Chuyện Việt Nam Thứ Năm 26/01/2023: Tesla giảm giá, VinFast không còn cửa – Kiều hối 19 tỷ USD năm 2022 – Xuất khẩu lao động tăng gấp ba năm 2022 – Giá điện sẽ tăng từ đầu năm…


Quê Hương tổng hợp


Tesla giảm giá, xe điện của VinFast không có cửa cạnh tranh? – 25/01/2023 

VOA Tiếng Việt 

Mẫu xe điện VF-8 được trưng bày tại một điểm bán ở Santa Monica, bang California

Mẫu xe điện VF-8 được trưng bày tại một điểm bán ở Santa Monica, bang California 

Hãng xe hơi Việt Nam VinFast đang đối mặt thách thức cao ngất sau khi hãng Tesla giảm giá các dòng xe điện của họ đến 20%, khiến các mẫu xe điện VinFast gần như không có lợi thế cạnh tranh ở Mỹ, trang mạng Axios nhận định.

Trong bài viết có tựa đề: ‘Hãng xe VinFast của Việt Nam muốn thách thức Tesla trên sân nhà của Tesla’, nhà phân tích Joann Muller cho rằng VinFast ‘đang chật vật lấy đà ở thị trường Mỹ sau những bước đi sai lầm ban đầu và cuộc chiến giá xe bùng nổ’.

Các mẫu VF 8 và VF 9 có giá bán khởi điểm lần lượt ở Mỹ là 59.000 và 83.000 đô la. Trong khi đó, mẫu cơ bản của Tesla là mẫu Y đã giảm từ 65.990 đô la xuống còn 52.990 đô la.

Trong khi đó, theo đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, do xe của VinFast là xe nhập khẩu nên người mua các mẫu xe điện của họ sẽ không được hưởng khoản tín dụng thuế liên bang 7.500 đô la, tức là được khấu trừ 7.500 tiền thuế trong năm mua xe.

Điều này càng khiến xe của VinFast gặp bất lợi trước Tesla, vốn sản xuất xe ở nước Mỹ nên người tiêu dùng xe Tesla được hưởng khoản tín dụng thuế này.

Cuộc chiến giá cả này có nguy cơ bóp nghẹt kế hoạch xâm nhập thị trường Mỹ của VinFast ngay cả khi họ vừa mới bắt đầu, bài phân tích nhận định.

Bài báo dẫn lời người phát ngôn VinFast cho biết: “Với tư cách là thương hiệu mới nhảy vào thị trường Mỹ, khi các thương hiệu khác giảm giá bán chúng tôi phải suy nghĩ ra các cách khuyến mãi để đảm bảo tính cạnh tranh của VinFast.”

Hiện giờ vẫn chưa rõ VinFast sẽ tung ra những khuyến dụ nào để kích cầu ở thị trường Mỹ.

Hãng xe lớn nhất Việt Nam này cho biết họ đã nhận được 65.000 đơn đặt hàng trên toàn cầu cho các mẫu xe điện SUV là VF 8 và VF 9. Họ cũng đã có chuyến tàu xuất 999 chiếc xe đầu tiên đến Mỹ vào cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, trên các diễn đàn về xe hơi cũng như trên chính trang cộng đồng chính thức của VinFast, nhiều người đặt hàng đầu tiên đã bày tỏ sự thất vọng. Nguyên nhân là do lô hàng VF 8 đầu tiên có pin nhỏ hơn mong đợi và tầm lái chỉ 179 dặm cho mỗi lần sạc đầy.

Nhiều người đã lỡ mua xe của VinFast ở Mỹ ‘hiện giờ đang muốn hủy đơn hàng hay bán lại cho người khác trên mạng xã hội hay các nền tảng khác cùng với những ưu đãi về du lịch’, bài phân tích của Axios cho biết.

Bài viết này nhắc lại là mặc dù VinFast chỉ mới sản xuất xe hơi được ba năm nhưng họ đã bắt tay vào xây dựng nhà máy đầu tiên ở bang North Carolina trị giá 2 tỷ đô la và đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

“Với nguồn lực gần như không giới hạn của người giàu nhất Việt Nam (tỷ phú Phạm Nhật Vượng), VinFast nhắm tới thay đổi ngành ô tô toàn cầu với toàn bộ mẫu xe của họ là xe điện và mô hình cho thuê pin đầy sáng tạo mặc dù chương trình này chưa thành hiện thực,” bài phân tích viết.


Việt Nam/2022: Kiều hối 19 tỷ USD cao hơn tổng xuất khẩu gạo, thủy sản 14,5 tỷ USD – 25/01/2023 

VOA Tiếng Việt 

Việt Nam nhận kiều hối lên đến gần 19 tỷ đô la trong năm 2022.

Việt Nam nhận kiều hối lên đến gần 19 tỷ đô la trong năm 2022. 

Lượng kiều hối đổ về Việt Nam trong năm 2022 lên đến gần 19 tỷ đô la, các báo trong nước đưa tin mới đây, đồng thời trích dẫn Ngân hàng Thế giới và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư nói rằng Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021.

Tạp chí Lao động và Công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận rằng trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hằng năm, Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, tiếp đó là Anh, Úc, Canada.

Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, tạp chí này viết.

Hồi tháng 8/2022, một số báo trong đó có VnEconomy và An Ninh Thủ Đô nêu ra ước tính rằng kiều hối từ xuất khẩu lao động gửi về Việt Nam chỉ là khoảng 3 tỷ đô la mỗi năm.

Các báo dẫn lời các chuyên gia kinh tế trong nước đánh giá rằng kiều hối là “nguồn lực quý giá” có vai trò “quan trọng” và góp phần “phát triển kinh tế-xã hội” cũng như giúp cho ngân hàng trung ương “điều hành chính sách tiền tệ có hiệu quả”.

Tiền kiều hối của năm 2022 cao hơn 1 tỷ đô la so với năm 2021, đồng thời cũng cao hơn 24% so với tổng giá trị xuất khẩu gạo và thủy sản của Việt Nam trong năm 2022, theo tính toán của VOA.

Tin tức từ Việt Nam cho hay trong năm vừa qua, đất nước này “lập kỷ lục xuất sắc” về xuất khẩu thủy sản với kim ngạch là 11 tỷ đô la, cao nhất từ trước đến nay. Nhờ đó, Việt Nam lọt vào nhóm 3 nước xuất khẩu thủy sản nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy.

Trong cùng năm, dù đối mặt với nhiều biến cố của thị trường lương thực thế giới, song xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt gần 7,2 triệu tấn với giá trị 3,49 tỷ đô la, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.

Như vậy, tổng giá trị xuất khẩu gạo và thủy sản của Việt Nam là chưa đến 14,5 tỷ đô la, bằng 76% của tổng lượng kiều hối mà đất nước nhận được trong cùng kỳ.


Việt Nam : Cập nhật tin tức trưa thứ Tư: 173 người thương vong vì tai nạn giao thông sau 6 ngày nghỉ Tết

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/01/anh-chup-man-hinh-2023-01-26-luc-90546-sa-700x366.jpg

Hình ảnh một vụ tai nạn giao thông được báo NLĐ đăng tải. 

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, sau 6 ngày nghỉ Tết Quý Mão, toàn quốc xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông làm 77 người chết, 96 người bị thương.

Thông tin trên được báo đăng VnExpress tải, riêng ngày 25/1 (mùng 4 Tết), số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cả nước là 26, làm chết 15 người và 19 người bị thương.

Lực lượng cảnh sát giao thông, công an các địa phương đã kiểm tra, xử lý hơn 3.300 trường hợp vi phạm trên đường bộ, phạt tiền gần 6,5 tỷ đồng, tạm giữ 81 ô tô, hơn 1.700 xe mô tô và 6 phương tiện khác, tước hơn 700 giấy phép lái xe các loại. Trong đó, cơ quan chức năng xử lý 414 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 221 vi phạm tốc độ và 4 người liên quan ma túy.

Cũng theo báo cáo, tại các tuyến đường dẫn vào cửa ngõ TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mật độ các phương tiện tăng cao, các phương tiện di chuyển chậm, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Hội An 


Xuất khẩu lao động Việt Nam tăng gấp ba trong năm 2022 

25/01/2023 

VOA Tiếng Việt 

Lao động Việt Nam ở Nhật Bản (Ảnh chụp màn hình VnEconomy)

Lao động Việt Nam ở Nhật Bản (Ảnh chụp màn hình VnEconomy) 

Số lượng công nhân Việt Nam ra nước ngoài đi làm thuê trong năm 2022 đã tăng hơn gấp ba lần so với một năm trước đó, theo thông tin từ Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội được báo chí trong nước dẫn lại.

Theo đó, tổng số công nhân Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2022 là gần 143.000 người, tăng gần 317 % so với năm 2021, tờ Người Lao động dẫn số liệu của Cục quản lý lao động nước ngoài thuộc Bộ này cho biết.

Với số lượng này thì Việt Nam đã phục hồi việc xuất khẩu lao động ở mức như trước đại dịch COVID-19. Dịch bệnh bùng phát trong ba năm 2020, 2021 và 2022 đã khiến nhiều lao động Việt Nam bị mất việc phải về nước tránh dịch.

Các thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất là Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc với số lượng lần lượt là trên 67.000, trên 58.000 và gần 10.000 người.

Ngoài ra, một số nước đã trở thành thị trường mới tiềm năng với lao động Việt như các nước láng giềng Singapore, Trung Quốc và Malaysia. Theo số liệu thì trong năm 2022 đã có trên 900 lao động sang Trung Quốc làm việc trong khi con số này ở Singapore nhiều hơn gấp đôi ở mức 1.800 còn Malaysia tiếp nhận khoảng 400 lao động Việt Nam.

Lao động Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn gửi ngoại tệ quan trọng về cho Việt Nam và nước này hiện có lao động ở khắp nơi trên thế giới, từ đông bắc Á, Úc châu, Trung Đông cho đến Âu châu, Canada.

Trong chỉ thị mới được ban hành vào ngày 12/12 về việc đưa lao động Việt Nam đi nước ngoài trong tình hình mới, Ban thí thư Trung ương Đảng yêu cầu ‘phải gắn xuất khẩu lao động với quảng bá văn hóa, hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới’ và ‘ưu tiên các nước có thu nhập cao, an toàn’.

Ngoài ra chỉ thị cũng yêu cầu giới chức lao động tăng cường giáo dục, đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, pháp luật, văn hóa của các nước tiếp nhận lao động cho người đi xuất khẩu lao động.

Cục Quản lý lao động ngoài nước đặt chỉ tiêu xuất khẩu thêm 110.000 lao động trong năm 2023, ưu tiên các thị trường thu nhập cao, ổn định tại châu Âu, Úc, Canada, Israel…, tờ Người Lao động cho biết.

Theo thông tin của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội thì từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm Việt Nam đều xuất khẩu trên 100.000 lao động ra nước ngoài và trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã có gần 1 triệu lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc.

Lao động Việt Nam chủ yếu làm những công việc có trình độ thấp mà các nước tiếp nhận đang thiếu hụt chẳng hạn làm nông nghiệp, xây dựng, giúp việc nhà, chăm sóc người già, điều dưỡng, hộ lý… Họ có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước, do đó giúp họ cải thiện mức sống của bản thân cũng như của gia đình họ ở Việt Nam.


Bộ Tài chính dự báo giá điện sẽ tăng sớm từ đầu năm

RFA
25/01/2023

Bộ Tài chính dự báo giá điện sẽ tăng sớm từ đầu năm

Ảnh minh họa: Công nhân EVN tại Nhà máy Thủy điện Yaly ở Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai. 

Reuters 

Bộ Tài chính dự báo có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết khi quý I trùng thời điểm có nhiều hoạt động, lễ hội, sẽ khiến giá tăng đột biến, trong đó có giá điện.

Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 25/1 dựa theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình giá cả sau Tết và cả năm 2023.

Bộ này cũng cho biết giá điện nhiều khả năng sẽ tăng sớm từ đầu năm; giá dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục tiếp tục thực hiện theo lộ trình thị trường. Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, yếu tố thiên tai có thể gây ảnh hưởng cục bộ đến giá lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm tại một số địa bàn bị ảnh hưởng nhất là vào khi một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm.

Bộ Tài chính cũng cho rằng nhiều nguy cơ rủi ro về tỷ giá sẽ tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước. Đồng thời nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng do Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch.

Bộ Tài chính đề nghị công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 cần thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Vào cuối năm 2022, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ hơn 31.300 tỉ đồng và đây là mức lỗ kỷ lục của EVN. Qua đó EVN đề nghị tăng giá điện ngay trong năm 2022. Tuy nhiên tại cuộc họp chính phủ vào ngày 3/1, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định trên tờ VnExpress rằng: “Chúng tôi sẽ tính toán kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền về lộ trình, phương án tăng giá điện sau rà soát, đảm bảo tác động nhỏ nhất tới các đối tượng chịu tác động khi điều chỉnh giá”.

Giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.864 đồng/kWh nhưng theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, giá nhiên liệu biến đổi liên tục, tăng cao ở các nhà máy.

Comments are closed.