Người thách thức “giá trị châu Á” của Lý Quang Diệu – Có cần phải đánh đổi quyền tự do lấy phát triển kinh tế?


Hoàng Dạ Lan / Tạp chí Luật Khoa

Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa. 

11/10/2023

” Trong bối cảnh của Việt Nam, chúng ta có thể thấy rằng tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với phát triển trong nhiều trường hợp:

Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng khiến môi trường ngày càng trở nên ô nhiễm, hiện tượng đánh đổi môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế diễn ra ở nhiều địa phương.

Hệ thống giáo dục quốc dân đã trải qua nhiều lần cải cách, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết, bao gồm vấn nạn dạy thêm – học thêm, chương trình mang tính nhồi nhét và bị chính trị hóa, thiếu tính khai phóng”.

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là người lãnh đạo đảo quốc Singapore từ năm 1959 đến năm 1990. Với tài năng, tâm huyết, và tính thực dụng cao, ông và Đảng Hành động Nhân dân đã đưa Singapore từ một vùng đất kém phát triển trở thành một trong những con rồng châu Á. Ông cũng là người đại diện và người ủng hộ nhiệt thành cho mệnh đề “Giá trị châu Á”.

Lý Quang Diệu cho rằng thành công của những “con rồng châu Á” (Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong) trong thập niên 1990 xuất phát từ nền văn hóa Nho giáo, bao gồm tính tiết kiệm, sự cần cù, tính kỷ luật, lòng hiếu thảo và trung thành với gia đình và dòng tộc, cùng với tinh thần hiếu học và cầu tiến. [1] Lý giải mối quan hệ giữa văn hóa và thể chế chính trị, những người ủng hộ mệnh đề “Giá trị châu Á” cho rằng mô hình dân chủ và nhân quyền của phương Tây không có giá trị phổ quát, không phù hợp với truyền thống và lịch sử phát triển của các nước Á châu. [2]

Ngược lại, những người ủng hộ thuyết nhân quyền là giá trị phổ quát có quan điểm đối lập. Họ cho rằng luận đề “Giá trị châu Á” thường được tán dương và cổ xúy bởi các nhà lãnh đạo độc tài nhằm biện minh cho việc mở rộng quyền lực nhà nước và đàn áp nhân quyền. Đại diện tiêu biểu cho quan điểm này là Amartya Sen, nhà kinh tế học và triết gia xuất sắc người Ấn Độ.

Bài viết này sẽ điểm qua những luận điểm chính của mệnh đề “Giá trị châu Á” và sau đó giới thiệu đến độc giả chủ thuyết “Phát triển là tự do” của Amartya Sen.

Luận đề “Giá trị Châu Á”

Luận đề “Giá trị châu Á” thường nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của Nho giáo đối với đời sống kinh tế – chính trị của các nước Á châu, đặt trong thế đối lập với hệ giá trị đề cao dân chủ và nhân quyền của phương Tây. Luận đề này bao gồm các luận điểm sau:

Nhìn chung, người châu Á thường coi trọng các giá trị gia đình và giá trị tập thể, và sẵn lòng hy sinh quyền tự do cá nhân vì lợi ích của cộng đồng và tập thể. Theo Huntington, “Di sản Nho giáo của Trung Quốc nhấn mạnh vào uy quyền, trật tự, tính thứ bậc và việc đặt lợi ích tập thể lên trước lợi ích cá nhân, tạo ra trở lực cho quá trình dân chủ hóa”. [3] Nhìn chung người châu Á, đặc biệt là ở Đông Á, coi trọng các giá trị như sự đồng thuận, thống nhất và tính cộng đồng, trong khi phương Tây thường cổ xúy đa nguyên, bất đồng, cạnh tranh, chủ nghĩa cá nhân, và tự do cá nhân. 

Khái niệm đất nước là một sự mở rộng của khái niệm gia đình. Giống như việc các sinh hoạt trọng yếu trong gia đình cần được quyết định bởi người gia trưởng, đất nước cần phải được quản lý bởi một nhà nước mạnh, tập quyền (parent state – nhà nước gia trưởng, nhà nước phụ mẫu), trong sạch, và hiệu quả. Lãnh đạo bộ máy nhà nước phải là một người mạnh mẽ, quyết đoán, duy trì được ổn định chính trị và trật tự xã hội để phát triển kinh tế, biết cách làm cho dân chúng tin phục. Nhà nước biết rõ điều gì là tốt nhất cho xã hội và đưa ra các quyết sách dựa trên niềm tin đó. [4]

Các quyền tự do kinh tế quan trọng hơn các quyền tự do chính trị. Nếu nhà nước đảm bảo tăng trưởng kinh tế và đa số người dân trong độ tuổi lao động có việc làm thì người dân không cần quá nhiều quyền tự do chính trị. Điều này tương phản với truyền thống phương Tây, trong đó các giá trị nhân quyền được xem như thiêng liêng và bất khả xâm phạm.

https://www.luatkhoa.com/content/images/2023/10/00lee-kuan-yew-adv-obit-slide-M7XA-superJumbo.jpg

Ông Lý Quang Diệu vào năm 1963. Ảnh: Larry Burrows/ The LIFE Picture Collection.

Amartya Sen và mệnh đề “Phát triển là tự do”

Một trong những học giả chỉ trích mệnh đề “Giá trị châu Á” mạnh mẽ nhất là Amartya Sen. Trong cuốn sách “Development as Freedom” (tạm dịch: Phát triển là tự do), ông đưa ra nhiều phê phán sắc bén đối với quan niệm truyền thống về phát triển, vốn thường dựa vào hiệu suất kinh tế được đo lường qua tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo Amartya Sen, tự do không chỉ là “phương tiện”, mà còn là “mục đích” của phát triển. Ông cho rằng mục tiêu cuối cùng của phát triển là cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc mở rộng và bảo vệ các quyền tự do của họ. [5]

Ông định nghĩa phát triển dưới góc độ mở rộng và bảo vệ các quyền tự do của con người, bao gồm năm khía cạnh quan trọng: 

Các quyền tự do chính trị (political freedoms): công dân có quyền tự do lựa chọn người lãnh đạo chính phủ, có quyền tự do phê phán và chỉ trích chính quyền, có quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt. Báo chí không bị kiểm duyệt hoặc kiểm soát bởi nhà nước, đảm bảo tính khách quan và đa dạng trong thông tin.

Các quyền tự do kinh tế (economic facilities): liên quan đến khả năng sở hữu và sử dụng các nguồn lực kinh tế phục vụ các mục đích sản xuất, tiêu dùng và giao dịch trên thị trường. 

Nguồn lực xã hội (social opportunities): Ông đặt trọng tâm vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các loại hình dịch vụ xã hội khác, đảm bảo mọi người có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như tham gia tích cực vào các hoạt động kinh tế và chính trị.

Bảo đảm minh bạch (transparency guarantees): liên quan đến mức độ công khai và minh bạch trong đời sống kinh tế và xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng và tiêu cực trong bộ máy nhà nước.

An sinh xã hội (protective security): Ông xem đây là quyền cơ bản giúp bảo vệ các nhóm yếu thế hoặc các cá nhân gặp rủi ro trong xã hội, bao gồm trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp hộ nghèo, và các chương trình nhà ở xã hội. Mục tiêu nhằm đảm bảo mọi người có một mức sống tối thiểu và không bị bỏ lại trong hoàn cảnh khốn cùng, đói khát. 

Ông Amartya Sen vào năm 2022. Ảnh: Stephanie Mitchell/ Harvard.

Theo Amartya Sen, một xã hội có thành công hay không cần phải được đánh giá dựa vào việc người dân nước đó được hưởng các quyền tự do đến mức nào. Việc có nhiều tự do hơn không chỉ thúc đẩy cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống của một cá nhân mà còn giúp người đó củng cố khả năng cải biến thế giới xung quanh theo chiều hướng tích cực. 

“Phát triển” không chỉ là tập trung vào việc gia tăng thu nhập và của cải, mà còn là việc loại bỏ những yếu tố cản trở tự do của người dân, chẳng hạn như nghèo đói, mù chữ, các rào cản gia nhập thị trường và suy thoái chính trị. Khái niệm “Phát triển là tự do” của Amartya Sen thể hiện sự đánh giá rộng hơn và toàn diện hơn về phát triển, thúc đẩy việc tạo ra các chỉ số giúp đánh giá một cách tổng quan tiến trình phát triển của một quốc gia.

Những người ủng hộ luận đề “Giá trị châu Á” thường đặt quyền tự do chính trị và tự do kinh tế ở thế đối lập nhau. Họ cho rằng người dân có thể cần phải hy sinh quyền tự do chính trị ở một mức độ nhất định để đạt tăng trưởng cao về kinh tế. Amartya Sen khẳng định rằng hai chiều kích phát triển này không có sự mâu thuẫn nội tại. Thậm chí việc mở rộng các quyền tự do chính trị còn đảm bảo sự phát triển kinh tế một cách bền vững. 

Ông cho rằng các nền kinh tế ở Đông Á (bao gồm Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc thời hậu Mao Trạch Đông) có những bước phát triển thần kỳ trong giai đoạn 1960 – 1990 không phải vì đây là các nhà nước độc tài và đàn áp quyền tự do dân sự – chính trị của người dân. Ngược lại, các nước này tăng trưởng kinh tế ngoạn mục là do dân chúng có tỷ lệ biết đọc biết viết cao, nền giáo dục chất lượng cao, cải cách ruộng đất thành công, nền kinh tế tuân theo các quy luật thị trường, nhà nước thực thi các chính sách thúc đẩy đầu tư, xuất khẩu và công nghiệp hóa nền kinh tế, thúc đẩy tự do cạnh tranh, thực thi chiến lược hội nhập và mở rộng thị trường quốc tế. [6]

Ông khẳng định chế độ dân chủ còn ưu việt hơn thể chế độc tài trong việc ngăn chặn các thảm họa nhân đạo nghiêm trọng. Bằng chứng là trong lịch sử thế giới, không có nạn đói lớn nào từng xảy ra ở một nước dân chủ với một nền báo chí độc lập, dù là ở Tây Âu – Bắc Mỹ giàu có hay ở các khu vực kém phát triển hơn như châu Á và châu Phi. [7] Có được điều này là do các nền dân chủ hiệu quả thường cung cấp nhiều kênh để người dân tạo áp lực lên chính quyền (như thông qua bầu cử, biểu tình, đình công, báo chí độc lập, v.v.), buộc nhà cầm quyền phải đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của cộng đồng. 

Thực tế thì những nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử thế giới đều xảy ra ở những xã hội độc tài – toàn trị. Ví dụ như nạn đói Holodomor ở Liên Xô trong những năm 1930 do chính sách công nghiệp hóa thần tốc và tập thể hóa nông nghiệp cưỡng bách của Stalin. Nạn đói gây ra thiệt hại về nhân mạng lớn nhất trong lịch sử thế giới xảy ra ở Trung Quốc từ năm 1958 đến năm 1961, giết chết hàng chục triệu người, là hậu quả của chiến dịch Đại nhảy vọt của Mao Trạch Đông.

Quan trọng hơn, Sen khẳng định quyền tự do chính trị và tự do dân sự là những quyền thiêng liêng của công dân, chúng có tầm quan trọng nội tại, mà không cần phải chứng minh cho giá trị của mình thông qua tác động tích cực đến đời sống cá nhân hay những lợi ích kinh tế – xã hội mà chúng có thể mang lại. [8]

Áp dụng vào bối cảnh Việt Nam

Người viết rất khâm phục những thành quả kinh tế và xã hội ấn tượng mà Lý Quang Diệu và Đảng Hành động Nhân dân của ông đã đem đến cho đảo quốc Singapore. Tuy nhiên nhiều quan điểm Lý Quang Diệu cổ xúy đã và đang bị các nhà nước độc tài lợi dụng để duy trì thế áp bức chính trị, gây bất lợi cho phong trào dân chủ ở châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Các quyền tự do dân sự và tự do chính trị không chỉ là đặc quyền dành riêng cho công dân ở các nước phương Tây, chúng là các giá trị phổ quát, vượt qua các ranh giới văn hóa. Nhà xã hội học người Đức Max Weber (1864 – 1920) định nghĩa nhà nước là “một tổ chức có độc quyền sử dụng bạo lực một cách hợp pháp trên một lãnh thổ nhất định”. [9] Chính vì có sự độc quyền trong việc sử dụng bộ máy cảnh sát, công an, quân đội, nhà tù, nhà nước là thiết chế có khả năng đe dọa lớn nhất đối với quyền tự do của mỗi công dân. Do đó, trong bất cứ xã hội nào, chúng ta cần có các thiết chế giúp hạn chế quyền lực nhà nước cũng như bảo vệ các quyền tự do dân sự và tự do chính trị cơ bản của công dân. [10]

Trong khi Lý Quang Diệu khẳng định thành công của các con rồng Đông Á trong thập niên 1980 có nguồn gốc sâu xa là những giá trị văn hóa Khổng – Mạnh, cũng chính những giá trị này bị nhiều học giả cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cho là bảo thủ, giáo điều, kéo lùi sự phát triển của văn minh Á châu trong mối tương quan với phương Tây. [11] Trong Đại Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, Nho giáo thậm chí bị xem là hệ tư tưởng cũ, văn hóa cũ, cần phải bị tiêu trừ. Lăng mộ của Khổng Tử ở tỉnh Sơn Đông thậm chí còn bị đập phá và thiêu hủy bởi Hồng vệ binh. Tóm lại, như nhà báo Fareed Zakaria nhận xét, văn hóa có tính phức tạp cao độ, chứa đựng cả các yếu tố tích cực và tiêu cực, người ta có thể tìm thấy trong văn hóa những gì mà họ muốn để bảo vệ cho luận điểm của mình. [12]

Những người khẳng định người dân châu Á chỉ muốn làm giàu, không quan tâm đến các quyền tự do dân chủ chắc hẳn đã quên những sự kiện như Thiên An Môn năm 1989, nơi mà hàng triệu người đổ ra đường tại trung tâm Bắc Kinh và hàng trăm thành phố lớn nhỏ khắp Trung Quốc, nhằm đưa ra các yêu sách đòi cải cách chính trị đối với Đảng Cộng sản. Phong trào chỉ bị dập tắt khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa quân đội và xe tăng vào thành phố, dùng vũ lực để trấn áp người biểu tình.

Gần đây hơn, chúng ta chứng kiến phong trào dù vàng năm 2014 của người dân Hong Kong nhằm phản đối can thiệp của Bắc Kinh vào bầu cử đặc khu trưởng. Năm 2019, các cuộc biểu tình cực lớn thu hút hàng triệu người đã nổ ra trên khắp Hong Kong nhằm phản đối dự luật dẫn độ. 

Đứng trước các đàn áp chính trị ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh, hàng trăm ngàn người dân Hong Kong đã và đang nộp đơn xin visa để đến sống tại Anh Quốc. [13] Tại đất nước mới, nhiều người trong số họ phải đối mặt với một mức sinh hoạt phí đắt đỏ và chấp nhận làm việc trong ngành khách sạn và bán lẻ, vốn yêu cầu trình độ kỹ năng thấp hơn năng lực vốn có của họ. [14] Rõ ràng là đối với những người Hong Kong này, quyền tự do chính trị quan trọng hơn điều kiện kinh tế.

Quan trọng hơn, văn hóa không phải là thứ đứng yên hay bất biến, mà luôn chịu ảnh hưởng từ các tác nhân bên ngoài, các luồng tư tưởng ngoại sinh. Việc Hàn Quốc, Đài Loan, và Nhật Bản thực hiện dân chủ hóa thành công và được tổ chức Freedom House xếp hạng là các nước “tự do” (free) cho thấy dân chủ hoàn toàn có thể bén rễ và phát triển ở các xã hội chịu ảnh hưởng mạnh của Nho giáo.

Trong bối cảnh của Việt Nam, chúng ta có thể thấy rằng tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với phát triển trong nhiều trường hợp:

Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng khiến môi trường ngày càng trở nên ô nhiễm, hiện tượng đánh đổi môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế diễn ra ở nhiều địa phương.

Hệ thống giáo dục quốc dân đã trải qua nhiều lần cải cách, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết, bao gồm vấn nạn dạy thêm – học thêm, chương trình mang tính nhồi nhét và bị chính trị hóa, thiếu tính khai phóng.

Tự do học thuật trong các trường đại học vẫn là một ước mơ xa vời khi cả giảng viên và sinh viên phải tự kiểm duyệt trên giảng đường cũng như trong nghiên cứu khoa học.

Sự độc quyền quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường tạo ra một hệ thống tư bản thân hữu bám rễ sâu vào hệ thống chính trị. Tham nhũng trở thành căn bệnh trầm kha, bộc lộ rõ ràng nhất trong vụ kit test Việt Á và “chuyến bay giải cứu”, trong khi cả nước oằn mình gánh chịu những hậu quả đau thương của COVID-19.

Cơ chế “đảng cử dân bầu” khiến cho các cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp còn mang tính hình thức, người dân ngày càng trở nên vô cảm, thờ ơ với “ngày hội lớn của toàn dân”. Người dân bị hạn chế các quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do lập hội và tự do biểu tình.

Những thách thức ngày càng lớn trong tiến trình phát triển của Việt Nam không thể được giải quyết bằng việc châm biếm tình trạng “bất ổn chính trị”, “tự do quá đà” của các nền dân chủ phương Tây, hoặc bằng việc rao giảng “quan điểm dân chủ, nhân quyền của phương Tây không phù hợp với Việt Nam”, chúng ta cần phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, “hòa nhập nhưng không hòa tan”. 

Những thách thức này chỉ có thể được giải quyết khi mỗi một người dân Việt Nam và các quyền tự do của họ được đặt ở vị trí trung tâm của quá trình phát triển, đây cũng chính là khát vọng, là đích đến của nhân loại tiến bộ.

https://www.luatkhoa.com/2023/10


Tags: , , ,

Comments are closed.