Chuyện Việt Nam Thứ Hai 13/02/2023: Tô Lâm nhờ Hoa Kỳ giúp chống tội phạm trốn sang Mỹ – Ấn vàng ‘Hoàng đế Chi bảo’ giá hơn 6,1 triệu euro – Ca sĩ Hanni Phạm và “hòa hợp, hòa giải dân tộc” – Bi kịch của Vũ Hoàng Chương 


Quê Hương tổng hợp


Bộ trưởng Công an VN gặp Đại diện Thương mại Mỹ, đề nghị hợp tác xử lý tội phạm – 13/02/2023 

VOA Tiếng Việt 

Bộ trưởng Tô Lâm tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai, ngày 13/2/2023. Photo Bo Cong an.

Bộ trưởng Tô Lâm tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai, ngày 13/2/2023. Photo Bo Cong an. 

Ngày 13/2, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai bắt đầu chuyến công du ba ngày đến Việt Nam với nỗ lực thắt chặt mối quan hệ hợp tác thương mại song phương và quốc tế, trong khi Hà Nội tận dụng cơ hội này thuyết phục Washington hợp tác trong việc điều tra, xử lý các vụ án kinh tế mà các bị can đã trốn sang Mỹ.

“Xin gửi lời chào từ Việt Nam! Khi Hoa Kỳ và Việt Nam sắp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện, tôi rất vui mừng được đến Hà Nội để thảo luận về các cơ hội củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại quan trọng này”, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai viết trên Twitter hôm 13/2.

Chiều 13/02/2023, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã tiếp và làm việc với bà Katherine Tai, theo Cổng thông tin Bộ Công an.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị bà Tai: “Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam trong công tác điều tra, trao đổi, xác minh thông tin các vụ án kinh tế có yếu tố nước ngoài thông qua kênh tương trợ tư pháp về hình sự”, đồng thời kêu gọi hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế.

Bộ Trưởng Tô Lâm đưa ra lời đề nghị này giữa lúc chính quyền Việt Nam đang xử các đại án tham nhũng trong nước nhưng có ít nhất hai bị can đang trốn truy nã tại Hoa Kỳ.

Trước đó, vào tháng 11/2022, ông Lâm cũng đưa ra đề nghị tương tự, hối thúc Mỹ sớm ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự và phối hợp truy bắt tội phạm kinh tế, những người “lợi dụng Hoa Kỳ làm địa bàn lẩn trốn”.

Cũng hôm 13/2, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, bà Tai cho biết ưu tiên lớn của Chính phủ Hoa Kỳ hiện nay là thúc đẩy phục hồi thương mại và tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, tự cường và bao trùm trên cở sở những bài học rút ra từ quá trình ứng phó đại dịch COVID-19 vừa qua.

Theo trang Báo Quốc tế, ông Sơn và bà Tai cùng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của thúc đẩy thương mại tự do, mở, công bằng, dựa trên luật pháp quốc tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm tại khu vực, trong đó các nước ASEAN giữ vai trò trung tâm.

Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 13-15 tháng 2, Đại sứ Tai sẽ gặp gỡ các quan chức chính phủ Việt Nam, bao gồm cả Bộ Đầu tư và Bộ Thương mại, theo một thông cáo của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ.

Đại sứ Tai cũng sẽ gặp các bên liên quan đến vấn đề lao động và đại diện khu vực tư nhân để thảo luận về các cơ hội tăng cường hợp tác và chia sẻ các ưu tiên của Chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với khu vực, bao gồm các cuộc đàm phán đang diễn ra về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo hôm 10/2.

Chuyến đi của Đại sứ Tai tới Hà Nội diễn ra khi Hoa Kỳ và Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam vào năm 2023, mối quan hệ đối tác toàn diện này đã củng cố hơn nữa mối quan hệ tổng thể và làm sâu sắc hơn về thương mại và đầu tư song phương giữa hai nước.

Bà Katherine Tai, một luật sư người Mỹ gốc Đài Loan, được Tổng thống Joe Biden cử làm Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đảm nhận vai trò cố vấn thương mại, đồng thời là người phát ngôn chính về chính sách thương mại của Mỹ.

Sau khi thăm Hà Nội, dự kiến vào ngày 16/2, Đại sứ Tai sẽ có mặt tại Kuala Lumpur, Malaysia, nơi bà sẽ gặp gỡ giới chức chính phủ Malaysia, bao gồm Bộ Thương mại và Kỹ thuật Quốc tế cùng Bộ Nhân sự, thông cáo của USTR cho biết.

Sau đó, bà sẽ đến Munich, Đức, từ ngày 17 đến 19 tháng 2. Bà sẽ tham dự Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59 và thảo luận về tầm nhìn của Chính quyền ông Biden về một hệ thống thương mại quốc tế đa phương linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người dân trên khắp thế giới.


Mai Thanh Sơn – Bi kịch con người chính trị Vũ Hoàng Chương 

Trên mạng xã hội, và cả một số tờ báo “lề phải”, hôm qua đưa tin: nhà thơ Vũ Hoàng Chương từng được đề cử giải Nobel văn học năm 1972. Rồi sau đó, nhiều người viết về Ông, về thơ Ông. Vũ Hoàng Chương là một tài năng trác tuyệt. 

Bàn về cái hay của thơ Ông hiển nhiên không khó. Đọc ai, tôi cũng thấy hay, thấy có lý, thấy mình thật là ngớ ngẩn trước thơ ca. Nhưng báo chí trong nước tuyệt nhiên không thấy nhắc đến bi kịch mà Ông phải gánh chịu sau tháng Tư 1975.

Tôi cũng là người yêu thơ Vũ Hoàng Chương. Thời còn ngồi nghe các thầy bát ngát trên giảng đường, tôi thích những câu thơ kiểu như: “Do dự mãi, đêm nay rời xứ Mộng/Ta chiều em, bỏ cánh lại cung Trăng/Lén bước xuống thuyền mây chờ cửa động/Vội vàng đi, quên giã biệt cô Hằng… Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải/Chút thơ ngây còn lại cũng vừa chôn/Khi tỉnh dậy bùn nhơ nơi hạ giới/Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn”. 

Hoặc “Lìa cõi Mộng, giong thuyền qua bến Tục/Đoái hoài chi, băng tuyết sẽ vùi chôn/Em khao khát dìu anh tìm hạnh phúc/Ở men nồng chăn ấm tối tân hôn… /Thôi hết nhé, thỏa đi niềm rạo rực/Từ cung trăng rơi ngã xuống trần gian/Ta sắp uống bùn nhơ và sự thực/Sẽ mai đây giày xéo giấc mơ tàn”… 

Thơ Ông rất Đời, rất Thực, đầy trăn trở với cái bản ngã, với câu hỏi cho đến nay vẫn còn tính thời sự: “Ôi! ta đã làm chi đời ta?”. Tôi, và có lẽ nhiều bạn trẻ khác cũng vậy, nhìn thấy phần nào đó bản thân mình trong cơn say của Ông.

Vũ Hoàng Chương cũng là nhà thơ yêu nước. Ông thể hiện điều đó theo cách của mình. Ông gào thét: “Trả ta sông núi!” từng trang sử/Dân tộc còn nghe vọng thiết tha./Ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ:/“Không đòi, ai trả núi sông ta!”… Từ một người yêu nước, Ông đã vượt qua lằn ranh thơ ca đơn thuần, trở thành một con người chính trị. Có lẽ bi kịch sau này của Ông bắt đầu từ đây chăng? 

Khi hết cơn say, Vũ Hoàng Chương từng có một tuyên ngôn “Thơ tỉnh”: “Lò phiếu trưng cầu, một hiển linh/Đốt lò hương, gửi mộng bình sinh/Từ nay trăm họ câu an lạc/Đàn khúc đầm Dao, rượu chén Quỳnh!/Có một ngày ta trở lại cố đô/Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ/Trên tầng Chí Sĩ bàn tay vẫy/Đại định Thăng Long, một bóng cờ”. (“Lửa từ bi”-1957).

Không cần nhiều, chỉ với bài thơ này thôi, Vũ Hoàng Chương đã tự khẳng định thế đứng đối lập với những người đang cầm quyền ở miền Bắc. Những người thuộc “bên thắng cuộc” thực sự rất khó tiêu hóa nổi thái độ này. Sự kiện ông bị bắt giam sau ngày Sài Gòn thất thủ là lẽ đương nhiên. Lẽ phải luôn thuộc về người nắm quyền mà.

MAI THANH SƠN 13.02.2023


Về cái gọi là chính sách “hòa hợp, hòa giải dân tộc” của CSVN – Trương Nhân Tuấn – 12-2-2023

Vụ cô ca sĩ Hanni rốt cục đảng CSVN, qua hệ thống tuyên giáo, lại vi phạm những nội dung mà họ đã “nghiêm chỉnh đồng thuận” trong Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt ở nước ngoài.

Đó là việc “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai“.

Bởi vậy câu “đừng nghe… mà hãy nhìn…” của cố tổng thống Thiệu luôn là chân lý cho mọi thời đại.

Cam kết “xóa bỏ định kiến”, “không phân biệt đối xử” nhưng tuyên giáo của đảng luôn hành xử với người Việt ở nước ngoài trên tinh thần phân biệt “địch-ta”.

Thực thể VNCH đã tiêu vong từ năm 1975, không ai có thể “hà hơi” khiến chế độ này sống lại hết cả.

Làm gì có “tinh thần cởi mở” khi tuyên giáo CSVN luôn coi VNCH là “địch”. Làm gì có vụ “xóa bỏ định kiến”, xóa bỏ phân biệt giai cấp, thành phần xuất thân qua vụ 50 năm sau, cháu nội, cháu ngoại những người VNCH cũ vẫn bị xếp vào thành phần “địch”.

Thành quả về văn hóa của lớp con cháu VNCH cũ gầy dựng được ở nước ngoài vô hình trung trở thành “văn hóa phản động”. Không có luật nào cấm nhưng qua “bàn tay bí mật” là lực lượng tuyên giáo, đảng CSVN không cho phép thành phần này “kiếm tiền” trên đất nước Việt Nam.

Theo tôi vụ này “lợi bất cập hại”.

Mới đây phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam còn lên tiếng “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, sau khi vụ người Việt Nam kiện bồi thường chiến tranh thành công tại một tòa án Nam Hàn. Tức là CSVN sẽ không cho phép dân chúng kiện cáo tiếp để đòi bồi thường.

Nếu so sánh việc này với nội dung dẫn trên của Nghị quyết 36. Cả hai đều có một mục tiêu: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Thực tế: Thấy vậy mà không phải vậy.

Việt Nam hiện nay cần Nam Hàn hơn là Nam Hàn cần Việt Nam. Việt Nam cần đủ thứ, từ kinh tế cho tới quân sự. Thử hỏi, nếu Nam Hàn không bán vũ khí cho Việt Nam, thì Việt Nam từ nay lấy gì để vũ trang?

Nhưng tuyên giáo Việt Nam “thọc gậy bánh xe”, vụ cô Hanni là vụ thứ hai. Vụ trước là vụ tập phim “Ba chị em” trình chiếu trên Nexflix bị cấm chiếu ở Việt Nam, do “xuyên tạc lịch sử”.

Theo tôi, chính phủ Nam Hàn nên xét lại các quan hệ với Việt Nam. Cũng như tập thể VNCH cũ.

Việt Nam là một đối tác chiến lược toàn diện với Nam Hàn. Quan hệ này không cho phép hiện hữu cái cách hành xử “như kẻ thù” của tuyên giáo đối với con người, cũng như sản phẩm văn hóa của Nam Hàn.

Tuyên giáo Việt Nam, qua cô Hanni, chống mọi sự “kiếm tiền ở Việt Nam” của các lực lượng “chống Cộng”.

Nam Hàn cùng VNCH cũ là đồng minh cật ruột, cùng đổ máu chống lại sự bành tướng của cộng sản. Nam Hàn vì vậy là một quốc gia chống Cộng xuất sắc, có hiệu quả tại khu vực châu Á. So sánh Nam Hàn với Bắc Hàn hay Việt Nam ta thấy rõ điều này.

Tuyên giáo là cánh tay ngầm, là bề mặt của ý thức hệ của đảng CSVN. Vì vậy các đầu tư của các tập đoàn Nam Hàn vào Việt Nam, cũng như cô Hanni, sẽ không được hoan nghênh tại Việt Nam.

Về tập thể VNCH cũ, đảng và nhà nước CSVN không hề có chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc. Họ chỉ có chính sách “đại đoàn kết dân tộc”. Mặt trận Tổ quốc là cơ quan có trách nhiệm thi hành mục tiêu này (điều 3, khoản 1, Luật về Mặt trận Tổ quốc).

Hai khái niệm hòa hợp và hòa giải dân tộc và “đại đoàn kết dân tộc” hoàn toàn khác nhau.

Mục tiêu (trách nhiệm) của MTTQ không hề nói bất cứ một điều gì liên quan đến “hòa hợp và hòa giải dân tộc”.

Một số các bài viết của tuyên giáo có đề cập đến cụm từ “hòa hợp và hòa giải dân tộc”, với mục đích “đánh tráo khái niệm”, gắn liền chính sách “đại đoàn kết dân tộc” hiện hữu từ thời trước 1954 với cái gọi là “hòa hợp và hòa giải dân tộc”. Những bài viết này chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây.

Tin lời cán bộ CSVN về sự hiện hữu của chính sách “hòa hợp hòa giải dân tộc” là bán lúa giống.


Việt Nam: Số người trẻ bị đột quỵ gia tăng – An Vui /SGN
11/02/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/11.2.23_Anh-6.jpg

Nhiều bệnh nhân đột quỵ sau tết đang cấp cứu tại bệnh viện đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ – Ảnh Người Lao Động 

Đàn ông Việt Nam bị đột quỵ nhiều hơn 1.5 lần so với nữ giới và đa số đến bệnh viện muộn.

Đó là thống kê từ ngành y tế Việt Nam cuối năm 2022. Ghi nhận của phóng viên Người Lao Động hôm 11 Tháng Hai 2023 ở các bệnh viện Sài Gòn và Cần Thơ cũng cho thấy số người trẻ bị đột quỵ đang gia tăng. 

Tiến sĩ bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc bệnh viện SIS Cần Thơ thống kê: Trước Tết, trung bình mỗi ngày bệnh viện cấp cứu 30 ca đột quỵ, song trong và sau Tết, con số này lên đến 50 ca, tổng cộng một tuần nghỉ tết và sau tết có 160 ca đột quỵ, trong khi trước tết mỗi tuần chỉ có 110 bệnh nhân. Điều đáng buồn là số bệnh nhân đến bệnh viện muộn, đã qua “thời gian vàng” (6 giờ đầu) tăng gấp đôi so với ngày thường. Trong số các bệnh nhân đột quỵ, có 75% là nhồi máu não và 25% là xuất huyết não. 

Tại bệnh viện đa khoa Tâm Anh (Sài Gòn), tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội thần kinh bệnh viện đa khoa Tâm Anh, cho biết tỷ lệ đột quỵ ở những người trẻ tuổi (trên dưới 40) đang gia tăng, do hút thuốc lá, nhậu nhiều và thói quen ít vận động, nên mắc bệnh tăng huyết áp sớm. Hiện nay, bệnh nhân bị tăng huyết áp ngày càng trẻ và do chủ quan, người trẻ thường lơ là không uống thuốc thường xuyên. 

Người Lao Động cũng dẫn lời thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Bích Hường, khoa Bệnh lý Mạch máu não bệnh viện 115 (Sài Gòn): Thời gian gần đây, số bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ tăng nhanh trở thành vấn đề đáng lo ngại cho toàn xã hội, vì khác với người già, nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ thường xuất phát từ một số vấn đề sức khỏe liên quan tới tim mạch hoặc cấu trúc mạch máu bất thường… nhưng họ lại mặc định rằng mình còn trẻ tuổi và không mắc bệnh lý gì nghiêm trọng. 

Bên lề hội nghị Khoa học kỹ thuật thường niên 2022 tổ chức cuối Tháng Mười Một 2022, trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Văn Tân, trưởng khoa Nội thần kinh bệnh viện Nhân Dân Gia Định cho biết, trung bình mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận 2,000 ca đột quỵ mới, trong đó có sự gia tăng ở nhóm bệnh nhân dưới 50 tuổi, chiếm tỷ lệ từ 15 – 20%. Bác sĩ Tân nhận định: “Trước đây, yếu tố gây đột quỵ chủ yếu là tăng huyết áp, tiểu đường, thừa ký, tiền căn gia đình. Còn hiện nay xuất hiện các yếu tố mới gây đột quỵ là stress, rối loạn giấc ngủ, hội chứng ngưng thở lúc ngủ”.

Thông tin tại hội nghị đột quỵ quốc tế năm 2022 với chủ đề “Thách thức và cơ hội” diễn ra ngày 5 Tháng Mười Một 2022 ở Hà Nội cũng cho biết đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu nhưng chỉ rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu – thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Một nghiên cứu của ngành y tế Việt Nam cho biết đa số người Việt bị đột quỵ từ 65 tuổi trở lên, nhưng độ tuổi dưới 45 chiếm 7.2%, có xu hướng tăng. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ nam bị đột quỵ gấp 1.5 lần so với nữ, trong khi ở ngoại quốc, nữ bị đột quỵ nhiều hơn nam. Bên cạnh đó, số bệnh nhân bị đột quỵ được cấp cứu trong 6 giờ đầu (thời gian vàng) chỉ có 33%!


Ấn ‘Hoàng đế Chi bảo’ được thương lượng mua với giá hơn 6,1 triệu euro

13/02/2023

Ấn ‘Hoàng đế Chi bảo’ được thương lượng mua với giá hơn 6,1 triệu euro

Chuyên gia nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng “Hoàng đế Chi bảo” tại văn phòng hãng đấu giá Millon ở Paris, Pháp. 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBộ Văn hóa 

Ấn vàng “Hoàng đế Chi bảo” được một thương nhân Việt Nam ở Bắc Ninh thương lượng mua với giá hơn 6,1 triệu euro (tương đương gần 154 tỷ đồng).

Mạng báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh loan tin ngày 13/2 cho biết ông Nguyễn Thế Hồng, chủ nhân Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng ở Bắc Ninh là người đạt được thương lượng vừa nêu với Nhà đấu giá Pháp Milon.

Tin cho biết thêm cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành thủ tục để đưa ấn vàng “Hoàng đế Chi bảo” hồi hương. Dự kiến vào cuối tháng tư ấn sẽ về đến Việt Nam.

Ấn vàng “Hoàng đế Chi bảo” được Hãng đấu giá Milon tại Paris, Pháp công bố đem đấu giá công khai vào ngày 19/10 với giá khoảng 3 triệu đô la. Tuy nhiên hãng này sau đó đã phải hoãn đấu giá đến hai lần do yêu cầu đàm phán từ phía Chính phủ Việt Nam. Bảo vật lại được nói sẽ được đem bán đấu giá vào ngày 18/11 tới nhưng vào ngày 15/11, Hãng Millon thông báo chính thức việc huỷ bỏ đấu giá do đàm phán thành công với phía Việt Nam.

Tags: , , ,

Comments are closed.