Chuyện Việt Nam Thứ ba 26/12/2023: *


Quê Hương tổng hợp

Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đầy sai phạm.

RFA
25-12-2023 

Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đầy sai phạm.

Minh họa: các turbin điện gió ở Cà Mau 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngTTXVN 

Việc bổ sung các dự án điện mặt trời, năng lượng tái tạo có hàng loạt vi phạm, khuyết điểm, hạn chế, tồn tại.

Đó là kết luận của Thanh tra Chính phủ Việt Nam công bố ngày 25/12 liên quan đến Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh và truyền thông Nhà nước loan tin.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ Việt Nam cho biết Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện lực cấp tỉnh 114 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.166 MW theo tiến độ vận hành từ năm 2016 đến 2020; trong đó có 92 dự án với công suất 3.194 MW phê duyệt bổ sung riêng lẻ vào Quy hoạch phát triển điện lực của 23 tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Nhân dân các tỉnh từ đề nghị của các chủ đầu tư.

Trong số 23 tỉnh này có 15 tỉnh không quy hoạch đầu tư điện lực trong Quy hoạch của tỉnh, và không có quy hoạch phát triển điện mặt trời đến năm 2020 của 63 tỉnh, thành phố; do đó việc phê quyệt các dự án là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.

Song song đó việc phê duyệt 54 dự án riêng lẻ với tổng công suất 10,52 MW vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh từ đề xuất của các chủ đầu tư khi không lập Quy hoạch phát triển điện mặt trời đến năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng cũng không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.

Theo Thanh tra Chính phủ Việt Nam, nguồn điện mặt trời mái nhà cao gấp gần 20 lần so với công suất phê duyệt trong Quy hoạch Điện VII dẫn đến việc hoàn thành mà không thể vận hành thương mại.

Những vi phạm mà Thanh tra Chính phủ nêu ra được cho biết do buông lỏng quản lý, có dấu hiệu của tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.

Căn cứ kết luận vừa công bố, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu của tám vụ việc để xem xét, điều tra.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa nêu cũng được chuyển đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng cộng sản Việt Nam để xem xét, xử lý cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên can đến các vi phạm, khuyết điểm trong Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.


Thiên tai trong năm 2023 làm 166 người chết, mất tích, thiệt hại 8.200 tỷ đồng

26/12/2023

Thiên tai trong năm 2023 làm 166 người chết, mất tích, thiệt hại 8.200 tỷ đồng

Nhà cửa bị ngập lụt ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ngày 31/10/2023. 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Thiên tai trong năm 2023 vừa qua làm 166 người chết và mất tích, cũng như gây thiệt hại kinh tế hơn 8.200 tỷ đồng.

Thống kê vừa nêu được đưa ra tại chương trình tọa đàm “Dấu ấn phòng chống thiên tai năm 2023” do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tại tổ chức hôm 22/12 vừa qua. Chương trình được phát trực tiếp trên trang Facebook Thông tin phòng, chống thiên tai.

Tại tọa đàm, Trưởng Phòng Ứng phó & Khắc phục hậu quả thiên tai thuộc Cục Quản lý đê điều & phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn), ông Nguyễn Văn Hải, cho biết thêm trong năm qua thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền của Việt Nam với hơn 1.100 trận trong 21/22 loại hình, trừ sóng thần.

Cụ thể có 5 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới, 179 trận mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; 248 trận giông lốc, mưa đá; 342 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển; 334 trận động đất.

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam, ông Hoàng Phúc Lâm, cho biết thêm nắng nóng diễn ra gay gắt, có nơi lên đến 44,2 độ C. Mưa lớn trên 800mm xảy ra tại khu vực miền Trung; đặc biệt tại các tỉnh/thành Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Cá biệt có nơi trên 1.000mm.

Tuy nhiên số người chết và mất tích do thiên tai trong năm 2023 chỉ bằng 95% so với năm ngoái; thiệt hại kinh tế chỉ bằng 42% của năm 2022; tức giảm 11.300 tỷ đồng.

Nguyên nhân giảm được nhận định do bão, mưa trên diện rộng ít; và nỗ lực trong công tác dự báo, cảnh báo chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa.


Chính phủ CS Việt Nam cam kết tới cuối năm 2099 sẽ cải thiện nhân quyền: không nghiêm túc!

RFA
26/12/2023

Chính phủ Việt Nam cam kết tới cuối năm 2099 sẽ cải thiện nhân quyền: không nghiêm túc!

Ảnh minh họa: một cuộc họp ở Hội đồng Nhân quyền LHQ vào ngày 9/9/2019 

AFP 

Chính phủ Việt Nam cam kết với Liên Hiệp Quốc sẽ cải thiện hồ sơ nhân quyền và một số lĩnh vực khác với hạn thực hiện vào năm 2099, và theo một số nhà hoạt động, Việt Nam hoàn toàn không nghiêm túc khi đưa ra thời hạn này. 

Trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948-2023), Chính phủ Việt Nam đã gửi một văn bản với tám cam kết tới Ban thư ký Sáng kiến Nhân quyền 75 (Human Rights 75 Secretariat) của Liên Hiệp quốc. 

Thời hạn dự kiến thực hiện các cam kết trên là ngày 31/12/2099, tức là sau kỷ niệm 150 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, theo văn bản của Việt Nam được Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ đăng tải trên website chính thức. 

Các cam kết bao gồm tăng cường nhà nước pháp quyền; bảo đảm tốt hơn tất cả các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị; thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó ưu tiên giảm nghèo đa chiều, giảm thiểu bất bình đẳng, bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân; tăng cường giáo dục về quyền con người, không bỏ ai ở lại phía sau… 

Trên bình diện toàn cầu và khu vực, Hà Nội cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác thực chất với tất cả các nước và các cơ chế của Liên Hiệp quốc về nhân quyền. Chính quyền độc đảng ở Việt Nam cam kết sẽ đóng góp thực chất hơn nữa cho hợp tác nhân quyền trong khối ASEAN, đặc biệt trong công việc của Uỷ ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN. 

Bình luận về thời điểm thực hiện các cam kết, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng (tức Dũng Phi Hổ) nói với RFA trong ngày 26/12: 

Theo tôi, những cái cam kết đó đáng lẽ ra phải là nhiệm vụ đương nhiên của một chính phủ, của một Quốc hội và các cơ quan hữu quan ngay từ khi mới được bầu nếu đó thật sự một nhà nước của dân và do dân thay vì là cam kết đến một lúc nào đó, đặc biệt lại là cam kết với quốc tế đến năm 2099 nữa. 

Như vậy, câu hỏi đặt ra là từ giờ đến đó thì nhà nước này là nhà nước gì?!” 

Các hướng dẫn của Ban thư ký Sáng kiến Nhân quyền 75 chỉ gợi ý thời hạn tương lai 25 năm sau  cho các cam kết có thể được thực hiện để giải quyết các vấn đề dự kiến sẽ leo thang trong những năm tới. Không rõ lý do vì sao chính phủ Việt Nam lại đặt ra thời hạn 75 năm sau để thực hiện các cam kết sửa đổi.  

Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga từng bị kết án năm (05) năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” và mới mãn hạn tù vào tháng 3 năm nay. Trong tin nhắn gửi RFA, bà đặt câu hỏi về thời điểm mà Nhà nước Việt Nam đưa ra trong cam kết: 

Nội dung cam kết tuân thủ theo công ước nhân quyền quốc tế, vấn đề đặt ra là tại sao không thực hiện ngay từ bây giờ mà đến năm 2099? Có phải chăng nhân quyền là cái gì đó quá xa xỉ với nhà cầm quyền Việt Nam nên mới đặt ra mốc thời gian để thực hiện cam kết như đang đùa giỡn và xem thường công dân Việt Nam cũng như quốc tế?” 

Bà cho rằng:  

Nhân quyền và dân quyền như không khí để thở mỗi ngày, là quyền lợi cơ bản của con người mặc nhiên phải được hưởng chứ không phải là món hàng để mua bán, mặc cả, hẹn lần lữa như vậy.” 

Một nhà hoạt động ẩn danh ở Hà Nội, lý giải về thời điểm Việt Nam thực hiện cam kết: 

Tôi nghĩ là 2099 là một cái hạn đưa ra để họ mua thời gian thôi. Giả sử họ có lòng, muốn thực hiện cam kết về nhân quyền, dân quyền đi, thì phải có lộ trình, có các cơ chế giúp cho thực hành nhân quyền được tiến triển. Đằng này ta thấy phong trào xã hội dân sự trong những năm gần đây bị đàn áp mạnh. Nhà nước không còn bó hẹp phạm vi đàn áp mà đã mở rộng ra cả những tổ chức xã hội dân sự có đăng ký, vốn trước đây không ai nghĩ bị đàn áp.” 

Ông so sánh các cam kết trên với những cam kết gần đây của nhà nước độc đảng ở Đông Nam Á: 

Cam kết này nó cũng giống như cam kết về giảm phát thải tới năm 2050 Thủ tướng Phạm Minh Chính hứa trong COP26. Hứa cho xong nhiệm kỳ ông ấy, cho đẹp truyền thông thôi.” 

Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Dũng bằng trải nghiệm của bản thân nói rằng Nhà nước Việt Nam bất nhất trong nhiều vấn đề. 

Khi ông bị bắt năm 2017, công an nói với ông rằng Việt Nam là nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, khi ông thi hành án tù sáu năm ở Trại giam Nam Hà vào năm 2022, ông được nghe trên đài truyền hình rằng Việt Nam đang xây dựng chiến lược để hoàn thiện nhà nước pháp quyền đến 2030 và định hướng đến năm 2045. 

Ông cho rằng tám cam kết quốc tế trong tháng này của Việt Nam không nghiêm túc. 

Nhà nước Việt Nam không nghiêm túc với chính bản thân họ và với người dân Việt Nam thì làm sao mà họ cam kết có nghiêm túc với quốc tế được. Họ chưa bao giờ nghiêm túc về vấn đề này.” 

Cựu sỹ quan tình báo Vũ Minh Trí thì đưa ra một lời bình luận ngắn gọn: “Việt Nam nêu thời hạn dự kiến thực hiện cam kết như vậy tức là chẳng cam kết gì.” 

Phóng viên gửi email tới Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ và Uỷ ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) với đề nghị bình luận về thời điểm Việt Nam thực hiện các cam kết trên, tuy nhiên chưa nhận được ngay phản hồi. 

Việt Nam là thành viên của nhiều công ước quốc tế về nhân quyền, bao gồm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội… và Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững. 

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế liên tục chỉ trích Chính phủ Việt Nam về vi phạm nhân quyền trầm trọng, đặc biệt là các quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội, thông tin, và tôn giáo. Hàng trăm người đang bị cầm tù chỉ vì thực thi hoặc cổ suý các quyền cơ bản trên. 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-submitted-pledges-to-un-secretariat-by-end-2099-to-reform-12262023071551.html


RSF: Việt Nam CS bị xếp trong nhóm năm quốc gia rủi ro nhất trên thế giới đối với nhà báo

RFA
26/12/2023

RSF: Việt Nam bị xếp trong nhóm năm quốc gia rủi ro nhất trên thế giới đối với nhà báo

Mười quốc gia giam cầm nhiều nhà báo nhất thế giới năm 2023 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngRSF 

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp Việt Nam đứng thứ tư trong nhóm năm quốc gia rủi ro nhiều nhất đối với các nhà báo trong năm nay, chỉ xếp sau Trung Quốc, Myanmar và Belarus.

Tổ chức đấu tranh cho tự do báo chí toàn cầu có trụ sở ở Paris (Pháp) công bố báo cáo tổng kết năm 2023 về các nhà báo bị giết và bị bắt giữ trên toàn thế giới. Mặc dù không có nhà báo nào bị sát hại ở Việt Nam tuy nhiên cho đến nay Chính phủ đang giam giữ 36 nhà báo.

Theo thống kê của RSF, số nhà báo bị cầm tù ở Việt Nam và ba quốc gia trên chiếm hơn nửa số nhà báo trên thế giới đang ở sau song sắt của trại giam (264/521).

Báo cáo hồi tháng 5 cũng của tổ chức này xếp Việt Nam đứng thứ 178 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát về tự do báo chí, tụt bốn hạng so với năm 2022 (174/180).

Các nhà báo bị “bịt miệng”

Theo RSF, các nhà báo độc lập và blogger thường xuyên bị chính quyền nhắm đến do là nguồn thông tin tự do duy nhất ở một quốc gia mà báo chí viết theo lệnh của chính quyền độc đảng.

Blogger Nguyễn Lân Thắng của Đài Á Châu Tự Do (RFA) được tổ chức Phóng viên Không Biên giới nêu bật trong số các blogger bị cầm tù, ông bị kết án sáu năm tù với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” vào tháng 4 năm nay.

Bình luận về thống kê của RSF, một nhà hoạt động ở Hà Nội cho rằng tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay là “rất tệ.” Ông nói nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh: 

Tôi quan sát và nhận thấy đàn áp gia tăng khiến nhiều nhà hoạt động, nhà báo gia tăng tự kiểm duyệt để bảo đảm an toàn cho bản thân. 

Đơn cử, so sánh phản ứng của dư luận về chuyến thăm vừa rồi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với các chuyến thăm trong quá khứ sẽ thấy. Hoàn toàn im lặng.”

Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga nói với RFA qua tin nhắn:

Truyền thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho sự nhận thức của người dân về các vấn đề chính trị-xã hội của đất nước, nhưng Đảng Cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam hầu như thao túng tất cả các phương tiện truyền thông trên cả nước. 

Các nhà báo, phóng viên truyền thông, các nhà hoạt động chính trị không phải là nhà báo, góp phần truyền thông bằng nhiều cách khác nhau để có thể lên tiếng phản biện đều bị gây khó khăn như bị đóng các trang mạng xã hội, bị an ninh mời làm việc bắt buộc phải ngừng viết bài và nặng nề nhất là bị bắt vào tù.”

Sự đàn áp vượt ra ngoài biên giới

Dẫn lại vụ việc blogger Đường Văn Thái bị mất tích ở Thái Lan vào tháng 4 năm 2023, sau đó xuất hiện trong nhà tù Việt Nam và đang chờ xét xử với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước,” RSF cho rằng “sự đàn áp của đảng cầm quyền cũng vượt ra ngoài biên giới của nó.”

Blogger Đường Văn Thái trước khi bị bắt giữ có hàng trăm video phát trên kênh Youtube cá nhân có nội dung về tham nhũng của quan chức và tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau vụ việc xảy ra đối với ông Đường Văn Thái, nhiều Facebooker và Youtuber đang tị nạn ở xứ Chùa Vàng đã phải thận trọng hơn để tránh bị an ninh Việt Nam có hành động tương tự. Ông Trần Duy Chiến, một Youtuber đang ở Thái Lan chuyên đưa tin chính trị Việt Nam, nhận định:

“Sau vụ việc chính quyền Việt Nam qua bắt cóc Đường Văn Thái thì những Facebooker và blogger tại Thái Lan viết bài giảm hơn vì chúng tôi lo ngại về an ninh cho bản thân.”


Các tù nhân lương tâm bị từ chối tiếp cận chăm sóc y tế

Theo RSF, các nhà báo bị cầm tù tại Việt Nam, nơi gần như có hệ thống điều trị bị xuống cấp, bị từ chối tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.

Báo cáo cũng nhắc đến hai nhà báo độc lập, Phạm Chí Dũng và Lê Trọng Hùng đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực vào giữa năm 2023 để phản đối các điều kiện giam giữ

Bên cạnh việc hàng chục nhà báo bị cầm tù, việc đàn áp tự do báo chí còn gây hại cho xã hội và nền kinh tế quốc gia. Nhà báo kiêm nhà văn Võ Thị Hảo nói với RFA về hậu quả của việc đàn áp báo chí:

Khi mà báo chí không có tự do đưa tin tin tự do ngôn luận thì tất cả những vụ án những vụ tham nhũng hay là những cái tiêu cực từ phía nhà nước hoặc là những công ty có quyền lực lớn về tiền cũng như mối quan hệ lợi ích nhóm hoặc là những cơ quan tổ chức đặc biệt là về ngành công an thì đều bị ém nhẹm. 

Điều đó dẫn tới tại hại khủng khiếp. Mọi người có thể thấy qua những vụ sụp đổ như là SCB hay Vạn Thịnh Phát hay nhiều vụ sụp đổ khác. Người ta đã ăn cắp, đã cướp quyền lợi của người dân Việt Nam, dẫn tới nguy cơ sụp đổ nền kinh tế.”

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về báo cáo của RSF tuy nhiên chưa lập tức nhận được câu trả lời. Cơ quan này chưa bao giờ trả lời email của RFA.

Trong năm 2020, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng báo cáo của RSF khi đó “dựa trên những thông tin sai sự thật, không có cơ sở và với dụng ý xấu,” trong khi các tờ báo nhà nước kêu gọi “cảnh giác với những luận điệu của Phóng viên Không Biên giới.”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/rsf-lists-vietnam-among-five-riskies-countries-for-journalists-12262023055854.html


Comments are closed.