Chuyện Việt Nam Thứ ba 27/12/2022: Nguyễn Như Phương 5 năm tù – Rau quả Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh – Facebooker Phan Văn Phú bị án hai năm ba tháng tù vì xúc phạm lãnh đạo


Quê Hương tổng hợp


Ông Nguyễn Như Phương bị án năm năm tù với cáo buộc chống Nhà nước – RFA
26/12/2022

Ông Nguyễn Như Phương bị án năm năm tù với cáo buộc chống Nhà nước

Courtesy Zing 

Ông Nguyễn Như Phương, 31 tuổi địa chỉ Bà Rịa- Vũng Tàu, vào ngày 26/12 bị Tòa án tỉnh An Giang tuyên năm năm tù giam và ba năm quản chế theo cáo buộc “làm, phát tán tài liệu, thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”. Ông Phương là người từng đăng tải đoạn ghi âm cuộc nói chuyện của Đại tá Đinh Văn Nơi, trong đó vị cựu giám đốc Công an tỉnh An Giang từ chối đưa lực lượng công an đàn áp người dân về quê trốn phong tỏa.

Ông Nguyễn Như Phương được biết với cái tên Nguyễn Phương hay Phương Hàng Nhật là một nhà hoạt động nhân quyền có tham gia nhóm No-U Sài Gòn, một nhóm chủ trương chống “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Ông nhiều lần tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, dự thảo Luật Đặc khu và An ninh mạng… cùng với những người Việt đang sinh sống và học tập ở Nhật Bản.

nguyen phu phuong b.jpg

Ảnh FB Nguyễn Phương trong một cuộc biểu tình chống dự thảo Luật Đặc khu và An ninh mạng tại Nhật Bản năm 2018. 

Truyền thông Nhà nước loan tin dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh An Giang nêu rằng ngày 4/10/2021, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang phát hiện 3 tài khoản Facebook “Nguyễn Phương (Phương Hàng Nhật)”, “Hoàng Dũng”,“Phạm Minh Vũ” đăng tải nhiều thông tin, tài liệu, hình ảnh, file âm thanh có nhiều lượt người theo dõi, thích, bình luận với các nội dung xuyên tạc; kích động chống phá Đảng, Nhà nước; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, tổ chức…

Vụ việc được chuyển đến Công an tỉnh An Giang, kết quả điều tra xác định ông Nguyễn Như Phương tạo và sử dụng năm tài khoản Facebook. Trong đó có tài khoản “Nguyễn Phương”.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 3/10 năm ngoái, ông Phương đăng tải lại trên Facebook cá nhân đoạn video do ông Hoàng Dũng quay màn hình điện thoại, trong đó có đoạn ghi âm của ông Đinh Văn Nơi với một cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh An Giang.

Trong đoạn ghi âm, giọng của ông Nơi cho biết bị Chủ tịch tỉnh An Giang mắng vì để người dân về quê trốn phong tỏa, nhưng ông Nơi từ chối đưa lực lượng đàn áp bà con. Ông nói trong đoạn ghi âm trong đó có nhiều tiếng chửi thề:

“Chứ thật sự ra mà nói trên Sài Gòn nói bằng cái miệng chứ ai mà lo, DM* nó bỏ coi như là chết bờ, chết bụi, rồi nó bạo loạn thế này thế kia… Chứ DM* người ta có ăn có mặc ai mà đi về để làm gì?”

Trước đó, ngày 1/10/2022, hàng trăm ngàn người lao động ở TPHCM phá rào, đổ về quê ở các tỉnh thành khác trong cả nước khi có tin đồn sẽ có thêm lệnh phong tỏa, chồng lên thêm các lệnh phong tỏa hàng tháng trời để chống COVID-19 gây khó khăn cho đời sống của người dân.

Công an tỉnh An Giang sau đó cho rằng, file ghi âm này bị cắt ghép, nội dung bình luận của trang Facebook “Hoàng Dũng” về file ghi âm là bịa đặt, làm ảnh hưởng đến uy tín đại tá Đinh Văn Nơi – giám đốc Công an tỉnh An Giang, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, công an tỉnh này không cho biết đoạn ghi âm bị cắt ghép như thế nào, có làm ảnh hưởng đến nội dung câu chuyện hoặc có hay không việc tồn tại cuộc nói chuyện của ông Đinh Văn Nơi.

Ông Hoàng Dũng (hiện đang sống ở Mỹ), người đầu tiên đăng tải đoạn ghi âm của ông Nơi chưa có bình luận gì về vụ việc.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Nguyễn Phương, trên Facebook cá nhân cho biết: “Mẹ và vợ ông Nguyễn Như Phương được đưa vào khán phòng trực tiếp dự phiên tòa.

… Nhất quán trong quá trình điều tra và xét xử tại tòa, ông Phương giữ quan điểm thừa nhận hành vi, gồm các tài khoản Facebook và các bài viết bị cáo buộc vi phạm pháp luật.”

Ngày 29/9, Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an tỉnh An Giang đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Như Phương điều tra về tội “làm, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Trước đó vào ngày 30/8, ông Nguyễn Như Phương bị Công an TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tạm giam điều tra liên quan đến vụ án gọi là “tàng trữ trái phép chất ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Theo thống kê của Đài Á châu Tự do, trong năm 2022, có ít nhất 22 người đã bị bắt theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự (BLHS) – Làm, tàng trữ phát tán tài liệu thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước, và Điều 331 BLHS – Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Số bị án tù theo hai điều trên tính đến thời điểm này của năm 2022 là hơn 15 người.


Rau quả Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh bất chấp hoạt động thông quan bị gián đoạn – RFA

Rau quả Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh bất chấp hoạt động thông quan bị gián đoạn

Nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc đang tăng mạnh 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngTiền Phong 

Rau quả từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam trong 11 tháng của năm 2022 tăng 83%, đạt 765 triệu USD.

Tổng cục Hải quan cho truyền thông hay tin trên trong ngày 25/12 đồng thời cho biết rau quả Trung Quốc (TQ) vào VN tăng từ 31% lên gần 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Tổng cục Hải quan, mặc dù VN xuất khẩu rau quả đạt 3,3 tỉ USD trong năm 2022, giảm 6,6% so với năm 2021 nhưng nhập khẩu rau quả lại tăng, đạt trên 2 tỉ USD, tăng 35% so với năm 2021. Đây được coi là mức nhập khẩu mạnh nhất trong ba năm qua.

Điểm đáng chú ý đó là, đối tác lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam trong năm 2022 là Trung Quốc, bất chấp hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền VN-TQ bị gián đoạn. Số liệu của ngành hải quan cho biết, trong 10 tháng của năm 2022, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai đạt gần 110 triệu USD giảm 2,2%. Tuy nhiên, hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam qua cảng Cát Lái đạt gần 313 triệu USD, tăng 154% so với cùng kỳ 2021.

Các loại rau quả Trung Quốc được tiêu thụ mạnh ở thị trường Việt Nam gồm táo, nho, cam, quýt, tỏi, đậu xanh, hành tây, hành củ, nấm kim châm, khoai tây, nấm đùi gà, cải thảo, cải bắp…

Cùng lúc đó, theo báo cáo của Hiệp hội rau quả Việt Nam, thị trường nhập khẩu rau quả có mức tăng trưởng mạnh tiếp theo là Ấn Độ (tăng 67%), Nam Phi (tăng 54%), Campuchia (tăng 33%) so với cùng kỳ 11 tháng năm 2021.

Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết trên tờ VNExpress rằng, những tháng cuối năm, lượng trái cây về chợ rất dồi dào. Ngoài trái cây Trung Quốc giá rẻ, hàng từ Australia, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia về Việt Nam tăng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái, giá hấp dẫn.

Hiệp hội rau quả VN dự báo năm 2023, Việt Nam tiếp tục tăng nhập khẩu hàng rau quả về phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và ngành công nghiệp chế biến.


‘Mặt cỏ sân Mỹ Đình không xanh vì thiếu nắng’

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/12/anh-chup-man-hinh-2022-12-26-luc-75155-ch-700x366.jpg

Mặt cỏ sân Mỹ Đình cháy nhiều, không có độ xanh. (ảnh từ Facebook). 

Liên quan đến việc mặt cỏ sân cháy nhiều, không có độ xanh, gây lo ngại cho chất lượng trận đấu. Ông Đặng Hà Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT nói: “Không phải vì thiếu kinh phí mà sân không được duy tu, bảo dưỡng. Ban quản lý Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình vẫn thực hiện công việc này thường xuyên. Nhưng một tháng qua nắng ở Hà Nội không đủ, cỏ không quang hợp đủ nên không có được thảm xanh như mong muốn.

Theo báo VnExpress đưa tin, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF chi 800 triệu đồng để thuê SVĐ Mỹ Đình tổ chức trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia tại loạt trận thứ ba bảng B AFF Cup 2022 ngày 27/12. Hiện, mặt cỏ sân cháy nhiều, không có độ xanh, gây lo ngại cho chất lượng trận đấu.

Tuy nhiên, trả lời truyền thông sáng 26/12, ông Đặng Hà Việt Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT nói, “Không phải vì thiếu kinh phí mà sân không được duy tu, bảo dưỡng.

Ban quản lý Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình vẫn thực hiện công việc này thường xuyên. Nhưng một tháng qua nắng ở Hà Nội không đủ, cỏ không quang hợp đủ nên không có được thảm xanh như mong muốn. Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á AFF đã kiểm tra, đánh giá sân đủ điều kiện thi đấu”.

Ông Việt cho biết châu Âu có hệ thống sưởi và mái che tránh sương, tuyết nên các mặt cỏ đẹp. Việt Nam không có những điều kiện này, dẫn tới việc mặt sân đẹp hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.

Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình trước đây trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý, được tự hoạch định thu chi. Đơn vị này dưới thời Giám đốc Cấn Văn Nghĩa có nhiều sai phạm, hiện nợ thuế hơn 800 tỷ đồng. Hiện, khu liên hợp đã được giao cho Tổng cục TDTT quản lý, nhưng không có khả năng chi trả thuế. Mỗi khi sân được cho thuê, khoản lớn sẽ phải dùng để trả nợ thuế, nhân viên đã giảm từ 200 người xuống hơn 90 người, và không đủ khả năng trả lương.

Ông Đặng Hà Việt mới tiếp quản Tổng cục TDTT từ năm 2021, khi Mỹ Đình đã rơi vào tình trạng không thể xử lý nợ.

Ông Hà cho hay, khu liên hợp từ trên 200 người, đến giờ còn trên 90 người.

Theo ton trên báo Tuổi Trẻ, HLV Park Hang Seo đã yêu cầu các cầu thủ chuẩn bị giày đinh sắt để chuẩn bị cho trận đấu với Malaysia trên sân Mỹ Đình vào tối ngày 27/12.

Hội An 


Facebooker Phan Văn Phú bị án hai năm ba tháng tù với cáo buộc xúc phạm lãnh đạo – RFA
26/12/2022

Facebooker Phan Văn Phú bị án hai năm ba tháng tù với cáo buộc xúc phạm lãnh đạo

Ông Phan Văn Phú tại tòa 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngCourtesy VietnamNet 

Facebooker Phan Văn Phú, 42 tuổi quê Bến Tre, vào ngày 26/12 bị Tòa án Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh tuyên hai năm ba tháng tù với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân” theo điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Truyền thông Nhà nước loan tin dẫn cáo trạng nêu rằng từ năm 2015, ông Phan Văn Phú tạo và quản lý tài khoản Facebook “Gấu đại ca”. Từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022, ông Phú đăng lên tài khoản Facebook cá nhân năm  bài viết mà cơ quan chức năng cho có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Sở Thông Tin- Truyền Thông TP.HCM giám định năm bài viết trên tài khoản Facebook của ông Phan Văn Phú mang nội dung “xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác” theo điểm a, khoản 3, Điều 16 Luật an ninh mạng năm 2018.

Tin nói tại tòa, ông Phan Văn Phú trình bày do bức xúc vì nộp đơn tố cáo nhưng không được giải quyết nên đăng tải các bài viết kể trên, chứ không nhằm mục đích chống phá Nhà nước, xúc phạm lãnh đạo.

Mức án hai măm ba tháng tù cho ông Phan Văn Phú được nói vì gia đình ông này có công với cách mạng, và bản thân thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.


Bắt sáu lãnh đạo Sở TN&MT, Công thương tỉnh Thái Nguyên do liên quan sai phạm tại mỏ than Minh Tiến – RFA

Bắt sáu lãnh đạo Sở TN&MT, Công thương tỉnh Thái Nguyên do liên quan sai phạm tại mỏ than Minh Tiến

Bãi than Minh Tiến (minh hoạ) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBáo Xây dựng 

Lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thái Nguyên cùng nhiều cán bộ Sở, ngành khác đã bị Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra do liên quan sai phạm tại mỏ than Minh Tiến.

Một lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên xác nhận thông tin trên với truyền thông nhà nước trong ngày 25/12.

Theo đó, người này cho biết có tổng cộng sáu người bị bắt để điều tra, gồm ông Nguyễn Thế Giang, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên; ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên; ông Nguyễn Ngô Quyết, Bí thư Huyện ủy Phú Bình, nguyên Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên. Ba người còn lại đều là lãnh đạo cấp phòng của Sở Công thương, Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên.

Cũng theo nguồn tin từ vị lãnh đạo UBND (dấu tên), sáu người trên bị bắt từ tháng 6/2022 và tất cả đều liên quan đến các sai phạm xảy ra ở mỏ than Minh Tiến.

Trước đó, truyền thông loan tin nhiều người dân Thái Nguyên bàn tán xôn xao khi  một số lãnh đạo của Huyện ủy Phú Bình, Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên đều có tên trong danh sách bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kỷ luật và đề nghị kỷ luật. Điểm đáng lưu ý, cũng theo dư luận, một số người bị kỷ luật đã vắng mặt bất thường trong nhiều ngày, không đến cơ quan làm việc. Trong số đó có sáu vị vừa được lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên tiết lộ với truyền thông như trên.

Trước đó, ngày 27/8/2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, buôn lậu, tham nhũng (C03), Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 12 bị can để điều tra về tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.

Trong vụ án này, lực lượng công an đồng loạt kiểm tra 21 bãi than của các doanh nghiệp nằm rải rác tại thị xã Kinh Môn (Hải Dương), phát hiện các bãi than này có dấu hiệu nhập lậu, khai thác lậu với tổng khối lượng khoảng 2,5 triệu tấn. Đường dây than lậu này liên quan đến Công ty cổ phần Yên Phước, có mỏ than Minh Tiến, nằm trên địa phận xã Na Mao (Huyện Đại từ) và xã Minh Tiến (Huyện Đại Từ) tỉnh Thái Nguyên.

Tags: , ,

Comments are closed.