CSVN: Nhà nước nên ân xá cho Nguyễn Văn Chưởng và minh oan cho Hồ Duy Hải? – Luật sư Ngô Ngọc Trai


Luật sư Ngô Ngọc Trai

Gửi đến BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội

06/8/2023

Tử tù Nguyễn Văn Chưởng

Nguồn hình ảnh, SUPPLIED

Chụp lại hình ảnh, 

Tử tù Nguyễn Văn Chưởng

Hôm 4/8, Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng đã có văn bản thông báo cho gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng về việc cơ quan này sẽ thi hành án tử hình và báo cho gia đình làm thủ tục để xin nhận tro cốt người thân.

Sự việc khi được thông tin ra công luận đã khiến đông đảo dư luận phản ứng, nhiều người bày tỏ ý kiến phản đối việc thi hành án tử hình. Nhiều người đã cố gắng liên hệ tới Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng để đề nghị hoãn dừng lại việc thi hành án.

Là luật sư lâu nay đã làm việc với những vụ án của tử tù kêu oan cho nên tôi cũng đã biết thông tin về vụ án của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, dù không trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án nhưng qua các thông tin trên báo chí và mạng xã hội tôi biết vụ án còn tồn tại những khúc mắc chưa được làm rõ, nhưng dẫu vậy sau mười mấy năm giam cầm tới nay cơ quan tòa án đã quyết định đưa ra thi hành.

Vì sao là lúc này?

Cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng

Nguồn hình ảnh, SUPPLIED

Chụp lại hình ảnh, 

Cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã kêu oan cho con mình trong hơn 10 năm qua

Để ý thì thấy mới đây báo chí đưa tin bên Singapore người ta bắt đầu thi hành tử hình lại sau gần 20 năm, bắt đầu với một tử tội mua bán 30 gam ma túy.

Báo chí cũng cho biết Singapore đã thi án tử hình thứ ba chỉ trong khoảng thời gian 10 ngày. Có thể ai đó cho rằng khi có thông tin sự việc bên Singapore như vậy thì đó cũng là môi trường thông tin thuận lợi để tiến hành việc thi hành các bản án tử hình trong đó có tử tù Nguyễn Văn Chưởng.

Tôi cho rằng các cấp lãnh đạo nhà nước cấp cao hơn cần dừng lại việc này, bởi nếu nhìn qua sự việc thì thấy việc thi hành án tử hình ở bên Singapore và Việt Nam không có gì khác nhau, nhưng đằng sau đó hai nước khác nhau một thứ đó là về vốn liếng xã hội.

Không biết rằng ở bên Singapore người dân có dành nhiều niềm tin vào những hoạt động đúng đắn của bộ máy hành chính tư pháp công bao nhiêu, nhưng có thể hình dung rằng ở bên Singapore người dân ít nghi ngờ vào quá trình điều tra xét xử của tòa án.

Cái người ta băn khoăn chỉ là án tử hình có đúng là phù hợp với mong muốn của người dân về công lý và việc thi hành án tử hình có đi ngược lại các giá trị về quyền con người.

Trong khi đó ở Việt Nam lâu nay việc điều tra truy tố xét xử một số vụ án còn để lại nhiều băn khoăn, bản thân các cơ quan nhà nước cũng đã nhiều lần thừa nhận rằng vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất cập trong hoạt động tố tụng. 

Điển hình như cũng hôm 4/8 cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành bắt giữ một thẩm phán của tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai về tội xâm phạm các hoạt động tư pháp, thông tin báo chí cho biết ông này đã nhận số tiền năm trăm triệu đồng từ đương sự trong một vụ án mà mình giải quyết.

Thêm vào đó khác hiện nay bối cảnh xã hội cũng còn nhiều vấn đề thiếu tích cực, kinh tế tăng trưởng chậm, công nhân thất nghiệp, nhiều vụ việc pháp lý trước đó cũng đã để lại những băn khoăn bàn luận rất lớn trong công chúng.

Bối cảnh như vậy thì tôi cho rằng không nên tạo ra một sự vụ gây náo động như thi hành án tử hình đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng, thay vào đó nhà nước nên thực hiện nhiều việc để ổn cố trật tự lương tâm xã hội, gây dựng vốn xã hội, việc nên làm là hoãn thi hành và ân xá cho tử tù.


Vụ Hồ Duy Hải 

Tù nhân Hồ Duy Hải

Nguồn hình ảnh, NGUYỄN THỊ LOAN

Chụp lại hình ảnh, 

Tử tù Hồ Duy Hải trong một phiên tòa

Khi cộng đồng mạng nói đến rất nhiều về vụ án Nguyễn Văn Chưởng thì cũng lại khiến cho tôi thêm những trăn trở về vụ án Hồ Duy Hải mà mình đang nhận lời giúp đỡ kêu oan.

Mới đây báo đưa tin về việc cảnh sát bắt được một thủ phạm gây án như sau.

Năm 1986 ở huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An xảy ra vụ án giết người, một thanh thiếu niên khi ấy mới 14 tuổi đã cầm lưỡi lê đâm tử vong một người khác, sau đó bỏ trốn khỏi địa phương.

Mới đây công an tỉnh Nghệ An qua các biện pháp nghiệp vụ đã xác định được một người đàn ông sinh sống ở tỉnh Đồng Nai có đặc điểm giống với thủ phạm do vậy đã tiến hành bắt giữ điều tra và người này thừa nhận là hung thủ vụ án khi xưa, sau khi bỏ trốn đã thay tên đổi họ để sinh sống suốt 37 năm qua.

Tôi băn khoăn tự hỏi dựa trên cơ sở nào mà cảnh sát phát hiện ra đặc điểm giống nhau giữa người đàn ông ở Đồng Nai với nghi phạm trong vụ án ở Nghệ An, sau khi suy nghĩ tôi nhận định nhiều khả năng là dựa vào dấu vân tay. 

Theo quy định từ xưa đến nay thì người từ 14 tuổi đã thuộc diện lấy dấu vân tay rồi, nhiều khả năng cảnh sát đã rà soát đối chiếu giữa dấu vân tay của nghi phạm trong vụ án hình sự khi xưa với kho tàng thư lưu trữ số hóa dấu vân tay mới được lấy của toàn dân thông qua chương trình cấp thẻ căn cước công dân mới đây, bởi chỉ có dựa trên cơ sở này mới nhận ra được đặc điểm giống nhau giữa hai nơi cách xa.

Một vụ việc khác cũng được báo chí đưa tin mới đây, cảnh sát ở Nam Định qua rà soát cũng đã bắt được một nghi phạm trong vụ án cố ý gây thương tích xảy ra cách đây đã 31 năm. Nghi phạm sau khi gây án đã bỏ trốn thay tên đổi họ để sinh sống, tới nay qua công tác rà soát phát hiện ra nghi phạm nên cảnh sát tiến hành bắt giữ.

Vụ việc này báo cũng không nêu rõ là cảnh sát đã sử dụng biện biện pháp nghiệp vụ nào để phát hiện nhưng tôi cho rằng khả năng cũng là dựa trên so sánh đối chiếu mẫu dấu vân tay.

Hiện trường vụ án Bưu điện Cầu Voi

Nguồn hình ảnh, LS NGÔ NGỌC TRAI

Chụp lại hình ảnh, 

Ảnh chụp tại hiện trường Bưu điện Cầu voi, cánh cổng sắt phía sau của bưu điện nơi cho rằng Hải đã trèo ra ngoài rồi vòng lên cổng trước lấy xe máy đi về, phía sau cổng sắt là cánh cửa mở vào nhà vệ sinh nơi thu giữ được dấu vân tay trên vòi khoá nước lavabo

Từ những câu chuyện này tôi băn khoăn về những dấu vân tay thu giữ được ở hiện trường vụ án Bưu điện Cầu Voi, qua giám định đã cho kết luận không phải là dấu vân tay của Hồ Duy Hải, vậy thì đó là dấu tay của ai. 

Đây là chứng cứ đặc biệt quan trọng nhưng lại bị bỏ lửng trong hồ sơ vụ án. Đến nay nếu tiến hành tra soát đối chiếu với kho dữ liệu dấu vân tay của người dân cả nước khi làm thẻ căn cước công dân thì có thể tìm ra được người có dấu vân tay trùng khớp và đó chính là thủ phạm gây án.

Nhưng khác với hai vụ án ở Nam Định và Nghệ An được tra soát đối chiếu khi vụ án chưa tìm được thủ phạm, còn trong vụ án Bưu điện Cầu Voi thì về mặt danh nghĩa pháp lý đã tìm ra được thủ phạm là Hồ Duy Hải rồi, cho nên liệu có còn cơ quan nào có động lực để tra soát đối chiếu giải quyết một nghi ngờ rất lớn của đông đảo công chúng về thủ phạm vụ án.

Trước đây tôi đọc được bài báo về vụ án oan của nước Anh, mặc dù vụ án cũng đã tìm ra được thủ phạm từ mấy chục năm trước, nhưng tới nay với những cơ sở bằng chứng mới đưa đến nghi ngờ oan sai thì người ta đã xem xét lại và minh oan cho thủ phạm. 

Nhưng để làm điều đấy thì trước đó có một số lượng công chúng đã cùng nhau ký đơn thỉnh nguyện thư gửi đến tòa án, trên cơ sở ý nguyện của người dân là cao nhất và mong muốn của người dân chính là mục đích hoạt động của chính quyền cho nên cảnh sát và tòa án nước Anh đã xem xét lại vụ việc.

Điều đó mặc dù rất hay nhưng lại chưa có truyền thống tiền lệ ở Việt Nam và tôi hy vọng vụ án Hồ Duy Hải vẫn sẽ được xem xét lại dù là theo một cách thức đơn giản hơn.

Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ và sự dễ dàng tiện dụng trong tra cứu thì đó chính là lý do hợp lý để thực hiện việc này, bởi lẽ thành tựu công nghệ là để phục vụ hoạt động của con người, làm sáng tỏ một bằng chứng pháp lý liên quan tới tước đoạt mạng sống con người để làm an yên lòng công chúng là điều mọi nhà nước đều nên làm.

Bài viết thể hiện ý kiến và lối hành văn riêng của Luật sư Ngô Ngọc Trai, gửi đến BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội.

 Luật sư Ngô Ngọc trai về thăm gia đình tử tù Hồ Duy Hải ở Long An

Nguồn hình ảnh, LS NGÔ NGỌC TRAI

Chụp lại hình ảnh, 

Luật sư Ngô Ngọc trai về thăm gia đình tử tù Hồ Duy Hải ở Long An

https://www.bbc.com/vietnamese

Tags: , , ,

Comments are closed.