Chuyện Việt Nam Thứ Sáu 04/8/2023: *Quan hệ Mỹ-Việt sâu sắc hơn? *Dân Thủ Thiêm và lời hứa cuội *An Giang bắt tín đồ PGHH *CSVN: giải quyết Biển Đông bằng hòa bình? * Mỹ nên ưu đãi thuế xe hơi điện cho VN? *Nickie Tran – Life is beautiful 


Quê Hương tổng hợp


Việt Nam và Hoa Kỳ ‘nhất trí tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ’ 

03/8/2023 

VOA Tiếng Việt 

Ngoại trưởng Blinken trong một cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Hà Nội.

Ngoại trưởng Blinken trong một cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Hà Nội. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 3/8 cho biết như vậy về quan hệ Việt – Mỹ nhân kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Trong cuộc họp báo thường kỳ, theo báo Lao Động, bà Hằng nói rằng thời gian qua, quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ “đã phát triển sâu rộng, hiệu quả, thực chất trên tất cả các lĩnh vực quan hệ song phương cũng như các cơ chế đa phương”.

Bà Hằng cũng được trích lời nói rằng “lãnh đạo cấp cao 2 nước đã nhất trí tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác theo hướng ổn định, thực chất và lâu dài, hướng tới tầng mức quan hệ mới khi điều kiện phù hợp, đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới”.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng như vậy ít ngày sau khi tin nói rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết rằng lãnh đạo của Việt Nam muốn gặp và hội đàm với ông tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 ở New Delhi để thảo luận về việc nâng tầm quan hệ Việt – Mỹ.

“Tôi nhận được cuộc gọi từ người đứng đầu Việt Nam, rất muốn gặp tôi khi tôi tới G20”, ông Biden nói với hàng chục nhà tài trợ ủng hộ chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của ông tại một sự kiện ở Freeport, bang Maine, theo Reuters.

“Ông ấy muốn nâng tầm chúng tôi thành một đối tác lớn, ngang hàng Nga và Trung Quốc”, ông Biden nói tiếp, nhưng không cho biết cụ thể về nhà lãnh đạo này.

Tin cho hay, trong một cuộc gặp hồi tháng 4, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã bày tỏ mong muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ của hai nước vào lúc Washington tìm cách củng cố quan hệ với các đối tác ở châu Á để đối trọng lại một Trung Quốc ngày càng lấn át.

Theo hãng tin Reuters, ông Blinken bày tỏ hy vọng rằng việc đó có thể diễn ra “trong những tuần và tháng tới”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, trong điện mừng gửi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhân kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ đối tác toàn diện, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nói rằng “Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Mỹ để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển sâu rộng, thực chất, đạt tầm cao mới”.


Dân Thủ Thiêm về dựng nhà tạm, lãnh đạo hứa không giật sập nhưng nuốt lời

03/8/2023

Dân Thủ Thiêm về dựng nhà tạm, lãnh đạo hứa không giật sập nhưng nuốt lời

Người dân đến UBND phường An Khánh đòi lại đồ bị chính quyền lấy sau khi giật sập nhà dân 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngCitizen Facebook 

Nhà tạm bị giật sập

“Bà con ở đó nói lại là họ xuống cũng đông người lắm, có cả công an, dân quân… giật chòi tôi sập rồi lấy hết nồi cơm, bếp ga, bàn ghế của tôi và của các bà con dân oan Thủ Thiêm rồi chở đồ của chúng tôi đi hết. Lúc đó là 1 giờ 30”

Đó là lời của ông Thịnh, một người dân oan Thủ Thiêm có nhà nằm trong khu vực “5 khu phố 3 phường” kể lại với RFA về vụ việc chính quyền thành phố Thủ Đức giật sập các căn chòi tạm do bà con Thủ Thiêm cất lại trên đất của mình.

Như RFA đã đưa tin, hồi đầu tháng Bảy, sau nhiều lần lãnh đạo TPHCM không giữ lời hứa giải quyết khiếu nại của dân, gần một trăm người Thủ Thiêm đã quyết định quay trở về dựng nhà tạm trên khu đất cũ của mình, nằm ở khu vực phía Bắc thuộc phạm vi “5 khu phố 3 phường”. Người dân khẳng định khu vực này nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị chính quyền cưỡng chế thu hồi.

Ông Thịnh cho biết, ông về dựng lại chòi để buôn bán kiếm sống qua ngày. Từ đó, ông ngủ luôn tại chòi để giữ đồ, đề phòng trộm cắp. Đến tối ngày thứ bảy, 29/7, ông Thịnh về nhà ngủ thì chính quyền thành phố Thủ Đức cho người xuống giật sập căn chòi này của ông:

“Cái chòi của tôi giữ được là do tôi ngủ lại cũng được mười mấy ngày. Còn mấy người kia cứ dựng lên đó rồi không có người ngủ lại là họ đi giật sập vào ban đêm, buổi khuya lúc 1 – 2 giờ, rồi nó chở đồ đi. Họ đã giật hết ba căn.”

Bốn giờ sáng Chủ nhật, khi quay trở lại khu đất của mình thì căn nhà tạm của ông Thịnh đã bị tháo dỡ, đồ đạc bị mang đi hết. Các lực lượng chức năng có cả trăm người đứng bao quanh, ngăn cản người dân Thủ Thiêm vào khu vực này:

“Lúc sáng tôi xuống tới thì tôi thấy nguyên một bãi tha ma luôn. Họ đã lấy đi hết đồ của tôi không còn cái gì hết trơn. Rồi hàng trăm người xuống, đứng với nhau như một hàng rào khống chế không cho chúng tôi vô.”

Ông Thịnh bức xúc cho biết, sau khi về dựng lại chòi, chính các lãnh đạo phường An Khánh, bao gồm cả chủ tịch và bí thư phương có ký biên bản cho ông, hứa rằng sẽ không tháo dỡ, mà bây giờ họ lại “nuốt lời”:

“Họ bao vây tụi tôi không cho ai vô hết trơn. Băng rôn, biểu ngữ họ lấy đi hết.

Họ nói là nó không có tháo dỡ. Tôi mới hỏi lại ai vô đây mà tháo dỡ. Tại sao mấy anh không tháo dỡ mà năm sáng mấy anh lại xuống đây, mà ngày đó lại là ngày nghỉ của bên văn phòng, sao lại kéo xuống đây bao vây tôi?”

Sau đó, hơn chục người dân Thủ Thiêm kéo lên UBND phường An Khánh đề đòi tài sản thì được hứa là sẽ trả lại sau năm ngày.

Một người dân oan Thủ Thiêm, về dựng lại nhà tạm và cũng đã bị giật sập, nói với RFA trong điều kiện giấu danh tính cho biết:

“Nhà tôi đã bị cưỡng chế lâu rồi. Bây giờ muốn lên đó để che cái chòi lại giữ đất nhưng mà phường xuống cưỡng chế một lần nữa thì tụi tui xúm nhau lên để đòi đồ lại, đòi lại tài sản.”

Hiện nay, chính quyền thành phố Thủ Đức tiếp tục cho người canh gác, ngăn cản bà con về dựng lại nhà lần nữa.

Phóng viên RFA gọi điện tới UBND phường An Khánh nhưng không có ai nghe máy. Chúng tôi tiếp tục gọi đến công an phường này thì được yêu cầu đến trực tiếp trụ sở để làm việc.

Mất bản đồ gốc, chính quyền dựa vào đâu đập nhà dân?

Vướng mắc hiện nay trong vụ khiếu kiện của người dân Thủ Thiêm thuộc “5 khu phố 3 phường” là nằm ở “ranh quy hoạch”. Trong khi người dân ở đây khẳng định khu đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì chính quyền lại xác định khu đất này trong ranh, do đó, việc thu hồi đất là đúng pháp luật.

Người dân yêu cầu chính quyền TPHCM trưng bằng chứng chứng minh khu đất này trong ranh quy hoạch thì lãnh đạo thành phố viện lý do là “mất bản đồ quy hoạch gốc”. Ông Thịnh bức xúc phản bác:

“Chính quyền nói là tìm không thấy bản đồ gốc bị thất lạc, mà nếu tìm không thấy thì tại sao lấy đất của người dân. 

Trong khi đó, bản quy hoạch gửi đi 13 nơi mà tất cả các nơi đều mất hết thì là điều vô lý, và lấy đất của tôi là không công bố được bản đồ quy hoạch và không có giấy thu hồi đất.”

Người dân Thủ Thiêm giấu tên cũng cùng quan điểm:

“Tôi họp đã nhiều lần chính quyền. Chính quyền nói là mất bản đồ, vậy thì tại sao lại đập nhà của tôi, thì từ chỗ đó người dân mới bức xúc. Tôi khẳng định “5 khu phố 3 phường” là nằm ngoài ranh quy hoạch, mà  họ đập tan nát hết từ năm 2011 cho tới giờ.”

Để giải quyết dứt điểm vụ kiện kéo dài này, ông Thịnh cho biết người dân rất chia sẻ với chính quyền. Trước tiên, chính quyền cần xác định chính thức “5 khu phố 3 phường” nằm ngoài hay trong ranh quy hoạch với các bằng chứng rõ ràng. Sau đó, yêu cầu doanh nghiệp vào trực tiếp thương lượng với người dân:

“Trước tiên phải làm rõ là đất trong ranh hay ngoài ranh. Thanh tra chính phủ đã đối thoại với chúng tôi năm lần mà cũng không trả lời được thì coi như đất chúng tôi nằm ở ngoài ranh quy hoạch. Chúng tôi chia sẻ với thành phố, chỉ yêu cầu thành phố cho chủ đầu tư vào thương lượng với chúng tôi mà thôi, thuận mua vừa bán mà thôi.” 

Dân quá ngán với những lời “hứa lèo” 

Sáng ngày 1/8, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã báo cáo Thủ tướng là cuối tháng Bảy sẽ ban hành đề án xử lý khiếu nại một số vụ việc nổi cộm, trong đó có vụ việc ở Thủ Thiêm. Đến quý ba sẽ cơ bản phải dứt điểm các vụ khiếu nại, khiếu kiện, cần tập trung các trường hợp khiếu kiện đông người, dai dẳng, phức tạp.

Người dân Thủ Thiêm giấu tên cho biết, chỉ tính riêng ông Mãi, đây là lần thứ ba ông này hứa mà không thực hiện được:

“Ông Mãi đã hứa hai lần mà không giải quyết thì người dân mới làm ồn ào lên, thì ổng mới giải quyết thêm cho những người đã lãnh tiền rồi, còn như tụi tui thì họ không giải quyết. Bởi vậy cho nên người dân mới đứng lên, dựa theo lời hứa của ổng, người dân phải đòi lại nhà. 

Rồi ông Mãi mới hứa thêm lần này nữa là lần thứ ba, là trong trong quý ba này sẽ giải quyết dứt điểm, nhưng mà không biết có giải quyết hay không, cũng không tin tưởng lắm.”

Ông Thịnh cũng “ngán ngẩm” với lời hứa của chính quyền TPHCM qua các thời kỳ:

“Bây giờ tôi không có tin lãnh đạo TPHCM, bởi vì ông Mãi đã nói giải quyết dứt điểm vào tháng Sáu.

Hồi đó là ông Phong cũng xin lỗi người dân rồi cũng không giải quyết; rồi tới ông Nhân về cũng khóc lóc, mà toàn “nước mắt cá sấu” không à. Ông Nhân nói này nói kia là sẽ giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm, sẽ đeo đuổi cho tới cùng; rồi bà Tâm cũng vậy…

Những người đó bây giờ làm mất lòng tin của nhân dân hết trơn rồi. Bây giờ, chừng nào giải quyết được rồi thì bà con mới hay thôi chứ bây giờ ông Mãi nói cũng không ai tin nữa.”

Ông Nguyễn Thành Phong là Chủ tịch UBND TPHCM từ năm 2015 đến 2021. Ông Nguyễn Thiện Nhân là Bí thư TPHCM từ năm 2017 đến 2020. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM từ năm 2011 đến 2018.

Hồi giữa tháng Bảy, bà Lê Thị The, một người dân Thủ Thiêm đấu tranh đòi đất suốt gần 20 năm, đã qua đời khi tâm nguyện đòi lại đất vẫn chưa được toại nguyện. 


An Giang bắt giữ tín đồ PGHH Nguyễn Hoàng Nam, cáo buộc “dùng mạng chống Nhà nước”

RFA
0/8/2023

An Giang bắt giữ tín đồ PGHH Nguyễn Hoàng Nam, cáo buộc "dùng mạng chống Nhà nước"

Tín đồ PGHH Nguyễn Hoàng Nam trong một hình ảnh chụp năm 2017 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngFB Nguyễn Hoàng Nam 

Chỉ sau hai năm ra tù vì những hoạt động tôn giáo của mình, một tín đồ Phật giáo hòa hảo độc lập tiếp tục bị bắt ở An Giang vì các bài đăng trên mạng xã hội.

Báo mạng Vietnam Plus hôm 4/8 dẫn thông tin từ cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh An Giang cho biết, cơ quan này đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cùng với các phòng nghiệp vụ đã thi hành lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Hoàng Nam (sinh năm 1982, trú tại xã Vĩnh Châu, thành phố Châu Đốc).

Ông Nam bị điều tra về hành vi bị cho là “phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật hình sự.

Tờ báo này cho biết thêm, ngày 24/7, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở của ông Nam. 

Qua khám xét nơi ở, cơ quan chức năng đã thu giữ bảy điện thoại di động, hai USB, một laptop, 307 trang tài liệu và 10 video bị cho là có “nội dung tuyên truyền chống Đảng, nhà nước” và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó Chánh thư ký Ban trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy cho hay, ông nhận được tin ông Nam bị công an An Giang bắt giữ hôm 2/8 tuy nhiên đến hôm nay báo chí mới loan tin.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, ông Tân bày tỏ “bàng hoàng” khi biết tin và cho biết thông tin thêm về ông Nam:

“Nguyễn Hoàng Nam là một đồng đạo, từng là một cựu tù nhân tôn giáo, mới ra tù năm 2021 cùng với vụ ông Bùi Văn Trung và Bùi Văn Thâm.

Hoàng Nam là một nhà hoạt động tôn giáo, sau khi ra tù Nam tích cực hoạt động từ thiện tôn giáo, xã hội.”

Báo chí Nhà nước dẫn thông tin từ cơ quan điều tra nói rằng, sau khi chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương trong năm 2021, ông Nam không chịu cải tạo, mà tiếp tục lợi dụng không gian mạng, tạo nhiều tài khoản mạng xã hội để đăng tải, phát tán nhiều tài liệu, hình ảnh, video, thậm chí phát trực tiếp để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. 

Hành vi của ông bị cho là nhằm mục đích gây chia rẽ, phá hoại chính sách đoàn kết tôn giáo, dân tộc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Nói về những cáo buộc này của công an, ông Nguyễn Ngọc Tân cho hay:



“Tôi không thấy những video đó (chống phá chính quyền-PV) mà chỉ thấy những video Hoàng Nam làm công tác từ thiện xã hội thôi. Đó là tài khoản Facebook mà tôi có kết bạn với Nam.

Trong lúc dịch (COVID-19), lúc người ta ngăn đường, cấm ngỏ gây sự bất bình cho xã hội và nhân dân, tôi có thấy một vài video Nam cự cãi với cơ quan chức năng do họ cấm đoán đi lại.”

Ông Võ Văn Bửu, một tín đồ PGHH độc lập khác xác nhận, ông Nam và gia đình thường nấu ăn miễn phí phát cho người dân nghèo trong những ngày rằm và ngày 30 hàng tháng. 

Ông cũng cho biết, trên Facebook Hoàng Nam thỉnh thoảng có chia sẻ những bài viết của một số người chỉ trích, phê bình các chính sách của Nhà nước Việt Nam.

Ông Bửu cũng cho hay, trong ngày 4/8 công an cũng đưa vợ con ông Nam lên trụ sở để làm việc.

Ông Nguyễn Hoàng Nam hồi tháng 2/2018 bị tuyên án bốn năm tù giam cùng với năm đồng đạo Phật giáo Hòa hảo độc lập khác, với cáo buộc “gây rối trật tự” và “chống người thi hành công vụ”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trước phiên tòa kêu gọi giới chức hoãn xử sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và đề nghị cần điều tra xem liệu vụ việc có phải do “nguyên nhân kỳ thị hay đàn áp tôn giáo không”.


Việt Nam lặp lại quan điểm giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình

03/8/2023

Việt Nam lặp lại quan điểm giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình

Hội nghị Quan chức Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADSOM+) tại Jakarta, Indonesia ngày 3/8/2023 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngQuân Đội Nhân Dân 

Việt Nam luôn kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ pháp luật quốc tế trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, vào ngày 3/8 tại Hội nghị Quan chức Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADSOM+) tại Jakarta, Indonesia.

Đại diện Việt Nam tại ADSOM+ thừa nhận bất đồng tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đang tồn tại. Vị này cho rằng đây là tuyến đường biển huyết mạch trong giao thương khu vực và thế giới, bất ổn tại khu vực Biển Đông tất yếu sẽ kéo theo những bất ổn về chính trị, quốc phòng và an ninh. Ông Hoàng Xuân Chiến nói giải quyết các tranh chấp, bất đồng đó là vấn đề khó khăn, thách thức và lâu dài.

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Hoàng Xuân Chiến cho rằng Việt Nam ủng hộ việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), và sớm kết thúc đàm phán, ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) mang tính thực chất, hiệu quả phù hợp luật pháp quốc tế.

ADSOM+ có sự tham dự của quan chức quốc phòng cấp cao các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ.

Nhiều người muốn biểu tình vì Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản thiếu minh bạch 

04/8/2023 

VOA Tiếng Việt 

Ảnh chụp màn hình trang web của Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản, 3/8/2023.

Ảnh chụp màn hình trang web của Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản, 3/8/2023. 

Trong gần một tuần nay, thông qua nhóm “Tôi và Sứ quán”, nhiều người thảo luận và bày tỏ ủng hộ ý tưởng tổ chức một cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản để phản đối tình trạng thiếu minh bạch về thủ tục và các loại phí, theo quan sát của VOA.

Nhóm “Tôi và Sứ quán” ra đời trên Facebook cách đây 8 năm, hiện có hơn 53.000 thành viên, là diễn đàn chủ yếu bàn về các khuyết điểm của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Ý tưởng nêu trên xuất hiện sau khi một phụ nữ có tên Nhật Bản là Haruka Takenami đăng bài trong nhóm hôm 30/7 với tiêu đề “Khảo sát về mong muốn biểu tình tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản”. Chị cho VOA biết tên Việt Nam của chị là Hoa và chị mang song tịch Việt Nam, Nhật Bản.

Viết trên “Tôi và Sứ quán”, chị Hoa – người đã gửi bản sao hộ chiếu tới quản trị viên của diễn đàn để xác nhận danh tính – nói rằng chị muốn khảo sát về nhu cầu biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo để yêu cầu cơ quan này thực hiện công việc theo đúng quy định của nhà nước Việt Nam.

Đứng đầu tiên trong số các yêu cầu là đại sứ quán phải “công khai dán thông báo mức biểu phí, lệ phí dịch vụ theo quy định kèm tỉ giá quy đổi từ đồng đô la Mỹ sang đồng Yen tại cửa và thu phí theo đúng quy định”, chị Hoa viết.

Cơ quan ngoại giao này cũng phải “trả kết quả kèm hoá đơn/biên lai hợp lệ theo quy định của Nhà nước cho tất cả các công dân làm dịch vụ trực tiếp hoặc theo đường bưu điện”, đó là yêu cầu thứ hai, theo chị Hoa.

Thứ ba, cần phải “gỡ bỏ tờ thông báo cấm sử dụng camera đang được dán trước cửa dịch vụ”. Chị Hoa nhấn mạnh rằng “công dân có quyền giám sát và có quyền sử dụng camera khi nghi ngờ nhân sự Đại sứ quán có hành vi không đúng quy định”.

Tiếp theo, một yêu cầu nữa được đặt ra với đại sứ quán là “Tuyệt đối không xâm phạm dữ liệu thông tin cá nhân của công dân, không sử dụng thông tin cá nhân (số điện thoại, địa chỉ…) cho những mục đích không liên quan đến thủ tục hồ sơ mà công dân đang yêu cầu”.

Cuối cùng, chị Hoa nêu ý kiến rằng đại sứ quán cần phải “nhấc máy nghe điện khi công dân gọi đến”.

Bài đăng của chị nhận được hơn 570 phản ứng “yêu”, “thích”, gần 300 lời bình luận và 16 người lan truyền bằng chức năng “share” (chia sẻ).

Theo quan sát của VOA, 71 người tỏ ý ủng hộ với khả năng cao sẽ tham gia biểu tình, một số người thậm chí viết rằng sẵn sàng tham gia “bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào”. Có hơn 490 người thể hiện họ ủng hộ nhưng không thể tham gia.

Bên cạnh các ý kiến ủng hộ biểu tình, nhiều người xác nhận tình trạng “tìm cả cái web” của Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản cũng “không thấy đâu” biểu phí, lệ phí. Có người cho biết rằng đã có lần gọi điện khoảng “100 cuộc” trong cả một ngày tới đại sứ quán lẫn các lãnh sự quán của Việt Nam ở Tokyo, Osaka và Fukuoka “mà không liên lạc được”.

VOA cố gắng liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo để kiểm chứng các thông tin kể trên nhưng không kết nối được.

Một số người đề xuất chưa nên biểu tình mà trước hết hãy gửi đi một đơn khiếu nại, nếu đại sứ quán “không có thiện chí thay đổi” mới tiến hành biểu tình ôn hòa trước đại sứ quán.

Thành viên Lê Thị Phương Thúy đề nghị “lập ra một hội đồng bao gồm nhiều người Việt Nam ưu tú tại Nhật Bản, cùng bàn bạc và đưa ra những phương án phù hợp, khôn ngoan” một khi phải đi đến việc biểu tình.

Vẫn chị Thúy bình luận thêm: “Tham nhũng hay còn được gọi như một loại ‘giặc nội xâm’, một loại giặc tàn phá rất lớn đất nước từ bên trong. Chúng ta không kêu gọi biểu tình, chúng ta kêu gọi lòng tự hào và lòng yêu nước trong mỗi công dân Việt Nam tại Nhật Bản, cùng đẩy trừ quan liêu, tham nhũng”.

Từ góc nhìn của mình, thành viên Lê Hữu Cường khẳng định: “Biểu tình là đúng. Ở Ba Lan, nếu không có biểu tình thì đến giờ Đại sứ quán [Việt Nam] vẫn không thay đổi, người dân vẫn đang bị lạm thu, nhũng nhiễu”.

Như VOA đã đưa tin, hơn 300 người biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Warsaw của Ba Lan hôm 12/3 để phản đối nạn lạm thu các loại phí và đòi viên đại sứ từ chức. Sau cuộc biểu tình, nhiều người Việt ở Ba Lan ghi nhận những cải thiện rõ rệt về sự minh bạch và thái độ phục vụ của đại sứ quán.

Trao đổi với VOA qua tin nhắn, chị Hoa – người đăng bài khảo sát về biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo – nói chị hy vọng rằng 5 yêu cầu mà chị và nhiều người Việt ở Nhật Bản nêu ra có thể được giải quyết mà không cần đến biểu tình.


Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN: Mỹ nên cho Việt Nam hưởng ưu đãi thuế cho xe hơi điện 

04/8/2023 

Reuters 

VinFast vận chuyển xe hơi tới Mỹ qua đường biển trong khi chờ xây nhà máy ở North Carolina.

VinFast vận chuyển xe hơi tới Mỹ qua đường biển trong khi chờ xây nhà máy ở North Carolina. 

Người đứng đầu tổ chức vận động hành lang lớn về kinh doanh giữa Mỹ và Đông Nam Á nói rằng Mỹ nên cho phép Việt Nam cũng được hưởng khoản ưu đãi hoàn thuế một phần dành cho xe hơi điện (EV), nếu Mỹ muốn khuyến khích đầu tư mang tính bước ngoặt từ Việt Nam vào hoạt động sản xuất ở Mỹ.

Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ (IRA) có các quy định nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng pin EV của Trung Quốc. Theo các quy định này, hiện nay, chỉ những quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Washington mới được hưởng các ưu đãi. Việt Nam không nằm trong danh sách đó.

Hãng sản xuất ô tô Việt Nam VinFast hồi tuần trước đã khởi công xây dựng một nhà máy trị giá 4 tỷ đô la để sản xuất xe hơi điện ở North Carolina cho thị trường Hoa Kỳ, nhưng hãng có thể gặp khó khăn trong cạnh tranh nếu không được giảm thuế, ông Ted Osius, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, hiện đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, nói. Hội đồng này là một tổ chức vận động hành lang.

VinFast đã đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden về sản xuất xe điện ở Hoa Kỳ, ông Osius nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm 3/8. “Giờ đây, họ sẽ có một số yêu cầu. Họ sẽ muốn trở thành một phần trong chuỗi cung ứng xe điện và họ không muốn bị phân biệt đối xử trong khi các nhà sản xuất EV khác lại được ưu đãi”, vẫn lời ông Osius.

Hiện “không thấy rõ một con đường cụ thể nào” để Việt Nam được hưởng các ưu đãi về thuế, nhưng thực tế là VinFast đang tiến hành xây dựng nhà máy cho thấy “có niềm tin nhất định rằng việc này sẽ được giải quyết – và tôi có chung niềm tin đó”, ông Osius nói.

Liệu chính quyền của ông Biden có thể đưa ra giải pháp cho nhà sản xuất ô tô Việt Nam hay không có thể là phép thử để xem các ưu đãi của đạo luật IRA có thể được cấp rộng rãi đến đâu.

IRA cho phép hoàn thuế một phần lên đến 7.500 đô la cho xe điện được mua ở Mỹ, với điều kiện là các khoáng chất quan trọng dùng để sản xuất pin phải đạt một tỷ lệ phần trăm nhất định về nguồn gốc Mỹ hoặc có nguồn gốc từ một đối tác thương mại tự do của Mỹ.

Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận hồi tháng 3 với Nhật Bản về các khoáng sản quan trọng, theo đó đảm bảo ô tô Nhật Bản sẽ được hưởng ưu đãi về tín dụng thuế. Giờ đây, cả EU và Anh cũng đều tìm cách để được hưởng ưu đãi tương tự.

Tổng thống Mỹ Biden hồi tuần trước cho hay ông có thể gặp nhà lãnh đạo của Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi vào tháng 9. Có dự báo là ở đó, hai nhà lãnh đạo sẽ đồng ý về các bước nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ đã phát triển trong những năm gần đây trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng.

Ông Osius cho rằng Washington nên mở rộng diện được hưởng ưu đãi thuế cho cả các bên ký kết Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), một diễn đàn thương mại gồm 14 quốc gia, trong đó có Việt Nam và nước láng giềng Indonesia, quốc gia có trữ lượng khoáng sản lớn thường dùng để làm pin.

Chính quyền của ông Biden đã khởi động IPEF như là một phần trong nỗ lực tăng cường can dự kinh tế với châu Á sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, nhưng IPEF còn thiếu các điều khoản về tiếp cận thị trường mà các quốc gia ASEAN muốn có.


Nickie Tran – Life is beautiful 

Hổm có cô bạn người Mỹ nhưng đang sinh sống ở Costa Rica qua quán tôi ăn. Cổ làm quen rồi nói tui thấy you trên TV nên tui bỏ you vô Bucket list của tui. Giờ mới có dịp gặp mặt. Tôi nghĩ cổ thấy tôi đẹp trai quá nên cưa cẩm chớ ai mà coi TV xong book vé đi nửa vòng trái đất để ăn ngay cái quán lề đường như vầy.

Qua hôm sau tôi tình nguyện dắt cổ vô bánh tráng TB trong Thanh Đa ăn. Nói chuyện qua lại một hồi, sau khi nghe cổ nói là mới đến Việt Nam mà đã fall in love, tôi buột miệng : Ờ vậy you dọn qua đây ở luôn đi. Dạy tiếng Anh ở Việt Nam có khi nhiều tiền hơn ở Costa Rica nữa đó. Rồi tôi kể cho cổ nghe chiện tôi giới thiệu một đống con nít trong xóm học chung trả tiền giờ cho cô bạn người Scotland. 

Cổ mắt tròn mắt dẹt hỏi sao người Việt có nhiều tiền để trả tiền học cho con nít vậy? Ở bên Costa Rica chỗ tui dạy học người ta nghèo lắm. Tui đi bộ trên con đường đất để đến trường dạy. Phụ huynh có nhiều người nghèo đến nỗi không có tiền trả tiền học nên tui không bao giờ đặt ra giá tiền. Họ trả cho tui bằng bất cứ khả năng nào mà họ có thể. 

Tôi lỡ ngu buột miệng : Chết cha, chỗ nghèo quá thì có gì vui để sống? Cổ cười mỉm : Life is beautiful! Ở căn nhà tui ở, nhìn qua cửa sổ là dòng thác mà hơi nước của nó thổi bay vô phòng. Tôi có thể chạm tay vào cầu vồng thường xuyên, và mỗi sáng tôi có thể nghe tiếng chim kêu vượn hú tưởng tượng mình là phiên bản nữ của Tarzan. Mỗi thứ Bảy tôi đi vô cửa hàng tạp hóa duy nhất trong thị trấn, tôi mất ba tiếng đồng hồ để đi ra khỏi nó vì tôi có thể gặp quá nửa thị trấn ở đó. Tất cả mọi người đối xử với nhau như gia đình với những tình cảm nồng nhiệt nhất!

Và chính giây phút đó, nghe nụ cười đó và nhìn sâu vào ánh mắt đó, tôi chợt thấy những giá trị vật chất mà tôi đem ra so sánh nãy giờ với cổ thật rẻ tiền, và ngay cả những mục tiêu mà tôi đang đeo đuổi cũng thật vô nghĩa theo một khía cạnh nào đó. Cái cô ta muốn không phải là một công việc tốt hay là tiền, mà là một hành trình khám phá cuộc sống, một sự thay đổi nào đó cho cộng đồng và một góc nhìn khác với thế giới mà cô ta đã sinh ra và lớn lên.

Tôi thấy mình hơi bị lố lăng kệch cỡm khi dùng vật chất để cân đo đong đếm với giá trị sống của người khác. Từ lúc đó trở đi, câu chuyện bắt đầu đổi theo chiều hướng khác. Cô ta kể cho tôi nghe về con đường đất cô ta đi mỗi ngày, về những đứa trẻ và phụ huynh của chúng. Về những món ăn truyền thống, về âm nhạc, về lịch sử, về địa lý, về những con khỉ chuyền trên cành mà cô ta nhìn thấy mỗi ngày và gần như quen mặt chúng. 

Tôi kể cho cổ nghe về dòng sông trước mặt mà hồi nhỏ tôi tắm mỗi ngày, về mùa nước lợ tôm cá nổi đầy nghẹt mặt nước, về sự khác biệt của ẩm thực vùng miền Việt Nam. Và dĩ nhiên là đôi chút về tại sao phải gọi Sài Gòn là Sài Gòn chứ không phải tên gì khác, ngoại trừ khi bị cướp giật phải điền vô tờ khai với cảnh sát.

Và sau khi cô ta ra về, tôi phải mất vài ngày để detox tư tưởng và mục tiêu sống của mình. Hôm qua đọc bài trải nghiệm của cô tiến sĩ trẻ nào đó về nước Mỹ mới thấy hai nền văn hóa khác nhau xa lắc. Cũng đọc được lời bào chữa của bạn nào đó về học bổng của cô gái là của trường tư thục cho, và chợt tự hỏi, không biết cô gái ấy viết gì trong bản essay gởi cho trường để nhận được học bổng. Tôi tin rằng tất cả những trường đại học danh tiếng ở Mỹ trao học bổng cho một người nào đó bất kể quốc tịch, vì họ muốn đem đến những cống hiến thay đổi cho nhân loại. 

Status này hoàn toàn không có ý đả kích, chỉ thấy buồn cho một nền giáo dục bịt mắt mà bọn trẻ ra đời chỉ nhìn đời bằng cặp mắt phiến diện. Thành bại trong cuộc sống của mỗi người đều được đo bằng thước đo vật chất, và cũng không có gì khó hiểu khi một đất nước mà tiến sĩ và học sinh thần đồng đông như quân nguyên lại là một đất nước xếp hạng út ở mục cống hiến cho nhân loại.

NICKIE TRAN 03.08.2023

https://thuymyrfi.blogspot.com/2023/08/nickie-tran-life-is-beautiful.html


XEM THÊM

Tags: , , , , ,

Comments are closed.