Hòa Thượng Thích Không Tánh: Không thể cho tất cả tôn giáo vào ‘một cái lồng’ khuôn sẵn


Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London

23/8/2023

Hòa Thượng Thích Không Tánh: Không thể cho tất cả tôn giáo vào ‘một cái lồng’ khuôn sẵn

Hòa Thượng Thích Không Tánh và Chánh trị sự Hứa Phi tặng hoa cho ông Frederick Davie, uỷ viên của USCIRF ngày 18/5/2023 

Lê Quang Hiển/HĐLTVN 

 “Tình hình đàn áp, bách hại về tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam rất trầm trọng, cho nên quốc tế đã đưa ra ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân bị bạo hành, và chúng tôi đều là những nạn nhân, trước đây chúng tôi cũng đã tổ chức một vài lần, sau đó do vấn đề chế độ này không cho tụ tập, hoặc là họ ngăn cản, hoặc là khi tổ chức cầu nguyện xong, tưởng niệm xong, họ ‘mời làm việc’, họ sách nhiễu và mới năm ngoái đây, những vị tổ chức đều bị phạt tiền, này nọ các thứ, cho nên khó mà mình tổ chức công khai được,” Hòa thượng Thích Không Tánh, Phó Viện Trưởng Hội Đồng Điều Hành của Tăng Đoàn Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Đồng Chủ Tịch Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, Trụ Trì Chùa Liên Trì ở Quận 2 Sài Gòn, ngôi chùa đã bị chính quyền Việt Nam cưỡng chế, san bằng đầu tháng 9/2016, nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng, nhân ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân bị bạo hành vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng (22/8/2023).


‘Không hề có tự do tôn giáo, nếu có chỉ là ‘cánh tay tuyên truyền’

Hòa thượng Thích Không Tánh, người đã bị nhà nước cộng sản Việt Nam giam cầm ba lần với tổng cộng 15 năm tù đày từ năm 1977 đến gần đây, nói với RFA Tiếng Việt từ một trong những nơi mà ông đang lánh nạn sau khi không còn mái chùa cũ để có thể trụ trì và chăm sóc đời sống tinh thần hàng ngày cho các tín đồ, Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trước năm 1975, tại Sài Gòn.

Ông chia sẻ tiếp về tình hình tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam, qua những gì ông chứng kiến và cảm nhận:

 “Nói chung về vấn đề về tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, tôi xin khẳng định rằng vấn đề đó là hoàn toàn không có và nếu có thì chỉ dưới hình thức của một số nhóm tôn giáo quốc doanh, những đảng viên hay là những người được nhà nước lập nên để làm những cánh tay tuyên truyền cho chế độ, thì hình thức đó là có. Còn những tôn giáo chính thống, chân truyền, độc lập và họ không muốn lệ thuốc dưới ý thức hệ hay thể chế chính trị của nhà nước, thì tất nhiên họ gặp nhiều đàn áp khó khăn, việc này rất nhiều mà không thể nói hết”.

Riêng việc đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (trước 1975), và cả Phật Giáo Hòa Hảo, Giáo hội Cao Đài chân truyền, chính thống, Hòa Thượng Thích Không Tánh cho biết, ở nhiều nơi tất cả tài sản, cơ sở pháp lý, cơ sở truyền đạo đều bị nhà nước lấy hết và bị triệt phá, chỉ còn lại một số ít gắng gượng để duy trì tinh thần độc lập để tự chủ mà thôi, Hòa thượng nói tiếp:

Còn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, họ (chính quyền) lập ra Phật giáo quốc doanh năm 1981, từ đó họ đặt Phật Giáo Thống Nhất ra khỏi vòng pháp luật, thành thử chúng tôi cũng đặt vấn đề là trong tương lai còn lại một ít thôi, chúng tôi cố gắng khiếu nại về vấn đề xâm phạm đó, bây giờ Phật Giáo Thống Nhất của chúng tôi còn lại rất ít, nhưng đôi khi họ (chính quyền) cũng xen vô, để cho Phật Giáo Thống Nhất chia ra, thí dụ hai, ba nhóm. Nhóm thì nói là không làm chính trị, cho nên đứng hàng giữa, nằm yên. Nhóm thì nại rằng nếu đấu tranh thì sợ sẽ bị đàn áp, nên cũng nói kiểu là dung hòa, còn riêng bên Phật Giáo Thống Nhất Tăng Đoàn – Giáo hội của chúng tôi – thì tiếp tục dấn thân theo tinh thần Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) đã có từ trước 1975,” vị Hòa Thượng nói.

Theo Hòa thượng Thích Không Tánh, chi phái này của GHPGVNTN vẫn giữ tinh thần nói trên, nhưng hiện đang bị co cụm, bị đàn áp, cô lập.

Ông cho biết tình hình của một số tôn giáo, tín ngưỡng độc lập khác mà ông đã chứng kiến, cũng bị sách nhiễu đủ điều bởi chính quyền địa phương. Ông nói tiếp:

Chúng tôi ở trong Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, hàng tuần chúng tôi vẫn họp với nhau và vẫn báo cáo những vấn đề đó và thường cũng có những kiến nghị gửi lên cho Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ, hoặc các tổ chức nhân quyền quốc tế, để làm sao áp dụng đạo luật Magnitsky.

Những vi phạm mà không áp dụng, không có sự chế tài nào, thì đối với Việt Nam cũng như không thôi, thành ra chúng tôi vẫn tiếp tục là những nạn nhân hết sức khó khăn và đau khổ. Hiện tại như Chùa Liên Trì của chúng tôi bị tước đoạt, bị giải tỏa, bị lấy đi, họ lấy đi rồi đến bây giờ họ đâu có hoàn trả, nên bây giờ chúng tôi phải đi sống nhờ chỗ này, chỗ khác. Rồi những vị chức sắc mà đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam, cũng đều bị bức hại, đàn áp và bị phạt tiền. Bên Phật Giáo cũng có nhiều và bên các tôn giáo bạn cũng có nhiều, nhưng chúng tôi cũng xin thưa là không có thể tường trình hết ở đây được, chỉ nói chung qua như vậy để quý đồng bào được biết.”


Sao có thể nhốt tất cả tôn giáo, tín ngưỡng vào chung một chiếc lồng?

Bày tỏ cảm xúc riêng tư trong dịp tưởng niệm các nạn nhân bị bức hại vì lý do tôn giáo năm nay, hôm 22/8/2023, Hòa thượng Thích Không Tánh nói thêm với RFA Tiếng Việt:

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam theo chủ thuyết Mác – Lênin, là chủ thuyết vô thần, phi nhân, mà lại không có tôn giáo, cho nên ngàn đời mà bây giờ mình cứ đòi hỏi cộng sản có ‘tự do tôn giáo’, thì đôi khi họ dựng nên cái này, dựng nên cái kia, để họ tạo ra cái đó để che đậy trước thế giới, mà thế giới đâu có biết được. Thế giới chỉ thấy những hình thức chùa chiền, nhà thờ họ xây to để họ kinh doanh thôi và những cán bộ hay những ‘nhà sư’, những ‘chức sắc’ đó đều là vô đảng, đảng viên cộng sản rồi, chứ sự thực họ không giữ gìn đúng chánh pháp nữa, cho nên họ chỉ làm công cụ của chế độ.

Thành thử mình rất buồn cho một nền tự do tôn giáo gọi là chính thống, chân truyền ở Việt Nam, nhưng chúng tôi vận động, đấu tranh rất khó khăn, thì mong rằng quốc tế nhìn thấy và với xu hướng văn minh tiến bộ của nhân loại bây giờ, nhưng trước chủ thuyết ‘Biện chứng pháp duy vật’ vô thần mà bây giờ họ lại khôn ngoan tạo ra những tôn giáo ‘quốc doanh’ làm công cụ tuyên truyền, thì quốc tế đâu có thấy; về hình thức, chùa, nhà thờ hay cơ sở tôn giáo to lớn, còn quần chúng vì niềm tin của mình, thấy ở đâu dựng tượng Phật lên, hay dựng tượng các tôn giáo thì người ta đi lễ thôi, người ta cũng không biết tình hình tôn giáo bị nô lệ và bị áp đặt hay là bị như thế nào. Cái đó là nỗi đau thương chung cho tình cảnh của tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam.”

Đề cập trường hợp ‘Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ’, hay ‘Tịnh Thất Bồng Lai’, một vụ việc mà Hòa thượng cho là một ví dụ tiêu biểu gần đây cho việc chính quyền Việt Nam không tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là với những tôn giáo có màu sắc, căn cước văn hóa dân gian, bản địa, Hòa thượng Thích Không Tánh, nhân dịp này chia sẻ quan điểm riêng với RFA:

TTBL.jpeg

Riêng về vụ Tịnh Thất Bồng Lai, bà con phải biết rằng Tịnh Thất Bồng Lai là một tôn giáo bản địa, người ta tu theo Phật Giáo Tứ Ân Hữu Nghĩa, đó là truyền thống tôn giáo ở miền Tây rất lâu rồi. Quý vị này giữ truyền thống đó, bây giờ nhà nước ép phải vô Phật giáo Việt Nam (của nhà nước), thì tất nhiên là họ không chịu, và quý vị đó chỉ sinh hoạt văn hóa và tu niệm thôi.

Đối với chế độ toàn trị cộng sản, điều gì mà không nghe lời, không chịu sự sai phái của người ta (chính quyền), thì người ta sẽ chụp cho cái này, cái kia, để rồi cuối cùng người ta đàn áp, rồi triệt pháp đi. Thành thử cho nên cũng rất tội nghiệp cho vấn đề Tịnh Thất Bồng Lai, ngay từ đầu khi mà đàn áp cả mấy chú tiểu nhỏ như vậy, rồi vu cho tội này, tội kia, chúng tôi bên phía Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam cũng đã có những bản lên tiếng rất rõ ràng về sự vi phạm nhân quyền và tôn giáo đó, nhưng mà rồi nhà nước vẫn cứ đặt ra kết án. Tôi mong rằng quốc tế nhìn vô và có những sự (hỗ trợ) tích cực, tội nghiệp quá, một vị sư tu theo một pháp môn khác, bởi vì ở Việt Nam có nhiều tông phái, đó là những tôn giáo bản địa, ở Việt Nam Phật Giáo Tứ Ân, Phật Giáo Hiếu Nghĩa tất nhiên người ta giữ truyền thống của người ta, cũng không thể bắt người ta phải cạo trọc hết như phía Phật giáo Việt Nam bên Bắc Tông.”

Theo Hòa thượng Thích Không Tánh, các nhà tu hành ở Tịnh Thất Bồng Lai (hay Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ) đã làm nhiều việc từ thiện góp phần cho văn hóa, đạo đức xã hội, và qua vụ việc chính quyền đối xử với tông phái này, Hòa thượng Không Tánh khái quát hóa vấn đề đối với tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam và chia sẻ những mong muốn trên quan điểm riêng:

“Bản sắc một dân tộc, một quê hương, một đất nước phải có sự đa dạng, có sự tự do, chứ còn bây giờ đặt vô một khuôn khổ, một cái lồng hết, bắt người ta của một tổ chức tôn giáo này phải theo một tổ chức tôn giáo kia, rồi nếu không theo lại quy chụp những tội lỗi này, tội lỗi kia, để rồi bắt nhốt tù đày người ta, thì chuyện đó, tôi nghĩ thế giới và tất cả quý vị mà có lòng đối với vấn đề đó để mà lên tiếng can thiệp mà hy vọng có một sự thay đổi thì quý lắm. Việc này không thể nào kể hết được, chúng tôi mong rằng các chính phủ hay là Liên Hiệp Quốc hay là Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ, các ủy ban nhân quyền quốc tế, có một cái nhìn rất sâu sắc và kỹ lưỡng, và áp dụng những đạo luật đã ban hành,” Hòa thượng Thích Không Tánh, Phó Viện Trưởng Hội Đồng Điều Hành của Tăng Đoàn Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Đồng Chủ Tịch Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 22/8/2023.

https://www.rfa.org/vietnamese

Tags: , , , ,

Comments are closed.