Ls. Lê Quốc Quân – ‘Chuyến bay giải cứu’: Công lý và những câu hỏi còn lại


02/8/2023

Quang cảnh vụ xét xử "chuyến bay giải cứu." (Hình: Trích xuất từ vietnamplus.vn)

Quang cảnh vụ xét xử “chuyến bay giải cứu.” (Hình: Trích xuất từ vietnamplus.vn) 

Bao nhiêu người sẽ đặt câu hỏi: Xét xử môt đại án lớn đến như vậy, hàng trăm ngàn nạn nhân bị “trấn lột” giữa cơn quẫn bách nhưng giờ này họ đang ở đâu?

Thế là “đại án” chuyến bay giải cứu đã khép lại bằng một bản án sơ thẩm với 3 án chung thân mà không có án tử hình. Số tiền tham nhũng vẫn chưa được thu hồi hết trong khi số tiền phạt bổ sung cho mỗi bị cáo nhận hối lộ chỉ ở mức 100 triệu đồng.

Đối với quyền lợi của khách hàng đã mua vé của các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay Combo, hồ sơ vụ án không có cho nên toà không xem xét giải quyết. Toà dành cho công dân đã mua vé quyền yêu cầu doanh nghiệp giải quyết quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

Trước đó khi bị đề nghị án tử, bị cáo Nguyễn Trung Kiên, đã nộp thêm 7 tỷ tiền khắc phục và đã thoát khỏi mức án phạt cao nhất. Ngày 17/7 phiên toà cũng đã tạm dừng để cho các bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả ngay trước khi Viện kiểm sát đề nghị mức án.

Sau đó, Viện kiểm sát đã đề nghị giảm án cho một số người. Dự luận rộ lên vì tính chất “mua bán án” công khai và lo sợ điều đó sẽ trở thành thông lệ.

SAO KHÔNG PHẠT GẤP 1.000 LẦN SỐ TIỀN TỘI PHẠM?

Một điểm quan trọng là sự khác nhau giữa tiền “tội phạm” và “tiền phạt”. Đồng tiền mà các bị cáo đã “đưa và nhận” trong vụ án hối lộ chính là phương tiện phạm tội, phải bị tịch thu.

Theo luật hình sự Việt Nam thì “phạt tiền” có thể là hình phạt chính hoặc là hình phạt bổ sung, đối với những vụ án tham nhũng thì hình phạt bổ sung, trong đó bao gồm cả “tịch thu tài sản” và “phạt tiền”.

Khoản 3, Điều 35 BLHS cho phép các thẩm phán lựa chọn quyết định mức phạt bổ sung dựa vào tính chất, mức độ nguy hiểm và khả năng tài sản của người phạm tội. Luật pháp chỉ ghi mức tối thiểu mà không quy định mức tối đa.

Vì vậy các thẩm phán hoàn toàn có quyền ra một bản án bao gồm một khoản tiền phạt bổ sung đủ lớn, thậm chí lên đến 1.000 lần số tiền tham nhũng ngoài việc tịch thu toàn bộ phương tiện phạm tội tức là số tiền đưa và nhận hối lộ.

Thông thường các thẩm phán là người giàu có ở đô thị nên số tiền họ đang nói đến sẽ thấy bình thường nhưng khi lượng hình thì cần phải so sánh với toàn bộ đời sống của người dân Việt Nam.

Hãy nghĩ đến những đồng bào ở vùng sâu vùng xa, nhìn những công nhân lao động vất vả và số tiền lương lương hàng tháng họ nhận được để thấy rằng số tiền lấy số tiền chục tỷ, trăm tỷ nó lớn đến nhường nào.

Như vậy một bản án nghiêm khắc với hình phạt bổ sung một khoản tiền lớn mới đủ sức răn đe đối với quan chức và có khả năng tiêu diệt ham muốn phạm tội của người khác.

CÔNG LÝ THEO Ý CỦA ĐẢNG 

Điều 2 Luật tổ chức Toà Án ghi rõ “Toà án có nhiệm vụ bảo vệ công lý”

Bản án của toà không đại diện cho ý chí của số đông, cho lương tâm và luật pháp bởi hơn 200.000 nạn nhân bị ngắt ra khỏi vụ án để phải tự kiếm tìm công lý cho riêng mình.

Nhiều người dân còn khẳng định đây là cách nhà nước lấy lại tiền đã bị “trấn lột” của người dân giữa cơn hoạn nạn. 

Giữa lúc rất nhiều người nghèo, người bất đồng chính kiến đang bị án nặng mà không thể tự giải cứu mình trong khi các quan chức có rất nhiều “tình tiết giảm nhẹ. Khoản 1, Điều 51 của BLHS quy định đến 22 tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Một quan chức bình thường khi đứng trước vành móng ngựa đều có thể kiếm ít nhất 2-3 tình tiết như “thành khẩn khai báo, có thành tích xuất sắc trong công tác, gia đình có công với cách mạng, bồi thường khắc phục hậu quả…” Nếu có hơn 2 tình tiết giảm nhẹ thì toà có thể chuyển hình phạt xuống khung liền kề.

Một người dân thường sẽ “không có thành tích trong công tác” và việc khắc phục hậu quả bằng tiền là rất khó khăn. Đối với những người bất đồng chính kiến thì đã tự ý thức được công việc của mình làm nên không có cái gọi là “ăn năn” hoặc thành khẩn khai báo. Do vậy họ có tình tiết tăng nặng thay vì giảm nhẹ và thường bị án cao hơn nhiều.

Việc “khắc phục hậu quả” gần đây lại càng được triển khai mạnh theo chỉ thị 04/CT-TW ngày 02/6/2021 của Trung ương ĐCS. Thu hồi tiền đang được coi như một chủ trương quyết liệt của công cuộc đốt lò nhằm thu hồi tiền tham nhũng.

SỢ HÃI LẤN ÁT VIỆC ĐÒI TIỀN

Khi đóng cửa bầu trời để các chuyến bay “combo” xuất hiện là lúc chính phủ tung một tấm lưới vét khổng lồ giữa trời quang để những quan lùa các nạn nhân vào đó. Đầu tiên hành khách phải đi trên đường bay từ Mỹ hoặc Châu Âu về đi của một hãng hàng không nước ngoài với chỗ ngồi rộng rãi, cách ly đúng chuẩn nhưng khi đã bắt đầu về đến “Nhật bản hay Hàn Quốc” thì tất cả được túm lại, nhồi nhét lên Vietnam Airlines, không có một chiếc ghế trống.

Mỗi một chuyến bay “giải cứu” được thực thi xong tất cả các thành viên tham gia trên chuyến bay đều phải tập trung lại giơ tay cám ơn. Sau khi xuống khỏi chuyến bay “giải cứu” thì bị “hành” trong đó có việc “ngoáy mũi” hàng tiếng đồng hồ tại sân bay trước khi đưa về nơi cách ly mà điều kiện sống không khác tù nhân giam lỏng. 

Rất nhiều nạn nhân đã chứng kiến việc vô lý xảy ra với mình hôm nay nhưng chưa một ai dám đứng ra để làm đơn kiện các cơ quan chính phủ trả lại tiền. Trong mấy chục năm cầm quyền bằng chuyên chính vô sản, chính quyền đã tạo ra một nỗi sợ hãi của Nhân dân đối với bộ máy nhà nước.

Nhưng ít nhất thì bây giờ trong bản án, toà đã dành cho họ quyền được liên hệ với các doannh nghiệp để đòi lại quyền lợi của mình. Tôi đã liên hệ thăm hỏi với 3 nạn nhân mà mình biết để vận động đứng ra làm đơn kiện nhưng chưa một ai dám.

Họ sợ. Nỗi sợ đã ăn sâu vào tất cả những người con dân Việt Nam, ngay cả việc đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. Hình như luật pháp và toà án có vẻ vẫn là nỗi khiếp đảm của công dân.

NHỮNG CÂU HỎI CÒN LẠI 

Công lý chính là lý chung được mọi người thừa nhận dựa trên hạt nhân là đạo đức và niềm tin vào pháp luật. Khi luật pháp đang tách những người có quan chức và quyền lực ra để được đối xử theo một hướng riêng bằng ý chí của đảng và bỏ lại các nạn nhân thì bản thân nó đã tạo ra sự bất công. Khi luật pháp bất công thì không còn là luật pháp. (Unjust laws are not laws).

Khi nhìn vào đại án chuyến bay giải cứu, ta mong muốn đi kiếm tìm công lý cho tất cả, nghĩa là tìm kiếm sự công bằng ai đã làm gì, hậu quả ra sao thì nhận được mức độ trừng phạt tương ứng. Tiếc rằng chúng ta chỉ thấy sự bất công dâng tràn ở mức cao nhất.

Bao nhiêu người sẽ đặt câu hỏi: chỉ có các vụ trưởng, thứ trưởng bị xét xử, 2 phó thủ tướng bị thôi chức, thế còn thủ tướng thì sao?. Thủ tướng phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng vì những hành vi của cấp dưới của mình?

Bao nhiêu người sẽ đặt câu hỏi: Xét xử môt đại án lớn đến như vậy, hàng trăm ngàn nạn nhân bị “trấn lột” giữa cơn quẫn bách nhưng giờ này họ đang ở đâu? họ là sinh viên, người lao động và thậm chí cả tù nhân… những đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt của họ giờ đang ở đâu?

Bao nhiêu người trong ngành từ pháp phải đặt lại vấn đề về nguyên tắc “suy đoán vô tội” đã được quy định tại điều 13 – Bộ luật tố tụng hình sự? Chiếc va li mã số 104 thực sự chứa 450 ngàn đô la hay chỉ có 4 chai rượu vang?

Tiền lệ này không hề mới với những người bất đồng chính kiến mà đảng muốn tiêu diệt, nhưng sẽ là câu hỏi nhức buốt tinh khôi với tất cả quan chức mà đảng cũng đang muốn loại trừ.

Bản án của toà đã không đại diện cho công lý. Nó chỉ thoả mãn một phần bức xúc nhỏ nhoi trong đời sống của người dân Việt Nam, ngược lại, một chiều kích khác, nó gợi lên những suy nghĩ sâu sắc để chống lại bất công.

https://www.voatiengviet.com

Comments are closed.