Chuyện Việt Nam Thứ Năm 03/8/2023: *Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo *Việt Nam muốn tăng xuất khẩu gạo *800 doanh nghiệp bất động sản giải thể *Philippines lên án Trung Quốc ở Biển Đông, muốn hợp tác với VN *Vietnam Airlines nửa đầu năm không có lời * 16 triệu người không có lương hưu vào 2030


Quê Hương tổng hợp


Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo, Việt Nam và Thái Lan đàm phán lại hợp đồng nửa triệu tấn

02?8/2023

Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo, Việt Nam và Thái Lan đàm phán lại hợp đồng nửa triệu tấn

Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến gạo ở Cần Thơ (minh họa) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Hai nguồn tin thương mại cho biết các nhà xuất khẩu gạo ở Việt Nam và Thái Lan đang đàm phán lại giá cả đối với các hợp đồng mua bán khoảng nửa triệu tấn gạo cho các lô hàng tháng 8, do lệnh cấm của Ấn Độ thắt chặt nguồn cung toàn cầu.

Các nhà xuất khẩu đang gấp rút bao tiêu nguồn cung gạo từ những người nông dân – đã tăng giá bán sau khi thị trường thế giới tăng vọt, khiến các thương vụ trị giá hàng triệu đô la gặp rủi ro.

Theo hãng tin Reuters, nông dân trồng lúa và các nhà xuất khẩu đã mua các lô hàng trước sẽ được hưởng lợi từ việc thắt chặt nguồn cung trên thế giới, trong khi người mua có khả năng bị thiệt dù đã đặt hàng trước khi Ấn Độ thông báo lệnh cấm do người bán đàm phán lại hợp đồng để có giá cao hơn.

Các thương nhân cho biết các nhà nhập khẩu gạo không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả mức giá cao hơn vì người bán sẽ không thực hiện được hợp đồng do giá mặt hàng chủ lực tăng đáng kể.

Cuối tháng trước, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trắng trong bối cảnh tình hình sản xuất trong nước không chắc chắn, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung lương thực đối với các nhà nhập khẩu mặt hàng chủ lực ở châu Á và châu Phi.

Thái Lan và Việt Nam, lần lượt là các nhà xuất khẩu số hai và ba thế giới, ước tính sẽ xuất khẩu hơn một triệu tấn gạo trong tháng 8. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% nguồn cung toàn cầu.

Giá toàn cầu của các loại gạo chính được vận chuyển trên toàn thế giới đã tăng khoảng 80 USD/tấn kể từ khi Ấn Độ áp đặt lệnh cấm vào ngày 20/7.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 590 USD/tấn so với giá trước đó là 515-525 USD.

Giá hiện nay cao hơn rất nhiều so với giá trong hợp đồng. Giá xuất khẩu tăng mạnh đã khiến giá lúa trong nước tăng mạnh. Một số thương nhân hiện đang gấp rút đẩy mạnh thu mua từ nông dân,” một thương lái ở TPHCM cho biết.

Trong khi các công ty xuất khẩu lớn có khả năng hoàn thành hợp đồng, các công ty thương mại nhỏ hơn dự kiến sẽ không trả được các lô hàng, các thương nhân cho biết.

Các nhà nhập khẩu, bao gồm cả Philippines, có khả năng tìm kiếm các thỏa thuận trực tiếp với chính phủ của các nước xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng.

Philippines sẽ tăng lượng gạo tồn kho, bao gồm cả nhập khẩu, với việc chính phủ khuyến khích các thương nhân tư nhân tăng cường mua hàng, một quan chức nông nghiệp cấp cao cho biết hôm 1/8 vừa qua.


Việt Nam mong muốn Samsung sử dụng người Việt Nam làm lãnh đạo của tập đoàn

01/8/2023

Việt Nam mong muốn Samsung sử dụng người Việt Nam làm lãnh đạo của tập đoàn

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy của Samsung Việt Nam ở Bắc Ninh hôm 30/7/2023 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBắc Ninh TV 

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 30/7 bày tỏ mong muốn lãnh đạo Samsung tạo điều kiện cho người Việt Nam được đứng trong hàng ngũ lãnh đạo của tập đoàn. Truyền thông Nhà nước cho biết ông Chính nêu mong muốn này nhân buổi làm việc với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để tạo điều kiện cho Samsung phát triển tại Việt Nam.

Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đã có 15 năm đầu tư ở Việt Nam và được coi là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 20 tỷ đô la. Kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam năm 2022 đạt 65 tỷ đô la, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, theo số liệu của truyền thông Nhà nước.

Hiện Việt Nam đang gặp những khó khăn trong việc đào tạo kỹ năng, công nghệ và hệ thống sinh thái để có thể giúp Việt Nam theo bước các nước như Hàn Quốc trong dây chuyền cung cấp toàn cầu. Trong khi đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc và nước ngoài khác đang kêu gọi Chính phủ Việt Nam có những khuyến khích về thuế để giúp họ mở rộng sản xuất tại Việt Nam nhằm thay thế Trung Quốc.

Trang tin của  Chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Chính cho biết trong tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, một số quốc gia rơi vào suy thoái, thương mại quốc tế giảm, các nguy cơ trên thị trường tiền tệ và tài chính gia tăng, Samsung nên gia tăng việc chuyển giao công nghệ, đầu tư vào đội ngũ nữ, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, giúp Việt Nam hướng đến một nền kinh tế xanh và theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hiện Samsung chưa đưa ra bình luận gì về lời kêu gọi này của Thủ tướng Việt Nam.

Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho khẳng định cam kết của hãng trong đầu tư lâu dài tại Việt Nam và “đưa ra một số khuyến nghị”, trang tin Chính phủ Việt Nam cho biết nhưng không nói cụ thể những khuyến nghị này là gì.


Việt Nam muốn tăng xuất khẩu gạo trong lúc các nước ngưng 

VOA Tiếng Việt 

02/8/2023

Nông dân đang thu hoạch lúa ở Cần Thơ. Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới

Nông dân đang thu hoạch lúa ở Cần Thơ. Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới 

Giới chức Việt Nam muốn tăng cường xuất khẩu gạo để tận dụng thời cơ thế giới đang đổ xô mua trong bối cảnh một số nước đã ra lệnh cấm xuất khẩu, nhưng cũng có những lo ngại về an ninh lương thực trong nước.

Nga, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) vừa nối gót Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, ban hành lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng lương thực chủ lực này do những biến động thời tiết khiến mùa màng thất bát.

Trong khi đó, Nga cũng rút ra khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen khiến thị trường lương thực thế giới càng thêm căng thẳng.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá giạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đến ngày 31/7 đã tăng gần một nửa so với với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 575 đô la Mỹ một tấn. Một ngày sau đó, giá đã tăng lên 588 đô la và được dự báo có thể tăng đến 600 đô la một tấn.

Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có tờ trình lên Thủ tướng đề xuất ra chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo, tờ Tuổi Trẻ đưa tin.

Theo đó, Việt Nam cần tăng xuất khẩu gạo để ‘khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam’, Tuổi Trẻ dẫn tờ trình cho biết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan hành động quyết liệt để thực hiện mục tiêu này.

“Đây là một thời cơ, nếu không tận dụng thì sẽ bỏ lỡ,” ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt, được Tuổi Trẻ dẫn lời nói tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào chiều ngày 1/8.

Theo lời ông Cường thì trong năm 2023, cả nước dự kiến gieo trồng lúa khoảng 7,1 triệu ha và Cục trồng trọt đã chỉ đạo mở rộng thêm 50.000 ha lúa để tranh thủ thời cơ.

Trước những lo ngại về an ninh lương thực trong nước khi mà thời tiết bất lợi có thể tác động xấu đến mùa màng, ông Cường cho rằng mùa màng năm nay Việt Nam ‘sẽ được mùa kỷ lục nếu không có thiên tai, dịch bệnh bất thường trên diện rộng’.

Mặc dù dự đoán hiện tượng El Nino sẽ bắt đầu tác động đến tình hình sản xuất lúa gạo của Việt Nam, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, vào cuối năm nay và đầu năm sau, nhưng ông Cường cho rằng ‘Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó’.

“Với lượng dự trữ quốc gia và chỉ mất khoảng 90 ngày để sản xuất một vụ lúa thì hoàn toàn yên tâm về nguồn cung lương thực,” ông Cường được Tuổi Trẻ dẫn lời trấn an và cho rằng việc tăng xuất khẩu gạo không dẫn đến thiếu hụt nguồn cung gạo trong nước.

Trang mạng VnExpress cho biết giá gạo bán lẻ trong nước hôm 1/8 đã tăng từ 1.000 đến 2.000 đồng một ký.

Hồi giữa tháng Bảy, do ảnh hưởng của bão Talim, các tỉnh miền Tây đã xảy ra mưa lớn nhiều ngày khiến 3.000 ha lúa hè thu bị đổ ngã, không thể thu hoạch, VnExpress cho biết.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được trang mạng này dẫn lại thì năm nay Việt Nam sẽ thu hoạch 43 triệu tấn thóc, xuất khẩu 13 triệu tấn trong số đó, còn lại 30 triệu tấn để trong nước tiêu dùng, trong đó 3,8 triệu tấn là để dành dự trữ phòng khi thiếu hụt.


Biển Đông : Philippines lên án hành động của Trung Quốc và thúc đẩy hợp tác hàng hải với Việt Nam

Thu Hằng /RFI

02/8/2023

Ngày 01/08/2023, Thượng Viện Philippines đã thông qua một nghị quyết lên án Trung Quốc liên tục quấy rối tầu cá Philippines và không ngừng xâm nhập vùng biển của nước này. Nghị quyết không mang tính ràng buộc nhưng thúc đẩy chính quyền Manila « có những biện pháp phù hợp để khẳng định và bảo đảm » chủ quyền, đồng thời « kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động phi pháp ». 

Một tàu của cảnh sát biển Trung Quốc (P), bị cáo buộc cản trở tàu của cảnh sát biển Philippines Malabrigo (T) ở gần Bãi Cỏ Mây, Biển Đông, ngày 30/06/2023. © AP/Philippine Coast Guard 

Theo trang Philstars, nghị quyết của Thượng Viện kêu gọi bộ Ngoại Giao Philippines sử dụng mọi diễn đàn quốc tế để huy động sự ủng hộ đa phương về việc áp dụng phán quyết lịch sử năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, nâng cao nhận thức về tình hình ở Biển Đông (Philipines gọi là Biển Tây Philippines), vận động những nước « có cùng chí hướng » kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng luật pháp.

Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros, một trong những người đề xuất nghị quyết, thuộc đảng Akbayan (đảng Hành động Công dân), đánh giá cao nỗ lực hợp tác giữa đảng của bà và đảng Pwersang Masang Pilipino (đảng Đấu tranh của quần chúng Philippines) đảng của chủ tịch Thượng Viện Juan Miguel Zubiri, để nghị quyết được thông qua.

Nữ thượng nghị sĩ cũng nhấn mạnh « cuộc chiến chống cách hành xử thiếu thận trọng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không dừng ở đó ». Một nghị quyết trước đó của Thượng Viện, cũng do thượng nghị sĩ Risa Hontiveros ủng hộ, đã kêu gọi chính phủ Manila đưa các hành động của Bắc Kinh ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Philippines – Việt Nam thúc đẩy hợp tác hàng hải

Ngày 01/08, phát biểu tại Học Viện Ngoại Giao ở Hà Nội trong khuôn khổ chuyến công du Việt Nam, ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo kêu gọi hai nước đẩy mạnh hợp tác hàng hải, được cho « là một động lực mạnh mẽ cho Quan hệ Đối tác Chiến lược » song phương, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, cũng như tranh chấp kéo dài ở vùng biển giàu tài nguyên.

Theo ngoại trưởng Philippines, « ngoài ý nghĩa chiến lược, Biển Đông là huyết mạch của hàng triệu người dân Philippines và Việt Nam, những người sống dựa vào biển », cho nên « phải thúc đẩy hơn nữa trong việc khám phá các phương thức hợp tác mới về an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển ».

Trang GMA của Philippines nhắc lại Việt Nam là một trong hai Đối tác chiến lược của Philippines (cùng với Nhật Bản).


Gần 800 doanh nghiệp bất động sản giải thể từ đầu năm

02/8/2023

Gần 800 doanh nghiệp bất động sản giải thể từ đầu năm

Một người lái xe ôm ngủ trên vỉa hè trước tấm biển quảng cáo căn hộ cao cấp ở TPHCM (minh họa) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Gần 800 doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam đã phải giải thể từ đầu năm đến nay, trong khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Truyền thông Nhà nước dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong bảy thán qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 756 doanh nghiệp giải thể, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp thành lập mới là 2.622 doanh nghiệp, giảm 56,2% so với cùng kỳ năm  ngoái.

Truyền thông Nhà nước dẫn số liệu thống kê của Wichart.vn, trang chuyên thống kê các dữ liệu kinh tế tài chính ở Việt Nam, tính đến hết ngày 30/7, có 66 doanh nghiệp bất động sản đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2023. Trong đó, 24 doanh nghiệp tăng lãi và 30 doanh nghiệp giảm lãi so với cùng kỳ năm ngoái.

Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là doanh nghiệp có lợi nhuận nghìn tỷ trong quý vừa qua.

Trong khi đó Địa ốc Hoàng Quân hiện đang phải đối mặt với tình trạng giá cổ phiếu giảm dưới mức 10.000 đồng/ cổ phiếu được cho là thấp hơn giá trị sổ sách. Công ty này trong tám năm liên tiếp luôn lên kế hoạch đưa cổ phiếu về mệnh giá nhưng không thành công.

Các công ty bất động sản tại Việt Nam đang nhắm tới gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội của chính phủ để có dòng tiền mạnh giúp thu hồi vốn đầu tư.

Hoạt động mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam đã giảm xuống còn 247 nghìn tỷ đồng trong quý 2 năm 2023, từ mức cao nhất là 34,8 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2022 – theo số liệu mới công bố của Công ty Chứng khoán SSI

Truyền thông Nhà nước cho biết, các doanh nghiệp bất động sản cũng trì hoãn việc thanh toán trái phiếu càng lâu càng tốt, dựa vào nghị định mới về trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Theo số liệu thống kê của SSI được báo trong nước trích đăng, tổng giá trị trái phiếu bị chậm trả gốc, lãi tính đến hết quý II/2023 đã lên tới 66 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tiếp tục chiếm áp đảo trong nhóm chậm thanh toán trái phiếu như  Vietracimex, Novaland…

SSI Research nhận định: “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam dường như đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, ít nhất trong ngắn hạn nhờ các động thái từ Chính phủ. Tuy nhiên, các giải pháp hiện tại mang tính ngắn hạn, thiên về hỗ trợ cho các tổ chức phát hành, không thể lập tức khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư.”


Đắk Nông: Mặt đất xuất hiện thêm nhiều vết nứt nguy hiểm

Lê Thiệt /SGN
2 tháng 8, 2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/02-vet-nut-1.jpg

Tỉnh Đắk Nông tiếp tục ghi nhận vết nứt dài chừng 300 mét – Ảnh: Người Lao Động 

Như tin đã đưa, một hiện tượng địa chất hy hữu này xảy ra vào lúc 11 giờ đêm ngày 31 Tháng Bảy tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, sau hai tiếng nổ lớn, người dân cảm nhận được mặt đất rung chuyển mạnh, họ vội vã chạy ra khỏi nhà, và được chính quyền cho sơ tán đi nơi khác để bảo đảm an toàn tính mạng.

Đến sáng 1 Tháng Tám, người dân phát hiện nhiều vết nứt gãy trên mặt đất có chiều dài khoảng 200m, rộng 10 – 15cm.

Khi người dân chưa hết hoang mang, chính quyền địa phương cũng chưa tìm được nguyên nhân gây ra hiện tượng này, thì chiều ngày 2 Tháng Tám, tại khu vực đồi thôn 8, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, xuất hiện thêm vết nứt mặt đất lớn, kéo dài hàng trăm mét.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/02-vet-nut-2.jpg

TP Gia Nghĩa di dời khẩn cấp các hộ dân gần khu vực nguy hiểm – Ảnh: Dân Trí 

Ngoài ra, tại khu vực thôn 11, xã Nam Bình, huyện Đắk Song cũng có hiện tượng rẫy của ba gia đình xuất hiện vết nứt kéo dài khoảng 300m, độ sâu từ 20cm đến 2m. Sau khi phát hiện, UBND xã Nam Bình đã thông báo, cảnh báo khu vực nguy hiểm đến các hộ dân trong vùng.

Cùng ngày, trên Quốc lộ 14, đoạn qua trung tâm thành phố Gia Nghĩa xuất hiện vết nứt dài gần bờ hồ Đại La. Ngay sau đó, tại khu vực trên xảy ra hiện tượng sạt lở, làm hư hỏng nhà cửa và tài sản của người dân địa phương.

Chính quyền địa phương cho biết, họ phải tổ chức cho 16 gia đình ra khỏi khu vực có hiện tượng sạt lở.

Theo PGS.TS Trần Tân Văn, vết nứt là một trong những dấu hiệu đầu tiên của một vụ sạt lở, nguyên nhân do mưa lớn kéo dài khiến đất bị bão hòa, sức bền giảm.

Báo VNExpress trích lời ông Văn cho biết, vết nứt thường bắt đầu từ trên đỉnh của khối trượt, nếu vết nứt rộng thêm, khả năng trượt sẽ càng cao. “Trong vài ngày, nếu vết nứt phát triển từ 200 mét đến hàng cây số, có nghĩa khối trượt đang dịch chuyển và nguy cơ sạt lở lớn có thể xảy ra”, ông nhận định.

Vẫn theo lời ông Văn, hiện tượng trượt lở này có thể dự báo được. “Về lâu dài cần xây dựng bản đồ dự báo cảnh báo sớm”, ông nói. Trước đây từng có đề án quan trắc toàn diện nhằm xây dựng bản đồ cảnh báo cho tỉnh miền núi, trong đó có Đà Lạt, Đăk Nông, tuy nhiên đề án đã dừng 1-2 năm.

Dư luận cho rằng các chuyên gia cần phải nhìn nhận sâu hơn về nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt lở này. Đất bị bão hòa, sức bền giảm không chỉ vì do mưa lớn kéo dài, mà còn do con người đã tàn phá thiên nhiên không thương tiếc. Ngoài ra, sự quy hoạch dựa vào quyền lợi của người lãnh đạo các tỉnh thành, đã phá vỡ thế cân bằng của đất, của thiên nhiên, để rồi giờ này người dân phải lãnh hậu quả tàn khốc.


Vietnam Airlines: Doanh thu nửa đầu năm tăng nhưng vẫn chưa có lãi sau thuế

RFA
02/8/2023

Vietnam Airlines: Doanh thu nửa đầu năm tăng nhưng vẫn chưa có lãi sau thuế

Vietnam Airlines lỗ sau thuế 1.331 tỷ đồng, giảm lỗ sâu 75% so với 6 tháng đầu 2022 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngVnEconomy 

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) vừa công bố doanh thu tăng trưởng trong quý II/2023, nhưng vẫn chưa có lãi sau thuế.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, được truyền thông loan trong ngày 1/8, Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là 20.696 tỷ đồng, tăng 12,3% so với quý II/2022. Đây cũng là quý thứ bảy liên tiếp doanh thu của Vietnam Airlines tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo báo cáo, lũy kế sáu tháng đầu năm, Tổng công ty đạt doanh thu hợp nhất hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ; lãi gộp đạt gần 2.900 tỷ, khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ gộp nửa đầu năm ngoái. Tuy nhiên, sau khi hạch toán hết các khoản chi phí, Vietnam Airlines vẫn lỗ sau thuế hợp nhất 1.331 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, bằng 1/4 so với khoản lỗ của 6 tháng đầu 2022.

Lý giải những nguyên nhân gây tăng trưởng chậm mặc dù hoạt động hàng không được đánh giá đang “cất cánh” trở lại, đại diện Vietnam Airlines được tờ VnEconomy dẫn lời: “Do tính mùa vụ, quý 2 là quý thấp điểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên kết quả không khả quan bằng quý 1. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh vận tải vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan. Cùng với đó, “các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh. Lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong báo cáo công ty mẹ và hợp nhất 6 tháng 2023 chỉ đạt trên 6,4% doanh thu“.

Đại diện Vietnam Airlines cũng cho biết hiện Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam cơ bản đã hoàn tất phần lớn các thủ tục kiểm toán liên quan đến sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ và trước ngày phát hành báo cáo tài chính năm 2022. Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam và Vietnam Airlines đang khẩn trương hoàn thiện để phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 trong thời gian tới.

Trước đó, do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định, cổ phiếu HVN bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 12/7, tức chỉ được giao dịch trong phiên chiều. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/8, cổ phiếu HVN tăng 1,94% lên 13.150 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 2,76 triệu đơn vị.


ILO: Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người không có lương hưu vào năm 2030

RFA – 02/8/2023

ILO: Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người không có lương hưu vào năm 2030

Người dân nhận lương hưu hàng tháng 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBHXHVN/DTr 

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa xảy ra nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế.

Đó là dự báo của Tổ chức Lao động (ILO) trong ngày 2/8 và được truyền thông nhà nước loan.

Từ dự báo của ILO, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh, tỷ trọng người cao tuổi xu hướng tăng nhanh, trong khi tỷ trọng người trong độ tuổi lao động giảm, kinh nghiệm của các nước thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới bao phủ toàn dân cho thấy, chính sách bảo hiểm xã hội cần được thiết kế theo hướng đa tầng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để đảm bảo an sinh cho mọi người dân.

Do đó, Bộ Lao động cho rằng để ứng phó hiệu quả với quá trình già hóa dân số, bên cạnh các giải pháp về chính sách, vai trò của Nhà nước hỗ trợ người dân tham gia và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội là nhân tố quyết định.

Tờ VnEconomy dẫn thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi là hơn 5,1 triệu người, chiếm 35% so số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong đó, có 2,7 triệu người hưởng lương hưu, 0,63 triệu người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, hơn 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi).

Tính đến cuối 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). 5,1 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội. Con số này chỉ chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.


XEM THÊM:

Comments are closed.