Độc quyền chính trị – VNTB
Nguyễn Nam
(VNTB) – Gọi là độc quyền chính trị vì ở Việt Nam người dân bắt buộc phải chấp nhận duy nhất mỗi sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
Đại dịch Covid vẫn còn tính bất định rất lớn, do đó, ngay từ bây giờ, chúng ta – có nghĩa là gồm cả những người bất đồng chính kiến chính trị cùng với những người đeo đuổi thể chế đơn nguyên, tất cả đều phải chủ động thiết kế một xã hội có thể sống chung với dịch, tích cực tìm ra sự chuyển hoán mới thay vì ngồi đợi mọi thứ sẽ trở lại như xưa.
Đại dịch Covid dường như còn giúp chúng ta nỗ lực tìm ra cách thức làm việc hiệu quả, nhân văn hơn. Trong đó có đưa y tế tư nhân vào cuộc, là để cho một nhóm bệnh nhân có thu nhập cao sẵn sàng tự chi trả chi phí điều trị Covid, đây cũng là cách giúp tạo ra công bằng cho những người không có nhiều tiền, chứ không phải cứ duy ý chí về sự bình đẳng mang tính lý thuyết ra giảng của chủ nghĩa xã hội.
Một câu chuyện cũ liên quan đến độc quyền chính trị giờ nghe lại sẽ nhận ra tất cả sự ngớ ngẩn.
Nghe kể lại, hồi những năm ‘mới thống nhất’, khi bàn về việc dựng Tiếng trống Mê Linh và các vở cải lương có đề tài lịch sử yêu nước chống ngoại xâm, có một số ý kiến lấn cấn việc đóng vai những anh hùng dân tộc lại giao cho nghệ sĩ… “ngụy”. Ông Dương Đình Thảo, khi ấy là giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin TP.HCM, vừa cười vừa trả lời, không lẽ giờ mời chị Ba Định, chị Mười Thập vào đóng Trưng Trắc, Trưng Nhị là đúng nhất, hay nhất!
Đúng là vẫn độc quyền chính trị, nhưng mỗi khi kể về ‘hồi đó’, giới trí thức, văn nghệ sĩ Sài Gòn vẫn nhắc nhớ về ông Mười Cúc (tức Nguyễn Văn Linh), Sáu Dân (tức Võ Văn Kiệt), Sáu Thảo (tức Dương Đình Thảo), Hai Tân (tức Trần Trọng Tân), Sáu Tường (tức Nguyễn Vĩnh Nghiệp)…?
Câu trả lời là ở cương vị người lãnh đạo đảng, ủy ban, người làm văn hóa, phụ trách tuyên giáo… trong những thời điểm cam go, họ không nói vo tròn cho các phía, họ có chính kiến, biết lắng nghe cơ sở, thấu hiểu anh chị em, bảo vệ từng con người như là “tài sản của Sài Gòn” chứ không phải bảo thủ chuyện tìm kiếm “hạt giống đỏ”.
Liên quan độc quyền chính trị, một nhà báo nhàn đàm đầy ẩn dụ sau đây:
Ông cha ta từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác sống bằng đời sống kinh nghiệm. Họ luôn tự hào về điều đó với câu nói: “Gừng càng già càng cay”. Họ cứ vò võ nỗi lo âu, sợ rằng thế hệ tiếp theo sau không giống thế hệ trước, người lớn tìm mọi cách gắn kết thế hệ sau với thế hệ hệ trước.
Người lớn cứ khuyên răn lớp trẻ: “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Khi đưa ra lập luận này, rõ ràng dân gian đã thiếu “điều chỉnh” đời sống thực tế. Bởi những gì thuộc về kinh nghiệm của những bậc làm cha làm mẹ chắc gì đã bắt kịp những tiến bộ trong đời sống của thế hệ cháu con…
Song cũng khen thay, người xưa cũng rất công bằng. Dù sợ rằng thế hệ tiếp sau không sống giống mình và thiếu vâng lời, nhưng người xưa cũng nhìn nhận: “Trẻ khôn qua, già lú lẫn”. Và, dân gian cũng thốt lên một cách kỳ vọng: “Tre già măng mọc” hay “Con hơn cha, nhà có phúc”.
Giờ thử thay đổi cụm từ: “ông cha ta” bằng “đảng ta” chẳng hạn, sẽ nhận ra dù nền tảng triết học của cái gọi là “tư tưởng” có kiên định đến đâu thì nó cũng cần được bổ sung, cải huấn, thậm chí cần thiết coi như đây là một tư tưởng trong hoàn cảnh lịch sử nhất định, giờ có thể khép lại để phù hợp với sự vận động chung của vạn vật, của cộng đồng. Đại dịch Covid là một ví dụ điển hình cho điều đó.
Một đơn cử: Ở Hà Nội có bệnh viện gọi là lớn nhất nước, chỉ trong một thời gian ngắn, có 2 giám đốc bị khởi tố là phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, người được trao danh hiệu “Anh hùng lao động” và “Thầy thuốc nhân dân”; giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, cựu đại biểu Quốc hội, “Thầy thuốc nhân dân”, người được coi là “bàn tay vàng phẫu thuật”.
Cả hai đều là những thầy thuốc giỏi, có nhiều cống hiến cho ngành y tế.
Vậy thì chuyện bắt bớ diễn ra lúc dịch giã Covid này liên quan gì đến độc quyền chính trị?
Có ý kiến rằng khi chính trị thiếu sức mạnh cạnh tranh về quyền quản trị quốc gia, thì không khó hiểu khi người ta vẫn tiếp tục với một cơ chế bệnh viện tự chủ, công tư lẫn lộn, tự thu tự chi vô tội vạ, mỗi nơi một giá mà không có biện pháp chế tài, bất chấp việc rất khó kiểm soát. Dĩ nhiên với tảng băng khi đã nỗi, lúc gọi là ‘phát hiện ra’ thì rất nhiều nơi sai phạm, giám đốc vào tù và thiệt thòi nhất vẫn là người bệnh.
Vì sao lại đến nỗi đó, và chuyện này thì liên quan gì đến độc quyền chính trị? Đơn giản thôi khi đó là hệ lụy mà ai cũng quá hiểu, với một suy nghĩ đi đâu làm gì cũng phải có quan hệ , cũng phải có quà tặng, phong bì nhất là trong các dịp lễ Tết, thì công việc mới thuận lợi, vậy tiền ấy ở đâu ra? Câu hỏi cũng là câu trả lời!
“Với một quy trình bổ nhiệm cán bộ vừa rối rắm, vừa lỏng lẻo như hiện nay để chọn được người tài đức thì ít, mà để rủi có vấn đề gì khi chọn sai thì không ai chịu trách nhiệm về việc bổ nhiệm này. Càng nhiều cửa thì người chạy chức càng tốn nhiều tiền và sau này thu hồi vốn càng lớn. Mà chạy chức thành vấn nạn rồi, ai cũng biết và đến bây giờ ai cũng thấy đó là điều bình thường. Cũng có một số người không chạy vẫn được bổ nhiệm, nhưng nói ra điều này cũng chả ai tin.
Tiêu cực không chỉ riêng ngành y mà ở tất cả các ngành. Vấn đề bây giờ phải giải quyết được cái gốc của vấn đề. Nếu không chặt được cái gốc, cái đẻ ra tiêu cực thì chặt được ngọn này thì nó mọc ra ngọn khác. Bắt những giám đốc tiêu cực là chúng ta đang xử lý cái ngọn” – một bác sĩ cũng từng là “Thầy thuốc nhân dân”, cựu tổng biên tập báo Sức khỏe và Đời sống, đã chua xót nhận xét.
Tags: độc tài, tin tức, toàn trị, Việt Nam, việt nam