Chuyện Việt Nam Thứ Sáu 08/9/2023: *Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính gặp PTT Mỹ *Tinh dầu cần sa đầy dẫy ở VN *Apple tuyển mộ nhiều công nhân tại Việt Nam*Chủ trường quốc tế ôm 14 tỷ đồng trốn về Anh Quốc *Hai tiếp viên hãng hàng không bị bắt ở Hàn Quốc


Quê Hương tổng hợp


Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gặp Phó tổng thống Mỹ

Liên Thành 

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/09/anh-man-hinh-2023-09-07-luc-075239.png

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Indonesia hôm 6/9. (Ảnh: Nhật Bắc/VnExpress). 

Truyền thông trong nước đưa tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Phó tổng thống Kamala Harris nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN 43 tại Jakarta chiều 6/9.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cho quan hệ hai nước, nhất là việc hỗ trợ Việt Nam vaccine phòng Covid-19.

Ông Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang phối hợp với Mỹ để chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Joe Biden trọng thị, chu đáo.

Trong khi đó, bà Kamala Harris nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bà tin tưởng chuyến thăm sẽ đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ song phương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 10-11/9. Đây sẽ là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Biden kể từ khi ông nhậm chức đầu năm 2021. Sự kiện diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Liên Thành 


Apple tuyển dụng số lượng ‘khổng lồ’ công nhân tại Việt Nam

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/09/anh-man-hinh-2023-09-07-luc-064242-1.png

CEO Apple đến thăm một xưởng sản xuất của Foxconn. (Ảnh: Bloomberg). 

Foxconn đang tuyển dụng 24.500 công nhân lắp ráp, trong khi đối thủ Luxshare của họ đang tuyển dụng 24.000 người. Đây là số lượng tuyển dụng khổng lồ trong bối cảnh hàng chục nghìn công nhân bị mất việc trong thời điểm kinh tế khó khăn này.

Cuối tuần tháng 8, các công nhân đã xếp hàng bên ngoài nhà máy lắp ráp điện tử của Foxconn tại Bắc Giang, với hồ sơ xin việc trên tay. Tài xế xe tải Nguyễn Thành Công (30 tuổi), những công nhân chờ phỏng vấn nói với tờ Rest of World rằng, tuần sau anh sẽ có mặt tại nhà máy, làm ca đêm để sản xuất cáp sạc iPhone.

Việt Nam là trung tâm sản xuất thiết bị thông minh lớn thứ ba thế giới, là “bản doanh” của các thương hiệu như Apple và Samsung. Với việc Apple đang chịu áp lực mở rộng sản xuất ra ngoài Trung Quốc, các nhà cung cấp của họ như Foxconn và Luxshare-ICT đang ráo riết tuyển dụng tại Việt Nam để đáp ứng các đơn đặt hàng mới.

Foxconn là một trong những công ty lớn, bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007, chủ yếu tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Năm 2019, doanh nghiệp này đã mở rộng tại Quảng Ninh và tăng thêm quy mô tại Bắc Giang.

Theo truyền thông địa phương, Foxconn đang tuyển dụng 24.500 công nhân lắp ráp, trong khi đối thủ Luxshare của họ đang tuyển dụng 24.000 người. Đây là số lượng tuyển dụng khổng lồ trong bối cảnh hàng chục nghìn công nhân bị mất việc trong thời điểm kinh tế khó khăn này.

Ivan Lam, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Counterpoint Research, cho biết: “Việc sa thải lao động  hàng loạt trước đây đã khiến nhiều công nhân quay trở về quê. Do đó, các doanh nghiệp hiện nay sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lại”.

Dự kiến thị trường lao động cần có thời gian mới có thể phục hồi.

Hầu hết các hoạt động tuyển dụng hiện nay đang diễn ra ở Bắc Giang, nơi Foxconn và Luxshare có nhiều nhà máy lắp ráp Apple Watch, AirPods và bộ sạc cho Apple cùng các gã khổng lồ công nghệ khác. 

Theo tờ Lao Động, từ nay đến cuối năm, Bắc Giang cần 70.000 lao động là công nhân điện tử.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang cho biết: “Bắc Giang cơ bản có thể đáp ứng 60% số lượng chỉ tiêu tuyển dụng”.

Các chuyên gia nói với Rest of World rằng cạnh tranh để giữ chân lao động sẽ ngày càng gay gắt khi ngày càng nhiều nhà sản xuất chuyển hoạt động sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung .

Theo thông lệ, tháng 9 hàng năm là thời điểm Apple công bố các sản phẩm mới, rất có thể có một số lượng lớn thiết bị sẽ được sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Do đó, các công ty đang gấp rút tuyển dụng, đưa ra nhiều chế độ lương tốt và môi trường làm việc thân thiện.

Liên Thành


Tinh dầu cần sa: mua nhiêu cũng có, ai mua cũng được

Hồng Dân/VNTB

08/9/223

VNTB – Tinh dầu cần sa: mua nhiêu cũng có, ai mua cũng được

 “Bạn tìm mua CBD ở các cơ sở y tế hoặc nhà thuốc, chẳng hạn như hệ thống Nhà Thuốc L.C.”

Trước thông tin cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ hai nữ tiếp viên trong số bốn thành viên phi hành đoàn của một hãng hàng không Việt Nam vì nghi vấn buôn lậu tinh dầu cần sa, đại diện các hãng cho hay, đối với các cá nhân vi phạm quy định pháp luật, vi phạm nội quy lao động đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định, đơn vị sẽ không bao che.

Ngay khi tin tức trên được loan truyền, rất nhanh, hãng hàng không Vietjet Air khẳng định, hai tiếp viên trong phản ánh trên không thuộc phi hành đoàn của hãng. Còn hãng hàng không Bamboo Airlines cho biết, hãng có nắm được thông tin này. Hãng đang đợi thông tin xác minh từ cơ quan chức năng và chưa phát ngôn trong thời điểm này.

Tương tự, hãng hàng không Vietnam Airlines cho hay, hãng cũng đang xác minh từ các bộ phận chức năng và sớm có thông tin về việc này.

Một vấn đề khác cần được làm sáng tỏ: nguồn gốc tinh dầu cần sa này có xuất xứ thế nào, địa chỉ nơi đã chế biến?

Ghi nhận trong giới ăn chơi ở TP.HCM, nhiều người dùng thuốc lá điện tử đang rỉ tai nhau về một loại tinh dầu “ma thuật” có tên gọi CBD (Cannabidiol). Chỉ cần hút khoảng ba giây, loại tinh dầu này sẽ khiến người “chơi” trở nên quay cuồng.

Tinh dầu CBD, theo quảng cáo, hiện có thể tìm mua tại hệ thống Nhà thuốc có tên được viết tắt là L.C. Đây là một thương hiệu hiện thuộc sở hữu của tập đoàn FPT.

Phía hệ thống Nhà thuốc L.C. giới thiệu rằng: CBD hay Cannabidiol là hợp chất tự nhiên có nguồn gốc từ cây gai dầu. Cây này còn gọi là cần sa tùy theo nồng độ chất THC – tetrahydrocannabinol. THC có tác động cực mạnh đến thần kinh, tạo ra sự thay đổi lớn về tâm trí ngay khi sử dụng. Ngược lại, hợp chất CBD không gây ra hiệu ứng thần kinh. Tức là nó không làm thay đổi trạng thái tâm lý của người sử dụng.

Theo đó, CBD làm tăng phản ứng của các thụ thể hóa học đến Serotonin trong não bộ, giúp giảm lo lắng, tác động tích cực đến chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu, tâm thần hoảng loạn, trầm cảm. So với thuốc chống trầm cảm thì CBD có tác dụng nhanh hơn, ít phản ứng phụ hơn.

Còn với những người sử dụng ống hít chứa CBD khi hút thuốc sẽ ít thèm thuốc hơn. Tác dụng thư giãn của tinh cầu Cannabidiol giúp ngăn chặn cảm giác thèm ăn khi cai thuốc lá, giảm các triệu chứng rối loạn khi sử dụng chất gây nghiện. Điều này cho thấy CBD có thể giúp cai nghiện thuốc lá.

“Bạn tìm mua CBD ở các cơ sở y tế hoặc nhà thuốc, chẳng hạn như hệ thống Nhà Thuốc L.C. Trước khi sử dụng tinh dầu CBD, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều dùng nhé!” – trích một bản tin phát hành trên trang web của nhà thuốc này.

Tinh dầu cần sa CBD hiện còn được rao bán thông qua nhiều kênh thương mại “ship hộ – mua hộ”: https://funjuice.vn/; https://www.giaonhan247.com/; https://www.facebook.com/TinhdauCBD24h/,…

Liệu có phải “tinh dầu cần sa” trong các bản tin liên quan đến tiếp viên hàng không đã vận chuyển từ Việt Nam sang Hàn Quốc là loại đang rao bán công khai và mua cũng rất dễ dàng ở Việt Nam?

Hiện tại, Nghị định số 57/2022/NĐ-CP, ban hành ngày 25-8-2022, ở Danh mục I “Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền”, có “cần sa và các chế phẩm từ cần sa”.

Như vậy, “tinh dầu cần sa” – về nguyên tắc là “cấm sử dụng trong đời sống xã hội”, thế nhưng khi công khai rao bán thì không thấy bị xử phạt, do vậy dễ đưa đến ngộ nhận đây không phải là hàng cấm.


Chơi trò ‘ú tim’: Hai người bị bắt ở Hàn Quốc là tiếp viên hãng hàng không nào?

Lê Thiệt /SGN
7 tháng 9, 2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/03-choi-tro-u-tim-1.jpg

Hai nữ tiếp viên hàng không Việt Nam bị bắt ở Seoul (Hàn Quốc) vì tội vận chuyển tinh dầu cần sa – Ảnh cắt từ video clip 

Tin liên quan:

Hai nữ tiếp viên hàng không Việt Nam bị bắt tại Seoul vì vận chuyển tinh dầu cần sa

Việt Nam có ba hãng hàng không chuyên chở khách đến Seoul (Hàn Quốc), đó là Bamboo Airlines, Vietjet Air và Vietnam Airlines.

Ngày 6 Tháng Chín, khi cảnh sát Hàn Quốc thông báo, họ đã bắt giữ hai nữ tiếp viên hàng không Việt Nam vì tội vận chuyển chất tinh dầu cần sa, dư luận ngay lập tức đặt câu hỏi, hai tiếp viên đó thuộc phi hành đoàn của hãng hàng không nào.

Ngay trong đêm biết được thông tin trên, hãng hàng không Vietjet Air đã ra thông báo khẳng định hai tiếp viên này không thuộc bất cứ phi hành đoàn nào của hãng.

Hãng Bamboo Airlines cho biết họ đã có thông tin, nhưng đang đợi thông tin xác minh từ cơ quan chức năng và chưa phát ngôn trong thời điểm này.

Cũng đã nắm được thông tin trên, hãng hàng không Vietnam Airlines cho hay hãng đang xác minh từ các bộ phận chức năng và sớm có thông tin về việc này.

Đến trưa ngày 7 Tháng Chín, đại diện hãng Bamboo Airlines cho biết sau khi xác minh nội bộ thì hai tiếp viên trên không thuộc phi hành đoàn của hãng.

Riêng hãng Hàng không Quốc gia Vietnam vẫn chưa xác minh xong. Như thế cũng đủ, vì ai cũng biết làm phép tính loại trừ.

Thực ra cảnh sát Hàn Quốc đã có thể thông báo ngay hai nữ tiếp viên này thuộc phi hành đoàn nào, đi chuyến bay nào, v.v… vì họ đã theo dõi vụ này từ lâu, mới tổ chức bắt giữ vào Tháng Tư vừa qua. Không biết vì lý do “tế nhị” nào họ lại không công bố, mà chờ phía Việt Nam lên tiếng.

Cục Hàng không Việt Nam cũng chưa có thông báo chính thức, và Bộ Ngoại giao cũng chọn cách im lặng trước vụ việc này.

Theo Đài MBC, hai nữ tiếp viên hàng không bị cảnh sát Hàn Quốc bắt, khoảng 20 tuổi bị nghi ngờ giấu cần sa dạng lỏng (tinh dầu cần sa) trị giá 300 triệu won (hơn $200 ngàn) trong các hộp đựng mỹ phẩm và mang vào Hàn Quốc từ Tháng Tư năm 2023.

Sở cảnh sát Incheon cho biết, hai nữ tiếp viên khai họ không biết trong hộp chứa cái gì, chỉ biết nhận chuyển hàng rồi lấy tiền công thôi. Giá vận chuyển cũng rất rẻ, chỉ từ 68,000 won đến 150,000 won (từ khoảng $45 đến $112) một chuyến (!?)

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/03-choi-tro-u-tim-2.jpg

Lượng lớn ma túy cất giấu, ngụy trang trong các tuýp kem đánh răng được bốn nữ tiếp viên mang từ Pháp về Việt Nam – Ảnh: Hải quan TP.HCM 

Lời khai rất “ngây thơ” của hai nữ tiếp viên này, làm người ta nhớ lại lời khai của năm tiếp viên hàng không Vietnam Airlines khi bị bắt vì vận chuyển hơn 11.48 kg ma túy tổng hợp từ Pháp về Việt Nam. Năm cô này cũng rất “ngây thơ” khi khai hoàn toàn không biết trong các tuýp kem đánh răng chứa gì.

Sau đó họ được thả vì “không đủ bằng chứng truy tố”.

Đó là chuyện xảy ra ở Việt Nam, còn vụ hai cô tiếp viên mang tinh dầu cần sa bị bắt tại Hàn Quốc, có thể có kết quả khác. Dư luận đang chờ đợi.


Không có đất làm hồ, vậy đất đâu để trồng rừng?

Hòa Hưng/VNTB

07/9/2023

VNTB – Không có đất làm hồ, vậy đất đâu để trồng rừng?

Chủ đầu tư phải trồng khôi phục và trồng bù vào số rừng cây sẽ bị triệt hạ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, Hàm Thuận Nam.

Dư luận tiếp tục quan tâm việc Bình Thuận sẽ làm hồ chứa nước Ka Pét nằm trong hơn 600 ha đất rừng, trong đó có 160 ha rừng đặc dụng.

Dự án gồm hồ chứa nước với dung tích khoảng 51 triệu m3, đập chính, kênh chuyển nước và cụm điều tiết. Trong đó, hồ chứa nước với diện tích khoảng 10km2 và đập ngăn sông cao khoảng 28m.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, khó khăn nhất của dự án là khi xây dựng sẽ gây ngập lòng hồ với diện tích khoảng 718 ha, trong đó hơn 160 ha là rừng đặc dụng.

Việc trồng rừng để bù vào số sẽ bị triệt hạ, theo chính quyền tỉnh này, chủ đầu tư phải trồng khôi phục và trồng bù. Vị trí trồng bù lại tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu (huyện Hàm Thuận Nam). Ưu tiên trồng các cây bản địa để tránh xáo trộn hệ sinh thái.

Quy định tổng diện tích rừng trồng phải gấp 3 lần diện tích rừng của dự án, nên phạm vi trồng thay thế có thể mở rộng vùng đất hoang hóa, đất sản xuất lâm nghiệp để bù lại đạt hiệu quả cao. Và đây chính là khoảng trống pháp lý trong tương lai cho chuyện “trồng bù”, vì đất hoang hóa đang dần bị thu hẹp bởi tốc độ khai phá của cư dân nhập cư. Hơn nữa, đã gọi là “đất hoang hóa” thì nước đâu để chăm sóc từ cây con lớn lên thành rừng?

“Đời cha phá rồi trồng bù, đời con thấy cây lâu lớn quá phá nốt, và tới đời cháu nó không biết nơi nó đang đứng đã từng là một cánh rừng xanh tươi tốt mà cha ông nó đã phá. Tròm trèm cũng trăm năm đấy chứ nhỉ!” – một ý kiến được rút ra từ chuyện liên tưởng đến hàng cây cổ thụ hàng trăm năm trên đường Cường Để/ Tôn Đức Thắng của Sài Gòn/ thành phố Hồ Chí Minh.

Một tranh biện khác dáng dấp học thuật: Không nên so sánh rừng trồng thay thế với rừng tự nhiên đã có hàng trăm năm nay. Thực tế phải xem lại kết quả tính toán thuỷ văn dòng chảy sông Cà Ty, sông Kapet và sông Móng. Làm hồ Kapet không thể cấp đủ nước cho Bình Thuận và thành phố Phan Thiết. Sao không học người Pháp làm các đập dâng trên sông Cà Ty, rút ngắn công trình dẫn nước về Phan Thiết, không mất rừng đầu nguồn là nơi giữ nước và sinh thuỷ…

Liên quan đến chuyện “đất trồng rừng” và “đất nông nghiệp” ở đây, có lưu ý là nên quan tâm đến quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR).

Ngày 29-6-2023 Nghị viện châu Âu thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Quy Định này có hiệu lực thực thi từ 12-2024. Phạm vi hàng hóa sản xuất chịu áp dụng trong Quy định này gồm: gia súc, ca-cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và một số sản phẩm có nguồn gốc từ chúng, chẳng hạn như da, sô-cô-la, lốp xe, hoặc đồ nội thất.

Theo Quy định, bất kỳ nhà khai thác hoặc thương nhân nào đưa các mặt hàng này vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường này có khả năng phải chứng minh rằng các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc góp phần làm suy thoái rừng. Nghị viện châu Âu nhấn mạnh, Quy định nhằm giải quyết nạn phá rừng; suy thoái rừng và bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học.

Như vậy coi như sắp tới đây “đất rừng” – “đất nông” ở Tây Nguyên sẽ là lằn ranh của việc “tranh chấp sản xuất”. Mặt khác, không rõ nếu thời gian tới người ta triệt hạ rừng nguyên sinh để làm hồ chứa nước Ka Pét, thì số gỗ cổ thụ này có “dấu búa kiểm lâm” ra sao, vì thực chất đó là gỗ của “phá rừng có giấy phép”…

Theo luật EUDR, các sản phẩm chịu sự điều chỉnh gồm: gia súc chăn thả, ca-cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, cao su, kể cả các sản phẩm có chứa/ được nuôi bằng/ đã được tạo ra bằng cách sử dụng từ các nguyên liệu thô được liệt kê này – như thức ăn cho gia cầm gia súc, da, sô-cô-la, đồ nội thất, than củi, giấy in và một số dẫn xuất dầu cọ.

Xem ra có thể thấy gần như toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU hiện nay đều nằm trong danh mục sản phẩm bị điều chỉnh bởi luật chống phá rừng. Trong khi theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, trong giai đoạn 2012 – 2017, đã có tới 89% diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phục vụ các dự án phát triển kinh tế.

Do đó nếu các doanh nghiệp tiếp tục phá rừng để mở rộng sản xuất nông nghiệp, chắc chắn sớm nhất là trong năm tới sẽ bắt đầu có một số sản phẩm của Việt Nam có thể khó xuất sang châu Âu.


Quảng Nam: Bà chủ trường quốc tế ôm 14 tỷ đồng trốn về Anh Quốc

Lê Thiệt /SGN
07/9/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/04-Green-Shoots-2.jpg

Cơ sở vật chất của trường quốc tế Chồi Xanh đã được bên cho thuê lấy lại và tháo dỡ. Ảnh: Sơn Thủy 

Trường quốc tế Chồi Xanh (Green Shoots International School) đóng ở phường Cẩm Châu, TP Hội An, do bà Catherine Clare Mckinley, quốc tịch Anh, làm chủ sở hữu.

Trường Chồi Xanh hoạt động từ năm 2011, và trước ngày khai giảng năm học 2023-2024, bà Catherine Clare Mckinley bất ngờ biến mất cùng số tiền học phí của học sinh là 14 tỷ đồng.

Hiệu trưởng người Việt vẫn còn nhưng vị này chỉ phụ trách chuyên môn, và cũng chỉ là người làm công, nên hầu như không được can thiệp vào việc điều hành.

Theo báo VNExpress, một phụ huynh có con học lớp 2 ở Hội An cho hay từ Tháng Năm đến Tháng Tám, trường Green Shoots tổ chức tuyển sinh, cả mẫu giáo và phổ thông. Trường thông báo ngày 22 Tháng Tám sẽ tựu trường năm học mới. Có 95 học sinh, trong đó 11 học sinh Việt Nam. Học phí ở đây dao động 350-400 triệu đồng một năm, phụ huynh có thể đóng theo tháng, quý.

Phụ huynh này cho biết đã đóng tới 100 triệu đồng trước khi con nhập học. Theo thống kê sơ bộ, các phụ huynh đã đóng học phí hơn 14 tỷ đồng.

Thế nhưng ngày 8 Tháng Tám, phụ huynh bất ngờ nhận thông báo từ bà Catherine qua email với nội dung học sinh được chuyển qua một trường quốc tế ở Đà Nẵng. Bà này nói không còn điều hành Green Shoots nữa, nhưng không giải thích lý do, và cũng không trao đổi gì về việc học sinh sẽ học ở Đà Nẵng thế nào, các khoản học phí ra sao.

Phụ huynh liên hệ với trường ở Đà Nẵng thì trường này từ chối nhận học sinh vì họ họ không nhận học phí của học sinh Green Shoots. Cùng lúc đó, tại trường Green Shoots, bên cho thuê cơ sở vật chất đã đến trường tháo dỡ hết các trang thiết bị mà họ đã cho bà Catherine thuê.

Một phụ huynh khác cho biết, để kịp cho con em họ tựu trường, họ phải đi tìm trường khác, còn khoản học phí đã đóng cho bà Catherine thì không biết đòi ở đâu. Họ đã làm đơn tố giác gửi Công an tỉnh Quảng Nam, đề nghị xác minh, làm rõ dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.


XEM THÊM:

Comments are closed.