Nguyễn Hồng Lam – Vẻ đẹp đau đớn 


20/7/2023

Còn 10 ngày nữa mới hết tháng Bảy. Lẽ ra đến lúc đó, Facebook nhắc, tôi mới cho đăng lại bài viết ngắn này. Nhưng tôi không chờ được. 

Cả chục ngày nay, tòa đang xử những tên tội phạm có chức quyền mượn danh giải cứu để cướp cạn của đồng bào trong cơn khốn quẫn. Tôi đã cố kìm nén để không viết một chữ nào. Kìm nén một cơn nôn mửa. Sự phẫn uất, kinh tởm vượt ngưỡng cứ chực trào. 

Nhìn bức ảnh cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan – một trong những bị cáo đầu têu –  ra tòa vẫn trâng tráo cười, tôi chỉ ao ước được đến gần đấm thẳng một phát cho gãy răng, bể mũi, dù trong đời thực, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ, lời nói hàm hồ với phụ nữ, đừng nói chi đến ao ước hành vi… Một nụ cười vô sỉ và táng tận, xa lạ với con người, của một người đàn bà đẹp, sang trọng, có học thức và chức quyền nhưng không ngần ngại hút máu mủ đồng bào. Đó là nụ cười kinh tởm nhất, khốn nạn nhất mà tôi phải gặp. Cả 53 đồng phạm cùng phiên tòa và không biết bao nhiêu kẻ khác chưa lộ mặt, chưa bị lôi ra trừng trị nữa…

Không tha thứ được, không kìm nén được nhưng không thay đổi được, tôi sẽ cố quên. Đành thôi! Nhưng còn những khuôn mặt, những cái nhìn lầm lũi khác của cả triệu đồng bào tôi, hai năm rồi, thời gian nào có thể phủ nhòa?

Và tôi post lại bài này, để tưởng niệm Cuộc hồi hương Tháng Bảy….

********** 

Từ đầu tháng Bảy, dòng người hồi hương trốn dịch đã bắt đầu lác đác. Khi nó trở nên rầm rộ, ngày 16/07 Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu các địa phương hỗ trợ phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận người dân từ TP Hồ Chí Minh, rồi Bình Dương, Đồng Nai… trở về. Suốt tháng, vang dọc chiều dài đất nước là một trường ca buồn thương, bi tráng. Điệp khúc được xếp bằng những thân phận người nghèo khát tìm tương lai, từng bỏ hoa về phố, vì dịch dã mà đành quay lại. 

Đủ màu sắc, cung bậc: từ hỗ trợ, đón đưa, đi bộ, đi xe đạp rồi đi xe máy; đi một mình, theo nhóm rồi tự kết thành đoàn. Đủ thành phần, từ cụ bà 70 đến em bé chưa đầy 10 ngày tuổi… Tất cả chung nhau một chữ khó nghèo. 

Và tất nhiên, cũng không thiếu những kỷ lục không ai muốn lập. Đó là khi bốn mẹ con nghèo chở nhau trên xe đạp cà tàng với lỉnh kỉnh nồi niêu từ Đồng Nai đạp về Nghệ An nhưng đi suốt chục ngày cũng mới đến Phan Rang. Đó là bà cụ 75 tuổi đi bộ một mình, định đo hết chiều dài đất nước. Đó là em bé khát lả trên tay mẹ, mẹ (mới sinh mổ) và con sơ sinh rúm ró nép vào lưng bố trên xe máy cũ, vượt nắng gió 1.500 km để về quê, một bản làng H’Mong xa lắc xa lơ ở biên giới Việt – Lào thuộc huyện Tương Dương, Nghệ An… 

Chưa ai đưa ra được thống kê đầy đủ, song chắc chắn, đây là đợt hồi hương đông đảo nhất trong lịch sử, đáng để lưu ký bằng một tượng đài. Tôi không gọi là về quê, như lệ thường, của người lao động, sinh viên… hai mùa hè, Tết. Trở về chuyến này là ngoài ý muốn. Bất đắc dĩ, không còn lựa chọn nào khác, người Việt khắp nơi đang sống ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành phải tỏa về cùng đợt kéo dài. Khi giấc mơ bị chặn, ao ước đã khánh kiệt, họ phải từ bỏ, quê nhà sẽ là chốn cuối cùng. May mà trong tâm thức Việt, con người còn đau đáu chữ cố hương. 

Và chiều ngày cuối cùng của tháng Bảy, Thủ tướng chính phủ đã có công điện gửi các tỉnh về việc chống dịch, trong đó nhấn mạnh, ai ở đâu ở nguyên đấy, ai lỡ đi thì đón, còn thì không được để người dân tiếp tục rời đi. Đồng nghĩa, cuộc hồi hương vĩ đại đến đây phải tạm dừng. Sao phải bắt dừng? Nhưng chừng đó cũng tạo lập nên một hồi ức dòng người thiên di  phương Nam chưa đến đích đã phải lai hồi. Sẽ có nhiều người đã quay về là không trở lại. Họ để lại một cơn mơ dang dở nhiều nuối tiếc. Một bài ca đẹp nhưng buồn và đau đớn.

Theo nghề viết gần 30 năm, tôi đã bỏ một nửa thời gian trong số đó ruổi rong xe máy đi khắp mọi miền đất nước. Trong cơn mê khám phá thời trai trẻ, tôi luôn muốn đến những nơi xa xôi nhất, chỉ muốn chân mình in trên những chốn chưa có con đường. Nhưng cũng chỉ là rong chơi, có bao giờ đi hết được. 

Giờ, dõi theo đoàn người với hàng vạn chiếc xe máy lầm lũi, hàng vạn cuộc đời hốc hác kia, giấc mơ tôi thật quá nhỏ nhoi và rất đỗi tầm thường. Đất nước của tôi không có nơi nào đáng gọi là thâm sơn cùng cốc, là xa lạ nữa, để dành cho nhưng say mê đi chuyến để đời, đi như kỳ tích. Hàng vạn cuộc đời kia đã rải khắp muôn nơi, về khắp muôn nơi. Với họ, đường sá có điệp trùng, khúc khuỷu, có phải vượt rừng rậm, núi cao…thì đơn giản đó cũng chỉ là cuộc sống. Họ vẫn nhọc nhằn đi qua mỗi tháng mỗi ngày, không có mấy thời giờ để nghĩ nhiều hơn chuyện đời thường cơm áo.

Đường về quê thăm thẳm. Nếu thong thả hơn, người ta dễ dàng  nhận ra cảnh vật mỗi tỉnh thành là một sắc màu, giúp nhận ra địa phận mới bởi một công trình nào đó, cái xây sau luôn cố vượt lên, đồ sộ hơn cái xây trước như một sự đố kỵ tranh đua. Tỉnh, huyện nào cũng không thiếu cổng chào to, tượng đài lớn. Tuy cố tỏ ra khác biệt nhưng vẫn cứ là na ná, thô và xấu không kém gì nhau. Trước cơn đại dịch không lâu, nhiều chốn, nhiều nơi vẫn đang cố  xin xây cho kỳ được tượng đài hàng trăm, hàng ngàn tỉ. Không biết, khi dịch dã đi qua, những ao ước hợm hĩnh, vụ lợi và lãng phí ấy có cơ hội giảm bớt hay không.

Giảm hay không cũng không cần biết. Đoàn người hồi hương khốn khổ vẫn lao hối hả. Họ đi để cốt về, có bao giờ thảnh thơi thưởng lãm như khách nhàn du, như tôi, như bạn. Đôi chỗ, họ vội vã đi xuyên trong đêm, nếu không thì cũng trong mưa nắng nhạt nhòa, người sau chỉ chú mục vào lưng người trước. Chỉ mong sớm đến nơi, chắc họ không nhớ nhiều đến chỗ đã truổi qua. Trước mặt họ chỉ có con đường đang mong ngắn lại. Tượng đài với cổng chào lỡ có đập vào mắt cũng thành vô hình, trong suốt, không lưu chút ấn tượng trầm trồ. Có chăng càng to cao, càng đồ sộ càng gợi niềm cay đắng bé nhỏ phận người.

Nhưng dù vậy, trong ký ức buồn, nhiều người sẽ vẫn nhận ra sự khác biệt. Đầu mỗi địa phương, cái giúp họ nhận ra là xe đón – dẫn đoàn chờ sẵn; là trạm tiếp nước, thức ăn; là mái bạt tạm cho đoàn lữ hành ngã lưng qua đêm muộn; là chỗ giúp sửa xe và chai xăng hỗ trợ hay giúp đưa xe qua hầm tránh đèo; là phong bì mỏng phụ chút tiền đường hay chai nước cho người già, hộp sữa cho cháu bé.  Tất cả được gửi theo cùng nỗi cảm thương. 

Không cần đăng ký và chờ duyệt, tượng đài đã được xây bằng nghĩa đồng bào, cổng chào đã dựng nên trong tình chia sẻ. Lẽ tất nhiên, bóng dáng công bộc của nhân dân cũng không thể thiếu. Nó hiện ra từ sự tận tình của các lực lượng tham gia hỗ trợ, cả phân công và tự nguyện. Dù nắng hay mưa, những tượng đài kia vẫn ngày một vững thêm. Cổng chào kết bởi ân tình, tượng đài đã dựng giữa lòng người thì không bao giờ đổ. 

Tên của nó là tượng đài Cuộc hồi hương Tháng Bảy.

31-7-2021

NGUYỄN HỒNG LAM 20.07.2023

https://thuymyrfi.blogspot.com/

Comments are closed.