Hạn hán, cắt điện gây tác hại cho nền kinh tế Việt Nam


Thanh Phương /RFI – 19/6/2023

Tình trạng nắng nóng và hạn hán kéo dài từ nhiều tuần qua, nhất là ở miền bắc Việt Nam, đang gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, trong nhiều lĩnh vực từ điện tử, xe hơi cho đến dệt may.  

Ảnh tư liệu chụp ngày 24/10/2017: Công nhân tại một nhà máy ở tỉnh Nam Định, Việt Nam. AP – Hau Dinh 

Là quốc gia có dân số nay đã lên đến gần 100 triệu dân và được xem là có mức tăng trưởng kinh tế thuộc loại cao nhất Đông Nam Á, Việt Nam tiêu thụ điện ngày càng nhiều, nhưng các nguồn năng lượng ngày càng ít, nhất là vì để tuân thủ các cam kết về chống biến đổi khí hậu, Việt Nam buộc phải từ bỏ dần dần điện than. Riêng ở miền bắc, phân nữa nhu cầu về điện là được cung cấp từ các đập thủy điện, nhưng hồ chứa của các đập thủy điện đang cạn dần do tình trạng hạn hán, nắng nóng, do những hiện tượng thời tiết cực đoan mà biến đổi khí hậu khiến cho trở nên trầm trọng hơn. 

Việt Nam là nơi đặt nhiều nhà máy sản xuất cho các công ty đa quốc gia như Samsung, Foxconn, gia công cho Apple. Nhưng các nhà đầu tư tại Việt Nam nay đang bị ảnh hưởng nặng nề của các điều kiện thời tiết cực đoan, với kỷ lục nhiệt độ nóng hơn 44 độ C và đầu tháng 5. Mực nước nói chung và mực nước các hồ thủy điện nói riêng, xuống đến mức cực kỳ thấp.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 16/06/2023, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh ghi nhận:

“ El Nino đã xuất hiện và tình hình hạn hán ảnh hưởng đến Việt Nam về nhiều mặt. Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, lượng nước chảy và phù sa về đều ít đi, vì vậy ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng.

Đối với thủy điện, Việt Nam có một tỷ trọng thủy điện rất cao, nhưng các hồ nước ở miền bắc đã bị giảm sút nhiều, mực hồ thủy điện ở Sơn La, thủy điện ở Hòa Bình đều bị giảm sút. Ai cũng rất mong là sắp có mưa để có tăng sản xuất điện từ hồ thủy điện.”

Theo báo chí Việt Nam, tại nhà máy thủy điện Thác Bà ở tỉnh Yên Bái, mực nước của hồ chứa đã xuống đến mức thấp nhất từ 20 năm nay, tức là thấp hơn từ 15 đến 20 cm so với mức tối thiểu cần thiết để nhà máy có thể vận hành được.

Trong khi nguồn cung cấp điện bị suy giảm mạnh, thì mức tiêu thụ điện lại tăng thêm 20% do người dân sử dụng máy lạnh nhiều hơn trong cái nóng kỷ lục, theo lời ông Nguyễn Quốc Trung, phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, được hãng tin AFP trích dẫn. Ông dự báo tình trạng thiếu điện sẽ kéo dài đến tháng 7.

Yêu cầu giảm tiêu thụ điện

Theo hãng tin AFP, vào đầu tháng 6, tại nhiều vùng ở miền bắc Việt Nam, nơi có nhiều nhà máy của các tập đoàn nước ngoài, nằm không xa thủ đô Hà Nội, chính quyền đã yêu cầu phải giảm phân nữa tiêu thụ năng lượng, do nguồn cung cấp bị thiếu hụt. Có những ngày, điện bị cắt nhiều giờ, đôi khi không có báo trước và cắt vào giờ chót. 

Những vụ cắt điện liên tục khiến các Phòng Thương mại Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu đã yêu cầu chính phủ Hà Nội có biện pháp nhanh chóng để ngăn chận cuộc khủng hoảng đang gây thiệt hại hàng triệu đôla. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết: 

“ Đầu tư nước ngoài tuy vẫn vào Việt Nam, nhưng đã giảm sút. Đại diện các công ty nước ngoài, như củ a các công ty Nhật Bản đã đến Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam ( VCCI ) để bày tỏ sự bức xúc và than phiền về việc bị cúp điện. Tôi nghĩ là những lời than phiền đó đã đến tay thủ tướng, nên thủ tướng đã có chỉ thị là trong tháng sáu phải giải quyết dứt điểm việc thiếu điện.

Các nhà đầu tư cho chưa quyết định rời khỏi Việt Nam, nhưng vì bị cắt điện, nên một số doanh nghiệp không thực hiện được đúng kỳ hạn trong hợp đồng, tức là không giao hàng được đúng kỳ hạn và đấy cũng là điều đáng tiếc. Thiếu điện thì người lao động cũng bị ảnh hưởng đến đời sống, bởi vì bây giờ là mùa hè đang rất nóng, thiếu điện thì giấc ngủ sẽ không được tốt. Không có điện thì doanh nghiệp không hoạt động được, thu nhập của người lao động cũng sẽ bị giảm sút”.

Theo lời ông Susumu Yoshida, Phòng Thương mại Nhật Bản, một lần cúp điện có thể gây thiệt hại đến hơn 190.000 đôla cho 5 xưởng sản xuất trong một khu công nghiệp. Ông cũng cho biết là không thể nào thẩm định được tổng thiệt hại của các khu công nghiệp miền bắc Việt Nam.  

Hãng tin AFP cho biết, Hàn Quốc, nhà đầu tư chủ chốt của Việt Nam, cũng than phiền về việc cúp điện liên tục gây ảnh hưởng đến sản xuất. Ông Hong Sun, chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc ở Việt Nam, cảnh báo: “ Vấn đề cúp điện sẽ rất nghiêm trọng không chỉ đối với các công ty đã đặt cơ sở ở Việt Nam, mà còn đối với chúng tôi, hiện đang cố thu hút các nhà đầu tư đến đây”.

Tại thành phố Hải Phòng, nhiều hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực hậu cần và vận chuyển hàng hải đã đệ đơn kiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN. Lý do là cứ mỗi lần cắt điện hơn 6 tiếng đồng hồ, những doanh nghiệp này phải đền bù cho các tàu đang neo đậu chờ ở bến cảng. Những tàu này phải trả tiền neo đậu có thể lên tới 50.000, ngoài số tiền phạt khi giao hàng trễ.

Ảnh hưởng đến du lịch 

Việc cắt điện cũng ảnh hưởng gián tiếp đến ngành du lịch, vì nó gây khó khăn cho các khách sạn và gây phiền hà cho du khách, theo ghi nhận của chuyên gia Lê Đăng Doanh: 

“Hiện nay Việt Nam đang cắt điện luân phiên, theo từng vùng, vì vậy ngay cả khách sạn 5 sao cũng bị cắt điện, đã phải chạy máy phát điện. Vì chạy máy phát điện nên khách sạn đã phải tăng thêm tiền phòng đối với. Rồi có trường hợp khách quốc tế khi bị mất điện thì đã tỏ vẻ không hài lòng.

Việc mất điện thì ảnh hưởng đến sản xuất, nhưng ảnh hưởng đến cả ngành du lịch thì quả là một điều bất lợi, vì có thể nó sẽ làm giảm số lượng du khách. Người ta lan truyền tin đồn là ở Việt Nam đang bị mất điện. Đối với một du khách từ các nước phát triển vốn đã sống quen với điện, đó là điều họ không mong đợi.”

Câu hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn đặt cơ sở sản xuất ở Việt Nam đó là những vụ cắt điện chỉ xảy ra trong lúc hạn hán, nắng nóng, hay sẽ trở nên thường xuyên. Chính phủ Việt Nam, vốn đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về trung hòa carbon, muốn tiết kiệm ít nhất 2% lượng điện tiêu thụ mỗi năm trong khoảng thời gian từ 2023 đến 2025.

Thibaut Giroux, chủ tịch của Stolz-Miras, một nhà thầu cho các công ty Nestlé, Unilever và Bayer, cho hãng tin AFP biết chính quyền đã yêu cầu ông giảm 10% mức tiêu thụ điện ngay từ nay đến năm 2025, cho dù nhà máy của công ty này đặt tại tỉnh Đồng Nai ở miền Nam, cách xa miền Bắc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng cắt điện. Để đáp ứng yêu cầu đó, công ty của ông Giroux, hiện cũng là chủ tịch Phòng Thương mại Pháp tại Việt Nam, phải giảm sản xuất vì chính các máy móc mới tiêu thụ nhiều điện. Nhưng ông than phiền: “ Nếu làm như thế tôi sẽ chết dần chết mòn”.

 Phòng Thương mại Nhật Bản cũng đã gửi cảnh báo: Nếu các biện pháp thích hợp không được triển khai, “một số công ty thành viên có thể xem xét chuyển một số cơ sở sản xuất” ra khỏi Việt Nam.

Ngư dân cũng khốn đốn

Không chỉ gây thiếu hụt điện, tình trạng hạn hán, nắng nóng kéo dài còn ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của ngư dân miền bắc Việt Nam, theo một phóng sự của hãng tin AFP ở Yên Bái, khu vực nhà máy thủy điện Thác Bà. Đây là nơi mà nhiều người dân sống chủ yếu nhờ vào nguồn cá của các sông hồ. Nước hồ chứa của đập thủy điện Thác Bà đang cạn dần, mà nước của sông Chảy nằm cách đó không xa nay cũng trở thành giống như một con suối nhỏ. Các giếng cũng bị khô cạn, nông dân trong vùng không còn nước để tưới cho các đồng lúa, thậm chí người dân địa phương lo ngại không còn nước cho sinh hoạt.

Comments are closed.