Chuyện Việt Nam Thứ ba 31/10/2023:*Ca Thanh Hoá bắt dân phản đối Dự án Cảng Long Sơn *Bình Thuận tiếp tục Hồ chứa nước Ka Pét *VN tính xây nhà máy bán dẫn với chi phí cao *G7 tài trợ VN hơn 300 triệu USD để giảm dùng than *Miền Trung: Mưa lớn sạt lở đường sắt Bắc Nam *Hà Tĩnh: Ba người bị lũ cuốn


Spread the love

Quê Hương tổng hợp


Công an Thanh Hoá bắt giữ hàng chục người dân phản đối Dự án Cảng Container Long Sơn

RFA – 31/10/2023

Công an Thanh Hoá bắt giữ hàng chục người dân phản đối Dự án Cảng Container Long Sơn

Bãi biển Hải Hà trước khi người dân bị trấn áp sáng ngày 31/10/2023 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBáo Thanh Niên 

Tiếng kêu than khóc của hàng chục người phụ nữ hoà cùng tiếng kêu cứu của nam giới vang lên ở khu vực thi công số 3 của Dự án Cảng Container Long Sơn hôm thứ ba 31/10/2023.

Chính quyền tỉnh Thanh Hoá ngay từ sáng sớm đã điều động hàng trăm cảnh sát cơ động trấn áp bắt giữ nhiều người dân ở xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn để chủ đầu tư tiến hành san lấp mặt bằng.

Sự việc xảy ra sau nhiều ngày các cư dân địa phương biểu tình và cử người canh gác bãi biển nhằm không cho Công ty TNHH Long Sơn thi công trước khi chính quyền địa phương có giải pháp thoả đáng trong việc đền bù, tái định cư cũng như đảm bảo bờ bãi cho tàu thuyền của họ ra vào.

Hình ảnh video người dân cung cấp cho thấy lực lượng cảnh sát cơ động được trang bị cùi cui và khiên chắn. Ít nhất một người đàn ông bị thương ở đầu và quần áo có nhiều vết máu.

Một người dân Hải Hà không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong sáng ngày 31/10:

Vào khoảng 4 giờ sáng, hàng trăm cảnh sát cơ động được điều động xuống hiện trường và đẩy người dân chúng tôi ra khỏi bãi biển.

Khi chúng tôi không chịu đi thì cảnh sát cơ động dùng dùi cui đánh đập chúng tôi. Nhiều người bị thương ở đầu và chân tay. Họ còn bắt nhiều người và đưa đi khỏi hiện trường.”

Một người dân khác có mặt ở hiện trường khi việc trấn áp xảy ra, nói với RFA trong điều kiện ẩn danh:

Có hơn 10 người bị đánh sứt đầu hoặc xây xước chân tay còn số người bị bắt là 16. Họ bị đưa đi lên Công an thị xã Nghi Sơn.

Bà con định kéo nhau đi đòi người thì bị công an chặn đường ngay từ đầu làng.

Hiện người dân đã bị đẩy lui khỏi bãi biển và công nhân của Công ty Long Sơn thi công san lấp mặt bằng. Chúng tôi đã thua chính quyền trong việc giữ bãi làm kế sinh nhai.”

Một người dân khác cho biết cơ quan chức năng đã sử dụng máy phá sóng để hạn chế người dân phát tán hình ảnh về vụ trấn áp. Công an cũng ngăn cấm người dân dùng điện thoại để quay phim.

Để kiểm chứng thông tin người dân cung cấp, chúng tôi có gọi điện cho Công an thị xã Nghi Sơn và Công an tỉnh Thanh Hoá. Tuy nhiên, hai người trực máy của hai cơ quan này từ chối trả lời về vụ việc và yêu cầu phóng viên tới cơ quan cùng với giấy giới thiệu để được cung cấp thông tin.

Báo Thanh Hoá online của đảng bộ và chính quyền tỉnh Thanh Hoá ngày 31/10 đưa tin lực lượng công an tỉnh này phối hợp với chính quyền thị xã Nghi Sơn và xã Hải Hà đã “triển khai phương án đảm bảo thi công bến số 3, Cảng container Long Sơn để nhà thầu thi công thực hiện dự án đúng tiến độ.”

Bản tin cũng cho biết trong sáng cùng ngày do “một bộ phận người dân xã Hải Hà tiếp tục có các hành vi gây cản trở thi công” nên lực lượng chức năng đã “tạm giữ một số đối tượng để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.”

Bản tin không nói rõ có bao nhiêu người bị bắt giữ và cũng không tường thuật về việc nhiều người dân bị thương vì cảnh sát cơ động đánh.

Trước đó, vào ngày 23/10, Công an thị xã Nghi Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” sau khi có khoảng 300 người dân xã Hải Hà, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã biểu tình trên tỉnh lộ 513 để phản đối dự án. Công an địa phương cho rằng cuộc biểu tình này gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng ở khu vực.

Nhiều người dân vẫn tập trung ở bãi biển Hải Hà cả ngày lẫn đêm nhằm ngăn cản chủ đầu tư- Công ty TNHH Long Sơn thi công dự án có tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng cho dù công an địa phương triệu tập một số người lên đồn công an để buộc họ phải viết cam kết không tham gia tụ tập ở khu vực thi công.

Trong ngày 29/10, Công an Nghi Sơn đã tổ chức khám xét khẩn cấp nhà của một ngư dân tham gia biểu tình- chị Cao Thị Lĩnh, nói là thu giữ tài liệu kích động người dân chống đối dự án. Tuy nhiên, người dân ở đây cho biết tài liệu mà phía công an thu giữ được chỉ là sổ tay ghi chép người dân đóng góp tiền ăn trong thời gian tham gia giữ bãi biển.

Dự án Cảng container Long Sơn, nằm ở phần ven biển của xã Hải Hà, được thiết kế xây dựng trên diện tích mặt nước khoảng 15 ha, chiều dài bến cảng 250 m, dự kiến khai thác vào năm 2025.

Chính quyền tỉnh Thanh Hoá cho rằng việc triển khai xây dựng dự án vào thời điểm này là rất cần thiết nhằm hình thành, phát triển khu vực cảng container chuyên dụng đầu tiên tại Cảng Nghi Sơn.

Bến số 3 của dự án được cho là sẽ tạo thành đê chắn sóng, chắn gió, đồng thời tạo thành vùng nước, diện tích khoảng 10 ha phục vụ ngư dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn.

Dự án cũng được cho là góp phần tăng nguồn thu cho Thanh Hóa, tạo nhiều việc làm cho người lao động ở xã Hải Hà, cùng nhân lực trong, ngoài tỉnh. Tuy vậy, một số người dân khẳng định họ không hề được hỏi ý kiến về dự án mặc dù là đối tượng chịu tác động.

Hải Hà là xã có gần 3.000 hộ dân với gần 11.000 nhân khẩu. Có hơn 400 hộ dân làm ngư nghiệp với gần 450 tàu thuyền đánh bắt hải sản. Xã này nằm giữa các dự án công nghiệp như nhà máy xi-măng, nhà máy nhiệt điện, cảng than, và nhà máy thép.


Bình Thuận tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng Hồ chứa nước Ka Pét gây tranh cãi

30/10/2023

Bình Thuận tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng Hồ chứa nước Ka Pét gây tranh cãi

Hồ chứa nước Ka Pét ở tỉnh Bình Thuận 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngSức Khỏe Đời Sống 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng mới đây đã chỉ đạo việc tiếp tục thực hiện xây dựng Hồ chứa nước Ka Pét đúng tiến độ, đúng quy định phát luật, bất chấp những phản đối trong dư luận thời gian qua vì lo ngại phá rừng tự nhiên và ảnh hưởng đến văn hóa người Chăm bản địa.

Báo Bình Thuận, cơ quan ngôn luận của tỉnh này, hôm 27/10 cho biết, tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện và đề xuất kế hoạch triển khai các công việc tiếp theo Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam vào chiều 26/10, ông Đoàn Anh Dũng đã chỉ đạo việc thực hiện các thủ tục liên quan đúng tiến độ, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.

Dự án Hồ chứa nước Ka Pét được xếp là dự án quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo một nghị quyết ban hành vào tháng 11/2019. Hồ có quy mô gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3, dung tích hữu ích 47,41 triệu m3, dung tích chết 3,8 triệu m3; hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 874 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 519 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 354 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 – 2025.

Trong các tuần qua, nhiều báo trong nước và dư luận trên mạng xã hội đã bày tỏ lo ngại về việc Bình Thuận cho xây dựng hồ chứa nước này vì sẽ phải phá khoảng 600 ha rừng tự nhiên. Những nhà hoạt động môi trường bày tỏ lo ngại việc phá rừng nguyên sinh còn lại ít ỏi ở Bình Thuận sẽ có tác động đến môi trường sinh thái, có thể dẫn đến sa mạc hóa, hạn hán, lở đất, lũ quét…

Trong khi đó, những người Chăm bản địa đã bày tỏ lo ngại việc phá rừng tự nhiên xây hồ chứa nước sẽ có thể dẫn đến xung đột sắc tộc giữa người Kinh và người Chăm vì việc làm hồ sẽ nhấn chìm khoảng 10 ha khu Thánh tích của người Chăm.

Tại cuộc họp mới nhất, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, đến thời điểm này, các đơn vị đã triển khai thực hiện được một số việc như cập nhật kết quả kiểm tra hiện trạng rừng. Hiện các đơn vị chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh đang khảo sát, rà soát quỹ đất lâm nghiệp đủ tiêu chí trồng rừng thay thế để đăng ký Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt.

Theo thông tin từ cuộc họp được Báo Bình Thuận trích đăng, hiện quá trình thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sơ bộ của dự án đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Chủ tịch UBND tỉnh Đàon Anh Dũng tại cuộc họp yêu cầu các ban, ngành địa phương phối hợp thực hiện công trình đúng tiến độ với tinh thần thận trọng, lập Tổ công tác để vận động người dân, tạo sự đồng thuận.

Bình Thuận hy vọng dự án này sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II với 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô.


Việt Nam tính xây nhà máy bán dẫn đầu tiên, lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cảnh báo chi phí cao 

31/10/2023 

Reuters 

Ảnh minh họa triển lãm công nghệ bán dẫn ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Ảnh minh họa triển lãm công nghệ bán dẫn ở Thượng Hải, Trung Quốc. 

Việt Nam đang đàm phán với các công ty sản xuất chip nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư vào nước này và có thể xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên. Reuters dẫn nguồn tin từ hai giám đốc điều hành doanh nghiệp cho biết như vậy hôm 31/10, bất chấp cảnh báo từ các quan chức ngành công nghiệp Hoa Kỳ về chi phí cao.

Tại đất nước này, là trung tâm sản xuất điện tử ở Đông Nam Á, hãng khổng lỗ Intel đã đặt nhà máy kiểm tra và đóng gói hàng bán dẫn lớn nhất của họ trên toàn thế giới và cũng là nơi đặt trụ sở của một số công ty phần mềm thiết kế chip. Việt Nam đang thực hiện chiến lược thu hút nhiều đầu tư hơn nữa vào hàng bán dẫn, bao gồm cả các xưởng đúc, vốn tập trung vào sản xuất chip.

Ông Vũ Tú Thành, người đứng đầu văn phòng tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, nói với Reuters rằng các cuộc họp với một số công ty chip của Mỹ đã diễn ra trong những tuần gần đây, bao gồm cả với các nhà điều hành nhà máy. Ông Thành từ chối nêu tên các công ty vì các cuộc đàm phán vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ.

Một giám đốc điều hành hãng chip, người từ chối nêu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông, cho biết các cuộc đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng có sự tham gia của nhà sản xuất theo hợp đồng GlobalFoundries của Hoa Kỳ và PSMC của Đài Loan.

Giám đốc điều hành này cho biết thêm rằng mục đích là xây dựng nhà máy đầu tiên của Việt Nam, rất có thể là để sản xuất những con chip kém tiên tiến hơn được sử dụng trong ôtô hoặc cho các ứng dụng viễn thông.

Các cuộc gặp diễn ra sau khi quan hệ chính thức giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được nâng cấp mang tính lịch sử vào tháng 9, khi Tổng thống Joe Biden đến thăm Hà Nội và Nhà Trắng mô tả quốc gia cựu thù có tiềm năng là “người đóng vai trò rất quan trọng” trong chuỗi cung ứng hàng bán dẫn toàn cầu.

GlobalFoundries tham dự một hội nghị thượng đỉnh kinh doanh trong chuyến thăm của ông Biden sau lời mời từ chính tổng thống, công ty cho hay, nhưng kể từ đó không tỏ ra quan tâm ngay đến việc đầu tư vào Việt Nam, một người nắm bắt vấn đề này cho biết.

“Chúng tôi không bình luận về những tin đồn trên thị trường”, người phát ngôn của GlobalFoundries cho biết khi được hỏi về những liên hệ tiếp theo. PSMC không trả lời yêu cầu bình luận.

Các quan chức trong ngành nói rằng các cuộc họp ở giai đoạn này chủ yếu nhằm đánh giá mức độ quan tâm và thảo luận về các ưu đãi và trợ cấp tiềm năng, bao gồm cả về nguồn cung cấp điện, cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động được đào tạo.

Chính phủ Việt Nam cho hay họ muốn có nhà máy đầu tiên vào cuối thập kỷ này và hôm 30/10 nhấn mạnh rằng các công ty sản xuất chip sẽ được hưởng lợi từ “những ưu đãi cao nhất hiện có ở Việt Nam”.

Chính phủ Việt Nam cũng có thể hỗ trợ các công ty trong nước như công ty công nghệ nhà nước Viettel xây dựng nhà máy với thiết bị nhập khẩu, ông Hung Nguyen, giám đốc chương trình cấp cao về chuỗi cung ứng tại Đại học Hà Nội, Việt Nam, nói với Reuters.

Viettel không trả lời khi được đề nghị đưa ra bình luận.

Chi phí đến 50 tỷ đôla

Tuy nhiên, ông Robert Li, Phó Chủ tịch của US Synopsys, một công ty thiết kế chip hàng đầu hoạt động tại Việt Nam, kêu gọi chính phủ “suy nghĩ kỹ” trước khi trợ cấp để xây dựng nhà máy.

Phát biểu tại “Hội nghị thượng đỉnh về hàng bán dẫn Việt Nam” tại Hà Nội hôm 29/10, ông nói rằng việc xây dựng một xưởng đúc có thể tiêu tốn tới 50 tỷ đôla và sẽ kéo theo việc cạnh tranh về trợ cấp với Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu, những nước đã công bố kế hoạch chi tiêu cho chip trị giá từ 50 đến 150 tỷ đôla ở mỗi nước

Ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ, cũng tại hội nghị này đã khuyến nghị chính phủ nên tập trung vào các lĩnh vực chip mà Việt Nam vốn có thế mạnh như lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm.


Reuters: Nhóm G7 đề nghị tài trợ Việt Nam hơn 300 triệu USD để giảm sử dụng than 

30/10/2023 

VOA Tiếng Việt 

Số liệu phát thải của các nhà máy điện than ở Việt Nam trên bản đồ được chuyên gia môi trường Ngụy Thị Khanh cho thấy tại văn phòng ở Hà Nội ngày 31/5/2018.

Số liệu phát thải của các nhà máy điện than ở Việt Nam trên bản đồ được chuyên gia môi trường Ngụy Thị Khanh cho thấy tại văn phòng ở Hà Nội ngày 31/5/2018. 

Các nước thành viên của nhóm G7 đã đề nghị tài trợ hơn 320 triệu USD cho Việt Nam để hỗ trợ các kế hoạch giảm sử dụng than, theo các tài liệu mà Reuters tiếp cận được. Hãng tin Anh cho biết, khoản đề nghị này chiếm 2% gói tài chính gồm chủ yếu là các khoản vay tốn kém mà Hà Nội đã miễn cưỡng chấp nhận.

Gói tài chính được Reuters nhắc tới là khoản viện trợ hơn 15 tỷ USD mà nhóm G7 và đối tác cam kết cung cấp cho Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái để giúp quốc gia Đông Nam Á đạt mục tiêu phát thải ròng về không vào năm 2050.

Các tài liệu mà Reuters trích dẫn cho thấy, Việt Nam muốn có được các khoản tài trợ và vốn vay lãi suất thấp để thực hiện kế hoạch chuyển đổi năng lượng, bằng cách loại bỏ dần các nhà máy điện than tốn kém và thay thế chúng bằng các trang trại điện gió cũng như các nguồn năng lượng tái tạo khác. Tuy nhiên, các nhà tài trợ hầu như chỉ cung cấp “các khoản vay đắt đỏ theo giá thị trường” trong bối cảnh các dự án điện ở Việt Nam thường xuyên bị trì hoãn.

Các nhà tài trợ đã gặp khó khăn trong các cuộc đàm phán về khí hậu với các đối tác đang phát triển khác, theo Reuters. Kế hoạch trị giá 8,5 tỷ USD cho Nam Phi đã được thông qua vào năm 2021 nhưng vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể trong khi Indonesia đã trì hoãn kế hoạch đầu tư liên quan đến cam kết 20 tỷ USD của các nhà tài trợ.

Việt Nam vẫn cam kết hợp tác và đã chuẩn bị một danh sách khoảng hơn 400 dự án có thể nhận tiền từ nhóm G7, trong đó có 272 dự án về cơ sở hạ tầng năng lượng như trang trại điện gió và mặt trời, nâng cấp mạng truyền tải điện và hệ thống pin lưu trữ điện, theo tài liệu được Reuters trích dẫn.

Một quan chức của một đối tác tài trợ nói với Reuters rằng danh sách này cần có sự chấp thuận của các đối tác quốc tế, vốn yêu cầu các cải cách đầy tham vọng hơn về quy định và sự tham gia của xã hội dân sự vào các quyết định chống biến đổi khí hậu, trước Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc bắt đầu vào ngày 30/11 tại Dubai.

Việt Nam đang bị chỉ trích vì bắt giam và kết án tù các nhà lãnh đạo các tổ chức dân sự thúc đẩy cho việc cắt giảm sử dụng than đá cũng như chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Chính quyền Hà Nội đã dùng tội danh “trốn thuế” để kết án tù các nhà hoạt động môi trường, trong đó có ‘anh hùng khí hậu’ Ngụy Thị Khanh – giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo GreenID. Bà Khanh và nhà báo Mai Phan Lợi, chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), đã được thả tự do trước thời hạn. Tuy nhiên chính quyền sau đó lại kết án bà Hoàng Thị Minh Hồng, giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (Change), cũng như bắt giam chuyên gia năng lượng Ngô Thị Tố Nhiên.

Một chuyên gia về khí hậu, người từ chối nêu tên trong bối cảnh Việt Nam dường như đang đàn áp các chuyên gia và nhà hoạt động năng lượng, cho Reuters biết số tiền tài trợ “rất thấp và có thể không đủ để thuyết phục Hà Nội” loại bỏ dần việc sử dụng than.

Theo Reuters, khoản tiền tài trợ trị giá 321,5 triệu USD gần như hoàn toàn đến từ các quốc gia của Liên minh châu Âu. Các nhà tài trợ thuộc khối này cam kết cung cấp 2,6 tỷ USD trong khi 2,7 tỷ USD khác là các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp, trong đó 2/3 đến từ EU, Đức và Pháp và 1/3 còn lại là do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với một phần nhỏ từ Canada.

Các khoản vay từ khu vực công hiện đã tăng lên 8 tỷ USD nhưng hơn một nửa trong số đó là các khoản vay thương mại với mức lãi suất theo giá thị trường mà Việt Nam rất miễn cưỡng chấp nhận, theo Reuters.

Tài liệu được Reuters trích dẫn cho biết 7,5 tỷ USD còn lại trong tổng cam kết hơn 15 tỷ USD là các khoản vay từ khu vực tư nhân nhưng có kèm theo yêu cầu thay đổi về quy định và chất lượng các dự án cụ thể.

Trong khi đó, theo ước tính của chính phủ Việt Nam, để thực hiện các kế hoạch phát điện của quốc gia đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 135 tỷ USD. Theo Reuters, khoản tiền từ khối G7 chỉ là một giai đoạn đầu 3 năm và có mục đích để hấp dẫn những khoản đầu tư tư nhân lớn hơn.


Miền Trung: Mưa lớn gây sạt lở tuyến đường sắt Bắc Nam, nhiều tuyến giao thông bị ngập lụt

RFA
30/10/2023

Miền Trung: Mưa lớn gây sạt lở tuyến đường sắt Bắc Nam, nhiều tuyến giao thông bị ngập lụt

Tuyến quốc lộ 15A, đoạn qua xã Hà Linh (huyện Hương Khê) bị ngập cục bộ một đoạn kéo dài 0,5km, sâu 0,3-0,5m. 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngDân trí 

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua tại các tỉnh miền Trung gây sạt lở tuyến đường sắt Bắc Nam qua địa bàn huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Mưa cũng gây sạt lở, ngập úng khiến tường rào một trường học ở tỉnh này bị sập, làm một nữ sinh bị thương.

Thông tin trên được truyền thông loan trong ngày 30/10 theo nội dung báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh.

Theo báo cáo, mưa lớn kéo dài đã khiến một số đoạn của tuyến đường sắt qua địa bàn xã Đức Liên sạt lở nghiêm trọng. Do sạt lở nên việc vận hành các tuyến đường sắt Bắc Nam bị ngưng trệ, ngành đường sắt đã ra thông báo dừng tàu. Đại diện lãnh đạo xã Đức Liên cho truyền thông hay, địa phương đang phối hợp với đơn vị quản lý tuyến đường sắt để có phương án khắc phục sớm nhất.

Mưa lớn cũng gây ngập lụt tại một số địa phương miền núi. Tại huyện Hương Khê, một số cầu tràn bị ngập cục bộ.

Vẫn theo báo cáo, mưa lớn cũng khiến tường rào của một trường học ở huyện Hương Khê bị sập, khiến một nữ sinh lớp 12 bị thương ở chân.

Ông Lê Văn Hợp, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên H.Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết trên tờ Thanh Niên rằng, mưa lớn khiến các tuyến đường đi về nhà bị ngập sâu nên hiện tại vẫn còn khoảng 70 em học sinh đang bị mắc kẹt tại trường không thể về nhà.

Theo thông tin từ Phòng Giáo dục Đào tạo H.Hương Khê, toàn huyện này có tổng số 23.437 học sinh thì 4.623 em phải nghỉ học do ảnh hưởng của mưa lớn.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tuyến quốc lộ 15A, đoạn qua xã Hà Linh (huyện Hương Khê) trong ngày 30/10 cũng bị ngập cục bộ một đoạn kéo dài 0,5km, sâu 0,3-0,5m. Tình trạng ngập lụt khiến giao thông qua xã Hà Linh hỗn loạn. Những người dân địa phương cho biết, tình trạng ngập lụt trên quốc lộ 15A diễn ra từ 11h hôm nay (30/10).

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 14 giờ ngày 29/10 đến 14 giờ ngày 30/10), khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa đến mưa to bao gồm các khu vực Yên Thượng (Nghệ An); Phúc Đồng (Hà Tĩnh); Hướng Hóa (Quảng Bình); Hiền Lương (Quảng Trị); Xuân Bình (Quảng Nam); Tịnh Thọ (Quảng Ngãi)…

Trung tâm cũng đưa ra dự báo trong sáu giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa. Cơ quan khí tượng cảnh báo, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện ở các tỉnh nêu trên trong thời gian đến.


XEM THÊM:

Hà Tĩnh: Ba người bị lũ cuốn

Liên Thành 4 giờ trước 294 lượt xem

Tại huyện Hương Khê, cổng khu thể thao trung tâm xã Hương Thủy nước dâng cao hơn 2 m, chỉ còn một phần biển. Xung quanh hàng chục cầu tràn, đường giao thông nội đồng ngập 0,5-0,7 m. (Ảnh: VnExpress).

Hai phụ nữ và một trẻ em ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang đi trên đường ngập thì không may bị nước cuốn mất tích.

Báo VnExpress đưa tin, vào lúc 10h ngày 30/10, chị Tống Thị Trang, 33 tuổi và Nguyễn Thị Hoa, 31 tuổi, trú xã Hà Linh, huyện Hương Khê, đi dọn vệ sinh trại gà, trên đường về gần nhà thì bị nước lũ cuốn mất tích.

15h cùng ngày, người thân không thấy 2 chị trở về nên trình báo lực lượng chức năng. Cuối giờ chiều, thi thể chị Trang được phát hiện tại nhà văn hóa thôn 12.

Đến tối, hàng chục người vẫn đang đang tìm kiếm chị Hoa. Hai nạn nhân là chị em dâu, mỗi người có 2-3 con nhỏ, gia cảnh khó khăn.

Tại xã Hương Thủy, lúc 15h30 cùng ngày (30/10), em Nguyễn Văn Dũng, 13 tuổi, đi bộ trên đường ngập ở thôn 6 thì bị sẩy chân vào vũng nước sâu và bị nhấn chìm. Hơn 20h30, thi thể nạn nhân được tìm thấy ở gần vị trí gặp nạn.

Hôm nay 31/10, theo dự báo từ Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia và Đài khí tượng thủy văn Trung ương (Bộ TN-MT), trong đêm qua và sáng sớm nay (31/10), ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to và rải rác có giông, riêng khu vực từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Nam có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 30.10 đến 2 giờ ngày 31/10 có nơi trên 100 mm như: Lộc Trì (Thừa Thiên – Huế) 210,8 mm, Hòa Ninh (Đà Nẵng) 173,2 mm, Hà Lam (Quảng Nam) 143 mm, Xuân Lộc (Phú Yên) 126,6 mm, Trần Phú (Bình Định) 113,6 mm…

Dự báo, sáng sớm và ngày 31/10, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 40 – 100 mm, có nơi trên 150 mm. Từ sáng sớm ngày 31/10 đến sáng 2/11, ở khu vực từ Thừa Thiên – Huế đến Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 50 – 200 mm, có nơi trên 400 mm.

Ngoài ra, trong chiều tối và tối 31/10, ở khu vực Khánh Hòa, Tây nguyên, Nam bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20 – 40 mm, có nơi trên 70 mm. dkn.tv


Comments are closed.