Chuyện Việt Nam Thứ ba 18/7/2023: *Bão Talim sẽ ‘càn quét’ các tỉnh miền Bắc *cảnh sát biển Hoa Kỳ ở Biển Đông *7 năm phán quyết Biển Đông *Từ chuyến bay giải cứu *Tòa tạm dừng để… “ngã giá” *Lưu manh có chữ nguy hiểm hơn mù chữ *Võ Văn Thưởng sắp thăm Ý, Áo, Vatican 


Quê Hương tổng hợp


Bão Talim sẽ ‘càn quét’ nhiều tỉnh miền Bắc

Lê Thiệt /SGN
17/7/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/03-bao-Talim-1.gif

Bản đồ dự báo đường đi của bão Talim (bão số 1) – Ảnh: Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia 

Theo dự báo, cơn bão Talim (cơn bão số 1) với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15 sẽ đổ bộ vào miền Bắc vào chiều 18 Tháng Bảy, sau đó sức gió vùng tâm bão sẽ giảm xuống còn cấp 9, giật cấp 12. Tuy vậy, vùng ảnh hưởng của bão số 1 vẫn rất lớn.

Dự báo trong 24-48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km. Vào chiều 18 Tháng Bảy, bão đi vào đất liền khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng và suy yếu nhanh. Đến 13:00 ngày 19 Tháng Bảy, bão trên đất liền khu vực phía Tây Bắc Bộ với cường độ giảm xuống dưới cấp 6.

Ông Phạm Đức Luận – Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng – cho biết, hiện nay các địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/03-bao-Talim-2.png

Trong đêm 17 Tháng Bảy, bão số 1 sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ – Ảnh: Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia 

Trong đó các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh – Ninh Bình dự kiến sơ tán gần 30,000 người (Quảng Ninh 700, Hải Phòng 8,691, Thái Bình 19,021; Nam Định 1,128; Ninh Bình 347).

Do sức ảnh hưởng của cơn bão Talim quá lớn, tối 17 Tháng Bảy, lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết vừa có quyết định đóng cửa sân bay Nội Bài, Cát Bi và Vân Đồn trước nguy cơ ảnh hưởng của bão Talim.

Theo đó, sân bay Cát Bi và Vân Đồn đóng cửa từ 9:00 đến 19:00 ngày 18 Tháng Bảy. Trong khi đó, sân bay Nội Bài đóng cửa từ 11:00 đến 20:00 cùng ngày.

Vẫn theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, những ngày tới, mưa có thể lan rộng ra khu vực Thanh Hóa và Nghệ An với lượng mưa dự báo 70-120mm.

Đáng lưu ý từ ngày 18 đến ngày 20 Tháng Bảy, trên các sông suối thuộc khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên 5 mét.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/03-bao-Talim-3.jpg

Sân bay Nội Bài sẽ tạm đóng cửa từ 11h đến 20h ngày 18 Tháng Bảy trước nguy cơ ảnh hưởng của bão số 1 – Ảnh minh họa: Dân Trí 

Trong đợt này, mực nước đỉnh lũ trên các sông Thương, Lục Nam khả năng đạt mức báo động báo động 1 hoặc 2. Đỉnh lũ khu vực thượng lưu và các sông suối nhỏ thuộc sông Đà, Thao, Lô lên mức báo động 1. Các sông suối nhỏ khu vực các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh có khả năng xuất hiện lũ cục bộ.

Vì vậy, sạt lở đất có nguy cơ rất cao sẽ xảy ra tại các tỉnh vùng núi, trung du phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên và Thanh Hóa.

Nhiều tour du lịch bị hủy

Nhiều du khách tham quan Hải Phòng, Quảng Ninh hủy phòng, tour vì bão Talim, khiến người kinh doanh, trong đó có du thuyền, “than trời” vì thiệt hại lớn.

Ông Phạm Hà, chủ du thuyền Heritage chạy tuyến vịnh Lan Hạ (Hải Phòng), nói tàu đã về điểm trú bão tại bến Gia Luận từ chiều 16 Tháng Bảy.

Ông Hà cho biết do lịch trình tham quan, ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ bị hủy trong hai đêm, doanh nghiệp của ông mất khoảng hơn 200 triệu đồng. Việc hủy, hoãn chuyến do lệnh cấm tàu gây thiệt hại lớn cho người kinh doanh nhưng buộc phải chấp nhận để bảo đảm an toàn cho du khách.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/03-bao-Talim-4.jpg

Tàu neo đậu ở bến Gia Luận (Hải Phòng) để tránh bão sáng 17 Tháng Bảy – Ảnh: VNExpress 

Cơn bão Talim cũng khiến hoạt động kinh doanh du lịch của các khách sạn trên đảo Cát Bà bị ảnh hưởng. Đại diện một khách sạn 5 sao cho biết đã có nhiều du khách yêu cầu hoãn, hủy phòng do tình hình bão.

Tại Quảng Ninh, tình hình du lịch cũng bị ảnh hưởng do thời tiết ngày càng xấu trước tin bão Talim sẽ đổ bộ vào ngày 18 Tháng Bảy.

Tại Hạ Long, các khách sạn cũng bắt đầu nhận được yêu cầu hủy, dời lịch từ khách vì lo lắng thời tiết xấu. Đại diện Mường Thanh Luxury Quảng Ninh cho biết họ chỉ chấp nhận dời lịch, chứ  không cho hủy phòng.


Vai trò của cảnh sát biể Hoa Kỳ ở Biển Đông và Khu vực

Ảnh: Tàu Stratton của CSB Mỹ hoạt động ở Biển Đông, ngày 7/6/2023. Nguồn: CSB Mỹ.

Từ đầu nhiệm kì Tổng thống Joe Biden, Cảnh sát biển (CSB) Mỹ đã mở rộng hoạt động tại Biển Đông nói riêng và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung. Những hoạt động này góp phần hiện thực hóa chính sách của Mỹ tại khu vực. 

1. Một số hoạt động của CSB Mỹ trong thời gian gần đây

– CSB Mỹ đẩy mạnh tuần tra và huấn luyện chung với đối tác. Đầu tháng 6/2023, CSB Mỹ cử tàu tuần tra Stratton tham gia diễn tập chung đầu tiên với CSB Philippines và Nhật Bản trên Biển Đông. Trước đó, tàu Stratton đã thăm Singapore và Nhật Bản vào tháng 5/2023. Sau khi hoạt động trên Biển Đông, tàu Stratton đã đi qua eo biển Đài Loan – lần đầu tiên một tàu CSB Mỹ độc lập đi qua eo biển mà không có tàu hải quân đi kèm dưới thời chính quyền Biden. 

– Bên cạnh đó, CSB Mỹ cũng có nhiều cam kết tăng cường năng lực cho các đối tác. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ năm 2022, Tổng thống Biden đã cam kết hỗ trợ 60 triệu USD cho các sáng kiến do CSB Mỹ phụ trách tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trước đó, trong giai đoạn 2015-2022, Mỹ đã chi hơn 120 triệu USD để xây dựng năng lực thực thi pháp luật cho các đối tác tại khu vực. Bên cạnh đó, số lượng tàu được Mỹ chuyển giao cho lực lượng CSB các nước trong khu vực gia tăng. Cụ thể, Mỹ đã chuyển giao cho CSB Việt Nam hai tàu tuần tra lớp Hamilton trong giai đoạn 2017-2021 và đang làm các thủ tục để chuẩn bị chuyển giao chiếc thứ ba ; CSB Mỹ cũng cam kết chuyển giao bốn tàu tuần tra đã qua sử dụng cho Philippines. Cùng các cơ quan khác trong chính phủ, CSB Mỹ cũng tham gia chuyển giao và hướng dẫn sử dụng các công cụ kỹ thuật để hỗ trợ hoạt động thực thi pháp luật như nền tảng theo dõi tàu thuyền SeaVision hay phần mềm lập kế hoạch tìm kiếm cứu nạn SAROPS cho các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, CSB Mỹ đã phối hợp với CSB Nhật Bản tiến hành các khóa huấn luyện dành cho CSB Philippines từ năm 2022. 

2. Lợi, hại và thách thức

– CSB là một công cụ để triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền Biden. Khác với quân đội Mỹ, lực lượng này là cơ quan thực thi pháp luật. Vì vậy, theo góc nhìn của một số học giả Mỹ, Mỹ có thể dùng CSB để tăng cường hiện diện và răn đe đối thủ mà không làm gia tăng căng thẳng, đặc biệt tại Biển Đông và các khu vực xung quanh. 

– Các nước trong khu vực có thể hưởng lợi từ hiện diện của CSB Mỹ. Thông qua tiếp nhận các khí tài và tham gia diễn tập – huấn luyện chung với CSB Mỹ, năng lực thực thi pháp luật và cứu hộ – cứu nạn trên biển và nhận thức biển (MDA) của lực lượng thực thi pháp luật các nước có thể được nâng cao và hoàn chỉnh. Theo Mỹ, CSB Mỹ cũng khả năng giúp các nước khu vực đối phó với các thách thức mang tính “vùng xám” trong khu vực.

– Tuy nhiên, có ý kiến trên báo chí Trung Quốc cho rằng hiện diện của CSB Mỹ trong khu vực có nguy cơ tạo ra thêm bất đồng và căng thẳng trong quan hệ giữa các nước lớn cũng như “làm nóng” tình hình khu vực.

– CSB Mỹ cũng gặp phải khó khăn trong việc tăng hiện diện tại Biển Đông và khu vực. Thứ nhất, do hạn chế về khí tài, cơ sở vật chất và ngân sách so với quân đội Mỹ. Cụ thể, ngân sách năm 2023 của CSB Mỹ chỉ là hơn 13 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với quân đội; CSB Mỹ chỉ có 9 tàu tuần tra tầm xa và không có căn cứ hậu cần nào ở Đông Nam Á. Trong khi đó, CSB Mỹ cũng phải cân bằng lực lượng để làm nhiệm vụ ở vùng biển của Mỹ. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến tần suất và hiệu quả của các hoạt động do lực lượng này tổ chức tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thứ hai, CSB Mỹ còn nhiều hạn chế về pháp lý. Học giả Yan Yan (Trung Quốc) lập luận Mỹ không có quyền thực thi hoạt động thực thi pháp luật ở vùng tranh chấp là Biển Đông mà chỉ có quyền hàng hải – nhưng có thể bị hạn chế nhất định bởi các nước ven biển. 

Độc giả NCBĐ nghĩ thế nào về vấn đề này?

TK


Phản ứng của các bên nhân 7 năm phán quyết Biển Đông

Nghiên cứu Biển Đông

18-7-2023

Nhân kỷ niệm 7 năm Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ra phán quyết cuối cùng (12/7/2016 – 12/7/2023), một số quốc gia trong và ngoài khu vực đã có các tuyên bố thể hiện lập trường với phán quyết nói riêng và Biển Đông nói chung.

1. Philippines

– Giống năm 2022, BTNG Philippines Enrique A. Manalo đã ra tuyên bố kỷ niệm phán quyết. Tuy nhiên, bản tuyên bố năm nay có một số khác biệt so với năm ngoái: (i) Không khẳng định phán quyết là chung thẩm (final); và (ii) không còn gọi phán quyết và UNCLOS là “mỏ neo kép (twin anchors) – thay vào đó Philippines gọi phán quyết là “ngọn hải đăng” dẫn được cho cộng đồng quốc tế và tuyên bố “sẽ tiếp tục biến kết quả tích cực của phán quyết thành lợi ích”.

– Ngoài BNG, Bộ Tư lệnh phía Tây của quân đội Philippines (Wescom, lực lượng phụ trách Trường Sa) cũng ra tuyên bố khẳng định vai trò của phán quyết. Bên cạnh đó, Philippines cũng khai trương một chuyên trang về phán quyết do BNG quản lý.

2. Trung Quốc

– Cả ĐSQ Trung Quốc tại Manila và NPN BNG Trung Quốc đều có phát ngôn liên quan tới phán quyết. ĐSQ Trung Quốc tại Manila tái khẳng định lập trường của Trung Quốc với phán quyết; chỉ trích Mỹ là thế lực đứng sau vụ kiện và thúc đẩy đồng minh khơi gợi vụ việc lên mỗi năm. Trong khi đó, khi được hỏi về tuyên bố của Philippines và Mỹ kỷ niệm 7 năm phán quyết trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 12/7, NPN BNG Trung Quốc Uông Văn Bân cũng phản bác phán quyết và chỉ trích Mỹ, nhưng tránh chỉ trích trực tiếp Philippines. Ông Uông cũng tuyên bố lập trường của Trung Quốc nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia trên thế giới.

– Ngoài ra, ĐSQ Trung Quốc ở Canada và Anh – hai nước có ra tuyên bố về phán quyết ở cấp độ Bộ Ngoại giao – cũng ra tuyên bố chỉ trích. Tuy nhiên, ĐSQ Trung Quốc tại Mỹ và Nhật Bản không có động thái tương tự.

3. Các nước phương Tây và các nước tầm trung tại Ấn – Thái

– Nhật Bản ra tuyên bố ở cấp cao nhất (Bộ trưởng Ngoại giao, tương tự 2022), tiếp theo là Anh (cấp NPN chính phủ), Canada và Mỹ (cấp NPN BNG. Năm 2022 Canada chỉ có phát ngôn ở cấp ĐSQ dù năm 2021 có tuyên bố ở cấp BNG). Bên cạnh đó, Úc, Pháp và các nước EU cũng có tuyên bố ở cấp độ đại sứ/đại sứ quán tại Philippines. Dù không đưa ra tuyên bố chính thức, Đại sứ Ấn Độ tại Manila Shambhu Kumaran tham dự sự kiện kỷ niệm phán quyết do Viện Stratbase ADRi tổ chức và khẳng định lại lập trường của Ấn Độ với phán quyết, thể hiện qua tuyên bố chung Ấn – Philippines ngày 29/6.

– Trừ Ấn Độ, nội dung các tuyên bố nhìn chung không có nhiều khác biệt với các năm trước: Một số nội dung chính có thể kể đến như khẳng định ý nghĩa phán quyết, kêu gọi các bên tuân thủ hay khẳng định lại chính sách của các nước về Biển Đông…

4. Các nước Đông Nam Á

– Tại Đông Nam Á, ngoài Philippines, đến nay chỉ có Việt Nam có phát biểu nhân kỷ niệm 7 năm phán quyết. Trả lời câu hỏi của phóng viên ngày 15/7, NPN BNG Việt Nam nêu rõ chủ trương nhất quán của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông giữa các Bên liên quan cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đóng góp cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông. Việt Nam cũng một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, và các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS.

5. Nhận xét

– Nhìn chung, phản ứng của các bên có phần dày đặc hơn so với dịp kỷ niệm 6 năm phán quyết hồi năm ngoái. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, đại sứ quán của các nước thành viên EU tại Philippines ra tuyên bố kỷ niệm phán quyết. Động thái này thể hiện châu Âu ngày càng quan tâm tới Biển Đông nói riêng và Ấn – Thái nói chung. Tuy nhiên, dường như EU vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung hoàn toàn khi ĐSQ Hungary không tham gia tuyên bố với các nước EU khác.

– Hiện nay có ba nhóm phản ứng: (i) ủng hộ phán quyết; (ii) không ủng hộ rõ ràng nhưng cũng không phản đối; và (iii) kịch liệt phản đối. Một điểm đáng chú ý trong thái độ của Trung Quốc là nước này chỉ trích Mỹ rất gay gắt, chỉ trích cả một số nước phương Tây ủng hộ phán quyết nhưng có thái độ mềm mỏng hơn với Philippines, tương tự chính sách được Trung Quốc áp dụng trong thời gian qua.

Độc giả NCBĐ nghĩ sao về vấn đề này?


Từ chuyến bay giải cứu: Nắm dao đằng cán

Tuấn Khanh/SGN
17/7/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/VNM-1280x743.jpg

Chuyện là ông Vũ Ngọc Minh, đại sứ Việt Nam tại Angola, khi nhận được lời đề nghị hỗ trợ đưa người Việt đi làm việc tại quốc gia ở Châu Phi này về nước vào giai đoạn cuối đại dịch 2022, đã nhanh chóng đưa ra 3 yêu cầu: nộp cho ông danh sách người về, và chỉ có ai được ông duyệt mới được lên máy bay. Điều thứ 3 thì nói sau.

Nghe qua, thấy như ông đại sứ này làm việc nhanh và công chính. Thế nhưng khi có danh sách, ông Minh nói ngay là phải chi mỗi người đi về là 3 triệu. Dựa vào điều 1 và điều 2, có nghĩa, ông Minh nắm dao đằng cán, ai có trong danh sách mà không nộp tiền, tức khỏi về.

Phía công ty thuê chuyến bay combo, sau đó đã chuyển vào tài khoản của ông Minh là 864 triệu đồng để được cho phép bay. Đến khi thấy sự vụ vỡ lở và đã có nhiều người bị điều tra, bắt giữ, ông Minh vội vã chuyển trả lại số tiền này, nhưng muộn.

Vũ Ngọc Minh là một cán bộ Ngoại giao thế hệ mới của nhà nước: giỏi tiếng Anh và được nhiều bằng khen về thành tích, được tu nghiệp về ngoại giao tại Trường đại học John Hopkins của Mỹ… suốt trong 30 năm làm công việc luân chuyển từ Panama, Costa Rica, Úc, Đức… cho đến Angola, ông Minh chưa để lộ bất kỳ một tì vết nào đáng có để có thể bị chê trách. Có thể nói ông là một hình mẫu của một cán bộ ngoại giao làm việc giỏi, thận trọng và khôn khéo.

Trên trang thông tin về cán bộ của Bộ Ngoại giao, vẫn còn ghi về tiểu sử của ông đại sứ Vũ Ngọc Minh “Trong thời gian công tác, Đại sứ Vũ Ngọc Minh đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vì những đóng góp đối với ngành ngoại giao, về công tác biên giới lãnh thổ cũng như bằng khen do các cơ quan khác trao tặng như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng…

Ấy vậy mà, vị quan chức đầy hào quang ấy, vào lúc đất nước và con người Việt Nam nguy khốn, nhận thấy râm ran giới cán bộ quan chức chung quanh mình đang ra sức ăn dày, ông cũng nghiêm nghị hưởng ứng bằng cách đưa ra giá 3 triệu cho một công dân. Sự thoái hóa nhanh chóng của một con người ở giai đoạn cuối cuộc đời, dù đã có một thời gian rất dài được coi là chuẩn mực và tốt đẹp, có thể thấy trong trái tim của lớp người đó, phụng sự không phải vì trách nhiệm, dân tộc và tổ quốc, mà rất dễ dàng quay mặt vào quyền lợi riêng khi cơ hội đến, đặc biệt vào lúc thấy chung quanh mình cũng xuất hiện bầy đàn có tâm tư tương tự.

Không có thế lực thù địch nào, cũng không có diễn biến hòa bình nào có thể tác động được những con người đã qua đào luyện và hành động trung thành với một thể chế, hơn nửa cuộc đời như vậy. Chỉ có những hố đen trong trái tim của họ được che đậy bằng sự giả dối, vốn đã âm thầm không thuộc về trách nhiệm, dân tộc và tổ quốc.

Hãy thử tưởng tượng, nếu đất nước lâm nguy vì bị xâm lược, kẻ thù ngay trước cửa, những quan chức ở những vị trí cao và được tín nhiệm lâu năm như vậy, là những kẻ nắm dao đằng cán kiểm soát sinh mạng của quốc gia, đều cùng nhau vì quyền lợi riêng mà im lặng quay mặt với nhân dân, đất nước, thì mọi thứ sẽ ra sao?

Ông Minh chỉ là một trong những kẻ hầu tòa để lộ những hố đen như vậy trong trái tim của mình, và chắc chắn còn nhiều kẻ khác nữa đang im lặng quan sát thời sự với hố đen thăm thẳm trong trái tim của họ, trên đất nước lúc này – những kẻ được quyền cầm dao mà không hề biết ngại.


Tòa tạm dừng để… cập nhật “ngã giá”

Hoài Nguyễn/VNTB

18/7/2023

VNTB – Tòa tạm dừng để… cập nhật “ngã giá”

Phiên tòa hình sự sơ thẩm “chuyến bay giải cứu” đã tạm dừng hai tiếng để cập nhật về số bạc “khắc phục” là “vở diễn” có chút “hơi vụng” của đôi bên.

Thường thì ở phiên phúc thẩm, để có căn cứ cho giảm án, các luật sư thường chọn theo hướng “khắc phục” bằng tăng số tiền mà gia đình thân chủ của họ nộp vào ngân sách nhà nước. Dĩ nhiên trước đó còn là những khoản “ngoại giao trà nước” để kịch bản này suôn sẻ ở phiên tòa.

Tôi còn nhớ lần đồng tham gia bào chữa cho một chủ doanh nghiệp lớn mà người em của ông chủ này là bạn của tôi. Khi đó, vị thân chủ bị tuyên tử hình ở phiên sơ thẩm. Tòa phúc thẩm do thẩm phán PCH “ngồi” (giờ ông PCH là luật sư).

Diễn biến phiên tòa theo hướng sẽ tăng mức tiền để “khắc phục”, qua đó giúp thân chủ của tôi được xuống còn mức chung thân. Thế nhưng bất ngờ là người vợ của người đứng trước vành móng ngựa đã từ chối bán bớt 1 căn nhà chung của họ để giúp “thi hành án” (họ có đến 3 căn nhà chung).

Phiên tòa nghỉ giải lao.

Thẩm phán PCH cùng người thân bên gia đình của vị thân chủ tôi đã phải ra sức “động viên” thì người vợ này mới… gật đầu. Án tuyên chung thân. Còn chuyện thi hành án ra sao thì… tôi không tiện hỏi sau đó, vì… tế nhị chuyện gia đình của họ.

Trước đó nữa, một người bạn khác của tôi vướng lao lý từ vụ án ông trùm Năm Cam. Phiên tòa phúc thẩm tuyên giảm án cho nhiều người vì gia đình của họ chấp nhận ‘xuất tiền khắc phục’, còn người bạn của tôi thì bà vợ dứt khoát từ chối.

“Trả án” xong, người bạn của tôi chia tay người vợ đó, và giờ cũng đề huề hạnh phúc với “người đến sau”.

Lập luận quen thuộc cho các trường hợp như trên, đại khái là sau khi thực hiện hành vi phạm tội cho đến khi bị đưa ra xét xử tại tòa, nếu người phạm tội nhận thức được hành vi phạm tội của mình và có ý thức khắc phục hậu quả, thì việc nộp tiền khắc phục hậu quả ở giai đoạn này được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trường hợp người phạm tội đã gây ra thiệt hại, tức là thiệt hại đã thực tế xảy ra nhưng người phạm tội đã sửa chữa, bồi thường những thiệt hại do mình gây ra cho bên bị thiệt hại hoặc đã tự nguyện khắc phục hậu quả của tội phạm.

Việc tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả phải xảy ra trước khi tuyên án và thuộc ở cấp nào thì cấp đó coi là tình tiết giảm nhẹ.

Hiện tại, pháp luật không quy định rõ mức đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả là bao nhiêu thì người phạm tội sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Duy nhất tại điểm c, khoản 3, Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về loại hình phạt “tử hình”, quy định rất rõ điều kiện mà người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ không bị thi hành hình phạt tử hình là phải chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Về mặt tuyên truyền cho quan điểm “nhân văn cộng sản”, thì phía nhà chức trách thường cao giọng rằng, “tình tiết khắc phục hậu quả không phải là phép tính cộng nộp tiền, và phép trừ giảm án mà mang tính nhân văn, giáo dục và răn đe cao, là sự phân loại bị cáo theo mức độ thành khẩn, hối cải”.

Trong phiên sơ thẩm cuối năm 2019, bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, bị đề nghị mức án tử hình về tội nhận hối lộ trong vụ mua bán cổ phần tại AVG. Trước ngày tòa tuyên án, gia đình ông Son nộp đủ 3 triệu USD mà bị cáo đã nhận hối lộ. Xét tình tiết giảm nhẹ này, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo nhận án chung thân.

Tương tự, sau khi nộp 37 tỷ đồng khắc phục hậu quả, đúng bằng 3/4 số tiền 49 tỷ đồng gây thiệt hại, cựu Tổng giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) Nguyễn Xuân Sơn đã được Tòa phúc thẩm kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Sơn từ tử hình xuống chung thân.

Tù chung thân với những trường hợp như trên, không dạm lạm bàn các cựu quan chức từng ở cấp thượng tầng chính trị, với anh của người bạn tôi như đã kể ở đầu bài viết này, được ra bên ngoài trại giam để mở xưởng nước đá và lại tiếp tục làm giàu…


Đỗ Trung Quân – Lưu manh có chữ 

18/7/2023

Lãnh tụ tối cao của Bắc Triều Tiên học đại học ở Thụy Sĩ.

Ái nữ rượu của Tập Hoàng đế học đại học ở Mỹ.

Hy vọng sẽ thay đổi gì ở thế hệ sống, học hành, nhìn thấy một xã hội & thể chế khác xa nước mình ?

Đừng hão huyền, hoang tưởng…

Bạo chúa già ít học không thể ác hơn bạo chúa trẻ, có học.

Lưu manh có chữ nguy hiểm hơn lưu manh mù chữ.

Nhớ lại một vai diễn ngày xưa của mình. Một thầy giáo sống bằng nghề dạy lũ con nhà giàu muốn học giả nhưng có bằng thật.

Giọng thoại của nhân vật (là tôi) giờ chót được lồng tiếng “miền trong“ bởi một nhận định “sao cứ đi lừa đảo, sống đạo đức giả là toàn nói giọng “miền ngoài ?“ 

Phiên tòa “chiến dịch hoa Kim Tuớc“ đang diễn ra hầu như toàn bộ đều trẻ, đều có học, đều ở những vị trí cao thuộc những cơ quan trọng yếu của thể chế.

Toàn nói giọng “miền ngoài“ cả .

Định kiến ấy không xuất phát từ người dân dù nó có thật. Nhưng đừng quên toàn bộ ê kíp của đại án dân oan “Thủ Thiêm “ đều nói giọng miền trong.

“Miền ngoài“ hay “miền trong“ không phải vấn đề.

Vấn đề là trẻ, có học, có quyền lực ở cùng một thể chế …

ĐỖ TRUNG QUÂN 


CSVN: Chủ tịch VN Võ Văn Thưởng sắp thăm Ý, Áo và Vatican 

VOA Tiếng Việt 

17/7/2023

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng 

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng sẽ có chuyến công du châu Âu đến ba nước Áo, Ý và Tòa thánh Vatican từ ngày 23 đến 28/7, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.

Theo đó, chuyến thăm Ý là chuyến thăm cấp nhà nước còn chuyến thăm Áo là thăm chính thức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với hai nước này.

Ý là một trong các nước châu Âu có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cùng với Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Năm nay cũng là tròn 10 năm kỷ niệm quan hệ đối tác chiến lược Việt-Ý.

Đây là chuyến công du châu Âu thứ hai của Chủ tịch Thưởng sau chuyến đi Anh dự lễ đăng quang của Vua Anh Charles Đệ Tam hồi đầu tháng 5.

“Chuyến thăm sẽ là điểm nhấn quan trọng, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với các nước và Tòa thánh Vatican”, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.

Hoạt động của ông Thưởng ở Vatican sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Giáo hoàng và nguyên thủ quốc gia Việt Nam kể từ chuyến thăm hồi năm 2016 của ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Việt Nam khi đó.

Tại Vatican, Việt Nam sẽ công bố thỏa thuận cho phép Tòa thánh có một đại diện thường trực, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết.

Đây là điều mà Vatican đã nêu lên với Hà Nội trong hơn 10 năm qua nhưng đến giờ mới được chấp thuận, theo Reuters. Thỏa thuận về nguyên tắc đã đạt được hồi năm ngoái.

Việc cho phép đại diện của Tòa thánh hiện diện thường trực ở Việt Nam có thể đưa đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai bên. Nhưng bước đi đó có thể sẽ mất nhiều năm nữa, nếu xét đến thực tế là nhóm công tác giúp đạt được thỏa thuận kể trên đã bắt đầu công việc từ năm 2009.

Comments are closed.