Chuyện Việt Nam Thứ năm 22/12/2022: Mất 25 sách cổ giá trị – Sinh viên VN và đường dây mại dâm ở Đài Bắc – Quảng Nam chờ xử ông hội đồng Nguyễn Viết Dũng – Đắk Nông: tượng đài hơn 167 tỷ đồng! – Du khách giảm 82%


Quê Hương tổng hợp


Viện Nghiên cứu Hán Nôm làm mất 25 sách cổ, trong đó có một cuốn liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa – RFA – 21/12/2022

Viện Nghiên cứu Hán Nôm làm mất 25 sách cổ, trong đó có một cuốn liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa

Viện Nghiên cứu Hán Nôm nơi làm thất lạc 25 cuốn sách Hán Nôm cổ /Chụp màn hình 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Văn bản học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm báo động trên trang Facebook cá nhân vụ cơ quan này làm mất 25 cuốn sách cổ viết bằng chữ Nôm mà theo ông Diện là “cực kỳ quan trọng của văn hiến dân tộc” và “liên quan đến cương vực chủ quyền của Việt Nam” ở Biển Đông.

Theo thông cáo của Viện Nghiên cứu Hán Nôm công bố vào ngày 21/12, cơ quan này được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giao nhiệm vụ bảo quản các tài liệu Hán Nôm gồm gần 35.000 cuốn sách và gần 60.000 thác bản văn bia đã có biên mục.

Vào tháng 4/2020, viện tiến hành tổng kiểm kê đầu tiên trong hơn 10 năm qua thì phát hiện thiếu 29 quyển (tập sách đóng rời) và sáu thác bản bia. Sau khi rà soát lại, viện tìm được bốn quyển do để sai chỗ trên giá và bốn thác bản cũng để sai chỗ.

Cho tới thời điểm này, số sách cổ bị mất hoặc thất lạc là 25 quyển. Hai thác bản bị mất nhưng đã có thác bản dự bị đem ra sử dụng. Tuy nhiên, số sách trên đã có bản scan màu và/hoặc bản photocopy làm từ trước, tức là nội dung sách không bị mất.

Thông tin sách cổ quý hiếm biến mất khỏi kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm được Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện-  Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Văn bản học của cơ quan này, đưa lên trang Facebook cá nhân cùng tên trong ngày 20/12, một ngày sau cuộc họp tổng kết năm của viện.

Theo ông Diện, trong số những cuốn sách bị mất có bản gốc bộ sách Toàn Việt thi lục của nhà bác học Lê Quý Đôn (mất 4 cuốn thuộc 3 bộ khác nhau); và hai cuốn Địa dư chí ghi chép địa lý, cương vực, bờ cõi rất quý liên quan đến cương vực chủ quyền của Việt Nam.

Tiến sỹ Diện nói trong số sách quý bị mất còn có Việt âm thi tập- tuyển tập thơ đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ Hán, do nhà sử học Phan Phu Tiên (1370-1462) biên soạn và Thị Ngự sử Chu Xa (1407 – ?) kế tục biên soạn.

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua tin nhắn:

“Bộ Việt âm thi tập là một vốn cổ quý giá, không những về thơ văn, mà nó còn là một tài liệu quý hiếm về cả mặt sử học, vì lời chú dẫn có trong sách. Ngoài ra, nó cho biết kỹ thuật in ấn của Việt Nam lúc bấy giờ.

Ưu điểm nổi bật hơn cả của Việt âm thi tập, đó là niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc Việt, nhất là về tiếng nói đặc sắc mang vẻ đẹp và tâm hồn Việt Nam. Ngày nay, có thể nói phần lớn thơ ca ở thời đại Trần-Hồ và đầu đời Lê còn giữ lại được cũng là nhờ Việt âm thi tập.” 

Ông Diện cho biết kho sách mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm được Nhà nước giao quản lý là tài sản quốc gia quý giá. Kho sách này kế thừa các kho sách cổ mà Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập được.

Chỉ có một người được giao chìa khoá của kho sách cổ và chỉ Viện trưởng có quyền cho phép đưa sách cổ ra khỏi kho hoặc cho phép ai tiếp xúc trực tiếp với các bản sách cổ tại phòng đọc.

Ông Diện cho rằng 25 cuốn sách cổ bị mất là những cuốn “cực kỳ quan trọng của văn hiến dân tộc.”

Trong bài của báo Thanh Niên đăng ngày 21/12, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tuấn Cường nói “Trong số 25 quyển sách trên, có những quyển đã được nghiên cứu kỹ, có những quyển chưa được tìm hiểu nên chưa xác định rõ giá trị nội dung. Vì vậy, để xác định tầm quan trọng của tất cả 25 quyển sách đó, thì cần tìm hiểu kỹ mới xác định được.”

Toàn Việt thi lục hiện còn 11 bộ, trong đó riêng Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ 10 bộ, bộ còn lại hiện lưu trữ tại Hiệp hội Châu Á ở Paris (Pháp).

Ông Diện nói đã đề nghị ban lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hán Nôm báo với cơ quan công an về việc sách cổ quý bị mất nhưng Viện trưởng không thực hiện.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do liên lạc với Viện trưởng Nguyễn Tuấn Cường qua email để đề nghị ông bình luận về sự việc. Trong email phản hồi ông cho biết: “Về sự việc này, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có Thông cáo trên website của đơn vị. Những việc khác đang được tổ chức giải quyết, chưa có thông tin chính thức.”

Phóng viên có gửi email đến ban lãnh đạo của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cơ quan chủ quản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm để đề nghị bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/han-nom-institute-loses-25-old-books-related-to-national-culture-and-sovereignty-12212022061327.html


12 sinh viên Việt Nam bị mắc kẹt trong đường dây bán dâm ở Đài Bắc – Phi Yến

21/12/2022 0 Thanh Niên Online 

Trong quá trình điều tra vụ nhiều nữ sinh viên Việt Nam mất tích ở Đài Loan, giới hữu trách phát hiện họ trở thành nạn nhân của bọn buôn người và bị ép bán dâm, và đến nay cảnh sát mới giải cứu được 3 người. 

Báo mạng Taiwan News hôm 21.12 đưa tin một đại học khoa học và công nghệ ở thành phố Đào Viên gần đây trình báo nhà chức trách về trường hợp 12 nữ du học sinh đến từ Việt Nam đột nhiên mất tích khỏi ký túc xá.

Sau khi cảnh sát vào cuộc điều tra, các sinh viên được tìm thấy trong tình trạng trở thành gái mại dâm tại một khu nhà trên đường Linsen North thuộc quận Trung Sơn của thành phố Đài Bắc.

Phía cảnh sát giải cứu được 3 nữ sinh, trong khi chưa rõ tung tích của 9 nạn nhân còn lại.

12 sinh viên Việt Nam bị mắc kẹt trong đường dây bán dâm ở Đài Bắc

Theo báo Đài Loan, trong những năm gần đây, các đường dây buôn bán tình dục đã lừa gạt phụ nữ trẻ ở Đông Nam Á bằng cách sử dụng chiêu bài “du học nước ngoài” tại các đại học Đài Loan. Thế nhưng, khi đến nơi, họ bị đưa vào các tiệm mát xa hoặc những khu nhà cho thuê để hành nghề mại dâm.

12 sinh viên Việt Nam bị mắc kẹt trong đường dây bán dâm ở Đài Bắc - ảnh 2
Một nạn nhân trong đường dây buôn bán mại dâm ở Đài Bắc Sở cảnh sát thành phố Đài Bắc

Những kẻ đứng đầu đường dây này cũng dụ dỗ các nữ sinh viên đại học đi bán dâm để trang trải học phí, hoặc kiếm tiền “tươi” một cách nhanh chóng, hoặc hoàn trả phí môi giới lao động, trước khi bắt cóc các nạn nhân và biến họ thành lao động tình dục.

Tháng 10, cảnh sát Đài Bắc tiếp nhận tin báo về đường dây gái gọi ở các khu nhà trên đường Linsen North và Xinsheng North Road. Tuy nhiên, ban đầu cảnh sát gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đúng “động” mại dâm vì bọn găng xtơ vô cùng cảnh giác.

Sau đó, cảnh sát cũng tìm đến một “động” và phát hiện 3 phụ nữ trẻ người Việt tại đây. Ba người khai rằng họ là sinh viên đại học ở Đào Viên và bị bọn buôn người “tẩy não” trước khi bị vướng vào đường dây mại dâm.

Bên cạnh đó, một nữ sinh viên họ Trần, đến từ một đại học khoa học và công nghệ ở thành phố Đài Nam, đã biến mất sau khi nhập học được 3 ngày. Cảnh sát sau đó phát hiện người này trong một động mại dâm ở Đài Bắc.

https://thanhnien.vn/12-sinh-vien-viet-nam-bi-mac-ket-trong-duong-day-ban-dam-o-dai-bac-post1534333.html


Banner in hình lính Mỹ là ‘phản động’ – Pano in cờ và lính Trung Quốc là ‘sơ suất’! – Lê Thiệt
21/12/2022

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/05-quan-doi-nhan-dan.jpg

Banner tìm hiểu truyền thống ngày 22/12 của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cơ sở ở Bảo Lộc, in hình lính Mỹ 

Năm nay, ngày “kỷ niệm 78 năm thành lập QĐNDVN” do nhà nước CSVN tổ chức có hai sự kiện đáng chú ý.

Sự kiện thứ nhất, như đã đưa tin, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ (ĐH.KD&CN) Hà Nội treo tấm panô lớn có hình lá cờ Trung Quốc và ba hình người lính Trung Quốc làm nền.

Sự kiện thứ hai xảy ra ở Bảo lộc (tỉnh Lâm Đồng), tại trường Đại học Tôn Đức Thắng cơ sở thành phố Bảo Lộc, một tấm banner in hình lính Mỹ cho quà trẻ em Việt Nam xuất hiện trên fanpage của cơ sở này, trong cuộc thi tìm hiểu ngày thành lập QĐNDVN.

Ở sự kiện thứ nhất, lỗi được cho là của Phó chủ nhiệm khoa phụ trách bộ môn Quân sự khi ông tự quyết định phối hợp với cán bộ của Phòng Quản trị B cho in và treo áp phích trên thao trường mà không báo cáo xin phép Chủ nhiệm khoa và trường.

Lỗi tiếp tục được “đá” qua đơn vị dịch vụ in tấm pano này. Theo lời tường trình, bên in ấn có đề xuất sửa lại thiết kế do phông chữ quá nhỏ. Do Phó chủ nhiệm khoa và cán bộ của Phòng Quản trị B “chỉ kiểm tra nội dung phần chữ mà không kiểm tra cẩn thận lại phần phông nền đã bị thay đổi”, nên đã đồng ý cho in và treo tại thao trường vào sáng 19 Tháng Mười Hai. Khi phát hiện sai sót, khoa đã tháo dỡ khỏi thao trường.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/319843815_1329507011201342_6676902808772725264_n.jpg

Pano của trường Đại học KD&CN Hà Nội lấy hình cờ và lính Trung Quốc làm nền 

Sau khi nghe giải trình, ông Nguyễn Công Nghiệp, Phó hiệu trưởng kết luận, đây là một sai phạm rất nghiêm trọng về trách nhiệm an ninh chính trị, có tác động tiêu cực tới tâm tư tình cảm, tinh thần yêu nước của cán bộ giảng viên, sinh viên và dư luận xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của trường. Ông Nghiệp nói:

“Do thiếu ý thức kỷ luật và thiếu tinh thần trách nhiệm, Phó chủ nhiệm khoa và cán bộ trực tiếp thực hiện sẽ phải chịu hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc trước nhà trường”.

Trước mắt, nhà trường quyết định đình chỉ công tác đối với Phó chủ nhiệm khoa Giáo dục quốc phòng – an ninh Trịnh Mạnh Hùng và nhân viên Phòng Quản trị B Ngô Văn Công, sau đó sẽ xem xét mức độ kỷ luật sau.

Về việc cơ sở in ấn “tự ý thay đổi phông nền”, dư luận cho rằng có thể đó là cách nhà trường “chụp mũ” cơ sở này. Tài khoản Dũng Phạm viết trên Facebook:

“Không có cơ sở in ấn nào lại ngu dại đá bỏ chén cơm của mình bằng hành động ‘phản quốc’ ngu dại như thế này. Tôi cho rằng họ đã bị nhà trường và công an địa phương gài bẫy để chịu trách nhiệm với việc họ không làm”.

Ở sự kiện thứ hai, theo báo cáo của nhà trường, trong nhóm sinh viên được phân công làm công tác truyền thông về cuộc thi trên fanpage, một sinh viên đã gõ cụm từ “người lính” để tìm hình ảnh tạo poster. Sinh viên khác chọn ngẫu nhiên về hình ảnh “người lính” để thiết kế banner giới thiệu cuộc thi, rồi gửi cho giáo viên phụ trách.

Đến 10h sáng ngày 20 Tháng Mười Hai, sinh viên chưa thấy giáo viên phụ trách phản hồi, nhưng vẫn đăng hình ảnh lên fanpage của cơ sở. Khoảng 5 giờ sau, Đại học Tôn Đức Thắng cơ sở Bảo Lộc phát hiện hình ảnh không phù hợp đã gỡ khỏi mạng xã hội, nhưng lúc này hình ảnh đã bị lan truyền trên nhiều diễn đàn. Công an TP Bảo Lộc đã vào cuộc để xác minh, điều tra xử lý.

Với tình hình công an nhanh chóng vào cuộc điều tra như thế, nhiều khả năng nhóm sinh viên này sẽ bị kết tội “phản động”!

Riêng lá cờ “nước lạ nhưng rất quen” trên pano của trường ĐH.KD&CN Hà Nội sẽ được xem như lỗi “sơ suất” cua cán bộ nhà trường, và phần trách nhiệm nặng nhất sẽ do cơ sở in ấn gánh chịu.

Dù sao thì lá cờ Trung Quốc đã “ngạo nghễ tung bay” tại Việt Nam từ lâu. Nhân dịp có hai sự kiện đáng chú ý cuối năm này, nhà giáo Chu Mộng Long có bài viết trên Facebook mang tên “Cờ Trung Quốc ngạo nghễ tung bay ở việt nam: lỗi hệ thống…”, xin giới thiệu với độc giả để cùng suy ngẫm:

Năm 2011, trong lễ tiếp Tập Cận Bình, xuất hiện lá cờ Trung Quốc 6 sao, không chỉ trên tay các em bé mà còn trên VTV gây ngỡ ngàng cho những người Việt từng biết cờ Trung Quốc chỉ có 5 sao.

Năm 2013, trên quyển sách Học vần lớp 1, phần học phụ âm C với từ Cờ có hình ảnh minh họa không phải cờ Việt mà cờ Trung Quốc. Cũng năm này, trên quyển sách có nhan đề Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho trẻ vào lớp 1 xuất hiện hình ảnh cổng trường cắm cờ Trung Quốc.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/319846499_1567438867035122_9097988624493253356_n.jpg

Năm 2019, Giáo trình tiếng Trung Quốc của Trường Đại học Kinh – Công đưa bản đồ có hình lười bò vào đó cho sinh viên học về đất nước Trung Quốc.

Năm 2022, pano Chào mừng 78 năm thành lập Quân đội nhân dân, 33 năm Hội quốc phòng toàn dân, 50 năm chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, xuất hiện hình nền cờ 5 sao và ba anh lính hải quân Trung Quốc với khẩu lệnh “Bát nhất tiến công”.

Riêng đối với đại học Kinh – Công, dư luận kết tội quân bán nước. Những người thận trọng hơn thì biện minh đó là do sai sót, nhầm lẫn.

Tốt nhất là hỏi các giáo sư, tiến sĩ Đại học Kinh – Công. Chắc chắn họ cũng sẽ biện minh là do sai sót, nhầm lẫn. Nếu hỏi, vì sao có sự sai sót, nhầm lẫn ấy? Xem chừng họ sẽ trả lời: “Là do hồi bé xem VTV thấy lá cờ Trung Quốc 6 sao, tưởng đó là cờ nước mẹ”, “Là do khi đi vào lớp 1 thấy cổng trường treo cờ Trung Quốc”, “Là do ngay khi học vần âm C, em giáo sư, tiến sĩ hồi bé học cờ Trung Quốc chứ có học cờ Việt Nam đâu mà biết?”

Với lý do trên, tôi đề nghị, hoặc là trả các giáo sư, tiến sĩ giảng dạy tại Trường Đại học Kinh – Công về lại Trung Quốc; hoặc là, bắt buộc các giáo sư, tiến sĩ Trường Đại học Kinh – Công học lại lớp 1 với sách giáo khoa in rõ hình quốc kỳ Việt Nam.

Sai sót, nhầm lẫn như thế này có gọi là loạn giá trị không? Đánh tráo sự phản quốc thành hệ giá trị quốc gia, sự vô văn hóa thành hệ giá trị văn hóa được không?


Tập đoàn Vingroup sẽ tái cơ cấu vốn?

22/12/2022

Hàn Lam

VinFast đã tất toán gốc và lãi 10.000 tỷ đồng trái phiếu.

Đây là các trái phiếu đáo hạn lần lượt trong tháng 12 được phát hành bởi Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh Vinfast.

Một ghi nhận mang tính thống kê cho biết, ngày 7-12-2022, tại Singapore, VinFast Trading & Investment Pte. Ltd. công bố đã nộp hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (“SEC”) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng. Số lượng cổ phần chào bán và khoảng giá dự kiến vẫn chưa được xác định. VinFast dự kiến niêm yết cổ phiếu phổ thông trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã “VFS.”

Phiên này, cổ phiếu VIC của CTCP Tập đoàn Vingroup (sàn HOSE) được kéo lên mức giá trần 71.200 đồng thị giá qua đó có lần đầu tiên sau 5 tháng trở lại mốc 70.000 đồng. Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng về một nhịp bứt phá mạnh với đòn bẩy là thông tin sắp niêm yết VinFast, phiên 7-12 bất ngờ trở thành phiên đánh dấu niềm vui cuối cùng cho hàng vạn cổ đông sau sau nhịp hồi mạnh tới 43,2% từ mức 49.700 đồng (phiên 8-11-2022) lên 71.200 đồng (kết phiên 7-12)…

Và cổ phiếu VIC bắt đầu chuỗi điều chỉnh mạnh trở lại trong gần 2 tuần trở lại đây. Những tưởng test thành công đường giá MA200 (cùng với thanh khoản đột biến) sau 2 lần kiểm nghiệm bất thành ngay trước đó sẽ giúp VIC tiếp tục bứt lên. Thế nhưng dù có thời điểm được kéo lên mức 74.500 đồng trong phiên 8-12 song áp lực chốt lời vùng giá cao xuất hiện đã kéo cổ phiếu VIC quay đầu giảm điểm và lần lượt các trở lại các đường MA ngắn/trung hạn.

Kết phiên giao dịch ngày 19-12, cổ phiếu VIC giảm thêm 3,3% giá trị về còn 56.500 đồng; khớp lệnh đến cuối phiên đạt gần 2,7 triệu cổ phiếu. Với phiên giảm này, mã đã lấy đi của VN-Index hơn 1,76 điểm và cùng với VHM trở thành 2 bluechip ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường chứng khoán.

Rộng hơn, đây đã là phiên giảm thứ 8 liên tiếp của cổ phiếu Vingroup kể từ ngày 8-12 – tương ứng mức giảm 20,6%. Nếu tính từ mức cao nhất phiên 8-12 (74.500 đồng), những nhà đầu tư tạm thời đã lỗ đến 24,2% danh mục.

Phiên mới nhất 21-12-2022, cổ phiếu VIC giảm -1,79%.

Báo cáo chiến lược 2023 của Chứng khoán VCBS cho rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất với mức độ lớn, tần suất dày đặc trong thời gian qua, và theo đó khiến cho USD lên giá mạnh mẽ so với tất cả các đồng tiền khác trên thị trường đã gây áp lực đáng kể lên các cân đối kinh tế vĩ mô lớn của Việt Nam – cụ thể là tạo áp lực lên sự ổn định tỷ giá của VND so với USD, mục tiêu lạm phát và mặt bằng lãi suất.

Nhìn về năm 2023, đà tăng lãi suất của Fed nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2023 – dù mức độ tăng và tần suất có thể sẽ chậm lại so với nửa cuối năm 2022. Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ có xu hướng dao động đi ngang trong biên độ lớn về điểm số, với thanh khoản bình quân nhiều khả năng sẽ thấp hơn đáng kể so với 2022.

Đưa ra dự báo cụ thể, VCBS cho rằng VN-Index trong năm 2023 sẽ dao động trong vùng điểm số khoảng 900 – 1.200 điểm, với mức cao nhất của chỉ số có thể lên đến 1.250 điểm – tương đương giảm gần 18% so với mức đỉnh của năm 2022. Tuy nhiên, chỉ số cũng có thể sẽ có lúc rơi xuống khoảng 900 điểm trong bối cảnh Fed vẫn tiếp tục lộ trình tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023.

Thanh khoản bình quân trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ tương đương với mức bình quân trong những tháng cuối năm 2022 và đạt bình quân khoảng 600 – 650 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng giảm hơn 20-25%.

Tương ứng với đà giảm của giá cổ phiếu theo chỉ số VN-Index, giá trị giao dịch trung bình năm 2023 cũng được kỳ vọng giảm 35%-45% so với năm 2022, tương ứng với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên dự báo đạt khoảng 12.000 – 14.000 tỷ đồng một phiên trên cả ba sàn.

Với phác họa bức tranh trên cho thấy nhìn chung cổ phiếu gọi là thuộc hệ sinh thái Vingroup, có quá nhiều u ám, nhất là các nhận định bất lợi trong giới truyền thông tại Hoa Kỳ về chất lượng của ô-tô điện Vinfast.


Dư luận đang chờ tỉnh Quảng Nam xử tội ông hội đồng Nguyễn Viết Dũng 

An Vui
21/12/2022

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/21.12.22_Dai-bieu-HDND-Nguyen-Tien-Dung-van-chua-bi-phat-sau-vu-danh-co-caddies_Anh-cat-tu-video-Tuoi-Tre.jpg

Đại biểu HĐND Nguyễn Tiến Dũng vẫn chưa bị phạt sau vụ đánh cô caddy_Ảnh cắt từ video Tuổi Trẻ 

Hôm 21 Tháng Mười Hai, Tuổi Trẻ đăng tin “Vụ ông Nguyễn Viết Dũng đánh người phải xử lý nghiêm để làm gương” với nội dung thúc bách tỉnh Quảng Nam, vì đã nửa tháng trôi qua sau vụ ông Dũng đánh người phục vụ trên sân golf gây phẫn nộ mà ông ta vẫn chưa bị xử tội. 

Sự việc xảy ra tối 5 Tháng Mười Hai trên sân golf BRG Đà Nẵng tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng. Do tranh cãi với nữ phục vụ (thường gọi là caddy), ông Dũng đã dùng gậy đánh golf đánh nữ caddy tên N.A.L. chấn thương vùng mặt, bất tỉnh tại chỗ.  

Điều đáng nói ông Dũng không chỉ là Chủ tịch hội đồng quản trị công ty bất động sản Đất Quảng mà còn là Đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Nam, đòi hỏi phải có tư cách đạo đức. Sau một tuần xảy ra vụ việc, ngày 13 Tháng Mười Hai ông Dũng mới báo cáo với HĐND tỉnh để nhận lỗi, nhưng không thành thật, khi giải trình: “Trong lúc cự cãi do bức xúc, thiếu kiềm chế nên tôi đã đập cây gậy golf phát bóng sượt qua nón của chị L., hướng xuống dưới đất khiến cây gậy golf bị gãy làm đôi và bật lại, làm chị L. bị thương phần mềm ở vùng mặt”. 

Ông Dũng cũng báo cáo sau khi xảy ra sự việc, ông đã lo toàn bộ chi phí chữa trị cho chị L. và đến nhà xin lỗi, hỗ trợ thiệt hại tinh thần (số tiền bồi thường không được tiết lộ). Có lẽ vì nhận được số tiền bồi thường thỏa đáng từ ông Dũng, theo thông tin từ mạng xã hội Facebook, chị L. đã bãi nại, nói tốt cho ông Dũng. Không ít người đã trách chị L. hèn, “quay xe”, nhưng hiểu rõ thân phận của mình trong xã hội Việt Nam, có lẽ đây lại là quyết định khôn ngoan –  thà có tiền còn hơn không có gì cả! 

Tuổi Trẻ cũng đưa tin trong báo cáo gửi HĐND tỉnh Quảng Nam, ông Dũng còn đề nghị HĐND tỉnh có ý kiến với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, cơ quan báo chí đăng tải, phát tán thông tin. Trước đó, bên lề kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam, khi phóng viên Tuổi Trẻ hỏi có hay không chuyện đánh caddy bằng gậy golf, ông Dũng nói: “Chuyện bé xé ra to, vớ vẩn, chả đâu vào đâu cả. Đây là việc bôi nhọ người khác!”. Đúng là thái độ hống hách của kẻ có tiền!

Đây không phải vụ việc đầu tiên “ông chủ” đánh caddy. Vietnamnet ngày 14 Tháng Mười Hai điểm lại các vụ “ông chủ” đánh phục vụ trên sân golf:  Ngày 15 Tháng Chín 2013, tại sân golf Tam Đảo, một nam caddy tên C. phục vụ cho nhóm của ông N.Đ. S.- chủ tịch một công ty lớn ở Hà Nội – cũng bị ông này đánh đến mức choáng và ngã xuống đất. Anh C. sau đó cũng chấp nhận số tiền bồi thường và bãi nại. Tháng Năm 2022, ông chủ N.V.T. chơi golf ở sân golf Bà Nà Hills Đà Nẵng cũng chửi bới và đánh nhân viên phục vụ khiến cho họ bị thương ở cổ tay, không thể tiếp tục được công việc.

Báo Dân Trí ngày 13 Tháng Mười Hai cũng tiết lộ nữ caddy trên sân golf ở Việt Nam không chỉ bị các “ông chủ” chửi bới, đánh đập mà còn bị họ quấy rối tình dục bằng những lời nói tục tĩu hoặc cố tình đụng chạm vào người. 

Dân Việt thường bảo nhau: Trên sân golf, ông chủ có mục đích “tìm gái”, và không ít gái cũng đến sân golf để tìm “đại gia”. 


Du khách ngoại quốc vào Việt Nam giảm 81.9% so với thời gian trước dịch – An Vui – 21/12/2022

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/21.12.22_Nguoi-ban-dua-kiem-huong-dan-vien-huong-dan-du-khach-ngoai-quoc-ra-cho-Ben-Thanh_Anh-An-Vui-.jpg

Người bán dừa kiêm hướng dẫn viên hướng dẫn du khách ngoại quốc ra chợ Bến Thành_Ảnh An Vui 

Trong hội nghị thúc đẩy thu hút du khách ngoại quốc vào Việt Nam sáng 21 Tháng Mười Hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt câu hỏi tại sao số du khách ngoại quốc vào Việt Nam thấp so với mục tiêu, trong khi Việt Nam mở cửa sau dịch sớm hơn nhiều quốc gia? 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/21.12.22_Ba-thach-thuc-cua-nganh-du-lich-Viet-Nam_Nguon-Vietnam-Report.jpg

Ba thách thức của ngành du lịch Việt Nam_Nguồn Vietnam Report 

Theo báo Tuổi Trẻ, từ ngày 15 Tháng Ba 2022, Việt Nam đã mở cửa đón khách quốc tế, khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh, không yêu cầu có chứng nhận chích ngừa vaccine, dừng việc khai báo y tế, không buộc xét nghiệm Covid-19… thế nhưng 11 tháng của năm chỉ đón 2.9 triệu khách, giảm 81.9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra đại dịch. Ước tính cả năm 2022, số du khách ngoại quốc đến Việt Nam đạt khoảng 3.5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. 

Khảo sát của Vietnam Report công bố Tháng Mười Hai 2022 cho biết ngành du lịch Việt Nam đang đối diện với ba thách thức lớn: Phẩm chất nhân sự yếu, thiếu nguồn cung lao động và thiếu sản phẩm du lịch mới lạ hấp dẫn. Trong đó, nguồn nhân lực yếu chiếm 36.7%, thiếu lao động chiếm 29.1%, thiếu sản phẩm du lịch chiếm 25.3%. 

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hàng năm ngành du lịch cần đến 40,000 lao động có trình độ thì các trường cũng chỉ cung ứng được khoảng 15,000. Không chỉ thiếu lao động, ngành du lịch cũng thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn, đặc biệt là quản trị cấp cao. Báo Vneconomy dẫn lời bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết hiện nay nhân lực du lịch suy giảm cả số lượng lẫn phẩm chất so với thời điểm năm 2019, cơ cấu nhân sự chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Bên cạnh đó, sự mất cân đối nhân lực theo vùng/miền khiến nhiều khu vực thu hút du khách ngoại quốc đông nhưng chất lượng dịch vụ thấp.

Thách thức thứ hai là Việt Nam thiếu sản phẩm du lịch đa dạng và thiếu điểm đến du lịch mới, còn các điểm đến phổ biến trong nước đối mặt với tình trạng quá tải, làm du khách ngán ngẩm.

Ngoài ra, những vấn đề về giao thông (kẹt xe), môi trường (ô nhiễm) ngày càng trầm trọng tại các đô thị Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn cũng là nguyên nhân. Trong những năm qua, hạ tầng du lịch chỉ tập trung đầu tư mở rộng nguồn cung cơ sở lưu trú nhưng lại thiếu cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ và hạ tầng giao thông, môi trường. Các thách thức kể trên cộng với việc quản lý yếu kém khiến phần lớn du khách ngoại quốc đến Việt Nam một lần và không quay trở lại.


Đắk Nông: Tỉnh nghèo nhất nước khánh thành tượng đài hơn 167 tỷ đồng! – Lê Thiệt
21/12/2022

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/04-tuong-dai-1.jpg

Công nhân thi công tại công trình 167 tỷ đồng – Ảnh: Tuổi Trẻ 

Sáng 20 Tháng Mười Hai, tỉnh Đắk Nông tổ chức khánh thành tượng đài “N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên” trong sự vui mừng của lãnh đạo tỉnh.

Cuối cùng, sau bảy năm xây dựng với kinh phí hơn 167 tỷ đồng, cộng thêm nhiều chuyện sai phạm trong quá trình thi công cũng chấm dứt, nên nhiều lãnh đạo tỉnh thở phào nhẹ nhõm.

Tượng đài N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên khởi công xây dựng vào năm 2015, do Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư. Công trình có tổng diện tích là 5.9ha, kinh phí hơn 167 tỉ đồng.

Theo dự kiến, tượng đài sẽ được khánh thành vào năm 2018, tuy nhiên trong quá trình xây dựng công trình này có nhiều sai sót trong thiết kế, thi công. Phần móng chịu lực thiết kế ban đầu chỉ hơn 1,100 tấn, nhưng phần tượng đài và phù điêu lại lên đến 2,052 tấn.

Tỉnh Đắk Nông phải bỏ phần móng ban đầu và bổ sung gần 1.8 tỉ đồng để làm móng mới. Kết luận thanh tra sau đó chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác đánh giá hồ sơ dự thầu và quản lý dự án, quản lý chất lượng thi công công trình.

Năm 2017, sau nhiều cuộc thanh tra, Thanh tra tỉnh Đắk Nông kiến nghị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính các đơn vi liên quan đến các sai phạm tại công trình tượng đài N’Trang Lơng tổng số tiền 455 triệu đồng.

Ngoài ra, người đứng đầu sở Văn hóa thể thao và du lịch cũng phải có trách nhiệm đòi nhà thầu thi công trả lại số tiền trên 458 triệu đồng, do thi công sai hồ sơ thiết kế được duyệt.

Chẳng biết cho đến nay có đòi được không.

Chưa hết, năm 2021 lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho biết dự án đã hoàn thành thi công phần tượng và phù điêu nhưng chưa có đường dẫn lên tượng đài, nên phải làm.

Chiều dài đoạn đường này dài hơn 1 km, được tỉnh chi ra tới 77 tỷ đồng để làm (!?) Con số khủng khiếp đó được ông Nguyễn Thái Vượng, Phó giám đốc Ban quản lý các công trình giao thông dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông, cho biết riêng phần đường giao thông thi công chỉ hết 10 tỷ đồng thôi. Số tiền còn lại dự kiến thi công các hạ tầng thiết yếu gồm: Cây xanh ven đường, công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, điện nước, đường đi bộ.

Ông Vượng nói thêm: “Khu vực này rộng lắm, nó tới hơn 20 ha trồng cây xanh kiểu bonsai, cây dầu…”

Theo lãnh đạo ban quản lý dự án, việc thi công đường dẫn lên tượng đài là cấp thiết vì “đã thi công xong phần tượng mà không có đường đi lên thì sợ người dân sẽ phản ứng”.

Quả thật người dân có “phản ứng”, nhưng theo một hướng khác.

Trên Facebook, tài khoản HS Bắp lắc đầu bình luận rằng “chắc ông (anh hùng) Lơng này mắc cỡ chết. Cả đời ổng chỉ cần mấy cái khố, con dao rừng với ít cung nỏ. Giờ tự dưng bắt ổng ngốn cả gần 200 tỷ của đồng bào. Đau thắt họng thiệt!”

Tài khoản Nguyễn Bình Nguyên đặt câu hỏi: “Một tỉnh nhỏ và nghèo mà bỏ 167 tỷ để xây tượng đài thì quá nể các bố rồi. Tượng này bằng đá liệu có chịu được mưa không? Hay lại hỏng như đá lát nền ngoài Hà Nội?”

Còn rất nhiều những lời “phản ứng” của dân, mà chắc lãnh đạo tỉnh không biết vì học chẳng bao giờ dám vào Facebook để xem người dân nói gì, nghĩ gì về họ.

Comments are closed.