Chuyện Việt Nam Thứ Năm 17/8/2023: *“Quan” khóc lóc, van xin *Tại sao nhà nước phải in sách giáo khoa * VN chi tỷ USD nhập muối, nhập than *Việt Nam quyết tâm dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn *VinFast trước áp lực doanh số bán hàng *


Quê Hương tổng hợp


Uan Tieu  – Về việc “quan trên” khóc lóc, van xin

Cựu phó bí thư tp. HCM, ông Tất Thành Cang nhiều lần khóc tại tòa

Từ “quan” hiện nay được sử dụng một cách phổ biến rộng rãi, kể cả trong Chính phủ cũng xài. Theo từ điển giải nghĩa thì quan là viên chức chỉ huy chính trị hoặc quân sự dưới chế độ phong kiến, thực dân. Nước ta không có phong kiến thì nên thay bằng quân chủ hoặc gọi chung là vua chúa cho tiện. Vậy thì thời này mà gọi là “quan” thì chắc cũng đúng về bản chất nên có nhiều “quan” tự nhận là “quan trên” cũng phải.

 Tôi thấy phần lớn dân chúng hiện nay ưa lấy việc chế giễu, miệt thị mỗi khi bắt được hình ảnh các quan khóc lóc, van xin trước tòa. Ở đây tôi không dám bàn đúng sai mà chỉ nêu ra một ý kiến đứng về góc nhìn khác: là hãy lấy đó làm việc răn mình.

 Vậy thì chúng ta có phải quyền cao chức trọng đâu mà hà cớ gì phải răn mình?

 Trước tiên ta không phải là họ nên ta không thể nào hiểu nổi cái nguyên nhân sâu xa đó. Vậy có người quả quyết rằng do họ tham, nhưng nếu tôi hỏi lại rằng: Họ không tham thì có được hay không? Ai là người trả lời cho thật thấu đáo thì mới ra người thông suốt vậy.

 Có ai dám khẳng định với tôi rằng nếu là họ thì sẽ khôn ngoan hơn họ, sẽ thanh liêm hơn họ. Bởi vì bất kể ai nếu đã leo lên vị thế của họ thì sự đúng sai phải quấy trở thành cái gì đó rất thấp thoáng mập mờ, cho nên cũng đừng có rêu rao đạo đức nhân nghĩa gì ở đây. Một khi họ đã xây dựng nên một cơ chế như cái mạng nhện thì chính cái mạng nhện đó cũng là cái bẫy dành cho họ. Thiết nghĩ họ là nạn nhân trong chính cái trò chơi quyền lực do họ tạo ra thì ta cũng nên có chút nào đó thông cảm cho họ.

 Cái bản chất của xã hội này chỉ đào tạo những con người phục dịch, thụ động, sai đâu đánh đó thì ngay cả bản thân mình là ai còn khó biết, huống hồ chi là tự chủ cho được. Chính vì bị điều khiển, không biết tự chủ nên buộc phải trao cái quyền đó cho kẻ khác làm chủ mình, lâu dần sẽ tự làm con cờ trong nước cờ không biết đâu mà lần và cũng chả biết đâu mà gỡ. Cứ thấy ai cũng như nhau, cũng làm vậy mà được an toàn, được thăng tiến thì hà cớ gì lại chối từ.

 Cho nên không có tự chủ, cứ nghĩ theo, nghe theo và làm theo, một khi rơi vào vòng xoáy đó thì không làm cũng chết mà làm cũng chết, thì lấy căn cứ gì mà định khôn-dại ở đây? Họ khóc là vì họ có nhiều ấm ức, mà đã chắc gì họ khóc là đã ra người giác ngộ; còn ta cười là vì ta không có cái may mắn ở trong địa vị của họ, mà đã chắc gì ta cười là đã ra người giác ngộ.

– Răn mình là chỗ đó, mặc dù ta tự nhận là vô can hay có là người bị hại đi nữa, hãy soi xét đến sự tự chủ cho chính mình!

Sài-gòn, ngày 15/07/2023.


Lê Học Lãnh Vân – Thảo luận về sách giáo khoa 

Theo dõi Quốc hội thảo luận về giáo dục, tôi thấy các phát biểu gần như giống nhau với ý chung là: Nhà nước phải in sách giáo khoa, bởi vì sách giáo khoa là mức triển khai chính sách giáo dục!

Thôi thì tạm đồng ý với cách sắp xếp rằng sách giáo khoa là ở cấp độ triển khai. Nhưng mà, tại sao ở cấp độ đó thì Nhà nước phải in sách?

Đa số các quốc gia giàu mạnh, văn minh không nhúng tay vào việc soạn và in sách giáo khoa của tư nhân. Trước năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy. Lý do rất đơn giản: việc này những nhà giáo có thể lo được. 

Việc gì xã hội dân sự lo được thì nhà nước không nên tranh lo với họ. Bớt đi cái gánh nặng lo tranh với tư nhân (tư nhân thiệt sự chứ không phải tư nhân sân sau), nhà nước tập trung vào mức độ quản trị cao cấp, đây mới là trách nhiệm của nhà nước. 

Thí dụ quản trị giá trị đạo đức học đường mà nhiều quan sát cảm nhận bị bỏ bê. Quản trị tham nhũng trong ngành giáo dục, quản trị nhân sự giáo dục mà nhiều quan sát cảm nhận thiếu cả năng lực chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp. Quản trị các chính sách giáo dục miễn phí thực sự, quản trị các dự án giáo dục sao cho chi phí thấp nhất mà lợi ích cao nhất…

Tôi nghĩ rằng nhà nước quản trị thành công các khía cạnh trên thì sẽ xuất hiện một thế hệ những nhà giáo và học sinh, sinh viên có đạo đức và năng lực, họ thẩm định sách giáo khoa có ích cho việc dạy và học của họ. Sẽ xuất hiện những tư nhân làm sách giáo khoa chất lượng cao, muôn hình muôn vẻ, đáp ứng nhu cầu dân chúng. Theo quy luật thị trường, nhà nước không thể làm tốt bằng tư nhân.

Lúc đó nhà nước không phải loay hoay với cái lưới bùng nhùng sách giáo khoa, quan chức giáo dục ít cơ hội tham nhũng. Vậy chẳng phải tốt hơn cho dân, cho nước hơn sao?

LÊ HỌC LÃNH VÂN 16.08.2023


Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập muối, nhập than

15/8/2023

Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập muối, nhập than

Hình chụp hôm 22/4/2019: công nhân thu hoạch muối từ cánh đồng muối ở Hòn Khói, Khánh Hoà. 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Việt Nam mỗi năm phải nhập  khẩu khoảng 600.000 tấn muối với trị giá hàng tỷ USD; trong khi nước này có bờ biển dài mấy ngàn kilomet.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí ngày 15/8 nêu chất vấn đối với Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển- Nông thôn (NNPTNT) vì cho rằng đó là một nghịch lý. Vị đại biểu này yêu cầu có những giải pháp để Việt Nam có đủ muối dùng, không còn nhập khẩu và diêm dân có thể sống bằng nghề của họ.

Bộ trưởng NNPTNT Việt Nam, Lê Minh Hoan, thừa nhận nghề muối truyền thống ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, diện tích ruộng muối thu hẹp, đời sống diêm dân khó khăn.

Ông Lê Minh Hoan cho biết hiện cả nước có hai vùng sản xuất muối lớn: vùng duyên hải miền Trung và khu vực tỉnh Thái Bình. Bộ NNPTNT có thể sẽ triển khai một số dự án thí điểm, phát triển ngành muối tại đó. Ông cũng kêu gọi doanh giới tham gia vào ngành sản xuất muối

Ngoài nghịch lý muối, Việt Nam còn đối mặt với hai nghịch lý khác là nước sản xuất lúa gạo mà vẫn nhập gạo từ Ấn Độ, Campuchia; sản xuất than mà phải nhập than.

Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 15/8 dẫn thống kê của Tổng Cục Hải quan cho thấy trong tháng 7/2023, Việt Nam phải nhập gần 30 triệu tấn than tăng hơn 10 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu than hơn 4,3 tỷ USD.


VinFast đối mặt với áp lực về doanh số bán hàng để duy trì mức định giá hào nhoáng 

Reuters 

16/8/2023

Xe điện VF-8 của VinFast được trưng bày tại một showroom ở Santa Monica, California, ngày 18/7/2022.

Xe điện VF-8 của VinFast được trưng bày tại một showroom ở Santa Monica, California, ngày 

18/7/2022. 

Công ty xe hơi điện của Việt Nam, VinFast, trong vài ngày qua đã gây chú ý khi chính thức lên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq, và được định giá trị vốn hóa ở mức 85 tỷ USD, cao gần gấp đôi so với Ford hay General Motors. Đây được xem là một mức định giá “hào nhoáng” đối với một công ty khởi nghiệp đang bị thua lỗ như VinFast, nhưng theo Reuters, giờ mới đến lúc cho phần khó khăn: đưa doanh số bán xe ở nước ngoài ra khỏi tình trạng lẹt đẹt lâu nay.

Theo hãng thông tấn Anh, trong 5 tháng còn lại của năm nay, VinFast cần phải đạt con số hơn gấp đôi doanh số bán hàng từ đầu năm đến nay để có thể đạt được mục tiêu cả năm do người sáng lập đặt ra là bán được 50.000 xe điện.

Để làm được điều này, công ty của Việt Nam cần phải hoàn thành việc cải tiến chiến lược bán hàng để thu hút các nhà phân phối và đại lý, thay vì chỉ bán thông qua nền tảng của riêng mình, một cách tiếp cận mà VinFast vay mượn từ Tesla.

VinFast cũng sẽ cần phải giảm chi phí để cạnh tranh về giá với những công ty như Tesla, là công ty đã sử dụng quy mô và lợi nhuận dẫn đầu ngành của mình để giảm giá và gây áp lực lên các đối thủ kể từ đầu năm nay.

Cổ phiếu của hãng chỉ chuyên sản xuất xe điện VinFast, là hãng đã sáp nhập với công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC) Black Spade, đã tăng mạnh khi ra lần đầu lên sàn Nasdaq vào thứ Ba 15/8. Do 99% cổ phần của công ty thuộc về người sáng lập VinFast, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nên tỷ lệ cổ phiếu chuyển nhượng tự do rất nhỏ khiến cho cổ phiếu của VinFast càng nhiều biến động hơn.

Các giao dịch của các hãng xe điện theo kiểu SPAC khác, bao gồm cả hãng Lucid, là công ty xe điện mà Black Spade đã sử dụng để làm cơ sở định giá 23 tỷ đô la ban đầu cho VinFast, đã chứng kiến cổ phiếu của họ sụt giảm sau khi niêm yết.

Lucid hiện được định giá dưới 15 tỷ USD, thấp hơn gần 40% so với mức định giá qua SPAC là 24 tỷ USD vào năm 2021.

Ý định huy động thêm vốn của VinFast cũng là một mối đe dọa tiềm ẩn đối với mức định giá cao của công ty này. Reuters dẫn lời Giám đốc tài chính David Mansfield cho biết hôm 15/8 rằng VinFast đang thảo luận với nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả các quỹ đầu tư quốc gia, và đang trên đường huy động vốn bổ sung trong 18 tháng tới.

“Giống như bất kỳ giao dịch nào, giá cả do thị trường quyết định. Vì vậy, chúng tôi không thể nói là cứ lấy (mức giá) chứng quyền hay cổ phiếu của chúng tôi ngày hôm nay mà làm căn cứ được”, Giám đốc điều hành (CEO) của VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy, nói với Reuters khi được hỏi về các điều kiện đầu tư trong tương lai.

Việc niêm yết của VinFast tạo ra một cách để công ty ô tô Việt Nam, vốn đã phải vất vả trong việc giữ chân các giám đốc điều hành cấp cao, đưa ra mức thù lao dựa trên cổ phần, một triển vọng được nêu rõ trong hồ sơ của họ.

ĐEM ĐỐI TÁC VÀO

CEO Thủy của VinFast Thuy nói hôm 15/8 rằng VinFast sẽ chuyển sang “mô hình bán hàng lai ghép” kiểu mới để bán hàng, thu hút các nhà phân phối và đại lý cho thị trường nước ngoài.

Kể từ khi công bố kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, VinFast đã tính đến việc chỉ sử dụng các phòng trưng bày của riêng mình, giống như Tesla.

“Mở cửa hàng của riêng chúng tôi là điều tuyệt vời nhưng mất rất nhiều thời gian”, bà Thuỷ nói. “Hợp lực với các đối tác khác để đi nhanh hơn luôn là bản chất của chúng tôi”.

Tính đến tháng 6, VinFast đã mở 122 phòng trưng bày trên toàn cầu, chủ yếu tập trung ở Bờ Tây Hoa Kỳ, công ty cho biết.

Người sáng lập là tỷ phú Phạm Nhật Vượng hồi tháng 5 nói rằng VinFast có thể bán 50.000 xe điện trong năm nay.

Trong 7 tháng đầu tiên, VinFast đã bán được hơn 16.000 chiếc, tính cả doanh số bán hàng tại Việt Nam. Con số trên bao gồm doanh số bán chỉ được 137 chiếc mẫu VF8 tại Hoa Kỳ, mẫu duy nhất mà hãng hiện đang bán tại thị trường Mỹ.

Nhưng Giám đốc Tài chính (CFO) Mansfield vẫn khẳng định “Những con số ước tính mà chủ tịch của chúng tôi định ra cho năm nay vẫn đang đi đúng hướng”.

Vẫn theo Reuters, VinFast chỉ bán được khoảng 1/6 công suất sản xuất tại nhà máy ở Hải Phòng. Còn nhà máy mới đang được xây dựng ở bang North Carolina, Mỹ, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2025.

Công ty tư vấn AlixPartners cho hay họ ước tính các nhà sản xuất xe điện cần phải đạt doanh số 400.000 xe hàng năm để hòa vốn, bao gồm cả ở Trung Quốc, nơi hầu hết đang thua lỗ trong cuộc chiến giá cả ngày càng lớn để giành thị phần.

Ngoài ra, giá cả là một thách thức khác.

Tesla hiện tiếp tục gây áp lực cho các đối thủ khi giới thiệu một phiên bản rẻ hơn của Model S và Model X vào ngày 15/8. Tesla Model Y rẻ hơn gần 7.000 USD so với mẫu VF8 của VinFast sau khi bao gồm các khoản trợ cấp liên bang.

Bà Thuỷ nói VinFast tin rằng các sản phẩm của họ có giá cạnh tranh nhưng đang nỗ lực để giảm giá.

“Không có (nhà sản xuất ô tô) nào khác trên thế giới có chi phí cơ sở thấp như ở Việt Nam”, bà nói. “Tất cả những điều đó đang dẫn đến việc giảm chi phí trong tương lai”.

Việt Nam thể hiện quyết tâm dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn 

VOA Tiếng Việt – 16/8/2023

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC. 

Các lãnh đạo phòng chống tham nhũng của Việt Nam hôm 16/8 khẳng định quyết tâm “dẫn độ bằng được” các đối tượng bỏ trốn như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về nước, ngay cả trong trường hợp Việt Nam chưa ký hiệp định hỗ trợ tư pháp với quốc gia mà đối tượng đó đang cư trú, bằng việc xét xử vắng mặt họ để làm “cơ sở dẫn độ”, rồi từ đó nghiên cứu ban hành án lệ áp dụng cho sau này.

Lời khẳng định của các lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương được đưa ra trong buổi họp báo cung cấp thông tin về kết quả Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực vào chiều 16/8.

“Đây là điểm mới, nổi bật trong phòng chống tham nhũng, là cơ sở dẫn độ tội phạm, nghiên cứu ban hành án lệ áp dụng trên cả nước về xét xử đối tượng bỏ trốn”, Vietnamnet dẫn lời Phó Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng nói tại buổi họp báo.

Khi được hỏi về trường hợp của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch AIC, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên nói quyết tâm truy bắt “rất cao” và “quyết liệt” của Ban Chỉ đạo và các cơ quan bảo vệ pháp luật, không chỉ với trường hợp bà Nhàn mà còn với tất cả các trường hợp bỏ trốn khác, Tuổi Trẻ tường thuật.

Theo quan chức này, có một bước tiến mới là cả những đối tượng bỏ trốn cũng bị xét xử vắng mặt.

“Quy định của pháp luật Việt Nam cho phép làm việc đó. Đối với tất cả những trường hợp có hành vi phạm tội, chứng cứ rõ, trốn đủ điều kiện thì có quyền xử, tuyên án. Đây là tiền đề để phục vụ cho truy bắt”, ông Yên nói thêm.

Theo ông, nếu người bỏ trốn chỉ là “đối tượng truy nã”, chưa có bản án, thì rất khó khăn trong hợp tác tư pháp quốc tế.

“Nhưng khi bản án tuyên có hiệu lực thì anh là tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế thì thế giới này không có nước nào dung tha”, Vietnamnet dẫn lời ông Yên nói thêm.

Trong trường hợp với những nước chưa ký hiệp định hỗ trợ tư pháp, ông Yên cho biết Việt Nam sẽ thực hiện nguyên tắc “có đi có lại”.

“Chúng ta sẽ cố gắng quyết tâm và tôi tin rằng sẽ có kết quả”, ông Yên nói thêm.

Lời khẳng định của các lãnh đạo Việt Nam được đưa ra sau khi tờ báo Đức Taz hôm 7/8 đưa tin cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã sang Đức được vài tháng nay và hiện đang sống tại một thành phố lớn của nước này. VOA tiếng Việt chưa thể kiểm chứng qua nguồn tin độc lập về thông tin này.

Tờ báo Đức cho biết Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị dẫn độ bà Nhàn, nhưng Sở Tư pháp Liên bang Đức đã bác công văn này.

Theo tờ báo này, kể từ khi xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017, tất cả các yêu cầu dẫn độ về Việt Nam, theo nguyên tắc, đều bị từ chối.

Bộ Ngoại giao Đức được cho là đã cảnh cáo Việt Nam về những hành động bất hợp pháp tiếp theo. “Chính phủ Liên bang Đức sẽ không dung thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của các quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức”, TAZ dẫn lời Bộ Ngoại Đức viết.

Trước đó, bà Nhàn được cho là đã trốn sang Nhật Bản rồi đến London, nơi con gái bà được cho là đang cư trú.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 54 tuổi, được cho là từng đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ mua vũ khí từ nhiều quốc gia cho quân đội Việt Nam, bên cạnh các hoạt động “bề nổi” là xuất khẩu lao động và tham gia vào các dự án xây dựng trong nước của công ty AIC.

Bà Nhàn và 7 nhân viên đã bỏ trốn và bị truy nã quốc tế trong vụ án liên quan đến đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Vào ngày 4/1/2023, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC đã bị một toà án ở Hà Nội xét xử vắng mặt và tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù với cáo buộc tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, với mức thiệt hại 152 tỉ đồng.

https://www.voatiengviet.com

Comments are closed.