Chuyện Việt Nam Thứ Năm 28 tháng 12 năm 2023


Quê Hương tổng hợp


Bs. Võ Xuân SơnAi thiếu tôn trọng ai?

27/12/2023

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/gdgdd-700x480.jpg

Hôm nay, sau khi tôi chia sẻ bài báo về việc một bệnh viện tư ở Quảng Ngãi không nhận bác sĩ từ bệnh viện công, một bác sĩ đã gởi cho tôi ý kiến như sau (tôi xin phép biên tập lại và lỗi chính tả):

“Thưa thầy, em không thể bình luận dưới bài viết được nhưng đối với em việc này là cực kỳ vô lý. Vấn đề chính yếu là phải nâng cao thu nhập, cơ hội học tập và môi trường làm việc. Đây là một việc làm kéo lùi sự phát triển của y tế chứ không phải là góp sức cho ngành y tế. Đó cũng là một sự thiếu tôn trọng cực lớn với đội ngũ nhân viên y tế có tay nghề cao. Thiết nghĩ, nếu có thể thì những bác sĩ mà bệnh viện này mời từ Đại học Y Dược hay Đà nẵng… nên tẩy chay ngay cái bệnh viện này”. (Hết).

Tôi nghĩ, có lẽ bạn cho rằng bệnh viện tư này đã không tôn trọng các bác sĩ. Không phải vậy bạn ạ. Họ bị bắt buộc phải cam kết. Họ tôn trọng các bác sĩ quá đi chứ. Bằng chứng là họ trả lương cao gấp 3, 4 lần lương của các bác sĩ đó trong bệnh viện công. Họ cần nhân lực lắm chứ, bằng chứng là họ chấp nhận chi thêm nhiều tiền hơn để mời các bác sĩ từ các nơi khác. Là một người quản lí một cơ sở y tế tư nhân, tôi rất hiểu việc này.

Vấn đề không phải ở cái bệnh viện tư ấy. Và ngay cả báo chí, với cách giật tít khá “giật gân”, nhưng sau khi đọc hết nội dung bài, rồi đọc ghi chú của tấm hình, chúng ta cũng biết cái thông điệp mà bài báo muốn truyền tải. Tất nhiên, viết báo trong thời buổi này cũng phải biết chừng mực, chứ không thì bài, hoặc là không đến được với độc giả, hoặc lại phải xóa bài, thay bài…

Vấn đề chính nằm trong tư duy của những người có quyền. Họ không coi bác sĩ hay nhân viên y tế ra gì cả. Họ trả đồng lương chết đói, và bắt nhân viên y tế phải phục vụ như “mẹ hiền”. Nhân viên y tế không được phép phản kháng cái đồng lương chết đói ấy. Họ tìm mọi cách bịt các ngả đường để các bác sĩ và nhân viên y tế công tiếp cận với những nơi có chế độ đãi ngộ tốt hơn so với đồng lương chết đói mà họ bố thí cho.

Họ không chỉ coi thường các bác sĩ và nhân viên y tế bằng đồng lương chết đói. Hồi dịch vừa rồi, họ không coi ý kiến của những người làm trong ngành y ra gì, họ tự tung tự tác đưa ra những cách chống dịch cực đoan, dẫn đến những thiệt hại to lớn. Trong khi họ ăn trên tính mạng, xương máu của đồng bào, thì họ lại bắt nhân viên y tế phải lao vào tâm dịch mà không được trang bị kiến thức, thiếu thốn phương tiện, thuốc men, thiếu thốn đồ bảo hộ, thậm chí đói ăn, khát uống… Bác sĩ hay nhân viên y tế nào phản kháng lại hoặc không chấp nhận bị đối xử như vậy, thì họ đòi tước chứng chỉ hành nghề.

Thực ra, chẳng riêng gì nhân viên y tế bị coi thường. Còn nhớ một tay lãnh đạo nào đó cho rằng, các cô giáo bị điều đi tiếp khách phải thấy đó là niềm vinh dự. Họ coi các cô giáo ấy là đồ chơi, đồ tiêu khiển của họ thôi. Hoặc họ yêu cầu các thầy cô giáo phải report trang facebook cá nhân của tôi. Đó là một sự sỉ nhục trắng trợn đối với các thầy cô giáo.

Những người chưa hiểu được, thường phản kháng với những kẻ thừa hành. Giống như chúng ta chửi cái đám hồng vệ binh phá cửa, khóa tay một cô giáo trước mặt đứa con nhỏ của cô ấy, bắt đi ngoáy mũi. Nhưng thực chất, họ cũng chỉ là công cụ, và cũng bị những kẻ bề trên coi thường mà thôi.


Nhân dịp khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 – kể chuyện những cây cầu có trước đó ở Miền Tây

28/12/2023

Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng kinh phí hơn 5.000 tỉ đồng chính thức thông xe

– Cầu Mỹ Thuận, bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, được khởi công ngày 06/7/1997 do nước Australia tài trợ, khánh thành ngày 21/5/2000. Người dân Miền Tây vui mừng chưa hết nụ cười thì ngay lập tức trạm thu phí phía Tiền Giang hoạt động. Dĩ nhiên, Australia phản đối việc thu phí do cây cầu này được xây từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Australia, họ muốn giúp đỡ dân Miền tây vốn đã quá vất vả với hạ tầng giao thông kém cỏi. Phía VN viện cớ phải thu phí để trang trải tiền bảo trì, duy tu, điện chiếu sáng nên cù nhây quyết không buông, người Úc lại bảo “thế chúng mày thu thuế để làm gì?” Phía VN vẫn chây lỳ, Người Úc đành âm thầm rút khỏi dự án cầu Cao Lãnh và Vàm Cống. Mãi đến 01.01.2013, trạm thu phí cầu Mỹ Thuận mới chính thức dừng thu phí, khi đã áp phí bảo trì đường bộ bắt buộc.

Năm 2010, cầu Cần Thơ khánh thành, bằng nguồn vốn của người Nhật, nếu người Nhật không đến có lẽ việc nối hai bờ sông Hậu mãi là giấc mơ. Cầu xây chưa xong nhưng trạm thu phí thì đã nhanh nhẩu xây xong trước đó. Người Nhật cũng phản đối giống như người Úc, chắc họ ngạc nhiên với cái chính quyền đã thu thuế phí các loại lại còn tận thu phí qua cầu.

Năm 2011 Hầm Thủ Thiêm và Đại lộ Đông tây khánh thành, trước đó trạm thu phí đã mọc lên, phía Nhật gởi công hàm phản đối kịch liệt. Kết quả: ngày 22/11/2012, UBND TP HCM quyết định chưa thu phí hầm Thủ Thiêm (đường hầm sông Sài Gòn) “để chia sẻ khó khăn với người dân”, nghe mà rớt nước mắt, nuốt không trôi thì chia sẻ vậy!!!. Trạm thu phí này phải dỡ bỏ vào năm 2018, mất 53 tỷ đồng tiền xây dựng.

Sự đê tiện của Bộ GTVT và chính quyền tỉnh ĐT được nâng cao thêm một mức khi thông cầu Vàm Cống và Cao Lãnh, họ liền đặt trạm BOT T2 ngay ngã ba lộ tẻ để chặn dòng xe qua cầu Vàm Cống đi về hướng Long Xuyên, trước đó đã có trạm thu phí trên QL 80 đi Rạch Giá và QL 91 đi Cần Thơ, lập trạm BOT T2 này chẳng khác nào hành động của bọn lục lâm Khảo khấu, một hành vi trấn lột đê tiện. Cầu Vàm Cống và Cao Lãnh do chính phủ Hàn Quốc tài trợ, trước sự phản đối của phía Hàn Quốc và người dân, trạm này phải đóng cửa. Cái bản chất gian xảo, tham lam nó có từ thời nào?

Các nước Úc, Nhật và Hàn Quốc muốn giúp đỡ người dân Miền Tây nên đã dùng tiền thuế của dân họ tài trợ xây ba cây cầu huyết mạch, giúp việc lưu thông thuận tiện, giúp cho người dân cải thiện đời sống của mình. Nhà nước VN do dân, vì dân, thấy dân đi đường của bọn tư bản viện trợ mà không thu thì rất phí nên bất chấp liêm sỉ, bằng mọi giá lập trạm thu phí, dù sau đó phải ăn cái tát từ các nhà tài trợ!!!

Cây cầu thứ tư khá nổi tiếng ở Miền Tây, khi nhắc đến nó chúng ta sẽ nghĩ đến một điểm kẹt xe nổi tiếng. Cầu Rạch Miễu nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, là niềm tự hào của ngành xây dựng giao thông VN, đây là công trình do Việt Nam tự đầu tư, với thiết kế và tổng thầu là các công ty Việt Nam. Tiếc thay “niềm tự hào” nãy đã lỗi thời từ ngay từ khi thiết kế và trở thành cây cầu nguy hiểm nhất Miền Tây.

Rạch Miễu được khởi công năm 2002, tuy nhiên nó lại sử dụng số liệu khảo sát về lưu lượng xe từ năm 1995!, khánh thành năm 2009 nó đã trở nên lạc hậu. Cầu chỉ có một làn xe cho mỗi chiều và một dẻo nhỏ hai bên cho xe máy đi, mặt đường nhỏ. Độ dốc cao nên xe tải chỉ có thể bò lên cầu, độ tĩnh không cao nên khi trời mưa hay gió lớn xe máy di chuyển qua đây có thể bị thổi ngã, tuy vậy khi thiết kế và ngay cả bây giờ họ cũng không gắn các miếng che gió đảm bảo an toàn cho người đi đường. Mặc dù xây cầu để không phải đi phà, nhưng đến năm 2021, ngân sách (lại là tiền thuế của dân) chi 100 tỷ để làm lại bến phà nhằm giải tỏa cho Cầu Rạch Miễu, cái vòng lẫn quẩn.

Bọn đầy tớ phá thật! não trạng chỉ toàn “phí, thuế”. Không có khả năng hoạch định chính sách nhưng rất điếm đàng trong việc dựng BOT.

(FB Nguyễn Khắc Hảo)


Tập đoàn FLC không thể gia hạn lô trái phiếu gần 1.000 tỷ đồng

RFA
27/12/2023

Tập đoàn FLC không thể gia hạn lô trái phiếu gần 1.000 tỷ đồng

HMH 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngVnEconomy 

FLC đề xuất bốn phương án để gia hạn thanh toán lô trái phiếu gần 1.000 tỷ đáo hạn cuối tháng 12/2023 nhưng không được trái chủ đồng ý.

Thông tin trên vừa được Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cho biết trong biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến trái chủ của lô trái phiếu FLCH2123003 và được truyền thông loan trong ngày 26/12.

Theo biên bản được công bố, tổng số phiếu lấy ý kiến phát ra là 363 phiếu, đại diện cho toàn bộ 99.641 trái phiếu đang lưu hành. Tuy nhiên, số phiếu thu về chỉ là 114 phiếu, đại diện cho 31.435 trái phiếu, chiếm tỷ lệ 31,55%. Trong đó, số phiếu lấy ý kiến hợp lệ là 33, số phiếu không hợp lệ là 81, đại diện lần lượt 7,29% và 24,26% trái phiếu đang lưu hành.

Qua đó, người sở hữu trái phiếu không thông qua bất kỳ phương án nào trong số bốn phương án được nêu.

Lô trái phiếu trên được FLC phát hành ngày 28/12/2021 với tổng giá trị 1.150 tỷ đồng và sẽ đáo hạn vào 28/12/2023. Tuy nhiên, công ty này đã mua lại trước hạn 152,9 tỷ đồng nên giá trị đang lưu hành của lô trái phiếu còn gần 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là tổng dư nợ trái phiếu còn lại hiện nay của Tập đoàn FLC.

Hiện tại, vẫn còn 99.641 trái phiếu FLCH2123003 đang lưu hành, tương đương giá trị 996 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, ngày 2/1/2024 tới đây, FLC sẽ tổ chức hội đồng cổ đông bất thường 2024 để Hội đồng quản trị báo cáo về kết quả tái cơ cấu và kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2024, cùng các nội dung khác.

Sau khi các lãnh đạo cấp cao của FLC trong đó có Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt, khởi tố, đến nay, FLC đã mua lại ba lô trái phiếu trước hạn với tổng trị giá hơn 980 tỷ đồng. Tại phiên họp bất thường hồi tháng 3/2023, lãnh đạo FLC cho biết khi đó công ty đã mua lại ba phần tư các lô trái phiếu phát hành từ năm 2020 và là một trong những doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu thấp nhất thị trường thời điểm đó.


VKS đề nghị 5-6 năm tù với Chủ tịch NSJ Hoàng Thị Thuý Nga

RFA
28/12/2023

VKS đề nghị 5-6 năm tù với Chủ tịch NSJ Hoàng Thị Thuý Nga

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Chủ tịch HĐTV Công ty NSJ). 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngLĐ/A.T 

Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bị cáo Hoàng Thị Thuý Nga phạm tội với vai trò chủ mưu, cầm đầu nên đề nghị Hội động xét xử tuyên phạt 5 – 6 năm tù.

Truyền thông nhà nước trong ngày 28/12 cho biết Toà án nhân dân TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Hoa Công Hậu (cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh), Lê Thành Lữ (cựu Phó Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Sở Y tế tỉnh Tây Ninh) và Hoàng Thị Thúy Nga (Chủ tịch HĐTV Công ty NSJ) cùng 11 đồng phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại diện VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hoa Công Hậu 5 – 6 năm tù, Lê Thành Lữ 3 – 4 năm tù, Hoàng Thị Thúy Nga 5 – 6 năm tù, cùng về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, hôm 27/12, tại Toà Cựu giám đốc Sở Y tế Tây Ninh thừa nhận sau khi Công ty NSJ trúng thầu, bà Hoàng Thị Thuý Nga (Chủ tịch HĐTV NSJ) đã ba lần gửi quà riêng thông qua nhân viên Công ty NSJ với giá trị tổng cộng là một tỷ đồng.

Ông Hậu đồng thời cũng đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.

Khai tại toà, bà Nga (từng là phó tướng của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC, đang trốn truy nã) cho rằng, khi biết Bệnh viện tỉnh Tây Ninh muốn mua loại máy chụp CT Scanner nên bà đã đến gặp Lê Thành Lữ (cựu Phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Sở Y tế Tây Ninh xin được tiếp cận và cung cấp.

Về cáo buộc chi “lại quả” một tỷ đồng cho ông Hậu và 600 triệu đồng cho ông Lữ, bà Nga nói công ty có chủ trương giao cho nhân viên phụ trách tặng quà Tết, sinh nhật cho khách hàng nhưng không có chủ trương tặng tiền “lại quả” để tạo điều kiện trúng thầu và cũng không giao cho ai làm việc này.

Trước hội đồng xét xử, bà Nga khẳng định sẵn sàng khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án theo phán quyết của tòa và không đề nghị bất kỳ bị cáo nào liên đới trách nhiệm vì toàn bộ tài sản đang bị kê biên của bà đủ khả năng để khắc phục.

Hồ sơ vụ án xác định bà Nga đã lợi dụng mối quan hệ với ông Hậu và đã thông đồng với ông Hậu, Sở Y tế tạo lợi thế cho Công ty NSJ trúng gói thầu mua sắm hệ thống CT Scanner 128 lát cắt.

Bà Nga chỉ đạo cấp dưới tổ chức người đi mua hồ sơ thay cho các nhà thầu “quân xanh” và lập hồ sơ dự thầu cho “quân xanh”, phân công nhân viên Công ty NSJ đi nộp thay và tham gia mở thầu tại Sở Y tế, tạo điều kiện để Công ty NSJ trúng thầu, hưởng lợi bất chính, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước hơn 13 tỉ đồng.

Bà Nga từng là Phó tổng giám đốc Công ty AIC, sau đó làm Chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group và lập bảy công ty kinh doanh nhiều lĩnh vực, giao cho cấp dưới đứng tên pháp nhân.

Ngoài vụ án này, tổng hợp mức án Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh đã tuyên, bà Nga phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn) do vi phạm đấu thầu, đưa hối lộ tại: AIC và Sở Y tế Đồng Nai, Sở Y tế Cần Thơ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh.



Comments are closed.