Hanni (NewJeans) và “Hauntology” về Chiến tranh Việt Nam – Nguyễn Quốc Tấn Trung


7-2-2023

“Thà giết lầm còn hơn bỏ sót…”

“Nuôi dạy trong môi trường gia đình như thế thì nó làm sao khá hơn…”

“Gia đình theo ‘ba que’ thì bản thân nó có mầm móng tư tưởng phản động, phản quốc là chuyện thường…”

***

Hàng loạt những bình luận và tấn công từ cộng đồng mạng Việt Nam về gia thế của cô bé Phạm Ngọc Hân, một thành viên gốc Việt (quốc tịch Úc) của nhóm nhạc thần tượng mới nổi của Hàn Quốc có tên NewJeans, làm mình nhớ đến hai thứ:

1. Hauntology m ảnh học) về chiến tranh Việt Nam

Chủ đề đã được Hội Đồng Cừu bàn sơ lược trong một video cách đây không lâu. Nội dung chủ yếu giả thuyết hoá rằng chiến tranh Việt Nam, dù đã kết thúc cách đây nửa thế kỷ, vẫn sẽ tiếp tục “ma ám” các đối thoại chính trị của Việt Nam trong nhiều thập niên tới nữa.

Cách lý luận này vay mượn học thuyết Hauntology về Marxism đối với chính trị phương Tây của triết gia người Pháp Jacques Derrida.

2. Chỉ thị số 221-CT/TW (17/6/1975) của Ban Bí thư khoá III Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác giáo dục ở miền Nam sau năm 1975.

Chỉ thị đặt ra hướng “giải quyết” hệ thống giáo dục miền Nam Việt Nam của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nay đã không còn tồn tại.

Theo đó, trên cơ sở lý lịch, hiệu trưởng các trường học của chế độ cũ, các giáo viên, trí thức… bị cho là có mầm mống phản động, có nhân thân không tốt và có lối sinh hoạt “đồi truỵ” sẽ bị loại trừ ra khỏi hệ thống.

Những cơ sở giáo dục tư, vốn khá mạnh mẽ và có năng lực của miền Nam, bị hạn chế và tiêu huỷ dần dần.

Toàn bộ nền móng giáo dục có sẵn của khu vực này bị lật tung và buộc phải xây lại từ đầu theo tiêu chuẩn chính trị mới.

Chỉ thị 221 và các văn bản liên quan kế cận cũng là cơ sở để hình thành cái sau này gọi là “Hội Đồng Tuyển Sinh Tỉnh” tại các tỉnh thành phía Nam. Đây là một nhóm các nhà cách mạng trung kiên, những người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng đối với việc một người trẻ khi đến tuổi 18 có được phép theo đuổi các chương trình đại học và sau đại học hay không.

Lý luận của họ đơn giản là: “Con cái có dính líu Mỹ Nguỵ thì không thể cho học nhiều”.

Tuy nhiên, “dính líu đến Mỹ Nguỵ” đôi khi đơn giản là làm công chức về nông nghiệp, thương nghiệp cho chính quyền VNCH.

Tư duy giáo dục kích động này chỉ có chút thay đổi vào giữa thập niên 90s. Nhưng điều này cũng đủ để nhiều thế hệ có năng lực của miền Nam Việt Nam bị loại trừ hoàn toàn khỏi không gian khoa học – chính trị quốc gia.

***

Tuy nhiên, tư duy giáo dục kích động nói trên đã trở thành một phần công thức của giáo dục Việt Nam cho đến tận ngày nay, khiến cho cách nghĩ và nỗi ám ảnh về chiến tranh Việt Nam / lý luận lý lịch… “ám” cả những người trẻ, vốn có kiến thức và trải nghiệm rất hạn chế về cuộc chiến này.

Nhiều gia đình của các bạn trẻ cực đoan này, theo mình nhìn sơ lược, thật ra không có đóng góp gì cho chiến tranh Việt Nam.

Có gia đình thì trốn lại phương Bắc làm văn thư.

Có gia đình thì chỉ có một người làm binh nhất được một vài năm thì về.

Dùng huân chương, huy chương kháng chiến Pháp – Mỹ từ hai bên nội ngoại nhà Trung ra mà “phi” thì có khi cả họ các bạn chết chìm.

Ấy thế mà đây lại là những nhóm cực đoan nhất và lắm lời nhất trong các hoạt động bài trừ chế độ cũ.

***

Việc một đứa trẻ sinh năm 2004, chưa từng có phát ngôn chính trị nhạy cảm nào, bị tầng tầng lớp lớp các thanh thiếu niên Việt Nam tấn công và chửi rủa… chỉ vì cô bé là con của một gia đình từng là một phần của chính quyền Việt Nam Cộng hoà (trên thế giới vẫn còn hơn 2 triệu người Việt như thế) là lý do mình luôn cười trừ khi một số trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước nhắc đến “hoà hợp, hoà giải dân tộc”.

Đã bị “ma ám” thì chỉ có nhờ pháp sư trừ tà, chứ hoà hợp, hoà giải đường nào.

***

Gửi Hanni. Con gái và nhóm cứ ra albums. Bọn chửi con chúng nó cũng chẳng có tiền và chẳng có dự định mua gì từ con đâu con ạ. Chú sẵn sàng đặt mua 10 bộ deluxe version album/mini-album/single mới nhé.

https://baotiengdan.com/2023/02/07

Tags: , , , ,

Comments are closed.