Độc tài và kiêu hãnh: Tập Cận Bình viết lại sử Trung Quốc – The Economist (VNTB)


Anh Khoa dịch  

(VNTB) – Ai kiểm soát hiện tại thì cũng  kiểm soát được  quá khứ

Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ lãnh đạo ĐCS thứ ba kéo dài 5 năm, Tập Cận Bình đã và đang thay đổi các quy tắc chính trị, kinh doanh và xã hội. Tập Cận Bình cũng đang theo đuổi một dự án khác mà ông ta coi là cần thiết để tiếp tục nắm giữ quyền lực: viết lại lịch sử của ĐCS. Tập Cận Bình muốn cho thấy rằng ông ta là người không thể thiếu, lãnh đạo chính trị ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, biến Trung Quốc thành một cường quốc toàn cầu dựa trên di sản của Mao và Đặng.

Ngày 8 tháng 11, khoảng 370 thành viên chính trị và quân sự cấp cao thuộc Uỷ ban Trung Ương đảng sẽ tập trung tại Bắc Kinh cho cuộc họp thường niên kéo dài 4 ngày. Chủ đề được quảng cáo duy nhất trong chương trình làm việc của họ là một nghị quyết về lịch sử Đảng. Đây sẽ là lần thứ ba trong lịch sử 100 năm tồn tại của Đảng. Lần đầu tiên, vào năm 1945 và lần thứ hai, vào năm 1981, lần lượt đánh dấu chiến thắng của Mao và Đặng khi củng cố quyền lực của họ ở những thời điểm quan trọng. Khả năng bảo đảm giành được chỗ cho chính mình cho thấy của Tập Cận Bình đã dập tắt bất kỳ sự phản đối đáng kể nào đối với việc mở rộng quyền cầm quyền của ông tại đại hội đảng dự kiến được tổ chức vào cuối năm 2022. Jude Blanchette của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn ở Washington cho biết Nghị quyết này sẽ là “một cuộc biểu dương quyền lực phi thường”.

Hội nghị toàn thể này là hội nghị áp chót trước đại hội 5 năm, và là phiên họp quan trọng nhằm thiết lập quan điểm của Ủy ban Trung ương. Sự kiện năm tới sẽ đánh dấu một thập niên lãnh đạo của Tập Cận Bình. Theo quy ước lỏng lẻo, đó sẽ là dịp để nói lời từ biệt sự nghiệp chính trị. Nhưng ông ta chắc chắn đã có được một nhiệm kỳ khác. Trong năm qua, một lần nữa, Tập Cận Bình đã chăm chỉ bịt miệng những người chỉ trích và đè bẹp các đối thủ tiềm năng, thanh trừng bộ máy an ninh, củng cố các đồng minh chính trị và thể hiện bản lĩnh của Đảng bằng cách dùng các các cơ quan quản lý để kiểm soát và trừng phạt các công ty tư nhân lớn. Trước đại hội, Tập Cận Bình có thể sẽ đưa ra lựa chọn (bí mật) những ai thay thế cho thủ tường và bộ trưởng Công an dự kiến sẽ nghỉ hưu tại cuộc họp của cơ quan lập pháp quốc gia vào tháng 3 năm 2023.

Nghị quyết về lịch sử đã được chia sẻ cho các quan chức cấp cao, nhưng nội dung sẽ không được công khai cho đến khi hội nghị toàn thể kết thúc vào ngày 11 tháng 11. Tuy vậy, các bài phát biểu của Tập Cận Bình và các bài viết của các nhà bình luận chính thức đã cung cấp manh mối. Dự kiến nghị quyết này sẽ ca ngợi những thành tựu của đảng, giảm nhẹ đi những nỗi kinh hoàng do Mao gây ra và gợi ý rằng Mao, Đặng và Tập có cùng tầm nhìn. Triều đại của Mao và Đặng sẽ được trình bày như những giai đoạn sơ bộ cần thiết trước khi bắt đầu “kỷ nguyên mới” của Tập. Mao đã giúp nhân dân Trung Quốc “đứng lên” sau một thế kỷ bị các thế lực ngoại bang làm nhục. Đặng đưa Trung Quốc vào con đường “làm giàu” sau nhiều thế kỷ nghèo đói. Giờ đây, Tập đang giúp Trung Quốc “trở nên mạnh mẽ”. Nghị quyết này sẽ đánh giá cao khả năng lãnh đạo sáng suốt của Tập trong việc quản lý những thách thức xã hội, kinh tế và an ninh quốc gia, đồng thời đề xuất rằng Trung Quốc cần trí tuệ của Tập trong một thời gian dài.

Những người tiền nhiệm của Tập sử dụng lịch sử khác nhau trong nghị quyết. Năm 1945, Mao biện minh cho việc thanh trừng kẻ thù, đổ lỗi cho họ về những sai lầm trong quá khứ để có thể tự đặt mình làm lãnh đạo không cần bàn cãi. Năm 1981, nghị quyết của Đặng nói rằng Mao đã phạm sai lầm nghiêm trọng và Cách mạng Văn hóa 1966-76 là một “sai lầm kinh khủng”, gây ra hỗn loạn. Khi chỉ trích Mao dù thận trọng, Đặng đã lấy lại sự ủng hộ của công chúng đối với Đảng và tạo điều kiện theo đuổi các cải cách thị trường tự do.

Nhưng lịch sử đưa ra một thách thức khác cho Tập. Phe cánh tả của Đảng là những người theo chủ nghĩa tân Mao vốn từ lâu đã kêu gọi khôi phục lại anh hùng của họ, đồng thời chỉ trích Đặng vì đã để cho tham nhũng và bất bình đẳng diễn ra. Bên hữu là những người lo rằng Trung Quốc đang quay trở lại chế độ độc tài kiểu Mao và đánh mất cam kết cải cách của Đặng.

Tập đã tuyên bố rằng không nên sử dụng Mao và Đặng để “phủ định” đối phương. Tập không muốn một lịch sử đầy những sai lầm và mâu thuẫn, cũng như một lịch sử đặt ra câu hỏi về chế độ cai trị độc quyền. Tập tin rằng sự sụp đổ của Liên bang Xô viết diễn ra nhanh chóng do không bảo vệ được các di sản của Lenin và Stalin. Tập đã vận động mạnh việc chống lại “chủ nghĩa hư vô lịch sử” — về bản chất là bất cứ điều gì khiến quá khứ của Đảng bị phanh phui đều không thuận lợi. Những văn bản khai quật những sai lầm tồi tệ nhất của Mao, từng được cổ vũ giờ đây rất khó được khuyến khích.

Lịch sử chính thức mới của đảng được xuất bản vào tháng 2, cho thấy một cái nhìn thoáng qua về cách tiếp cận ưa thích của Tập. Văn bản chỉ đề cập ngắn gọn đến Cách mạng Văn hóa mà không đề cập đến nạn đói do Đại nhảy vọt gây ra khiến hàng chục triệu người thiệt mạng, cũng như không nói về bất kỳ thương vong nào trong cuộc dập tắt cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Phần về nhiệm kỳ của Tập chiếm hơn một phần tư quyển sách. Những người tiền nhiệm như Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân được đề cập đến ít hơn nhiều.

Nghị quyết mới sẽ gợi ý rằng Trung Quốc cần Tập để hoàn thành các mục tiêu dài hạn như biến đất nước thành một “quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại” vào năm 2035 và “thịnh vượng” và “mạnh mẽ” vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm nước Cộng Hoà nhân dân. Nghị quyết có thể sẽ đề cập đến chiến dịch “thịnh vượng chung” nhằm giảm bất bình đẳng và chiến lược “lưu thông kép” của Tập để nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc bên ngoài như đại dịch và tranh chấp thương mại với Mỹ. Nghị quyết sẽ mô tả một môi trường quốc tế khắc nghiệt, mặc dù có thể không nêu tên Mỹ và các đồng minh. Và có thể sẽ lặp lại giọng điệu của Đảng về Đài Loan rằng Đài Loan phải được thống nhất với đại lục. Việc Trung Quốc không chiếm lại được Đài Loan là một điểm nhức nhối đối với mọi lãnh đạo kể từ thời Mao. Nghị quyết chắc chắn đề cập đến lời kêu gọi “phục hưng vĩ đại của Trung Quốc” vào năm 2049, điều này cho thấy rằng Tập đặt mục tiêu đảm bảo sự thống nhất trước đó. Lời hứa cụ thể hơn sẽ khó có được.

Trước khi diễn ra hội nghị toàn thể, bộ máy tuyên truyền đã bắt đầu tung ra những bài báo nịnh bợ Tập, có vẻ hy vọng sẽ thúc đẩy sự ủng hộ nhiệt tình cho việc tiếp tục cầm quyền của Tập. Ngày 1 tháng 11 Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng, đã bắt đầu xuất bản một loạt bài xã luận với tiêu đề “Những quyết định quan trọng trong kỷ nguyên mới”. Báo ca ngợi những thành tựu của Đảng kể từ khi được thành lập vào năm 1921 và ca ngợi những đóng góp của Tập cho những thành tích này. Joseph Fewsmith của Đại học Boston cho biết theo quan điểm của Tập thì “không chỉ nhìn lại quá khứ mà còn phải nhìn về tương lai” và Tập nghĩ rằng “Tương lai là điều tuyệt vời nhất.”

Nguồn: The Economist

Tags:

Comments are closed.