Cảnh sát cho biết họ vẫn đang lục soát hộp đêm.

San Sok Seiha, phát ngôn nhân Cảnh sát Đô thành Phnom Penh được Tân Hoa Xã dẫn lời nói rằng các nạn nhân là công nhân đang sửa chữa nội thất của hộp đêm.

Comments are closed.