Chuyện Việt Nam Thứ Sáu 06/10/2023: Tập Cận Bình thăm Hà Nội vào tháng tới? *Dự án khí đốt với Exxon và Gazprom trì hoãn vì tranh chấp với Trung Quốc *Đồng bằng Cửu Long sẽ không còn cát vào 2035 *Xuất khẩu lao động vượt chỉ tiêu *Chuyện giáo dục từ Hà Nội *Kinh hoàng! Khám xét nam nữ học sinh trước khi vào học? *“Chỉ cần gửi tiền là được rồi” (bất chấp nhân tài) *Lãnh đạo Quảng Ninh dính líu AIC và FLC


Quê Hương tổng hợp


Trung Quốc, Việt Nam chuẩn bị cho chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng tới 

06/10/2023 – Reuters 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Hà Nội vào năm 2017.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Hà Nội vào năm 2017. 

Các quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm có thể có của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới, Reuters dẫn bốn nguồn tin am hiểu kế hoạch này cho biết hôm 6/10. 

Chuyến thăm này sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của trung tâm sản xuất Đông Nam Á, khi các cường quốc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.

Bốn người am hiểu về các cuộc thảo luận này nói với Reuters rằng công việc đang được tiến hành nhằm đưa ra một tuyên bố chung trong chuyến thăm của ông Tập.

Hai nguồn tin trong số này cho biết các bên đang thảo luận về việc cùng nhau tồn tại trong một “cộng đồng có chung vận mệnh”, một cụm từ thường được ông Tập sử dụng và một số người không đồng tình. Hai nguồn tin cho biết, các quan chức Việt Nam thận trọng khi đưa cụm từ này vào tuyên bố chung.

Nguồn tin thứ năm của Việt Nam cho biết tuyên bố chung có thể sẽ bao gồm cụm từ trên. Theo hai nguồn tin, điều này có thể được hiểu là sự nâng cao mối quan hệ giữa hai nước, nhưng không rõ điều đó sẽ đòi hỏi những gì và những thỏa thuận cụ thể nào có thể được công bố.

Người thứ năm này và 4 người kia được thông báo về cuộc đàm phán đã từ chối nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Chuyến thăm này vẫn chưa được thông báo và vẫn có thể bị hủy hoặc hoãn lại, nhưng các công tác chuẩn bị hậu cần đã được cân nhắc.

Khi được hỏi về chuyến thăm có thể diễn ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói trong cuộc họp báo hôm 5/10: “Tất cả các hoạt động ngoại giao quan trọng của Việt Nam sẽ được thông báo cho các bạn khi thích hợp”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời các câu hỏi được gửi qua email của Reuters về thời gian của chuyến thăm và nội dung của tuyên bố chung.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận.

Chuẩn bị chuyến thăm cấp nhà nước

Một nguồn tin cho biết Trung Quốc đã cử đoàn đến Hà Nội để tổ chức chỗ ở cho phái đoàn của ông Tập.

Một người khác cho biết nhóm đang tìm cách đặt 800 phòng tại các khách sạn ở thủ đô Việt Nam, một con số phù hợp với chuyến thăm cấp nhà nước.

Nguồn tin cho biết thêm, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị dự kiến sẽ tới thăm Hà Nội vào giữa tháng 10 để giúp hoàn thiện tuyên bố chung nếu đạt được tiến bộ đầy đủ về văn bản.

Thời điểm chuyến thăm của ông Tập sẽ trùng với kỳ họp quốc hội kéo dài một tháng, diễn hai lần trong năm của Việt Nam. Ông Tập đã phát biểu tại kỳ họp này trong chuyến thăm Hà Nội trước đó vào năm 2015.

Các quan chức cho biết chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã được chuẩn bị trong nhiều tháng.

Việt Nam được coi là ngày càng quan trọng đối với cả hai siêu cường, khi nước này mở rộng vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhập khẩu linh kiện công nghiệp từ Trung Quốc rồi lắp ráp trước khi xuất khẩu thành phẩm sang Hoa Kỳ hoặc Châu Âu.

Washington vừa nâng cấp quan hệ với Hà Nội vào tháng 9, nâng Hoa Kỳ lên ngang hàng với Trung Quốc trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam sau nỗ lực ngoại giao kéo dài.

Với tư cách là chủ tịch Trung Quốc, ông Tập đã tới Việt Nam hai lần, với chuyến thăm gần đây nhất vào năm 2017, khi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương với các ông Donald Trump, Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo khác.

Theo dữ liệu của chính phủ Việt Nam, Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu tại nước láng giềng phía nam, cam kết chi gần 3 tỷ đôla vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay, gấp 6 lần so với Mỹ trong cùng kỳ và chỉ đứng sau Singapore.

Bắc Kinh và Hà Nội có mâu thuẫn về ranh giới ở Biển Đông và có lịch sử xung đột kéo dài hàng thế kỷ; cuộc chiến gần nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam là vào năm 1979.


Việt Nam : Dự án khí đốt với Exxon và Gazprom bị trì hoãn vì tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông

Thu Hằng /RFI – 05/10/2023

Các dự án khai thác khí đốt ngoài khơi Việt Nam của tập đoàn Mỹ Exxon Mobil và tập đoàn Nga Gazprom bị chậm tiến độ ít nhất vài năm, làm dấy lên lo ngại về tương lai của những dự án này ở những khu vực tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. 

Ảnh minh họa: Một nhà giàn khai thác dầu khí của Việt Nam ở Trường Sa, Biển Đông

Ảnh minh họa: Một nhà giàn khai thác dầu khí của Việt Nam ở Trường Sa, Biển Đông Reuters 

Thông tin được nêu trong một dự thảo đánh giá các dự án đề ngày 31/08/2023 của bộ Công Thương Việt Nam và được hãng tin Anh Reuters đưa tin ngày 05/10. Dự thảo có thể trở thành báo cáo chính thức từ nay đến cuối tháng 11.  

Dự án thứ nhất là Cá Voi Xanh của tập đoàn Mỹ Exxon Mobil vẫn giậm chân tại chỗ. Theo kế hoạch năm 2011 của chính phủ Việt Nam, 5 nhà máy điện của dự án có tổng công suất gần 4 GW sẽ đi vào hoạt động vào khoảng năm 2024 khi có khí đốt do dự án Cá Voi Xanh cung cấp.

Nhưng cho đến nay, chưa một nhà máy nào được xây dựng. Trong văn bản dự thảo ngày 31/08, bộ Công Thương Việt Nam nêu kế hoạch 5 nhà máy này sẽ đi vào hoạt động « vào khoảng năm 2028 » trong triển vọng khí đốt sẵn sàng ở mỏ Cá Voi Xanh.   

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay Exxon Mobil tìm cách rút khỏi dự án Cá Voi Xanh do sức ép nhằm ưu tiên các loại năng lượng xanh. Khi được hỏi về sự chậm trễ và tính toán của Exxon Mobil, Michelle Gray, người phát ngôn của tập đoàn Mỹ, chỉ bình luận rằng « hoạt động thương mại vẫn tiến triển ». Bộ Công Thương Việt Nam và tập đoàn dầu khí PetroVietnam – đối tác của Exxon trong dự án Cá Voi Xanh từ năm 2009 – không trả lời đề nghị bình luận của Reuters.

Dự án thứ hai liên quan đến nhà máy nhiệt điện có công suất 0,34 GW dùng khí đốt do tập đoàn Nga Gazprom khai thác tại mỏ khí Báo Vàng (Quảng Trị). Hoạt động thăm dò khí đốt được khởi công từ năm 2000, ở vùng biển giữa Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Theo dự thảo văn bản của bộ Công Thương, Gazprom « vẫn đang thăm dò dự trữ khí đốt » nên khó có khả năng nhà máy nhiệt điện này đi vào hoạt động trước năm 2030, trái với trù tính hồi tháng 05/2023 của chính phủ Việt Nam.  

Theo Reuters, những chậm trễ của các dự án nói trên có thể tác động đến khả năng cung ứng điện của Việt Nam trong bối cảnh liên tục xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên trong những tháng gần đây. Việt Nam muốn đưa khí đốt khai thác trong nước, trong đó có những dự án của Exxon và Gazprom, chiếm khoảng 10% sản lượng điện từ nay đến năm 2030.  


Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ không còn cát vào năm 2035

05/10/2023

Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ không còn cát vào năm 2035

Cần cẩu chuyển cát khai thác lên tầu ở Hậu Giang năm 2018 (minh hoạ) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Tình trạng khai thác cát ồ ạt và các đập thuỷ điện tại thượng nguồn sông Mekong sẽ khiến vựa lúa của Việt Nam ở Đồng bằng Sông Cửu Long cạn kiệt cát vào năm 2035, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người. Một báo cáo mới của Quỹ Động vật hoang dã quốc tế – WWF- cho biết như vậy.

Theo báo cáo của WWF, các đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mekong đã làm giảm lượng cát đổ về hạ nguồn sông, trong khi nhu cầu về xây dựng ở Việt Nam lên cao khiến việc khai thác cát tăng nhanh thời gian qua cũng làm giảm đáng kể lượng cát ở sông.

Theo báo cáo, một năm Việt Nam khai thác khoảng từ 35 đến 55 triệu mét khối cát. Điều này sẽ khiến trữ lượng cát ở đáy sông cạn kiện chỉ sau khoảng một thập niên.

Sepehr Eslami – đồng tác giả của báo cáo nói với hãng tin AFP rằng nếu hết cát, khoảng 10% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn, tình trạng vốn đã và đang gây ảnh hưởng đến các loại cây trồng ở đây.

Tác giả của báo cáo này cũng nói rằng việc cạn kiệt cát sẽ dẫn tới sạt lở bờ sông nhiều hơn, triều cường lớn hơn và điều này cuối cùng dẫn tới ngập lụt, xói mòn đất.

WWF cảnh báo, vào khi Đông bằng Sông Cửu Long đang đối mặt với nguy cơ biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, việc mất cát sẽ là một đe doạ sống còn cho khu vực này.

Khu vực Đồng bằng Mekong có ước tính trữ lượng khoảng 550 triệu mét khối cát có thể khai thác. Nghiên cứu mới cho thấy chỉ có khoảng bốn triệu mét khối cát đổ về hạ nguồn vào năm qua, thấp hơn con số trung bình hàng năm là bảy triệu mét khối.

Lượng cát bị khai thác hàng năm ở Việt Nam được đưa ra trong báo cáo có thể thấp hơn nhiều con số thực tế vì tình trạng khai thác cát lậu vào ban đêm không bị phát hiện.

Hồi tháng 8 vừa qua, Bộ Công an cho biết Bộ này đã ra quyết định khởi tố và bắt giam ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh An Giang với cáo buộc nhận hối lộ từ công ty khai thác cát.


Mới 9 tháng, Việt Nam xuất khẩu lao động vượt chỉ tiêu cả năm 

05/10/2023 

VOA Tiếng Việt 

Các công nhân Việt Nam xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc

Các công nhân Việt Nam xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc 

Việt Nam đã gửi hơn 111.500 lao động đi nước ngoài chỉ trong 9 tháng đầu năm, vượt mục tiêu cho cả năm 2023, trang mạng Dân trí dẫn số liệu từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết.

Con số này tương đương 101,37% mục tiêu kế hoạch mà nước này đặt ra cho năm 2023 là 110.000 lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ này dẫn số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp cho biết.

Đây là số lao động được các công ty môi giới đưa đi theo con đường chính thức có hợp đồng đàng hoàng, tức là chưa tính số lao động chui từ những người đi du học hay du lịch ở lại nước ngoài làm việc.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng trên 8%. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 103 ngàn lao động đi nước ngoài, cũng theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước được Dân trí dẫn lại.

Các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đông nhất theo thứ tự là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hungary, Singapore và Malaysia.

Trong 9 tháng đầu năm Nhật Bản đã tiếp nhận gần 55.700 lao động Việt Nam, trong đó có gần 24.000 lao động nữ, còn Đài Loan và Hàn Quốc lần lượt tiếp nhận trên 46.000 và 2.450 người.

Theo trang vneconomy, Việt Nam có hơn 200.000 thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản, chiếm gần một nửa tổng số thực tập sinh nước ngoài ở nước này, đứng đầu trong 15 nước cử thực tập sinh sang Nhật cả về số lượng hàng năm và số lượng tuyệt đối.

Xuất khẩu lao động lâu nay vẫn được xem là con đường đổi đời của nhiều người dân Việt Nam, nhất là dân nghèo ở các vùng nông thôn. Họ thường phải vay mượn số tiền lớn trả cho công ty môi giới để được đi xuất khẩu lao động nhưng chỉ sau một thời gian làm việc họ có thể trả nợ và còn tích lũy để gửi về cho gia đình ở Việt Nam.

Lao động Việt thích đi Nhật vì điều kiện làm việc tốt, đồng lương hấp dẫn và nước này luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động cấp thấp. Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc là ba thị trường xuất khẩu lao động truyền thống của Việt Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang vươn lên thành một nước có sức hút đối với lao động Việt Nam. Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy trong 9 tháng đầu năm, đã có trên 1.361 lao động Việt Nam sang làm việc ở Trung Quốc.

Cơ quan này cho biết họ sẽ tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu lao động mới, ưu tiên các thị trường có thu nhập tốt, việc làm ổn định, nhất là các nước châu Âu, theo trang mạng vneconomy.


“Giận cá chém thớt” – câu chuyện giáo dục từ Hà Nội

Đặng Đình Mạnh /SGN
5 tháng 10, 2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/ht-lac-long-quan-1280x874.jpeg

Đinh Quang Dũng – Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân (ảnh: nguoiduatin.vn) 

Sự kiện hiệu trưởng Trường phổ thông trung học Lạc Long Quân, Hà Nội – ông Đinh Quang Dũng – đuổi học một nữ sinh lớp 12A3 chỉ vì lý do cha cháu ấy đã không đến trường theo thư mời họp đang gây xôn xao xã hội.

Được biết, cha cô nữ sinh, ông HXT, đã có nhắn tin trao đổi trong nhóm Zalo (một giao thức chat/nhắn tin rất phổ biến tại Việt Nam) giữa nhà trường và phụ huynh với nhau, trong đó, có nội dung đồng tình với một phụ huynh khác (nguyên là hội trưởng hội phụ huynh), về việc quỹ do phụ huynh đóng góp không được nhà trường sử dụng, chi thu minh bạch. Nguyên văn nội dung tin nhắn của phụ huynh HXT như sau: “Nhà trường làm như vậy là không trung thực. Không nghĩ một ngôi trường để đào tạo ra những lớp trẻ trong tương lai lại có hành động xấu đến như vậy, trù cái đúng, bao che cho cái sai”.

Với tin nhắn như thế, vị phụ huynh HXT có nằm mơ cũng không ngờ mình đã gây “tai họa” cho con gái mình, cháu HHG, nữ sinh lớp 12A3, khiến cháu đã bị hiệu trưởng buộc cho thôi học vào ngay năm cuối cấp!

Phản ứng với ý kiến phụ huynh, ông hiệu trưởng Đinh Quang Dũng nhiều lần mời ông HXT đến nhà trường làm việc. Trong các văn bản ông gởi đến phụ huynh, bên cạnh thư mời, thì trong thông báo gởi cho phụ huynh HXT, có đoạn quy kết rõ “Ngày 26/08/2023 trường THPT Lạc Long Quân nhận được phản ánh từ phụ huynh học sinh về việc ông nhắn tin trên nhóm Zalo của lớp 12A3 với nội dung làm ảnh hưởng đến uy tín nhà trường…”. Theo đó, ông hiệu trưởng không quên đe dọa “Sau thời gian trên nếu ông không lên làm việc với nhà trường thì nhà trường sẽ từ chối công tác giáo dục đối với học sinh HHG lớp 12A3”.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/Giay-Moi-02.jpg

Hiệu trưởng Đinh Quang Dũng dọa đuổi học học sinh nếu phụ huynh không đến “làm việc” với nhà trường (ảnh: Phụ huynh cung cấp cho báo chí trong nước) 

Vì lý do cá nhân, nên phụ huynh HTX không đến nhà trường làm việc theo Thư mời và Thông báo của ông hiệu trưởng. Tưởng chỉ là lời đe dọa, nhưng không, nói là làm, chiều ngày 5 Tháng Mười 2023, cháu HHG, nữ sinh lớp 12A3, con gái ông HXT đã bị nhà trường cho thôi học, dù bản thân cháu HHG không hề có bất kỳ vi phạm kỷ luật gì.

Cháu bị đuổi học chỉ vì cha cháu có tin nhắn trao đổi trong nhóm chat bị hiệu trưởng nhà trường quy kết “làm ảnh hưởng đến uy tín nhà trường” mà thôi. Quyết định cho thôi học đối với cháu hoàn toàn mang tính chất trả đũa cá nhân của ông hiệu trưởng, muốn chứng tỏ uy quyền đối với một phụ huynh học sinh “cứng đầu”, “dám” có lời phê bình trái chiều với nhà trường vì việc sử dụng, thu chi quỹ phụ huynh kém minh bạch.

Vấn đề cần xem xét rằng hiệu trưởng của một trường phổ thông trung học có thẩm quyền hành xử buộc cho thôi học một học sinh cuối cấp như thế hay không?

Căn cứ quy định pháp luật, trước thời điểm ngày 1 Tháng Mười Một 2020, thì việc buộc thôi học đối với học sinh thuộc thẩm quyền xử lý của hiệu trưởng trường phổ thông trung học và chỉ áp dụng khi học sinh vi phạm kỷ luật nhà trường ở mức độ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, kể từ ngày 1 Tháng Mười Một 2020, khi Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (quy định về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực pháp luật), thì việc áp dụng hình thức kỷ luật “Buộc thôi học” đối với học sinh đã được xóa bỏ. Theo quy định mới (Thông tư 32), hiệu trưởng nhà trường có thẩm quyền áp dụng hình thức kỷ luật đối với học sinh vi phạm mức cao nhất là “Tạm dừng học ở trường có thời hạn”; có nghĩa, nhà trường tuyệt đối không được buộc học sinh thôi học hay đuổi học đối với học sinh.

Đáng lưu ý, việc buộc thôi học như trước đây hoặc tạm dừng học ở trường có thời hạn đều đặt trên cơ sở học sinh vi phạm kỷ luật nhà trường ở mức cao nhất. Trong khi đó, đối với trường hợp nữ sinh HHG, cháu không hề có bất kỳ vi phạm kỷ luật nào. Ngoài ra, hoàn toàn không có quy định nào buộc học sinh phải chịu trách nhiệm trước nhà trường hoặc hiệu trưởng về hành xử hoặc phát ngôn của cha mẹ của chúng cả.

Nguyên tắc pháp luật văn minh luôn luôn là ai làm, nấy chịu. Với việc buộc một nữ sinh cuối cấp phải chịu thất học “ngang xương” vì phát ngôn của cha mẹ, ông hiệu trưởng hành xử chẳng khác nào “giận cá, chém thớt”. Vừa trái đạo lý xã hội, vừa vi phạm pháp luật. Giá mà việc làm giáo dục ở Việt Nam chỉ được giao cho người có giáo dục.

Wasington DC, Tháng Mười 2023


Rượu thưởng không uống, đòi uống rượu phạt!

Mai Bá Kiếm

06/10/2023

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu chỉ đạo “Không thu quỹ trường, lớp, mọi khoản thu đưa lên hệ thống quản lý”. Ông cũng khoe TP.HCM là địa phương đầu tiên có Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND (NQ-04) về các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập năm học 2023-2024.

Ông tự hào là phải vì chính ông viết tờ trình cho NQ-04 để ngày 12/7/2023 HĐND thông qua và ngày 24/8/2023, Sở có văn bản hướng dẫn các khoản thu đầu năm học 2023-2024.

Nhưng tất cả trường đếch nghe, tiêu biểu lớp 1/2 trường tiểu học Hồng Hà thu quỹ phụ huynh lớp đến 313 triệu đồng. Tôi lấy bản phụ lục khoản thu, mức thu kèm theo NQ-04 tính ra, trường tiểu học bán trú có thể thu 27 khoản = 6.160.000đ/HS/tháng, tiểu học một buổi thu 21 khoản = 4.480.000đ/HS/tháng. Nếu tính cả năm, mức thu đến 40-55 triệu. Vậy tại sao trường Hồng Hà không uống “rượu thưởng” của NQ-04 mà uống “rượu phạt” của “lệ trường” là quỹ phụ huynh = 10 triệu/HS/học kỳ 1?

Bởi vì để thu theo NQ-04, trường phải tổ chức dạy: Hai buổi, tăng cường ngoại ngữ, tin học, năng khiếu thể dục, kỹ năng sống, giáo dục stem, bơi; thầy nước ngoài dạy: ngoại ngữ, toán, môn khoa học; cài phần mềm hỗ trợ ngoại ngữ; dạy theo các đề án và chương trình nâng cao và chất lượng cao, kích cầu đầu tư.

“Rượu thưởng” của NQ-04 đắng chết mẹ, trong khi “rượu phạt” quỹ phụ huynh ngọt như nếp than, nên công lao viết tờ trình HĐND ra NQ-04 và hướng dẫn các trường thực hiện NQ04 trở thành “dã tràng xe cát biển đông”.

Sự việc ê chề, Giám đốc Sở chỉ đạo “Không thu quỹ lớp quỹ trường; mức thu NQ-04 là mức thu tối đa; đề nghị Phòng kế hoạch tài chính của Sở hướng dẫn tất cả các khoản thu của trường đều phải được thực hiện thu trên hệ thống không dùng tiền mặt để Sở theo dõi các trường thu thế nào”.

“Công nghệ chỉ đạo” của Giám đốc Sở cũ mèm! Cách đây 5 năm, Thông tư 16 đã quy định trường thu tài trợ tiền mặt phải lập “tổ tiếp nhận”, bằng chuyển khoản phải mở tài khoản tiếp nhận tại ngân hàng hoặc kho bạc; mở sổ theo dõi chi tiết tiền tài trợ; lập kế hoach chi tài trợ phải được phòng hay sở GD&ĐT duyệt. Cho nên, tôi không hy vọng các trường chấp hành lệnh Giám đốc Sở!

P/S: Hiệu trưởng trường THPT Lạc Long Quân, Hà Nội trở thành “thổ phỉ” khi đuổi học em H.H.T, lớp 12A3, chỉ vì cha của em là H.X.T viết trên Chat Zalo phụ huynh 12A3 về việc hội trưởng phụ huynh chỉ ra các khoản thu chi không minh bạch của nhà trường”. Năm nay kinh tế cực kỳ khó khăn, phụ huynh chịu hết xiết phản ứng việc lạm thu, dẫn đến hiệu trưởng hành động “trừng trị cực đoan”!


Kinh hoàng! Khám xét nam nữ học sinh trước khi vào học?

Thái Hạo – 06/10/2023

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/1-7-300x253.png

Ảnh chụp màn hình từ báo Dân Trí 

Đây là một trường tư thục ở Đăk Lăk. Ông hiệu trưởng tên Sơn nói “Việc này là hoàn toàn bình thường”!

Thưa ông, duy nhất chỉ công an mới được quyền khám người. Mà khám cũng phải có lệnh, có quyết định, phức tạp lắm chứ không phải thích khám là khám đâu. Ấy thế mà ông Sơn này đã đè hơn 2000 học sinh cả nam lẫn nữ ra khám xét suốt nhiều năm nay. Kinh hoàng!

Tôi ngạc nhiên, vì không hiểu tại sao một việc làm vừa phi pháp vừa phản giáo dục đến thế và đã diễn ra trong suốt nhiều năm nay mà từ phụ huynh đến chính quyền địa phương đều không biết hay có ý kiến gì!

Từ bao giờ học sinh đã bị đối xử như tù nhân vào trại vậy?

Mới hai ngày trước là một ông hiệu trưởng ở Hà Nội, cũng tư thục, đuổi học học sinh vì chỉ vì ông bố có ý kiến, hôm nay lại đọc thấy tin gây phẫn nộ này.

Tưởng chỉ hiệu trưởng công lập mới lộng hành, nhưng, thì ra, hiệu trưởng tư còn có phần oanh liệt hơn.

Vì sao, vì sao? Sân sau, thân hữu hay vì thiếu thốn trường lớp mà học sinh trở thành con tin, ai cũng có quyền bóp nặn và ra điều kiện?

Hình như đây không phải chỉ còn là câu chuyện pháp luật nữa, mà phải thấy đó là một bài toán chính sách. Nếu không có sự phân luồng, phân công xã hội và đảm bảo cho đa dạng nhu cầu của người học bằng một hệ thống trường công đầy đủ và một thị trường tư thục trăm người bán, vạn người mua, thì hiệu trưởng ở đâu cũng sẽ là những vua kiểu “tao là luật, luật là tao”.

Và cứ thế nó hủy hoại môi trường giáo dục, tàn phá nhân cách con người, từng từng…


 “Chỉ cần gửi tiền là được rồi” (bất chấp nhân tài)

Lưu Trọng Văn

06/10/2023

Giáo sư Nguyễn Tiến Lực có hai bằng tiến sĩ công nghệ cao ở Mỹ. Ông từng là chủ tịch hội các nhà khoa học gốc Việt tại Mỹ, nhiều năm theo đuổi việc nâng cao ngành giáo dục và đào tạo công nghệ cao cho Việt Nam.

Nhưng…

Những ai yêu nước muốn đeo đuổi tinh thần của Phan Châu Trinh – nâng cao Dân trí, chấn hưng Dân khí, một thời đem chất xám và tiền bạc về Việt Nam lập trường đại học đều bầm dập và thấm thía chữ “nhưng” này.

Và…

Sau gọn lỏn chữ “nhưng”tưởng chừng ất ơ ấy là các cuộc cuốn gói vừa tháo vừa… ù té vì quá nhiều điều kiện và những lơ lửng mây mù không biết đâu mà lần.

Thực ra đất nước đã có một giai đoạn ấu trĩ, nền giáo dục tự đóng khung cứng ngắc khó có thể dung chứa được những nội dung của một nền giáo dục mềm.

Cứng tư duy, cứng khuôn phép, cứng tư tưởng, cứng mục đích, cứng giáo trình. Trong khi đó đào tạo Con người lại là quy trình mềm với độ mở biên không giới hạn.

Giáo sư Nguyễn Tiến Lực được các trường đại học Trung Quốc, Hàn Quốc mời giảng dạy mà không có bất cứ điều kiện nào. Giáo sư nói với tôi: khi đứng trên bục giảng nhìn xuống sinh viên cũng tóc đen, da vàng mà buồn.

Giáo sư kể: có một viện nghiên cứu ở Việt Nam nhờ Giáo sư mua một dàn máy vi tính hiện đại. Giáo sư tìm loại tốt và báo giá 30.000 đôla. Nhưng con số ấy qua nhiều cửa xét duyệt đã thành 300.000 đôla tiền của nhà nước. Giáo sư cương quyết huỷ hợp đồng mua máy này. Nhiều người bảo, ông muốn làm việc ở Việt Nam thì phải hiểu Việt Nam nó thế.

Giáo sư Lực buồn rầu nói với gã: “Rất nhiều trí thức gốc Việt ở Mỹ này muốn về giúp Việt Nam đào tạo nhân tài. Và sự thật không ít người đã về nhưng chỉ một thời gian lại bỏ đi. Ai thiệt?”.

Phải chăng có không ít vị lãnh đạo giáo dục ở Việt Nam không cần đào tạo nhân tài mà cần thứ khác?

Thứ khác ấy là thứ gì?

Chị Anh Thơ cùng dự cuộc gặp Giáo sư Lực kể: “Tôi cùng các cựu sinh viên một trường đại học ở Việt Nam đóng góp nhiều bộ vi tính cho trường. Chúng tôi nói sẽ gửi nhiều sách rất cần cho việc đào tạo. Ông hiệu trưởng bảo: các anh chị đừng gửi sách làm gì, chỉ cần gửi tiền là được rồi”.


Bộ Chính trị, Ban Bí Thư kỷ luật lãnh đạo Quảng Ninh dính líu AIC và FLC

05/10/2023

Bộ Chính trị, Ban Bí Thư kỷ luật lãnh đạo Quảng Ninh dính líu AIC và FLC

Hội nghị trung ương 8 Đảng Cộng sản VN ở Hà Nội hôm 2/10/2023 (minh hoạ) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngTTXVN 

Ban Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 5/10 quyết định thi hành kỷ luật cách hết các chức vụ đảng đối với một loạt các lãnh đạo cao cấp tỉnh Quảng Ninh do những sai phạm dính líu đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Tập đoàn FLC.

Quyết định được đưa ra tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đảng cộng sản Việt Nam dưới sự chủ trì của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội.

Những người bị kỷ luật gồm các ông bà: Nguyễn Văn Đọc, Nguyễn Đức Long, Đặng Huy Hậu, Vũ Xuân Diện, Vũ Thị Thu Thủy, Nguyễn Ngọc Thu, Trần Văn Hùng.

Ông Nguyễn Văn Đọc, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, bị cho đã ký và đề cập dưới ký một số văn bản có nội dung vi phạm quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo để xảy ra nhiều vi phạm tại các dự án, gói thầu do AIC và FLC thực hiện làm thiệt hại lớn ngân sách Nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Long- nguyên Phó bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh; ông Đặng Duy Hậu-nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, nguyên Phó bí thư Ban cán sự đảng; bà Vũ thị Thu Thủy-nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thiếu trách nhiệm buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra nhiều vi phạm tại các dự án, gói thầu do AIC và FLC thực hiện làm thiệt hại lớn ngân sách Nhà nước.

Ông Vũ Xuân Diện, đảng viên nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, đã ký một số văn bản vi phạm quy định pháp luật, để xảy ra vụ án tham nhũng nghiêm trọng tại Dự án Bệnh viện Sản nhi.

Các ông Nguyễn Ngọc Thu, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Quảng Ninh; và ông Trần Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Cẩm Phả, ký một số văn bản vi phạm pháp luật; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn ngân sách Nhà nước.

Tại cuộc họp, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020.

Mạng báo IntelligenceOnline vào ngày 30/8/2022 loan tin nhắc lại quyết định khởi tố vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại AIC và Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh hồi năm 2012. Lúc đó dương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính đang là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh. Ông Chính đảm nhận chức vụ này từ năm 2011 đến 2015.

Tags: , ,

Comments are closed.