Chuyện Việt Nam Thứ Năm 31/8/2023: *Tòa CS y án với Bùi Tuấn Lâm, Trần Văn Bang *Singapore mở thêm nhiều dự án công nghiệp ở Việt Nam *Đài Loan bác bỏ phản đối của Việt Nam về đảo Ba Bình *Tàu cá Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam *Y tế, giáo dục vẫn rối rắm


Quê Hương tổng hợp


Tòa án cấp cao Việt Nam y án đối với Bùi Tuấn Lâm, Trần Văn Bang 

30/08/2023 – VOA Tiếng Việt 

Ông Trần Văn Bang và ông Bùi Tuấn Lâm

Ông Trần Văn Bang và ông Bùi Tuấn Lâm 

Hôm 30/8, Tòa án Cấp cao ở Đà Nẵng y án 5 năm rưỡi tù và 4 năm quản chế đối với nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm, một ngày sau khi một tòa tương tự ở Tp. Hồ Chí Minh y án 8 năm tù và 3 năm quản chế đối nhà hoạt động Trần Văn Bang.

Luật sư Lê Đình Việt, người bào chữa cho ông Lâm, chia sẻ với VOA sau phiên phúc thẩm bác kháng cáo đối với ông Lâm:

“Về kết quả phiên tòa hôm nay, tôi nhận thấy không phản ánh đúng diễn biến thực tế…không phản ánh đúng nội dụng các vấn đề được tranh luận tại phiên tòa”.

“Về mặt cơ bản tôi được trình bày tương đối đầy đủ những quan điểm của tôi. Hội đồng xét xử có lắng nghe, còn vấn đề họ có tiếp nhận hay không thì đã được phản ảnh trên cơ sở kết quả phiên tòa đó”.

“Căn cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy, cấp sơ thẩm đã tuyên phạt đối với bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nên đã bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo Bùi Tuấn Lâm”, báo Công an Đà Nẵng loan tin sau phiên xử.

Nhà chức trách cho rằng ông Lâm đã soạn thảo, đăng tải 19 bài viết lên trang mạng xã hội Facebook cá nhân và 25 video, bài viết lên mạng xã hội Youtube “với nội dung không đúng sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ, phỉ báng Đảng, Nhà nước”.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, vợ ông Lâm, viết trên Facebook sau phiên xử: “Vở kịch hôm nay họ diễn xong. Bùi Tuấn Lâm [bị] y án”.

Luật sư Lê Đình Việt cho VOA biết thêm rằng ông không được gặp thân chủ hôm 29/8, mặc dù đã đến trại giam Công an Tp. Đà Nẵng và chờ hàng giờ ở đó.

“Tôi đợi đến hơn 4 giờ chiều họ mới ra và họ cho biết rằng họ không đồng ý việc gặp của tôi với lý do là cơ quan đang thực hiện việc soát xét nên không cho gặp. Tôi thấy điều này không đúng với quy định của pháp luật vì lý do từ cơ sở tạm giam tạm giữ này là lý do nội bộ, không đúng với quy định của pháp luật”.

VOA đã liên lạc Công an Tp. Đà Nẵng và Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng để tìm hiểu về việc luật sư bị từ chối gặp bị cáo Lâm trước phiên xử, nhưng chưa được phản hồi.


Singapore mở thêm nhiều dự án khu công nghiệp ở Việt Nam 

30/8/2023 

VOA Tiếng Việt 

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Hà Nội, ngày 28/8/2023.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Hà Nội, ngày 28/8/2023. 

Ba khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) mới được tiến hành nghi thức khởi công và nhiều khu công nghiệp khác được trao chứng nhận đầu tư, ký biên bản hợp tác hôm 29/8.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã chứng kiến nghi thức khởi công thêm 3 khu công nghiệp Việt Nam – Singapore mới ở Cần Thơ, Bắc Ninh và Nghệ An.

Ngoài ra, tin cho hay, nhiều khu công nghiệp VSIP được công bố trong Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam – Singapore diễn ra tại Hà Nội hôm 29/8, trong đó có 4 khu được trao chấp thuận chủ trương đầu tư tại Lạng Sơn, Thái Bình, Hà Tĩnh và Bình Thuận.

Theo báo Tuổi Trẻ, nhiều tỉnh, thành cũng đã ký kết ghi nhớ để nghiên cứu tính khả thi mở khu công nghiệp gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương và Hải Phòng.

Thêm nữa, báo này cho biết, nhiều dự án hợp tác khác giữa hai nước cũng được công bố tại hội nghị như: thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam – Singapore, các dự án hợp tác năng lượng tái tạo.

VnExpress dẫn lời Thủ tướng Lý Hiển Long nói tại hội nghị trên rằng “Singapore vui mừng vì đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam”, và theo ông, các khu công nghiệp VSIP là minh chứng rõ nét nhất.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, lãnh đạo Việt Nam và Singapore đồng ý xem xét nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện” trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết trong cuộc hội đàm hôm 28/8 tại Hà Nội.

“Trên cơ sở quan hệ hợp tác giữa hai nước những năm gần đây mở rộng thực chất, hai nhà lãnh đạo nhất trí xem xét khả năng nghiên cứu nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới”, Cổng thông tin Chính phủ cho biết trong một thông cáo.

Động thái này cho thấy Hà Nội mong muốn đưa quốc đảo Singapore lên vị trí ngoại giao hàng đầu, ngang hàng với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, và Hàn Quốc.


Đài Loan bác bỏ phản đối của Việt Nam về diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình

30/8/2023

Đài Loan bác bỏ phản đối của Việt Nam về diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình

Hình ảnh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa hôm 29/11/2016 (minh họa) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Chính phủ Đài Loan vào ngày 29/8 lên tiếng cho rằng phản đối của Việt Nam đối với cuộc diễn tập bắn đạn thật mới nhất của quân đội Đài Bắc tại đảo Ba Bình ở Biển Đông là “hoàn toàn không thể chấp nhận”.

CNA loan tin dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Đài Loan như vừa nêu. Theo đó, Đài Bắc nói rằng họ có mọi quyền đối với đảo Ba Bình và vùng nước chung quanh đảo theo đúng luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao Đài Loan dẫn các nguyên tắc mà Tổng thống nước này, bà Thái Anh Văn, đưa ra hồi năm 2016 liên quan các tranh chấp tại Biển Đông, là cần giải quyết một cách hòa bình nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khi vẫn tôn trọng sự bình đẳng và thịnh vượng chung.

Vào ngày 28/8 vừa qua, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng lại lên tiếng phản đối cuộc diễn tập bắn đạn thật của quân đội Đài Loan tại vùng biển Ba Bình hôm 23/8 trước đó. Phía Hà Nội cho rằng hoạt động đó là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Ba Bình.

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội phản đối Đài Bắc về hoạt động bắn đạn thật tại đảo Ba Bình, và cũng không phải lần đầu Đài Loan khẳng định chủ quyền của họ tại đảo đang chiếm giữ đó.

Ba Bình là hòn đảo lớn nhất tại Trường Sa hiện dưới quyền kiểm soát của Đài Loan với tên gọi Thái Bình. Đảo cón có tên Itu Aba, nằm cách Cao Hùng khoảng 1.600 km về phía tây nam; cách bờ biển Việt Nam khoảng 600 km; cách đảo Palawan của Philippines khoảng 500 km.

Cả Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này.


VNCS: Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công, 2 ngư dân bị thương

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/taudanhcatq-768x480.jpg

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu cá QNg 90495 TS (Ảnh cắt từ clip do ngư dân cung cấp). 

Ngư dân Quảng Ngãi khi đang hoạt động đánh bắt trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc tấn công, phun vòi rồng.

Theo trình báo của ông Huỳnh Văn Hoanh (SN 1980, trú xã Bình Châu), chủ tàu QNg 90495, khoảng 5h ngày 28/8/2023, khi tàu cá QNg 90495 TS đang trên đường di chuyển từ đảo Phú Lâm về bãi Xà Cừ (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) có tọa độ 16°38′ đến 16°33’N- 112°05′ đến 111°21’E để hành nghề, đã bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 4201 truy đuổi, sử dụng vòi rồng phun nước với áp lực lớn.

Bị tấn công bất ngờ, ông Hoanh bị gãy tay phải, còn thuyền trưởng Huỳnh Văn Tiến bị thương ở vùng đầu.

Ông Hoanh cho biết lúc đó ông đang nằm ở ca bin tàu thì nghe anh em hô hoán có tàu lạ áp sát. “Tôi còn chưa kịp đứng lên quan sát thì đã bị những người trên tàu mang số hiệu 4201 dùng vòi rồng xịt vào làm tôi bay lăn xuống boong tàu tối mắt tối mũi không thấy gì cả. Khi đứng dậy cả người thương tích, tay phải bị gãy”.

“Tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 4201 kẹp tàu chúng tôi rất lâu, họ cố tình xịt vòi rồng để tàu chết máy, hư hỏng. Tàu đã bị chìm một nửa, rất may tàu tôi có nhiều máy bơm nước và hầm tàu rộng nên kịp thời bơm nước ra, nếu không thì tàu đã bị chìm. Anh em chúng tôi phải chui vào hầm tránh trốn vì một số thiết bị gỗ, kính trên tàu hư hỏng, vỡ vụn”, ông nói.

Đến khoảng 15h cùng ngày (28/8), sau khi tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 4201 bỏ đi thì xuất hiện 1 tàu sắt Trung Quốc khác mang số hiệu 4104 tiến lại gần yêu cầu được lên tàu cá QNg 90495 TS để cứu chữa cho các thuyền viên. Tuy nhiên, do lo sợ bị bắt giữ nên các ngư dân trên tàu cá đã từ chối và chạy về đất liền.

Hiện Trạm kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ phối hợp cùng Đồn Biên phòng Bình Hải (huyện Bình Sơn) ghi nhận vụ việc, đồng thời trình báo lên cơ quan chức năng cấp trên để điều tra làm rõ. Hai ngư dân bị thương được gia đình đưa đi bệnh viện.

Được biết, tàu QNg 90495 TS, công suất 700CV, xuất bến tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ hôm 8/8, chuyên hành nghề câu tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trước việc ngư dân địa phương bị tấn công ở Hoàng Sa, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), ông Nguyễn Thanh Hùng, nói trên báo VTC: “Thời gian qua, tình hình khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa của bà con ngư dân Bình Châu gặp rất nhiều khó khăn do liên tục bị tàu Trung Quốc gây khó dễ, thậm chí rượt đuổi. Đặc biệt, từ tháng 5 đến tháng 8 – khoảng thời gian Trung Quốc ngang nhiên tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trái phép trên Biển Đông, ngư dân địa phương liên tục bị tấn công”.

Riêng trong tháng 8, ngoài tàu cá QNg 90495 TS, còn có hai tàu cá khác bị tàu nước ngoài tấn công. Đó là tàu QNg 90648 TS có 12 ngư dân của chủ tàu Trương Thị Bích Chi và tàu cá QNg 95961 TS có 10 ngư dân của chủ tàu Nguyễn Văn Quang. Cả hai tàu này đều ở xã Bình Châu.

Minh Long


‘Phiên bản Việt Á’ với cây sâm Ngọc Linh đang bắt đầu

Thới Bình/VNTB

31/8/2023

Tỉnh Quảng Nam và Kon Tum khẳng định trên địa bàn không có bất kỳ dự án đầu tư phát triển trồng sâm Ngọc Linh của Tập đoàn Mỹ Hạnh.

VNTB – ‘Phiên bản Việt Á’ với cây sâm Ngọc Linh đang bắt đầu

Cú đổ đô-mi-nô?

Ngày 12-8-2023, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, địa phương liên quan kiểm tra, cung cấp thông tin, tài liệu theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị cung cấp một số nội dung liên quan Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh có trụ sở đăng ký đóng tại quận Cầu Giấy. Các thông tin mà Công an quận Cầu Giấy đề nghị tỉnh UBND Quảng Nam cung cấp gồm: UBND tỉnh có tiếp nhận hồ sơ của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh do bà Phạm Mỹ Hạnh là người đại diện pháp luật xin cấp phép lập và đầu tư dự án trồng, chăm sóc, phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh không?

Kết quả xử lý giải quyết đối với hồ sơ xin cấp phép (nếu có) của công ty trên như thế nào?

UBND tỉnh có cấp hay giao đất cho công ty này để thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh hay không?

UBND tỉnh có tiếp nhận thông tin từ cá nhân, tổ chức nào có ký văn bản thỏa thuận, hợp đồng hợp tác, liên kết với công ty này để thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh không…?

Theo Công an quận Cầu Giấy, đơn vị này tiếp nhận đơn tố giác của công dân với nội dung từ năm 2020 đến nay, bà Phạm Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh, đã tổ chức các hội thảo để quảng cáo, giới thiệu về việc công ty đang thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam. Qua đó, kêu gọi nhiều cá nhân đầu tư, góp vốn vào để cùng thực hiện dự án và sẽ được trả lợi nhuận cao.

Một số tòa soạn báo chí cũng nhận được đơn tố giác với nội dung mong được công luận lên tiếng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi người dân đã góp vốn đầu tư vào dự án trồng Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh.

Theo đơn tố giác, từ năm 2020 đến nay, bà Hạnh đã tổ chức các hội thảo, quảng cáo, giới thiệu về việc Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh đang thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh tại địa bàn tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Qua đó, bà Hạnh kêu gọi nhiều cá nhân đầu tư góp vốn vào Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh để tham gia thực hiện dự án này và sẽ được bà Hạnh, công ty trả lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, sau khi nộp tiền cho bà Hạnh, các nhà đầu tư không nhận được quyền lợi như bà Hạnh cam kết. Họ cho rằng, bà Hạnh có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng tỷ đồng, nên đã gửi đơn tố giác đến cơ quan công an.

Quan sát và đọc các bản hợp đồng người dân ký với Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh cho thấy nội dung ký kết đều ghi hợp tác đầu tư trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum. Một người dân cho biết trước khi ký hợp đồng góp vốn, tư vấn viên giới thiệu dự án này được Nhà nước ưu đãi đầu tư, cho Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh vay 16.000 tỷ đồng. Người dân đầu tư vào đây vừa ích nước vừa lợi nhà, góp phần xây dựng đất nước.

Khi ký hợp đồng đầu tư góp vốn với công ty, người dân được hứa hẹn sau 1 năm, công ty sẽ trả cả gốc lẫn lãi với số tiền lãi hàng tháng là 2%. Nhưng đến nay, nhiều người không nhận được cả tiền lãi lẫn tiền gốc.

Trả lời trên truyền thông, nhiều nạn nhân của dự án thừa nhận, số tiền góp là tiền tiết kiệm lúc già, tiền từ nguồn huy động vốn người thân, có không ít đi vay ngân hàng, mỗi người góp vốn mua cổ phần từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Vì sao người dân dễ bị xí gạt đến vậy?

“Tại sao trước đó người dân lại tin vào dự án trồng sâm Ngọc Linh của Mỹ Hạnh ở Quảng Nam, Kon Tum? Vì khi đến trụ sở họ, chúng tôi thấy họ quảng cáo rất hoành tráng, nhận được nhiều giải thưởng lớn, nhỏ. Đến nay mới vỡ lẽ khi biết sự thật họ không có một dự án trồng sâm Ngọc Linh nào cả” – một nạn nhân cho biết.

“Có nhân viên đến tận nhà tôi quảng cáo Tập đoàn Mỹ Hạnh đại diện cho Chính phủ Việt Nam phát triển ngành sâm Ngọc Linh ra thị trường thế giới, được Nhà nước hỗ trợ gói vay 16.000 tỷ đồng, tương ứng với 70%, còn 30% phải có vốn tự có của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp đi huy động từ dân. Sau đó chúng tôi tiếp tục được họ mời đến trụ sở để giới thiệu về dự án trồng sâm Ngọc Linh nên ai cũng tin tưởng để góp tiền cùng Mỹ Hạnh đầu tư” – một nạn nhân khác giải thích.

Đúng là người dân vì quá tin vào những quan chức đương nhiệm của Đảng nên họ mới dễ dàng “xuất vốn” để rồi bị quỵt như vậy.

Gần đây nhất, ngày 16-4-2023, tại trung tâm Hội nghị Quốc tế, 35 Hùng Vương, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển Nhân lực Nhân tài Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Chương trình Doanh nhân Sao Vàng xuất sắc thời kỳ hội nhập năm 2023. Trong sự kiện này, Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh nhận 02 cúp vàng và bằng khen dành cho tập thể và cá nhân bà Phạm Mỹ Hạnh vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Người đứng đầu tổ chức trao giải là trung tướng Nguyễn Đình Chiến, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng. Trước đó, lúc mang quân hàm thiếu tướng, ông Nguyễn Đình Chiến là Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Doanh nghiệp có tên Tập đoàn Mỹ Hạnh này còn nhận rất nhiều giải thưởng khác như “Top 10 Thương hiệu mạnh quốc gia” năm 2022”, “Top 10 Thương hiệu Sản phẩm Dịch vụ Chất lượng cao Asean” năm 2022, “Sản phẩm Vàng vì Sức khoẻ Cộng đồng” năm 2021, được vinh danh Top 10 “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”, đạt Top 30 “Doanh nghiệp tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” năm 2021…

Bà Phạm Mỹ Hạnh còn nhận được nhiều danh hiệu cá nhân như “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2019”, “Cúp bông hồng vàng năm 2021”, “Doanh nhân tiêu biểu Asean EU năm 2021”…

Một nhà báo có bằng cấp cử nhân Sinh học của trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, nói với người viết rằng sâm củ Ngọc Linh phải được trồng ít nhất 6 năm mới khai thác để chế biến ra sản phẩm, trong khi công ty Mỹ Hạnh mới thành lập được hơn 4 năm mà đã quảng cáo có hàng chục các loại sản phẩm từ giá rẻ đến lớn, nên ông nghe quảng cáo rồi không biết đường nào mà lần…


Y tế vẫn tiếp tục… rối

Mai Lan/VNTB

31/8/2023

VNTB – Y tế vẫn tiếp tục… rối

 “Đồng giá”  viện phí ở các bệnh viện công đang là yêu cầu gây lúng túng với các giám đốc bệnh viện này.

Từ ngày 15-8-2023, khung giá mới này được quy định tại Thông tư 13/2023/TT-BYT của Bộ Y tế. Theo đó, giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt tối thiểu là 100.000 đồng/lượt, và tối đa 500.000 đồng/lượt.

Hiện cả nước có 5 bệnh viện hạng đặc biệt là: bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Trung ương Huế.

Giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế khác tối thiểu là 30.500 đồng và tối đa là 300.000 đồng/lượt. Riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, ngoài nước đến khám, tư vấn sức khỏe: Các bệnh viện được thu theo giá thỏa thuận giữa bệnh viện và người sử dụng dịch vụ.

Thông tư 13 cũng quy định về khung giá ngày giường điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế): Loại 1 giường/phòng: Giá tối thiểu là 180.000 đồng/ngày loại 1 giường/phòng, tối đa 4 triệu đồng/ngày. Loại 2 giường/phòng: Giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 3 triệu đồng. Loại 3 giường/ngày: Giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 2,4 triệu đồng. Loại 4 giường/ngày: Giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 1 triệu đồng.

Về dịch vụ kỹ thuật y tế, có 1.937 loại dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu. Trong đó, phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực có giá tối đa cao nhất, hơn 134 triệu đồng, tối thiểu 91 triệu đồng; siêu âm doppler màu tim 4D không vượt quá 826.000 đồng/lượt; chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang không vượt quá 3,701 triệu đồng/lượt…

Tại một cơ sở bệnh viện hạng I, lãnh đạo đơn vị này bày tỏ băn khoăn vì với khu vực được đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc đắt tiền có chi phí khấu hao khá lớn, nếu tính đủ chi phí thì vượt giá tối đa của Bộ Y tế đưa ra trong Thông tư 13. Do đó, việc thu trong khung giá dẫn đến thu không đủ chi phí kết cấu trong giá dịch vụ, dẫn đến khó khăn trong vấn đề tự chủ.

Hiện khung giá để tính chi phí dịch vụ theo yêu cầu của Thông tư 13 còn có vướng mắc, do không bao phủ các loại hình dịch vụ kỹ thuật. Chẳng hạn, cùng là mổ đẻ, nhưng nếu mổ đẻ trên sản phụ có tử cung bình thường sẽ khác với sản phụ có tử cung có nhiều bệnh lý kèm theo như mẹ có bệnh nền, rau cài răng lược, sẹo tử cung…, phải xử lý phức tạp hơn. Do đó, giá dịch vụ mổ đẻ cần phải xây dựng khác nhau chứ không chỉ quy định một mức giá chung như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc quy định khung giá sinh thiết phôi trong thụ tinh ống nghiệm trên đầu người chưa chuẩn về mặt y học. Thông tư 13 quy định giá theo đầu người, giá hơn 10,2 triệu đồng/người. Có người chỉ sinh thiết một phôi, có người có nhiều phôi, thậm chí lên tới 15-20 phôi thì giá này không đủ chi phí. Thực tế giá phải chi trả theo số phôi, không thể tính trên bệnh nhân.

Nếu đã xây dựng khung giá dịch vụ kỹ thuật thì phải tính đúng, tính đủ cho người bệnh và phải tính đến người thực hiện kỹ thuật theo yêu cầu. Nếu không tính đến cả 2 vấn đề này thì việc thực hiện nó sẽ không kéo dài được. Điều này dẫn tới, người bệnh phải chờ đợi lâu để được cung cấp dịch vụ hoặc người bệnh sẽ không thích làm các kỹ thuật này ở bệnh viện công nữa. Hoặc nếu tiếp tục ở bệnh viện công, sẽ dễ dẫn tới việc người bệnh nhờ vả, xin bác sĩ giúp đỡ riêng.

Ngoài ra, theo khung giá mới, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong thanh toán bảo hiểm thương mại. Thực tế, bảo hiểm thương mại không thanh toán dịch vụ chăm sóc mà chỉ thanh toán dịch vụ kinh tế kỹ thuật.

Mặt khác, Thông tư 13 đang quy định cố định mức giá khám chữa bệnh theo yêu cầu trong khi giá cả luôn thay đổi theo thị trường vật tư y tế….


Khi nào mới luật hóa về hoạt động của đảng?

Cát Tường/VNTB

Các tổ chức Đảng vẫn chỉ lãnh đạo chung chung

 “Không được để quy phạm pháp luật có sơ hở, có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực, kéo thuận lợi về cho cơ quan quản lý, tạo cơ chế xin – cho, cài cắm lợi ích; còn đẩy cái khó cho người dân, doanh nghiệp”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có phát biểu nhấn mạnh như vậy tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV, khai mạc vào đầu tuần này tại Hà Nội.

Theo lịch làm việc, hội nghị sẽ xem, cho ý kiến vào 8 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6. Cụ thể gồm các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi). Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Ông Huệ đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung rà soát để làm rõ việc các dự án luật đã thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn chủ trương của Đảng hay chưa. Bên cạnh đó, đã bám sát các nhóm chính sách lớn, các định hướng, nguyên tắc yêu cầu khi xây dựng các dự án luật chưa? Những đề xuất mới đã có đánh giá tác động một cách đầy đủ chưa?

Vấn đề quan trọng nữa là xem xét tính hợp hiến, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là những dự án luật liên quan chặt chẽ với nhau. Như các dự án Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai…

Về một số nội dung còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cũng như ý kiến khác nhau trong từng cơ quan, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích kỹ lưỡng để lựa chọn phương án tốt nhất. Ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý quan tâm điều khoản áp dụng, điều khoản chuyển tiếp vì “nếu không đầy đủ, rõ ràng thì luật ban hành xong vẫn ách tắc, bất cập, sai lệch trong quá trình thực hiện”.

Có thể tóm lược về vai trò lập pháp của Quốc hội theo cách hiểu của ông Vương Đình Huệ, đó là việc luật hóa phải tuân theo “chủ trương của Đảng”, và trên thực tế thì đòi hỏi này rất khó với những dự án luật, vì chủ trương của Đảng thường xuyên thay đổi khi mà bản thân hoạt động của Đảng cho đến nay vẫn chưa được luật hóa.

Nói một cách khác, rất khó để thực thi yêu cầu mà người đứng đầu Quốc hội Việt Nam đề ra là các dự án luật phải “thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn chủ trương của Đảng”, bởi trên thực tế hiện tại vẫn chưa thể cụ thể hóa vai trò lãnh đạo của Đảng trong các văn bản luật và văn bản dưới luật.

Quan sát việc xây dựng dự án luật cho thấy các văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước vẫn chưa xác định một cách chính xác những vấn đề gì thì các cơ quan của Đảng quyết định, những vấn đề gì có sự phối hợp giữa Đảng với Nhà nước, những vấn đề gì Nhà nước chủ động thực hiện và báo cáo với tổ chức đảng…

Hiện tại vẫn đang là tình trạng các tổ chức Đảng lãnh đạo chung chung, dẫn đến có thể bao biện làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng.

Đơn cử, về nguyên tắc thì Hiến định ở điều 4 ghi rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ phải chịu trách nhiệm trước tổ chức Đảng mà còn phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình.

Phía các cơ quan Đảng tán dương rằng quy định trên khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội, buộc Đảng phải cân nhắc kỹ càng các quyết định. Bởi lẽ, một khi chính sách đã ban hành không chỉ ảnh hưởng đến đảng viên, tổ chức đảng mà ảnh hưởng đến nhà nước và toàn xã hội.

Thế nhưng cụ thể những ai đã nhân danh Đảng sẽ phải “chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình”, thì nhìn từ các vụ án gần đây xảy ra lúc dịch Covid-19, người ta chưa thấy ràng buộc nào về trách nhiệm của các “tư lệnh” được Đảng tín nhiệm, mà ông Vũ Đức Đam là một ví dụ.


Năm học mới, tình trạng thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng

Lê Thiệt /SGN

30/8/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/04-giao-duc-2.jpg

Năm học vừa qua, tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở một số địa phương khiến học sinh phải học trực tuyến nhờ sự trợ giúp của các trường bạn – Ảnh: Thanh Niên 

Theo báo cáo của Bộ GDĐT vào ngày 29 Tháng Tám, tính đến cuối năm học 2022 – 2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên (từ lớp mầm non đến lớp 12) so với định mức quy định. Theo số liệu thống kê, so với năm học trước đó, số giáo viên còn thiếu tăng thêm 11.308 người.

Ngoài chuyện do số trẻ em sinh ra nhiều hơn, dẫn đến số học sinh vào lớp mầm non tăng cao, một nguyên nhân quan trọng khác khiến số lượng giáo viên sụt giảm trầm trọng đó là giáo viên nghỉ hưu và nghỉ việc ngày càng nhiều.

Theo số liệu từ Bộ GDĐT, năm học 2022 – 2023 toàn quốc có số lượng giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc nhiều (10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc). Giáo viên nghỉ việc chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế – xã hội phát triển, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.

Lương thấp kéo dài làm giáo viên chán nản bỏ dạy

Mới đây, lá đơn xin nghỉ việc của một giáo viên trước thềm năm học mới 2022-2023 đã gây xôn xao dư luận xã hội dù lý do nghỉ việc không hề mới: Đó là lương không đủ sống.

Trong đơn, cô giáo Trịnh Thị Kim Tuyền, người gắn bó với bục giảng 14 năm trời đã phải “giũ áo ra đi” khi kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, nên cô “phải làm thêm công việc bên ngoài để trang trải cuộc sống”. Cho đến lúc công việc phụ chiếm quá nhiều thời gian, mà lương lại cao hơn công việc chính, cô Tuyến đành chọn giải pháp nghỉ việc.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/04-giao-duc-4.jpg

Đơn xin nghỉ việc của một giáo viên trước thềm năm học mới gây xôn xao dư luận xã hội – Ảnh: Thanh Niên 

Do thiếu giáo viên trầm trọng, ngay từ năm học trước, một giáo viên phải “chạy sô” sáng dạy trường trung học, chiều xuống trường tiểu học dạy tiếp. Đương nhiên, họ vất vả hơn, nhưng đổi lại được lãnh 2 đầu lương, nhưng sức người có hạn, với thời gian lên lớp dày đặc, các giáo viên này không thể có thời gian theo dõi học sinh, để giúp các em học tốt hơn ở trường.

Tình hình ở các thành phố lớn là thế, ở các vùng quê hay trên vùng cao thì còn tệ hơn nhiều. Thí dụ như ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang), toàn huyện chỉ có 1 giáo viên tin học và 1 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, phải dạy cho học sinh… 18 trường tiểu học!

Rốt cuộc, có dạy cũng như không, vì thầy và trò chỉ “cỡi ngựa xem hoa” mỗi tuần 1, 2 tiết rồi thôi. Tuần sau gặp lại trò thì “chữ thầy trả thầy” hết, trò chẳng nhớ được gì.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/04-giao-duc-3.jpg

Do thiếu giáo viên, ngay tại quận trung tâm của Hà Nội cũng phải áp dụng hình thức một giáo viên dạy liên trường – Minh họa: Thanh Niên 

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 toàn ngành giáo dục vừa diễn ra, vấn đề thiếu giáo viên, địa phương khó khăn trong nguồn tuyển được nhiều địa phương đưa ra.

Hội nghị đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, nhưng hầu như không ai đặt vấn đề tiền đâu để làm. Một giáo viên lắc đầu nói: “Đừng trông mong gì ở hội nghị này, chỉ tốn tiền tổ chức thôi. Ngay cả vấn đề căn bản nhất là tăng lương giáo viên được đề nghị từ thời ông Bộ trưởng Bộ GĐDT bây giờ còn ‘ở truồng tắm mưa’ cho đến nay vẫn chưa thấy giải quyết, thì còn bàn vấn đề vĩ mô làm gì?”

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/04-giao-duc-1.jpeg

Dự toán chi ngân sách qua các năm 2021, 2022 và 2023. Ngân sách giáo dục chưa bằng 1/10 ngân sách dành cho công an 

Một giáo viên khác, người cũng vừa xin về hưu sớm để có thời gian nhiều hơn dạy tiếng Anh cho người sắp định cư bên Mỹ, chia sẻ:

“Anh cứ nhìn vào dự toán ngân sách thì biết nhà nước này có chăm lo cho giáo dục hay không? Năm nào cũng thế, ngân sách dành giáo dục không bằng 1/10 ngân sách dành cho bộ máy công an. Thế mà họ cứ đòi hỏi chúng tôi phải dạy tốt, học sinh phải học tốt!”

Một nhà báo giấu tên nói với đài RFA rằng, ngân sách dành cho bộ máy đàn áp của công an càng lớn, chứng tỏ xã hội này ngày càng bất ổn.

Và cũng có thể nói, ngân sách dành cho giáo dục càng thấp, nguy cơ bị nô lệ ngày càng nhiều.


XEM THÊM:

Tags: , , , ,

Comments are closed.